18 thg 2, 2024

CÁC TRƯỜNG NỮ CÔNG SỚM NHẤT Ở SÀI GÒN - Pham Công Luận

Mùa hè năm 1937, nhờ có đường xe lửa xuyên Việt mới hình thành năm trước, nhà văn Nguyễn Công Hoan lên đường vào Nam để tìm hiểu thành phố Sài Gòn. Trong cuốn tạp ghi “Nhớ và Ghi” xuất bản năm 1978, có nhiều ghi nhận của ông về thành phố này trong chuyến viếng thăm lần đầu tiên này. Trong đó có một đoạn thú vị: “Tưởng Sài Gòn là đất giàu có ăn chơi, thì con gái phải diện hơn con gái Hà Nội. Chả hóa ra không phải. Trong khi ở Hà Nội không có một trường nữ công nào, thì ở Sài Gòn có vô số trường dạy nữ công, nhiều con giống làm bằng bông, hoặc thêu, rất đẹp. Các cô con gái thì ăn mặc giản dị, chứ không phấn sáp, đỏm dáng như các cô Hà Nội. Hồi này, con gái Hà Nội đi xe đạp chỉ để diện. Xe phải đẹp, nhiều cô lại mặc soóc cho ra dáng thể thao, thì ở Sài Gòn, phụ nữ đi xe đạp để làm công việc, như đi chợ chẳng hạn, xe không đẹp, mà người ngồi xe không mặc diện”.
Lướt qua những so sánh về thiếu nữ hai miền, chúng ta quan tâm đến sự phát triển mạnh mẽ của các trường dạy nữ công ở Sài Gòn, trong khi ở Hà Nội chưa có theo ghi nhận của Nguyễn Công Hoan.
 
SÀI GÒN ĐI TRƯỚC
Thật ra, ở miền nào cũng có nhiều phụ nữ giỏi nghề bếp núc, may vá thêu thùa, nhất là ở những thành phố lớn, Hà Nội ngàn năm văn vật hay cố đô Huế tất nhiên nằm trong số này. Tuy nhiên, để mở ra một trường nữ công lại cần những yêu cầu khác trong việc tổ chức, xây dựng chương trình, đòi hỏi sự điều hành chuyên nghiệp. Sài Gòn đã đi trước việc này, nguyên do phần nào được lý giải từ báo Phụ Nữ Tân Văn, số 183, 29/12/1932 trong bài viết “Đàn bà Việt Nam đi qua Pháp học nữ công”. Theo bài viết, trong “mấy năm gần đây”, tức khoảng cuối thập niên 1920, số phụ nữ Việt Nam xuất dương đi du học ở bên Pháp nói chung là khá đông, trong đó đã có nhiều người học đậu bằng cấp nầy, bằng cấp nọ. tác giả cho rằng “Song nếu hỏi những phụ nữ xuất dương của ta đó có ai chuyên học về nữ công nữ nghệ hay không, thì chúng tôi tưởng rằng ít lắm. Thực tế tuy không nhiều những đã có một số cô đã sang đó học nữ công và đã thành tài về nước”.
Trong số đó có cô Nguyễn Thị Giáp, nữ giáo viên ở trường Nữ Học đường Sài Gòn. Nguyên trước đây cô Giáp đã du học bên Pháp trong 18 tháng trời, theo học tại trường nữ công Paris (Ecole normale professionnelle). Cô học tại trường nầy trọn một năm, đến kỳ thi tốt nghiệp có cả thảy là 48 người, nhưng chỉ đậu được có 28 người mà trong số đó cô Giáp đứng hạng 8. Ngôi trường Nữ công cô học chỉ dành cho các cô giáo có bằng cấp vào học. Trường dạy về những món như thêu thùa, may vá, nấu ăn, làm bánh, v.v… đầy đủ các nghề thuộc về nữ công. Cô Giáp là phụ nữ Việt Nam đầu tiên lãnh bằng tốt nghiệp trường này. Trong 18 tháng ở Pháp, bên cạnh việc theo học ở trường Nữ công, cô Giáp còn dùng những ngày rảnh rỗi để đến viện Dục Anh ở Paris để học thêm về cách chăm sóc trẻ em. Do đó, khi đến kỳ thi của Hội “La Gouttle de lait de Belleville”, do bác sĩ Variot sáng lập, cô Nguyễn Thị Giáp được chấm đậu và được lãnh bằng cấp của Hội Dục Anh.
Cô Giáp là một trong những phụ nữ được học hành bài bản sớm nhất để về mở trường nữ công tại Sài Gòn.
Đầu thập niên 1930, ở Sài Gòn đã có những trường nữ công sau đây:
Trường Thanh Tâm - Nữ công học đường: thành lập khá sớm khoảng năm 1930 hoặc 1931, ở địa chỉ số 225-227-229-231 đại lộ Gallieni (nay là Trần Hưng Đạo) gần ga xe điện Louvain. Trường dạy Pháp văn và nhiều dạy đủ môn gia chánh. Khoa công nghệ với 12 nữ giáo viên có nghề chuyên môn dạy nhiều môn như may chemise, pyjama, thêu máy, làm bánh mứt, thêu bắc, thêu ruban, ép bông nhung, cột tapis, nấu ăn Tây, Tàu và Nam. Trường cam đoan là học viên mau thành nghề, chi phí bột đường để làm bánh do trường chi. Ngoài các giáo viên, trường còn cho mời bà Lê Thị Án ở Mỏ Cày và bà Lê Ngươn Đáng là những phụ nữ giỏi gia chánh để về trường dạy cho học viên về kỹ thuật làm bánh mứt. Ngoài ra, trường cũng nhận may áo lót, áo dài, áo đầm với giá rẻ và kỹ càng. Đã vậy, các quý bà quý cô đặt thêu thường đặt may đồ dài giúp cho trường đều được dự cuộc xổ số mỗi tháng trúng được đồ có giá trị. Trường có cả giáo viên chuyên dạy ép bông nhung với học phí rẻ, chỉ 10 đồng, dạy cho đến khi biết làm. Trường này quảng cáo trên báo Phụ Nữ Tân Văn tháng 12 năm 1931, tự hào là trường Nữ công lớn nhứt Sài Gòn, có nền nếp kỷ luật, đáng cho phụ huynh tin cậy gởi con em đến học.
Trường nữ công Mỹ Ngọc: thành lập năm 1933 do bà Phạm Thị Ngọc làm chủ. Trường đóng cùng con đường với trường Thanh Tâm Nữ Công, tại số 53 Galliéni, dạy thêu may, làm bánh mứt và nấu ăn. Đến năm 1935, trường mở dạy dệt len bằng máy, mỗi ngày dệt được hai áo pull overs. Đến năm 1949, tức 16 năm sau, trường vẫn còn hoạt động và quảng cáo thường xuyên trên báo.
Trường dệt Gia Định: thành lập năm 1935. Gồm 3 ban: thợ dệt, và contremaitres (đốc công) với 500 học trò; ban thứ ba là ban thủ công lập ra sau gồm có 15 người học.. Trong trường có 36 bàn dệt hoạt động thường xuyên, mỗi tháng dệt được trung bình 3.000 thước vải để may áo cho học trò nghèo trong tỉnh và để bán cho các nhà thương, hội phước thiện Sài Gòn – Chợ Lớn. Trường gần xóm công nghệ của người Bắc ở làng Bình Hòa có 60 người thợ Bắc vào sinh sống ở đây, làm đủ các nghề: đồi mồi, đồ cẩn, đan mây, thợ thiếc, thợ bạc, thợ tiện, thợ rèn, làm kim máy may, dệt, thêu, làm giây băng và mề đay, v.v… Ngay trong xóm có một xưởng dệt những tơ lụa trong xứ, dùng 30 nữ giáo viên và đốc công dạy nghề cho 160 cô gái Nam Kỳ con nhà nghèo.
Trường nữ công Hưng Đông: ở số 42 Aviateur Garros (nay là Thủ Khoa Huân) của họa sĩ Lê Thị Ẩn thành lập khoảng năm 1937, đến năm 1938 mở thêm khoa mới là khoa Vẽ (hội họa) do họa sĩ Hoàng Ảo Ngôn, người Hoa Chợ Lớn phụ trách giảng dạy.
Trường Nữ Công Việt Nam: ớ số 151 đường de la Somme (nay là Hàm Nghi) gần hãng máy may Singer. Trường dạy thêu may, làm bánh mứt, quảng cáo trên báo Công Luận là có bán đồ thêu đẹp, bán bánh mứt do học viên thực hiện. Trường có từ trước năm 1937, đến 1938 dời về đường Gallieni, số nhà 48-51-53 (gần chợ Bến Thành).
Trường nữ công Liên Hoa: ở số 298 đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng) do cô Nguyễn Thị Thoàn sáng lập. Cô là em ruột của ông Nguyễn Văn Lượng, chủ nhà thuốc Nhành Mai nổi tiếng Nam kỳ. Không rõ năm thành lập của trường này nhưng trước năm 1937. Đến năm 1938, cô Thoàn tự tử, gây xôn xao dư luận thời đó.
Trường Nữ công Dakao: không rõ chủ nhân, có trước năm 1937. Cho đến năm 1942, trường có 120 học sinh đang học các môn nữ công ở đây.
Trường nữ công Chợ Đũi: Không rõ năm thành lập nhưng cho đến năm 1942 vẫn hoạt động, được bà Thống đốc Hoeffel viếng thăm vào năm đó. Tại trường này, có các lớp thêu, may và cắt quần áo.
Trường Nữ công Tân Định: ngoài dạy may vá thêu thùa còn lập thêm lớp nấu ăn và dạy cách nuôi con.
Trường nữ công Gia Định: được chính quyền thuộc địa thành lập khoảng thập niên 1940 hoặc có thể sớm hơn, nằm trong khuôn viên trường Chi Lăng ở khu vực Bà Chiểu thuộc quận Bình Thạnh (nay là trường cấp 2 Hà Huy Tập nằm trên đường Phan Đăng Lưu). Thời điểm 1946-1952, hiệu trưởng là bà Gozé (người Pháp) và ban đầu có hai giáo viên : Cô Lê Thị Tài (còn gọi là Ba Tài) và Cô Nguyễn Thị Nam (cô Hai Nam). Cô Ba Tài dạy thêu may, cô Hai Nam dạy nấu nướng, làm bánh mứt và các việc bếp núc kể cả phương pháp chọn lựa thức ăn khi đi chợ. Ban đầu khi thành lập, trường có tên là: Ecole d’Enseignement Menager de Gia Định.Thời gian học tập: 2 niên khóa, chứng chỉ tốt nghiệp gọi là Diplôme. Mỗi lớp độ trên dưới 30 học sinh. Điều kiện dự tuyển: Phải có bằng Tiểu học (Certificat d’etude primaire complementaire d’Indochine, viết tắt là CEPCI). Ngoài các môn học về nữ công gia chánh, còn có các môn như Luân lý, Văn, Sử Địa…nhưng các môn này “nhẹ” hơn chương trình trung học. Trường dạy học sinh các kỹ năng nấu ăn, làm bánh mứt, tỉa hoa quả, may, thêu. Mỗi giáo viên phụ trách một môn. Học sinh đến từ các nơi trong vùng Sài Gòn – Gia Định. Trường tồn tại đến 1975 mới ngưng hoạt động.
 
HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRƯỜNG
Ngoài việc giảng dạy trong nhà trường, được sự khuyến khích của chính quyền thời đó và cũng để tìm kiếm cơ hội giới thiệu trường cùng các sản phẩm do học viên làm ra, các trường Nữ công ở Sài Gòn và Nam kỳ nói chung tích cực tham gia các hoạt động đấu xảo, triển lãm sản phẩm.
Trên báo Công Luận số 7455, 10/7/1937 có bài tường thuật vào một ngày trước khi ra báo, tại dinh Đốc Lý (trụ sở chính quyền Sài Gòn lúc đó, nay là UBND TPHCM) có tổ chức cuộc trưng bày và bán đồ nữ công do trường sản xuất. Chiều hôm đó, Thống đốc Nam kỳ Pagès và phu nhơn đã đến khai mạc cuộc trưng bày này. Thống đốc và phu nhơn rất quan tâm đến những món đồ thêu và bánh mứt của các cô học sinh và đã mua giúp nhiều món đồ trị giá 100 đồng. Sau đó, ông bà có dự xem cuộc biểu diễn các thứ y phục tân thời Pháp và Nam (Việt phục) của trường, được may thật khéo. Trước khi ra về, hai vị có để lời khen ngợi các học sinh trường này. Công chúng Sài Gòn đến xem khá đông, số tiền bán được không dưới 1.000 đồng bạc Đông dương.
Qua năm sau, chính phủ Nam kỳ tổ chức một cuộc đấu xảo lớn tại Gia Định gồm có năm tỉnh miền Đông tham gia. Ban tổ chức treo bốn giải thưởng lớn nhất (thưởng tiền) và nhiều phần thưởng danh dự về nữ công. Đến khi trao giải, riêng trường Nữ công Việt Nam chiếm được hai giải thưởng lớn và một phần thưởng danh dự.
Đến tháng 7 năm 1939, chính quyền Sài Gòn tiếp tục tổ chức cuộc trưng bày các món đồ nữ công và công nghệ vẫn tại dinh Đốc Lý Sài Gòn. Cuộc này được công chúng đến xem rất đông. Những món đồ thêu và ren của các trường thêu Chợ Lớn, Gia Định, Sài Gòn được chú ý nhiều nhất. Trường công nghệ may áo quần và đóng giày ở Đa kao, trường chuyên lo làm các món đồ bằng thiếc ở Mỹ Tho, trường công nghệ về đồi mồi ở Hà Tiên và các trường công nghệ về sắt và cây ở các nơi đem những món đồ của học trò làm ra đến chưng.
Cuộc trưng bày này được báo chí đánh giá là tổ chức rất tốt, công chúng đến xem tuy phải trả 5 xu vào cửa song rất hài lòng vì biết rằng tiền vé vào cửa dùng để giúp học sinh nghèo được đi nghỉ mát ở bãi biển trong kỳ bãi trường sắp tới. Nhật báo Sài Gòn, số 14163 ra ngày 4/7/ 1939 nêu cảm nghĩ: “Thật là một cuộc triển lãm đáng lưu tâm, khuyến khích. Chuyến nầy trưng bày rất nhiều món đồ. Các thứ áo đầm của trẻ con và người lớn, đồ thêu ren, khăn bàn, của các cô nữ học sanh trường học may vá thêu thùa ở Chợ Đũi, Đakao. Cũng có chưng bán các thứ áo mát, pyjamas bằng lụa. Áo quần của trẻ em thì đủ thứ, từ cái xây đến cái nón, từ cái slip đến cái pull over. Những món đồ nầy được người Pháp rất ưa thích, họ tranh nhau mua. Các gian hàng khác là các thứ kẹo, bánh, mứt, saucisse và pate, là sản phẩm của nữ sinh các trường nữ công Chợ Đũi, Đakao, Tân Định, do bà Nicolas giảng dạy khoa nấu bếp. Trường ở đường Richaud thì trưng bày các thứ y phục của đàn ông: áo quần, giày, vớ, pyjamas, v.v… Cần Giuộc và Cần Đước chưng đủ thứ đồ ren thêu. Phú Lâm chưng nhiều thứ lụa và vải sưa làm mùng màu rất tốt”.
Trong cuộc trưng bày này, trường dệt ở Gia Định làm được nhiều thứ chiếu rất đẹp, dệt được lụa, tussors không thua gì những thứ ta thường thấy bán. Khắp xứ Nam Kỳ đều có đại biểu đến dự: Bà Rịa Biên Hòa thì gởi đồ ren, Mỹ Tho gởi các món đồ bằng đồng, Bến Tre nhiều kiểu ghế bàn rất mỹ thuật, Hà Tiên thì có đồ đồi mồi, Thủ Dầu Một có ghế, bàn tủ.
Báo chí đánh giá cao công sức ông Taboulet, giám đốc Nha Học chánh và ông Torreilles, người đã có công tổ chức. Họ cho rằng trong âm thầm, ông Taboullet đã làm được một việc thật ích lợi cho xứ này là bày ra những lớp dạy may vá, thêu thùa, đóng giày, nấu ăn, ở các trường học. Báo chí cho rằng văn chương chữ nghĩa nếu được học đến nơi đến chốn thì quá tốt, nhưng nếu chỉ được học lở dở thì thật là vô dụng, kiến thức chưa đủ dùng, lại không có một nghề nghiệp gì khác làm ăn cả. Có người biết đọc, biết viết, nói tiếng Pháp được bập bẹ, mà phải nắm gọng xe làm anh xe kéo. Còn bên phía phụ nữ phần nhiều chỉ đi học để biết chữ đôi chút cho có chừng, rất ít người học đến cử nhơn, tấn sĩ. Các cô đến khi lấy chồng, về nhà không giúp gì được cho chồng hết, có thể nói tiếng Tây leo lẻo để dọa chồng, lòe hàng xóm nhưng vô bếp không biết kho con cá ra làm sao, áo quần của chồng con rách cũng phải tốn tiền mướn người ngoài vá, chỉ biết phá tiền mà không làm gì ra tiền hết. Nên những người ấy khi còn cặp đi học, ngoài việc học chữ ra còn được thầy dạy cho một nghề chắc chắc thì giúp ích cho họ được nhiều hơn cái khối chữ mù mờ trong đầu.
Đó là một quan điểm tiến bộ và có lẽ đa số phụ nữ Nam kỳ thời đó, nhất là ở Sài Gòn – Gia Định có điều kiện học hành đều nhận ra.
 
(bài đăng trên báo Phụ Nữ TPHCM số Tết 20


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét