20 thg 2, 2024

MỤC ĐÍCH TÌM HIỂU VÀ GIỚI THIỆU NỘI DUNG “NGỮ MẠNH TỰ NGHĨA” CỦA ITÔ JINSA

MỤC ĐÍCH TÌM HIỂU VÀ GIỚI THIỆU NỘI DUNG
“NGỮ MẠNH TỰ NGHĨA” CỦA ITÔ JINSAI


Nguyễn Sơn Hùng
***


Jinsai, người sáng lập học phái “Cổ Nghĩa Học”

Như người viết đã trình bày trong bài viết “Động Cơ Gì Đã Thúc Đẩy
Tôi Tìm Hiểu Nội Dung Lý Giải Khổng Mạnh Học của Nhật Bản” (1) (dưới
đây gọi tắt bài này là “Động cơ gì?”), người viết đã may mắn gặp được tác
phẩm “Ngữ Luận Tự Nghĩa” của Itô Jinsai, trong quá trình tìm hiểu. Nghĩa
của tựa sách này là “Ý nghĩa cổ xưa của các từ ngữ quan trọng để thấu hiểu
nội dung của 2 sách Luận Ngữ và Mạnh Tử”.
Mọi người đều biết một chữ Hán có nhiều nghĩa, văn phạm lúc đó chưa
được phát triển đầy đủ để dễ hiểu và tránh hiểu nhầm, văn phong thường
ngắn gọn nhưng xúc tích, không dài dòng chi tiết nên rất khó hiểu chính
xác ý của tác giả muốn nói. Hơn nữa 2 sách trên đã có từ hơn 2000 năm về
trước nên ý nghĩa xưa và nay của chữ cũng đã đổi khác khá nhiều. Do lý do
này Jinsai chủ trương phải nắm cho thật kỹ chủ ý của thánh nhân ngày xưa
muốn nói gì, nghĩa là cần phải dựa vào “huyết mạch” của học thuyết thánh
nhân mà tìm hiểu suy xét nội dung chớ nên câu nệ vào nghĩa của từ chữ
từng câu. Và ông đã để hết cả công sức ông tìm hiểu 2 tác phẩm mà ông
cho là đúng nội dung của Khổng tử (TCN 552 ~ TCN 479) và Mạnh tử
(TCN 372 (?) ~ TCN 289 (?)) muốn truyền đạt cho đời sau. Người đời cho
ông là người sáng lập ra phái “Cổ Nghĩa Học” và truy tặng ông danh hiệu
(thụy danh) “Cổ Học tiên sinh”.
Mặc dù Jinsai nói “không nên câu nệ vào nghĩa của từng chữ từng câu”
nhưng theo người viết cũng không phải nghĩa của mỗi chữ muốn hiểu thế
nào cũng được. Điểu này có nghĩa là nghĩa của mỗi chữ, mỗi câu cần phải
hợp cho cho cả từ ngữ, cả câu, cho mỗi bài viết và huyết mạch của học
thuyết. Trong quá trình tìm hiểu nội dung Hán văn, nhờ sự đánh thức và
hướng dẫn của Jinsai, hơn bao giờ hết người viết cảm nhận được ý nghĩa
của câu “sai một ly, đi một dặm”.
Qua nhận xét của Jinsai mới thấy ngay cả các Nho gia lớn như anh em
họ Trình, Chu Hy v.v… vẫn có nhiều điểm chưa hiểu thấu được chủ ý của
Khổng tử hoặc Mạnh tử muốn truyền đạt. Dĩ nhiên, Jinsai cũng không phải
ngoại lệ và cả Jinsai cũng nói “không phải Khổng tử không có điều sai”.
Tuy nhiên nhờ nhận xét của Jinsai giúp cho chúng ta thấy rõ hơn nội dung
mà Khổng tử và Mạnh tử muốn truyền đạt, ít nhất cũng là một cách nhìn
khác với Tống Nho để suy xét thêm.

Một đặc điểm của Jinsai là những điểm hay hoặc đúng của Trình tử,
Chu tử (tức Chu Hy) hoặc của ai khác ông đều công nhận và tán thưởng
nhưng những điềm mà ông cho là sai, trái ngược với học thuyết của thánh
nhân thì ông phê bình mà đôi lúc người viết cho rằng quá nặng và lắm lúc
không hiểu lý do tại sao ông phê bình nặng như vậy. Sau đó nghĩ lại, phải
chăng do lòng quý trọng Khổng Mạnh học và sợ rằng học thuyết này sẽ bị
hiểu sai và người đời sau bỏ quên đi?
Tiểu sử của Jinsai cho thấy lúc trẻ ông rất sùng bái Chu tử nhưng sau
đó bằng tự học, ông phát hiện nhiều điểm giải thích và hiểu sai của Chu tử
cũng như của các Nho gia đời Tống đối với học thuyết của Khổng Mạnh.
Từ năm 16 tuổi (1642) ông bắt đầu đọc “Tứ Thư Chú Tập”, “Chu Tử
Ngôn Lục”, “Tứ Thư Hoặc Vấn”, “Cận Tưởng Lục”, “Tính Lý Đại Toàn”
của Chu tử. Năm 27 tuổi (năm 1654) ông có ấn tượng rất sâu sắc khi đọc
được tác phẩm “Kính Trai Châm” của Chu tử, ông chép lại và treo ở phòng
học. Rồi tự lấy danh hiệu là Kính Trai và viết bài tiểu luận “Kính Trai Ký”,
nội dung giải thích “Kính” là khái niệm căn bản của Chu tử học. Kế đến
ông viết “Thái Cực Luận”. Từ đó ông bỏ hết công sức vào việc trước tác.
Năm 29 tuổi (1655) tinh thần ông không được thăng bằng ổn định nên
nhường nhiệm vụ gia trưởng cho em và đi ẩn cư để chuyên chú vào việc
học. Để tinh thần được an lạc, ông tìm đọc các tác phẩm của La Cận Khê
(1515~1588), Vương Dương Minh (1472~ 1529) nhưng không có kết quả
nên tìm đến cả Phật học và tư tưởng của Lão tử, và đi đến việc tu luyện
Bạch Cốt Quán Pháp (một phương pháp quán tưởng của Phật giáo).
Đến năm 32 tuổi (1658) Jinsai viết “Nhân Thuyết” và dùng danh hiệu
mới là Nhân Trai.
Năm 35 tuổi (1661) ông viết “Thư Trai Tư Chúc” tỏ lòng quyết ý theo
đạo “Thượng thánh nhân quân tử”, và lập ra “Đồng Chí Hội” để cùng với
những người có chung chí hướng nghiên cứu Nho học. Đây cũng là một
đặc điểm lớn của Jinsai; ông tổ chức các buổi thuyết trình để những người
trong hội thay phiên thuyết trình và cùng thảo luận với nhau. Cách đây hơn
400 năm về trước mà ông đã áp dụng phương pháp thuyết trình này! Cũng
vào thời kỳ này ông bắt đầu viết Luận Ngữ Cổ Nghĩa. Và 10 năm sau tức
năm 1672, ông hoàn thành bản thảo đầu tiên của Mạnh Tử Cổ Nghĩa. Tài
liệu không cho biết ông viết Ngữ Mạnh Tự Nghĩa vào năm nào, chỉ cho
biết vào năm 1683 tức 11 năm sau, ông cho học trò chép lại 2 sách nói trên,
Ngữ Mạnh Tự Nghĩa, và Trung Dung Phát Huy mà ông vừa viết xong trong
năm.
Vài đặc sắc của Khổng học

 Để nêu đầy đủ những đặc sắc của Khổng tử và Khổng học cần một bài
viết dài, ở đây chỉ nêu nên vài nét mà người viết có ấn tượng lớn trong quá
trình tìm hiểu Khổng học trong vài năm gần đây.
Trước hết phải nói Khổng tử là một nhà giáo dục có thể nói rất tân tiến
ngay cả đối với quan điểm giáo dục của hiện nay mặc dù ông đã sống hơn
2000 năm về trước.
- Có lẽ ông là người đầu tiên xem trọng việc học và việc có bạn bè để
trao đổi ý kiến trong việc học và cùng làm việc tốt.
- Học thuyết ông thực dụng, tránh đề cập đến vấn đề trừu tượng khó
hiểu như ít đề cập đến đạo của trời (thiên đạo), quỷ thần và không bao giờ
nói đến bói toán. Mục đích học thuyết của ông là xây dựng một xã hội thái
bình nên lấy nhân, tức tình thương yêu làm đầu. Học thuyết của ông lấy
việc thực hành, áp dụng vào đời sống là chủ yếu không phải truy tìm triết lý
cao xa.
- Học thuyết của ông có thể tóm tắt trong trong 2 chữ “trung thứ” như
Tăng tử nói hoặc như chính bản thân ông trả lời cho Tử Cống là 1 chữ
“thứ”, tức “việc gì ta không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng
làm cho người khác”. Thật đơn giản và dễ hiểu biết bao! Học thuyết của
ông cũng xem trọng lễ nhưng không phải trọng hình thức xa xỉ mà quý
trọng sự đơn giản không tốn kém cốt để duy trì trật tự trong xã hội là chính.
Thế mà các Nho gia đời sau đã làm cho học thuyết của ông trở nên trừu
tượng, rườm rà khó hiểu và không thực dụng!
- Tùy theo hoàn cảnh sinh sống và trình độ hấp thụ của học trò mà
nội dung ông truyền đạt khác nhau nhưng vẫn cùng chung một mục đích là
thiết thực và giúp ích họ trong cách sống có đạo đức.
- Ông rất xem trọng ảnh hưởng của thi ca và âm nhạc.
- Hình như ông là người ít hoặc không phê bình nặng các học thuyết
như Jinsai, Ogyu Sôrai (người viết chưa đọc nhiều tác phẩm của các học giả khác).
Dĩ nhiên Khổng học chỉ giới hạn trong việc giáo dục đạo làm người hay
nói cách khác là giáo dục đạo đức chớ không phải là khoa học kỹ thuật.
Trong bài “Động cơ gì?”, người viết nhận xét: “Phải chăng trong đạo làm
người, điểm xuất phát quan trọng nhất là lòng biết ơn?” Sau đó, người viết
rất ngạc nhiên khi đọc được Điều 4 của mục “Tâm” trong “Ngữ Mạnh Tự
Nghĩa”, Jinsai viết “Đạo thánh nhân vốn lấy luân lý làm người (nhân luân)
trong cuộc sống hàng ngày làm căn bản, và lấy ơn nghĩa làm kết quả”. Như
vậy phải chăng lòng biết ơn là điểm xuất phát và cũng là điểm đến của đạo
làm người! Xem ra đạo thánh nhân không khó hiểu, vấn đề là làm thế nào
để không xa cách đạo này dù trong giây lát trong đời sống hàng ngày.
Jinsai cho rằng Luận Ngữ sách Luận Ngữ là “Đệ Nhất Thư” của thiên
hạ, và sách Mạnh Tử là sách giúp cho người học hiểu rõ nội dung của Luận
Ngữ. Do đó, ông khuyên người học nên đọc và hiểu sách Mạnh Tử trước
khi đọc sách Luận Ngữ. Ông cho rằng chỉ cần hiểu rõ 2 sách này thì có thể
hiểu cả nội dung của lục kinh gồm có Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch và Xuân
Thu mà không cần đọc vì nội dung đã được bao gồm. Trình tử cũng đồng
quan điểm này.
Người viết rất ngạc nhiên khi biết nhiều học giả nổi tiếng của Nhật Bản
hiện nay như Koyasu Nobukuni (1933~), Tsuchida Kenjirô (1949~), Saitô
Takashi (1960~) v.v...vẫn nhiệt tâm nghiên cứu tìm hiểu về Luận Ngữ. Số
sách liên quan về Luận Ngữ có thể nói nhiều vô số kể đủ mọi hình thức từ
khó đến dễ, trong đó có sách của Tôgoshi Dan (xuất bản năm 2022) dùng
hình thức sơ đồ để dễ đọc dễ hiểu. Ngoài ra, ở thành phố Taku của tỉnh
Saga mỗi chiều cho phát thanh một bài trong sách Luận Ngữ. Ở trường
trung học cấp 3 tên Wake Shizutani của tỉnh Okayama dạy học sinh đọc
Luận Ngữ. Cũng có sách dạy cho học sinh tiểu học hiểu được một phần của
sách Luận Ngữ. Nói cách khác ảnh hưởng của sách Luận Ngữ hiện nay vẫn
còn đang tiếp tục ở Nhật Bản phải chăng là điều đáng để cho chúng ta phải
suy ngẫm?
Điểm khác biệt chính yếu của Khổng học và Tống Nho

Trong bài “Động cơ gì?” người viết đã giới thiệu sơ lược bài viết của cụ
Huỳnh Thúc Kháng với tựa đề “Lối Học Khoa Cử của Tống Nho có phải là
Học Đạo Khổng Mạnh không?” Trong bài viết này ý cụ muốn nói học
thuyết của Tống Nho chủ trương không phải là Khổng Mạnh học. Tiếc rằng
trong bài viết này cụ không cho biết Khổng học và Tống Nho khác nhau ở
điểm nào. Trong giờ học Việt văn của thời trung học, người viết cũng nghe
thầy cô phê bình Tống Nho nhưng không được nghe cụ thể Tống Nho “dở”
ở điểm nào, ở nội dung gì.
Ai cũng biết chính Chu Hy là người viết “Tứ Thư Tập Chú”, sách giảng
giải ý nghĩa nội dung của tứ thư, và chủ trương người học cần phải đọc tứ
thư trước khi học ngũ kinh (lục kinh trừ kinh Nhạc) và được coi là người bỏ
công nghiên cứu và hệ thống hóa các sách Nho học đã có từ trước để lập
thành Chu tử học hay Tống học hoặc Tống Nho.
Tứ thư gồm có các sách: Đại Học, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Trung
Dung. Chu Hy chủ trương học tứ thư theo thứ tự này, có nghĩa là học Mạnh
Tử sau Luận Ngữ; chủ trương này trái ngược với Jinsai. Chu Hy cho rằng
Đại Học là do Tăng tử soạn nhưng Jinsai căn cứ vào nội dung, văn phong
của sách cho rằng sách Đại Học không phải di thư của Khổng tử vì không
nhất quán với huyết mạch của Khổng học, nghĩa là không phải của Tăng tử.
Chu Hy cho rằng Trung Dung do Tử Tư soạn nhưng Jinsai cùng phương
pháp vừa nói cho rằng chỉ có một phần là của Tử Tư còn các phần khác là
do các Nho gia đời sau thêm vào.
Trong quá trình giới thiệu nội dung cụ thể của Ngữ Mạnh Tự Nghĩa,
quý độc giả sẽ thấy Jinsai nêu ra những điểm khác biệt cụ thể giữa Khổng
Mạnh học và Tống học như thế nào ở đây chỉ giới thiệu sơ lược lý do có sự
khác biệt.
Vào đời Tiền Hán (TCN 206 ~ 8) ảnh hưởng của Nho giáo mạnh mẽ và
đã được chọn học thuyết chính yếu của quốc gia. Như về sau, ảnh hưởng
của Phật giáo và Lão giáo thịnh hành và ảnh hưởng của Nho giáo yếu dần.
Muốn phục hồi ảnh hưởng của Nho giáo nên các Nho gia đặc biệt của đời
Tống (960~ 1279) đem học thuyết của Phật học, đặc biệt là Thiền, và tư
tưởng của Lão tử vào Nho học. Do đó, Nho học trở nên trừu tượng khó
hiểu và mất đi tính thực dụng ban đầu. Jinsai cho rằng sở dĩ có kết quả này
là bởi vì người đời thường hay quý trọng, thích thú các thứ cao xa khó vói
tới, hoặc trừu tượng không thấy được, và hay xem thường các thứ trước
mắt có ở bên cạnh mặc dù hữu ích cho cuộc sống hàng ngày. Do đó người
muốn học đạo thánh nhân cần phải lưu ý kỹ điều này.
Ngoài ra Ngữ Mạnh Tự Nghĩa cũng cho chúng ta biết khác biệt giữa
Khổng Mạnh học với Phật học và tư tưởng của Lão tử.
Khi so sánh Khổng học với Phật học và tư tưởng của Lão tử người viết
thiển nghĩ chúng ta không nên quên điểm quan trọng sau đây. Người viết
chưa tìm hiểu sâu về Phật học và tư tưởng Lão tử nên có thể sai. Mục đích
chính của Khổng học là dạy con người đạo đức để sống tốt đẹp và nếu có
thể nên tích cực ra xã hội làm việc ích lợi cho cộng đồng. Trong khi Phật
học chú trọng vào việc giải thoát khổ não của cá nhân. Tư tưởng Lão tử
phần lớn cho người ẩn cư. Đương nhiên các tư tưởng giúp giải thoát khổ
não của các nhân hoặc ích lợi cho người ẩn cư xa xách xã hội có trường
hợp cũng giúp ích cho người tích cực hoạt động cống hiến cho xã hội. Vấn
đề là không nên quên mục tiêu chính yếu của mỗi học thuyết là gì khi tìm
hiểu hoặc phán đoán, và khi áp dụng cần phải áp dụng các học thuyết cho
đúng lúc, đúng chỗ, đúng địa vị của mình.
Ngữ Mạnh Tự Nghĩa cũng cho chúng ta biết “đạo” và “đức” là gì, các
kinh sách cổ điển dùng với nghĩa như thế nào, “đạo” khác “đức” (chúng ta
thường nói đạo đức đi chung) như thế nào, “đạo” khác với “lý” (đạo lý), “nghĩa”
khác với “lý” (nghĩa lý) v.v...như thế nào. Ngoài ra cũng giải thích tại sao
Khổng tử thường nói “nhân trí”, “nhân” và “trí” đi chung trong khi Mạnh
tử thường nói “nhân nghĩa”, “nhân” và “nghĩa” đi chung. Nội dung phân
tích của Jinsai giúp chúng ta có thể hiểu rõ và chính xác ý muốn nói của
Khổng Mạnh hơn và sự quan trọng của việc hiểu đúng nghĩa của chữ trong
các kinh sách cổ điển, đặc biệt Luận Ngữ và sách Mạnh Tử.
Ngoài Luận Ngữ và sách Mạnh Tử, đọc Ngữ Mạnh Tự Nghĩa quý độc
giả sẽ nắm được sơ lược những điểm quan trọng của Trung Dung và kinh
Dịch và nhiều kinh sách cổ điển khác.
 Nội dung và mục đích sẽ giới thiệu

Nội dung dự định giới thiệu là các phần mà người viết cho là quan
trọng và hữu ích của Ngữ Mạnh Tự Nghĩa. Thứ tự giới thiệu sẽ ưu tiên các
từ ngữ có nội dung cụ thể, thường nghe nhiều trong đời sống hàng ngày
hoặc mặc dù trừu tượng nhưng cần để hiểu ý nghĩa của các từ ngữ theo sau,
nghĩa là không theo thứ tự trong sách. Thí dụ, bắt đầu của sách là các mục:
thiên đạo, thiên mệnh. Nhưng nếu bắt đầu từ đây, chắc chắn quý độc giả sẽ
chán nản không còn quan tâm để đọc các phần kế tiếp dễ hiểu và hữu ích
hơn.
Như đã trình bày ở trên, Hán văn cổ điển rất khó hiểu chính xác, trong
khi đó vào thời điểm hiện nay chưa có bản dịch ra tiếng Nhật hiện đại của
các học giả đáng tin cậy! Người viết vừa tra cứu vừa dịch và cố gắng dịch
sát nghĩa để tránh việc tự mình giải thích ý nghĩa hoàn toàn khác với tác
giả. Do đó khó tránh được khuyết điểm như khó đọc, khó hiểu, đọc nghe
không thuận tại, không phải văn tiếng Việt. Người viết dự định sau khi dịch
xong phần lớn tác phẩm, biết được cách dùng từ và “huyết mạch” của nội
dung mà tác giả muốn truyền đạt thì sẽ tu sửa lại sao cho dễ đọc, dễ hiểu,
thuần Việt hơn. (Sao không đợi xong giai đoạn 2 này rồi giới thiệu? Đoạn đường này khá dài, người viết không biết có đi trọn được không.)
Sau giai đoạn thứ hai này người viết biết rằng nội dung vẫn còn “khó
tiêu hóa” đối với người bình thường nên dự định sẽ viết lại toàn bộ bằng lời
văn của chính mình để người thường dễ đọc và áp dụng trong cuộc sống
mà nội dung không trái ngược với điều mà tác giả muốn truyền đạt trong
tác phẩm. Tại sao phải làm vậy? Bởi vì người viết thấy hiện nay tệ nạn “lấy
râu ông nọ cắm càm bà kia” đang xảy ra nhiều, nên cố gắng “nói có sách,
mách có chứng” mặc dù có thể bị phê bình “vào thời đại ngày nay mà còn
học thói từ chương, huấn cổ học”.
Ngoài ra trong quá trình học, người viết còn cảm nhận từ điển Hán Việt
của Thiều Chửu, Đào Duy Anh hoặc Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí
Tiến Đức có nhiều từ không có hoặc đôi khi khó hiểu vì các sách dùng từ
ngữ xưa để giải thích hoặc không rõ nghĩa so với từ điển Hán Hòa của tiếng
Nhật.
Do đó, việc giới thiệu kết quả ở giai đoạn vừa học vừa giới thiệu, người
viết mong rằng cung cấp được một số thông tin về việc người Nhật hiểu
nghĩa của từ Hán như thế nào.
Trong các bài viết của Ngữ Mạnh Tự Nghĩa, Jinsai thường trích dẫn các
từ các câu trong sách Trung Dung, kinh Dịch. Nếu người viết nhận thấy nội
dung hữu ích thì cũng sẽ giới thiệu thêm các phần liên quan này để quý độc
giả có thể tham khảo.
Kế đến người viết tóm tắt mục đích giới thiệu một số nội dung của Ngữ
Mạnh Tự Nghĩa như sau để làm kết luận của bài viết:
1) Cốt lõi, “huyết mạnh” của Khổng học là gì?
2) Một số khác biệt giữa Khổng Mạnh học với Tống Nho và các tư
tưởng Phật Lão.
3) Tránh bỏ những điểm đã hiểu sai lầm về Khổng học để duy trì đồng
thời phát triển và truyền thừa những điều tốt đẹp mà ông bà tổ tiên và tiền
nhân (bởi vì đã chịu ảnh hưởng lớn) đã truyền đạt cho chúng ta cho các thế hệ sau.
4) Ôn lại hoặc biết thêm về ý nghĩa của các từ ngữ Hán Việt để hiểu
rõ, hiểu đúng và dùng cho chính xác hơn.
Cuối cùng người xin được giới thiệu một phát hiện mới sau khi viết bài
“Động cơ gì?”: Đó là một “Nhận xét của Uchimura Kanzô (1861~1930) về
Tống Nho tức Chu tử học” khi ông giới thiệu về nhân vật Nakae Tôju trong
tác phẩm “Những Người Nhật Bản Tiêu Biểu (Representative Men of
Japan)” (bằng tiếng Anh xuất bản lần đầu tiên năm 1908 và tái bản vào năm 1910) ,
nhận xét này giúp cho người viết biết đến một trong những lý do giải thích
“Tại sao Dương Minh học ảnh hưởng các chí sĩ Nhật Bản thời Minh Trị
Duy Tân”. Người viết sẽ giới thiệu kế tiếp sau 2 bài về “Ngữ Mạnh Tự
Nghĩa”, mời quý độc giả có quan tâm đón xem.
 

Nguyễn Sơn Hùng
Viết xong ngày 31/1/2024
Bổ sung ngày 4/2/2024

 

Ghi chú
- Nội dung trong ( ) với khổ chữ nhỏ là của người dịch thêm vào cho dễ
hiểu hoặc ghi lại từ Hán Việt của nguyên văn.
(1) Nguyễn Sơn Hùng (2023): “Động Cơ Gì Đã Thúc Đẩy Tôi Tìm Hiểu
Nội Dung Lý Giải Khổng Mạnh Học của Nhật Bản”.
https://www.erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/Dong-Co-V2-12272023.htm
Tài liệu tham khảo
1) Yoshikawa Kôjirô & Shimizu Shigeru (1971): Nhật Bản tư tưởng đại hệ
33- Itô Jinsai và Itô Tôgai, nhà xuất bản Iwanamishoten.
2) Koyasu Nobukuni (2010): Luận Ngữ từ cái nhìn của một nhà nghiên
cứu lịch sử các tư tưởng, nhà xuất bản Iwanamishoten.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét