1 thg 8, 2022

Ve sầu và những cây sồi của thị trấn Gió Lộng - Nguyễn Tiến Đức

Tặng Allen và Đan Quế

Thời tôi học tiểu học, gia đình tôi sống ở vùng ngoại ô của Chicago – Thị Trấn Gió Lộng. Nhà tôi gần một rừng sồi êm ả và đầy bóng mát cho mùa hè. Cuối tuần anh tôi và tôi thường theo mẹ tới khu rừng này để mẹ vẽ phong cảnh. Mẹ tôi là một họa sĩ rất yêu thiên nhiên. Bà vẽ bằng màu nước. Mẹ tôi bảo vẽ cỏ cây hoa lá thì chúng không bao giờ biết than phiền!

Chúng tôi tới rừng sồi bằng xe đạp, mang theo giá vẽ, khung vải căng sẵn, bảng màu, cọ và dĩ nhiên mẹ tôi cũng mang theo thức ăn, cà phê, đá lạnh, bánh mì sandwich, gà tây, bơ đậu phộng, cà chua và rau thì hái từ vườn nhà. Anh tôi luôn luôn mang theo chiếc khẩu cầm nhỏ thổi những bài nhạc có âm hưởng của nhạc đồng quê – hoang dã tình tứ nhưng cũng mất mát xa xôi, làm tôi nghĩ tới những phim cao bồi hồi còn bé đi chơi chiều thứ Bảy cùng với bố mẹ. Tôi thích nhất anh tôi thổi bản Thung Lũng Sông Hồng – Red River Valley.

From this valley they say you’re going. Họ nói rằng từ thung lũng này, em sẽ bỏ đi xa. Tôi cũng rất thích mẹ tôi kể chuyện về những cây sồi. Mẹ tôi bảo theo truyền thuyết của Hy Lạp, những cây sồi cổ thụ là nơi trú ngụ của thần thánh nhất là Thần Sấm.

Thể nào, những hôm có gió rừng đến với cây sồi, tôi nghe đám lá chạm gió tạo thành những âm thanh mơ hồ như tiếng thì thầm của thần thánh đang rao giảng một điều gì đó. Thế nên, tôi thường ngước mặt lên trời, lên đỉnh lá sồi cao vút làm dấu thánh giá cầu nguyện lớn lên Thần Sấm sẽ phù hộ cho tôi được đi đó đây. Và điều này rất là linh ứng!

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được phục vụ cho các tòa đại sứ Mỹ ở Đức, Việt Nam, Bỉ, Ai Cập và Slovenia. Tôi quen được cô Quế trong dịp đi San Clemente ở California. Sau đó một thời gian ngắn cô là người bạn đời của tôi. Chúng tôi sống ở Washington D.C. Tại đây Quế làm cho ngân hàng thế giới.

Chúng tôi mua một căn nhà ba tầng trên đường Volta Place khá yên tĩnh. Nhiều bóng mát. Ít xe cộ qua lại.

May mắn và thú vị nhất là trước cửa nhà chúng tôi có một cây sồi, không to và cao bằng cây sồi của tôi năm xưa, nhưng nó là một thứ gợi nhớ một thời tôi đã có những ngày sống rất thong dong bên bố mẹ.

Có một mùa hạ năm 2021, tôi lại có dịp thưởng thức nhạc đồng ca của đám ve sầu ẩn mình trong những vòm lá xanh của cây sồi trước nhà.

Cô Quế thì bảo tiếng ve sầu ngân gọi bạn tình làm cô nhớ Sài Gòn vô cùng, nhớ những mùa thi đầy hoa phượng nở. Cô dịch sang tiếng Anh cho tôi một câu cô rất thích trong bản nhạc Hè Về của nhạc sĩ Hùng Lân:

Trời hồng hồng
Sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song…

Hình ảnh rất thơ rất đẹp. Nhịp của ngôn ngữ cũng tuyệt.

Và rồi, cũng một sáng mùa hè đó, trời nổi gió từ sớm, những cơn gió thốc làm rung rinh những chùm lá. Cây sồi của chúng tôi thì loang nắng. Khoảnh khắc thật thú vị để nhấp cà phê tà tà.

Tôi đi bộ ra Starbucks mua hai ly cappuccino nóng cho Quế và tôi. Chúng tôi ăn điểm tâm trên ban công ngang đỉnh cây sồi giữa lúc từ chiếc máy thâu thanh cũ, một ban nhạc đang chơi bản The Sound of Silence –  Âm Vang Của Tịch Lặng

Uống cà phê xong, tôi định đọc tờ Washington Post của ngày mới thì chợt tôi thấy bàn tay trái của tôi nổi những chấm mẩn đỏ và ngứa không chịu nổi. Tôi nghĩ tôi bị dị ứng khá nặng vì gần đây tôi hay ăn tôm hùm và steak, kể cả uống rượu chát đỏ mỗi chiều.

Quế liền đưa tôi tới phòng cấp cứu của Bệnh Viện George Washington. Tôi thì bác sĩ không cho lái xe, chúng tôi đành phải lấy xe bus để tới bệnh viện. Tới bệnh viện lại phải chờ hơn một tiếng đồng hồ tôi mới được khám. Hôm đó là Chúa Nhật nên chúng tôi không thể tới bác sĩ gia đình được.

Bác sĩ Neal K. Sikka cho tôi thử máu và chiếu quang tuyến X bàn tay của tôi. Ông cho tôi uống Keflex 500mg bốn lần một ngày liền một tuần.

Ba ngày sau, những vết mẩn to dần và nhói đau. Chúng tôi phải đến phòng cấp cứu lần thứ hai. Lại thử máu và cả chụp siêu âm nữa. Cũng không thấy dấu hiệu gì rõ ràng. Tôi phải uống Bactrim DS 800mg, hai viên một ngày liền một tuần.

Không ổn! chúng tôi lại lẽo đẽo tới bệnh viện lần thứ ba. Lần này phải thử máu lại và thêm cả thử nước tiểu nữa. Kết quả những xét nghiệm đều âm tính! Lần này bác sĩ lại đổi thuốc: Benadryl 25mg uống bốn lần một ngày trong một tuần! Thêm cả Famotidine hai lần một ngày và Prednisone 50mg một viên một ngày cũng liên tục một tuần.

Tôi ngủ trằn trọc mỗi đêm và rơi vào tình trạng gọi là “khoảng lặng bối rối” như tác giả tiểu thuyết hình sự Jeffery Deaver viết trong cuốn Búp Bê Đang Ngủ – The Sleeping Doll.

Cho đến một hôm “cô Quế” tình cờ lướt mạng và đọc được một tin do Steven Vargas viết cho tờ USA Today như sau:

“Có một loại côn trùng không biết kêu inh tai nhưng chúng biết cắn. Đó là loại mạt li ti (mites) mắt thường không thể nhìn thấy được. Nó có tên khoa học là Pyemates. Loại mạt này thích ăn trứng của ve sầu bám vào những chiếc lá sồi. Muốn chữa, chỉ cần bôi kem chống ngứa.” Dĩ nhiên, cũng cần một cơn gió ùa đến cây sồi thì mạt mới rơi xuống tay tôi được chứ!

Thế là “cô Quế” lấy ngay kem chống ngứa của bác sĩ Sheffield còn lại trong tủ thuốc gia đình bôi cho tôi vài ngày là không còn một vết tích của thứ bệnh bí mật và oái oăm này! Cô Quế bảo tôi tiếng Việt có câu “cái nẩy xẩy cái ung.” Đúng thế và còn một điều khôi hài nữa: mấy bác sĩ cự phách của Washington D.C cũng bó tay, mà chỉ mất có vài đô la là mọi chuyện đều ổn. Cuộc đời chẳng có kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào. “Con người chỉ đoán mò. Chỉ có Thượng Đế là biết, biết rất rõ.”

(TC.Da Màu )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét