9 thg 8, 2022

NỮ BÁC SĨ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

NỮ BÁC SĨ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM
 
Bà Henriette Bùi sinh năm 1906 là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam. Là con gái ông Bùi Quang Chiêu, nguyên quán ở Bến Tre, Henriette ra đời ở Hà Nội và lớn lên ở Sài Gòn, học trường Lycée Marie Curie (nay trường vẫn được giữ tên Marie Curie). Henriette thừa hưởng tính năng nổ, tháo vát, chịu thương chịu khó từ người mẹ (bà Vương Thị Y, xuất thân trong gia đình người Hoa ở Chợ Lớn, là thương gia rất giàu có nhờ làm ăn kinh doanh nhà cửa đất đai vùng Phú Nhuận khi nơi này đang mở mang. Chính nhờ có vốn liếng tài sản mà các con ông bà đều không nhận bất cứ một học bổng nào của chính quyền thuộc địa, mà đều du học Pháp tự túc).
Henriette được sống trong môi trường nhiều thuận lợi: gia đình khá giả, có kiến thức của hai nền văn hóa Âu Á, được thêm sự giáo dục phóng khoáng. Với nền tảng ấy nên từ thủa nhỏ, cô gái đã thể hiện cá tính độc lập với năng lực khác thường. Henriette rất thông minh, tính bướng bỉnh nhưng lại có khiếu hài hước, nói chuyện dí dỏm. Được bằng Certificat d'Études hạng xuất sắc, Henriette nằng nặc đòi được cha mẹ cho đi du học ngành y ở Paris. Cho con gái tuổi còn vị thành niên đi du học thời bấy giờ là việc hy hữu, nhưng thấy con quyết chí, cha mẹ cô đành chiều ý. Cô tiểu thư nhà họ Bùi ra bến tàu Sài Gòn, xuất ngoại năm 1921, sang du học ở Agen miền nam nước Pháp. Lúc ấy Henriette mới có 14 tuổi cho nên ông bà Bùi Quang Chiêu phải thuê một giáo sư trường Marie Curie đi cùng để chăm lo việc sinh sống và học hành của con gái.
 
Henriette học rất giỏi, ngoài tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Trung, còn thông thạo tiếng Anh, Tây Ba Nha, tiếng Ý, tiếng La Tinh và Hy Lạp. Năm 1925, Henriette đậu Tú tài toàn phần rồi vào trường Y năm 1926 khi 20 tuổi. Khi đó ở tất cả các đại học ở Pháp còn rất ít sinh viên nữ, và ngành y lại càng hiếm hơn. Sau tám năm học y và nội trú tại các bệnh viện, năm 1934 Henriette trở thành bác sĩ người Việt đầu tiên tốt nghiệp Ðại Học Y Paris. Về Việt Nam, bs Henriette làm việc tại bệnh viện Đô Thành Sài Gòn, sau đó được bổ nhiệm làm bác sĩ trưởng phụ trách bv Hộ Sinh ở Chợ Lớn, là người phụ nữ Việt đầu tiên chịu trách nhiệm quản lý điều hành hệ thống bệnh viện thuộc địa. Với cá tính độc lập và không khoan nhượng, bà gặp nhiều khó khăn với các vị quan chức người Pháp nên sự tranh cãi xảy ra gần như hàng ngày. Tương truyền, bà từ chối mặc y phục Âu Tây để tỏ rõ bà là người Việt. Giới bác sĩ Pháp xầm xì cho rằng việc bà mặc y phục Việt sẽ làm người ta tưởng bà là chỉ là 'bà mụ miệt vườn' chứ không phải là bác sĩ sản khoa ở Pháp về! Nhưng bà vẫn đàng hoàng hãnh diện mặc y phục Việt khi làm việc và giao tiếp.
Bà cư xử với đồng nghiệp, bệnh nhân và mọi người với tinh thần bác ái, không phân biệt nam nữ, tôn trọng sự bình quyền giữa mọi người và sự bình đẳng giữa người Việt và người Pháp. Ðến năm 1966 bà gia nhập tổ chức y khoa làm nhân đạo từ trước khi tổ chức “Medecins Sans Frontière” (Bác Sĩ Không Biên Giới) ra đời. Thời kỳ diễn ra chiến tranh Việt Nam, bà hết lòng cứu chữa người bệnh, người bị thương không phân biệt chiến tuyến, không phân biệt bạn thù. Bà trở về Pháp năm 1971 và tiếp tục hành nghề y đến năm 1978 mới về hưu.
 
Cha bà là một trí thức Nam bộ nổi tiếng là người yêu nước, nhưng số phận bi thảm, khi được hỏi về điều này, bà nói 'đó là một sự việc của lịch sử, hãy để lịch sử phán xét". Bà đã hiến tặng biệt thự tư gia số 28 đường Testard cho Đại học Y khoa Sài Gòn (nơi đây giờ là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, đường Võ Văn Tần). Hai bức ảnh cách nhau 70 năm, khi Henriette 25 tuổi (chụp năm 1931) và khi bà ở tuổi 95 (chụp năm 2001). Bà mất năm 2012, cuộc đời trường thọ tận tụy với tha nhân của bà trải dài 106 năm.
./.
Nguồn: Phạm Mỹ Lan

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét