7 thg 8, 2022

NẮNG THÁNG SÁU… Texas

Ai sống ở Texas cũng biết ngán cái nắng hè, biết sợ cái nóng của tháng bảy, tháng tám và tháng chín. Nhưng năm nay mới tháng sáu mà nhiệt độ ngoài trời có hôm đã lên đến một trăm, hơn một trăm độ F. Cùng với đời sống, việc làm phải tính từng ngày vì chuỗi cung ứng toàn cầu bị giãn đoạn do hậu quả đại dịch, trong khi dịch bệnh và các chính trị gia cũng không để yên cho người dân ngày nào được bình an trong bối cảnh kinh tế còn tranh cãi là suy trầm hay suy thoái? Suy nào cũng là suy giảm nên tranh cãi để lấp liếm, giấu giếm bớt đi sự xuống dốc của nền kinh tế. Đồng thời dịch bệnh cũng khiến hãng xưởng bắt đeo mask lại vì tình trạng lây nhiễm trở lại. Tình hình lạm phát tăng cao, thị trường chứng khoán tuột dốc là bằng chứng nền kinh tế đang suy sụp, là bằng chứng chính quyền nói láo về việc kinh tế đang lên, tỷ lệ thất nghiệp giảm… Chính quyền bắt đầu từ con số phiếu bầu không trung thực nên tất cả những con số của chính quyền này đưa ra đều không đúng cho đến ngày nó sụp đổ. Làm cho cuộc sống vốn khó lại càng khó với tương lai bất ổn.

Nói chuyện việc làm giữa những người công nhân đã vô chính thức thì cùng nhau than phiền khi một tuần chỉ có việc làm hai, ba ngày. Những ngày nghỉ được trả tiền thất nghiệp, nhưng tiền thất nghiệp trả chỉ được sáu mươi phần trăm lương. Cuối cùng là cuối tháng không đủ tiền trả tiền nhà, tiền xe, tiền điện nước, điện thoại, bảo hiểm nhà, xe, bảo hiểm sức khoẻ… tiền chợ thì thôi có ít ăn ít nhưng tiền xăng thì Texas chưa bao giờ phải trả đến năm đồng một gallon xăng như bây giờ.
Nhưng nhìn lại những người công nhân tạm thời, vì chưa được vô chính thức nên không xin được tiền thất nghiệp trong những ngày nghỉ vì hãng không có việc. Trong khi đời sống của ai thì cũng phải tiêu xài cơ bản, chi trả bắt buộc như nhau, vậy họ lấy đâu ra để trang trải, hay cất giấu đi đâu được những thiếu hụt?
Cứ lặng lẽ nhìn, những người dở chịu đựng thì buông thả ra ngoài sự nhếch nhác ngoại hình, sự lo lắng bộc bạch ra lời ăn tiếng nói, cử chỉ việc làm, cư xử gắt gỏng… Những người giỏi chịu đựng như người Việt cũng trở nên lặng lẽ, người Việt vốn đã ít cười thì nay ít cười hơn xưa. Tình thân với nhau cũng chỉ nhắc nhau được câu thần chú: thắt lưng buộc bụng. Nhưng nguyên nhân, vì sao cả nước Mỹ, toàn dân Mỹ lại ra nông nỗi này?
Câu trả lời đơn giản hơn mọi tranh cãi khắp nơi là một chính quyền không minh bạch từ đầu thì đến khi sụp đổ cũng không có ngày nào người dân được yên cả.

Sáng nay lại không đi làm. Nhưng hãng xưởng bây giờ không báo trước từ chiều hôm qua trước khi công nhân rời hãng xưởng mà họ đợi mọi người về nhà rồi mới gởi tin nhắn báo nghỉ ngày mai cho không ai cự cãi được câu nào. Đúng là thượng bất chánh thì hạ tắc loạn, thiếu minh bạch từ Nhà trắng thì nhà dân nào còn được bình an.
Nên sáng nay thay vì cầm hộp cơm trưa ra xe để đi làm thì tôi lại cầm hộp đồ câu ra xe để đi câu. Đi câu tháng sáu năm nay nóng như thiêu như đốt ngoài bãi câu thì không ai ham muốn hết, nhưng ở nhà cũng không chịu nổi việc nóng lòng, lo nghĩ mọi chuyện đến hết ngày thì mọi chuyện vẫn còn nguyên sự lo toan với bấp bênh thời cuộc. Tôi cứ nhớ tựa đề một bài viết hay một cuốn sách nào đó với cái tên khá ấn tượng là “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Nhưng quẳng đi đâu mớ hoá đơn tiền điện, tiền nhà, tiền rác tiền nước, và nhiều thứ phải trả khác cứ ùn ùn đầy ứ thùng thơ trước cửa nhà.
Nhưng sáng nay ra bãi câu, tôi lại nhớ và suy nghĩ đến câu thành ngữ tiếng Việt nhiều người biết và ưa dùng là câu, “trời sinh voi sinh cỏ”. Trời không có đường cùng cho ai hết khi thấy cái xe cắt cỏ của người Mễ thường là chiếc xe truck Mỹ to lớn, kéo theo cái trailer chứa máy cắt cỏ, máy xén cỏ, máy thổi cỏ… nhưng họ đổ bộ xuống bãi câu không phải là đoàn quân Mễ lậu chuyên đi cắt cỏ cho những đầu nậu lãnh thầu cắt cỏ. Chiếc xe truck đổ xuống bãi câu một người Mễ chừng bốn mươi tuổi và hai đứa con anh ta. Ba cha con nhà nọ đem vào bãi câu cả chục cây cần câu lớn với một chiếc xuồng chèo bằng nhựa. Vì bãi câu này tôi ít khi câu bởi bãi này nhiều cá lớn trong khi tôi thích câu cá nhỏ cho vừa sức lại vừa ăn vì đi câu là cách tập thể dục buổi sáng đỡ nhàm chán nhất, và hít thở không khí trong lành ngoài hồ chứ không có nhu cầu về cá.
Đứa con gái nhỏ chừng tám tuổi chì làm được những việc vặt cho cha và anh nó khi có lệnh, đứa con trai chừng mười hai mới là trợ thủ đắc lực của cha. Hai cha con nhà nọ cắm những cây giữ cần câu cũng to lớn tương xứng với cần lớn thành một hàng dài theo bờ hồ, sau đó họ ra cần khá chuyên nghiệp. Một hàng cần câu lớn cắm dọc theo bờ hồ trong nắng sáng nhìn uy lực, cũng là uy hiếp những con cá lớn còn chưa biết chuyện gì sẽ, sắp xảy ra, cũng là áp lực cho người cha làm việc cật lực. Anh ta móc mồi cho từng cây cần câu rất cẩn thận là những cái đầu cá, những khúc cá không còn tươi vì câu cá catfish thì không cần mồi câu tươi sống như câu cá bass, cá tripper. Cũng tuần tự từ cần thứ nhất tới cần cuối cùng. Sau đó anh ta xuống xuồng chèo, đem theo cục mồi của cần thứ nhất và chéo ra hướng giữa hồ, chèo tới khi đứa con trai báo hiệu cho cha biết là hết dây trong ổ quay thì nó khoá ổ quay lại, cha nó thả cục mồi là cái đầu cá xuống nước và chèo vào bờ để đem cục mồi câu của cần thứ hai ra hướng giữa hồ.
Tuần tự đến cần thứ ba thì tôi đón xuồng anh ta vào bờ và hỏi, “Sao anh không đem hết những cục mồi này ra khơi, rồi tuần tự thả mồi theo từng cần cho đỡ công chèo?”
“Anh ta trả lời tôi, “Tôi không nhớ được cục mồi nào của cần tiếp theo, tiếp theo… và như vậy khi có một cần cá cắn câu sẽ làm rối hết giàn cần câu của tôi.”

Thôi thì trời cho mỗi người có trí nhớ khác nhau để sướng khổ theo kiếp người riêng mang. Người nhớ hết mọi chuyện chưa hẳn là sướng, và người quên hết mọi điều cũng dễ thành vô tâm. Tôi có cách cho anh ta chỉ chèo một lần là đưa mồi câu của mười cần ra khơi một lần có thứ tự, không nhầm lẫn để bị rối cả giàn câu vì mỗi lần chèo ra cho hết cuộn dây nhợ câu mỗi cần ít nhất cũng năm trăm mét, chèo vô năm trăm mét nữa là một cây số, nhân cho mười cần là chèo mười cây số thì con voi chèo xuồng cũng biết mệt nói gì người. Tôi đợi anh ta xong việc sẽ chỉ cách, còn anh ta có làm theo cách tôi chỉ hay không là chuyện của anh ta. Tôi chỉ cần tối nay về ngủ không hối hận biết cách mà không chỉ.
Rồi cũng xong mọi việc đâu vào đấy, tôi học được anh ta cách câu xa bờ là thả thêm chì dọc theo đường dây để đè cọng dây xuống đáy hồ cho tàu chạy ngang không làm đứt dây câu.
Nắng đã bắt đầu nóng khi cỏ đã khô sương đêm, nhìn kỹ ba cha con đi câu trời nắng mà không đem theo nước uống, cũng chẳng có gì ăn. Tôi gọi hai đứa nhỏ sang chỗ tôi, cho mỗi đứa một lon nước trà Greentea của Arizona, bảo chúng đem về cho cha chúng chai nước lọc.
Anh qua tận chỗ tôi đang câu để cảm ơn. Anh hiền lành và chất phác. Tôi trò chuyện với anh mới hiểu được hoàn cảnh thương tâm của người Mễ lậu thời đại dịch. Cả hai vợ chồng cùng là Mễ lậu, có hai đứa con nhỏ nhưng anh đi làm cắt cỏ với bạn bè cũng đủ sống theo kiểu bao nhiêu cũng là đủ, bao nhiêu cũng là thiếu. Nhưng dịch bệnh lan rộng, anh bị dương tính với covid-19, tưởng chết. May sao Chúa thương tình chưa gọi nên anh mới còn, nhưng ngài trừng phạt hơi lỡ tay là sau khi qua được covid-19 thì anh lại bị dị ứng cỏ. Từ đó không thể đi cắt cỏ mướn với bạn bè được nữa, anh xin vô chợ Mễ làm cá ở quầy bán cá thì chủ chợ chỉ gọi khi cần, cụ thể là hai ngày cuối tuần đông khách hàng nên những ngày còn lại trong tuần anh bị thất nghiệp. Anh cố gắng trở lại nghề cắt cỏ thuê nhưng tiền kiếm được không đủ tiền bác sĩ và tiền thuốc dị ứng cỏ.
Đòn trừng phạt tiếp theo từ bề trên là vợ anh bỏ đi theo người khác, từ giã cha con anh không lời tạm biệt. Anh không còn cách nào để nuôi con nên sống bám vào bạn bè Mễ lậu làm nghề cắt cỏ thuê, không những ăn bám mà còn ở bám trong những nhà trọ tồi tàn, khó nhất là đến ba cha con ăn nhờ ở đậu, nhưng những người bạn Mễ lậu của anh là Chúa hiện thân đã đùm bọc, che chở cho cha con anh. Anh chợt nhớ ra mình biết câu cá nên đi câu cá về làm lương thực cho đỡ tiền chợ của bạn bè. Và ơn trên đã cho anh con đường sống là nghề câu cá bán nên anh mới có tới chục cần câu và chiếc xuồng nhựa mong manh trên sông nước như cuộc sống của cha con anh trên dòng đời dạt trôi.
Bây giờ ngày ngày, những người bạn làm nghề cắt cỏ thuê cứ thả ba cha con anh xuống bãi câu rồi đi làm việc cắt cỏ của họ. Ba cha con anh câu miệt mài tới chiều tà, những người bạn đi cắt cỏ về sẽ ghé rước cha con anh để cùng về nơi ở trọ của họ. Cá anh câu được trong ngày sẽ để ăn là cách anh đóng góp với bạn bè trong cuộc sống chung. Hôm được nhiều cá thì anh đem bán rẻ cho những người ở cùng chung cư để có chút tiền cho con cái ăn bánh, mua quần áo cho ba cha con…
Anh bình thản chấp nhận cuộc sống như hai ông bà Mỹ già đang bình thản thả thuyền rong chơi trên hàng dây câu của anh đầy hồi hộp và lo sợ chân vịt tàu của họ cuốn phăng hết giàn dây câu là anh phá sản, là chính họ đã đập bể nồi cơm của những người khốn khổ.
Hồi còn nhỏ tôi đã đọc ở trang sách nào đó, “Cuộc sống là người này giẫm đạp lên người khác. Đôi khi để lại những vết thương không thể lành, nhưng chính người giẫm đạp lại không hề hay biết…” Mấy mươi năm sau, sáng nay chiếc du thuyền của hai ông bà Mỹ già lượn trên hàng dây câu sinh nhai của ba cha con người Mễ lậu làm tôi hiểu rõ hơn cuộc đời này.
Tôi về nhà khi nắng đã lên trăm độ ngoài trời vẫn còn nghe văng vẳng bên tai câu hỏi của hai đứa nhỏ Mễ lậu, chúng hỏi xin thêm nước uống thì tôi còn hai lon trà, hai chai nước lọc, tôi đã cho chúng hết. Nhưng còn câu hỏi, “ngày mai ông có ra đây câu cá không?” Sẽ là câu hỏi của muôn đời, câu hỏi của cuộc sống? Mong sao giữ được lời nhắc nhở tôi tiếp tục kiên trì với cuộc sống vì khó khăn của mình chưa là gì so với khó khăn của người khác. Lời nhắc nhở tôi sẽ không bao giờ uống nửa chai nước lọc còn nửa chai đổ bỏ như nhiều người vô tâm vẫn thường làm thế ở khắp nơi khi ngoài hồ còn hai đứa trẻ khát nước dưới cái nắng trăm độ F.


Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét