3 thg 8, 2022

Chữ nghiã làng văn (Kỳ 1/8/2022 ) - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

***

Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại…

 Đi xom: đi đâm cá

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 Tiếng lóng của dân bụi Hà Nội sau 75

- Anh giai “zạt ra (3) cho thằng em lết một cái.

 3. Lui ra     

 (Thế Giang)

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 soan: dâu da soan. → không viết: xoan”. (Nguyễn Văn Khang)

 Viết “xoan” mới đúng“ Cây xoan, lá kép lông chim, hoa trắng mọc thành chùm, quả như quả xoan, ăn được”.

(Hòang Tuấn Công)

 Xăm nắm

 Xăm nắm : chuẩn bị

 (Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 “song: song sóc. → không viết: xong”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

 Viết chuẩn là “xong xóc”.

 (Hòang Tuấn Công)

Chữ là nghĩa

 Ly : để uống bằng thủy tinh, pha lê, người Quảng Đông gọi là Pò Púi (tức Pha Lê Bôi), ta nuốt hết, chỉ chừa lại và đọc là…ly.

Tức cái ly.

 Bắc gọi là cái cốc

(Nguyễn Dư)

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 sói: sỉa sói. → không viết: xói”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

 Viết chuẩn là “xỉa xói”. “Xỉa” là dùng ngón tay chỉ thẳng vào mặt người khác mà chửi mắng (như: Chửi gì thì chửi, đừng có xỉa vào mặt người ta như thế!).

(Hòang Tuấn Công)

Chữ là nghĩa

Hình dung từ trong tiếng Việt rất phong phú và gợi hình. Con mèo đen được gọi là mèo mun. Con chó đen thì gọi là chó mực. Con gà đen thì gọi là con gà ô hay con gà quạ. Con ngựa đen thì gọi là ngựa ô

(Tiếng Việt – Phạm Đình Lân)

Chữ nghĩa làng văn…hàng xóm

 Các cụ nhà Nho ta xưa, đều nằm lòng câu châm ngôn:

 “Thịt thái không vuông không ăn, chiếu trải không vuông không ngồi, lời nói không có lễ nghĩa, không nghe”.

Ấy là các cụ dựa vào “Tịch bất …toạ” của Khổng Tử.

 Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - 1


Phần VI với tựa đề Từ ngày giải phóng (1975-1980)

3 chương này trong sách Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

không có vì bị kiểm duyệt

***

Hồi ký kết Hiệp định Paris, tôi đã tính sáu mươi lăm tuổi, rồi tôi sẽ nghỉ. Cuối năm 1975, tôi vừa đúng sáu mươi lăm tuổi, nói với một bạn thân:
- Chúng mình già rồi, không nên làm gì nữa, chỉ mong người ta cho mình ở yên để qua bước thăng trầm trong buổi giao thời. 
Bạn tôi đáp:
- Như vậy là tốt nhất.
 
May mắn là chính quyến thấy tôi đa bịnh và tuổi cao, cho tôi được thong thả. Nghe nói ở Nga, những người già khỏi học chính trị, vì người ta nghỉ tuổi đó nan hoá, mà lại “gần đất” rồi nên chú trọng vào sự huấn luyện bọn trẻ hơn. Tuy nhiên hai năm đầu, vì đã lỡ có một chút danh, tôi cũng không được nhàn, phải học tập đường lối chính phủ, dự vài ba cuộc họp với tư cách trí thức yêu nước và tiếp
nhiều bạn văn ở bưng về, ở Bắc vô. 

(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê)

 Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Người ta đi cấy lấy công.
Còn tôi đi ở lấy…ông chủ nhà.

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - 2

 Dự các phiên họp, tiếp bạn


Tôi không tham dự cuộc mít tinh đầu tiên ở dinh Độc Lập để mừng chiến thắng vì vừa lớn tuổi, vừa đau. Nhiều ông già bị một cơn mưa, mà phải đứng bốn giờ liền, về nhà đau cả tuần lễ.
 
Sau ngày mít tinh đó, tôi mới lại toà soạn Bách Khoa.

Tấm bảng đã bị hạ. Gặp bốn năm anh em, ai cũng có vẻ lo lắng. Họ cho hay từ ngày 2-5, nhiều nhà báo, nhà văn ở Sài Gòn, mỗi ngày lại trụ sở tạm thời của cơ quan văn hoá nào đó ở đường Nguyễn Du, từ bảy giờ sáng tới trưa để xin “chỉ thị” . Các cán bộ bận việc tíu tít mà cũng chưa có chỉ thị của cấp trên, mặc cho họ ngồi đó, sau đưa cho họ tờ giấy bảo họ ghi những hoạt động của họ trong thời Diệm, Thiệu. Ngồi không suốt một tuần, họ chán, lần lần không tới họp nữa.
Trong thời gian trị bệnh, hội Nhà văn Giải phóng Sài Gòn-Gia Định mời tôi dự buổi bầu ban chấp hành, tôi không dự được.
 
Một hôm đi mua thuốc, tôi gặp ông bà Trần Thúc Linh, ông lái xe hơi, thấy tôi vẫy tôi lại đưa tôi về nhà. Tôi thấy ông bà đều có vẻ buồn, đoán được lý do, nhưng không hỏi. Mấy năm trước giải phóng, ông hoạt động ngầm cho cách mạng, bị chính phủ Thiệu giam hai lần; một người con trai của ông tên Chương, đương học y khoa,
ra bưng một hai năm rồi về, ít lâu sau bị giết: xô hay liệng từ từng lầu thứ ba trường Y khoa xuống đất, chết tức thì. Cái chết đó làm ông đau xót. Ngày đưa đám cháu Chương – cháu rất mến tôi – trông thấy tôi, ông nức nở khóc ròng, tôi không hiểu nước mắt ở đâu ra nhiều thế.
Giải phóng rồi mà ông buồn, ít nói, chắc có nhiều tâm sự. Ít lâu sau, tôi thấy ông trong danh sách Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Sài Gòn. Tháng 3-1980, tôi hay tin ông đứt mặch máu, tê liệt nửa người, mê man một tuần, ở trong bệnh viện Thống Nhất.

(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê)

 Bên lề chữ nghĩa

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn bánh tôm Phủ Tây Hồ

(Nguồn: Tôi đi đâu)

Góp nhặt phố văn ngõ chữ

Chu Tử, nhà văn chết đầu nước

Nhà văn Chu Tử lìa đời trên sông Lòng Tảo, trên thuyền Việt Nam Thương Tín. Hôm đó là ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Khi chiếc thương thuyền đang hướng ra hải phận quốc tế thì bị trúng một trái đạn pháo từ trong bờ bắn ra. Trong mấy ngàn người, chỉ có Chu Tử thiệt mạng. Cháu Chu Sơn, con trai anh, mà cũng là phóng viên trang 3 của chúng tôi trong tờ nhật báo Tiền Tuyến, đứng bên bố nhưng không nguy hại gì.

 Theo Trung tá Phạm Hậu kể lại:

“Có tiếng pháo kích từ bên bờ sông mé phải bắn qua. Ðạn đại bác của xe tăng hay đạn B40, B41 quái quỉ gì đó… rơi lõm bõm trên sông. Một viên đạn bay qua đầu chúng tôi, rơi trúng vào chiếc tầu to lớn – tầu Việt Nam Thương Tín chở hàng hóa và hành khách dân sự – đang vùn vụt chạy rất nhanh ở phía trái chúng tôi. Khói bốc lên nghi ngút trong chốc lát. Sau mới biết chính quả đạn này đã sát hại nhà văn Chu Tử…” 

Theo cháu Chu Sơn kể lại với tôi, thi hài Chu Tử được bó vải, thả xuống Thái Bình Dương ngày hôm sau. Anh là thuyền nhân đầu tiên được thủy táng. Anh là nhà văn lưu vong đầu tiên vẫn trong hải phận quê hương.

 (Viên Linh)

 Siêu thoát

 A ha hả, say sưa chê chán đã
Ta là ta hay không phải là ta?

(Hàn Mặc Tử)

Tô Thùy Yên

Tô Thùy Yên, tên thật Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định. Học sinh Trương Vĩnh Ký, sinh viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn, cựu thiếu tá QLVNCH. Sau 1975, anh bị  cầm tù hai lần, tổng cộng 13 năm. Cuối năm 1993, anh cùng gia đình sang tị nạn tại Hoa Kỳ, cư ngụ ở Houston, Texas.

Thơ Tô Thùy Yên bắt đầu xuất hiện trên báo chí từ năm ông 16 tuổi. Năm 1956, một bài thơ khác in ở trên Sáng Tạo, tạp chí mở ra một thời kỳ mới của văn học nghệ thuật Việt Nam: Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu. Ðó là một trong những bài thơ đánh dấu một  chuyển biến sâu xa trong nền văn học miền Nam, mà cũng là trong nền văn học Việt Nam, từ giai đoạn Tự Lực Văn Đoàn sang giai đoạn Sáng Tạo. Cùng với Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, vân vân, Tô Thùy Yên đã góp phần làm nên một diện mạo hoàn toàn mới của văn học miền Nam mà cũng của văn học Việt Nam.

Tuy rất nổi tiếng, được xem là một trong 7 nhà thơ hàng đầu của miền Nam, theo đánh giá của Mai Thảo, nhưng tác phẩm anh để lại hết sức ít, chỉ ba tập: Thơ Tuyển Tô Thùy Yên, Thắp Tạ và Tô Thùy Yên Tuyển Tập Thơ.

 Anh ra đi bình an vào ngày 21/5/2019. Một buổi lễ tưởng niệm anh đã diễn ra vào chiều ngày 31/5/219 với sự hiện diện của nhiều nhà văn, nhà thơ: Đỗ Quý Toàn, Đinh Quang Anh Thái, Trần Doãn Nho, Nguyễn Xuân Thiệp, Bùi Huy… Thực hiện lời trối trăng của anh, buổi tưởng niệm đã diễn ra, không phải trong tiếc thương và nước mắt, mà là một buổi đọc thơ Tô Thùy Yên thân tình, cảm động, và tràn đầy kỷ niệm bạn bè.

(Tưởng nhớ những khuôn mặt văn chương – Trần Dõan Nho)

 Bên lề chữ nghĩa

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn bánh cuốn Thanh Vân 14 Hàng Gà

(Nguồn: Tôi đi đâu)

Thuở mơ làm văn sĩ

Buổi sáng trời nắng hanh, tôi lái chiếc xe traction ra khỏi cổng phi đoàn an toàn, chiếc xe tôi đi một khúc đường dài ghẹo trái sang bộ tư lệnh cải hối thất nhốt lính phạm kỷ luật ngay trên lối đi. Trước khi đến bộ tư lệnh. Hàng toán lính kỷ luật đang phải làm ' cỏ vê ' bên rìa đường. Anh hạ sị ' cai ngục ' la hét om sòm, tay cầm cái cây sẵn sàng quất bất cứ anh nào ra vẻ chây lười.

Một anh, coi có vẻ lớn tuổi hơn cả bọn tù quân quăng cái xẻng xuống đường hét lên :
- Này cái thằng cai ngục kia, mày dám đánh trung sĩ không thì đến đây. Tao trung sĩ Dương Hùng Cường, ba gai số một đây, giỏi thì đụng ông.
Anh cai ngục không vừa, xách cây hầm hầm đi đến:
- Ở tù rồi thì thằng nào cũng như thằng nào, bất kể quan quyền. Ở đây tao là người có quyền, cấp bậc trung dĩ của mày không phải là to đâu, anh đánh hết.....

 Trung sĩ Dương Hùng Cường đứng chống nạnh:
-Giỏi thì cứ việc 

 (di ảnh Dương Hùng Cường)

Đám tù có một tay có vẻ ngang bướng:
 Mày mà đụng vào trung sĩ Cường, chúng tao làm thịt mày liền.

 (Nguyễn Thụy Long)

 

 

 

 

Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Bắc thang lên hỏi ông trời.
Đem tiền cho gái, có đòi được không?
Trời bảo: mày hỏi như khùng.
Tao là Thượng đế còn “không” nữa là!

Những ca từ khó hiểu trong nhạc Trịnh Công Sơn

 Những ca từ khó hiểu trong nhạc Trịnh Công Sơn

 Một Cõi Đi Về 

Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi…

 

Câu hát này sử dụng từ ngữ rất… Trịnh Công Sơn. Nhiều ca sĩ trẻ không biết “con tinh yêu thương” là gì, nên tự ý đổi lại thành “con tim yêu thương” cho nó thơ mộng.

 

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất nhiều lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” trong bài này. Theo Trịnh Công Sơn thì các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”.

 

Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát Một Cõi Đi Về mà ông yêu thích nhất, nhưng đa số ca sĩ lại hát là “con tim”, làm cho câu hát không còn gì đặc biệt.

 (Đông Kha)

 Người Man di hiện đại

 


Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15.6.1882, trong một gia đình nghèo tại Thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Gia đình ra Hà Nội, để thoát khỏi cảnh sống cơ cực tám tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh đi chăn bò thuê ngoài bãi Long Biên, ven sông Hồng.

Cũng trong thời điểm đó, cụ thân sinh ra Nguyễn Văn Vĩnh qua những người quen, thay vì đi chăn bò, xin cho Vĩnh đi kéo quạt mát cho một lớp học của người Pháp đóng tại đình làng Yên Phụ. Lớp học đào tạo thông ngôn.

Hai năm ngồi kéo quạt mát cho các bậc đàn anh, Vĩnh đã học mót và tạo được sự quan tâm của vị giáo viên người Pháp tên là André d’Argence. Khi lớp học mãn khóa, người giáo viên Pháp đã cho Vĩnh thi. Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thứ 12 trên 40 học viên.

Mười tuổi đỗ thông ngôn, nhưng vì quá nhỏ, nhà trường cho phép Vĩnh học lại từ đầu và không mất học phí. Mười bốn tuổi, mãn khóa, ông đỗ đầu. Mười lăm tuổi, một người Pháp là bạn thân của ông giáo André d’Argence, làm việc tại tòa sứ Lao Cai xin đặc cách, dùng Nguyễn Văn Vĩnh làm thông ngôn cho tòa sứ. Năm 1898, Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyển về tòa sứ Hải Phòng.

Tại tòa sứ Hải Phòng, lần đầu tiên Nguyễn Văn Vĩnh viết bài cho tờ công báo in bằng tiếng Pháp Courier du Hai Phong. Lúc này Vĩnh tròn hai mươi tuổi.

Khi Nguyễn Văn Vĩnh viết các bài bằng tiếng Pháp, lần đầu tiên trong bài viết của mình, Nguyễn Văn Vĩnh dùng bút danh Tân Nam Tử (Người Nam mới) Ngoai ra ông cìn tự nhận mình là: Người Man di hiên đại. (đó là cách gọi của ông)

(Nguyễn Lân Bình - Cháu nội của Nguyễn Văn Vĩnh)

 Đổ thùng

 Theo Tô Hoài kể lể phu phen Kẻ Noi đẩy xe bò, những chiếc thùng tôn rỗng kêu “lanh canh, lanh canh”. Đó là chiếc xe ba gác một người kéo, một người đẩy. Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng bánh xe gỗ cót két lăn trên đường phố. Tới cửa nhà, trong gió lạnh phất phơ, họ không rao “sực tắc…sực tắc” của gánh hàng mì gõ đầu ngõ Sầm Cống. Mà trong gió heo may, sau tiếng đập cửa thình thình vọng vào nhà hai tiếng…“đổ thùng…đổ thùng”. Trong khuya khoắt, bánh xe gỗ rền rĩ như khóc, như hát…hát khúc nam ai lạc lõng vào bóng đêm.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

 Trần Dần

Đầu giai đoạn Đổi Mới văn học, tôi được chuyển sang làm biên tập thơ cho NXB Hội Nhà văn. Công việc mới buộc tôi phải đối mặt với những sự việc đang được công luận quan tâm. Thí dụ: Xuất bản những ấn phẩm của các tác giả lâu năm bị “treo bút”. Tôi được cử đi lấy bài. Hà Nội lúc ấy thật nhỏ! Gặp Trần Dần, Văn Cao, tôi chỉ cần đi bộ vài trăm mét khỏi cơ quan xuất bản. Trần Dần ở một con phố nhỏ ngay sau NXB.

 

Trần Dần ngồi trong một góc nhà thiếu ánh sáng, chỉ vài mét là đường phố, mà ngỡ như ông đã tạo một thế giới riêng cho ông, thế giới của trầm tư, trầm cảm…Ấn tượng đầu tiên với tôi là có cái gì rất đồng nhất, hài hòa giữa tâm trạng, tính khí ông và thơ ông với góc nhà này!

 

Ông ngồi đó hầu như bất động từ bao năm với gương mặt râu ria, không cởi mở, thậm chí không nhếch một nét cười khi biết mục đích tôi đến tìm ông…Sau tôi mới biết, ở bên trong sự trơ lì đó là những dòng nham thạch sục sôi của sáng tạo. Kể cả khi có điều kiện đi dã ngoại như chuyến đi Huế với Phùng Quán mà Ngô Minh đã ghi lại: “Sáng ngày 11/5/1988, tôi đến khách sạn hầu chuyện ông, ông vẫn ngồi một mình trên giường, tôi hỏi sao ông không đi chơi đâu đó với anh Quán.

 

Ông nói: Phùng Quán ngồi không yên, chỉ thích đi. Mình ngồi ba chục năm quen rồi. Ngồi mà vẫn đi, vẫn ngao du. Mình có cuốn sổ “bụi”, sổ “ngao du”. Mình đi chơi lang thang trong cuốn sổ này. Đây là sổ để ghi tất cả những gì mới nghĩ ra. Có khi ngoài cả ý thức. Đó là cách đi của mình”. (Ba buổi sáng với Trần Dần).

 

Có lẽ từ dáng ngồi này, mà xuất hiện huyền thoại: Khi ông mất đi, trên bức tường góc nhà như vẫn còn bóng ông ngồi đó! Để Trịnh Thanh Sơn có được câu thơ xuất thần: Bao năm tháng thân chìm vào bóng – Thân về trời bóng vẫn ngồi im.

(Trần Dần, đôi nét...- Vân Long)

 Hồ Xuân Hương với Cổ nguyệt đường

 Bà Hồ Xuân Hương lập nên Cổ nguyệt đường ở bên Tây Hồ để làm nơi chỗ thi văn tác phú với tao nhân mặc khách thời ấy. Trong đó có Chiêu Hổ. Ông trêu ghẹo bà:

Người cổ còn đeo chữ nguyệt

Buồng xuân chi để lạnh mùi hương

Chữ “hồhọ bà cắt làm đôi ra hai chữ cổnguyệt

Nói lái trong văn học với bà chúa thơ Nôm

Quán sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo.
Chày kình, tiểu để suông không đấm,
Tràng hạt, vải lần đếm lại đeo.

(Chùa Quán Sứ)

 Rượu trong văn học

Nguyễn Công Trứ (1778-1859), cuộc đời “lên voi xuống chó” của nhà thơ và cái hùng tâm của Uy Viễn tướng công, nhưng không thiếu hơi hám của rượu trong thơ:
“Lưng bầu rượu say cổ kim kim cổ
“Một túi thơ vui hoa nguyệt nguyệt hoa

(Kiếp nhân sinh)

“Hẹn với lợi danh ba chén rượu
“Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ

(Thoát vòng danh lợi)

“Trót đà khuya sớm với ma men,
“Mặc kệ người chê, mặc kệ khen.
(Uống rượu tự vịnh)

(Khuyết danh - Tết nói chuyện rượu)

 Nói lái trong văn học với bà chúa thơ Nôm

Đang cơn nắng cực chửa mưa hè,
Rủ chị em ra tát nước khe.

(Tát nước)

Sắc không, không sắc

Cuối năm 1946, trên đường tản cư, khi qua làng Văn Tràng, tỉnh Nam Định, chúng tôi thấy trên cổng chùa đề bốn chữ : Sắc không, không sắc. Bốn chữ tuy ý nghĩa uyên ảo song là chữ cửa miệng của nhà Phật, không có gì đặc biệt, đặc biệt có chăng lá bên giòng lạc khoản đề tên Tam nguyên Yên Đổ.


Chúng tôi lấy làm lạ sao ông Tam nguyên lại cho bốn chữ thông thường quá như thế, sau có một bạn người làng giảng cho mới hiểu.  Nguyên làng này chuyên về nghề mài dao đánh kéo, trong lúc làm người ta thường hay vấn đáp: Sắc chửa - Chưa sắc”

Bốn chữ "Sắc không, không sắc" dùng chỗ khác thì không có gì đặc sắc nhưng đề vào chùa một làng mài dao, thì lại ngụ một nụ cười hóm hỉnh.
Là vì nếu đặt câu hỏi : sao không dùng như lời nói thường "Sắc sắc không không" hoặc "Không không sắc sắc" mà lại đặt chéo là "Sắc không không sắc"?  Nếu hỏi thế, ắt đã phải ngợ một dụng ý gì của ông Tam nguyên.

Ngợ thế thôi, chứ cũng chẳng ai ngợ được rằng ông Tam nguyên đã dùng chữ sắc theo cái nghĩa là... sắc bén.

(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)

Tổ tôm

Cụ Tú Vị Xuyên thì ta thán thân phận, công danh của mình trong bài thơ Chơi cuộc tổ tôm đầy khí khái và cao ngạo rằng:

Bực chăng nhẽ anh hùng khi vị ngộ

Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm

Bài chạm thành cuối cánh phỗng ầm ầm

Ngồi thôi chẳng bốc quân rác rãnh

 Hết bạch lại hồng thông mãi mãi

Nào những kẻ tay trên ban nãy

Ðến bây giờ thay thảy dưới tay ta

Tiếng bài cao lừng lẫy gần xa

Bát vạn ấy người ta ai dám đọ

Thế mới biết tổ tôm có đen thì có đỏ

Thì anh hùng vị ngộ có lo chi

Trước sau, sau trước làm gì

Bài thơ Tổ Tôm này của cụ Tú Xương dám được các “sĩ phu” hay những người cho rằng mình có tài nhưng thất thế thích lắm. Vì cứ an ủi theo cụ rằng, “anh hùng vị ngộ có lo chi”, lo gì chuyện chưa gặp thời, chưa đạt công danh. Ðến lúc nào đó rồi cũng … thi rớt như cụ Tú mà thôi. Mà thật, tài ba, chữ nghĩa bề bề như cụ Tú mà còn lận đận, đuổi gà cho vợ thì huống hồ ai.

 (Những quân bài ngày Tết - Đinh Yên Thảo) 

 Qua với bậu

 

Không riêng gì Quảng Nam, vượt qua đèo Hải Vân ngược ra Bắc, nếu dừng chân tại Quảng Bình, người ta còn nghe câu hát huê tình đầy tiếng qua: 

Răng chừ đá nổi lắc lư 

Lạch Ròn kia cạn, qua mới từ nghĩa em

(theo Lê Minh Quốc)

 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi từ Quảng Nam xuôi về phương Nam, người ta sẽ nghe nói thường hơn 2 tiếng qua và bậu : 

Xa xôi chưa kịp nói năng 

Từ qua với bậu như trăng xế chiều 

 

Khi tới xứ Nam kỳ Lục tỉnh, 2 tiếng qua và bậu dường như cũng dừng bước và đóng đô luôn ở miền đất lành chim đậu này : 

Bảng treo tại chợ Mỹ Lồng:
Chữ đề tên bậu, không chồng có con

Khi qua và bậu đã bén rể ở đất Nam kỳ, thì cách nói năng cũng bộc trực, nghĩ sao, nói vậy như dân Nam kỳ :

Bậu đừng lên xuống đèo bồng
Chồng con hay đặng sanh lòng nghi nan

(Nguyễn thị Cỏ May)

Thành ngữ tục ngữ

 Đổi thay nhạn yến
Thành ngữ này để chỉ thời gian một năm.

Về mùa đông, chim nhạn (tức hồng nhạn) thường di cư về phía nam để tránh rét. Về mùa xuân, chim yến (én) bay về.

Thành ngữ này giống thành ngữ đông qua xuân tới.

Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.
(Nguyễn Du)

 Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa

Tân Định & Đa Kao những ngày xưa cũ

 Đoạn đường Trần Quang Khải từ đây ra đến đường Đinh Tiên Hoàng tuy không dài lắm, nhưng có rất nhiều cửa hiệu buôn bán.. Đi thêm một chút nữa sẽ gặp Đình Nam Chơn. Bên trái cổng vào trong sân đình có cây đa to, có lẽ đã trên trăm tuổi.

Tiếp tục phía bên trái. Đầu tiên là chi cục cảnh sát Tân Định. Kế bên là đình Công Thành Ban, chuyên trình diễn hát bộ. Kế bên là một ngõ hẻm, đi ra được đường Trần Khắc Chân. Cách đó vài căn là một tiệm hòm. Có tiệm may Của, rồi đến nhà bà con với ông chủ rạp hát Văn Hoa.

(Trần Đình Phước)

Chữ nghĩa làng văn

               Cầu Thê Húc khi xưa – Nguồn: petrotimes 

 Và dựng Tháp Bút và Đài Nghiên. Tháp Bút là một phiến đá hình tháp như chiếc bút lông, trên mặt có ba chữ “Tả thiên Thanh”, nghĩa đen là “vẽ lên trời xanh” trích trong câu thơ “Lăng tàng trường kiếm ỷ thanh thiên” của cụ Nguyễn Du (2).

Nghĩa bóng là nhắc đến vua Quang Trung đánh bại vua Tầu nhà Thanh với “Tả Thanh thiên tử” (2). Đài Nghiên bằng đá, hình nửa quả đào, thành nghiên khắc một bài phú nói về nghiệp bút nghiên của nhà nho thời ấy”.

(2) Có nguồn cho rằng: Một là tại sao Nguyễn Văn Siêu lại cho dựng Tháp Bút với ẩn ngữ câu “Tả Thanh thiên tử” trong khi nhà Nguyễn vừa là bề tôi của nhà Thanh, vừa đối nghịch với nhà Tây Sơn. Ông chỉ đứng ra tu sửa Tháp bút và Đài Nghiên không thôi. Hơn nữa với “văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” ông nào cần gì vay mượn câu "Tả thanh thiên" của Nguyễn Du.

Hai là đời Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu từ Hưng Yên về Thăng Long mở trường dậy học ở ngõ Trạm. Ông chí là ông đồ ở ngõ Trạm làm gì dú có quyền hạn để xây dựng cầu và tháp bút.

 Nhưng hai câu thơ ấy dường như trích trong bài “Khuất thực” của Nguyễn Du làm năm 1796 năm 30 tuổi trên đường đi ra Bắc:

Chống gươm ngạo nghễ thét trời xanh,
Ba chục năm trong bùn hôi tanh.
Chữ nghĩa ích gì cho cuộc sống,
Nào ngờ đói rách người thương tâm.

Nhất Uyên dịch nguyên tác thơ chữ Hán:
Tằng lăng trường kiếm ỷ thanh thiên,
Triển chuyển nê đồ tam thập niên.
Văn tự hà tằng vi ngã dụng,
Cơ hàn bất giác thụ nhân liên.


Tằng lăng: Tự điển Từ Nguyên: dáng cao hiểm. Bản Trương Chính dịch: ngạo nghễ. Bản Đào Duy Anh dịch: ngất ngưỡng.
Trường kiếm ỷ thanh thiên: Kiếm dài như tựa tới trời xanh.

(Phạm Trọng Chánh - Nguyễn Du: Ra Bắc 1796)

 Sự ra đời của chữ quốc ngữ

Bồ Đào Nha là dân tộc của những người đi biển. Hơn thế nữa, từ xưa, họ là những người chịu bỏ xứ đi tha hương. Lisboa là cảng biển duy nhất của bán đảo Iberia, khơi gợi lòng viễn du của một dân tộc sẵn sàng lên đường.

Thực vậy, kể từ thế kỷ thứ 15, khi tài đi biển của người Bồ Đào Nha lên đến đỉnh cao, quốc gia này bành trướng thành cường quốc số một ở Châu Âu, chiếm lĩnh nhiều thuộc địa ở Brazil, Châu Phi, Ả-rập, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Trung Hoa.

Năm 1511 thuyền nhân Bồ Đào Nha bắt đầu nhắm đến Trung Hoa và Nhật Bản. Họ vòng từ miền nam Ấn Độ, đi đường biển dọc theo miền trung Việt Nam để lên đảo Macau.

Họ đã dừng chân tại Hội An để buôn bán và tiếp tế lương thực, nên năm 1524 họ dựng một tấm bia đá ở cù lao Chàm.

 Song song, các nhà truyền giáo lần lượt đến Nhật Bản, Trung hoa và Việt Nam. Trong những năm cuối của thế kỷ thứ 16 các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha của hai dòng thánh Francisco và Agustino đến Việt Nam. “Dòng Tên* chính thức được thành lập ở Đàng Trong năm 1615. Đàng Ngoài năm 1627. Trong giới giáo sĩ dòng Tên người Bồ có một nhân vật xuất sắc, đóng một vai trò lịch sử trong nền văn hóa Việt Nam, đó là Francisco de Pina. 

 (Đường xa nắng mới - Nguyễn Tường Bách ở Đức

 “Ba Tàu” huyễn sử

Tình cờ đọc một bài viết trên trang Wikipedia tiếng Việt, thấy có thông tin ngô nghê này:

“Người Việt còn có lệ gọi người Tàu là "người Ngô". Lệ này bắt nguồn từ thời Xuân Thu  có "nước Ngô" và "nước Việt". Điển hình là bản Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15 sau khi Bình Định vương Lê Lợi đuổi được giặc nhà Minh.”

 Nói “ngô nghê” vì thời Xuân Thu nào có nước Ngô, nước Việt?

Thực ra thời xưa người Việt gọi người Tàu bằng hai tên: người Hán, và người Ngô. Sở dĩ vậy, vì người Việt bị cả hai đế quốc Tàu đó cai trị. Trước tiên ta bị Tàu cai trị trực tiếp từ đời Hán, ta gọi họ là người Hán. Thời Sĩ Nhiếp đang làm thái thú (do nhà Hán bổ nhiệm) tại nước ta, vào đầu thế kỷ III Tây lịch,

Tàu trong giai đoạn các đại gia tộc tranh hùng “chia ba thiên hạ.” Sĩ Nhiếp “liên minh” với phe Tôn Quyền ở Đông Ngô. Khi Tam quốc thành hình và Tôn Quyền xưng đế lập nên nhà Đông Ngô, chiếm lĩnh một cõi đông nam nước Tàu, và Việt ta (lúc bấy giờ là Giao Châu) nằm dưới sự cai trị của nhà Đông Ngô.

Tổ tiên người Việt của chúng ta gọi bọn cai trị mới này là người Ngô để phân biệt với người Hán đã thống trị mình trước đó. Cho nên khi giặc nhà Minh xâm lược nước ta, tổ tiên ta thời đó vẫn gọi chúng là giặc Ngô. Nghĩa của mấy chữ Bình Ngô Đại Cáo là lời bố cáo về đánh bại giặc Tàu xâm lược.

(Thiếu Khanh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Sau một loạt ấn bản “từ điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ…giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng, chẳng hạn như:

“niết bàn” là “nát bàn”

 Thành ngữ tục ngữ sai

 Vợ dại không hại bằng đũa vênh 

Đôi đũa cái ngắn cái dài là tối kỵ, suy ra vợ chồng cũng vậy, phải bằng nhau, ngang nhau mới hạnh phúc.

 

Câu này, Nguyễn Cừ đã hiểu sai nghĩa của từ “vênh”. 

“Vênh” đây là cong vênh của chiếc đũa chứ không phải sự dài ngắn của đôi đũa. Vì cong, vênh nên đũa mới khó gắp. Nếu cái dài cái ngắn vẫn gắp được như thường. Thêm một dị bản “Vợ dại không hại bằng đũa cong”, nghĩa: “Đũa cong vênh khó gắp”.

 

Chuyện đũa vênh bây giờ thật khó tưởng tượng. Tuy nhiên, trước đây, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, cái bát ăn cũng không có đủ (phải dùng cả bát sứt, bát làm bằng gáo dừa). Đến như đôi đũa cũng chẳng ra đôi đũa. Bởi ngày thường cái ăn còn chưa đủ, mấy ai để ý, chăm chút cái bát, đôi đũa cho thật đẹp, thật tốt? Đến khi có đình đám, thôi thì trăm kiểu đũa, kiểu bát. Chẳng may vớ phải đôi đũa vênh (cong do vót bằng tre non, tre cụt ngọn, có mắt) thì rất khó gắp. Mà ăn đông người, cỗ bàn có hạn, gắp mãi chẳng được một miếng thì chỉ có nước chịu đói, chịu thiệt.

 

Lấy phải vợ dại (vụng về, không khôn ngoan, tháo vát) đã là thiệt thòi vất vả, khổ sở rồi, thế nhưng cũng không hại bằng đũa vênh. Đây là cách nói thậm xưng thường thấy của dân gian, nhằm nhấn mạnh sự thiệt thòi khi ăn bằng đôi đũa vênh.

(Hoàng Tuấn Công)

 

Phụ đính I

Chân dung hay chân tướng nhà văn

 

Sau này vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường rời Hà Nội trở về Huế và nghe nói được “đãi ngộ” khá hơn. Ở Đại hội Nhà văn lần thứ V (1995), văn phòng Tổng Bí thư Đỗ Mười đưa xe đến mời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tới gặp riêng Tổng bí thư. Dịp tết Ất Dậu, ông Đinh La Thăng, giờ là Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải nổi tiếng vụ “trảm tướng” sân bay Đà Nẵng, đòi đánh thuế cả xe máy dân nghèo, lúc đó là Phó bí thư Tỉnh ủy đến tận nhà, tặng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường một dàn máy tính xịn. 
Năm 1980 -1981, được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam với tập “Rất nhiều ánh lửa” (1979). Năm 2007, được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Ông từng làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Cửa Việt.

***

Tháng 7-1997, Hoàng Phủ Ngọc Tường sang thăm Paris. Khi được bà Thụy Khuê (RFI) hỏi:
“Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt được, diễn biến Mậu Thân đã xẩy ra trong một trình tự như thế nào"


Ông đã trả lời:
“Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng…”.

 

(Nhật Tuấn)

***

Phụ đính II

Chữ nghĩa làng văn

Trần Huyền Trân - 1

Trần Huyền Trân có viết một tiểu thuyết những cảnh và người quanh Khâm Thiên được tả như một tự truyện, những lều kéo cá, những bè rau muống trên các ao chuôm cống rãnh khúc khuỷu cạnh ngõ Sơn Nam, ngõ Liên Hoa quanh Cống Trắng. Thời ấy, những người cơ cực các nơi lên thành phố kiếm việc tìm chỗ ở bãi sông Hồng và bám vào rìa thành phố như thế. Sau lưng cái phố Khâm Thiên đủ loại trác táng và bài bạc, những lau xanh, chỗ chơi của người phong lưu, nhà thổ cho kẻ kiết xác, các tiệm nhảy Tanaca, Pagốt thời thượng Pháp.

 

Nhưng ngay ở những nơi mà hai chữ Khâm Thiên dễ làm cho người ta ngày nay tưởng ở đấy chỉ rặt những cảnh ngày đêm nghiêng trời ném tiền qua cửa sổ, còn vô số những con người lênh đênh trôi dạt trên các nhà hát làm đào rượu, một loại gái điếm chuyên đứng quạt, hầu rượu, mắc màn ngủ với khách làng chơi bị đổ bệnh tiêm la, một số phận cùng đường.

(Phê bình, bình luận văn học - Tô Hoài)



Trần Huyền Trân sinhngày 13.9.1913 tại Hà Nội, mất ngày 22.4.1989 tại Hà Nội.. Tên thật Trần Đình Kim, bút danh Trần Huyền Trân. Ông tham gia phong trào thơ mới, ông tham gia văn học nghệ thuật, làm việc ở đoàn kịch Tháng Tám. Sau 1954, Trần Huyền Trân chuyển sang lĩnh vực sân khấu. Cùng với một số bạn bỏ tiền túi ra thành lập nhóm chèo Cổ Phong để có nơi bảo lưu những giá trị nghệ thuật dân tộc. Ông là người đã dày công sưu tầm những tích chèo cổ của nghệ thuật chèo (như Vân Dại, Quan Âm Thị Kính - Tú Uyên (kịch), Giáng Kiều (kịch). Ông để lại nhiều bài thơ nổi tiếng: Rau tần, Uống rượu với Tản Đà, Mưa đêm lều vó...

 Chữ nghĩa làng văn

 Trần Huyền Trân – 2

 Cô Trần Nguyệt Hiền mà Trần Huyền Trân gặp cũng ở trong đám người ấy. Hiền không phải gốc gác "rằng xưa vốn là người kẻ chợ" mà Hiền đã trôi từ đồng quê ra, có lẽ đã đứng ở phố Mới buôn người đợi kẻ có tiền đến dắt đi làm con sen, con nụ hay làm lẽ mọn cho nhà giàu. Rồi người ta tống khứ thản nhiên con sen ra khỏi cửa. Hiền bước vào nhà hát làm đào rượu với cái thai trong bụng và khi đến ngày ở cữ thì lại là lúc phải cuốn gói - có nhà hát nào lại chứa một đứa đào nuôi con mọn!

Hiền trở dạ. Chỉ có anh chứng kiến, một mình anh lo cho Hiền được mẹ tròn con vuông với đủ việc: niêu nước mắm chưng, tiền đút nhà thương làm phúc, cái áo xé làm tã và làm tờ đứng tên khai sanh cho cháu bé. Chút duyên chết đuối trong cảnh ngộ ấy của hai con người họ Trần giữa cơn đau đớn đời người đã khiến cho họ nghĩ ra cái dấu nối đẫm nước mắt: Trần nối với Trần bằng dấu huyền là Trần Huyền Trân.

 

Đấy là tên con và rồi là tên thơ yêu dấu của anh. Tên con và tên thơ tuyệt nhiên không ngẫu nhiên. Tên thơ (bút danh) của Trần Huyền Trân ra đời xiết bao tình nghĩa như thế.

Bây giờ, cô bé Trần Huyền Trân năm xưa ở đâu, nếu trời còn để cho sống chắc đã nên bà?

(Phê bình, bình luận văn học - Tô Hoài)

 

Mời Xem :

1/

Chữ nghiã làng văn (15/7/2022 )- Ngô 2/Không Phí Ngoc Hùng 

 

2/ 

 

Ngộ Không: Thổ ngơi ký truyện  

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét