Vanvn- Tôi giật mình quay lại. Không có ai ngoài Nam với chiếc điện thoại đang phát sáng trong đêm. Điện thoại tôi rung chuông.
– Ngân à, quay lại với Nam đi.
Tôi rùng mình, hình như có gì đó đang làm tôi luống cuống.
Tiếng nhạc trầm bổng phát ra. Những ánh nến lấp láy như ngàn ngôi sao
thắp sáng.
Người số một
Tôi gặp Số Một trong bữa tiệc liên hoan lên chức của đứa bạn. Ba mươi
tuổi, bạn tôi có tất cả. Một gia đình hạnh phúc đầy đủ chồng, con và
bây giờ là sự thăng tiến trong công việc. Còn tôi, ba mươi tuổi, chỉ
nhận về mình tiếng ế chồng. Phải nói thêm rằng tôi là người đam mê văn
chương, cái thứ ngôn từ xào nấu không ra những tờ tiền xanh đỏ hay những
tờ đô la mê hoặc, cái nghề quanh năm suốt tháng đói nghèo về thể chất,
dư thừa về tâm hồn. Dư thừa đến mức tôi không có nhu cầu tìm kiếm cho
mình một ai để chia sẻ. Đôi khi, sau những phút thăng hoa với cảm xúc mơ
hồ, tôi trở về thực tại, bụng đói, thân xác rã rời. Tôi không màng đến
danh vọng, sự nổi tiếng, dù rằng tên tôi thường xuyên được xướng trên
báo chí, truyền hình. Họ khen ngợi tôi, để rồi trong những cuộc phô
trương thanh thế, họ lại lôi tôi ra làm bệ phóng nâng cao giá trị mình.
Chính vì vậy, tôi ghét những cuộc tiệc tùng, chiêu đãi. Vậy mà trong lúc
nhàn chán, với những bế tắc văn chương, tôi dễ dãi nhận lời mời góp mặt
trong buổi tối hôm nay. Tôi nhìn xung quanh, vẫn như bao lần khác, ai
cũng khoác lên mình bộ đồ sang trọng. Đàn bà sặc sỡ như những chú bướm,
với loại hương thơm đắt tiền. Đàn ông tỏ ra lịch thiệc với chiếc ví căng
phồng sau mông. Họ nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn từ hoa mỹ hơn
trang văn của tôi. Toàn những sự kiện nóng hổi, nhân vật nổi tiếng. Đứa
bạn tôi xuất hiện đúng vai trò của một chủ nhà, nền nã và thân thiện. Có
ai biết rằng ngày xưa chủ nhà là một cô bé đen nhẻm, rách như xơ mướp.
Mỗi lần đi học lại bị cô giáo bắt ra bờ sông, ngồi kỳ cọ tay chân hàng
tiếng đồng hồ. Ấy vậy, thử nhìn cô lúc này xem, một chút dấu tích của
xưa kia cũng không thể tìm ra. Cô như một thứ đồ cổ được khai quật lên,
rồi đem đánh bóng bằng mỹ phẩm cao cấp, bằng quần áo sang trọng và từng
nét mặt xinh đẹp được ra lò từ thẩm mỹ viện nào đó. Tất cả điều đó là
nhờ cô may mắn lấy được một ông chồng giàu sụ. Còn nhớ hôm đám cưới cô,
tôi gặp rất nhiều những cậu bé xa xưa thò lò mũi xanh tanh khẳn, những
cô nàng tóc xơ xác, đỏ quạch như râu ngô. Trước sự ngưỡng mộ của đám
bạn, cô thản nhiên nói rằng “Cái ánh sáng mà chúng mày đang thấy ở tao
được thắp lên từ trong tận cái váy chín tầng này đấy”. Đám bạn ngơ ngác,
tôi hiểu cô muốn nói gì. Chẳng bao lâu sau, tự nhiên ông chồng già của
cô đổ bệnh rồi chết. Toàn bộ tài sản thuộc về cô. Rồi nhanh chóng, cô
kiếm được ở đâu một anh chàng bảnh bao, trí thức và sống với nhau cho
đến ngày hôm nay.
Gần cuối buổi tiệc, ánh trăng len nhẹ những tán cây, mờ ảo. Tôi lần
ra vườn, chọn một chiếc bàn nhỏ ngồi xuống. Không còn sự ồn ào, không
phải cười xã giao đến chảy quai hàm. Không khí trong lành, yên bình.
Chiếc xích đu nhỏ làm tôi chú ý. Tôi ngồi lên. Chiếc xích đu đung đưa êm
ái. Tôi thâý mình nằm trên một dải lụa mỏng, nhẹ, mềm và thơm. Toàn
thân tôi được ướp dưới ánh trăng huyền diệu. Khung cảnh nơi đây khiến
tôi bỗng nhớ đến một đoạn thơ của Hàn Mặc Tử:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Tiếng vỗ tay lách phách, tôi giật mình. Trước mắt tôi, một người đàn
ông xa lạ. Ông ta lừng lững như chiến binh từ thời Tam quốc hiện về.
Nhưng chiến binh lúc này đang mặc một bộ com lê, có chiếc nút thắt hình
con vật to sụ: “Đại gia Thạch Sùng”
– Cô nói gì?
– À không? Xin lỗi tôi tưởng chỉ có mình tôi.
– Sao cô không vào trong kia?
-Tôi thích ngoài này hơn vả lại tôi không giống người đi dự tiệc lắm.
– Tôi thấy cô rất tuyệt, nhất là những câu thơ cô vừa đọc.
– Ồ vâng! Cảm ơn. Tôi xin phép.
– Khoan đã, cô có thể cầm tấm các này được không? Coi như thủ tục tôi làm quen với cô.
Tôi quen ông ta như vậy. Ngắn ngọn và đầy đủ thông tin về một con
người qua tấm các bé bằng lòng bàn tay. Ngay hôm sau, khi tôi đang thả
mình theo những dòng viết, những khung cảnh ngoài hiện thực, điện thoại
bất chợt reo. Tôi bị rơi ra khỏi thế giới văn chương. Nhấc máy, bên kia
tôi nghe rõ tiếng Đại gia Thạch Sùng hồ hởi, hỏi han. Trả lời bâng quơ,
lòng tôi thắc mắc tại sao người đàn ông đó lại biết số điện thoại của
mình. Trả lời nhanh chóng: Ông ta có tiền – Tôi có chút tiếng tăm.
Từ đó tôi đều đặn nhận được những mẩu tin nhắn không đầu, không cuối,
kèm theo những lời mời của Đại gia Thạch Sùng. Cũng đôi ba lần ông ta
có gửi quà, thậm chí cả hoa, cho tôi. Ban đầu, tôi khéo léo từ chối.
Than phiền với Nam, cậu bạn thân từ ngày còn để chỏm, Nam cho tôi lời
khuyên ngọn lỏn
– Ngân xem con tim nói gì? Ông ta giàu biết đâu lại tốt cho sự nghiệp
của Ngân. Biểu đồ tình cảm của Ngân chưa có số nào mà. Thử xem.
Tôi nghe cậu bạn, hẹn hò với Đại gia Thạch. Tôi đánh dấu trong cái
biểu đồ tình cảm của mình cho ông ta bằng biệt danh Số Một từ ngày đó.
Gần gũi rồi tôi mới biết Số Một giàu lên nhờ đào được đá đỏ.
Số Một kể. Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo, nghèo tức là hèn,
nên người dân mấy đời không ngóc đầu lên được. Chưa đầy 20 tuổi, Số Một
lấy vợ, hai vợ chồng tần tảo làm lụng ngày đêm, chẳng no được bụng.
Không no bụng nên đêm cứ dài ra, con càng đông hơn. Rồi bỗng nhiên có
một người về làng rủ Số Một cùng mấy anh thợ cày nữa đi đào vàng tận
Nghệ An. Được ít lâu sau, vợ Số Một cũng khăn gói lên với chồng. Công
việc tuy vất vả nhưng tồn tại hy vọng vào cuộc đổi đời. Và rồi may mắn
đến. Hai vợ chồng Số Một đào được viên đá đỏ. Khi cầm viên đá trong tay
cũng là lúc hầm rung chuyển mạnh, đất đá lở loét bung ra từng mảnh. Cả
hai cắm đầu chạy. Số Một thoát chết. Viên đá đổi bằng mạng sống của
người vợ. Chưa xong, bọn chủ hầm biết được, ra sức truy lùng. Chúng về
tận quê cắt mất bên tai của con trai Số Một. Thời gian sau, Số Một trở
về với những tên côn đồ sừng sỏ nhất, thanh toán ân oán với bọn chủ hầm.
Số Một thắng. Rửa được lòng hận. Số Một đưa cả nhà lên thành phố, mở
công ty, làm ăn phất lên như diều gặp gió. Nhưng tiền bạc không thể mua
được cái mác trí thức để gột sạch bản chất tá điền của Số Một trong mắt
mọi người. Cho đến khi Số Một gặp được tôi. Chính tâm hồn văn chương,
thơ thẩn, chính cụm từ “phù thủy của những con chữ” mà mọi người gán
ghép khiến Số Một nghĩ, chỉ có tôi mới là người gột rửa hết mùi bùn đất
cho Số Một. Tôi cũng không biết mình có thật lòng yêu Số Một hay chỉ là
sự ngộ nhận. Nhưng Số Một luôn biến những cảnh mơ huyền, lãng mạn tôi
viết ra thành sự thật. Nào là bữa ăn chỉ có tôi và Số Một dưới ánh nến
lung linh, xung quanh là hoa hồng, nào là Đà Lạt sương khói có chàng và
nàng dạo bước bên nhau, ánh điện đường mờ ảo lất phất mưa bay. Số Một
biết tôi nghĩ gì và muốn gì. Chuyện tình cảm của tôi và Số Một đang tiến
triển tốt đẹp, thì bỗng một hôm nhà tôi xuất hiện vị khách lạ. Vị khách
tự xưng là con trai của Số Một. Chứng minh: một bên tai bị khuyết. Tôi
mời vị khách ngồi. Anh ta đứng nhìn tôi, nhìn căn phòng không to hơn cái
tổ chim là mấy rồi gật gù.
– Ấm cúng đấy, nhưng hơi chặt. Thế này bố tôi nằm ở đâu cho vừa?
Tôi bực mình với câu nói của anh ta. Tôi gắt.
– Đã vào đây thì nhốt lồng hết. Anh cần gì ở tôi?
Anh ta thẳng thắn:
– Tôi cần cô chấm dứt chuyện qua lại với bố tôi, cô còn quá trẻ để
kiếm cho mình một thằng vai u thịt bắt, chứ không phải người nuôi mình
như con.
Tôi kết thúc:
– Thứ nhất, tôi chưa bao giờ trông chờ ở bố anh điều gì, thứ hai,
tình yêu không bao giờ có tuổi. Thứ ba, xin mời anh ra khỏi nhà tôi.
Khi nghe tôi kể lại mọi chuyện, Nam nhìn tôi rồi cười:
– Hãy coi đó như một cuộc thử nghiệm, một sự thay đổi về cảm xúc để
viết. Ngân vẫn còn rất nhiều khoảng trống trong biểu đồ tình cảm kia mà.
– Nhưng tôi không còn thời gian. Cậu định cho tôi ế chồng à?
Nam đặt vào trong tay tôi ly nước, giọng bỡn cợt.
– Ngân còn trẻ, ít nhất trong mắt tôi. Yên tâm đi, ông bà bảo 30 chưa phải là tết.
Tôi thuê nhà đến nơi khác, đổi số điện thoại. Trên biểu đồ tình cảm, tôi lấy bút đỏ gạch một đường chéo vào ô chữ Số Một
Người số hai
Người số hai là một anh chàng trẻ hơn tôi 3 tuổi, yêu văn chương và
thích những câu truyện ngang trái trong yêu đương như phim Hàn Quốc. Tôi
gặp Số Hai trong ngày anh ta bảo về luận văn ra trường. Tôi là khách
mời danh dự. Vẫn như mọi lần sau một vài lời phát biểu theo kiểu khích
lệ, tôi trở về chỗ ngồi. Số Hai mon men đến gần:
– Có đúng chị là Kim Ngân nhà văn của những truyện tình ướt đẫm nước mắt không? Ôi! hân hạnh quá. Tôi ngưỡng mộ Kim Ngân đã lâu.
Lần đầu tiên có người nói với tôi hai từ ngưỡng mộ. Tôi đã rất nhiều
lần nghe mọi người nâng bổng mình bằng đủ loại mỹ vị của ngôn từ. Nhưng
ngưỡng mộ thì tuyệt nhiên không. Tôi nhìn Số Hai xúc động. Gương mặt Số
Hai không có gì nổi bật, đôi mắt mệt mỏi, mũi tẹt, miệng bé, gò má hốc
hác, kết quả của những đêm thức trắng. Duy nhất giọng nói của Số Hai lại
luôn ám ảnh tôi. Giọng nói mỗi lần phát ra cứ khùng khục như bị vướng
mắc vật gì ở thanh quản. Lần đầu, Số Hai đến nhà tôi, nhìn những tủ sách
cao ngất ngưỡng, những ngón tay tôi lướt trên bàn phím và truyện tình
bi đát hiện ra, Số Hai ngỡ ngàng như vừa tìm ra được vật báu. Nơi chúng
tôi đến thường là công viên hay ngồi ở một quán cóc nào đó. Nghe ngóng
mọi người nói chuyện để rồi sáng mai ra, Số Hai lại đưa cho tôi những
bài thơ còn nhoen mực và lỗi tẩy xóa. Phải nói rằng thơ Số Hai là cả một
sự dày công nghiên cứu. Đọc những vần điệu ấy, tôi có cảm giác mình
đang trải qua sự dày vò, đau đớn và cả những khúc rơi không đúng chỗ. Đó
là sự thai nghén, chứ chưa thể thành dạng hình hài nào. Vậy mà đối với
Số Hai, điều đó lại trở thành lớn lao, thậm chí có thể cứu rỗi cả nhân
loại. Có những buổi trưa, nắng như đổ lửa, Số Hai trên chiếc xe cà tàng
đạp gần chục cây số đến nhà tôi, người đầy mồ hôi, mặt đỏ phừng phừng,
chưa kịp nghỉ ngơi, Số Hai vung tay múa chân đọc những vần thơ mà nước
bọt phì ra cả hai mép. Còn nhớ có lần tôi đưa Số Hai đến giao lưu, đàm
đạo văn chương với những người bạn viết của mình. Lúc đầu, Số Hai còn e
ngại, học hỏi, nhưng dần dà, Số Hai tự biến mình thành vĩ nhân, thao
thao hàng tiếng trời trước những con mắt bực bội của vài kẻ sỹ khác. Họ
gọi Số Hai là “đồng sàng dị mộng”, rồi nhìn tôi nghi ngờ. Còn Nam lại
bảo rằng
– Số Hai của Ngân hình như lọt ở trại tâm thần ra hoặc là người sống
ngoài vũ trụ rơi xuống. Vậy mà Ngân chịu được. Không định kết hôn với Số
Hai rồi nuôi con bằng thứ ngôn từ trừu tượng, mông lung ấy đấy chứ?
Tôi bực Nam, gì thì tôi cũng là người viết lách. Nhưng tôi cũng không
thể chối bỏ được rằng Nam nói đúng. Và tôi quết định cho Số Hai ra khỏi
biểu đồ tình cảm của mình, sau một sự việc xảy ra.
Hôm đó tôi đang đọc sách thì Số Hai điện bảo đi công viên, rồi cúp
máy. Tôi không kịp từ chối. Đến nơi vẫn như bao lần khác, chúng tôi thả
bộ trên lối gạch lát, không nói với nhau lời nào. Trời thì nắng, thêm
vào đó, những cảnh tượng ôm ấp, xoắn xuýt nhau của mấy cô cậu choai
choai mà Số Hai dán chặt mắt vào khiến tôi mệt mỏi, khó chịu. Tôi tự nhủ
tại sao bây giờ người ta thích học làm khỉ, bắt chấy rận cho nhau ngay
thanh thiên bạch nhật, thay vì được làm người vậy nhỉ? Tôi đề nghị Số
Hai ngồi xuống. Vừa lúc đó, một thằng bé chạy đến mời Số Hai đánh giày.
Số Hai nhìn nó lắc đầu. Thắng bé nài thêm. Số Hai tiện chân hất mạnh.
Thằng bé thất thểu bỏ đi. Tôi sẵn giọng:
– Hãy học cách làm người, trước khi làm vĩ nhân. Đừng tìm tôi. Nhớ nhé.
Số Hai không nhớ, vẫn tìm tôi vài lần nữa, lần nào tôi cũng trốn
biệt. Một thời gian sau, tôi gặp lại Số Hai, vẫn hình ảnh cũ nhưng mới
mẻ hơn là sự xuất hiện của một cô bé mặt mày ngơ ngác, đang mê mải nuốt
lấy từng tiếng khùng khục mà Số Hai thốt ra. Tôi cười một mình.
Người số ba
Lần này có vẻ tôi tìm được người tương xứng với mình. Một doanh nhân
trẻ tuổi, thành đạt và bảnh bao. Ngay từ cái nhìn đầu tiên tôi đã bị Số
Ba thu hút. ở Số Ba có cái gì đó phong trần, hơi lãng tử nhất là nốt
ruồi son ở khóe miệng, mỗi lần Số Ba cười duyên đến lạ và cả đôi mắt đen
thẳm thẳm nữa. Có thể nói rằng Số Ba là một người hoàn hảo cả về hình
thức lẫn tâm hồn. Số Ba có một tuổi thơ khó nhọc, lam lũ bùn đất. Bố mất
sớm, không bao lâu sau, mẹ lấy chồng khác. Ông ta có quyền hành hạ Số
Ba không thương tiếc. Những đòn roi, những vết thâm trên người và những
lần bị bỏ đói làm Số Ba căm giận người đàn ông đó. Nhưng tủi nhục hơn,
năm Số Ba tròn 18 tuổi, thân hình vạm vỡ thành một chàng trai khỏe mạnh,
ông bố dượng luôn tìm cách gần gũi với Số Ba một cách bất thường. Không
còn những đòn roi, nhưng đêm về, khi Số Ba say giấc, trong cơn mộng mị,
Số Ba thấy dưới bụng mình một bàn tay thô ráp lần mò, trên má thứ chất
bọt sặc mùi thuốc lá dính dáp. Người Số Ba cương cứng, lạnh toát mồ hôi.
Số Ba bật dậy và bỏ chạy khỏi ngôi nhà. Đi mãi như vậy đến lúc gục
xuống. Tỉnh dậy, Số Ba thấy mình đang nằm trong một ngôi nhà khang
trang, bề thế, có cô bé xinh như búp bê, mắt to như hạt nhãn. Từ đó, Số
Ba trở thành người đưa đón cô bé đi học. Rồi hai người yêu nhau. Bố mẹ
cô bé không đồng ý, ép gả cô cho một anh chàng lắm tiền, nhiều của. Ngày
cô bé lên xe hoa, Số Ba ra đi với lời thề khi nào thật nhiều tiền mới
quay lại. Và Số Ba gặp tôi. Tôi giống cô bé có đôi mắt hạt nhãn.
Chúng tôi ít có thời gian bên nhau, thường thì Số Ba đến nhà tôi, nấu
vài món qua loa ăn nhanh, vậy mà hạnh phúc. Và chúng tôi bàn đến chuyện
cưới xin. Người đầu tiên tôi cho biết là Nam. Nghe xong, Nam lặng lẽ
châm thuốc, gương mặt không biểu lộ cảm xúc.
– Ngân suy nghĩ kỹ chưa, Số Ba không phải là người đàn ông cho gia
đình. Ngân sẽ thiệt thòi nhiều đấy. Nhưng nếu hy sinh cũng là một hạnh
phúc thì Nam mừng cho Ngân.
– Ơ cái cậu này, hôm nay lại lý luận như ông cụ vậy. Tôi lấy chồng,
Nam vứt được gánh nặng rồi còn gì. Mà cũng lo kiếm cô nào đi, lẩm cẩm
rồi đó.
Nam lưỡng lự:
– Ừ, Ngân lấy chồng, Nam sẽ lấy vợ. Ngày mai, Ngân mang biểu đồ tình
cảm sang cho Nam mượn nhé. Biết đâu, Nam may mắn với những con số.
Tuy thắc mắc thái độ bất thường của Nam nhưng hạnh phúc đang đến gần,
khiến tôi không chút bận tâm thêm nữa. Khi tôi đang say trong những dự
định tương lai, Số Ba dường như bận hơn với những lần công tác xa triền
miên. Cũng không sao, miễn là Số Ba luôn nhớ đến tôi là được. Tôi cần
một người đàn ông yêu thương mình và tôi đã có. Nhưng rồi tất cả không
như tôi mong đợi. Tôi bước ra khỏi giấc mơ bằng sự tuyệt vọng tột cùng.
Ngày tôi lang thang chạy dọc những con phố để chọn cho mình bộ váy lộng
lẫy nhất, tôi bắt gặp Số Ba tay trong tay cùng với cô bé mắt hạt nhãn
ngày nào đi vào trong khách sạn. Chiếc váy tôi cầm trong tay nát vụn.
Trời vờn lên, vờn xuống trước hình ảnh tình tứ của Số Ba. Tôi cầm điện
thoại gọi cho Số Ba. Tắt máy. Tôi nhắn tin cho Nam: “Đến quán cũ” Nam
đến. Mắt tôi nhòe đi.
Mọi cảnh vật xung quanh quen thuộc. Tôi đang nằm trên chiếc giường
của mình, gối âm ẩm nước. Nam ngồi đó nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng hắt nhẹ
vào nhà. Gương mặt Nam trầm ngâm. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm làm
bạn thân, tôi nhận ra mình thật vô tư và trẻ con đối với Nam.
– Ngân khỏe chưa? Ăn gì không, Nam mua?
– Nam ở đây suốt đêm qua để trông Ngân à?
– Ngân đã uống rất nhiều. Nam lo…
Giờ đến tôi không thể nói với Nam lời nào. Lòng tôi nhức nhối. Gió
ngòai kia vẫn thổi những lời rì rào, hay những lời bỡn cợt với hạnh phúc
vừa bay mất khỏi tay tôi.
– Nam trả Ngân biểu đồ tình cảm được không?
– Ngân định làm gì?
– Xé!
– Ngân ạ! Có vấp ngã mới có thành công, có đau khổ mới có hạnh phúc.
Sau những lần như vậy mình càng phải mạnh mẽ hơn. Nam trả lại cho Ngân
trái tim chính mình, xé hay không, Ngân hãy suy nghĩ cho kỹ…
Những lời Nam nói đã ám ảnh tôi suốt cả thời gian dài. Tôi không xé đi, đánh dấu vào ô Số Ba hình trái tim hai mảnh.
Người không đợi trước.
Tôi không gặp người đó, cũng chưa một lần biết mặt hay tên tuổi. Sau
hôm Số Ba bước ra khỏi cuộc đời tôi, gác lại mọi kỷ vật còn sót lại vào
xó tủ, tôi lao vào những trang viết không còn sặc mùi bi lụy. Làm mới
mình bằng sự táo tợn hơn. Tôi bứt phá với thực tại ở cuộc sống, sắc sảo
và bình thản trước mọi lời ngợi ca. Cho đến ngày tôi nhận được tin nhắn
làm quen từ số máy lạ. Sau mỗi tin nhắn, bao giờ cũng kết thúc bằng dòng
chữ “Người Không Đợi Trước”. Sự quan tâm đúng lúc, những câu
nói chia sẻ, khiến tôi càng thêm trí tò mò. Tôi mong ngóng những tin
nhắn hơn. Đêm về tôi tưởng tượng ra hình ảnh của người đó sẽ thế nào. Có
lúc Người Không Đợi Trước là Số Một, có khi là Số Hai hoặc Số
Ba. Nhưng đó chỉ là giấc mơ sặc mùi quá khứ của tôi mà thôi. Lòng tôi
thấp thỏng. Rút kinh nghiệm lần này tôi hỏi Nam. Nam trả lời.
– Chịu
– Sao lại chịu? Nam tinh tường mọi chuyện lắm kia mà?
– Ngân được Người Không Đợi Trước quan tâm còn không biết nữa là… Vả lại cũng có những lúc người ta mất minh mẫn chứ, nhất là khi đang yêu.
– Nam yêu? Yêu ai?
Nam véo mũi tôi, cười ẩn ý.
– Làm gì ngạc nhiên thế? Sau này Ngân sẽ biết.
– Nhưng….
Thú thực khi nghe nói Nam đang yêu, tim tôi nhói lên, một chút gì
hẫng hụt chợt xuất hiện. Tôi đã quá quen được Nam bao bọc, chiều chuộng,
vui buồn đau khổ, tôi đều tìm đến Nam, vậy mà lại chưa một lần nghe Nam
kể về những sâu kín, riêng tư của mình. Còn nhớ những ngày học cấp ba,
bạn bè ai cũng bảo chúng tôi là đôi trời sinh. Tôi cười ré lên, còn Nam
im lặng. Giờ đây nghĩ lại, tôi thấy dường như mình đã đánh mất quá nhiều
kỷ niệm với Nam.
Tin nhắn của Người Không Đợi Trước vẫn đều đặn, căn dặn, hỏi
han. Lòng tôi chợt thấy vô cảm và bắt đầu chán ngán cái trò nhắn đi,
nhắn lại những câu từ cũ mèm. Tôi không gặp Nam như trước kia nữa. Chắc
giờ Nam bận bên một cô gái A, B, C nào đó. Cười với họ, tâm tình, mắt
trao mắt. Những điều mà Nam thường làm cho tôi trước kia. Tôi thấy ghen.
Nhưng tôi có quyền gì? Tôi và Nam là bạn thân. Không! Hơn bạn thân chứ?
Nhưng hơn bạn thân là gì? Yêu! Chưa đúng lắm. Vậy là gì giữa cái danh
giới ấy. “Chịu”. Ôi câu nói Nam dành cho tôi hôm nào! Bíp..bíp…
– Người Không Đợi Trước: Sao dạo này cô bé không nhắn tin nữa. Ghét tôi rồi à? Hay cô bé lại tìm được ai đó trong biểu đồ tình cảm của mình?
– Anh làm sao biết nhiều về tôi như vậy? Tôi không ghét anh, nhưng tôi ghét kiểu mờ ám của anh. Hãy cho tôi gặp mặt.
– Người Không Đợi Trước: Cô bé giận tôi? Hay thấy khó chịu khi cậu bạn thân có người con gái khác? Tôi sẽ gặp cô bé, nhưng chưa phải bây giờ.
– Anh muốn nghĩ thế nào cũng được. Nếu tối nay đúng 8 giờ anh không đến quán Z trên đường Y, tôi sẽ delete anh ra khỏi bộ chứa. Đến nơi nhắn tin, lại, chúng ta sẽ gặp nhau.
Quán Z đông người hơn thường ngày, có lẽ hôm nay là thứ 7. Điện nháy
đổi màu liên tục. Nhạc du dương. Tôi nhìn xung quanh, toàn những đôi
tình nhân bên nhau, thi thoảng có vài ba người nhấp nhổm mong ngóng ai
đó. Tôi nhâm nhi cốc cà phê, vị đắng tan nhanh, ngọt dần. Gần đến giờ
hẹn, tôi chỉnh sửa lại tư trang. Hai mươi phút nữa trôi qua.
– Nè sao lại ngồi một mình ở đây?
– Nam hả? Không đi chơi cùng nàng sao?
– Đang chờ nàng, không ngờ gặp Ngân. Sẵn dịp Nam giới thiệu cô ấy với Ngân nhé.
Lại là Nam, người mà tôi không muốn gặp nhất lúc này.
– Thôi để khi khác. Tối nay Ngân có hẹn rồi.
– Lại tìm được con số nào trong biểu đồ tình cảm rồi sao?
Kiểu nói y chang Người Không Đợi Trước. Cái giọng diễu cợt.
– Không ai cả. Đi xem mặt thôi.
– Có phải Người Không Đợi Trước? Vậy Nam ngồi đây đợi anh ta cùng với Ngân nhé.
Đêm khuya. Người Không Đợi Trước vắng mặt. Bạn gái Nam không đến. Tôi sốt ruột nhìn đồng hồ liên tục. Nam trầm ngâm với điếu thuốc.
– Muộn rồi Ngân về đây.
Tôi đứng dậy, lòng bực bội. Điện vụt tắt. Điện thoại tôi kêu bíp…bíp
– Người Không Đợi Trước: Ngân quay lại sau nhìn đi.
Tôi giật mình quay lại. Không có ai ngoài Nam với chiếc điện thoại đang phát sáng trong đêm. Điện thoại tôi rung chuông.
– Ngân à, quay lại với Nam đi.
Tôi rùng mình, hình như có gì đó đang làm tôi luống cuống. Tiếng nhạc
trầm bổng phát ra. Những ánh nến lấp láy như ngàn ngôi sao thắp sáng.
Giai nhân trong một bức tranh
nổi tiếng nhất thế giới mang một truyền thuyết lạ lùng về cuộc đời của
nhân vật trong tranh và nghệ thuật sáng tạo của họa sĩ . Những bí ẩn này
vẫn được các nhà nghiên cứu phân tích để tìm hiểu sâu thêm.
Bức
chân dung nàng Mona Lisa không chỉ là tác phẩm tiêu biểu cho cuộc đời
danh họa Leonardo da Vinci mà còn là một tuyệt tác huyền thoại của lịch
sử hội họa. Sau hàng trăm năm, nụ cười đầy mơ hồ trên môi nàng Mona Lisa
vẫn được hậu thế bàn luận, phân tích. Thế nhưng, không phải ai cũng
biết về cuộc đời thực tế bên ngoài bức họa của quý bà người Ý này.
Cuộc hôn nhân u buồn
Người mẫu của bức tranh nàng Mona Lisa là Lisa Gherardini, sau đổi thành Lisa del Giocondo theo
họ chồng. Bà sinh vào ngày 15/6/1479 ở Florence, Ý, là con cả trong một
gia đình gốc quý tộc nhưng đã mất dần quyền lực lẫn sự giàu có.
Khi ấy, các thiếu nữ thường được gả đi sớm cho các người đàn ông lớn tuổi. Năm 1495, khi 16 tuổi, Lisa được gả cho Francesco del Giocondo -
một thương gia giàu có 30 tuổi. Cô gái tuổi trăng tròn Lisa Gherardini
nhờ cuộc hôn nhân này mà được nâng cao địa vị, bắt đầu cuộc sống của một
phụ nữ tầng lớp thượng lưu nhưng gặp không ít sự kiện đau buồn.
Bức họa Mona Lisa. (Ảnh: I.T)
Sau
khi kết hôn, cô nhanh chóng mang thai và sinh được 6 người con trong
vòng 10 năm. Trong số đó chỉ có 4 người con sống đến tuổi trưởng thành.
Con gái thứ hai tên Piera của Lisa qua đời năm lên 2 tuổi còn một người
con khác chết khi vừa lọt lòng.
Thông
tin bê bối nhất trong gia đình của Lisa là về "sở thích" buôn bán, nuôi
nô lệ của chồng cô. Suốt nhiều đời liền, gia đình Francesco có truyền
thống làm công việc tội lỗi này. Trong cuốn Mona Lisa: The People and The Painting (tạm dịch: Nàng Mona Lisa: Những con người và Bức họa), 2 tác giả Martin Kemp và Giuseppe Pallanti miêu tả: "Kể
từ khi còn nhỏ, Francesco đã sống cạnh với những nữ nô lệ do cha ông
mua về, và sau khi người cha qua đời, trách nhiệm của ông là mua nô lệ
mới. Thi thoảng ông lại mua về nhiều nô lệ hơn cần thiết".
Các
nhà lịch sử học cũng đưa ra thông tin rằng cuộc hôn nhân của Lisa và
chồng không quá hạnh phúc. Tiêu biểu là sự kiện Lisa từng bị 2 người đàn
ông quý tộc bạn của chồng mình gạ gẫm, tán tỉnh. Lisa đã ra sức từ chối
họ. Còn về phía Francesco, thay vì nổi giận với 2 gã đàn ông có ý định
chiếm đoạt vợ mình, ông lại lo sợ sự từ chối của Lisa ảnh hưởng xấu tới
mối quan hệ với họ. Vì 2 người này rất có thế lực, sau lùm xùm,
Francesco đã tìm đến nhà họ để khẳng định sự ủng hộ của mình và cam đoan
rằng mối quan hệ giữa đôi bên vẫn thân thiện. Sự yếu đuối và hèn hạ của
Francesco đã bị đối phương mỉa mai lại.
Tác
giả Martin Kemp cũng miêu tả Lisa là một người phụ nữ bị chồng kiểm
soát, như nhiều phụ nữ thời bấy giờ. Sự giàu có của chồng đã giữ chặt
Lisa trong "một tủ quần áo và hàng đống quần áo ấn tượng", mặc dù người xem không thể thấy điều này trong bức tranh về cô.
Mô hình 3D của nàng Lisa được bảo tàng Louvre tái dựng.
Người
ta không rõ bằng cách nào họa sĩ Leonardo da Vinci liên hệ được với
Lisa, nhưng giữa họ có một mối liên hệ là cha của ông Leonardo là luật
sư và chồng của Lisa là một khách hàng của ông. Cũng có nhiều nghiên cứu
cho thấy gia đình Lisa chính là hàng xóm sống cùng khu với cha của họa
sĩ. Năm 1503, danh họa bắt đầu vẽ bức chân dung của người phụ nữ 24 tuổi
sau này sẽ trở thành kiệt tác nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình.
Danh họa Leonardo da Vinci.
Nhiều
khả năng Francesco là người đã thuê Leonardo da Vinci - người lúc ấy
vẫn là một họa sĩ không tiếng tăm vẽ chân dung cho vợ mình. Cũng như
nhiều gia đình giàu có ở Florence, mỗi khi gia đình có sự kiện trọng
đại, vợ chồng Lisa lại mời các họa sĩ tới vẽ chân dung kỷ niệm. Năm 1503
là khi Lisa đang mang thai đứa con thứ 3 của mình và mới chuyển đến nhà
mới, gia đình đã mời Leonardo da Vinci tới để vẽ chân dung kỷ niệm.
Bức
tranh Mona Lisa sau đó được vẽ trong suốt 16 năm, kể từ khi Lisa còn là
một phu nhân trẻ cho đến khi bước vào tuổi trung niên. Và tác phẩm hội
họa đỉnh cao này thực chất chưa bao giờ được hoàn thành, vì nó đã bị bỏ
dở dang vào năm 1519, khi Da Vinci qua đời. Ông cũng không bao giờ trao
bức tranh này cho khách hàng mà đã mang nó đến Pháp năm 1517.
Vào
những năm tuổi già, Lisa đã sống trong tu viện. Bà qua đời ngày
14/7/1542, thọ 63 tuổi. Khi cả người vẽ lẫn người mẫu đều đã qua đời,
bức chân dung Mona Lisa còn dang dở lúc ấy không có danh tiếng gì và
không được ai biết đến. Mãi vài thế kỷ sau, nàng Lisa - một người phụ nữ
quý tộc bình thường trong hàng triệu phụ nữ của thế kỷ 16 mới đột nhiên
trở nên nổi tiếng.
Năm
1550, bằng cách nào đó mà bức chân dung của nàng Mona Lisa lại lọt vào
trong bộ sưu tập tranh của Vua Francis I ở nước Pháp. Nó từng vài lần
được trưng bày trong bảo tàng Louvre. Năm 1800, Napoleon tỏ vẻ rất thích
bức họa này nên đã đem về treo trong phòng ngủ. Ông trả lại nó cho bảo
tàng 4 năm sau đó.
Thời
gian trôi qua, tiếng đồn về vẻ đẹp của bức tranh lan rộng và bí ẩn về
nụ cười nàng Mona Lisa khiến người ta mãi thắc mắc, trầm tư. Nụ cười của
nàng Mona Lisa đã khiến hàng triệu người trên thế giới bị mê hoặc nhưng
vĩnh viễn sẽ không ai hiểu được bí mật đằng sau nụ cười đó là gì.
Bức tranh Mona Lisa hiện thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp, được trưng bày tại bảo tàng Louvre
Ngày
nay, nằm trong lớp kính chống đạn ở một vị trí trang trọng trên tường
bảo tàng Louvre, Mona Lisa chính là bức tranh giá trị lớn nhất thế giới.
Nụ cười bí hiểm của nàng đã thu hút hàng triệu du khách tới tham quan
bảo tàng mỗi năm. Theo thống kê, có tới 80% du khách ghé thăm viện bảo
tàng này hằng năm chỉ để được ngắm
Đền em cả tuổi xuân thì Đến em dãy lụa Tây Thi tím vàng Đền em đường nắng thênh thang Đền em bóng nhỏ hai hàng me xanh Đền em sương khói xây thành Đền em tà áo thiên thanh mượt mà Đền em cao vút giọng ca Đền em hồ mắt ngọc ngà lung linh Đền em tiên nữ đa tình Đền em bằng tiếng kêu mình yêu thương Đền em nhạc tỏa giáo đường Đền em ngọt mật trầm hương khuê phòng Đền em cung bậc chờ mong Đền em một mảnh trời hồng đam mê Đền em quên cả lối về Đền em cả ánh trăng thề sao khuya.
Tránh
vỏ dưa gặp vỏ dừa, đứng núi này trông núi nọ, già kén kẹn hom, ghét của
nào trời trao của ấy. Chị nọ phận hẩm duyên ôi, kết tóc xe tơ với một
anh chàng mặt nạc đóm dày, xấu ma chê quỷ hờn lại đần độn, ngốc nghếch,
vô tâm vô tính, ruột để ngoài da, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, mười tám
cũng ừ mười tư cũng gật, học chẳng hay, cày chẳng biết, lúng túng như
thợ vụng mất kim, chỉ được cái sáng tai họ điếc tay cày là giỏi!
Trăm
dâu đổ đầu tằm, giỗ tết cúng bái trong nhà, công to việc lớn ngoài xóm,
hai sương một nắng, tất bật quanh năm, một tay chị lo toan định liệu.
Anh chồng thì như gà què ăn quẩn cối xay, lừ đừ như ông từ vào đền, như
cỗ máy không giật không động. Giàu vì bạn, sang vì vợ, hàng xóm láng
giềng kháo nhau: ”chàng ngốc thật tốt số, mả táng hàm rồng, như mèo mù
vớ được cá rán”.
Chị
vợ mỏng mày hay hạt, tháo vát đảm đang, hay lam hay làm, vớ phải chàng
ngốc đành nước mắt ngắn nước mắt dài, đèo sầu nuốt tủi, ngậm bồ hòn làm
ngọt cho qua ngày đoạn tháng. Nhiều lúc tức bầm gan tím ruột, cực chẳng
đã, chị định một liều ba bảy cũng liều, lành làm gáo vỡ làm muôi, rồi
anh đi đường anh, tôi đi đường tôi cho thoát nợ. Nhưng gái có chồng như
gông đeo cổ, chim vào lồng biết thuở nào ra, nên đành ngậm đắng nuốt
cay, một điều nhịn chín điều lành, tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại, vợ
chồng đóng cửa bảo nhau cho êm cửa êm nhà, sao nỡ vạch áo cho người xem
lưng, xấu chàng hổ ai?
Thứ
nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Biết chồng tại gia
không trót, liền trổ tài điều binh khiển tướng dạy chồng một phen, những
mong mở mày mở mặt với bàn dân thiên hạ, không thua anh kém chị trong
họ ngoài làng.
Một
hôm ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, giữa thanh thiên bạch
nhật, chị vợ dỗ ngon dỗ ngọt bảo chồng đi chợ mua bò, không quên dặn đi
dặn lại: đến chợ phải tuỳ cơ ứng biến, xem mặt đặt tên, liệu cơm gắp
mắm, tiền trao cháo múc, đồng tiền phải liền khúc ruột kẻo lại mất cả
chì lẫn chài.
Được
lời như cởi tấm lòng, ngốc ta mở cờ trong bụng, gật đầu như búa máy,
vội khăn gói quả mướp lên đường quyết phen này lập công chuộc tội. Bụng
bảo dạ, phải đi đến nơi về đến chốn, một sự bất tín vạn sự bất tin, ngốc
quàng chân lên cổ đi như chạy đến chợ. Chợ giữa phiên, người đông như
kiến, áo quần như nêm, biết bao của ngon vật lạ, thèm rỏ dãi mà đành
nhắm mắt bước qua. Hai tay giữ bọc tiền khư khư như từ giữ oản, ngốc
nuốt nước bọt bước đến bãi bán bò.
Sau
một hồi bới lông tìm vết, cò kè bớt một thêm hai, nài lên ép xuống,
cuối cùng ngốc cũng mua được 6 con bò. Thấy mình cũng được việc, không
đến nỗi ăn không ngồi rồi báo vợ hại con, ngốc mừng như được của. Hai
năm rõ mười, ai dám bảo anh ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như
mèo mửa. Nghĩ vậy, ngốc ung dung leo lên lưng con bò đi đầu, mồm hô
miệng hét diễu võ dương oai, lùa đàn bò ra về mà lòng vui như hội.
Giữa
đường sực nhớ lời vợ dặn, suy đi tính lại, cẩn tắc vô áy náy, ngốc
quyết định đếm lại đàn bò cho chắc ăn. Ngoảnh trước ngó sau, đếm đi đếm
lại, đếm tái đếm hồi chỉ thấy có 5 con, còn một con không cánh mà bay đi
mất. Toát mồ hôi, dựng tóc gáy, mặt cắt không còn giọt máu, ngốc vò đầu
gãi tai, sợ về nhà vợ mắng cho mất mặn mất nhạt rồi lại bù lu bù loa
kêu làng kêu nước mà than thân trách phận, ngốc về nhà với bộ mặt buồn
thiu như đưa đám.
Thấy chồng về, chị vợ tươi như hoa ra đón, nhưng ngốc vẫn ngồi như bụt mọc trên lưng con bò đi đầu, chắp tay lạy vợ như tế sao:
- Mình ơi, tôi đánh mất bò, xin mình tha tội cho tôi…
Nhìn chồng mặt như chàm đổ mình dường giẽ run, chị vợ không khỏi lo vốn liếng đi đời nhà ma, liền rít lên như xé lụa:
- Đồ ăn hại. Đàn ông con trai mà trói gà không chặt. Làm sao lại để bò sổng?
Sợ thót tim vãi đái, nhưng ngốc vẫn lấy hết sức bình tĩnh để phân trần:
- Tôi mua tất cả 6 con, họ giao đủ 6, bây giờ đếm mãi vẫn chỉ 5 con.
Nhìn ngốc ta vẫn ngồi như đóng đinh trên lưng bò, chị vợ hiểu rõ đầu đuôi cơ sự, dở khóc dở cười bảo chồng:
- Thôi xuống đi! Thiếu đâu mà thiếu, có mà thừa một con thì có!
Không hẹn hò sao gặp gỡ đây? Người thời như tỉnh, kẻ như say. Trong veo làn nước soi đôi mặt, Xa tít quê nhà trỏ một tay. Tâm sự mới trao bờ đã đến, Nỗi niềm chưa cạn khách về ngay. Ba sinh duyên nợ âu là thế, Mộ̣t chuyến đò đưa nghĩa một ngày. HÀN MẶC TỬ KÍNH HỌA: DUYÊN NỢ GÌ ĐÂY?
Không tình sao lại gặp chi đây? Khiến phải cuồng quay tợ tỉnh say. Lúc gặp tim quần xoay nóng mặt, Khi xa dạ nhói lạnh đơ tay, Thơ đưa phút chốc trao vần lại, Ý gởi phản hồi chuyển vận ngay. Thử hỏi phải chăng duyên nợ khiến, Hai ta chung hợp chỉ đôi ngày.
Thung lũng núi này có hai bố con nhà nọ. Người bố đưa thằng con tới đây khi nó mới lẫm chẫm u ơ. Từ bỏ hết, quê hương bản quán, mồ mả ông bà cha mẹ, ngày ấy ông cứ chiếu thẳng sơn cùng thủy tận mà đi. Cho tới khi tai nghe thủng tiếng vượn già quở lũ vượn choai, tiếng hươu mẹ dạy con chọn chỗ đặt bốn cẳng chân non mềm, ông mới dừng lại. Rơi đúng vào giữa biển mây trập trùng. Vỡ nương, gặt hái, săn bắn.Và, éo le thay, một điều không thể tránh: thỉnh thoảng gồng những thứ lâm sản xuống chợ đổi lấy hạt muối, manh vải, cuộn bấc. Và mẩu kẹo dồi cho thằng bé. Hấp tấp xuống chợ, hớt hải đổi mua, quáng quàng ra về. Ôi, con bố có sao.
Ông yêu cô gái ấy và thành vợ, cô gái cho ông giọt máu này đây. Vợ ông hát hay xa gần khen nức nở. Những khi cô cất tiếng “xem hội cái đêm hôm rằm rằng tôi lý ấy a cây đa” thì con triện trong tay cụ chánh tổng râu ba chòm đen nhánh đang giơ lên để giáng thẳng cánh xuống tấm văn tự đợ con cũng phải dừng lại. Ba chòm râu tự nhiên run rẩy như ba bàn tay xoắn vặn lại cầu van. “Tôi lý…” sao tôi lại không là lý trưởng, à không… sao không hát “tôi chánh ấy a”… Ra quyền thế cũng phải xiêu vẹo trước cô gái này.
Thật tình có quỷ thần chứng giám, lúc hát người vợ trẻ chẳng nghĩ tới ai. Chỉ tới mình. Tới niềm vui đang được tung ướm nỗi bổi hổi bồi hồi vào đám đông, đang được theo ý mình gói buộc, xếp gấp tiếng hát như những dải lụa hoa hiên hoa lý để rồi thả cho nó bay ra hoặc cao hoặc thấp, hoặc thẳng hoặc lượn, hoặc khoan hoặc nhặt lôi dắt người nghe lông bông lang bang đây đó theo mình. Công bằng mà nói, có lúc cũng nghĩ tới một người: đứa con ngủ bên bố nó đang vót nan cắm cúi ở đầu hồi. Nắng quái bên đình có chạm vào thằng cu của mẹ không đây?
Nhưng người chồng ngồi vót nan không yên. Ông đang chuốt cơn ghen cho nó cứa đứt ruột gan ông. Hơn tất cả là ghen với chính tiếng hát: nó từ nơi sâu thẳm nào ra để rồi lại làm xao xuyến những ai, những ai ấy có khi còn xao xuyến hơn cả ông kia!
Chuyện buồn rồi phải xảy ra. Thời ấy đã có môn mỹ học giải thích cho ông hiểu những phân thân, nhập vai, giữ khoảng cách trong bay bổng đâu. Cũng làm gì có chạy sô để tiền mang về nhiều xua tan được mọi xó tối. Thế nên một đêm trăng hội, bố cõng đứa con đi.
Ít lâu sau, ông bố nghe nói có một người mẹ hát hay lắm vừa hát ăn xin độ đường vừa khóc hỏi tung tích một thằng con nhỏ. Thương con theo lối mẹ, người mẹ chắc mẩm bố nó bế nó xuống phương nam trù phú. Chỗ này đàn bà không hiểu đàn ông.
Người chồng nghe tin có thoáng nhẹ khuây nhưng oán hờn như tảng đá lớn chẹn kín mất tất cả. Rắp dạy con ghét bỏ xa lánh đàn bà, ông nung nấu như một lời thề: uốn nắn cho nó khiếp sợ đàn bà con gái, tới mức trông thấy là đập phá hay trốn chạy. Ông đặt cho đối tượng kinh hãi thù oán này cái tên Tinh cọp. Đáng sợ hơn cả mọi ma quỷ, thú dữ.
* *
- Bố ơi, con này con gì?
- Con trút, nó đào hang giỏi lắm.
- Bố ơi, cây này cây gì?
- Cây lim, gỗ nó rắn lắm.
- Rắn bằng gì?
- Bằng… bằng…, ông bố nhìn quanh rồi chỉ vào con dao quắm bên hông mình.
- Rắn nhất chưa?
- Chưa.
- Cái gì nhất? Thép dao này à?
- Chưa, rắn nhất cái này.
Thằng con trố mắt. Bố nó chỉ vào đầu nó. Nó thú vị cười hí hí:
- Bố lấy dao chọi thử đi xem.
Bố giảng. Mọi cái sở dĩ chịu ta là vì đã phải nghe theo cái ý ở bên trong đầu ta. Đầu ta đã nhắm là tới, đã đeo là riết, đã quay là biệt…
Thằng bé tự sờ đầu. Hôm sau, lại hỏi:
- Đã rắn nhất thì chẳng còn sợ gì hả bố?
- Đúng! Mải vít một đầu cây tre đực xuống làm bẫy beo hoa, ông bố đáp.
- Sướng nhỉ! Thằng bé thở phào. Sướng nhỉ bố nhỉ?
- Cái gi sướng? bố vội hỏi lại.
- Không còn sợ cái gì mà lại…
Ông bố vội đứng phắt ngay lên:
- Không, con ơi. Có sợ chứ, phải sợ nó đấy.
- Sợ gì vậy? Cọp à?
- Cái này ghê hơn cọp… Nó là tinh cọp. Gặp nó ta mềm ngay đầu ra, tự bảo mình cũng không xong nữa.
Thằng nhỏ nom thất vọng ra mặt. Ông bố bèn giảng giải. Hôm nào con vào sâu nữa, thử lạc một bữa xem sao. Con sẽ một mình giữa ngàn già không bóng người, không vết chân, không lối mòn, âm u nín thinh bốn phía. Đấy tinh cọp làm cho con giữa đời mà bơ vơ trơ trụi như thế đấy…
- Bố đã gặp… tinh cọp chưa? Thằng bé thấp giọng thì thào.
- Đã! Tiếng ông bố còn nhỏ hơn. Ở dưới xuôi kia, dưới đồng bằng mép biển, ở đấy không núi không rừng, trên đầu trời xanh mây trắng, trước mặt biển biếc sóng bạc. Bố gặp, bố suýt chết. Suýt mất cả con… thế là bổ bế con trốn lên đây.
- Tinh cọp thế nào? Thằng bé hỏi tuy sợ.
- Như thế này… Cứ đem nguyên vẹn hình dong, nhan sắc, tiếng hát của mẹ nó tả ra thật đúng rồi bảo tinh cọp nom như thế đấy. Đẹp lắm, đẹp hơn cả công gấm xoè đuôi con ơi. Đẹp mới càng nguy hại. Nhưng ghê nhất là tiếng hát. Tiếng hát làm cho ta mê lú, mềm nhũn đầu ra, mặc cho nó hãm hại. Con thấy nó thì tránh xa. Tốt nhất là đừng bao giờ gặp nó. Muốn thế con phải thù hận nó, vì nó mà bố con ta phiêu dạt lên đây.
- Bố vẽ nó ra đi.
Vẽ là cách bố nó thường dùng để giúp nó hiểu nhiều cái trong đời.
Ông bố khen thầm thằng con giỏi. Đúng! Ông sẽ tạc một tinh cọp như thật để thằng con tập bắn tên, phóng lao, ném đá vào… Hay…, rất hay… Sợ là gốc của an toàn và thù hận là muối của cuộc sống.
Từ đấy, thằng bé ngày đêm đâm, bắn, phóng, ném và chưa đủ, còn giẫm đạp, thiêu cháy các tượng tinh cọp ông bố tạc ra đẹp y như nguyên mẫu là mẹ nó.
Dần dà cuộc hủy diệt chỉ còn là thuần nghi thức thường ngày. Bây giờ đứa con chỉ ngại ngừng tay đập phá tinh cọp thì bố buồn. Ông nay không làm lụng được nữa. Sức yếu, ông ru rú ngồi một chỗ tạc tượng tinh cọp bầy kín quanh lều hai bố con.
Đứa con thật ra bắt đầu phân vân: những tinh cọp này thì có gì mà phải ghét, phải sợ? Một câu hỏi ló ra trong đầu chàng trai mới lớn nhưng anh ta không dám đào sâu: các tinh cọp này có chất nhựa nào mà khiến cho cậu cứ muốn đưa bàn tay lên xoa thật nhẹ, thật êm vào chúng?
* *
Đứa con một hôm hỏi:
- Bố ơi, tiếng hát nghe thế nào?
Chết thôi, sao mà tạc được ra tiếng hát? Ông bố cố ư ử trầm bổng hát nhưng rồi lắc đầu.
- Bố chịu. Bố hát thì phản lại tiếng hát của tinh cọp.
- Thế tượng có khác thật không? Anh con hỏi.
- Tượng thì giống y như đúc.
Ông bố bắt đầu hãi những cái bóng ngày một thù lù của khối thắc mắc rõ nét dần trong lòng đứa con. Cậu nay đi đã rẽ gió, đã lơ đãng hơn với những giải đáp của ông bố. Đã hay vẩn vơ ra vào và một hôm ông bắt chợt cậu khẽ ư ư trong miệng. Ông bố tối tăm mặt mày khi thấy cùng lúc ấy bàn tay đứa con mơn man bả vai một tinh cọp…
* *
Ông bố yếu đã bỏ bốn năm phiên chợ. Các thứ cần dùng đều hết nhẵn, ông đành bảo con đi thay mình.
- Xuống chợ con phải cẩn thận, bố dặn con, mắt nhìn vào tận mắt… Tránh cho xa tinh cọp… con phải ghi dạ.
Anh con muốn ôm lấy bố. Tội nghiệp bố phải ở nhà một mình. Anh thấy mình có lỗi làm cho bố lo lắng.
Anh con đi và về. Sớm sủa. Tốt lành. Dầu lại đầy hũ, muối lại đầy ngang cổ thắt của quả bầu, các con dao lại bén. Ông bố được một cặp bánh rán mật.
- Mua của ai?
- À, không có răng, chỉ thấy cười hề hề. Mới đầu con lại ngỡ là tinh cọp.
(Ông bố gật gù: bà lão bán bánh rán mật ngồi ở cổng chợ. Không tạc tượng bà già này thì nó nhận sao ra được?)
Nhưng anh con trai đã nói thêm:
- Thấy có nhiều tinh cọp nhưng con tránh xa.
(Ông bố nhắm mắt lại: chúng nào tránh mình!)
Anh con đi chợ lần thứ hai. Lần thứ ba. Rồi quá tam ba bận, lần thứ tư, hai môi anh con về đỏ khác thường. Bố gọi con lại bên, bảo cúi gần xuống. Ông bố thở dài: mùi trầu! Bủn rủn mong thầm bà lão bánh rán mật cho nó. Bà lão thường hay mời khách hàng trầu.
Tối ấy, anh con chợt hỏi:
- Bố ơi (ông bố liền sởn gai ốc)…, hội là gì bố?
- Con nghe đâu ra?
- Người ta hát ở dưới chợ… Cái gì “xem hội cái đêm hôm rằm”…
- Hội là nơi tinh cọp đến tìm những người như con rồi hát “cho đôi mình gặp”…
Như có một tiếng reo khẽ ở anh con. Anh lại hỏi:
- Chì là gì hả bố?
- Con nghe ai?
- Người ta mời rồi nói “miếng trầu ăn nặng bằng chì, miệng ăn môi đỏ dạ thì đăm chiêu”.
- Bùa mê của tinh cọp đấy.
- Có tinh cọp tốt không bố?
- Tốt đã không là tinh cọp.
Anh con lặng lẽ ra chỗ khác. Bố nói đúng hết. Đẹp như tuợng bố tạc và tiếng hát mới càng đáng sợ hơn. Nghe mà cái đầu không muốn theo mình nữa. Bố nói thế là đúng. Bùa mê. Phải là bùa mê thì anh ăn miếng trầu mới chẳng muốn về, mà chân bước đi đầu cứ mãi ngoảnh lại thế chứ! Mê lú đến nước hỏi bố là có tinh cọp tốt không? Mê lú đến nước bố bảo là không rồi mà vẫn nghĩ có tinh cọp tốt riêng với mình!
* *
Xuống chợ phiên này, anh con trai hấp tấp.
Tối mịt mới về.
Ông bố nghiêm giọng:
- Con giấu bố.
- Vâng, con giấu.
- Con không thương bố?
- Dạ, con thương.
- Sao không ăn lời?
- Dạ, con thương nhưng…
Từ nay thôi chợ. Thôi chợ, anh con vào rừng ra nương quần quật. Từ mờ mặt người buổi sớm đến nhọ mặt người buổi tối. Rõ mặt làm gì với ai? Thế rồi một hôm xin phép bố nằm. Nằm rồi không dậy. Không dậy và không ăn. Li bì. Ông bố nhiều lần lay gọi.
- Dậy con, dậy xuống chợ bố nhờ…
Anh con không nghe không đáp. Là ngày thứ bao nhiêu? Lại một vằng vặc trăng rằm.
À… ngày nào bố địu con lên đây, con khóc nhiều quá, nhớ mẹ mà, khổ con, bố nghe con e e khóc hết hơi hết sức mà bố nẫu ruột nẫu gan. Bây giờ con e e lên đi cho bố mừng, con. Ngày nào con đuổi nhái xanh chỗ kia, đầu vừa chớm ngang mỏm đá.
Trong màn sương mung lung của bệnh nhớ – chữ là tương tư nhưng anh con làm sao mà biết được? – anh con đang sống lại với tiếng hát của con tinh cọp còn đẹp gấp trăm nghìn lần tượng tinh cọp bố tạc. Tinh cọp hát với anh: “Cho đôi mình gặp, Xem hội cái đêm hôm rằm”. Khi chia tay lại đưa cho anh một gói trầu đã têm. Hẹn phiên sau. Hỏi nhà anh ở đâu? Xa thế, chỗ đỉnh núi chất ngất mây vờn kia ư? Rồi hát: “Em đâu có sợ thác với cùng ghềnh, Đá ghềnh dẫu có ngổn ngang cũng không trăm mối như dạ em đây tơ vò mà khiến để cho em thân gái ngoi thác với ngược ghềnh”…
Chỉ trong mê tỉnh anh mới sung sướng thấy lại hơi thở của tinh cọp có lúc như làn gió thoảng phớt nhẹ hàng mi vào má anh.
“Chớ thấy em lắm bạn mà ngờ,
Chớ thấy em lắm bạn mà ngơ”
Bố ơi, có khi nào ngờ lẫn với ngơ không, hả bố?
* *
Hai bố con thiêm thiếp bên nhau. Anh con mê man. Ông bố mơ màng. Ai sẽ thu dọn hai đống xương tàn? Con đi trước thì bố sẽ cho con nằm ở đầu mỏm đá con đuổi nhái xanh ngày nào. “Ơ, cái hòn cuội này nó lại biết văng đi… ”
Tiếng chân bước trên lá khô. Tiếng chân rụt rè.
Văn chương chữ nghĩa có một nhược điểm chí tử là nó bắt ta tách sự việc ra trước sau lớp lang không đúng với thực tế. Chẳng hạn lúc này, phải nói đến ông bố trước.
Nghe tiếng chân, ông bố giật mình mở mắt. Ôi, kìa mình! Tìm bố con tôi a? Ai mách chỗ? Rồi thoáng nghĩ: Vẫn yếm xưa hay một tấm cánh sen?
Ông bố tắt thở lúc anh con trai thều thào gọi:
- Tinh cọp!
- Tinh cọp nào anh? Em đây.
Cô gái đi đến. Tay anh con trai im lìm bấy lâu khẽ duỗi ra đón bàn tay cô gái.
- Mấy phiên em tìm rồi cứ mây đỉnh núi em lên. Trầu của em anh ăn đấy hả?
… … … … .… … … … … … … … … … … … … … … … … … … .
Thương thay người mẹ hồi ấy cứ nhằm phương Nam gạo trắng nước trong đi tìm hoài bố con nhà nó. Trẻ con vùng giàu xinh xắn, người mẹ dễ lầm mà mải miết lần mò theo mãi.
Mừng thay cho cô gái ngược ghềnh ngoi thác, bám lấy những dấu vết của chính mình mà anh con trai để lại trên đá.
May thay cả tháng ấy không mưa. Những quết trầu khô cong lên như những địa y kỳ lạ mọc trên đất lửa Sao Hoả. Hay máu nhớ nhung hoá thạch vốn đều có mang một mùi hương riêng…
Truyện trên dựa theo một tiếu lâm xưa kể có một ông bố coi đàn bà con gái là căn nguyên mọi tội nợ – xấu xa như chế độ tư hữu chẳng hạn – nên đưa thằng con bé lánh lên núi. Dạy nó ngày đêm sợ, ghét đàn bà. Trưởng thành, thằng con lớn, cùng bố xuống chợ. Mua bán xong, bố bảo quay về thì anh con đòi ở lại chợ. “Con thích cọp… ”