3 thg 6, 2021

Về Bài "NGÓNG GIÓ ĐÔNG " Của Thi Hào Nguyễn Đình Chiểu - Ngân Triều Diễn Giãi

Mời quý bạn có rảnh đọc 1 bài thơ hay của cụ Đồ Chiểu. Bài nầy đã đưa vào chương trình văn học lớp 11, THPT.
*
[Ngóng gió Đông]
Nguyễn Đình Chiểu
Hoa cỏ bùi ngùi ngóng gió Đông,
Chúa Xuân đâu hỡi, có hay không?
Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn,
Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng.
Bờ cõi xưa đà chia đất khác,
Nắng sương nay há đội trời chung.
Chừng nào Thánh Đế ân soi thấu,
Một trận mưa nhuần rửa núi sông
*
Bản Hán Nôm, Ngân Triều soạn

顒𩙋東 阮廷沼
花𦹵裴𠿯顒𩙋東
主春兠唉固咍空
𩄲𢬥隘北𥉩信雁
𣈗㫼𡽫南弼㗂鴻
坡𡎝𠸗拖𢺹坦恪
𣌝霜𠉞𧯶隊𡗶終
澄閙聖帝恩𤐝透
沒陣𩄎潤𤀗𡶀滝
*
Tiểu sử cụ Nguyễn Đình Chiểu
阮 廷 沼 (1822 -1888)

Tranh Cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822 -1888)
Nguyễn Đình Chiểu 阮 廷 沼 (1822 - 1888) là một nhà thơ, nhà văn hóa cận đại của Việt Nam.
Nguyễn Đình Chiểu 阮 廷 沼 tự Mạnh Trạch 孟 擇, hiệu Trọng Phủ 仲 甫, (sau khi mù, lấy hiệu là Hối Trai 晦 齋), sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh , phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), là một nhà thơ lớn của miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19.

[1]-Thân thế và sự nghiệp
Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1 tháng 7 năm 1822) tại quê mẹ là làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Ông xuất thân trong gia đình nhà Nho. Cha ông là Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên; nay thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lớn lên, ông Huy cưới vợ ở đây và đã có hai con (một trai và một gái). Mùa hạ tháng 5 năm Canh Thìn (1820) Tả quân Lê Văn Duyệt được triều đình Huế phái vào làm Tổng trấn Gia Định Thành. Đến đầu mùa thu, Nguyễn Đình Huy đi theo Tả quân để tiếp tục làm thư lại ở Văn hàn ty thuộc dinh Tổng trấn. Ở Gia Định, ông Huy có thêm người vợ thứ là bà Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, sinh ra bảy con (4 trai, 3 gái) và Nguyễn Đình Chiểu chính là con đầu lòng.
[2]- Đi học
Thuở bé, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy. Năm lên 6, 7 tuổi, ông theo học với một ông thầy đồ ở làng.
Năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt mất. Năm sau (1833), con nuôi Tả quân là Lê Văn Khôi, vì bất mãn đã làm cuộc nổi dậy chiếm thành Phiên An ở Gia Định, rồi chiếm cả Nam Kỳ. Trong cơn binh biến, cha của Nguyễn Đình Chiểu bỏ trốn ra Huế nên bị cách hết chức tước. Xong vì thương con, cha ông lén trở vào Nam, đem con ra gửi cho một người bạn đang làm Thái phó ở Huế để tiếp tục việc học. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 11 tuổi (1833) đến 18 tuổi (1840) thì trở về Gia Định.
Năm Quý Mão (1843), ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định lúc 21 tuổi. Khi ấy có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông.89
Năm 1847, ông ra Huế học để chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849). Lần này ông cùng đi với em trai là Nguyễn Đình Tựu (10 tuổi).
[3]- Mẹ mất, bị mù lòa
Ngày rằm tháng 11 năm Mậu Thân (31 tháng 12 năm 1848), mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất ở Gia Định. Được tin, ông bỏ thi, dẫn em theo đường bộ trở về Nam chịu tang mẹ.
Trên đường trở về, vì quá thương khóc mẹ, vì vất vả và thời tiết thất thường nên đến Quảng Nam thì Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng. Trong thời gian nghỉ chữa bệnh ở nhà một thầy thuốc vốn dòng dõi Ngự y, tuy bệnh không hết nhưng ông cũng đã học được nghề thuốc. Lâm cảnh mù mắt, hôn thê bội ước, cửa nhà sa sút... Nguyễn Đình Chiểu đóng cửa chịu tang mẹ cho đến năm 1851 thì mở trường dạy học và làm thuốc ở Bình Vi (Gia Định). Truyện thơ Lục Vân Tiên của ông có lẽ được bắt đầu sáng tác vào thời gian này.
Năm 1854, Nguyễn Đình Chiểu cưới Lê Thị Điền (1835-1886), người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc; trước thuộc Gia Định, nay thuộc tỉnh Long An làm vợ. Bà Điền là em gái thứ năm của Lê Tăng Quýnh, học trò ông, vì cảm phục và mến thương thầy đã xin gia đình tác hợp. Truyện thơ Dương Từ-Hà Mậu của ông có lẽ được bắt đầu sáng tác vào thời gian này.
[4]- Dạy học, làm thuốc và sáng tác thơ văn yêu nước
Năm 1858, quân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng. Vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân Việt, quân Pháp vào Nam đánh phá thành Gia Định vào đầu năm 1859. Sau khi tòa thành này thất thủ (17 tháng 2 năm 1859), Nguyễn Đình Chiểu đưa gia đình về sống ở Thanh Ba (Cần Giuộc), tức quê vợ ông. Vô cùng đau đớn trước thảm cảnh mà quân Pháp đã gây nên cho đồng bào, và rất thất vọng về sự hèn yếu, bất lực của triều đình, ông làm bài thơ "Chạy giặc".
Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16 tháng 12 năm 1861), những nghĩa sĩ mà trước đây vốn là nông dân, vì quá căm phẫn kẻ ngoại xâm, đã quả cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc, tiêu diệt được một số quân của đối phương và viên tri huyện người Việt đang làm cộng sự cho Pháp. Khoảng mười lăm nghĩa sĩ bỏ mình. Những tấm gương đó đã gây nên niềm xúc động lớn trong nhân dân. Theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, Nguyễn Đình Chiểu làm bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", để đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đánh này.
Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ mất về tay Pháp, theo phong trào "tỵ địa", Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình rời Thanh Ba (Cần Giuộc) về Ba Tri (Bến Tre) vì không thể sống chung với họ. Chia tay với bạn bè thân quen, ông làm bài thơ "Từ biệt cố nhân".
Về Ba Tri, ông tiếp tục dạy học, làm thuốc và đem ngòi bút yêu nước của mình ra phục vụ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Nam Kỳ suốt trong hơn 20 năm, dù đã mù lòa .
Năm 1863, em trai út ông là Nguyễn Đình Huân theo Đốc binh chống Pháp, hy sinh ở Cần Giuộc.
Tháng 8 năm 1864, thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gò Công là Trương Định bị thương rồi tuẫn tiết ở Ao Dinh; xúc động, Nguyễn Đình Chiểu làm bài văn tế và mười hai bài thơ liên hoàn để điếu.
Năm 1867, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản và Đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông tổ chức đưa di hài nhà giáo Võ Trường Toản từ làng Hòa Hưng (Gia Định) về táng ở Bảo Thạnh (Ba Tri), Nguyễn Đình Chiểu có đến dự lễ rước.
Ngày 4 tháng 8 năm đó (1867), Phan Thanh Giản tuẫn tiết vì không giữ được thành Vĩnh Long, Nguyễn Đình Chiểu có làm hai bài thơ điếu. Có thể ông bắt đầu soạn quyển thơ Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca trong năm này.
Năm 1868, thủ lĩnh kháng Pháp ở Ba Tri là Phan Tòng (còn có tên là Phan Ngọc Tòng) hy sinh, ông làm 10 bài thơ điếu.
Năm 1877, Nguyễn Đình Chiểu dời đến ở làng An Bình Đông (sau đổi là An Đức) cách chợ Ba Tri khoảng hai cây số.
Năm 1883, Tỉnh trưởng Bến Tre là Michel Ponchon đã đến nhà để yêu cầu ông nhuận chính quyển thơ Lục Vân Tiên, đồng thời ngỏ ý trao trả lại ruộng vườn của ông mà họ đã chiếm đoạt Ông khẳng khái nói: "Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì", rồi khước từ mọi hứa hẹn giúp đỡ của chính quyền thực dân. Lại hỏi ý muốn riêng của ông, ông đáp "muốn tế vong hồn nghĩa sĩ Lục tỉnh", và được viên Tỉnh trưởng chấp thuận. Sau đó, ông tổ chức lễ tế tại chợ Ba Tri, và đọc bài "Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh" .
[5]- Qua đời
Năm 1886, vợ ông là bà Lê Thị Điền qua đời lúc 51 tuổi. Buồn rầu vì vợ mất, vì cảnh nước mất nhà tan đã bấy lâu, vì bệnh tật ngày càng trầm trọng, hai năm sau, ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (3 tháng 7 năm 1888), Nguyễn Đình Chiểu cũng qua đời tại Ba Tri, thọ 66 tuổi.
Ngày 3 tháng 7 năm 1888, ông mất tại Ba Tri, Bến Tre. Người ta kể lại rằng ngày đưa đi an táng, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những người mến mộ ông .
Ông được an táng cạnh mộ vợ, nay thuộc ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre .
[6]- Tác phẩm chính
● Lục Vân Tiên (truyện thơ Nôm, bắt đầu soạn khoảng 1851), gồm 2.082 câu thơ lục bát. Đây là một "bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý đáng trọng ở đời" đã làm nên tên tuổi Nguyễn Đình Chiểu, và là một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam, được nhân dân, đặc biệt là nhân dân Nam Bộ yêu chuộng. . Sau thời gian phổ biến theo lối truyền miệng, truyện Lục Vân Tiên đã được Duy Minh Thị (tên thật là Trần Quang Quang ở Chợ Lớn) khắc in lần đầu ở Trung Quốc trước năm 1864, và đã được các nhà văn như Aubaret, Abel de Michels, Bajot... dịch ra tiếng nước ngoài.
● Dương Từ – Hà Mậu (truyện thơ Nôm, bắt đầu soạn khoảng 1854). Căn cứ bản Tân Việt (Sài Gòn, 1964) do Phan Văn Hùm sao lục và hiệu đính, thì tập thơ gồm 3.456 câu, trong đó phần lớn là thơ lục bát, có xen thơ luật Đường (33 bài) và các thể khác.. . Tác giả mượn câu chuyện này để nói lên thái độ của ông đối với đạo Phật và Công giáo Rôma mà ông không tán thành.
● Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca (Ngư tiều y thuật vấn đáp, 1867?), gồm 3.642 câu, trong đó phần lớn là thơ lục bát, có xen 21 bài thơ và một số bài thơ ca, phú… trích từ các sách thuốc Trung Quốc . Đây là một quyển sách dạy nghề làm thuốc chữa bệnh, viết dưới hình thức truyện thơ Nôm. Song giá trị chủ yếu ở việc tác giả đã lồng tư tưởng yêu nước vào nội dung y thuật.
Ngoài ra, ông còn để lại khoảng 37 bài thơ và văn tế, trong số đó có nhiều bài nổi tiếng như:

● Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861)
●Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Định (1864)
●Mười bài thơ điếu Phan Tòng (1868)
● Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (1874)
● Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây (chưa xác định thời điểm sáng tác)
● Hịch đánh chuột (chưa xác định thời điểm sáng tác).
● Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn (tức Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, 1861)
● Thơ điếu Đông các Đại học sĩ Phan Thanh Giản (2 bài, 1867)
● Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây (chưa xác định thời điểm sáng tác)
● Lục tỉnh sĩ dân trận vong văn (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, chưa biết đích xác thời điểm sáng tác)
● Thảo thử hịch (Hịch đánh chuột, chưa xác định thời điểm sáng tác)
● Ngóng gió Đông (chưa xác định thời điểm sáng tác)
● Thà đui (chưa xác định thời điểm sáng tác), v.v...
● Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây (chưa xác định thời điểm sáng tác)
● Chạy giặc (chưa xác định thời điểm sáng tác)
[7]- Sự nghiệp văn chương
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy mang tật mù lòa và gặp lúc biến loạn nhưng vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy thuốc mẫu mực mà còn là một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị.
Ông là nhà thơ có quan niệm văn chương nhất quán. Ông chủ trương dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Nói khác hơn, ông làm thơ là để "chở đạo, sửa đời và dạy người". Vì vậy, mỗi vần thơ của ông đều ngụ ý khen chê công bằng, rạch ròi, và đều bộc lộ một tấm lòng thương dân yêu nước của ông.
Sự nghiệp văn chương của ông, có thể chia thành hai thời kỳ sáng tác:
- Giai đoạn đầu (những năm 50 của thế kỷ 19): Trong giai đoạn này, ông viết "Lục Vân Tiên" và "Dương Từ-Hà Mậu". Có thể xem đây là thời kỳ khẳng định tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng yêu nước yêu dân của ông.
- Giai đoạn sau bắt đầu từ ngày quân Pháp đến chiếm lấy Gia Định (1859) cho đến khi ông qua đời (1888): ngòi bút của ông ở giai đoạn này gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân mất nước. Trong nhiều tác phẩm như "Chạy giặc", "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", "Lục tỉnh sĩ dân trận vong"... ông đã lên án mạnh mẽ quân Pháp xâm lược, phê phán triều đình nhu nhược, đồng thời ca ngợi tinh thần nghĩa khí và những tấm gương chiến đấu anh dũng của nhân dân. Đây là giai đoạn phát triển cao và rực rỡ của sự nghiệp văn chương Nguyễn Đình Chiểu.
Dù ở giai đoạn nào, trong các tác phẩm của ông nổi bật lên ba đặc điểm về nội dung và hình thức, đó là:
- Ông thường dùng chữ Nôm, và bằng ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu sức gợi cảm khiến cho tác phẩm của ông có sức thu hút mạnh mẽ người đọc, nhất là đối với nhân dân miền Nam.
- Ông là nhà thơ đầu tiên xây dựng thành công hình ảnh những người nông dân trong văn học Việt, đấp xây, tô tượng đài vĩnh cửu về người anh hùng Nam Bộ tiên phong trong công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược.
- Ông đề cao tư tưởng Nho gia, xem ra có vẻ bảo thủ. Song điều đáng chú ý là các tư tưởng ấy mang nội dung đạo nghĩa nhân dân, gắn chặt với ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, do đó có một ý nghĩa xã hội to lớn, khởi đầu cho một thời đại văn chương sử thi mới sau này. So với các trước tác của các nhà văn cùng thời, Nguyễn Đình Chiểu đã có một thái độ tích cực hơn, vì dân vì nước hơn. Tuy không đứng vào hàng ngũ cầm khí giới, nhưng ông rất có cảm tình với họ, chia sẻ với họ cái hờn mất nước, lòng căm ghét quân địch và bọn hợp tác với giặc...
[8]- Giai thoại
Thực dân Pháp cho Tôn Thọ Tường là bạn của Đồ Chiểu đến dụ dỗ ông. Đến mấy lần, nhưng lần nào đều bị Đồ Chiểu tìm cớ lánh mặt, sau Tường gửi tặng hủ mắm cá lóc, mà Tường nói rõ trong thư là chính tay của vợ mình làm, để biếu bạn xưa. Sau khi ăn gần hết, Đồ Chiểu mới phát hiện ở dưới đáy hũ có mấy nén vàng, ông vô cùng tức giận, viết thư trách Tôn Thọ Tường và sai người trả lại vàng.
Michel Ponchon, tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre cũng đã mấy lần thân hành đến nhà Đồ Chiểu. Có lần lấy cớ nhờ nhuận sắc bản Lục Vân Tiên, nhưng ông giả vờ điếc đặc.
Có lần viên quan này thông báo việc trả lại ruộng đất ở Tân Thới (Gia Định) cho Đồ Chiểu nhưng nhận được câu trả lời:
-Đất vua còn phải bỏ, thì đất tôi sá gì!
Lần khác, M. Ponchon đặt ra vấn đề cấp dưỡng, Đồ Chiểu nói:
-Tôi đây đang sống đầy đủ trong sự tôn kính của các môn đệ và sự quý mến của đồng bào. Điều đó đã làm tôi thỏa mãn lắm rồi"...
Duy nhất có một lần, M. Ponchon hỏi Đồ Chiểu về một ước nguyện. Đồ Chiểu nói chỉ mong ước chính phủ Pháp cho ông tổ chức một buổi lễ tế vong hồn những người dân đã chết trận, và đã được viên quan này đồng ý.
Hôm đó, tại chợ Đập (nay là chợ Ba Tri), nghe Đồ Chiểu đọc bài văn tế thảm thiết, đông đảo mọi người đến dự đều không cầm được nước mắt...
[9]- Thông tin liên quan
Nguyễn Đình Chiểu có tất cả là ba người con trai và ba người con gái. Trong số đó có nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (con gái, thứ tư) và Nguyễn Đình Chiêm (con trai, thứ năm) đều là người có tiếng trong giới văn chương.
• Toàn thể khu đền thờ và mộ Nguyễn Đình Chiểu tại huyện Ba Tri (Bến Tre) đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa ngày 16 tháng 3 năm 1993.
[10]- Vinh danh
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, vào năm 1965 Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam đã lập ra Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu dành tặng cho các tác giả, tác phẩm nổi bật trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở miền Nam.
[11]-Tên đường phố
Cuối năm 1945, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Mặt trận Việt Minh đã cho đổi tên đường mang tên người Pháp trước đây thành đường phố mang tên danh nhân người Việt Nam, trong đó có phố Nguyễn Đình Chiểu ở thành phố Hà Nội (nay là phố Phủ Doãn) và ở thành phố Hải Phòng (nay là phố Tôn Thất Thuyết). Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp chiếm lại được các thành phố này vào cuối năm 1946 thì tên phố Nguyễn Đình Chiểu cũng bị mất đi và trở lại bằng các tên đường mang tên người Pháp như cũ.
Sau đó, chính quyền Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại đứng đầu vốn trực thuộc khối Liên hiệp Pháp cũng cho đặt tên đường phố mang tên Nguyễn Đình Chiểu tại các thành phố này trên cơ sở một lần nữa xóa bỏ tên đường mang tên người Pháp cũ. Cụ thể, từ đầu năm 1951 tại thành phố Hà Nội lại có phố Nguyễn Đình Chiểu tại khu vực làng Ngũ Xã cũ nằm ven bờ hồ Trúc Bạch; đến năm 1954 tới lượt thành phố Hải Phòng cũng cho đổi tên ngõ Đồng Lùn cũ thành ngõ Nguyễn Đình Chiểu. Tuy nhiên, sau đó ở Hải Phòng ngõ này đã đổi lại tên cũ thành ngõ Đồng Lùn cho đến nay; và tại Hà Nội đến năm 1964 trên cơ sở cho rằng con phố Nguyễn Đình Chiểu ngắn và nhỏ như vậy hoàn toàn không phù hợp với công lao to lớn của ông đối với đất nước, chính quyền Hà Nội lại cho đổi tên phố Nguyễn Đình Chiểu cũ thành phố Nam Tràng và giữ nguyên cho đến ngày nay; còn phố số 296 vốn chưa có tên nằm ven hồ Bảy Mẫu thì cho đặt tên là phố Nguyễn Đình Chiểu.
Từ năm 1950, tại vùng Hòa Hưng, Sài Gòn đã có một con đường nhỏ mang tên đường Nguyễn Đình Chiểu. Đến năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi tên thành đường Hòa Hưng cho đến ngày nay.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh trước năm 1975 (lúc đó bao gồm Đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định) có tới hai con đường mang tên Nguyễn Đình Chiểu.
● Tại Đô thành Sài Gòn cũ, từ ngày 22 tháng 3 năm 1955 Nguyễn Đình Chiểu được đặt tên cho một con đường khá nhỏ ở vùng Tân Định, đi ngang qua Viện Pasteur, nối từ đường Hai Bà Trưng đến đường Trương Minh Giảng (nay là đường Trần Quốc Thảo). Ngày 14 tháng 8 năm 1975, đường Nguyễn Đình Chiểu cũ bị thay đổi tên thành đường Trần Quốc Toản, còn đường Phan Đình Phùng cũ thì đổi tên thành đường Nguyễn Đình Chiểu theo Quyết định của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định.
● Tại xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định cũ, từ sau năm 1955 cũng có một con đường ngắn và nhỏ mang tên là đường Nguyễn Đình Chiểu, giữ nguyên tên cho đến ngày nay.
Hiện nay, nhiều tên đường tại các thành phố (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt...) và tên trường học (nhất là các trường dành cho trẻ em khuyết tật) ở Việt Nam được mang tên ông.
Tượng Nguyễn Đình Chiểu trong Văn miếu Trấn Biên, Biên Hòa, Đồng Nai.
Văn và người
Mô tả về nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu,
۞ Nguyễn Văn Châu đã viết :
"Nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng sống động về tính năng động của con người. Cuộc đời dù nghiệt ngã, nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận. Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời, chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu. Trên cương vị của một nhà thơ, cái sâu sắc, thâm thúy trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu chính là chỗ chê khen, biểu dương và phê phán, thương ghét rõ ràng, chánh tà minh bạch, hợp đạo lý, thuận tình người, theo đúng chuẩn mực văn hóa Việt Nam."
Dù đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
Dù đui mà khỏi danh nhơ
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình...
*
Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,
Lòng đạo xin tròn một tấm gương.
*
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
۞ Phạm Thế Ngũ nhận xét :
"So với các trước tác của các nhà văn cùng thời, Nguyễn Đình Chiểu đã có một thái độ tích cực hơn, vì dân vì nước hơn. Tuy không đứng vào hàng ngũ cầm khí giới, nhưng ông rất có cảm tình với họ, chia sẻ với họ cái hờn mất nước, lòng căm ghét quân địch và bọn hợp tác..."
Ghi nhận những thành tựu trong sự nghiệp văn học nghệ thuật của ông, trên trang web của tỉnh Bến Tre có bài viết :
"Truyện Lục Vân Tiên dài 2.083 câu thơ mà nhiều nhà nghiên cứu cho là có mang tính chất tự truyện đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhất là ở Nam Kỳ. Truyện lên án bọn người độc ác, xấu xa, tráo trở, gian manh, bất nhân, bất nghĩa, đồng thời ngợi ca những tấm lòng nhân hậu, thủy chung."
"Tác phẩm Dương Từ, Hà Mậu dài 3.448 câu thơ kịch liệt công kích đạo Phật, đạo Thiên Chúa lúc bấy giờ như một mối nguy cơ cho đất nước. Dựa vào trí tưởng tượng nhân gian (thiên đường, địa ngục), tác giả để cho nhân vật tự “giải mê" qua cuộc hành trình dài đi tìm chân lý đầy gian khổ, rồi trở về trong sự hòa hợp của gia đình, làng nước."
"Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm Gia Định. Nhà thơ lánh về quê vợ ở Cần Giuộc (Long An). Âm vang của trận công đồn diệt bọn “Tây dương” tại nơi đây đã gợi lên cảm hứng để ông viết áng văn bất hủ ngợi ca những người nông dân chân đất anh hùng xả thân vì sự nghiệp cứu nước: Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc..."
"Ông là người mở đầu cho dòng văn chương yêu nước Việt Nam chống Pháp xâm lược ở nửa sau thế kỷ XIX. Thơ văn ông gắn chặt với những biến cố lớn lao của đất nước lúc bấy giờ. Đó là:Chạy Tây (1859),Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc (1861), Cáo thị, Thảo thử hịch', Thư gửi cho em, Mười hai bài thơ điếu Trương Định (1864), Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh (1874) và hai tập truyện thơ dài Dương Từ - Hà Mậu và Ngư tiều y thuật vấn đáp..."
"Cảm hứng chủ đạo của thơ văn ông ở giai đoạn đầu là cảm hứng đạo lý và yếu tố này đã được nâng lên thành trữ tình đạo lý đầy nhân nghĩa, thảo ngay, đồng thời cũng giàu chất phê phán, phẫn nộ trước mọi điều bất nhân, bất nghĩa như ông đã tự bạch:"
Nói ra thì nước mắt trào,
Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi...
"Những tác phẩm ở giai đoạn sau - thời kỳ đất nước bị xâm lăng - của ông là những trang bất hủ ngợi ca cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống xâm lược phương Tây ngay từ buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta”. Phạm Văn Đồng.
Tóm lại, sáng tác của ông gồm nhiều thể loại, thể tài, trong đó thành công nghệ thuật nổi bật nhất là truyện thơ Nôm và văn tế Nôm. Ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu tính nhân dân cùng những hình tượng nhân vật sinh động trong nhiều thể loại, khiến chơ ngòi bút của ông có sức thu hút mạnh mẽ người đọc, nhất là đối với nhân dân miền Nam. Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần bồi đắp tâm hồn dân tộc, nâng vị trí của văn học miền Nam lên ngang tầm văn học cả nước. Ông là người kết thúc một cách rực rỡ văn học của giai đoạn trước đó và mở đầu cho dòng văn chương yêu nước chống xâm lược.
Lôøi bình Ngaân Trieàu
Bài thơ Ngóng gió Đông 顒 𩙋 東 còn có tựa đề là Xúc cảnh 觸 景 được trích trong Ngư Tiều Y thuật vấn đáp, sau câu 1084, thể hiện lời giới thiệu một nhân vật thầy thuốc một cách kín đáo về diện mạo tinh thần, được sáng tác sau khi Miền Nam đã rơi vào tay giặc Pháp 10 năm, khoảng năm 1877.
Chủ đề bài thơ chan chứa một tâm trạng khắc khoải, đau xót, thiết tha của sĩ phu yêu nước và nhân dân Nam Bộ, khi quê hương đã rơi vào tay giặc. Đó là một thực trạng bi thảm chờ mong, là lời oán trách xa xôi về sự yếu hèn của Triều đình Huế bấy giờ, khẳng định một thái độ, một lập trường dứt khoát với giặc và niềm tin tưởng lạc quan về một ngày mai tươi sáng của đất nước, của dân tộc, khi quét sạch quân thù.
1-Hai câu đề: Nỗi mong ngóng cháy bỏng, thiết tha.
Hoa cỏ bùi ngùi ngóng gió Đông,
Chúa Xuân đâu hỡi, có hay không?
花 𦹵 裴 𠿯 顒 𩙋 東
主 春 兠 唉 固 咍 空
[Câu 1]
Giọng thơ buồn lặng, ý thơ ngậm ngùi qua hai câu miêu tả và tu từ nhấn mạnh. Hoa cỏ 花 𦹵 vừa chân thực vừa tượng trưng. Chân thực là “hoa cỏ”. Tượng trưng là chi tiết đó ẩn dụ, chỉ tấng lớp sĩ phu yêu nước và nhân dân lục tỉnh Nam Kỳ bấy giờ. Bùi ngùi 花 𦹵 thể hiện một cảm giác buồn tủi, lệ trào do thương cảm, nhớ tiếc. Ngóng 顒 là trông chờ, mong đợi một cách bồn chồn không yên thường biểu lộ tập trung qua mọi giác quan, thái độ, cử chỉ, luôn dõi theo, mong chờ hướng về một phương trời xa xôi.
Gió Đông 𩙋 東 tức là gió Xuân, về mùa Xuân thường có gió Đông như hai câu thơ :
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu Đông phong.
Đề tích sở kiến xứ - Thôi Hộ
人 面 不 知 何 處 去
桃 花 衣 舅 笑 東 風
(題 昔 所 見 處 - 崔 護)
Hoa cỏ đang khắc khoải, ngậm ngùi chờ mong ngọn gió Xuân. Điều đó còn chính là nỗi lòng của sĩ phu yêu nước và nhân dân Lục Tỉnh Nam Kỳ xót xa cho thân phận hẩm hiu, bàng hoàng cho việc ngỡ ngàng cho thân phận bỗng chốc bị bán đứng cho giặc, đau xót, hận lòng.
[Câu 2]
Nhóm từ đâu hỡi, 兠 唉; có hay không 固 咍 空 là nhóm từ nghi vấn. Hai lần hỏi liên tiếp như chất vấn dồn dập không những chan chứa nỗi ngóng trông đứt ruột, mà còn tỏ ý oán trách; kết hợp với câu hỏi tu từ nâng cao cảm xúc.
2- Hai câu thực: Cụ thể hóa, khắc sâu nỗi mong ngóng như vô vọng và bối cảnh nhân - quả bi thảm của phong trào chống Pháp ở Lục Tỉnh Nam Kỳ.
Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn,
Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng.
𩄲 𢬥 隘 北 𥉩 信 雁
𣈗 㫼 𡽫 南 弼 㗂 鴻
[Câu 3]
Mong ngóng tin tức, tin nhạn 信 雁 từ Ải Bắc 隘 北, (Ải phía Bắc theo sự định hướng của tác giả, của Miền Nam, ám chỉ Triều Đình Huế bấy giờ) chỉ thấy khoảng không gian mây giăng 𩄲 𢬥 đầy trời, mờ mịt, đen tối. Triều đình Huế ngó lơ, làm ngơ, hay bó tay (!) trước hiện tình đất nước lâm nguy bấy giờ... Phải chăng đó là những lời chỉ trích? “Cứu binh như cứu hỏa”, thế mà việc binh thì chần chờ, trễ nãi, không bao quát, không cấp tốc, không kịp thời! Mưu kế thì mờ mịt, bặt vô âm tín!
Tin nhạn 信 雁 là “tin tức”, một cách thông tin ngày xưa, thư được buộc vào chân chim nhạn, loài chim di trú theo mùa, lấy điển tích Tô Võ mục dương 蘇 武 牧 羊, Tô Võ chăn dê .
[Câu 4]
Ngày xế 𣈗 㫼 thời điểm mặt trời, mặt trăng ở vị trí chếch về phía Tây, “ngày sắp tàn” (Cho nên) Ở đất phương Nam, Lục Tỉnh Nam Kỳ, non Nam 𡽫 南, sẽ không bao giờ còn nghe, bặt 弼 , tiếng con chim hồng nữa, tiếng hồng 㗂 鴻 . Bặt tiếng hồng chỉ người anh hùng kháng chiến chống Pháp không còn nữa; đã vị quốc vong thân.
Có thể hiểu, nỗi mong chờ mòn mỏi, ngày lụn tháng qua, cơ hội sắp hết mà cứu quân của ta cứ lần lữa, (cho nên) những ánh lửa kháng chiến của những người anh hùng đều bị giặc dập tắt.
Cả một sự ngóng trông đến thất vọng, dàn trải qua lớp từ “ngóng” ( Hoa cỏ bùi ngùi ngóng gió Đông ,câu 1), “trông” (trông tin nhạn, câu 3) và “bặt” (bặt tiếng hồng, câu 5). Sự trông ngóng được nhân lên nhiều lần, cuối cùng là sự thất vọng.
Hai câu luận: Nỗi xót xa quặn thắt và lời thề tâm huyết:
Bờ cõi xưa đà chia đất khác,
Nắng sương nay há đội trời chung.
坡 𡎝 𠸗 拖 𢺹 坦 恪
𣌝 霜 𠉞 𧯶 隊 𡗶 終
[Câu 5]
Bờ cõi xưa, 坡 𡎝 𠸗 , ranh giới đất nước bao đời, bây giờ đã chia 拖 𢺹 thành đất khác 坦 恪 mất rồi! Đất nước của ta mà bây giờ kẻ làm chủ đất nước nầy chính là một kẻ ngoại bang xa lạ.
[Câu 6]
Nắng sương nay 𣌝 霜 𠉞 , là ngày và đêm, là thời tiết của đất nước nầy. Cuộc sống của nhân dân, bao đời vẫn thế, lẽ nào ngày nay, ta phải sống chung với giặc? Há đội trời chung 𧯶 隊 𡗶 終 . Qua chi tiết nầy, tác giả không những cất cao lòng căm thù giặc sâu sắc mà còn khắc sâu một lời thề yêu quê hương đất nước, một mất, một còn với giặc.
Hai câu kết:
Tuy nhiên, vẫn lạc quan về một ngày mai tươi sáng của dân tộc:
Chừng nào Thánh Đế ân soi thấu,
Một trận mưa nhuần rửa núi sông
澄 閙 聖 帝 恩 𤐝 透
沒 陣 𩄎 潤 𤀗 𡶀 滝
[Câu 7]
Chúng ta thấy sự thất vọng, chán nãn không kết thúc não nề ở chỗ của nó. Tác giả vẫn tin tưởng vào ơn vua, thánh đế ân 聖 帝 恩 . Có thể là một ngày không xa, chừng nào 澄 閙 là một ngày mai rạng rỡ của dân tộc. Khi ấy, Đức Vua anh minh sẽ thấu hiểu được lòng dân, sẽ như Hội nghị Diên Hồng xưa, toàn dân và thánh đế một lòng; nhà vua sẽ soi thấu, 𤐝 透 nỗi niềm nầy.
[Câu 8]
Như thế thì chỉ cần có một trận mưa cực lớn, mưa như trút nước, thấm sâu, toàn diện, mưa nhuần 𩄎 潤 , khắp mọi nơi trên đất nước sẽ được rửa sạch trơn bao bùn nhơ trên đường đi; bấy giờ con đường nhơ nhớp trong bóng giặc sẽ huy hoàng, xán lạn, rửa núi sông 𤀗 𡶀 滝 .
Phải chăng đó chính là tấm lòng tha thiết của tác giả, là tin tưởng vào sức mạnh và bản lĩnh truyền thống dân tộc. Một sức mạnh lấy dân làm gốc, để sẽ có một trận huyết chiến thư hùng với giặc, quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, sạch làu làu cái nhục quê hương đã từng chói ngời qua những cuộc thư hùng với giặc, quật khởi, hào hùng.
Cũng với mỹ cảm đó, Cụ Phan Sào Nam, 50 năm sau, cũng đã tỏ rõ một quan điểm hừng hực máu lửa sục sôi :
Đúc gan sắt để dời non lấp bể,
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ...
Bài ca chúc Tết Thanh Niên,
Bến Ngự, Ngày 27/01/1927 , Phan Sào Nam.
Bản chữ Nôm:
鐲 肝 鉄 抵 移 𧀒 垃 波
𣻇 昴 燶 𤀗 𧿭 洳 奴 隷, 潘 巢 南
Về nghệ thuật, đây là một bài thơ mẫu mực, tiêu biểu cho lối Thơ Đường. Hình ảnh ước lệ, thi vị mở ra cho hai câu đề [câu 1-2], chuyển sang tượng trưng trong hai câu thực [câu 3-4], khái quát vút cao oán hận, căm thù giặc sâu sắc [câu 5-6] và kết thúc như ký thác tâm sự, thỏa lòng [câu 7-8]. Từ ngữ, hình ảnh dàn dựng trong các cặp thực - luận tinh chọn, đối lập nhau một cách điệu nghệ, chuẩn mực, đầy sức thuyết phục, gợi tả, trữ tình.
Sử dụng 3 câu hỏi tu từ, lửng lơ, như biểu đạt một nỗi lòng ray rứt như oán hận, như than vãn đau lòng, như khắc khoải thầm lặng của một trí thức yêu nước, thương dân, bị Triều đình phản bội, “đem con bỏ chợ”, bỏ mặc dân đen lếch théch, bí lối trên bước đường cùng.
Phải chăng những ước vọng đau đáu đó của tác giả và của cả dân tộc Tiên-Rồng về một trận mưa nhuần mà mãi đến gần 100 năm sau, [ước vọng “Một trận mưa nhuần rửa núi sông” đó], đã chói ngời lịch sử dân tộc và thế giới bằng một trận đại thắng oai hùng Thực Dân Pháp, bằng ý chí, tinh thần, tấm lòng và trí tuệ Việt Nam. Đó là ngày 07 tháng 05 năm 1954, mãi mãi là một ngày đầy tự hào của dân tộc ta: ngày chiến thắng Thực Dân Pháp tại Điện Biên Phủ, “chấn động địa cầu” ...֎

Ngân Triều 

Khu lăng mộ cu Nguyễn Đình Chiểu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét