29 thg 6, 2021

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH COVID-19 hiện nay tại Việt Nam (Diễn Đàn Khai Phóng )

 Phỏng vấn GS TS Nguyễn Sĩ Huyên

Tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay tại TP HCM vẫn còn chiều hướng phát triển phức tạp. Bạn đọc đã đặt nhiều câu hỏi thời sự về bài viết của GS TS Nguyễn Sĩ Huyên. Chúng tôi, vì vậy lại có dịp trao đổi với GS Huyên cập nhập về nhận xét và đánh giá của Ông về tình huống đang xảy ra ở Việt Nam hiện nay.

***

Hỏi: Đầu tháng 6/2021 DĐKP đã có đăng tải một bài nhận định về tình hình COVID-19 tại Việt Nam của Ông với dự đoán về hai kịch bản chờ đợi sẽ xảy đến với Việt Nam: kịch bản 1 sẽ là sự lan rộng của dịch COVID-19 với tử vong cao không kiểm soát được và kịch bản 2 là tình trạng lan rộng lây nhiễm COVID-19 với tử vong thấp, nằm trong vòng kiểm soát. Với tình hình phát triển hiện nay Ông thấy phải cần bổ xung hay thay đổi cái nhìn của Ông không?

GS Huyên: Tôi nghĩ là không có gì thay đổi. Tình hình phát triển dịch COVID-19 cho đến hôm nay cho thấy khả năng lớn là nó đã đi vào kịch bản 2. Tại sao là kịch bản 2 thì tôi đã nói đến trong bài viết trước trong DĐKP (xem 1). Chủ yếu có thể tóm gọn vào cơ địa tốt của người Việt Nam dựa vào hai yếu tố cơ bản chính: dân số trẻ và một hệ thống miễn dịch hiệu quả dựa trên giả thuyết đã từng bị nhiễm các coronavirus khác trước đó và phần nhiều cũng đã bị nhiễm với SARS-CoV-2 trong thời gian những đợt dịch COVID-19 phần lớn là thầm lặng (không có triệu chứng) trong cộng đồng trước đây.

Hỏi: Nỗi lo của người dân Châu Âu hiện nay là sự lan rộng lây nhiễm của biến thể Delta, Ông không nghĩ đó cũng là mối lo cho Việt Nam sao?

GS Huyên: Đương nhiên sự lan rộng lây nhiễm của biến thể Delta-vi rút và những biến thể mới Delta plus (Ấn) hay Lambda (C.37) hiện nay tại Mỹ la tinh phải là mối lo của mọi quốc gia. Nhưng tầm quan trọng của sự nguy hiểm qua lây nhiễm này cần phải được nhìn từ một góc độ khác cho mỗi một quốc gia với những đặt điểm riêng của nó.

Tôi lấy một ví dụ cụ thể, ở nước Đức con số người nhiễm bệnh với biến thể Delta cách đây khoảng 3 tuần chiếm 6% và hôm nay đã là 19%, chưa phải là điều lo ngại, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, khi nào nó sẽ hoàn toàn chiếm ưu thế. Nhưng với chính sách chủng ngừa đại trà trên nước Đức hiện nay, người ta hy vọng rằng dịch trong thời gian đến sẽ không còn cơ hội phát triển mạnh như cuối hè, đầu thu năm vừa qua. Tại sao chủng ngừa tại Đức hay Châu Âu nói chung là một chính sách quốc gia quan trọng hàng đầu trong thời điểm này? Bởi người dân Đức và Châu Âu có mật độ dân số người cao tuổi và người lao động trung niên có bệnh nền chiếm 1/4 đến 1/3 dân số, bên cạnh đời sống sinh hoạt xã hội của người cao tuổi có nhiều nguy cơ lây nhiễm. Cần nhắc lại, tử vong ở Đức vì vậy từ đợt dịch đầu tiên dưới 10.000 ca đã tăng nhanh trong vài tháng sau đó vào đợt 2 trên 80.000 ca, dầu vậy, nước Đức vẫn còn thuộc về nước có ít tử vong so với nhiều nước còn lại ở Châu Âu như Ý, Pháp, Tây Ban Nha… . Chính sách chủng ngừa vì vậy đã trở nên rất cần thiết cho việc ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 để bảo vệ sức khỏe người dân và phục hồi sớm nền kinh tế của đất nước họ. Mặt khác, chúng ta cũng không được quên rằng các nước Châu Âu có khả năng bảo đảm nguồn cung cấp và đủ tài chính để lo được vắc xin cho các nước của họ trong một thời gian dài cần thiết. Dầu vậy, quy trình tiêm chủng cho thanh niên và trẻ em vẫn chưa thông suốt, tại Đức, một cuộc thảo luận sôi nổi về chỉ định y tế tiêm chủng cho những nhóm người này chỉ vừa mới khởi đầu (xem thông tin về chỉ định chủng ngừa của ủy ban thường trực chuyên trách về chủng ngừa của viện Robert Koch, Cộng Hòa Liên Bang Đức) (xem 2). Trong trường hợp không có vắc-xin cho những nhóm người này, khả năng miễn dịch cộng đồng chắc chắn sẽ không hoàn thiện. Nhưng điều này, tôi nghĩ sẽ không có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng khi nhóm dân số có nguy cơ đã được chủng ngừa đầy đủ.

Điều kiện ở Việt Nam thực sự là có khác biệt. Nhóm nguy cơ COVID-19 liên quan đến tuổi là khoảng 7%, khoảng gần 7 triệu người với một sinh hoạt gia đình xã hội cũng khác biệt, không dễ dàng cho việc lây nhiễm COVID-19 (xem 3). So với nhóm nguy cơ ở Đức khoảng 25%, gần 20 triệu người cho thấy sự khác biệt này rất rõ ràng qua tỷ lệ tử vong liên quan đến COVID-19 giữa đợt 1 và đợt 2 ở Đức như đã nói ở trên và ở Việt Nam với một con số tử vong rất ít từ 0 đến 35 trường hợp ở nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền.

Nói như vậy thì có gì liên quan đến biến thể Delta-vi rút ở Đức và ở Việt Nam? Mối nguy hiểm do biến thể Delta, Delta plus hay Lambda gây ra là khả năng lây lan nhanh, về cơ bản thì những biến thể mới cho đến nay, chưa thấy có chứng minh độc hại (virulence) hơn biến thể Alpha, nhưng với tốc độ lây lan nhanh, nó có thể lan rộng đến nhiều người trong nhóm nguy cơ nhanh hơn, qua đó dẫn đến gia tăng tử vong, một mối lo chính đáng. Ở Đức theo thông tin của Viện Robert Koch hôm nay, chủng ngừa cho nhóm người cao tuổi (trên 60) đã đạt đến 55% (xem 4), một nỗ lực rất lớn của chính quyền và những cơ quan y tế nước Đức. Dầu vậy, ta cũng phải thấy 45% (tức 9 triệu người thuộc nhóm này chưa được chủng ngừa) vẫn còn nằm trong nhóm nguy cơ với nguy cơ bị lây nhiễm đưa đến tử vong, so với Việt Nam, nhìn về số lượng vẫn còn cao hơn nhóm nguy cơ ở Việt Nam chưa được chủng ngừa rộng rãi.

Hỏi: Vậy theo Ông, dân số trẻ đã đóng một vai trò quan trọng chủ yếu cho tử vong thấp trọng đại dịch COVID-19 tại Việt Nam?

GS Huyên: Đúng vậy, đó là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Những nghiên cứu tổng hợp (xem 5) và riêng rẽ ở nhiều nước đã cho thấy rõ ràng rằng tỷ lệ tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên đến trung niên (dưới 50 tuổi) là rất thấp. Dầu vậy, để dịch lây lan mạnh không kiểm soát sẽ sớm gây quá tải nền y tế quốc gia đưa đến tử vong cao không tránh khỏi. Điều này chúng ta cũng thấy đã xảy ra ở Ấn, Ba Tư và ở nhiều quốc gia khác … .

Hỏi: (xin ngắt lời) … còn điều kiện đủ Ông nói ở đây là những điều kiện gì?

GS Huyên: Tôi thấy cần phải nhấn mạnh một lần nữa về những đặc điểm phát triển dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam trong thời gian qua (xem 1) để có thể hiểu được diễn tiến của dịch bệnh COVID-19 và chọn cho mình những biện pháp phòng chống dịch thích nghi.

Quan sát tình hình phát triển đại dịch COVID-19 trong lúc này, ta thấy biến thể Delta, Delta plus hay Lambda đang phát triển ở nhiều nơi trên thế giới đưa đến tử vong tăng cao ở tại những quốc gia này vì những lý do đã nhắc đến, đặc biệt là ở những quốc gia chưa có chủng ngừa tốt. Điều này có nghĩa là gì? Những biến thể mới có sức lây lan nhanh và cho thấy vẫn chưa có thay đổi gì về tính độc hại của nó.

Nhưng ở Việt Nam thì lại khác. Tình hình phát triển dịch tại Việt Nam hiện nay thấy rõ là diễn tiến bệnh dịch đi vào kịch bản 2 (có lây lan, nhưng tử vong thấp). Đây là một bằng chứng nữa cho giả thuyết về cơ địa ở người Việt Nam bao gồm tăng cường hệ miễn dịch trải qua những làn sóng dịch COVID-19 đợt 1 và 2 cũng như những đợt dịch với Corona vi-rút chủng loài khác trước đây, bên cạnh tổng hợp những đặc điểm rất riêng tư của Việt Nam (phong tục, tập quán sinh hoạt xã hội) cũng như những biện pháp thích nghi kịp thời của nhà nước Việt Nam và các cơ quan y tế có trách nhiệm.

Hỏi: Theo Ông thì Việt Nam cần phải có những biện pháp gì đối với tình hình lây nhiễm dịch bệnh của COVID-19 và đặc biệt là với biến thể Delta hiện nay?

GS Huyên: Diễn biến dịch đi vào kịch bản 2, như đã nói nó cho phép ta suy diễn những giả định là đúng cho những điều kiện hiện nay. Như vậy, những biện pháp phòng chống thích nghi đề nghị sẽ là:

1. Nhanh chóng chủng ngừa cho nhóm người dân cao tuổi hệ nguy cơ (trên 65 tuổi) và tuổi trung niên (giữa 50 và 65) có bệnh nền. Qua đó, tránh được sự lây lan nhanh của những biến thể mới ở nhóm người này với nguy cơ có thể đưa đến tình trạng quá tải chăm sóc y tế.

2. Chủng ngừa cho bác sĩ và nhân viên y tế cũng như cho các cơ quan hay cá nhân có yêu cầu về y tế.

3. Chủng ngừa đại trà (cho tối thiểu là 70% dân số) để đạt miễn dịch cộng đồng trong lúc này chưa phải là giải pháp tối ưu để nói đến vì nhiều lý do khác nhau chưa được khắc phục:

a. hậu cần: nguồn cung cấp thuốc chủng ngừa cho một số lượng lớn như vậy, cho đến nay chưa thấy là khả thi.

b. sức đề kháng chống tái nhiễm dịch bệnh kéo dài bao lâu sau khi chủng ngừa bệnh? 6 tháng, một năm, một năm rưỡi, hai năm… chưa rõ. Tổn phí ước đoán cho mỗi lần chủng ngừa và tái chủng ngừa khoảng chừng hơn nửa tỷ đến một tỷ USD tùy thuộc vào thuốc mua. Đây là tổn phí phỏng đoán dựa trên bản giá thuốc công bố của các hãng thuốc (xem 6). Bên cạnh đó, hậu cần cho việc cung cấp thuốc chủng ngừa vẫn liên tục là một câu hỏi lớn.

c. Chỉ định chủng ngừa cho dân số người trẻ tuổi và trẻ em (dưới 15 tuổi) vẫn còn là một bàn cải y học vì thiếu chứng cớ cho một cân nhắc về hậu quả lâu dài sau chủng ngừa và tình trạng cải thiện sức khỏe cấp thời trước một nguy cơ tử vong cực thấp khi bị lây nhiễm COVID-19. Chủng ngừa đại trà ở Châu Âu có nghĩa chủ yếu phần lớn là cho người cao tuổi và người có bệnh nền (trong cân nhắc lợi hại về y học thì hợp lý), chủng ngừa đại trà ở Việt Nam chủ yếu sẽ là chủng ngừa phần lớn cho người trẻ tuổi lành mạnh và trẻ em (trong cân nhắc lợi hại về y học thì không hợp lý) (xem thống kê chi tiết về dân số các nước trên thế giới) (xem 7).

4. Trước những nhận thức mới, đề nghị cần tái lập sớm sinh hoạt thường ngày của người dân, tạo cho tầng lớp người dân có thu nhập thấp sớm trở về lại cuộc sống kinh tế thường nhật của họ để có thể tiếp tục tồn tại, không trở thành gánh nặng cho xã hội, điều không ai muốn.

5. Thời gian chống dịch vừa qua đã gây được một ý thức tốt cho người dân và bây giờ đã đến lúc nên để người dân tự ý thức lo cho sức khỏe của chính mình.

Đối với người dân:

– trước mắt là tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế (5K= Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) (xem 8)

– nếu nghi ngờ có dấu hiệu lây nhiễm nên thông báo và làm xét nghiệm test SARS-CoV-2 ở cơ quan y tế liên hệ. Trong trường hợp test dương tính mà không có triệu chứng nặng thì cách ly tại nhà 14 ngày có theo dõi, thăm viếng hay hỏi thăm qua điện thoại hàng ngày của cơ quan y tế phường hay quận liên hệ. Nếu vì lý do gì đó ngại ngùng không muốn đi làm test thì cũng tự cách ly ở nhà 14 ngày (sau 7 ngày tự cách ly muốn tham gia sinh hoạt xã hội trở lại thì ra quận làm test kiểm tra, âm tính thì sinh hoạt lại bình thường, dương tính thì tiếp tục cách ly 7-14 ngày nữa, tùy thuộc vào test kiểm tra 7 ngày sau đó).

6. Đề nghị đến các cơ quan y tế:

– Tạo điều kiện cho người dân cùng ý thức góp sức trong việc phòng chống dịch COVID-19 bằng cách cho người dân được làm test SARS-CoV-2 miễn phí tại các cơ sở y tế của mỗi quận.

– Không làm test xác định SARS-CoV-2 rộng rãi, nhưng thực hiện một chiến lược cụm, tập trung vào việc tìm kiếm các cụm nhiễm để có chính sách cách ly kịp thời và kiểm dịch hiệu quả.

– không thực hiện cách ly tập trung để theo dõi những ca dương tính với người dân trong nước, nếu không có lý do chính đáng. Tiếp tục kiểm tra nghiêm ngặt khách ngoại nhập (đường hàng không, đường thủy, đường biên giới) và thực hiện cách ly tập trung để theo dõi đối với khách ngoại nhập. Một biện pháp rất hiệu quả trong thời gian qua.

– triệt để ngăn chặn và có biện pháp thích nghi với những người nhập cảnh vào Việt Nam bất hợp pháp.

Hỏi: Xin được hỏi một câu hỏi cuối cùng mà nhiều bạn đọc thắc mắc và lo âu đó là nguy cơ bị „hội chứng COVID-19 kéo dài“ sau khi bị nhiễm COVID-19. Đánh giá của Ông về vấn đề này như thế nào?

GS Huyên: Có thể nói là trong thời gian hơn một năm rưỡi qua thế giới đã chịu nhiều tổn thất với đại dịch COVID-19, giới y học đã học hỏi và biết cách phòng chống nó hiệu quả, cao điểm là tạo được thuốc chủng ngừa trong một thời gian kỷ lục chưa từng có trong lịch sử y học. Nhưng cũng có những điều chúng ta vẫn chưa được rõ như xác định những biến chứng kéo dài sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2.

Nhiều người sau khi bị nhiễm COVID-19 cảm thấy sức khỏe không hồi phục. Theo công bố của Hội Hô Hấp Đức ước tính là có khoảng 10% bệnh nhân COVID-19 mang hậu quả lâu dài của bệnh (xem 9). Sự phức tạp của vấn đề là phần lớn những bệnh nhân COVID-19 là người cao tuổi và có bệnh nền. Do đó, sự phân biệt biến chứng của bệnh nền và biến chứng do COVID-19 gây nên trong tiến trình bệnh sẽ không đơn giản.

Phần lớn những bệnh nhân này có vấn đề về đường hô hấp hay tim mạch, thường cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi thường trực và làm việc không hiệu quả. Trong một nghiên cứu riêng rẽ cho thấy bệnh có khuynh hướng phục hồi sau 60-100 ngày (xem 10).

Danh sách triệu chứng biểu hiện của bệnh thì còn rất dài và trong lúc này thì các hội đoàn chuyên khoa tại Đức có liên quan đến COVID-19 đang cộng tác làm việc với nhau để cùng công bố một hướng dẫn chung về chẩn đoán và điều trị „sau COVID-19“ vào cuối tháng 6/đầu tháng 7.2021 (xem 11).

Tóm lại, „Hội chứng sau COVID-19“ hay còn gọi là „Hội chứng COVID-19 kéo dài“ là một bệnh án mới, hiện nay chưa có đầy đủ dữ liệu chứng cớ y học để đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng và tiên lượng bệnh. Nhưng trước mắt, đây là một vấn đề đang được y học quan tâm.

Trích dẫn:

1.DĐKP: một cách nhìn về tình hình đại dịch Corona hiện nay tại Việt Nam https://diendankhaiphong.org/2021/06/07/mot-cach-nhin-ve-tinh-hinh-dai-dich-corona-hien-nay-tai-viet-nam/

2. Thông tin của ủy ban thường trực chuyên trách về chủng ngừa của viện Robert Koch, Cộng Hòa Liên Bang Đức. https://www.rki.de/DE/Content/Infekt/Impfen/ImpfungenAZ/COVID-19/Impfempfehlung-Zusfassung.html.

3. DĐKP: CORONA: tại sao số ca nhiễm ở Việt Nam thấp https://diendankhaiphong.org/2020/04/16/corona-tai-sao-so-ca-nhiem-o-viet-nam-thap/

4.Impfquoten nach Altersgruppen in den Bundesländern 26.6.2021 https://www.rki.de/DE/Content/InfAZ/N/Neuartiges_Coronavirus/Daten/Impfquoten-Tab.html

5. G. Meyerowitz-Katz et al., Assessing the age specificity of infection fatality rates for COVID-19: systematic review, meta-analysis, and public policy implications, European Journal of Epidemiology, volume 35, pages1123–1138

6. Der Arzneimittelbrief, Jahrgang 55.Nr.3.März 2021).

7. Bộ Y tế khuyến cáo „5K“ chung sống an toàn với dịch bệnh https://ncov.moh.gov.vn/-/bo-y-te-khuyen-cao-5k-chung-song-an-toan-voi-dich-benh

8. Thống kê chi tiết về dân số các nước trên thế giới https://www.laenderdaten.de/bevoelkerung/altersstruktur.aspx

9. https://idw-online.de/de/news765168

10. Huang, C. et al. (2021): 6-month consequences of COVID-19 in patients discharged from hospital: a cohort study. The Lancet, Volume 397, Issue 10270, P220–32, DOI: 10.1016/S0140-6736(20)32656-8.

11. https://www.awmf.org/leitlinien/detail/anmeldung/1/ll/020-027.html

Địa chỉ liên lạc: Prof. Dr. Si Huyen Nguyen Vice Dean of Vietnamese German Faculty of Medicine/Pham Ngoc Thach University/ HochiMinh City. Duong Quang Trung 2, P12, Q.10, Ho Chi Minh City, Vietnam. http://www.pnt.edu.vn.
Honorary Professor of Hue University

In Germany: Med. Clinic II/ Cardiology/ Intensive Care Medicine/ Sleep Medicine HELIOS St. Marienberg Clinic Helmstedt/Academic Hospital of the Otto-von-Guericke-University Magdeburg; Conringstrasse 26, D-38350 Helmstedt, Germany. Tel. 00 49 (0) 5351 141434

President of German Vietnamese Association of Cardiology/Deutsch-Vietnamesicher Förderkreis für Kardiologie e.V. (DVFK); http://www.dvfk.org; e-Mail: dvfk@gmx.de


Xem Thêm :GS-TS Nguyễn Sĩ Huyên: Tự hào vì được đóng góp cho quê hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét