31 thg 3, 2021

TÔI ĐI DẠY - Xuân Lộc K.11- SPSG

 Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…đó là một đoạn mở đầu bài văn bất hủ " Tôi Đi Học " của Thanh Tịnh…còn tôi…thì là đây : …..TÔI ĐI DẠY…xin mời cả nhà cùng đọc, những ngày gõ đầu trẽ cách nay 44 năm của tôi như thế nào ?

- “ Ai chọn nhiệm sở Trường Mỹ Tú, quận Thuận Hòa đâu giơ tay lên “

- Văng vẳng tiếng hô to của một người thanh niên đang đứng đâu đó giữa dòng người đang chen chúc nhau vang lên.
- “ Đây, đây 3 đứa tui nè anh..” chúng tôi gồm 3 đứa từ Saigon xuống, vội chạy lại trước mặt người thanh niên đó – Anh tự xưng là tên Trường hiện là Giáo Viên trường Mỹ Tú, theo lệnh của Thầy Hiệu Trưởng ra đây đón 3 người của chỉ tiêu Trường yêu cầu được Ty phân xuống cho trường sau khi có người chọn.
Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi mới biết Anh ta là người địa phương của Tỉnh, tốt nghiệp Trường Sư Phạm Sóc Trăng trước chúng tôi 2 năm, đang xin chuyễn trường về quận Kế Sách nơi gia đình anh đang ở cho gần nhà , chúng tôi 3 đứa chọn về Mỹ Tú là anh sẽ chuyễn được về trường gần nhà vì có người thay..
Chúng tôi 45 người Khóa 11 Sư Phạm Saigon chọn nhiệm sở Tỉnh Ba Xuyên, kẻ trước người sau từ Saigon lên đây được hơn 3,4 hôm chờ Ty Giáo Dục Tỉnh gọi chọn nhiệm sở cùng lúc với Giáo Sinh Trường Sư Phạm Sóc Trăng cũng tốt nghiệp cùng thời gian …Do là Trường của Tỉnh nhà nên ưu tiên cho Giáo Sinh địa phương chọn trường trước, còn 45 đứa chúng tôi chọn sau…
Đúng là hay không bằng hên, Tử Vi nói tôi có quới nhơn phù hộ khi đi xa nhà.....lên đây 3,4 hôm..lần đầu tiên xa nhà của những thằng con trai vừa đúng 20, lạ nước, lạ cái…còn bở ngỡ ở chốn lạ…thì thời may trong 45 người chúng tôi có một tên giỏi ngoại giao, làm quen được 1 Giáo Sinh Trường Sư Phạm Sóc Trăng, lại là Con của một Nghị Viên Hội Đồng Tỉnh, nhờ anh ấy kéo về nhà ở đỡ vài hôm chờ ngày chọn nhiệm sở, thế là đỡ khoản tiền thuê Khách Sạn.
Việc chọn trường cũng xong trong buổi sáng hôm đó, người về 1 trường, 2 người về một trường …có trường gần, trường xa Tỉnh…riêng 3 đứa tôi chọn chung một trường cùng về chung là Trường Tiểu Học Mỹ Tú, quận Thuận Hòa ( Hiện nay quận nầy đổi tên là Huyện Mỹ Tú-Tên Mỹ Tú lúc đó là tên Xã )…theo Thầy Trường chúng tôi lên một chiếc xe đò lỡ…từ Trung Tâm Hành Chánh Tỉnh đến Xã Mỹ Tú chỉ có 23 Km…mà xe phải chạy gần 2 giờ mới đến nơi, đường toàn ổ voi, ổ gà, nước ngập…anh phụ xe phải đi bộ trước xe, dùng đôi chân rà rà, mò mò xem ổ voi nào sâu quá thì ra hiệu cho tài xế lấy hết vào lề để chạy qua…cứ thế mà mò riết, chạy một đoạn là lơ xe nhảy xuống mò đường…cà tịch cà tang gần 2 giờ đồng hồ xe mới đến nơi…Lần đầu tiên trong đời chúng tôi mới thấy được thế nào là “ đường xa ướt mi – hỏng phải ướt mưa “.
Đến ngay xã, nơi đây cũng là trung tâm của quận, xe chạy ngang qua Trường , đối diện bên kia đường của trường là Chi Khu quận Thuận Hòa ( Nơi đây Ông Quận Trưởng và Phó Quận Trưởng cùng một số Lính Phòng Ban đóng quân, Trước Sân Chi Khu lù lù Khẩu Đại Bác 102 Ly ) rồi ngang qua một cây cầu là đến Cái Chợ của quận..đây là khu dân cư tập trung gồm một cái chợ có nhà lồng nhỏ. Chung quanh là nhà dân, nhà tường gạch mái Fribo, nhà lá chen kẻ nhau, trên một khu đất rộng ước chừng nữa sân banh Cộng Hòa…
Thầy Trường dẫn chúng tôi đến một quán cà phê nhỏ, được gọi là Quán Thím Tư – Quán vừa bán cà phê, cũng vừa là quán cơm cho cả khu chợ, lính bên Tiểu Khu cũng thường qua ăn cơm tháng, và chúng tôi cũng được Thầy Trường giới thiệu ăn cơm tháng nơi nầy và ở tạm vài hôm. Ngồi trong quán nhìn ra sân vào cái ngày đầu tiên xa nhà, lúc đó lại trời đổ mưa nữa…buồn ơi là buồn…

.Còn tiếp.....

Vợ giết chồng bạo hành dã man, 13 năm sau bị con gái giết mẹ trả thù cho bố - Hoa Vũ


 Một người phụ nữ Iran vốn bình thường, sau khi trưởng thành thì lấy chồng và sinh được một cô con gái. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc chẳng được bao lâu đã sớm tan vỡ bởi sự bạo hành của người chồng. Sau khi biết những điều này, bố cô là Ebrahimi Karimi đã rất đau khổ, ông quyết định ra tay sát hại con rể để giải thoát cho con gái mình. Một cô gái 19 tuổi đã đích thân hành quyết mẹ mình để trả thì cho người bố bị bà giết hại 13 năm trước.


Trên đời này không thiếu những vụ bi kịch gia đình nhưng để kết cục bi thảm như người phụ nữ Iran có tên Maryam Karimi thì thực sự hiếm thấy.

Maryam Karimi vốn là một phụ nữ Iran bình thường, sau khi trưởng thành thì lấy chồng và sinh được một cô con gái. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc chẳng được bao lâu đã sớm tan vỡ bởi sự bạo hành của người chồng.

Thái độ của người chồng đối với Maryam rất thô lỗ, anh ta đánh đập, mắng mỏ và suốt ngày ghen tuông, nghi ngờ vô cớ.

Nhiều năm trôi qua, hành động của anh ta trở nên bạo lực hơn, thậm chí nhiều lần Maryam tưởng chừng sẽ bị đánh cho đến chết.

Đến năm 2008, Maryam không chịu nổi và muốn ly hôn để thoát khỏi cuộc sống địa ngục. Cô ấy nói với bố mẹ về quyết định này và mọi người trong gia đình đều ủng hộ cô rời bỏ người đàn ông đó.

Tuy nhiên, sau khi nghe đến từ "ly hôn", người đàn ông không đồng ý. Maryam muốn bỏ trốn về quê thì bị anh ta ngăn chặn và đánh đập dữ dội hơn trước.

Sau khi biết những điều này, bố cô là Ebrahimi Karimi đã rất đau khổ, ông quyết định ra tay sát hại con rể để giải thoát cho con gái mình.

Ông và con gái Maryam sau đó đã hợp mưu sát hại người con rể vũ phu. Do có rất nhiều bằng chứng tại hiện trường vụ án, cảnh sát nhanh chóng đã xác định hai người họ là hung thủ.
Nếu tới đây, đó chỉ là một vụ án giết người vì bị bạo hành bình thường, tuy nhiên những gì diễn ra 13 năm sau đó mới là nỗi kinh hoàng thực sự.

Vào thời điểm xảy ra án mạng, con gái của Maryam mới 6 tuổi. Vì bố mẹ đột ngột mất tích cùng lúc, người thân không biết giải thích thế nào nên vu vơ cho rằng bố mẹ cô bé đều bị tai nạn qua đời. Cô bé sau đó được họ hàng của bố nhận nuôi.

Cho đến tháng 2/2021, cô đã 19 tuổi và đột nhiên được người thân báo cho một tin tức quan trọng: "Thực ra, mẹ cô vẫn còn sống, hồi đó bà ấy đã giết cha cô... Nếu cô muốn trả thù, cô có thể thi hành bản án tử hình đối với mẹ mình vào tháng 3 tới".

Con gái giết mẹ để trả thù cho cha?

Trên thực tế, đây là một hình phạt được gọi là Qisas trong Đạo luật trừng phạt Hồi giáo.

Qisas là một thuật ngữ Hồi giáo có nghĩa là "mắt trả mắt, răng trả răng", nhằm trừng phạt những người phạm tội theo cách thức có đi có lại.

Ví dụ, nếu tay phải của nạn nhân bị phạm nhân chặt trong một vụ đánh nhau, thì tay phải của người phạm tội sẽ bị chặt. Hay như nếu nạn nhân bị sát hại trong một vụ cướp, hung thủ sẽ bị tử hình và số tiền tương ứng sẽ được trả cho gia đình nạn nhân.

Trên lý thuyết, đây là một "quan điểm công lý" khá đơn giản và khiến nhiều người cảm thấy công bằng, song tình hình thực tế luôn phức tạp hơn.

Như trường hợp của Maryam, "cuộc sống địa ngục" trong một thời gian dài đã đấy cô đến bước đường cùng là giết chồng. Tuy nhiên, phía tòa án không xét tới khía cạnh bạo lực gia đình và trực tiếp tuyên án treo cổ tử hình với Maryam.
Ở Iran, cho dù đó là ngộ sát hay giết người do phòng thủ quá mức, đều không có sự khác biệt và sẽ bị tòa án quy chung về tội "cố ý giết người", đòi hỏi một mạng người phải trả giá bằng một mạng sống.

Còn việc con gái giết mẹ báo thù cho cha là xuất phát từ đặc điểm của Qisas là để con của nạn nhân báo thù.

Theo luật Hồi giáo, người thân của nạn nhân phải có mặt tại hiện trường trong thời gian Qisas được thực thi và tốt nhất là con cái của nạn nhân đích thân hành quyết tội phạm.

Nếu tay nạn nhân chặt đứt thì con cháu sẽ chặt tay tội phạm. Nạn nhân bị đâm chết, các con của họ sẽ đâm chết tên tội phạm để báo thù.

Luật Hồi giáo khuyến khích con đẻ của nạn nhân trả thù những kẻ tội phạm và cá nhân làm hại họ. Tuy nhiên, nếu con cái của nạn nhân sẵn sàng tha thứ cho kẻ phạm tội, thì Qisas sẽ được hủy br.

Ngoài ra, trẻ em còn có thể thay thế Qisas bằng cách nhận bồi thường bằng tiền (còn gọi là "tiền máu"), điều này cũng được luật Hồi giáo chấp nhận.

Nói cách khác, sự sống và cái chết của Maryam nằm trong tay con gái bà.

Sau khi nghe những lời tâm sự của người thân, cô con gái quyết định không tha thứ cho mẹ mình và cũng không muốn nhận "tiền máu". Đồng nghĩa với việc cô ấy sẽ chính tay hành quyết mẹ mình.

Không ai biết tại sao trong lòng cô gái này lại nổi lên sự lạnh lùng và độc ác đến vậy. Nhiều ý kiến phỏng đoán rằng có thể cô ấy cảm thấy bị lừa dối, cũng có thể cô phẫn nộ với hành động của mẹ, hoặc thương cha cô ấy nhiều hơn.

Vào ngày 13/3, một vài ngày trước lễ hội năm mới ở Iran, chiếc xe cảnh sát áp giải Maryam đến nhà tù trung tâm Rasht.

Trên pháp trường, Maryam bị bịt mắt, cổ cô bị trói bằng thòng lọng và đứng run rẩy trên chiếc ghế. Con gái cô bước đến, lấy chiếc ghế ra và nhìn đôi chân của mẹ cô giãy giụa trên không.

Sau khi Maryam ngừng thở, bố cô là Ebrahimi đã được đưa đến pháp trường và buộc phải nhìn thi thể cô treo lơ lửng trên không. Sau đó, ông lại bị áp giải trở về.

Hiện tại, chưa rõ lý do vì sao Ebrahimi không bị kết án tử hình.
Một cô gái 19 tuổi chọn cách giết mẹ của mình, điều này thực sự gây sốc dư luận. Sau khi tin tức được đưa ra, nhiều người cho rằng cô gái đã bị tẩy não quá sâu.

Aram Bolandpaz, một phóng viên của Đài Truyền hình Quốc tế Iran, cho biết: "Bốn năm giáo dục tẩy não trong trường học, văn hóa trừng phạt cực đoan của xã hội và chế độ gia trưởng đã thuyết phục con gái của Maryam rằng giết chết mẹ là một chiến thắng."

"Bất kể nơi nào trên thế giới, Qisas là vô nhân đạo, man rợ và độc ác", Aram nói.

Đại diện nhân quyền của Iran, Mahmood Moghaddam, tin rằng vấn đề nằm ở luật pháp. "Đó là đạo luật cực đoan. Qisas góp phần gây ra bạo lực và cần phải dừng lại", ông nói.

Qisas là một trong những đạo luật cổ xưa nhất được giữ lại trong "Luật Hình sự Hồi giáo Iran 2019". Trong 7 năm qua, hơn 4.300 người đã bị hành quyết, trong đó có 115 phụ nữ.

Hình phạt tử hình theo đạo luật Qisas cũng được áp dụng đối với người phạm tội chưa thành niên. Độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với trẻ em gái là 9 tuổi và với trẻ em trai là 15 tuổi.

Vì quá tàn ác, Qisas đã gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc và ngày càng có nhiều người kêu gọi loại bỏ hình phạt này.

https://kenh14.vn/nguoi-phu-nu-giet-chong-vi-bi-bao-hanh-da-man-13-nam-sau-bi-chinh-con-gai-xu-tu-bao-thu-20210326220654037.chn

Đọc”Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” của Vũ Thế Thành - Nguyễn Văn Lục

Người Pháp có Paris, Người Anh có Luân Đôn, người Tàu có Thượng Hải, người Bắc có thể có Hà Nội! Chỉ có người Sài Gòn là không có Sài Gòn. Hoặc giả vay mượn mà muôn đời vẫn xa lạ!

Chấp bút vài dòng về cuốn “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”, tác giả Vũ Thế Thành

Cho đến bây giờ, tuổi đã hạc, tôi vẫn chưa hiểu rõ cái ý của cái anh Chí Phèo, làng Vũ Đại, nói:‘Ở đâu có này thì ở đó có kia’ là nghĩa lý làm sao?Phải chăng đó là một chủ trương sống huề cả làng? Nếu thật sự, anh Chí Phèo của tôi chủ trương như vậy thì tôi coi thường anh lắm!

Nhưng tôi biết chắc một điều, anh Chí Phèo là người radical, chơi tới bến, thường hướng dẫn và gợi hứng cho tôi nhiều điều; ngay cả cái nhân cách Chí Phèo, ngay cả cách chửi của anh cũng là một triết lý sống. Này nhé, cả làng Vũ Đại đã có một ai dám chửi quan chức từ trên xuống dưới? Anh chửi tuốt. Phải đấy, dám chửi điều xấu phải là một người có nhân cách lắm chứ! Hơn nhiều người. Muôn người mới có một.

Tôi theo anh không kịp. Anh chỉ khác tôi một điều. Anh sống bằng chửi còn tôi sống để cầm bút. Mà cầm bút như tôi thì quả thực: giấy bút lầm than. Tôi nói thật.

Trong thời đại này, một thời đại mà mọi giá trị đều mất giá. Viết tử tế là một điều khó lắm vì người tử tế không còn nữa.

Vậy mà tôi được đọc một nhà văn trong nước, Vũ Thế Thành, hiện ẩn cư tại Đà Lạt, viết một cuốn truyện mà như một làn gió thoảng giữa cơn bão táp thời cuộc. Ông viết nhẹ nhàng như chuyện đời thường, đọc như uống một ly chanh đường giữa cái nắng Sài Gòn; ông viết về chuyện bây giờ mà như thể viết về ở một nơi nào khác, viết như một hồi ức nhắc nhở, đọc chơi.

Nhưng, đọc anh, tôi thấy tôi trong đó: Cái tôi di cư thời Phú Thọ lều, cái tôi Đà Lạt thời sinh viên, cái tôi Sài Gòn nhớ nhớ quên quên. Nhất là cái tôi sau 1975 trong tâm trạng người Sài Gòn trong cuộc đổi đời.

Chỉ khác tôi một điều là những chuyện anh viết đều là chuyện xem ra nhỏ và không quan trọng. Nhưng chuyện nào cũng gợi ý một cách kín đáo về một cái gì khác. Nó không đến lộ liểu như câu chuyện “Chiếc bình vôi” hay “Con ngựa già của Chúa Trịnh” thuở nào.

Sự việc viết ra chỉ là cái cớ để nói về một điều không phải là cái ấy. Và phải chăng đó là chủ đích của người câm bút?

Như đã nói, đọc anh, tôi rất dễ chia xẻ vì có một mẫu số chung nào đó. Mẫu số chung ấy trong cùng một hoàn cảnh, càng cắm rễ sâu, khi phát tán càng có cơ hội gắn bó, gần gũi. Mỗi người một phương mà tấm lòng vẫn là một.

Cái tâm trạng chung là nhớ về. Không ngờ cái tâm trạng từ mỗi cá thể trở thành cái chung trong cái riêng. Nó sẽ tự phát trở thành một thứ ký ức tập thể (collective memory).

Cái nhớ của tác giả cũng là cái nhớ của tôi và của nhiều người khác đã từng một cội nguồn, đã từ đó mà lớn lên. Và chỉ cần một cái click nhẹ mọi sự sẽ như một cảnh trí quay lại của một câi đèn kéo quân.

Thật vậy, trong trí nhớ của tôi Đà Lạt là một thành phố quanh năm là mùa xuân.

Chỉ cần ngồi trên chiếc xe đò Minh Trung, qua khỏi Định Quán, đi qua Blao là như hít thở không khí Đà Lạt rồi. Một Đà Lạt còn giữ được vẻ nguyên sơ với những người Thượng từ một triền núi nào đó xuất hiện bất ngờ, trên vai gù một vài củ măng.

Vắng bóng người sơn cước, Đà Lạt mất cái căn cước của mình.

Phụ nữ miền sơn cước.  Nguồn:  pierredeloubresse.wordpress.com

Đà Lạt cũng lộ cho thấy đó là một thành phố tiêu biểu cho phong cách thuộc địa với những biệt thự ẩn hiện dưới các triền đồi thơ mộng. Sân cù, thảm cỏ xanh mướt, đồi thông, tháp chuông trường Yersin màu gạch đỏ. Đẹp làm sao.

Nhà của dân chúng thì thường bàng gỗ sơn đủ mầu, có cửa kính, trước khi nó trở thành một thành phố của các đám cưới với tuần trăng mật.

Và dĩ nhiên, Đà Lạt của tôi cũng như của tác giả, không phải là thứ Đà Lạt với:

“nhà hàng, nhà cao tầng, các vạt đồi đã đốn cây xanh, còn trơ đất đỏ sẵn sàng cho những dự án hoành tráng, xứng tầm với thành phố du lịch, xứ sở ngàn hoa như có người nói` Người ta cắt một mảnh Sài Gòn lên, đem dán vào Đà Lạt và bảo rằng Đà Lạt đang phát triển trong quy hoạch.” (trích bài “Kiều Lão Đà Lạt” của tác giả).

Một Đà lạt mà tác giả tự hỏi còn cái hồn ra sao?

Theo tôi, ký vãng cũ lúc nào không hay trở thành cái lẽ sống ở đời (La raison d’être)ở những người như tác giả.

Cho nên, từ một miếng ăn, dù tầm thường như nước măm tĩn Phan Thiết, trứng vịt lộn, miếng chả lụa với hương vị riêng của nó, mùi cà cuống, v.v., tất cả những thứ đó với vốn liếng chuyên môn khoa học về thực phẩm của tác giả trong sự phân tích hóa học, nó gợi nhớ người đọc đến Vũ Bằng, khi sống ở Sài Gòn cũng gợi nhớ về Hà Nội trong “Miếng ngon Hà Nội” với Cốm vòng, Rươi, Ngô rang, Khoai lùi, Gỏi, Chả cá, Thịt cầy thời trước 1975.

Nhưng tính chất khoa học của món ăn thì hẳn không tìm thấy trong “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng được.

Những phần viết về món ăn này chiếm một tỉ lệ ưu thế trong số bài viết của tác giả mà khéo sắp xếp và trình bầy, nó có cơ may trở thành như một thứ chủ thuyết phồn thực.

Nhưng trong tất cả các bài viết ấy, dù là một cảnh trí bên Pháp hay Đức như: Một chút Sài Gòn trong lòng Hamburg, Trăm nghìn nỗi khổ, Cà cuống, Con gián và đàn bà, Hồi đó tụi mày ở đâu, Ai hột vịt lộn.. hôn, Sài Gòn, Cà phê và nhạc sến, Món ăn dĩ vãng, Chuyện của một thời, Phút cuối trong tầm tay, tất cả đều kín đáo gửi đi một thông điệp.

Trong bài “Một chút Sài Gòn trong lòng Hamburg”, tác giả viết:

“Nửa đêm về sáng khi viết những dòng chữ này từ Hamburg, tôi chợt thấy nhớ và thương Sài Gòn lận đận, nơi tôi sinh ra, lớn lên và sống gần hết đời mình. Người ta cứ tiến, còn mình đứng yên, người bán buôn những hứa hẹn hoa mỹ, nhưng rất nhiều người vẫn nuôi hy vọng đổi đời qua những tấm vé số.”

Tìm trong đổ nát trên phố Berg, Hamburg tháng 7 năm 1943, Nguồn: www.johndenugent.com

Tâm trạng ấy là có thật và chỉ khi xa nhà mới thấy thấm thía.

Phải đi xa, ở xa có khi nửa vòng trái đất mới xót thương, tội nghiệp cho Sài Gòn. Sài Gòn đau đáu trong giấc ngủ muộn mỗi khi nghĩ về.

Bản thân tôi, đã từng nhiều đêm thao thức, đôi khi phẫn nộ mỗi khi đọc những tin tức xấu về đất nước mình. Có một thứ giao cảm rất gần gũi ở một không gian xa cách mịt mù mới cảm nhận được. Thật đến lạ. Người Sài Gòn mí nhau có thể chèn lách, vượt, đạp lên nhau để có thể lấn lên trước bất kể sinh mạng người khác. Rồi cảnh tượng xấu nhất có thể xảy ra là thây người nằm chết, máu me lênh láng đầy đường trước con mắt bàng quang của nhiều người.

Cái đó chỉ có thể xẩy ra ở Việt Nam.

Phần người ở xa không sao hiểu được! Đã có không biết bao nhiêu điều như thế của Sài Gòn, nay không hiểu được.

Sự chia xẻ của tôi với tác giả có thể còn trở nên căn thiết hơn khi tôi đọc bài Chuyện của một thời! Những kinh nghiệm của tác giả với 6 tháng đạp xích lô ghi lại những khoảnh khắc sống cũng như những nghịch cảnh khi Sài Gòn không còn có tên là Sài Gòn nữa là những kinh nghiệm đắt giá, của một người trong cuộc.

Tôi xin phép tác giả và độc giả ghi lại vài cảm nghĩ của tôi về một Sai Gòn thân thương, một Sài Gòn:

Thóc thơm
Gạo trắng
Gió hiền
Miền Nam phì nhiêu nắng ấm.

(Trích bài thơ của Dương Như Nguyện.)

Một Sài Gòn chỉ tóm gọn trong có một câu:

Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi!

Sài Gòn, 1969. NGuồn: OntheNet

Phải thú thực với lòng mình-thú thực với tác giả và những ai đọc những dòng này là khi về, đặt chân đến Sài Gòn, tôi có một cảm giác xa lạ và có cảm tưởng cuộc sống ở nơi đây như thể có gì đổi khác.

Mọi sự như không còn như trước nữa, một cuộc sống như thể ở một nơi nào khác.

Nó không phải là một Sài Gòn của tôi như thuở nào. Mà mục đích về là đi tìm cái Sài Gòn của tôi.

Vẫn đường phố ấy, vẫn con đường Duy Tân nhưng nay nhà cửa xây dựng san sát như chen chúc nhau để nhô lên. Nhộn nhịp hơn, nhưng cũng xô bồ hơn.

Đi dọc đường Lê Văn Duỵệt cũ, nơi tôi đã lớn lên, tôi kịp nhận ra, dọc hai bên đường, những sợi giây điện đủ loại, từng bó, từng chùm, chúng xoắn vào nhau hằng trăm sợi, quấn chằng chịt lấy nhau, len lỏi vào tầng hai của balcon mỗi nhà, chui vào ngõ hẻm, làm chĩu nặng nghiêng đổ các cột điện gỗ dưới sự trì kéo của chúng.

Tôi có một cảm giác sợ hãi không cắt nghĩa được. Chúng là những sợi gì? Tên chúng là gì? Chúng là ai?

Có thể là những sợi gian đối, lừa phỉnh! Sợi vu oan! Sợi tô hồng! Sợi gian tham! Sợi bóc lột! Sợi giam hãm tù tội. Sợi trói buộc trói tay! Sợi làm mất nhân phẩm con người!

Còn đâu là những sợi tơ trời, giăng mắc ràng buộc nhau trong thân phân phận lứa đôi?

Sài Gòn bây giờ còn là những tiếng động miên tục, ngày đêm, chu kỳ tần số âm thanh đập vào màng nhĩ trong lúc sống, lúc ăn nhậu, lúc tranh cãi, lúc làm hùng hục, lúc yêu đương phiền muộn cũng như trong lúc ngủ.

Tôi chỉ thực sự thấy Sài Gòn im ắng có một lần, một lần duy nhất mà thôi, trong cả năm. Đó là khoảng 5,6 giờ chiều ngày 30 tết.

Nhưng độ 10 giờ tối, nó lại trở về cơn mê điên cuồng của tiếng động. Trong cơn mê của tiếng động,con người không còn có dịp để nghe tiếng của con người cũng như tiếng động của thiên nhiên.

Đó là một cuộc sống vong thân của con người trong tiếng động. Tiếng động đã trấn áp tất cả!!

Đến gà không thể gáy, chó không còn sủa. Nào có ai nghe được tiếng chó tru ban đêm gọi đực. Tiếng u hờ bên sông.

Nói chi đến tiếng cựa mình của đài nụ nở hoa. Tiếng mưa rơi âm thầm hoặc lộp bộp trên tàu lá chuối.

Hết rồi tiếng chim líu lo trên cành! Tôi chưa từng hiếm hoi nghe được tiếng chim hót buổi sáng.

Giã từ tiếng gà gáy o o buổi sáng hay sau khi đạp mái.

Không bao giờ nữa còn nghe tiếng chuông nhà thờ buổi sáng cũng như tiếng lục lạc của trâu về chuồng.

Một đất nước của những kẻ thâm niên làm lịch sử mà tên tuổi giăng mắc đầy đường phố lại mâu thuẫn thay vắng bóng con người.

Người Pháp có Paris, Người Anh có Luân Đôn, người Tàu có Thượng Hải, người Bắc có thể có Hà Nội! Chỉ có người Sài Gòn là không có Sài Gòn. Hoặc giả vay mượn mà muôn đời vẫn xa lạ!

Cám ơn tác giả đã cho tôi mượn đất viết đôi dòng ở trên để ghi lại một chút về Sài Gòn, của tác giả, cũng là của tôi, cũng là của những người miền Nam, của những kẻ đã ra đi và của những kẻ còn ở lại.

Trước khi kết thúc bài viết, tôi chỉ thấy có một điều khác biệt giữa tôi và tác giả. Đó là sự khác biệt về tâm trạng.

Là mỗi khi kết thúc một bài viết, tác giả thường bày tỏ một tâm trạng buồn. Một cái buồn như thể một triết lý sống trong nỗi bất lực, buông xuôi. Buồn là một thái độ và không bao giờ là một giải pháp, một cựa mình.

Nỗi buồn của tác giả làm tôi nghĩ đến cuốn sách mỏng, xuất bản năm 2013 của Amai B’Lan:Nước mắt của Rừng. Nỗi buồn và nước mắt có giải quyết được gì không?

Tôi ở xa. Tôi luôn luôn phẫn nộ. Chúa trước khi về cõi, chỉ nhắc các đệ tử: Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện. Đó là cách nói của Chúa, cách nói của bậc thánh nhân.

Phần tôi, tôi có cách nói của tôi! Đất nước của chúng ta vốn trước đây muốn vượt qua sông, qua ngòi, phương tiện duy nhất của chúng ta là đi qua các cây cầu khỉ (monkey bridge)!

Đừng vội quên quá khứ của mình, đừng vội quên cha ông mình. Đừng vội quên cội nguồn. Vì thế, trước những sai trái làm tác hại đến đất nước, con người. Tôi bày tỏ sự phẫn nộ. Biết nói không, biết chối từ, biết lên tiếng khi cần lên tiếng. Cách nói ấy động não và bắt phải cựa mình. Đối với tôi, trên tất cả mọi thứ, vẫn là con người.

Phần tác giả, xin bạn đọc hoan hỉ cầm lấy và đọc tác giả, như tôi đã đọc.

Nguyễn Văn Lục

nguồn: dcvonline.net 

30 thg 3, 2021

NHƯ ĐÃ VÀNG PHAI- Thơ Trần Phong Vũ -SPSG

 


NHƯ ĐÃ VÀNG PHAI

Ngươi cũng như ta lặng lẽ giữa dòng đời
Những vui buồn theo gió thoảng mây trôi
Đời dẫu có đen rồi tóc tơ cũng bạc
Nhịp thở ngắn dài chỉ đủ để cầm hơi
Ta với người quay lại khúc sông xưa
Lục bình trôi rời rã giọt nắng thưa
Một thuở tang bồng giờ như lạ
Có gì đâu sóng muôn thủa đẩy đưa
Người và ta tụ tán kiếp đưa đò
Mắt huyền xưa giờ khép lại trong thơ
Ta con sâu rượu xương cốt mỏi
Ngươi đắng cà phê khói thuốc mơ
Đành thôi dặm vá con đò cũ
Về lại sông xưa ngắm nắng chiều
Hoàng hôn ừ nhỉ hoàng hôn nhớ
Mà giữ chi lòng những phất phiêu
Mà giữ chi lòng manh áo rách
Để gió thu hờn thổi buốt vai
Mây cứ trôi đi chiều lãng bạc
Ta dắt nhau về như thể đã vàng phai
TRẦN PHONG VŨ

🌸🌸🌸🌸🌸

BIẾT LẤY TAY AI LÀM LÁ SEN- Tản Văn Của Lê Hà Ngân

 

                                   Tranh Sen của HS.Lê Trí Dũng

BIẾT LẤY TAY AI LÀM LÁ SEN

       Gió nồm nam thổi từ biển mang  theo hơi nước mát rượi của đại dương ve vuốt thì lá sen non cũng hối hả òa xanh mặt nước. Sen vẫn còn ngái ngủ ấp iu búp ngọc biếc xanh nơi đầm nước mát rượi  cũng cựa mình đón nhận tia nắng ấm áp của mùa hè. Để rồi một sớm mai đi qua đầm làng ven chân sóng, ta ngỡ  ngàng trước muôn vàn búp  biếc hôm qua hôm kia nay tươi hồng nhuận sắc khoe hương. Mái chèo khỏa nhẹ sóng sen, cảm giác cánh tay mềm của thanh nữ gượng nhẹ đẩy con thuyền trôi mãi vào cõi  hương quyến rũ đến nao lòng.  Nắng tháng năm chín rực của mùa hè là lúc sen mãn khai, từng búp hồng hàm tiếu bung  nở mặt đầm hoặc trong bình gốm đặt phòng khách. Đi qua khoảng nắng chói chang, gặp đầm sen trắng  lòng chợt hồi sinh. Bao nhiêu cánh trắng phiêu linh tề tựu về đây dâng lên sắc trắng tao nhã  tinh khiết, lòng chợt dịu lại, đứng trước sen lại  ngơ ngẩn bởi vẻ đẹp thanh khiết  thánh thiện đến vô cùng. Lại nhớ câu chuyện kể của anh bạn nhà văn về ao sen mà có lần mình đã từng đặt chân lên chiếc cầu nhỏ xinh vắt qua ao sen để khách văn bước qua ngắm sen vịnh cảnh. Thật kỳ lạ, ao rộng mênh mông một bên là sen đua nhau khoe sắc, nhưng bên phía ao gần chiếc cầu thì trơ trụi mặt nước mà chẳng có khóm sen nào lan sang.  Ngỡ ngàng khi thắc mắc của mình được nhà văn giải đáp: rằng sen có mạch, mạch sen tưởng mềm yếu nhưng có thể ăn xuyên lan xa hàng mấy cây số vào một mạch đầm nào đấy rồi mọc thành sen. Hình như dù sinh ra từ bùn lầy tanh hôi, sen vẫn tránh xa thói tục, chọn địa linh để trường tổn. Mạch sen cứ âm thầm phát triển và lớn lên

       Người đời gọi sen là quốc hoa quả không sai. Bởi sen gắn bó với người như hình với bóng. Ta quên sao được chén trà sen trong sương sớm. Đất trời se lạnh chớm đông, bên chậu thanh ngọc hương  quyến ngọt, nhấm một chén trà sen  lại nhớ câu  cổ thi  mà  bà nội từng ngâm nga  trong sớm mai bảng lảng.

                     Bán dạ tam bôi tửu
                   Bình minh sổ trản trà
                   Nhất nhật cứ như thử
                   Lương y bất đáo gia

         Trà sen là hương là tuyết, ấp iu  chắt lọc từ những gì thượng đế ban cho con người. Này em thắt đáy lưng ong, thương nhớ ai chưa mà đôi mắt lá đào như mùa thu tỏa khói? Nhẹ tay nhẹ tay khỏa mái chèo sớm mai, nghiêng tay ngọc hồ lô vào những lá sen còn đọng sương khói. Hứng lấy giọt sương tinh túy của đất trời bơi thuyền thúng vào bờ đúng lúc mặt trời lên. Sương  trên lá sen chính là giọt ngọc ướp cho chén trà  thêm thanh khiết quyện hồn mây gió. Nâng chén trà sen trên tay, xin  đừng vội uống luôn mà hay để  hồn hoa bóng khói quyện vào lan tỏa trong hư không chút tình thu thảo. Bàn tay mềm dịu của ai kia lựa những nụ sen hàm tiếu mập mạp trước lúc mặt trời lên. Búp sen hồng xếp đầy  thuyền thúng khỏa nhẹ trong gió sớm. Trà móc câu bạch tuyết sao đúng cữ, nhẹ tay tiên vén cánh sen hồng. en ngậm trà, trà  ủ giữa cánh sen, hương thanh khiết nhuần đượm nâng niu ấp ủ cho trà  một hương vị rất riêng  bay lên bằng đôi cánh  thảo mộc.

     Còn gì nồng đượm hơn khi bát chè sen ngọt thanh mát từ tay người đầu gối má kề của mình ân cần đặt vào tay làm dịu đi những cơn nồng vì rượu.  Chè sen  ngọt ngào  âu yếm nồng nàn như cậu với mợ lúc khuaya  về.  Khi gió se lạnh mặt hồ hạt sen già được tách ra bóc  hết lớp lụa  nâu trên đôi tay đảm khéo, tâm sen được thông khéo cho hạt vẫn trắng tròn vẹn nguyên. Chè sen bở tơi, trắng mịn màng quyện  nước đường phèn thanh mát ướp hương bưởi níu  gọi những trai xa quê nhớ vợ lúc tàn rượu, dứt men. Bát  chè sen như xua đi những mệt mỏi vất vả  lầm lụi đời thường, mà lắng sâu như tình chồng nghĩa vợ.

      Em xinh đẹp mới về làm dâu bên nội, bữa kỵ giỗ mùa thu chắc cũng không thể thiếu món gỏi sen. Món gỏi thanh nhã được chế biến từ ngó sen trắng nuột nà, từ tôm đồng tươi rói cùng bao gia vị thơm ngậy bùi....tạo nên món ẩm thực sẽ làm đẹp lòng họ hàng nhà chồng. Ánh mắt mẹ chồng sẽ vui hơn và chan chứa yêu thương vì cưới được một nàng dâu đảm khéo.  Lá sen ủ hương cốm mới, ủ hạnh phúc lứa đôi như bàn tay của tình nhân ấp ủ tình nhân, ấp ủ những nhớ thương khắc khoải.  Lá sen ủ nếp cái hoa vàng, ủ rượu vò di, ủ những lấng khấng say khi nhãn chín sen tàn, ủ men đa đoan chênh chao nỗi niềm nhân thế.

    Chiều nay có ai về không mà thiếu phụ đứng lặng bên đầm sen sắp tàn, ngắt một cuống sen, ưu tư bẻ nhợm, tơ sen vướng víu   cứ kéo dài ra  day dứt. Nàng lại bồi hồi muốn dệt cho người yêu chiếc áo lụa sen lúc đông sang. Tơ sen có ấp ủ hồn lữ thứ hay không mà sợi tơ ấy lênh đênh trong tiếng hồ đêm khuya  quay quắt....Duyên phận  phải chiều....này ai ơi duyên phận  phải chiều í a.....

    Hoa sen, mật sen, nhụy sen, lá sen, ngó sen, tơ sen....cứ ấm thầm dâng hiến cho đời hương sắc. Sen không hề luyến tiếc, dẫu mai cánh có tàn lại luân vũ để chuẩn bị cho đời một kiếp sen tươi mới khác. Sen đâu giống con người ham hố quá nhiều đời sống nhân gian. Những sân si tục lụy ái ố hỉ nộ...Những vương giả luẩn quẩn bận bịu  của cõi người mà chưa đến được cõi trong.

   Vì vậy vẽ hoa sen  không phải là đơn giản. Ai yêu sen thì  sen thấm vào hồn chắp cho cánh bút  bay lên, nhưng với kẻ không yêu sen thì vẽ sen cực khó. Họa sỹ chốn  kinh kỳ Lê Trí Dũng  đã mang hồn sen từ độ ấy chưa trở lại đầm làng. Ông  si mê bao kiếp sen tàn dãi trên màu cà phê giấy dó. Sen của ông nôn nao lòng người kẻ chợ. Ông không tìm sự tươi mởn của những khắc hoa hàm tiếu hay mãn khai, mà chọn lúc sen tàn, khổ hạnh, sen cam chịu và gân guốc, chút hết sinh lực chỉ còn cọng sen khô úa xác xơ. Nhưng lúc này nhìn dáng sen tàn khiêm nhường lặng lẽ, bao dung, không khoe khoang hãnh tiến, âm thầm ủ mầm sống dưới bùn sâu cho một hy vọng tốt tươi bật dậy cho một mùa sen tươi mới. Sen tàn mà vẫn tồn tại trong mưa gió rét mướt của mùa đông. Những bức tranh sen của họa sỹ đẫm màu thiền, nhưng không hề gợi lên sự ảm đạm thê lương mà vẫn luân hồi bật dậy phục sinh của kiếp thảo mộc rồi lan tỏa phúc sinh trong lòng người thưởng thức tranh sen.

  Giê- Su đến tận cùng của cái chết ông vẫn nói với Chúa Cha trên trời: “ Xin Cha tha tội cho chúng nó”. Nếu không có giã  từ sẽ không  có phục sinh, con người  không làm cho cái cũ, cái xấu xa thấp hèn chết đi thì làm sao có được cái mới cái tốt đẹp nảy sinh. Huống hồ trong mỗi con người lúc nào cũng tồn tại sự sinh ra và mất đi, từng khắc từng giây. Chính vì thể cái khoảnh khắc sen tàn chính là khoảnh khắc đẹp nhất tươi mới và rạng ngời nhất.

 Ai có dịp tới động thiên đường chắc sẽ không thể nào quên Liên Hoa Tháp. Không có một họa sỹ nào có thể tạo ra được tháp  sen như thế. Chỉ có bàn tay của tạo hóa hàng tỷ năm mới dựng lên từng sóng hoa văn, từng cánh hoa sống động và lung linh vi diệu. Ngắm bức tranh sen tàn của họa sỹ tôi lại nhớ tới câu thơ của ông anh nhà văn:

                “ Khi ta sinh ra mọi thứ đã có rồi

                   Có tất cả những gì chưa có

Rồi kết thúc bài thơ cũng là câu:

          “ Quỹ thời gian không dùng cũng kiệt

           Dưới đáy kia cái chết  đã  có rồi

Vâng! Tàn rồi lại nở, luân hồi những kiếp sen... Nhìn bức tranh sen tàn mà lòng lại gặp những cụng cựa dịu dàng tươi mới dâng lên những hồng phai  của sắc hương.

    Chiều nay trong giấc sen mộng mị lại lênh đênh buồn.... thương nhớ đẩu đâu...lòng lại hỏi lòng “ Biết lấy tay ai làm lá sen” .....

                                                                  

(*Ý thơ Nguyên Sa)

THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 24- NHÓM THI HỮU -Chủ đề :BẢO TOÀN TIẾNG MẸ


 Bài xướng:

 

BẢO TOÀN TIẾNG MẸ

 

Hễ Việt ngữ còn, nước Việt còn.

Ầu ơ kẽo kẹt võng đưa con.

Lời cha dạy dỗ tâm ghi nhớ,

Tiếng mẹ vỡ lòng dạ sắt son.

Quan họ câu ca vang cuối xóm,

Ngũ cung giọng hát vọng đầu non.

Làm sao quên được lời ru nhỉ

Học thuở nằm nôi bé tí hon...

 

Texas, March 25th 2021


HỒ CÔNG TÂM

 

 [1]:

 

TIẾNG MẸ

 

Năm xưa bé bỏng tựa chim non

Lắt lẻo cầu tre mẹ dẫn con

Trường học con xây hoài bão lớn

Trường đời mẹ trải tấm lòng son

Con đi khắp chốn tin biền biệt

Mẹ ở quê nhà dạ héo hon

Tiếng mẹ à ơi con vẫn nhớ

Suốt đời con nguyện giữ cho còn

3/25/2021 

 

THÚY M

 

[2]:

 

TIẾNG VIỆT CÒN ĐÂY

 

Ước mong  Việt ngữ vẫn lâu còn

Tiếp tục lưu truyền  cho cháu con

Để biết nước ta hồn sắt thép

Hay rằng dân tộc dạ lòng son

Bờ nương giọng hát lừng thôn dã

Cạnh suối câu hò át núi non

Nhớ thuở sơ sinh lời của Mẹ

Ầu ơ tiếng dỗ bé hồng hon….

 

Paris, 26/03/2021


TRỊNH CƠ

 


[3]:

 

HỒN NƯỚC

 

Truyện Kiều còn đất nước ta còn*

Ôm bức dư đồ giấc mộng con

Hào kiệt còn sôi bầu nhiệt huyết

Anh thư vẫn giữ tấm lòng son

Đêm nghe vọng cổ hoài lang khúc

Chiều tối mục đồng gõ cuối non

Đất nước chan hòa nghe thắm thiết

Nuôi con mẹ gánh khổ sầu hon.

 

NGUYỄN CANG


*Truyện Kiều còn, tiếng ta còn;

 Tiếng ta còn, nước ta còn (Phạm Quỳnh).

 

[4]:

          

NƯỚC VIỆT BUỒN

 

Ôi nền tự chủ đã không còn!

Mẹ Việt âu lo bởi lũ con

Biển đảo bây dâng đau ruột tím

Biên cương chúng nạp nát lòng son

Sao đành chịu nhục làm tôi mọi

Lại nỡ cầu vinh bán nước non

Thế kỷ mang gông Tàu Cộng Sản

Cha buồn dạ xót, héo hon... hon!

 

DUY ANH


03/26/2021



Phụ bản:

       

ZÁO ZỤC TAI

 

Quốc Ngữ còn, dân tộc còn


Sao tên "buồi"* nỡ bào mòn văn chương.

 

"Nắm chặt" đọc thành "nắm c…t" sao?

Mười hai con Giáp, giống con nào!

Cầu vinh dập trán, tôn thờ Tập

Bán nước khom lưng, lạy tế Mao

Mẫu tự trăm năm luôn vững chắc

Văn chương muôn thuở chẳng hư hao

Tên "buồi" ngốc nghếch đem ra sửa

Trúng kế Tàu rồi, thiệt ngán ngao!

 

DUY ANH


Chú thích:


* buồi = Bùi Hiền, theo cải cách mà y soạn:


C=K

CH=C

GI, D, R = Z



Mời Xem :THƠ XƯỚNG HOA KỲ 23- nhóm THI HỮU