3 thg 9, 2020

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng: Chữ nghĩa làng văn (184-1/9/2020 )

Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.( E-mail: hungnphi@yahoo.com )
Đàn đáy
clip_image004
Vì ở thời Lý hay thời Lê thì âm nhạc của ta ảnh hưởng Tàu rất nhiều. Những ca trù hay ở chỗ lại không giống Tàu một chút nào. Một cây đàn đáy Tàu không có, một giọng hát Tàu không có, một cái phách Tàu cũng không có nốt. Mà so với Tàu thì ca trù cũng là một loại hình âm nhạc độc đáo. Đó là có một ả đào vừa hát vừa đánh phách, tiết tấu thì phức tạp, chỉ dành riêng cho ca trù, đó là đàn đáy. Đàn đáy có một đặc điểm là rất dài làm cho dây không căng lắm và dây lại chỉ được lắp từ nửa thân dưới trở xuống để có độ nhấn rung.
Có lẽ đàn được sáng tạo từ thế kỷ 15 với sự định hình của thể loại hát nói trên. Ngày nay đàn đáy còn được dùng để đệm cho ngâm thơ. Bởi tính chất khiêm tốn, nhũn nhặn của tiếng đàn trong khi đệm cho hát, có người đã ví đàn đáy như một “triết gia ẩn dật”.
Thứ nữa là trống chầu làm cho âm nhạc khúc triết, hấp dẫn hơn. Trống chầu biết chỗ nào ngắt câu, chỗ nào ngắt khổ; đó là trống khen, chê. Khen một câu hát hay, một tiếng đàn hay, chê một giọng hát dở, một tiếng đàn dở…, khen, chê đồng nghĩa giải thích cho người nghe chỗ này hay đấy, chỗ kia dở đấy…?!
(Nghệ thuật ca trù – Bùi Đẹp)
Giai thoại làng văn xóm chữ
Câu đối
Một học trò nghèo, bữa kia phải đem áo đến cầm cho một nhà giàu, không ngờ nhà này lại là một ông quan hồi hưu. Ông quan trông thấy thương tình, bèn ra một vế đối thử tài:
Quân tử cố cùng, quân tử cùng quân tử cố
(Người quân tử bền lòng lúc cùng khổ, quân tử lúc cùng, quân tử bền lòng – Luận ngữ).
Khó ở chữ cố, vì đây lấy nghĩa nôm là cầm cố, ở chữ cùng, nghĩa nôm là cùng quẫn.
Anh học trò đối ngay:
Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng, Khổng Minh cầm.
(Khổng Minh bắt, tha, Khổng Minh tha, Khổng Minh bắt – Tam quốc: Khổng Minh bắt Mạnh Hoạch bảy lần lại tha).
Tài tình ở chữ cầm, lấy nghĩa nôm cầm cố như trên, chữ túng nghĩa nôm là túng tiền, vừa đối chữ, vừa đối nôm.
Vị quan cấp ngay tiền cho, khỏi cần phải … cầm với cố!
(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)
Pháp danh
Tu hành thì có pháp danh, khác với cái tên đã thường dùng trước khi xuất gia gọi là tục danh, cũng có khi gọi là thế danh, là tên ở ngoài đời, bởi đạo khác hẳn với đời. Đã là pháp danh thì thường có ý nghĩa thanh thoát, không còn dính líu gì đến cuộc đời ô trọc nữa (Chân Tâm, Nguyên Thiện, Trí Tịnh, Diệu Liên …).
(Tản mạn về cái tên – Thân Trọng An)
Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên (7)
Tờ báo Tết đặc biệt đầu tiên
Đầu năm 1918, tờ Nam Phong tạp chí với ấn phẩm đặc biệt “Số Tết 1918” trở thành tờ báo Tết đầu tiên, mở màn cho truyền thống làm báo xuân trong làng báo Việt Nam. Đây là ý tưởng của chủ bút trẻ Phạm Quỳnh, khi tờ Nam Phong vừa ra mắt được 6 tháng.
clip_image006
Bìa ngoài của Nam Phong – số Tết 1918,
tờ báo Tết đầu tiên của Việt Nam
(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Ngôn ngữ (tiếng nói), chữ viết là kho tàng của văn hóa. Tiếc thay văn học miền Nam đã không được đánh giá đúng mức. Đóng góp của văn học miền Nam đã không đươc trân trọng. Trong học trình trung học phổ thông đến khi tôi đậu xong tú tài hai, đã không có giảng dạy, đề cập đến các tác phẩm của nhà văn tiền phong ở miền Nam như Hồ Biểu Chánh. Học trình trung học đệ nhị cấp ở miền Nam có giảng dạy tác phẩm trong Tự Lực Văn Đoàn như Đoạn Tuyệt, Anh Phải Sống, Nửa Chừng Xuân…và mấy bài viết của Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh (Nam Phong Tạp Chí). Nhưng không hề giới thiệu các tác phẩm đậm đà tình nghĩa con người và xả hội, phong tục, đạo lý đặc sệt miền Nam như “Ngọn Cỏ Gió Đùa”, “Số Phận Linh Đinh”, “Con Nhà Nghèo” “Cay Đắng Mùi Đời” v..v.. của nhà văn tiền phong miền Nam Hồ Biểu Chánh. Văn hóa, đời sống, phong tục miền Nam gói ghém trong giọng văn môc mạc, nhưng chính xác,và bác học của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịch Của, Trương Minh Ký, Hồ Biểu Chánh và bao nhiêu nhà văn , nhà báo khác đã không được giảng dạy cho học trò miền Nam ở bậc trung học.
(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)
Tự Lực Văn Đoàn
Các thành viên Tự Lực Văn Đòan với phong cách viết khác nhau, nhưng đều xử dụng một loại văn mới mẻ, giản dị nhẹ nhàng dễ đọc, trong những tác phẩm có nội dung mới, súc tích, lý thú, hợp khẩu vị dân chúng, đã nhanh chóng thu hút độc giả. Văn Đoàn đã thực sự cải tiến cách viết chữ Quốc Ngữ, giữa lúc lối văn biền ngẫu sáo rỗng vẫn còn thống lĩnh văn chương Việt Nam, với quá nhiều từ Hán – Việt, và chứng tỏ rằng chữ viết mới có đủ khả năng diễn tả tất cả mọi tình huống của cuộc đời. Các thành viên Tự Lực Văn Đòan mỗi người đều tự tạo ra một sự nghiệp văn chương lừng lẫy trên các báo Phong Hóa và Ngày Nay, họ được ca tụng là những văn hào, thi bá xứng đáng của dân Việt.
Nhất Linh là người có “cặp mắt xanh”, sớm nhìn ra từng sở trường, sở đoản của anh em, nên tạo điều kiện giúp anh em tiến nhanh, tiến vững trong nghề nghiệp. Cụ thể, Tú Mỡ là bạn thân của Nhất Linh, nhưng khi đọc bài phóng sự của Tú Mỡ, Nhất Linh phê bình ngay: “Dở quá, anh nên chuyên về thơ trào phúng, tốt hơn!”(3). Cho nên Tú Mỡ chỉ tập trung viết thơ trào phúng, phụ trách chuyên mục Mục Dòng Nước Ngược. Và thơ trào phúng của Tú Mỡ được nhiều thế hệ yêu thích. (Lâu lâu Tu Mỡ cũng có một bài phóng sự vui)
Có lần Thế Lữ kể lại (theo trí nhớ): Khi làm việc trong tòa báo, ông phải lọc các bài gửi đăng, có lần thấy một bài dở đã loại ra. Nhưng khi báo in, lại thấy bài đó xuất hiện! Hỏi ra, thì chính là Nhất Linh nhặt lại, với lời bình: “Độc giả thích loại này!” Kiểm lại, đúng thật, bài đó được nhiều lời khen của người đọc. Riêng với Thế Lữ, việc trở thành tác giả viết truyện trinh thám là do Nhất Linh! Vì Nhất Linh đưa ý kiến: “Bây giờ là lúc báo cần có truyện trinh thám để thay đổi món ăn, anh Thế Lữ viết được loại này. Anh nên viết đi!”.
(Phạm Thảo Nguyên – Giới thiệu Phong Hóa-Ngày Nay)
Chơi chữ
Chơi chữ là các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa,… trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng bóng gió, châm biếm trong lời nói, trong đó ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cách,.. nhằm đem lại những liên tưởng bất ngờ, ly thú.
Có một ông vốn thợ cưa, sau gặp thời trở nên giàu có, mua được phẩm hàm, bèn mở tiệc ăn khao. Trong số những câu đối, hoành phi đưa đến mừng, có bức trướng đề ba chữ “ăn cơm vua”. Nghĩa bức trướng phù hợp với phẩm tước vua ban.
Nhưng nhiều người đọc lại tủm tỉm cười vì một ý khác. Ý này gợi lên cái nghề cò cưa thuở khó nghèo của ông ta, do lời đồng dao “Kéo cưa lừa xẻ; Ông thợ nào khỏe; Thì ăn cơm vua; Ông thợ nào thua; Thì về bú tí!…” mà có.
(Chơi chữ là gì? – Triều Nguyễn)
Ngộ  Không
(Sưu Tập)
🌸🌸🌸🌸

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét