5 thg 9, 2020

Hè covid với carlie- Un Été Covid Avec Carlie (TC.DA MÀU )

T
♦ Chuyển ngữ: 

Tgan Mrq. sinh năm 1975 – với một bút hiệu khác, đã từng là cây bút trẻ triển vọng có tác phẩm được chọn đăng ở một số Tuyển Tập Truyện Ngắn, đoạt một vài giải Văn Học trong nước, từng cộng tác với tạp chí Văn hải ngoại (USA). Đã tốt nghiệp Cao Học ngành Mỹ Thuật Tạo Hình, Đại Học Sorbonne-Paris. Nay tuy không còn trẻ nhưng vẫn chưa già, hiện đang sống và làm việc tại Paris. Cô nặng tình với văn chương-hội họa-âm nhạc nhưng chỉ coi đó là những thú-vui-tao-nhã, vì còn bận mưu sinh chưa có thì giờ để biến thú-tiêu-khiển thành thú-đau-thương. Sau nhiều năm lưu vong và viết lách thưa thớt, cô không còn tự tin với tiếng mẹ đẻ, nhưng đông phương sương mờ trong tiềm thức vẫn phảng phất tâm hồn bà mẹ Mạnh Tử.
Cũng là cô giáo dạy dương cầm như nhân vật trong Hè Covid Với CarlieTgan Mrq. kể lại nỗi niềm của một người mẹ, với tất cả tâm huyết và kỳ vọng, gửi mộng lớn của mình cho con – không ngờ thằng nhỏ tự nó đầm đìa đắm đuối trong tình yêu âm nhạc và vô tư đuổi theo ….con đường nhỏ mà nó hâm hở chạy tới mỗi tuần trong mùa hè Covid…
Hè Covid Với Carlie là một bản thảo còn nóng hổi, chưa được gửi đăng ở đâu. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Da Màu bản chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp Un Été Covid Avec Carlie của Tgan Mrq., với sự cho phép của tác giả..
                                   🌸🌸🌸🌸🌸
Đường vào nhà ai
 Đeo khẩu trang kín mít đến tận mang tai, hai mẹ con lấy bus số 60, sau vài trạm dừng thì đi ngang qua kênh Ourq rồi tới nhà bà Carlie. Đó là một trong những hành trình ngoại lệ còn sót lại trong mùa hè này : không du lịch, không đi chơi tập thể với trường, cả nhà yên vị tại Paris. Nhưng rồi âm nhạc đã cứu chúng tôi khiến cho kỳ nghỉ bớt phần đơn điệu.
Anvy chạy về phía căn nhà quen thuộc mang số 224 đường Jaurès. Lúc nào thằng nhỏ cũng muốn trở lại chỗ ở của bà giáo, nơi nó cảm thấy hạnh phúc và bình an. Vài buổi học nhạc ít ỏi mùa hè trong đại dịch rất ý nghĩa đối với nó nhất là sau một thời gian dài «học từ xa» qua ứng dụng WhatsApp với cô Anna phụ trách các lớp sơ cấp ở nhạc viện. Trong trường Anvy đang học, bà Carlie chỉ dạy các lớp trung cao. Sau rất nhiều bàn bạc qua tin nhắn và điện thoại, rất nhiều đắn đo và trăn trở, bà giáo và phụ huynh đã kín đáo thỏa hiệp với nhau cho thằng nhỏ có được vài buổi học nhạc riêng với bà trong những ngày nghỉ. Lén lút y như ngoại tình. Dĩ nhiên không phải vô cớ mà Anvy thành công trong việc tự nó tầm sư học đạo.
Trạc ngũ tuần, vóc người tròn trịa khỏe mạnh trong trang phục mùa hè, Carlie dang tay ra đón hai mẹ con, miệng cười toe. Gaya ngồi gần lối vào, nhìn chúng tôi từ xa. Cuộc chào đón không có ôm ấp hôn hít, trái lại, răm rắp thực hiện lệnh giãn cách xã hội vì đại dịch. Tuy nhiên ngay khi cửa vừa mở hai mẹ con đã có thể cảm nhận được ngay sự ấm áp từ phía chủ nhà.
Anvy đi xuống phòng đàn ở tầng hầm và ngồi vào đàn để bắt đầu Petite Prelude/Khúc Dạo Đầu cung Do thứ của Bach. Hai phút sau Carlie đã có mặt. Gaya ngồi ở chân cầu thang nhìn soi bói mọi người bằng cặp mắt xanh biếc của nó. Ngày đầu tiên đến học đàn nhà bà giáo, đối với Anvy căn phòng bí ẩn này là một khám phá đầy ngạc nhiên. Khuất sau vài bậc thang của tầng hầm là một cây đại dương cầm phát ra những âm thanh hay đến thấu tim thấu óc. Trần có lắp một ô kính vuông trong suốt để ánh sáng tự nhiên rớt xuống từ khu vườn nhỏ nằm bên trên. Từ ô kính này có thể nhìn thấy bóng của Gaya với cái đuôi bù xù lông lá khiến Anvy thỉnh thoảng đàn sai nhịp vì mất tập trung. Một căn phòng bí mật, một nơi đầy sáng tạo của Mme Schuman – như cái cách báo chí vẫn thường gọi D. Carlie. Các tác phẩm chuẩn bị cho những buổi hòa nhạc sắp tới nằm vương vãi, chi chít những ghi chú cá nhân: Schubert – Deux Klavierstuck D 946/Hai đoản khúc soạn cho dương cầm ; Chopin – Nocturne op. 27 No2 en Ré b majeur/Dạ khúc số 2 cung Ré giáng trưởng ; Brahms – Trois Intermezzi op.117/Ba đoản khúc trung gian ; Schumann – Carnaval de Vienne op.26/Lễ Hội ở Vienne…
 Từ hai tuần trước Anvy đã được báo cho biết ngày 14 tháng 8 là buổi học hè cuối cùng với bà Carlie, thế là ngày nào nó cũng gò lưng tập đàn. Theo lịch, trên nguyên tắc, ngày 14 thằng nhỏ phải vào Trung Tâm Vui Chơi (nơi nuôi giữ học sinh vào những ngày nghỉ, vì cha mẹ bận đi làm), và chỉ có thể ra về lúc 6 giờ chiều. Đúng ngày hôm ấy nó được phép đặc biệt về sớm lúc 5 giờ. Đối với Anvy đó là một ngày cực kỳ ngoại lệ vì phải «hy sinh» một chuyến dã ngoại với trung tâm để có thể đến học đàn đúng giờ đã định. Ngày 14 cũng là ngày bà giáo sẽ lên đường đi Lorraine để trình diễn trong Đại Hội Âm Nhạc Mirabelles vào hôm sau. Carlie trước đó đã cố gắng thu xếp thời gian eo hẹp của mình và đồng ý gặp lại hai mẹ con cho buồi học cuối của mùa hè trước giờ xe lửa khởi hành. Hành lý đã sẵn sàng, đặt tại cửa ra vào.
Anvy học piano chỉ mới 2 năm, vừa đúng 9 tuổi, vẫn còn tập tễnh trên con đường âm nhạc. Thật may mắn thằng nhỏ có lỗ tai âm nhạc, đàn xong bài nào thuộc lòng bài nấy, thể hiện rõ năng khiếu và tiềm năng, chỉ phải cái tội cần phải được thường xuyên nhắc nhở vì còn ở tuổi ham chơi. Trong vài buổi học với Carlie nó phải học những thứ mà cô giáo trẻ dễ thương Anna của nó không hề ép buộc, như cách nhận ra rung cảm âm nhạc qua những phím đàn, thậm chí chạy gam không chỉ là kỹ thuật mà cả âm điệu, quan tâm phẩm chất âm thanh, cách thở ra hít vào, tư thế ngồi đàn, tâm trí hoàn toàn thư giãn, toàn thân hòa vào nhạc cụ. Nó đã học được rất nhiều từ bà giáo và điều ngạc nhiên là nó không hề phàn nàn chi về việc phải vất vả luyện tập. Sau vài buổi học, hai mẹ con rút tỉa được mấy câu độc đáo như: «Đổ mồ hôi sôi nước mắt cho tác phẩm, không phải chỉ đàn đi đàn lại rồi thôi», «Phải sạc pin cho cái món đồ chơi không còn hoạt động nữa», «Phải cho người nghe cảm tưởng là mình có ít nhất 15 ngón tay», «Tách bài nhạc ra thành từng mảng rồi ráp nó lại, giống như tháo rời một món đồ chơi ra rồi gắn nó trở vô vậy», «Đàn cho có sinh khí coi, làm như nhiều ngày nhịn đói không có gì trong bụng»… Trong khi thằng nhỏ đàn, Carlie đặt một tay trên vai nó, còn tay kia đặt lên lưng «để cảm nhận được hơi thở của trò» – bà giáo giải thích với hai mẹ con. Với Carlie, lạc thú là khi độc tấu hoặc khi song tấu 4 tay, là dâng trọn thể xác và tâm hồn cho âm nhạc. Bên cạnh bà, hai mẹ con cảm thấy an tâm và đầy yêu thương. Một tiếng đồng hồ với Carlie phải nói là thời gian hạnh phúc. Thứ hạnh phúc không thể mua được bằng tiền, nó xuất phát từ tình cảm sâu đậm dành cho nhau giữa thầy, trò và phụ huynh.
Buổi học kết thúc lúc 6 giờ 30, Anvy, mệt đuối, nhưng coi bộ không muốn về. Nó lẽo đẽo theo con mèo đi lang thang trong nhà, nhưng rốt cuộc rồi cũng phải từ giã Carlie, Gaya và căn nhà. Không muốn dùng dằng trước giờ khởi hành, Carlie cuối cùng cầm lòng không đậu, đã ôm chầm lấy Anvy, làm ngơ với lệnh giãn cách thời đại dịch.
Anvy lặng thinh suốt một giờ sau cuộc chia tay.
🌱🌱🌱🌱
Mấy tháng trước, khoảng cuối năm 2019, khi Anvy trình diễn Le Gai Laboureur/The Merry Ploughman/Người Nông Dân Vui Vẻ của Schumann ở Master-class trên chính cây piano hiệu Streicher còn lại từ thời 1847 của Robert Schumann được trân trọng gìn giữ tại Le Centre Des Pianos Romantiques Athènes, cuộc gặp gỡ với D. Carlie, người «chuyên trị» Schumann, đã để lại nơi Anvy một dấu ấn đặc biệt. Thế rồi những lần gặp nhau đầy cảm xúc tiếp sau đó qua các buổi hòa nhạc, cùng với những băng ghi hình trình diễn của D. Carlie được xem liên tục trên YouTube, tất cả đã khiến thằng nhỏ chỉ còn một khao khát duy nhất: muốn học với D. Carlie hơn là với người dạy đương nhiệm ở nhạc viện – một cô giáo trẻ trung, nhỏ nhẹ, dễ thương, ít nguyên tắc và không khắt khe đòi hỏi nhiều nơi học sinh. Uớc muốn này khó thể thực hiện, nó nằm ngoài tầm tay của mọi ngườ
Nghĩ mà xem, ai đời đang học với người này tự nhiên xin đổi qua học với người khác. Riêng cái việc vào được khoa piano trường nhạc đã là một việc trầy vi tróc vẩy đội đá vá trời rồi. Giờ phải ăn nói làm sao với cô giáo trẻ, phải trình bày thuyết phục thế nào với ban giám hiệu, đồng thời phải giữ sĩ diện «người lớn» của D. Carlie – một dương cầm thủ nổi tiếng thế giới, thậm chí dành rất ít thì giờ cho các lớp trung cao vì bận bịu liên miên với các chương trình biểu diễn – đùng một cái lại muốn «đoạt» từ tay cô gáo trẻ một thằng nhóc trong số những trò giỏi của lớp!!!!
Nếu không có quyết tâm và hối thúc của hai thầy trò Anvy, và cái mối quan hệ mà Carlie gọi là tiếng-sét-ái-tình-song-phương, phụ huynh làm gì có đủ can đảm liều mạng viết thư cho ông Hiệu trưởng trường nhạc xin đổi thầy dạy cho niên học tới. Kỳ diệu là sau một tháng chờ đợi căng thẳng, thỉnh cầu đã được hồi đáp, một sự hồi đáp tích cực, tháo gỡ mọi nút thắt của một việc tưởng chừng như bất khả!
Tháng 7 năm 2020, văn phòng nhà trường gửi điện thư thông báo danh sách học sinh, thời dụng biểu và tên thầy cô của niên học 2020-2021. Carlie không có tên trong danh sách đó. Anvy lại khắc khoải lo âu. Rõ ràng hai mẹ con đã trải qua một mùa hè khác thường với vỏn vẹn vài buổi học đàn với Carlie trong nỗi hoang mang cùng cực.
Khi nhận được chấp thuận cho phép đổi thầy từ Hiệu trưởng trường nhạc, Anvy đã ngây thơ hỏi: «sẽ được học với Carlie suốt đời chứ?». Ngày 14 tháng 8, sau buổi học cuối cùng với Carlie, thằng nhỏ lại hỏi một câu khác: «Có thật đây là buổi học cuối cùng với Carlie không?»
                              🌷🌷🌷🌷
Sáng nay, như thường lệ, Anvy lại liệt kê danh sách những điều nó ưa thích, trong số đó có «học đàn với Carlie».
Chúng tôi vẫn còn một lần nữa để hy vọng, mong sao có được đoạn kết lạc quan cho câu chuyện tình mùa hè. Sẽ có câu trả lời vào tuần lễ cuối của tháng 8. Đó là ngày nhạc viện mở cửa làm việc lại. Tôi đã gửi thỉnh nguyện xin đổi thầy lần thứ nhì hồi tháng 7 trước khi nhà trường đóng cửa nghỉ hè:
Kính chào Ông Hiệu Trưởng,
Xin làm phiền Ông lần nữa, vì chúng tôi vừa nhận được mail của Ban Giám Hiệu nhạc viện ngày 10 tháng 7 thông báo thời dụng biểu cho niên học mới của trò Anvy (lớp nhạc lý và piano). Tên cô giáo cũ của trò ấy vẫn còn trong danh sách. Thế nhưng điện thư ngày 1 tháng 7 của ông cho biết ông đã chấp thuận cho Anvy một chỗ trong lớp của bà D. Carlie.
Từ khi nhận được điện thư của ông hồi đầu tháng 7, Anvy vô cùng sung sướng (xin thú thật với ông là tôi cũng hân hoan không kém). Xin ông giúp chúng tôi điều chỉnh sự nhầm lẫn – mà tôi tin là do lỗi hành chính trong mail thông báo tự động của văn phòng – để Anvy từ nay được học với Mme D. Carlie như trong mail chấp thuận của ông đính kèm theo đây.
Trân trọng,
Phụ huynh của AnvyTính sao đây?
 Tgan Mrq.Paris 15.08.2020
Trần Thị NgH chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét