2 thg 9, 2020

Cánh đồng Chum: Những bí ẩn

Cánh đồng Chum ở tỉnh Xieng Khouang của Lào là một trong những địa điểm tham quan hấp dẫn nhất trên Trái đất. Nơi đây nổi tiếng với hàng nghìn chum đá khổng lồ nằm rải rác gần 100 vị trí khác nhau tại vùng núi phía Bắc của Lào, và chúng chứa đựng nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá.
Cánh đồng Chum tại Xieng Khouang, Lào. Ảnh: Adobe Stock.

Cánh đồng Chum thu hút sự chú ý của không ít các nhà khảo cổ học kể từ khi nó được phát hiện vào thập niên 1930. Sau một thời gian dài khảo sát và đánh giá, giới khoa học xác định Cánh đồng Chum có niên đại vào thời kỳ đồ sắt, từ năm 500 trước Công nguyên đến năm 500 sau Công nguyên, bao gồm ít nhất 3.000 chum đá khổng lồ cao tới 3m và nặng vài tấn.

Hầu hết chum làm bằng đá sa thạch [đá do cát kết lại], trong khi một số khác làm bằng đá granite và đá vôi cứng hơn. Nhiều chum được chạm khắc hình người, hình động vật cùng một số biểu tượng khác. Miệng chum có hình elip, vuông, tròn... không tuân theo quy luật nào. Do chum có vành ở miệng nên các nhà khảo cổ cho rằng tất cả chúng ban đầu đều có nắp đậy, nhưng đến nay chỉ còn duy nhất một chiếc chum có nắp bằng đá. Vì vậy rất có thể vật liệu chính mà người cổ đại sử dụng để làm nắp đậy là gỗ hoặc đan mây.

Người cổ đại tạo ra những chiếc chum với trình độ hiểu biết nhất định về vật liệu và phương pháp phù hợp. Nhiều khả năng, họ sử dụng đục sắt để gọt đẽo, dù chưa có bằng chứng xác nhận giả thuyết này. Các nhà khoa học biết rất ít về tác giả của cánh đồng chum khổng lồ. Bản thân những chiếc chum cũng không cung cấp nhiều gợi ý về xuất xứ hay mục đích sử dụng của chúng.
Nắp đậy bằng đá của chiếc chum. Ảnh: Jarryd Salem.
Một trong những bí ẩn lớn chưa có lời giải là làm thế nào người cổ đại có thể kéo những chiếc chum khổng lồ – một số có trọng lượng lên tới 10 tấn – từ các mỏ đá đến Cánh đồng Chum cách xa hàng chục km. Cần lưu ý rằng đá granit là loại vật liệu tự nhiên có độ cứng chỉ thua kim cương. Vậy người cổ đại với trình độ thô sơ tạo ra những chum đá granit như thế nào.

Theo truyền thuyết địa phương, những chiếc chum là sản phẩm của một chủng tộc người khổng lồ, khi vua của họ cần một nơi để cất giữ rượu gạo. Số rượu này được dùng trong một bữa tiệc lớn để ăn mừng chiến thắng quân sự lừng lẫy hàng nghìn năm trước. Truyền thuyết kể rằng một vị vua độc ác tên là Chao Angka đã áp bức dân chúng nặng nề đến nỗi người dân phải kêu gọi một vị minh quân ở phía Bắc tên là Khum Jeuam đến giải phóng cho họ. Khum Jeuam mang quân đến, hai bên xảy ra cuộc giao tranh lớn trên cánh đồng và cuối cùng Chao Angka bị đánh bại.

Một số nhà khoa học giữ ý kiến cho rằng, những chiếc chum có nhiệm vụ hứng và dự trữ nước mưa trong đợt gió mùa. Các đoàn lữ hành đi qua khu vực sẽ đun sôi nước mưa để sử dụng. Cánh đồng Chum trước đây có thể từng là địa điểm dùng chân trên các tuyến đường thương mại cổ, đặc biệt là tuyến đường buôn bán muối.

Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia khảo cổ tin những chiếc chum là bình đựng di cốt sau khi Madeleine Colani, một nhà khảo cổ học người Pháp, đề xuất giả thuyết chum đá liên quan tới nghi thức an táng thời tiền sử trong hai tập sách “Mégalithes du Haut-Laos” (Cự thạch cổ của Thượng Lào) xuất bản năm 1935. Nhiều cuộc khai quật của các nhà khảo cổ Lào và Nhật Bản trong những năm sau đó đã góp phần củng cố giả thuyết này, khi họ phát hiện nhiều bộ hài cốt, đồ chôn cất và gốm sứ xung quanh các chum đá.

“Chum là nơi chứa thi thể của người chết. Các mô mềm trên xác chết đặt trong chum sẽ bị phân hủy và thi thể khô dần trước khi hỏa táng. Sau đó, người ta đặt lại tro cốt vào chum hoặc chôn ở một nơi linh thiêng. Những chiếc chum rỗng sẽ được tái sử dụng để chứa các xác chết khác. Đây là tục lệ phổ biến ở Lào và Thái Lan”, Madeleine Colani cho biết.

Năm 2016, hai nhà khảo cổ học Dougald O’Reilly và Nicholas Skopal tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) phát hiện thêm 15 địa điểm mới chứa tổng cộng 137 chiếc chum khổng lồ có niên đại hơn 1.500 năm tuổi. Điều này cho thấy sự phân bố của các chum rộng hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.

“Ngoài Cánh đồng Chum tại Lào, chum cổ bằng đá cũng được tìm thấy ở khu vực Assam, Ấn Độ và Sulawesi, Indonesia. Chắc hẳn phải có một mối liên hệ nào đó giữa các khu vực cách xa nhau này”, O’Reilly cho biết.

Trong một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Antiquity vào tháng 8/2019, Louise Shewan – nhà nhà khảo cổ tại Đại học Melbourne (Australia) – và các cộng sự tiến hành khảo sát hơn 400 chum đá tại một địa điểm trên Cánh đồng Chum gọi là Bang Ang. Họ phát hiện 18 hài cốt của người cổ đại thuộc về cả hai giới, trong đó hơn 60% là trẻ em. Ngoài ra, các nhà khoa học nhận thấy có bốn hài cốt bị suy thoái men răng, một dấu hiệu của sự gián đoạn khả năng tăng trưởng do suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật.

Trên Cánh đồng Chum, Shewan cũng thu thập được những chiếc đĩa chạm khắc tuyệt đẹp với hình ảnh của các vòng tròn đồng tâm, hình người và động vật. Chúng đều nằm ở tư thế mặt úp xuống đất. Shewan cho rằng, những chiếc đĩa này là đồ vật được dùng để đánh dấu nơi chôn cất, hoặc chôn cùng với người chết theo phong tục thời xưa.

Hiện nay, công việc nghiên cứu ở Cánh đồng Chum gặp rất nhiều khó khăn bởi vì đây là một trong những khu vực khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới. Nằm rải rác trên khắp Cánh đồng Chum là hàng nghìn quả bom và mìn chưa phát nổ do không quân Mỹ rải xuống trong thời kỳ chiến tranh vào thập niên 1970 – chiếm hơn 35% diện tích đất toàn tỉnh Xieng Khouang, tiếp tục đe dọa tính mạng của 200.000 người dân đang sống tại đây. Du khách đến Cánh đồng Chum chỉ được tham quan ở ba khu vực an toàn theo chỉ dẫn của biển báo đã được rà phá bom mìn.

Tháng 7/2019, Cánh đồng Chum đã trở thành Di sản thế giới sau 20 năm chờ xét duyệt. Đây là di sản văn hóa thế giới thứ ba của Lào được UNESCO công nhận tại kỳ họp thứ 43 sau cố đô Luangprabang (công nhận năm 1995) và quần thể chùa đá Vatphu (công nhận năm 2001)..
 
(V.Nga chuyển)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét