16 thg 5, 2016

1 tỷ lít bia và 1,2 cuốn sách


Con số 1,005 tỷ lít bia – sản lượng trong 4 tháng đầu năm 2016 của ngành bia rượu vừa được Bộ Công Thương công bố gây chú ý trên mặt báo.
Bởi lẽ sản lượng trên đã tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong tháng 4, sản lượng ước đạt 206 triệu lít, bằng với cùng kỳ. Hơn thế, số liệu về mức tiêu thụ bia tại Việt Nam từ năm 2012 đến 2015 cho thấy, phần lớn bia được tiêu thụ tại Việt Nam đều được sản xuất trong nước, sản phẩm nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Nếu không có biến động, thì con số sản lượng 1,005 tỷ lít bia trên cũng sẽ tương đương với con số bia tiêu thụ của người Việt. Nếu tính trung bình 15.000 đồng/lít bia (lấy theo giá bia Hà Nội), thì người Việt sẽ tiêu 15.075 tỷ đồng (tương đương 67,837 triệu USD) trong 4 tháng cho bia.
Chi hơn 15.000 tỷ trong vòng 4 tháng cho bia – bình quân hơn 94,2 tỷ đồng/ngày – một con số cực lớn và đáng giật mình hơn khi đặt cạnh con số trong một năm, một người Việt đọc trung bình chỉ khoảng 1,2 cuốn sách, và chi hơn 2.000 tỷ đồng để mua sách (bao gồm cả sách giáo khoa), theo Báo cáo tổng kết năm 2015 và chương trình công tác trọng tâm năm 2016 của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin – truyền thông).
Thay vì sử dụng 15.000 tỷ đồng cho bia, số tiền này nếu được dùng cho mục đích khác sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.
Hơn 15.000 tỷ đồng tiêu cho thức uống có cồn, là loại chi tiêu hưởng thụ, có thể mua được bao nhiêu sách, dành được bao nhiêu thời gian để đọc sách, vốn được coi là loại hình đầu tư cho tương lai?
Một số ý kiến đã được nêu ra, xoay quanh vấn đề về ý thức chi tiêu lệch lạc của người Việt, vì không khó để nhận ra tổng số tiền mà người Việt chi cho đọc sách trong một năm (2.000 tỷ đồng) là rất nhỏ, chưa đầy 1/7 so với số tiền chi tiêu cho bia chỉ trong vòng 4 tháng (15.000 tỷ đồng).
Nhưng thực tế có thể kết luận được như trên?
Chi tiêu lệch lạc hay do điều kiện kinh tế – xã hội chi phối?
Năm 2013, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho hay tiêu thụ bia tập trung ở các khu vực đông dân cư. Do đó, 70% sản lượng bia cả nước tập trung ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.
Việt Nam có hơn 400 nhà máy bia. Những tỉnh, thành phố tập trung năng lực sản xuất bia là Sài Gòn: chiếm 23,2% tổng năng lực sản xuất, Hà Nội: 13,44%, Hải Phòng: 7,47%, Hà Tây: 6,1%, Tiền Giang: 3,79%, số liệu năm 2006, theo Euromonitor.
Cuộc khảo sát tiến hành trong tháng 3/2012 của Vinaresearch cho thấy độ tuổi từ 25-34 có tỷ lệ uống nhiều nhất (48,6%), kế đến là tuổi từ 20-24 (34,9%), từ 35 tuổi trở lên (11,6%), uống ít bia là độ tuổi 18-19 (4,8%).

Hà Nội và Sài Gòn có tỷ lệ tiêu thụ bia lớn nhất, trong đó Hà Nội có tỷ lệ uống bia thường xuyên nhất, với hơn 50% người tham gia khảo sát uống bia 2-3 lần tuần, tỷ lệ uống bia cũng cao hơn các tỉnh thành khác. Tại Sài Gòn, tần suất uống bia thấp hơn nhưng hơn 50% số người trả lời thường xuyên uống 3-4 lần/tháng, theo Tạp chí STINFO Số 12/2012.
Quay trở lại con số đáng lưu ý về tỷ lệ đọc sách. Từ góc độ phân vùng kinh tế – xã hội và các tỉnh/thành phố cho thấy có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ biết đọc biết viết, theo chuyên khảo về giáo dục do Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện năm 2009.
Tỷ lệ đang đi học của dân số từ 5 tuổi trở lên tại thành thị là 25,7%, tỷ lệ đã thôi học là 71,7%. Tỷ lệ tương ứng tại nông thôn lần lượt là 24,3% và 69,5%.

Nguồn: Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Giáo dục ở Việt Nam: Phân tích các chỉ số chủ yếu.
Tỉnh có tỷ lệ biết đọc biết viết cao nhất là Hà Nội (97,6%), tiếp theo là Sài Gòn, Hải Phòng, Ninh Bình và Đà Nẵng. Tỉnh có tỷ lệ biết đọc biết viết thấp nhất là Lai Châu (57,4%), tiếp theo là Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, và Lào Cai.
Màu sắc càng đậm, tỷ lệ biết đọc biết viết trong dân cư càng thấp. (Nguồn: Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Giáo dục ở Việt Nam: Phân tích các chỉ số chủ yếu).
Điều này cho thấy, có mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa điều kiện kinh tế – xã hội, tại các vùng kinh tế – xã hội và các tỉnh/thành phố, đối với cơ hội được tiếp cận giáo dục của dân cư. Do đó, mức chi tiêu cho giáo dục, ở đây thể hiện qua chi tiêu vào mua sách và tỷ lệ đọc sách trên đầu người thể hiện mức độ được tiếp cận giáo dục của người dân, hơn là có ý nghĩa chi tiêu đối với từng cá thể.
Tương tự, tỷ lệ chi tiêu vào thức uống có cồn (bia) ở con số lớn phản ánh về cách thức điều hành kinh tế. Bài viết “Bia và xăng” đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn tháng 10/2015 phân tích khá chi tiết về việc nên chọn chính sách hỗ trợ (ví dụ: không bảo hộ giá xăng dầu) để tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhằm phát triển nền kinh tế và giảm áp lực đời sống người dân hơn hay đánh thuế và tăng phí mạnh để tăng thu ngân sách? Đối với những mặt hàng tiêu dùng đặc biệt (ví dụ: ngành bia), thì nên đánh thuế mạnh để tăng thu ngân sách, giảm tác động tiêu cực về xã hội hay là khuyến khích người dân uống nhiều hơn để thu thuế?
Tác giả đưa ra dẫn chứng, với việc đẩy mạnh chế biến và giảm tối đa các khoản thuế và phí đối với xăng dầu (thuế GST – tương tự thuế giá trị gia tăng VAT ở Việt Nam) là 0%, dễ hiểu vì sao một container hàng nhập khẩu từ Malaysia có cước vận tải về Sài Gòn chỉ bằng 20% giá cước vận tải từ cảng Hải Phòng đến Sài Gòn.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do tai nạn liên quan đến rượu, bia. Con số này đang có xu hướng gia tăng.
Thuế tiêu dùng đặc biệt áp dụng đối với bia rượu trong năm 2008-2009 phổ biến ở mức 40%. Năm 2010, tăng lên 45%; tới 2013 tăng lên 50%.
Theo lộ trình, mức thuế sẽ tăng tiếp 5% mỗi năm. Cụ thể, năm 2016: 55%; năm 2017: 60%, năm 2018: 65%. Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, đại diện nhiều doanh nghiệp ngành bia rượu đề nghị lùi việc thực hiện mức tăng từ 2016 sang năm 2017 với lý do gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đáng chú ý, dù mức tiêu thụ bia ở mức cao, nó không những không được kìm lại mà tiếp tục tăng cao, từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013, 3,1 tỷ lít năm 2014 và 3,4 tỷ lít năm 2015. Sản lượng sản xuất hầu như được tiêu thụ ngay trong nước.

Năm 2013, mức tiêu thụ bia của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc (năm 2013), theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
Trong khi mức tiêu thụ đồ uống có cồn toàn cầu đang chững lại trong gần 2 thập kỷ qua (6,2 l/người/năm), thì mức tiêu thụ chất có cồn tính trên bình quân đầu người (đối với người trên 15 tuổi) của Việt Nam tăng từ 3,8 lít/người năm 2005 lên 6,6 lít/người năm 2010.
Phan A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét