13 thg 10, 2024

TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐỨC NHÂN TRONG LUẬN NGỮ CỔ NGHĨA CỦA ITÔ JINSAI (Bài 6)-Diển Đàn Khai Phóng

 Đức nhân trong chương 8 Thái Bá và chương 9 Tử Hãn

Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng

Phàm lệ

–         Dịch là của Nguyễn Hiến Lê.

–         Chú thích và Bàn thêm là của Jinsai.

–         Các hạng mục khác là của người dịch.

CHƯƠNG 8 THÁI BÁ

Bài 8.3 Vai trò làm gương của cấp bậc lãnh đạo cho cấp dưới và quần chúng vào thời đại nào cũng quan trọng vì đó quy luật tâm lý của con người.

(Tử viết: “Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tỉ, dũng nhi vô lễ tắc loạn, trực nhi vô lễ tắc giảo.”)

“Quân tử đốc ư thân, tắc dân hưng ư nhân; cố cựu bất di, tắc dân bất du.”

(子曰:恭而無禮則勞,慎而無禮則葸,勇而無禮則 亂,直而無禮則絞。)

君子篤於親,則民興於仁。故舊不遺,則民不偷。

Ghi chú

Trong sách của Nguyễn Hiến Lê là Bài 8.2. Trong nguyên bản Luận Ngữ vốn gồm có câu đầu trong ( ) nhưng sau đó Chu Hy đã tách câu thứ 2 làm thành 1 bài nên trong Luận Ngữ Cố Nghĩa, câu sau trở thành Bài 8.3. Số thứ tự của bài trong chương 8 của Cổ Nghĩa lớn hơn số trong sách cụ Lê 1 số. Tuy nhiên, trong Luận Ngữ Tập Chú của Tsuchida Kenjirô chú dịch thì Bài 8.2 giống như của cụ Lê, nghĩa là không chia ra làm 2 như Jinsai viết trong Cổ Nghĩa. Người dịch không hiểu tại sao.

Dịch

(Khổng tử nói: “Cung kính mà không biết lễ (nghĩa là không thích hợp, vừa phải) thì khó nhọc, cẩn thận mà không biết lễ thì nhút nhát, dũng cảm mà không biết lễ thì loạn động, ngay thẳng mà không biết lễ thì gắt gao, mất lòng người.”)

“Người quân tử (cầm quyền) giữ trọn đạo với người thân thì dân phát khởi lòng nhân ái; không bỏ người cũ thì dân không bạc bẽo.”

Chú thích

“Hưng” là phấn phát (khởi). “Du” là mỏng. Bài này vốn cùng đứng chung với Bài 2 trước nhưng Chu Hy tách ra làm 1 bài riêng như hiện nay.

(“Bất di” là không bỏ.)

Giải thích

Trần Lịch陳櫟(1252~1334) viết “Yêu thương cha mẹ, người trong thân thuộc là nhân. Người có thân phận cao có đức nhân thì người có thân phận thấp sẽ phấn phát lập chí có đức nhân. Việc không quên sự thân thiết ngày trước trong quá khứ là do có tình cảm sâu đậm. Nếu tình cảm của người cấp trên sâu đậm thì người cấp dưới cũng có khuynh hướng giống như vậy. Nếu người cấp trên thực hiện điều này thì người cấp dưới cũng bắt chước theo”.

Khi thực hiện chính trị bằng đức thì dân chúng tâm phục, và tác dụng cảm hóa sẽ phổ biến rộng xa. Nếu thực hiện chính trị bằng luật pháp thì dân chúng sẽ sợ nhưng tác dụng cảm hóa sẽ hời hợt nông cạn. Do đó, phương pháp quản trị thiên hạ của các bậc thánh vương ngày xưa là bằng đức chứ không phải bằng luật pháp. Đó là lý do mà các vương triều kế tục trong vài trăm năm, và giữ gìn được xã tắc và tôn miếu. Đến thời đại về sau, không phải là không có các vị vua và quan chức ưu tú nhưng đạo (phương thức) quản trị thiên hạ tất cả đều trái ngược với thời xưa. Do đó không phải là vua và quan không muốn quản trị tốt thiên hạ nhưng là không thể quản trị tốt được bởi vì không dùng phương pháp đúng. Thánh nhân hoặc người hiền (người tài giỏi và có đức hạnh tốt) khi luận bàn về thực chất của chính trị thì tất cả đều nói về quản trị bằng đức chứ không phải quản trị bằng luật pháp là do lý do này.

Ngày 26/7/2024

Nhận xét

(1)   Trong Luận Ngữ Trưng, Sorai đồng ý với Ngô Vực呉棫 (đậu tiến sĩ vào năm 1124, đời Tống) là bài này độc lập với bài trước nhưng không đồng ý là Ngô Vực là bài này là của Tăng tử. Ông cũng cho rằng giải thích của Chu Hy “hưng” là “phấn phát (khởi)” là không đủ ý (Jinsai đã theo chú thích của Chu Hy), phải hiểu là “thịnh vượng”. Người dịch nghĩ rằng ý kiến của Sorai là thích hợp.

(2)   Vấn đề nghiên cứu cụ thể nội dung chính trị bằng đức thích hợp cho thời đại ngày nay là cần thiết nhưng không phải dễ dàng và cần nhiều thời giờ và công sức. Tuy nhiên, việc rõ ràng và quan trọng đồng thời không cần phải nghiên cứu thêm là vai trò làm gương của cấp bậc lãnh đạo cho cấp dưới và quần chúng vào thời đại nào cũng quan trọng vì đó quy luật tâm lý của con người.

Nhiều người cho rằng nội dung giáo dục của quốc gia là quan trọng tuy nhiên nếu cấp lãnh đạo không làm gương thì dù chính sách giáo dục có tuyệt vời cũng trở thành vô dụng. Nhận xét của Trần Lịch không có nội dung gì mới nhưng rất xác đáng, tiếc là ít được quan tâm áp dụng.

Bài 8.8 Kẻ sĩ (người lãnh đạo ) cần phải khoan dung và nhẫn nại

Tăng Tử viết: “Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị, nhiệm trọng nhi đạo viễn. Nhân dĩ vi kỷ nhiệm, bất diệc trọng hồ? Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ?”

曾子曰:士不可以不弘毅,任重而道遠。仁以為己任,不亦重乎!死而後已,不亦遠乎!

Ghi chú: Ở sách Khổng Tử & Luận Ngữ của Nguyễn Hiến Lê là Bài 8.7.

Dịch

Tăng tử nói: “Kẻ sĩ không thể không cương cường, quyết tâm, là vì nhiệm vụ nặng mà đường xa. Nhiệm vụ là làm điều nhân, như vậy chẳng nặng sao? Làm cho đến chết mới thôi, như vậy đường chẳng xa sao?”

Chú thích

1) “Tăng tử…đạo viễn”.“Hoằng” là quảng đại (rộng lớn, khoan dung) nghĩa là có thể thông thả, chậm rãi, không gấp gáp. “Nghị” nhẫn nại, chịu đựng. Để đủ tư cách là người sĩ (kẻ sĩ, trí thức ở Việt Nam; võ sĩ, lãnh đạo ở Nhật Bản) phải có đủ hoằng và nghị. Nếu không thì không thể hoàn thành và đảm nhận trách nhiệm trọng đại lâu dài.

2) “Nhân dĩ vi…viễn hồ”. Đức nhân thật là to lớn. Bởi vì lấy đức nhân làm trách nhiệm nên trách nhiệm rất nặng nề. Lấy đức nhân làm trách nhiệm của mình nên phải phụ trách cho đến chết, nên nói là “xa” (“xa” ở đây ý nói là thật lâu dài, cho đến chết mới hết).

Giải thích

Lý do người sĩ nhất định phải xem trọng hoằng nghị (khoan dung và nhẫn nại) là bởi vì nếu không có độ lượng này thì không thể hoàn thành và bền bỉ gìn giữ lâu dài trách nhiệm nặng nề. Đức mà có tác dụng, có hiệu quả đến khắp mọi nơi là đức nhân. Cảm hóa có tác dụng và hiệu quả đến cả côn trùng là đức nhân. Giáo hóa lan rộng khuếch tán đến cả muôn đời là đức nhân. Cứu giúp được bất hạnh và ngăn chặn được tai họa là đức nhân. Bởi vì nhận các việc làm này làm trách nhiệm của mình không phải thật sự nặng nề lắm sao? Một khi còn hơi thở thì không thể đánh mất chí hướng này, không phải là con đường đi thật sự xa lắm sao? Do đó lý do nói “Bất khả dĩ bất hoằng nghị” (không được không hoằng nghị, nghĩa là phải có đủ hoằng nghị) là bởi vì thường ngày lúc nào cũng phải biết lấy việc tu dưỡng bản thân làm trọng yếu.

Nhận xét

(1) Người dịch nghĩ rằng dịch “hoằng nghị” là “cương cường, quyết tâm” là không diễn tả được ý của Tăng tử! Hiểu như Jinsai mới thật là chí lý! Thật hay lắm thay cho hai chữ hoằng nghị với ý nghĩa khoan dung và nhẫn nại! Trong Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh cũng chỉ giải thích nghĩa của “nghị” là “quả quyết” nhưng khi giải thích nghĩa “nghị lực” ông lại giải thích “cái sức bền vững để tiến lên”. Thiết nghĩ “nghị” trong bài này cần phải hiểu là nghị lực. Người dịch tin chắc, người lãnh đạo, người hướng dẫn tập thể rất cần đức tính khoan dung và nhẫn nại. Hiểu đúng chính xác của từ vựng rất quan trọng vì có hiểu đúng ý tưởng truyền đạt thì mới thực hiện đúng và mới có được kết quả tốt! Nhất là trong việc học tập.

(2) Người dịch nghĩ rằng Tăng tử là người có thể nói là tiếp nhận đúng tinh túy của Khổng học. Sau khi đọc giải thích bài này của Shibusawa Eiichi (sẽ giới trong dịp khác), người dịch cho rằng Tăng tử đã diễn tả thật đầy đủ và xác đáng đức tính của một người có vai trò sĩ nghĩa là kẻ sĩ hoặc người sĩ với ý nghĩa “sĩ” là người lãnh đạo tập thể, đám đông hay cả lãnh tụ của một quốc gia. Người dịch tin rằng một trong những yếu tố chi phối sự tiến bộ của một quốc gia có vững mạnh hay không là số người sĩ như bài này nói của quốc gia đó có nhiều hay ít.

Bài 8.11  Việc gì cũng cần phải thỏa đáng, nghĩa là vừa đủ. Do đó mới khó. Nên ghi nhớ lời của Tokugawa Ieyasu để giải quyết khó khăn này: “Không đủ thì có thể đền đáp lại sau, còn quá đáng thì không thể lấy lại được”.

Tử viết:“Hiếu dũng, tật bần, loạn dã. Nhân nhi bất nhân, tật chi dĩ thậm, loạn dã.”

子曰:好勇疾貧,亂也。人而不仁,疾之已甚,亂也。

Ghi chú: Ở sách Khổng Tử & Luận Ngữ của Nguyễn Hiến Lê là Bài 8.10.

Dịch

Khổng tử nói: “Kẻ hiếu dũng mà lại ghét cảnh nghèo khổ thì sẽ làm loạn. Người bất nhân mà bị ghét bỏ thái quá thì sẽ nổi loạn.

Giải thích

Sự thích đức dũng là việc tốt. Tuy nhiên nếu không biết an phận thì chắc chắn sẽ tự mình gây ra loạn.

Sự chán ghét người bất nhân là tốt. Tuy nhiên, nếu chán ghét quá đáng thì trở nên quá khích đến mức gây ra loạn.

Cần phải có sự phân biệt giữa tốt và xấu nhưng việc gây ra loạn thì chỉ là một (ý nói dù là lý do gì thì việc gây ra loạn chỉ có xấu xa). Do đó không thể không cảnh giác.

Nhận xét

(1)   Đối với trường hợp chống lại ngoại xâm thì sao? Đúng là gây ra loạn lạc, chiến tranh sẽ làm khổ nhiều người nhưng vì vậy mà phải chịu đựng mất nước sao? Hay phải theo cách bất bạo động của Mohandas Karamchand Gandhi (1869~ 1948). Một đề tài rất quan trọng của loài người để tránh tai hại tàn khốc của chiến tranh bạo lực.

(2)   Khổng tử nói “Quá đáng cũng như không đủ” (Thái quá do bất cập, Bài 11.15). Do đó, ông chủ trương Trung Dung. Tuy nhiên, Tokugawa Ieyasu nói “Không đủ thì có thể bù trừ, đền đáp lại sau, còn quá đáng thì không thể lấy lại được”. Cách suy nghĩ này thật đáng cho chúng ta suy nghĩ khi hành động, nhất là khi ở trong trạng thái tức giận.

Ngày 26/7/2024

CHƯƠNG 9 TỬ HÃN

Bài 9.1 Lý do Khổng tử ít nói về: lợi, thiên mệnh và đức nhân. Nhưng thật sự lời ghi chép về đức nhân trong Luận Ngữ không ít.

Tử hãn ngôn lợi dữ mệnh dữ nhân.

子罕言利,與命與仁。

Dịch. – Khổng tử ít nói tới lợi, với mệnh và đạo nhân.

Giải thích

Nói đến lợi ích thường hay ngăn trở sự xúc tiến việc nghĩa. Tuy nhiên nếu là lợi ích của quốc gia hay lợi ích của dân chúng thì cần phải nói đến, không nói không được. Nguyên lý của thiên mệnh (nguyên văn: mệnh chi lý) thì vi diệu (không rõ ràng, khó hiểu rõ). Nếu nói hấp tấp không đầy đủ, tận tường chắc chắn dễ gây hiểu lầm đưa đến sự xem nhẹ sự quan trọng của các quan hệ gần gũi đối với người và vật. Hiệu quả của đức nhân rất vĩ đại. Nếu hấp tấp nói ra dễ gây ra hiểu lầm đưa đến việc không đánh giá xác đáng mức độ hiệu quả thật sự to lớn của đức nhân. Đó là lý do phu tử ít đề cập về lợi ích, thiên mệnh và đức nhân. Đó là phong cách phu tử xem trọng đức và thận trọng trong các lời dạy của mình.

Có người hỏi tôi như sau. Trong sách Luận Ngữ số lần đề cập về đức nhân rất nhiều sao ở bài này nói ít đề cập là tại sao? Đọc kinh Thi, kinh Thư và thực tập lễ là việc mà phu tử thường đề cập tới. Tuy nhiên, hiện nay nội dung về việc này còn lưu lại rất ít. Suy xét từ sự thật này chúng ta có thể đoán có nhiều nội dung về việc làm thời xưa đã bị cắt bỏ. Tuy nhiên về đức nhân, điều được xem là quan trọng, do đó chắc chắn đã được các môn nhân và đệ tử của phu tử đã ghi chép lại chi tiết, đầy đủ nên còn lưu lại đến ngày nay. Việc này có thể hiểu được. (Ý nói các việc khác không quan trọng bằng đức nhân nên không được truyền lại do cắt bỏ đi, còn đức nhân quan trọng nên được truyền lại đầy đủ. Kết quả nội dung về đức nhân trở thành nhiều.)

Nhận xét

(1)   Đối với ngũ đức: nhân, nghĩa, lễ, trí và tín, số bài về đức trí nhiều nhất và thứ 2 là về đức nhân.

(2)   Việc ít nói về thiên mệnh của Khổng tử rất đáng để chúng ta suy ngẫm và nễ phục ông. Đúng như nội dung ông đã dạy cho Tử Lộ “Biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận không biết, như vậy là biết.” (Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã.) Vào lúc thời của ông, khoa học còn chưa phát triển mà ông đã tinh thần như vậy trong khi về sau khoa học đã tiến bộ xa hơn nhưng có nhiều học giả vẫn nói nhiều về thiên mệnh.

Bài 9.28 Hiệu quả chính yếu của 3 đức, trí: không sai lạc; nhân: không lo âu; dũng: không sợ sệt.

Tử viết: “Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ.”

   子曰:知者不惑,仁者不憂,勇者不懼。

Dịch

Khổng tử nói: “Người trí thì không mê hoặc, người nhân thì không lo, người dũng thì không sợ.

Giải thích

Nội dung bài này ca ngợi trí, nhân, dũng là đức tối thượng.

Người có đức trí thì giỏi về lý (nguyên lý, quy luật chi phối sự vật) nên không sai lạc.

Người có đức nhân thì tâm hồn khoan đại (khoan dung, độ lượng rộng) nên không lo âu.

Người có đức dũng thì quyết đoán giỏi nên không sợ sệt.

Ba điều này là toàn thể của đạo đức, là cương lĩnh (các điều trọng yếu) của việc học.

Nguyễn Sơn Hùng

Bổ sung ngày 4/9/2024

Tài liệu tham khảo

1)    Kaitsuka Shigeki (1983): Itô Jinsai, Danh Tác của Nhật Bản 13, Chuokouronsha

2)    Itô Jinsai: Luận Ngữ Cổ Nghĩa (nguyên văn)

3)    Ogyu Sorai: Luận Ngữ Trưng, Ogawa Tamaki dịch chú (1994), Heibonsha.

4)    Chu Hy: Luận Ngữ Tập Chú, Tsuchida Kenjirô dịch chú (2014), Heibonsha.

5) Shibusawa Eiichi (nói miệng), Otate Koretaka (viết ghi lại) (1925): Luận Ngữ Giảng Nghị (tiếng Nhật), Nhị Tùng Học Xá xuất bản bộ.


Mời Xem Lai :

TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐỨC NHÂN TRONG LUẬN NGỮ CỔ NGHĨA CỦA ITÔ JINSAI (Bài 4)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét