8 thg 5, 2021

Niềm An Ủi Cuối Cùng - Y Uyên

Niềm an ủi cuối cùng

 

(Truyện đầu tay khi Y Uyên bắt đầu viết văn.
Trích Bán Nguyệt San Bách Khoa, số 149 phát hành ngày 15.3.1963 )

 

Người chị và người bạn của Tứ đã bỏ ra ngoài. Ánh nắng buổi chiều vừa dội vào trước cửa đã bị hắt lại ngay.

Tứ lắng tai nghe ngóng. Anh hy vọng sẽ nghe thấy giọng nói mừng rỡ của chị và bạn với một người đến thăm anh. Nhưng chỉ có tiếng lao xao của những người dưới thung lũng vọng lên. Thứ tiếng xa xôi, mơ hồ này dường như Tứ đã nghe nhiều trong những cơn mê sảng. Và không hiểu sao, kèm với âm thanh mơ hồ này, bao giờ anh cũng thấy thấp thoáng khuôn mặt có gò má cao, cái cổ nhỏ, khẳng khiu của cô Dậu. Mỗi lần khuôn mặt tê dại ấy dần dần hiện rõ trước mặt Tứ, vành môi nặng chịch bắt đầu nhúc nhích như sắp nói, Tứ lại giật mình tỉnh dậy. Tiếng gió ào ào trút trên đồi thông sau nhà đã ngăn cản Tứ không được lại gần tiếng nói quen thuộc của cô anh. Mà lúc này anh lại khao khát tiếng nói ấy. Anh muốn chết trong một không khí đó.

Lúc này, Tứ mới thấy núi đồi ở đây bí ẩn và xa lạ. Anh tưởng tượng đến những lớp sương xám, những đám khí đất dày đặc sớm chiều bưng bít cây cỏ xung quanh anh. Và anh không hiểu gió ở đâu thổi về đây lắm thế, nghe rào rào hoang vắng quá đỗi. Ý nghĩ vơ vẩn này không phải bây giờ Tứ mới có. Chiều qua, khi tỉnh dậy, thấy Nguyễn Văn Việt – bạn anh – và Liên – chị anh – Tứ cũng bàng hoàng, không hiểu họ từ đâu tới hay anh vẫn biết họ là người thân của mình. Mãi tới gần tối, Tứ mới giật mình nhớ lại, sau khi nghe Liên và Nguyễn Văn Việt nói chuyện với nhau ở ngoài sân:

- Chị Liên thích đọc thơ không?

- Thích vừa vừa thôi anh ạ. Tôi ưa đọc tiểu thuyết hơn.

- Chị ưa đọc tác giả nào?

- Những tác giả tiền chiến và … Nguyễn Văn Việt.

Tứ nghe tiếng Nguyễn Văn Việt cười dòn.

- Dù biết chị quá khen, tôi vẫn thấy sung sướng.

Giọng Liên trang nghiêm:

- Anh chớ nên nhún mình. Tôi chỉ nói thực những điều tôi đã nghĩ.

Những lời trao đổi này đủ để Tứ nghĩ tới tủ sách đầy những tiểu thuyết của nhà bác Giáo, đến tờ báo Nguyễn Văn Việt là cây bút chính về tiểu thuyết. Tứ nghĩ thầm:

- Có cùng một ý chính, hai người sẽ đỡ buồn khi ở bên cạnh mình.

Anh nhếch môi cười ngô nghê. Những cái răng trắng nhởn nổi trên bộ mặt má hóp sâu, mũi vêu ra. Trong bóng tối, Tứ thấy rõ mình cười ngô nghê, ngớ ngẩn như mẹ Tứ hồi trước.

 

***

 

Ánh trăng lạnh in bóng cái giường dựng đứng bên bờ tre. Vài con chuột đen thui chạy nhởn trên những thành gỗ loang lổ vôi trắng.

Hôm qua mẹ nó còn nằm trên giường đó, hỏi chuyện các con. Mẹ nó hỏi hai chị em nó, có đứa nào đã thấy con chim bói cá xanh biếc đôi cánh, phơi nắng sớm trên cành cây si mọc bên bờ mương ở cánh đồng làng Nhạn? Nó không biết gì, còn chị nó nói:

- Con mới được nghe nói đến làng Nhạn thôi. Có phải đứng trên bãi chám đầu làng thì trông thấy ngôi cổng quét vôi trắng của làng Nhạn?

Mẹ nó ngơ ngẩn nhếch môi cười không đáp. Một lát sau mẹ nó lại nói:

- Chiều nay, khỏi sốt, mẹ phải về đó thăm bà cô già của mẹ. Bà yếu lắm rồi mỗi lần ra chợ. Tối bà vẫn phải chống gậy, không biết sống, chết lúc nào. Ngày mẹ chưa về bên này, mỗi lần đi xem hội đều có bà ở bên cạnh, chăm nom săn sóc.

Dứt lời mẹ nó nhắm mắt lại. Nụ cười ngẩn ngơ lại nở trên môi.

Bây giờ, cái giường đã bỏ ra ngoài bụi tre cho trăng chiếu xuống, cho chuột leo lên chạy lăng quăng. Gian nhà trống hẳn một khoảng, ánh đèn Hoa Kỳ lây lắt chiếu thêm một vùng đất đen trên nền.

Khi chị nó ngủ say, nó chợt vùng dậy ôm đầu khóc. Lần đầu tiên nó khóc lâu mà không thấy mẹ lên tiếng vỗ về. Nó lạ lùng, lắng tai nghe ngóng. Chỉ có dư âm tiếng khóc của nó vang lên rành rẽ trong đêm.

Vuông khăn trắng trên đầu nó xổ tung, một đầu dính vào mấy cái mụn nhớp mủ trên trán, một đầu buông xuống lưng nó. Trong vùng ánh sáng tờ mờ, vuông vải vạch một đường trắng gãy trên cái bóng đen nhỏ bé gầy guộc. Nó há mồm nhìn chị, môi dưới thưỡn xuống.

Con bé vẫn ngủ mê mệt, mặt loà xoà những tóc quay vào vách, chân tay co quắp, người cong rúm lại. Trên lưng lấm tấm những vệt đất thó. Vẻ thiêm thiếp bất động của chị làm nó rùng mình. Chị nó dường như rất gần gũi mẹ và xa cách nó vô cùng. Nó chợt lờ mờ thấy thế.

Nó lại oà lên khóc, hai chân đạp túi bụi lên người chị.

Con bé đang mơ thấy mẹ cười rộng vành môi trở về, giật mình tỉnh dậy. Tấm vải trắng chạy dọc trên cái bóng đen gầy guộc rung rinh trước đôi mắt nhoè ướt của nó.

Nó ôm em vào lòng. Vòng tay đánh quanh tấm thân còn đang thổn thức. Đôi vai xương xẩu của thằng bé thỉnh thoảng lại run lên như một con chim bị ướt. Ngực nó dần dần trở nên ấm áp nhưng sống lưng lại ớn lạnh. Nó không dám quay lại phía sau một lần.

Cả hai đứa cùng im thin thít, tạo thành một khối đen âm u sau khung cửa sổ trắng sáng trông ra phía bờ tre có cái giường dựng đứng.

Đêm dần dần về khuya, vòng tay con bé dần dần lỏng lẻo trong lúc em nó bắt đầu thở đều đều. Cánh tay nhỏ nhắn của thằng bé thỉnh thoảng lại giơ ra ngoài khoảng không quờ quạng, tìm kiếm. Có lúc nó đột nhiên rên lên một hồi như một con vật bị lạnh.

Trong tiếng gió vù vù, chốc chốc lại phảng phất có tiếng kẻng rời rạc từ một điếm gác vọng lại. Con bé gục đầu trong âm thanh hoang vắng đó. Cuối cùng nó chỉ còn thoang thoảng mùi tanh tưởi ở trên đầu thằng bé.

Khi hai chị em bừng mắt dậy thấy có bàn tay ai đặt lên mình. Đó là bàn tay của cô Dậu.

 

***

 

Bàn tay này đã thu vén mọi việc trong nhà chú Dậu từ ngày cô mười bảy tuổi. Và sau ngày về nhà chồng được ba năm, đã nhiều lần cô Dậu ngượng ngập đưa bàn tay cho những ông thầy số ở đầu cầu chợ Lũ, ở góc phố hàng Quạt, ở bến Nứa… để nhờ xem về đường tử tức. Đã nhiều lần đôi bàn tay chắp thành kính trước tượng thần, Phật ở điện, ở chùa để cầu một mụn con trai. Nhưng mười mấy năm ròng, bàn tay của cô vẫn chưa được bế một đứa trẻ cô mong đợi và vẫn tiếp tục, vẫn ngượng ngập đưa cho những ông thầy số…

Cô Dậu tự nhiên biến thành một người đặc biệt ở trong làng. Nói đến người giầu mà keo kiệt, người ta nghĩ tới ông đốc Bưu thôn Đông; nói đến tính nhát ngựa người ta nghĩ tới ông tổng Nhạ; nói đến thói ăn chơi bạt mạng, người ta nghĩ đến cậu cả Phong, và nói đến cô Dậu, không ai không biết người ta muốn nói đến sự hoang mang vô cùng. Nhiều lúc cô thấy mình, đang hồi hộp chờ đợi một việc chẳng lành xảy tới.

Sự lo lắng của cô Dậu đột nhiên tăng lên năm cô 30 tuổi, năm chú Dậu bắt đầu có những biến đổi lạ lùng. Đang lúc làm ăn phát đạt, chú bỏ đi Hà Nội với một người làng đi lính mới về thăm quê. Rồi từ đó, cứ mươi ngày, nửa tháng chú lại đi một lần. Có ai hỏi, chú trả lời gượng gạo là đi kiếm một việc làm. Cô Dậu nghe phong phanh chồng đi hát ả đầu ở Khâm Thiên, ngỏ lời ngăn cản thì chú Dậu nổi giận mắng cho một trận tàn tệ, rồi lại bỏ đi. Thấy vậy mọi người lại càng tin chú Dậu đã truỵ lạc.

Nhưng ít lâu sau cả làng ngạc nhiên thấy chú Dậu và vợ ra Hà Nội buôn bán. Ai nấy bắt đầu nghi ngờ cái tin chú Dậu tối ngày lai vãng tới ngõ Khâm Thiên.

Ra Hà Nội, chú Dậu mở cửa hàng bán gạo.

Thực ra đây chỉ là một cớ để chú Dậu dành cho vợ một cơ hội cuối cùng hầu chuộc lại cái lỗi của cô. Trong mười mấy năm trời chung sống, nếu có lúc chú thấy mỗi lời nói của vợ là một lời nhắc nhở sự có mặt hầu như hơi thừa của cô đồng thời với sự vắng bóng một đứa con, thì cũng có lúc chú thấy nụ cười quen thuộc nhất và hợp với mình nhất là nụ cười vì những lời nói xốc nổi của vợ.

Vì vậy chú còn ngần ngại chưa muốn nghĩ tới một người đàn bà khác.

Ngay khi mới ra Hà Nội, chú đã nói rõ ý định với vợ. Chú định sẽ xin một đứa con trai chừng vài tháng về nuôi và giấu không cho một ai biết. Như thế, sau này, ai cũng sẽ yên trí đó là đứa trẻ do chính cô chú sinh ra. Chú nói thêm:

- Đấy là cách cuối cùng để tránh cảnh chồng chung vợ chạ.

Cô Dậu nghe chồng nói, cảm động ứa nước mắt. Đã từ lâu, bây giờ cô mới lại thấy sẽ được sống bình yên bên chồng.

Nhưng chỉ ít ngày sau, cô chợt nhận được tin người chị dâu đang hấp hối. Cô hấp tấp về làng để thấy hai đứa cháu thiểu não ôm nhau ngủ trong căn nhà tối tăm như một căn nhà mồ.

Trước cảnh tượng đó, cô Dậu không còn đủ bình tĩnh để suy nghĩ hơn thiệt nữa. Cô mang hai cháu ra Hà Nội. Và suốt trong một năm trời, cô vẫn như một người đứng trước cảnh một đứa bé đang bò trên miệng giếng.

Đứa cháu gái cô, Cái Liên, sau một tháng ở với cô, đã được một ông bác họ đem xuống Hải Phòng. Lúc nó ra khỏi tiệm bán gạo, chợt nghe tiếng em nó khóc thét lên. Tuy biết thằng Tứ chưa biết nó phải bỏ đây mà đi nhưng nó vẫn mím môi lại, rùng mình. Nó như thấy hiện ra trước mắt thằng bé đầu nhuộm phẩm xanh, mủ rề rề, đang đập chân tay, đầu cầy xuống mặt giường. Căn bệnh của thằng bé, tuy nó không rõ tên nhưng rất thuộc. Một cái mụn vỡ bật máu, một lời gọi không đáp, một tiếng nói to, đều khiến thằng Tứ khóc thét, đập tay chân rồi bằn bặt thiếp đi. Mỗi lần như vậy, cô Dậu lại hốt hoảng, lật đật lấy thuốc dốc vào miệng nó và lay gọi rối rít. Lúc đầu, chân tay cô lính quýnh, luống cuống trông thật tức cười. Chính cô cũng nhận ra điều đó. Sau mỗi lần thằng Tứ khóc, cô thấy nhẹ nhõm cả người nhưng đồng thời, cô lại ngậm ngùi nghĩ ngợi.

Trong thời gian cô bận mang cháu đi thầy thuốc, bận pha sữa, bận thức đêm, chú Dậu đi kiếm một người đàn bà.

Khi thằng Tứ bắt đầu lên da lên thịt, cô Dậu bắt đầu được thư thả. Thư thả để thấy căn nhà hẹp hẳn đi vì bị ngăn làm đôi, một nửa kê cái giường của cô, một nửa dành cho người đàn bà có đôi mắt lá răm, có đôi guốc đỏ. Cô không biết nhiều về gốc tích người đàn bà này. Thứ nhất, vì chú Dậu không muốn nói tới, thứ hai, người đàn bà luôn luôn có dáng điệu lầm lì.

Vẻ lầm lì này lại càng nổi rõ bên cái tính hay nói của cô Dậu. Cô có thể vừa cân gạo, vừa nói về bốn người vợ người cảnh binh già ở số nhà 16 hoặc truyện con bé bán xôi lạp xường ở góc phố bỏ đi theo một tên Ma-Rốc. Những người nói chuyện với cô phần nhiều là những người đàn bà có nhiều thời giờ và cần vay cô một món tiền, rủ cô một chân họ. Nhiều người còn biết lợi dụng tính nói nhiều của cô để khất một món nợ. Khi cô nhắc đến món tiền họ thiếu, họ chỉ cần làm như không nghe thấy, rồi đột nhiên lại gần cô thì thào:

- Bà có rõ truyện con mụ trùm Xức bị lừa không?

Hoặc:

- Nghe nói lão già bán cà phê ở ngả tư bị bắt, chẳng biết hư thực thế nào?

Chỉ cần mấy câu như vậy họ đủ khiến cô Dậu bắt ngay vào một truyện khác truyện đòi nợ của cô.

Thường thường, khi đã dứt truyện, cô Dậu quên hẳn ý định đòi nợ của mình. Hoặc giả đôi khi nhớ được, cô cũng chỉ hỏi lại con nợ cho có lệ. Lúc đó, cô mới chợt nghĩ mình còn phải làm nhiều việc. Thì giờ đã tiếp con nợ như vậy đã quá lâu, cần chấm dứt ngay để bắt đầu một công việc khác. Cô vội vã, suýt soa ngỏ lời tạm biệt người nghe chuyện. Đây cũng là một thói quen của cô. Khi nói, bao giờ cô cũng có vẻ vội vã như thấy còn phải nói nhiều mới đủ ý, và xuýt xoa vì lúc nào cô cũng như tiếc rẻ một điều gì.

Tính hay nói của cô làm khổ thằng Tứ không ít.

Mỗi khi cô gắng gượng cãi lại những lời cộc lốc, dữ dội của chồng, Tứ hồi hộp, sợ hãi. Nó thấy giọng cô thường trở nên tẻ nhạt những lúc đó và gây thêm sự tức giận của chồng. Có lần chú Dậu tàn nhẫn bảo vợ:

- Giọng nói của mày như thế, bao giờ mày sướng được!

Tứ nghe nói, vừa giận chú vừa thương cô. Nó muốn quấn quýt bên cô tối ngày, nói chuyện với cô để cô cười nhiều. Một hôm nó bỏ những bạn chơi, vào đứng bên một bì gạo giương mắt nhìn cô. Cô đang ngồi trên tấm ván ngựa nói chuyện với mấy người đàn bà láng giềng. Những người này vừa nhai trầu ướt đỏ môi, vừa cười, cô cũng vừa nhai trầu vừa cười. Có mấy đứa trẻ con trạc Tứ hay cỡ hai ba tuổi, chơi tản mát ở chung quanh. Đứa thì bò lê la ở bậu cửa, đứa đứng lên cái cân táy máy nghịch, đứa chạy ra cửa quay kẹo kéo. Không có một đứa nào đứng yên bên một bao gạo như Tứ cả. Tứ nhìn cô hoài, cô không nhìn lại một lần. Cô còn bận nói, bận nhai trầu, bận cười với những người đàn bà.

Tứ ngạc nhiên và hờn dỗi nhưng cô vẫn chẳng hay. Nó chỉ thấy cô âu yếm nó khi bị chồng rỉa rói hay nó ốm liệt giường. Còn bình thường, những truyện “ con bé góc phố bỏ đi theo Ma-Rốc, con mụ trùm Xức bị lừa” vẫn hấp dẫn cô nhiều hơn. Tứ buồn rầu nhớ lại những lần chân tay nóng bỏng, tai ù, cô luôn luôn ẩn hiện trước mắt nó, tiếng nói của cô luôn luôn phảng phất bên tai nó. Cô nói đến cái kèn xanh đỏ, cái xe đạp có ba bánh cao su nhỏ xíu, cái bánh đậu Hải Dương… Những thứ này lúc ấy hiện ra đầy đủ trong trí nó, tuy vô cùng xa xôi nhưng lại vô cùng dịu dàng đẹp đẽ.

Đến ngày được đi học, Tứ lại càng thấy cô thiếu nhiều lời nói, cử chỉ vuốt ve với mình. Cô không bao giờ nói với Tứ những lời mẹ hiền trong sách. Mà Tứ lại thèm những lời đó hơn thèm cái xe ba bánh, cái bánh đậu Hải Dương. Có lúc nó nghĩ, giá đánh đổi được đôi giầy mới mua, hộp bi trong như pha lê để cô Dậu nói được những lời âu yếm nó cũng đổi.

Những ngày mùa đông, xách cặp đi trên đê Yên Phụ, nhìn những bức tường thành rêu bọc dày kẽm gai, hoặc ngồi ở bụi mía sau trường Mạc Đỉnh Chi, nhìn những bè rau muống tàn lụi ven bờ Trúc Bạch, Tứ ngạc nhiên, không hiểu sao lại ở đây một mình. Nó thấy xa cô Dậu như đã xa chị Liên, xa mẹ.

Từ ngày bắt đầu có những ý nghĩ ngậm ngùi như vậy, Tứ sống khác hẳn những đứa trẻ cùng tuổi. Tứ có vẻ một người lớn ốm yếu. Đến khi phải dời bỏ khu nhà máy điện đầy bụi than, bỏ vườn bách thảo có những người lính tập kèn, bỏ Hồ Tây có những chiều nắng gắt, để bắt đầu ngồi trên xe buýt, làm quen với mùi sầu riêng, Tứ thấy mình trưởng thành. Những buổi trưa nằm dưới sức nóng hừng hực của căn lều vải trong trại học sinh, Tứ nghĩ đến tiếng nói vội vã, suýt soa của cô Dậu.

Những ngày nghỉ, Tứ thường kiếm tiền về tỉnh Hậu Giang để thăm cô và nói những dự tính tương lai của mình. Cô Dậu trong một vài năm đã trở nên già yếu. Tóc cô đã điểm nhiều sợi trắng. Nhưng mỗi lần gặp cháu cô vẫn chăm chú nghe một truyện tương lai. Mỗi lần Tứ về chơi, cô thường than thở, nhắc nhở đến ông bà, làng mạc hoài hoài không dứt. Những ngày ở Hà Nội, Tứ đã nghe cô nói đến vườn nhãn, bãi chám, ao bèo, đến những câu đối, chậu lan, cành đào của ông nội. Nhưng hồi đó giọng cô đâu có thiết tha, kể lể như bây giờ. Dường như lúc ra đi, cô đã để quên lại những nơi đó một cái gì vừa quý vừa cần thiết cho cô. Nhiều lúc nghe cô, Tứ đã phải dùng kế của những con nợ ngày trước… Nhưng Tứ không thì thào bên tai cô câu: “con mụ trùm Xức bị lừa” mà lại làm bộ lơ đãng nói: “Nếu không có gì trở ngại, cháu sẽ thi vào trường sư phạm”. Nghe cháu nói, vẻ ngậm ngùi trên mặt cô vụt tan biến. Cô chuyển ngay sang giọng vội vã, suýt soa để bàn với cháu về truyện “nên” và “chẳng nên”. Nên chịu kham chịu khổ để sau này kiếm được một nghề nhàn chân nhàn tay. Khi đã có địa vị, chẳng nên lấy những hạng vợ giầu sang để mang tiếng thân trai nấp bóng một đứa đàn bà.

Câu sau này, cô Dậu muốn ám chỉ bác Gíáo.

Bác Giáo là người đã nuôi chị Tứ từ ngày Tứ còn nhỏ. Bác sống khá sung túc và nhàn hạ nhờ người vợ vừa lắm tiền vừa buôn bán giỏi. Đã nhiều người chê bác bất tài, sống bám vào vợ, nhưng bác chẳng để tâm, chỉ chăm sóc đến thú vui của mình. Cái thú vui của bác là đọc những sách do các tác giả tiền chiến viết và nói những lời thương hại kẻ cùng khổ trong xã hội. Đã nhiều lần, tại nhiều nơi, bác bảo Tứ là một kẻ tiêu biểu cho những kẻ khốn khó trong cái xã hội nhiễu nhương này. Trường hợp Tứ như vậy đáng thương lắm lắm.

Những ngày mới lớn, Tứ rất khó chịu vì những lời nói thương yêu quá nhiều của bác. Có lần anh ví bác với người trang sức bằng những đồ giả, quá ư lộ liễu mà không biết thẹn. Sau này, thấy sự liên lạc giữa hai bác cháu còn hay mất là tuỳ mình. Tứ không để ý đến tính tình bác nữa. Thỉnh thoảng anh lại nhà bác, hỏi han vài lời, nói dăm câu chuyện với chị Liên rồi thản nhiên đi như thản nhiên đến.

Không ngờ vẻ lạnh lùng của Tứ lại khiến Liên cảm động. Nàng thấy em có vẻ khắc khổ của một người dày dạn gió bụi. Những lần Tứ đột nhiên đến, đột nhiên đi cười nửa vành môi, nói lời trầm trầm khiến Liên tưởng tượng nhiều hình ảnh buồn và đẹp. Nàng hình dung những mẫu thuốc lập loè trong bóng tối một căn gác trọ đến những thành phố đất đỏ cao nguyên, đến cái đế giầy mòn của Tứ.

Liên muốn được ở gần, săn sóc em. Ý muốn này thuở nhỏ Liên đã có. Nhưng ngày ấy, Liên muốn thấy cái đầu nhuộm phẩm xanh ngửi cái mùi tanh tưởi của em vì thấy đó là những cái vừa quen thuộc vừa gần các kỷ niệm của mẹ. Bây giờ, Liên muốn gần Tứ vì đã có lần nàng thổn thức với đứa trẻ vơ vất, bị mẹ bỏ rơi trong truyện “Sống Nhờ”, vì có lần nàng đã gấp cuốn “Đoạn Tuyệt” lại, mơ màng đến hình ảnh một chàng trai âm thầm ngồi trên chuyến xe lửa chạy băng băng trong đêm dài.

Một lần nghe tin Tứ đã bỏ học đi buôn củi với một người quen, Liên đột nhiên thất vọng. Nàng ví Tứ như một bảo vật vừa mới tìm lại được, nỗi vui mừng chưa kịp đến, nàng đã thấy lo ngại có kẻ chiếm mất.

 

***

 

Nguyễn Văn Việt đứng bên cây anh đào xanh lá, nhìn xuống con đường đất dốc, trơn như bôi mỡ, ngoằn ngoèo chạy xuống lòng thung lũng. Anh hồi hộp vô cùng.

Người đàn bà, một tay kéo cao ống quần. Mười ngón châm bấm trên mặt đất thó đỏ, dò dẫm từng bước lên phía đồi. Đến những chỗ người ta vứt cỏ cho dễ đi, bà ta lại dừng chân, chắc để thở. Cái đuôi khăn mỏ quạ ở sau gáy bà bay lất phất.

Trong vẻ vất vả của bà ta, Nguyễn Văn Việt định xuống xách đỡ cái làn song lại ngần ngại. Anh không muốn báo tin Tứ chết trên con đường bà Dậu đang cố vượt lên. Trong lúc xúc động, biết đâu bà chẳng lăn xuống những ruộng rau sâu hút ở hai bên đường.

Nguyễn Văn Việt chỉ còn cách đứng im chờ đợi.

Bỗng anh cười chua chát nghĩ thầm:

- Nguyên cái chết của Tứ cũng đủ khiến bà ngất xỉu, lọ là phải nói đến những sự dối trá của Tứ từ trước tới giờ.

Anh liên tưởng đến vẻ mặt hốc hác gớm ghê nhưng khẩn thiết của Tứ lúc trối trăng.

Trong căn phòng ánh sáng lờ mờ, Nguyễn Văn Việt và Liên ngồi xuống nghe Tứ dặn dò. Trông họ như hai cái bóng bên một xác ma. Trong lúc Liên sùi sụt khóc, giọng Tứ thật yếu vọng đến tai Việt:

- Tôi không thấy sợ chết, chỉ sợ cô tôi biết tôi đã chết ở đây.

Nói được bấy nhiêu lời, Tứ như đã hết hơi. Mắt anh nhắm lại, mồm anh méo xệch đi.

Liên kinh hãi, thấy “món đồ quý giá vừa lấy lại được” nay đã hoàn toàn tan nát, không còn mong gì chiếm lại được như trước kia. Còn Nguyễn Văn Việt cũng sửng sốt. Ngũ quan anh dường như mở rộng ra để đón lấy tất cả những nét thê lương đặc biệt đang diễn ra bên một cái chết. Tai anh lắng nghe từng hơi thở, mắt anh mở rộng nhìn từng vũng đen, khối sáng trên mặt bạn. Anh bỗng nhiên buồn rầu nghĩ thầm:

- Có bao giờ mình làm sống lại được phút nầy trong tác phẩm!

Anh thấy cái chết hoàn toàn mới mẻ. Nhất là cái chết của một người bạn thân lại càng khiến anh có nhiều rung động lạ thường.

Bỗng Tứ lại cất tiếng nói:

- Nhớ nói với cô Dậu, tôi hối hận vì những câu truyện tương lai đã nhiều lần tôi nói với cô.

Nói xong câu nầy, Tứ chết.

Bây giờ nhìn bà Dậu hăm hở đi ngược lên, Nguyễn Văn Việt thấy làm theo lời dặn của Tứ là thừa. Anh lại cười vì một ý nghĩ vơ vẩn:

- Nếu có linh hồn, Tứ sẽ oán mình lắm.

Chợt anh giật mình. Có tiếng la thất thanh của bà Dậu ở dưới đường. Anh nhìn xuống, thấy bà trượt chân, lảo đảo ngã xuống con đường dốc. Cái làn văng xuống một ruộng rau.

Nguyễn Văn Việt vội vã chạy xuống.

Khi anh xuống tới nơi, bà Dậu đã đứng dậy được. Bà lom khom lại bên một mép đường, ngồi bệt xuống một cụm cỏ lá dài như lá mía. Vạt áo lấm lem, hai bàn tay nhăn nheo bết đất thó đỏ. Bà lúng túng nhìn xuống một ruộng rau ở dưới chân. Cái làn của bà đang nằm yên bên một đống phân cỏ phủ kín.

Nguyễn Văn Việt hỏi:

- Bác có sao không?

Bà Dậu không đáp, lại trách:

- Đường trơn thế này, thấy tôi xách nặng, anh chẳng xuống giúp một tay, lại cứ đứng trên nhìn xuống!

Nhìn xuống ruộng rau, Nguyễn Văn Việt nói:

- Cái làn của bác, để cháu…

- Bệnh tình em Tứ ra sao hả anh?

Bà Dậu chợt lo lắng ngắt lời Nguyễn Văn Việt.

Nguyễn Văn Việt lúng túng như lúc mới thấy bà Dậu ở cuối đường dốc. Anh ngập ngừng nhìn lên đồi, ngập ngừng nhìn vẻ mặt đăm chiêu chờ đợi của bà Dậu. Rồi không hiểu sao anh buồn rầu đáp:

- Tứ đã mất chiều hôm qua.

Nguyễn Văn Việt không biết mình nói xong lúc nào, chỉ thấy có tiếng la thật to đập ù vành tai.

 

***

 

Tứ đã mồ yên mả đẹp.

Sáng nay, sau khi thu xếp xong mọi việc, bà Dậu, Liên và Nguyễn Văn Việt xuống cuối con đường dốc chờ xe.

Trong khi Nguyễn Văn Việt châm thuốc hút đứng ngóng xe từ thành phố xuống, bà Dậu ngồi trên chiếc va li để bên vệ đường ngẩn ngơ, thì Liên nhìn lần cuối cùng căn nhà chênh vênh trên sườn đồi như một cái chòi bỏ hoang. Căn nhà nầy hoàn toàn xa lạ với Liên khi nàng đứng đây trông lại. Nó không còn một dấu hiệu chứng tỏ đã có thời kỳ Tứ ở đó, mê sảng liên hồi, chập chờn thấy bóng dáng cô Dậu. Và chính Liên cũng không ngờ ở đó, có một cánh cửa đóng im ỉm thỉnh thoảng lại vội vã hé ra để Liên lặng lẽ bước ra sân hay lặng lẽ đi vào.

Nhớ lại mấy ngày qua, Liên bàng hoàng như vừa qua một giấc mộng dài đầy truyện buồn phiền. Bây giờ, Liên chỉ còn thấy rã rời chân tay, muốn có một chỗ để ngồi.

Nguyễn Văn Việt lại bên Liên, nói:

- Chị còn nhìn căn nhà đó làm gì.

- Để từ biệt. Vì từ nay hai chị em tôi không còn bao giờ tới đây nữa.

Ngạc nhiên, Nguyễn Văn Việt lập lại:

- “Hai chị em” chị?

Liên cười buồn, ngước nhìn Nguyễn Văn Việt như để gợi sự chú ý rồi chậm rãi:

- Tôi không rõ Tứ chết, tôi thiệt hại những gì. Chỉ rõ, từ giờ phút nầy, tôi thấy Tứ luôn luôn ở bên cạnh. Tôi không còn những nỗi lo sợ mơ hồ ám ảnh hết ngày nầy qua ngày khác. Trước kia tôi vẫn ví Tứ như một vật quý giá tôi vừa chiếm lại được, tuy tôi sung sướng nhưng tôi cũng lo âu không ít…

Nguyễn Văn Việt nghe từng lời nói của Liên, nghĩ đến từng cuốn tiểu thuyết hồi tiền chiến. Anh vung tay vu vơ như muốn nói một câu gì nhưng rồi lại im lặng chờ Liên nói tiếp. Trí tò mò của anh đang trổi dậy một cách quá ư mạnh mẽ.

- Bây giờ, Tứ chết, bảo vật đã tan nát nhưng nó vẫn mãi mãi là của tôi mỗi khi nghĩ đến nó. Từ nay, Tứ sẽ trở nên hiền lành hơn, dễ thương hơn bên cạnh tôi.

Liên nói tới đây, ngừng lại hẳn. Nguyễn Văn Việt thoáng nhìn nàng, tò mò. Anh thấy những lời trên thốt ra từ miệng Liên là thường nhưng vẻ mặt tha thiết, thành thật khi nói khiến anh lấy làm lạ.

Nguyễn Văn Việt chợt lại vung tay vu vơ. Anh vội nói để bắt kịp ý nghĩ:

- Còn tôi, sự thực tôi xúc động mạnh khi biết Tứ chết. Đây là lần đầu tiên tôi phải chứng kiến cái chết của một người thân. Những nỗi hoảng hốt, đau đớn của tôi mấy ngày vừa qua sao lại lạ lùng, mới mẻ đến thế.

Liên cười khô môi ngắt ngang:

- Những rung động mới mẻ này sẽ giúp anh trở nên phong phú hơn, thành thật hơn trong các tác phẩm tương lai.

Nguyễn Văn Việt đáp:

- Tôi đã nghĩ như chị từ khi mới bước chân tới đây. “Những đau khổ làm cuộc sống phong phú hơn” nhưng phải cái mua hơi đắt.

Nói xong Nguyễn Văn Việt cười vu vơ, Liên cười theo.

Trong lúc ấy nắng đã lên cao, khí lạnh bắt đầu tan. Bà Dậu ngồi trên chiếc va li bên vệ đường, buộc lại cái khăn mỏ quạ. Hai bàn tay còn dính đất sét dần dần trở nên trắng khô.



  * Y Uyên (SPSG  k.1 -1962-64 ),dạy học ở Tuy Hòa -Phú Yên,nhập ngũ và mất   ngày 8/1/1969 dưới chân núi Tà Lơn lúc mới 29 tuổi

Ngộ không Phi Ngọc Hùng chuyển





Mời Xem :BÃO KHÔ - Y Uyên (SPSGK.1: 1962-64 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét