19 thg 5, 2021

Tên phố - Đức Hoàng



Tôi chơi với một người chở hàng. Anh sống dưới bãi sông Hồng, hàng ngày lên phố chở hàng thuê cho một công ty sản xuất đồ gia dụng. Một “shipper” theo cách gọi hiện đại bây giờ.

Nhưng người chở hàng ấy không biết đọc. Nhà nghèo, anh bỏ học quãng năm lớp 4, bây giờ đã quên hết mặt chữ.

Công việc vẫn trôi chảy, dù anh không thể đọc được tên đường, chứ đừng nói tới xem bản đồ trực tuyến như các tài xế hay “shipper” trẻ bây giờ. Anh tìm đường theo một cung cách kinh điển của người Việt: Đường ở mồm. Đi tới đâu, anh hỏi tới đó. Mọi thứ vẫn ổn. Thậm chí là còn thăng tiến. Ngày tôi mới gặp, lương anh có 4 triệu. Bây giờ, thành phố Hà Nội đã mở rộng tới mức ngườibiết xem bản đồ cũng còn phải loay hoay, nhưng lương anh đã lên 7 triệu - còn hay được thưởng thêm. Cuộc sống vui vẻ.

Tôi nhớ đến người bạn không biết đọc biết viết ấy, khi một số nhà hữu trách của thành phố Hà Nội đề xuất đặt tên đường bằng số vì 2 lý do: phù hợp cho quản lý; và kho tên đường theo danh nhân đã cạn.

Thật ra sống ở một thành phố đánh tên đường bằng số khá dễ chịu. Bạn rất khó lạc đường ở New York. Bạn đang đứng trước Tháp Trump, ở khối nhà giữa đường 56 và đại lộ số 5, bạn muốn tham quan Quảng trường Thời đại. Nó nằm ở nút giao giữa Đại lộ số 7 và đường 48. Tức là bạn đi thẳng 8 nút giao về phía Nam, rồi rẽ phải đi qua 2 đại lộ nữa. 56 trừ 8 bằng 48. 5 cộng 2 bằng 7. Bạn đã đến đích.

Tương tự, ở khu phố Tàu của Yangon, Myanmar, bạn cũng chỉ cần biết làm tính cộng và trừ để đến được địa chỉ mong muốn.

Thoạt nghe, ý tưởng về việc đánh số tên đường tại Hà Nội nghe xuôi tai. Nhưng nếu bạn mở bản đồ ra ngay lúc này, và xem khu China Town của Yangon (một nước kém Việt Nam về nhiều mặt kinh tế) và New York (thành phố giàu có nhất thế giới), bạn sẽ nhìn thấy điểm chung: đường phố được quy hoạch thành những hình chữ nhật đều tăm tắp, các con đường song song và giao với nhau theo những góc vuông. Việc đánh số trở nên hết sức phù hợp.

Việc đánh số không phản ánh trình độ quản lý hay mức độ phát triển. Nó đơn giản là một lựa chọn phù hợp với những thành phố được quy hoạch bằng ê-ke và thước kẻ. Đó, tất nhiên, là một thách thức với Hà Nội. Nếu các con đường vẫn xiên với nhau thành những hình thù phức tạp, thì việc đánh số không có ý nghĩa gì cho người dân. Anh bạn tôi vẫn sẽ phải sử dụng trí nhớ.

Hà Nội đã đặt tên đường theo danh nhân và địa danh lịch sử từ hơn 100 năm qua. Đó là một lựa chọn về văn hóa. Và ở một thành phố có hơn 1000 năm lịch sử, sẽ rất khó nghe nếu nói rằng hết danh nhân để đặt tên đường.

Sở VHTT Hà Nội cách đây vài tháng có lý giải: danh nhân cận và hiện đại cần thời gian để nghiên cứu, bổ sung vào quỹ tên đường. Tức là ở đây có một sự bất tiện, chứ không phải bất khả thi. Danh nhân chắc chắn vẫn còn. Lịch sử chưa cạn kiệt. Nếu thực sự muốn làm, vẫn có thể làm được.

Cuối cùng, ý tưởng về việc đặt tên đường bằng số, nghĩ kỹ, thật ra liên quan khá nhiều đến sự “tiện” trong quản lý. Tiện vì không phải tìm thêm danh nhân bổ sung vào danh mục. Tiện cho quản lý bằng công nghệ số sau này.

“Tiện cho quản lý” thật ra là một lý do khá phổ biến trong điều chỉnh chính sách ở nước ta.

Trong nhiều trường hợp, chữ “tiện” này xứng đáng là một lý do để xem xét. Nhưng đôi khi, nó bị lạm dụng. Đôi khi, “tiện” chỉ máy móc là “bớt việc” chứ không phải là “phù hợp”.

Nếu đặt “tiện cho quản lý” là nhiệm vụ ưu tiên trong ban hành chính sách, thì chúng ta sẽ còn thấy nhiều kịch bản như là “cấm xây nhà nhại kiến trúc Pháp” (chỉ đạo của Bộ Xây dựng cách đây 4 năm) hay là “đồng phục biển hiệu” (ở đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội). 100% biển hiệu giống hệt nhau, do nhà nước thiết kế, thì rõ là tiện cho quản lý.

Sẽ có nhiều lý do văn hóa để cân nhắc trước lý do “tiện” của đề xuất đặt tên đường theo số ở Hà Nội. Bản thân chính quyền thành phố đã từng rất tự hào với những con đường được đặt tên có ý nghĩa của mình, từng làm các tấm bảng lý giải ý nghĩa lịch sử của từng tên phố.

Chắc chắn là nếu nói với bạn tôi, rằng các nhà quản lý cần đặt tên theo số cho “tiện quản lý” thì anh sẽ thắc mắc: anh vẫn nuôi 3 đứa con chính bằng việc quản lý các cung đường mình đi, mà không hề biết đọc tên đường.

Thế thì tại sao những người biết chữ lại cho rằng cái tên đường gây khó khăn?

Đức Hoàng

Ảnh từ trang chinhphuvn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét