23 thg 5, 2021

CHÚC MỪNG GS Hoàng Thị Khánh Trang: thêm một giải thưởng khoa học danh giá

 DĐKP giới thiệu: Trang Hoàng (Hoàng Thị Khánh Trang) vốn không xa lạ gì với chúng ta. Cách đây 2 năm, chị đã nhận hai huân chương cấp cao Canada. Năm nay thêm một giải thưởng danh giá về vi sinh học. Chị Trang tốt nghiệp tiến sĩ sinh học tại Đại học Lausanne Thụy sĩ, làm Postdoc về miễn dịch học tại Đại học Cambridge Anh, Postdoc về di truyền học tại Đại học Toronto Canada trước khi về Montréal làm nghiên cứu, giảng dạy và trở thành giáo sư Đại học Montréal hơn 20 năm nay. Xin chúc mừng chị Trang và chia vui với bằng hữu ở Thụy Sĩ và Canada. Tiếc là DĐKP không thực hiện được một cuộc phỏng vấn để cống hiến bạn đọc, vì chị nói: Tuy rằng giải thưởng mang tên cá nhân mình, nhưng tự trong lòng mình biết công ơn của bố mẹ đã hướng dẫn con cái, công ơn đại gia đình, và tình thương bạn bè thân qúy, những điều đã cho mình thêm sức mạnh để làm việc này việc nọ”.

Thông báo của Đại học Montréal:

“Trang Hoàng, nhà nghiên cứu chính tại Viện Nghiên cứu Miễn dịch và Ung thư (IRIC) và là giáo sư tại Phân khoa Dược, Trường Y của Đại học ​​Montréal, vừa nhận được giải thưởng cao quí của Hiệp hội Khoa học Vi sinh Phân tử Canada (CSMB), tức Hiệp hội Jeanne Many Fisher.

Hiệp hội này được thành lập để tưởng nhớ Jeanne Mannery Fisher, nữ giáo sư sinh hóa tại Đại học Toronto. GS Fisher không chỉ là một nhà sinh hóa xuất sắc, mà còn là một giáo sư ngoại hạng. Bà là người đấu tranh không mệt mỏi cho quyền bình đẳng nam nữ trong khoa học.

Giáo sư Hoàng là biểu tượng của các giá trị xuất sắc trong nghiên cứu và giảng dạy, dịch vụ cộng đồng rộng lớn, công bằng và sự đa dạng trong xã hội – đó là lời phát biểu của Marc Therrien, giám đốc khoa học của IRIC.

Với những thành công quan trọng trong nghiên cứu bệnh bạch cầu cấp tính (lymphoblastic leukemia), phát triển và nuôi dưỡng các kỹ năng đa ngành trong nghiên cứu ung thư để đào tạo thế hệ các nhà khoa học tiếp theo, Trang Hoàng đã được trao tặng Huân chương Quốc gia ở Québec và Huân chương Thành phố Montréal, đẳng cấp chỉ huy (Commander) cùng năm 2019.

Trong suốt sự nghiệp nổi bật của bà, Trang Hoàng là một biểu tượng đáng chú ý dành cho giới trẻ, cả nam lẫn nữ, khao khát sự nghiệp khoa học. Bà đã đào tạo hơn 72 [ND: đúng ra là 92] nghiên cứu sinh PhD và hậu tiến sĩ, những người sau đó nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong các học viện, trong công nghiệp sinh học và trong các cơ quan tài trợ nghiên cứu. Là một người cố vấn, bà đã thúc đẩy sự sáng tạo ở phụ nữ và khuyến khích họ theo đuổi sự nghiệp trong nghiên cứu.

Được công nhận về chuyên môn của mình ở vị trí đi đầu trong sinh học tế bào gốc tổng quát và bệnh bạch cầu, TS Hoàng cũng đã phục vụ trong các hội đồng thẩm định của các quĩ nghiên cứu quốc tế và Canada. Bà cũng thuộc hội đồng cố vấn của Quĩ nghiên cứu Sức khỏe Québec và của Hiệp hội Bạch cầu và Ung thư hạch Canada. Nghiên cứu hiện tại của bà liên quan đến phân tích định lượng về các tương tác gen hóa học trong các tế bào động vật có vú, sử dụng các xét nghiệm chức năng thông lượng cao cho việc xác định một cách có hệ thống những nguy cơ có thể phát sinh trong các các tế bào gốc”.

Thông báo của Hiệp hội Khoa học Vi sinh Phân tử Canada (CSMB):

Giải thưởng sẽ được trao vào tháng 6.2021. Trong thông báo quyết định trao giải, Hiệp hội tóm tất như sau về Trang Hoàng:

“Trang Hoàng là một người ủng hộ không mệt mỏi của nghiên cứu liên ngành, và truyền đạt tính chất đặc biệt này cho chương trình tốt nghiệp sinh học phân tử của Đại học Montréal trong những năm 1990. Năm 2003, bà đã cùng một số đồng nghiệp khác để thành lập IRIC, một viện nghiên cứu tiên tiến tổng hợp các hệ thống sinh học. Năm 2006, bà đã cùng với các đồng nghiệp tại IRIC thiết kế chương trình giảng dạy mới trong hệ thống Sinh học và Ung thư tại Đại học ​​Montréal, một ngành học sau đó đã nhận được giải thưởng xuất sắc trong đào tạo sau đại học từ Khoa Y học. Bà đã đào tạo 92 nghiên cứu sinh và các nghiên cứu hậu tiến sĩ, những người sau đó trở thành lãnh đạo trong nghiên cứu và công nghiệp. […] Nghiên cứu của Tiến sĩ Hoàng đã cung cấp những hiểu biết quyết định về cơ chế phân tử của bệnh bạch cầu, được bắt đầu bởi việc lập trình lại khả năng tự tái tạo của các tế bào gốc”.


https://diendankhaiphong.org/chuc-mung-hoang-thi-khanh-trang-them-mot-giai-thuong-khoa-hoc-danh-gia/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét