28 thg 6, 2017

Chùa Thập Tháp - nhớ về 10 ngôi tháp cổ và kinh đô xứ Chiêm Thành xưa (Từ Bình Luận Án )


 LS.Trần Hồng Phong

Chùa Thập Tháp (hay Thập Tháp Di Đà) tọa lạc ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách đường quốc lộ 1 chỉ khoảng 300m. Theo quốc lộ I từ TP. Quy Nhơn ra phía Bắc, qua khỏi thị trấn Đập Đá, đến cầu Vạn Thuận, có con đường đất đỏ bên trái, đi vài phút là đến chùa Thập Tháp.


Được xây nên từ những toà tháp cổ đổ nát

Theo lời xưa truyền lại, sở dĩ tên chùa “Thập Tháp” là nguyên trước đây trên khu đồi ngôi chùa toạ lạc có 10 ngôi tháp Chàm cổ, sau nhiều thế kỷ đã bị sụp đổ. Còn “Di Đà” là danh hiệu đức Phật giáo chủ cõi Cực lạc. Di Đà cũng có nghĩa là lý tánh, bản giác của chúng sinh. Tập hợp các ý nghĩa trên, tổ đình mang tên Thập Tháp Di Đà Tự.

Chùa tổ đình Thập Tháp Di Đà gắn với tên tuổi vị khai sơn là Thiền sư Nguyên Thiều. Năm 1677, ông bắt tay dựng thảo am thờ Phật A Di Đà. Đến khoảng năm 1683, các nhà sư trong chùa đã dùng gạch đá của 10 ngôi tháp Chăm cổ đổ nát gần đó, mà xây dựng lên ngôi chùa.

Có một điều rất đặc biệt, là vị trí chùa Thập Tháp ngày nay nhiều khả năng nằm ngay sát phía ngoài vách thành Đồ Bàn xưa – kinh đô vương quốc Chiêm Thành (người miền Trung hay gọi là nước Hời) ngày xưa. 

Ngày nay (năm 2017), một đoạn thuộc con đường đất đỏ từ Quốc lộ 1 đi vào chùa vẫn còn dấu vết của một bức tường thành cổ, nhiều khả năng chính là tường thành Đồ Bàn ngày xưa. Từ trên “bờ thành” này, nhìn chếch về phía Tây Nam khoảng hơn 1km là ngôi tháp chàm Cánh Tiên sừng sững trên nền trời. Tháp Cánh Tiên ngày xưa nằm trong thành Đồ Bàn. Thành Đồ Bàn chính là nơi Huyền Trân công chúa ở, tội nghiệp nàng công chúa đã bị vua Trần đem “dâng” cho vua Chiêm Thành khi đó là Chế Bồng Mân, để mong tránh cảnh binh đao, bị cướp đất.

Tới nay năm 2017, chùa Thập Tháp đã trải qua 16 đời truyền thừa với nhiều vị thiền sư danh tiếng như: Thiền sư Liễu Triệt, Thiền sư Minh Lý, Thiền sư Phước Huệ … Thiền sư Phước Huệ đã được tôn làm Quốc sư. Ngài đã được mời vào giảng kinh trong hoàng cung nhà Nguyễn từ đời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại, và giảng dạy Phật pháp ở Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế) từ năm 1935.

Kiến trúc hình chữ “Khẩu” với nhiều nét thẩm mỹ, văn hoá tuyệt vời

Chùa Thập Tháp toạ lạc trên một gò đất bằng phẳng, xung quanh là những cánh đồng lúa bốn mùa xanh tươi. Ngay phía trước cổng chùa là một hồ nước hình vuông trồng sen, soi bóng mây trời, xung quanh là những rặng liễu loà xoà phủ bóng.

Những ngày Tết, nơi này vẫn thường tổ chức hát bài Chòi, một nét văn hoá độc đáo của người miền Trung, Bình Định

Cổng chính chùa đối diện với hồ sen, với hai trụ biểu vuông cao, trên đặt hai tượng sư tử ngồi uy nghi, nối một vòng cung, phía trên có gắn hai chữ "Thập Tháp". Sau cổng là tấm bình phong, mặt đắp nổi long mã phù đồ đặt trên bệ chân quỳ.

Chùa kiến trúc theo kiểu chữ “Khẩu”; gồm ngôi chánh điện, đông đường (giảng đường), tây đường (nhà Tổ) và nhà phương trượng.

Theo tư liệu để lại, ngôi chánh điện do Thiền sư Liễu Triệt cho trùng kiến vào năm 1749. Ngôi chánh điện ngày nay mái thẳng, lợp ngói âm dương, trên nóc có lưỡng long tranh châu. Phật điện được bài trí tôn nghiêm, chính giữa thờ tượng Tam Thế Phật, Chuẩn Đề, Ca Diếp, A Nan; khám thờ Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng đặt hai gian hai bên điện Phật; hai vách tả hữu đặt tượng Thập Bát La Lán, tượng Thập Điện Minh Vương, Hộ Pháp, Tổ sư Đạt Ma và Tổ sư Tì Ni Đa Lưu Chi. Hầu hết các tượng thờ đều được tạc vào thời Thiền sư Minh Lý trụ trì (1871-1889).

Chùa đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban tấm biển "Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà Tự" treo giữa cửa chính ngôi chánh điện, Hòa thượng Mật Hoằng trùng khắc lại năm 1821. Đại hồng chung (đúc năm 1893) và trống lớn được đặt ở hai đầu hành lang.

Phía sau chánh điện có tấm bia ghi bài minh Sắc tứ Thập Tháp Di Đà Tự bi minh do cư sĩ Dương Thanh Tu biên soạn, Hòa thượng Minh Lý lập năm 1876.

Nhà phương trượng nằm sau ngôi chánh điện do Quốc sư Phước Huệ cho xây vào năm 1924. Nhà Tổ ở phía Nam, nối ngôi chánh điện và nhà phương trượng, thờ Tổ khai sơn Nguyên Thiều và chư vị trụ trì, chư Tăng quá cố và chư Phật tử quá vãng. Đối diện nhà Tổ là giảng đường, ở đây có bảng gỗ ghi bài "Thập Tháp Tự Chí" do Thị giảng Học sĩ phủ An Nhơn Võ Khắc Triển soạn năm 1928, ghi lại lịch sử khai sáng, quá trình xây dựng và truyền thừa của ngôi tổ đình Thập Tháp.

Có thông tin nói ở chùa còn lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú ... Bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường còn 1.200 quyển kinh, luật, luận và ngữ lục. Chùa còn lưu giữ bộ Đại Tạng Kinh Cao Ly và bộ Đại Tạng Kinh Đài Loan.

Vườn tháp Tổ nằm ở phía Bắc với 20 ngôi tháp cổ kính an trí nhục thân của các vị trụ trì và chư tôn túc trong chùa. Sau chùa, còn có tháp Bạch Hổ và tháp Hội Đồng

Trong chùa còn có Hòn Đá Chém. Tương truyền “Hòn Đá Chém làm bậc cấp Phương trượng, do nhà Nguyễn kê đầu chém giết nghĩa quân Tây Sơn, xưa kia nằm trong khu vực thành Hoàng Đế, gần lăng Võ Tánh và Tháp Cánh Tiên. Hòn Đá Chém rất thiêng, những đêm tối trời đầu lâu từ đó lăn ra khắp xóm làng than vãn, dân chúng kinh hãi báo với Quốc sư Phước Huệ 1869-1945, trụ trì chùa Thập Tháp, hòa thượng truyền đem về cửa thiền, từ đó các vong hồn được khuây khỏa dần.

Năm 1990, chùa Thập Tháp được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Chùa Thập Tháp Di Đà là ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung. Chùa Thập Tháp Di Đà có Sắc tứ Thập Tháp di đà tự (do quốc chúa Nguyễn Phúc Chu ban trong thời kỳ trị vì 1691-1725).

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép về chùa Thập Tháp như sau: “Sau chùa có 10 tòa tháp Chàm, nhân đó thành tên, nay mười tháp đã đổ nát. Chùa do Hòa thượng Hoán Bích (thường gọi Nguyên Thiều Siêu Bạch) dựng nên dưới thời Thái tôn Hoàng đế triều Nguyễn nước ta”. 

Tôi ghé thăm chùa Thập Tháp chiều 29 Tết Đinh Dậu 2017
Chùa Thập Tháp ở gần quê ngoại của tôi, nên tôi đã nhiều dịp ghé thăm vào những dịp về quê ăn tết.  
Khoảng 14 giờ chiều 29 tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, tôi một mình lái xe chạy vào thăm chùa. Lòng thanh thản nhẹ nhàng, muốn tận hưởng một chút riêng tư, thanh tịnh mà linh thiêng cõi thiền.
Cũng như những lần trước, cổng chính chùa luôn khoá, nhưng cổng phụ bên cạnh thì luôn rộng mở, đón khách thập phương. Nhưng có lẽ đã là những ngày cuối cùng trong năm, ai cũng tất bật những công việc nhà, nên chùa rất vắng, chỉ có đúng một mình tôi là khách! 
Tôi đỗ xe ở ngoài, rồi đi vào chùa. Một sư thầy từ phía xa chắp tay chào tôi, tôi chắp tay chào lại, nói "a di đà phật". Nhà sư như hiểu tôi muốn vào vãn cảnh chùa, nên ngoảnh mặt nhìn vào phía trong như muốn ngỏ ý "quý khách cứ tự nhiên". Mà quả thật hầu như tất cả mọi ngôi chùa ở Việt Nam, khách thập phương đều có thể "tự tiện" đi vào chùa, vào những nơi linh thiêng nhất, và bất kỳ "ngóc ngách" mà hoàn toàn không bị ai cản trở, theo dõi.   
Tôi thong thả đi lòng vòng khắp nơi trong chùa, ngắm kỹ những gì mà mình thấy thích, chụp ảnh ... 
Mỗi lần ghé chùa Thập Tháp, tôi thường nghĩ mình đang đi trên một vùng đất linh thiêng, với biết bao biến cố oai hùng trong lịch sử hàng ngàn năm qua. Nơi đây từng là kinh đô của vương quốc Chiêm Thành, đã bị diệt vong bởi sự xâm lấn của nước Đại Việt từ khoảng 800 năm trước. Nơi đây người con gái kiên trinh của nước Việt là công chúa Huyền Trân từng ở và là hoàng hậu trong một cuộc hôn nhân bị ép uổng, là nơi một vua nhà Trần đã bỏ mạng trong một trận chiến với Chiêm Thành. Nơi đây cũng chính là thành Quy Nhơn, kinh đô của anh em nhà Quang Trung Nguyễn Huệ, với những trận đánh tàn khốc đã đi vào lịch sử. 
Chùa Thập Tháp là 10 ngôi tháp cổ. Nhưng còn đâu, ở đâu? 
Dưới đây là một số tấm ảnh tôi chụp chùa Thập Tháp đầu năm 2017 bằng Ipad Air 2 và đã giảm dung lượng ảnh xuống còn 30%. Mời quý vị cùng thưởng lãm cảnh chùa.



Cổng chính chùa hầu như lúc nào cũng đóng



Hồ nước hình vuông ngay phía trước, trực diện cổng chính. Nơi đây chỉ vài ngày nữa sẽ tổ chức hát bài Chòi, một nét văn hoá rất độc đáo của người Bình Định

Chùa Thập Tháp chia thành hai khu. Ở phía sau khu bên trái là nơi toạ lạc các ngôi mộ của những sư thầy các thế hệ trước. Có những ngôi mộ rất lớn và cổ, có lẽ phải đến vài trăm năm







Từ cổng chính nhìn vào là điện chính, mái ngói vút cao





Từ sân bên trong nhìn qua cổng chính, phía trước là hồ nước



Điện thờ chính







Một bức phù điều trong sân chùa









Đang là mùa xuân, trong chùa rất nhiều hoa, nở rực rỡ, khói hương nghi ngút, linh thiêng






Những pho tượng trong điện thờ chính





Bên ngoài gian điện chính, một bên là một chuông đồng, một bên là trống lớn



Chuồng đồng (đại hồng chung)



Cổng nhỏ từ khu bên trái vào khu điện chính



Sân chùa Thập Tháp





Phía trước chùa có một cây đề cổ thụ, rợp mát một góc chùa



Cổng phụ luôn rộng mở



Như đã giới thiệu trong bài. Trên con đường vào chùa, nhìn xa xa thấp thoáng tháp Cánh Tiên, đây là một tháp chàm cổ và cũng rất nổi tiếng. Tháp Cánh Tiên nằm trong khu vực thành Đồ Bàn - kinh đô của vương quốc Chiêm Thành xa xưa. Nay đã là dĩ vãng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét