Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những hệ lụy kinh hoàng, đến năm 2050 tác động của nó sẽ khiến hơn nửa triệu người chết vì đói.

Nếu
lượng khí CO2 thải ra môi trường tiếp tục duy trì ở mức hiện tại, thì
đến năm 2050 tỷ lệ tăng dự trữ thực phẩm toàn cầu sẽ giảm 1/3 so với dự
tính (Ảnh: corenarm)
Đó là kết quả của nghiên cứu mới đăng trên tạp chí y khoa The Lancet
của Anh số ra ngày 3/3. Theo đó, tính đến năm 2050, sản lượng lương
thực bị giảm sút do tình trạng nóng lên toàn cầu. Điều này sẽ khiến số
người chết vì thiếu lương thực tăng thêm 500.000 người.
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia đã sử dụng các mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp với những ước tính về lượng khí CO2
thải ra môi trường. Qua đó đánh giá tác động của tình trạng biến đổi
khí hậu đối với sản lượng lương thực, thương mại và tiêu dùng toàn cầu
tính đến năm 2050.Kết quả cho thấy, nếu lượng khí CO2 thải ra môi trường tiếp tục duy trì ở mức hiện tại, thì đến năm 2050 tỷ lệ tăng dự trữ thực phẩm toàn cầu sẽ giảm 1/3 so với dự tính.
Trong khi đó, theo ước tính, trong khoảng thời gian này dân số thế giới sẽ tăng từ 7 lên 9 tỷ người. Điều này đặt ra yêu cầu sản lượng lương thực phải tăng với tỷ lệ cao hơn mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho tất cả dân số thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo với tốc độ tăng nhiệt như hiện nay, điều này sẽ rất khó, thậm chí không thể thực hiện.

Một
người đàn ông đi bộ trên một hồ nước bị cạn trơ tới đáy ở huyện Tam
Nguyên, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. (Ảnh: REUTERS/Stringer)
Người đứng đầu nghiên cứu, Tiến sĩ Marco Springmann tại ĐH Oxford cho biết: “Dù lượng thực phẩm chỉ giảm nhẹ cũng có thể dẫn đến những thay đổi về mặt năng lượng và thành phần trong chế độ ăn. Những thay đổi này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người”.

Ví dụ, tỷ lệ các loại trái cây và rau quả trong chế độ ăn sẽ giảm khoảng 4%, lượng thực phẩm sẵn có trung bình sẽ giảm 3,2% mỗi người, tương đương giảm 99 calo mỗi ngày.
Khi đó, những nước có thu nhập thấp và trung bình có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất; gần 3/4 số ca tử vong liên quan đến biến đổi khí hậu dự kiến sẽ xảy ra ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo, ngay cả khi thế giới đạt được mục tiêu giới hạn mức nhiệt tăng ở 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, thì con số người chết đói vẫn tăng thêm 150.000 người. Hay nói cách khác, dù khả quan nhất thì tình trạng biến đổi khí hậu vẫn gây ra những tác động tiêu cực tới sự sống của con người.
Tiến sĩ Springmann cho biết thêm: “Biến đổi khí hậu có thể gây ra tác động tiêu cực rất đáng kể đối với tỷ lệ tử vong trong tương lai, thậm chí theo những kịch bản lạc quan nhất”.
Bởi
vậy, các chuyên gia kêu gọi mọi người chung tay giảm thiểu lượng khí
thải nhà kính, bảo vệ môi trường để kìm hãm tình trạng nóng lên toàn
cầu.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), tính đến năm
2015, có khoảng 800 triệu người trên thế giới rơi vào tình trạng thiếu
ăn hoặc không được đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng tối thiểu trong một
ngày.
Bảo An tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét