12 thg 4, 2025

Thai Ly: CÚ ĐÁ GIA LĂNG- ThaiLy (T.Vấn Và Bạn Hửu )

 

Hái Dừa – Ảnh (Nguồn): vi.pngtree.com

Chuyện tôi kể, thường là những chuyện “đời thực”, đã lâu rồi, nhưng vì một hình ảnh thoáng qua, một câu chuyện tình cờ, vậy là ký ức xa xưa sẽ sống lại và như vậy sẽ thành câu chuyện, thường là vui, vui thôi, chẳng mang tính giáo điều gì nặng nề cả. Xem như giải trí.

      Trước hết: Thời thiếu nữ, tôi là dân mê phim kiếm hiệp rồi qua võ thuật, lẽ gì nên sinh tôi là con trai thì đúng hơn. Nhỏ thì cả ngày cung kiếm, leo trèo, thiếu nữ rồi thì mê đấm đá, quyền cước; không lẽ tôi múa theo Vương Vũ, Địch Long, Khương Đại Vệ nên từ Trịnh Phối Phối tôi múa theo Chân Trân, Gia Lăng…; múa chưa đã tôi còn phi thân từ trên bàn học qua chiếc giường ngủ, giường sập, cả nhà tá hỏa, bị bà già chửi cho một trận, từ đó sân thượng là nơi tôi lên múa mỗi đêm, chẳng võ vẽ gì, nhưng cũng bày đặt song phi, liên hoàn cước…ha…ha… loạn cào cào. Xui sao, chuyện đời ai biết được tương lai dù gần nhất, tự nhiên, tự nhiên à, tôi lại thành cô giáo, cái nghề nó buộc cái chân, dù gì tôi cũng phải tu thân, tề chỉnh. Và dù muộn, rất muộn tôi cũng lên xe hoa, rồi làm chủ một gia đình, làm mẹ của hai đứa con là hai ả tố nga, nên tôi càng tu thân để tề gia. Tưởng vậy là vậy, nhưng chuyện bất khả kháng xảy ra; giờ nhớ lại tôi cũng không biết mình là “công hay tội”. Ôi, nói cho có vẻ sách vở thì “hãy để đời sau nhận định lịch sử đời trước” vậy, giờ là câu chuyện lịch sử. Lịch sử của riêng tôi.

           Bối cảnh lịch sử: khi ấy tôi đã ra riêng, thế giới của tôi là nếp nhà vách đất nhưng mái lợp ngói, nền lát gạch bông, sân lát gạch, có sân vườn cây trái hẳn hoi, chủ yếu là dừa, trước sau có sáu cây, hai cây dừa bung, chỉ bán trái già, bốn cây là dừa xiêm, ngọt lắm. Nhưng vợ chồng đều là dân đường nhựa nên chủ yếu là bán trái thôi. Người ta đến hái, xong đếm trái lấy tiền, vô cùng nhàn hạ. Có điều: nếu họ hái ngày chủ nhật thì ba các cháu phụ “mở dây” chứ ngày khác thì chỉ có tôi và hai đứa nhỏ, thỉnh thoảng mới có má chồng nên cũng ngại lắm. Dây họ dùng là sợi dây dừa khá to, khi cột dĩ nhiên họ cột thật chặt để thả dần dần quầy dừa xuống đất, nên khi mở ra để họ kéo dây lên chặt tiếp quầy khác thì người dưới đất, thường là chủ nhà phải mở, tay tôi mà mở xong thì… đau ba bốn ngón, tận ba bốn ngày nên rất ngại.

 Thói thường, người ta nói: ghét của nào trời trao của đó. Hôm ấy, ảnh vắng nhà, họ đùng đùng tới kêu cửa hái dừa, tôi đang hẹn hò “mai mốt” vì thấy họ đi chỉ một mình, vai vác cuộn dây dừa mới keng, to tướng, thường họ có hai người lận; tôi biết ngay, người nhà phải phụ, sao tôi phụ chứ? Nên nói ầu ơ: 

             – Em ráng qua chủ nhật đi. Chị không mở được dây đâu! 

           Người hái vốn là chỗ thân quen, kinh nghiệm đầy mình, cậu ấy nói: 

             – Ăn thua gì, em leo xuống mở rồi leo lên hái tiếp… Em chưa định hái, nhưng đi ngang thấy dừa “túm đít” rồi, không hái sợ già quá mất ngon. 

             – Ai để em khổ vậy?

             – Ăn thua gì chị ơ…

         Cậu ấy chưa dứt câu, bà má chồng tôi chặn ngang:

             – Tao mở cho, khó gì đâu na!

         Bà nói, tôi chưa kịp lên tiếng cậu ấy đã băng băng đi vào sân, kêu cho mượn cái dao, má chồng tôi vui vẻ, phải nói là hăng hái, nhiệt tình vào lấy cái dao lớn đưa ngay. Thôi, vậy là “chỉ tiến”, tôi gọi hai đứa nhỏ vào nhà vì sợ “tên bay đạn lạc”, nhắc thêm bà già chồng:

              – Má lên thềm ngồi đi! 

         Bà già không chịu lên thềm nhà mà cứ lẩn quẩn trên sân, còn tiến sát đến gốc dừa, kêu mãi, mà không vô, tôi thật là phiền lòng, càm ràm: 

            – Má vô giùm cái, lỡ rớt trúng thì sao…

          Nhất định bà không vào, còn trả lời rặt giọng Phan Thiết:

            – Mắc mớ gì na!

          Miệng thì tôi nhắc bà già, mà mắt thì ngó người hái dừa, đang quấn dây quanh bụng, cột cái dao vào một đầu dây, chuẩn bị leo lên… tự nhiên tôi rùng mình khi thấy: đầu dây cột dao không sít sao, bởi dây còn mới, nó tung teng, ngúc ngoắc sao đó, nhìn thật chẳng yên tâm, tôi nhớ có nhắc cậu ấy, nó cũng có trả lời tôi:

            – Không sao mà, chị đừng lo. (Nhớ nó có cười nữa…)

         Nó leo lên, leo như vượn, nhanh thoăn thoắt tôi quay lưng định đi vội vào nhà vì còn hai đứa nhỏ trong ấy, rồi như một linh tính, khi thấy má chồng tôi không lên thềm mà ngồi ngay góc sân, cách cây dừa hơn 2m; chợt… thoáng cái như ánh chớp hơi loé sáng trên ngọn dừa, một phản xạ thật bất ngờ như có ai xui khiến, tôi chỉ kịp vói chân “đá” hay “đạp” thật tình không nhớ nỗi, giờ nhớ lại, trong đầu tôi vẫn mù tăm, mù tịt, tôi vút chân một cái khiến bà cụ bật ra xa, về bên trái, tôi vừa kịp rút chân về vẫn đang đứng bên phải, cũng vừa khi lưỡi dao cắm phập xuống chỗ bà già ngồi lúc nãy, ở giữa hai người. Im lặng, một sự im lặng điếng người giữa ba người: cái cậu hái dừa đang còn trên cây, cả bà già còn lăn quay trên đất và tôi, vẫn trong cơn bàng hoàng… Và một khi đã ở trong cảnh ấy thì tôi sẽ chẳng mở miệng nói gì nữa, cứ thỏng tay và nhìn; cậu ấy từ trên cây dừa tụt xuống, bà già lồm cồm ngồi dậy, rồi cả hai gần như đồng loạt cùng nói, cùng phân bua: 

              – Dây mới chị à, cột nó không khít, em mới …

              – Ai biết nó làm dao rớt, biết ai ngồi chi…

         Nghe, nhưng tôi không trả lời ai. Cứ nghĩ: 

              – Tự nhiên mang tiếng “đá mẹ chồng”… rồi tự biện hộ “hình như ai đó nắm chân mình đưa ra chứ chắc không phải mình … Và… ai mới thật sự là người “đưa chân ra đá” hay “nhập cho tôi”? Trịnh Phối Phối hay Gia Lăng?. 

         Nỗi ám ảnh đeo bám tôi một thời gian khá dài, thiệt tình càng nghĩ càng thấy: chuyện đời, chuyện tai nạn xảy ra chẳng ai biết trước. Chỉ mong cầu hai chữ bình an và phải cẩn trọng trong mọi tình huống để khỏi ân hận chứ còn…Biết đâu mà tránh chứ. 

Thai Ly.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét