31 thg 3, 2024

Một Lần Lời Lỡ Quên - Thuyên Huy

Một Lần Lời Lỡ Quên

Chuyện viết bằng tưởng tượng để tặng hai cô giáo

 

    Lưng chừng chiều, trời Sài Gòn vẫn còn nắng, cái nắng giữa Hạ, hâm hấp nóng. Cũng hơn một năm mấy Huấn mới về lại. Đường phố Sài Gòn chiều thứ bảy, chiều nay không khác gì ngày cũ, cũng quần là áo lụa muôn màu muôn vẻ, vẫn ngựa vẫn xe, đầu phố cuối phố đâu đó vài ba màu áo trận, chiến tranh vẫn chưa về gần thành phố mặc dù có tiếng đai bác vọng về xa xa, có hỏa châu lơ đảng nhạt nhòa tranh sáng tranh tối trong đêm, những đêm Sài Gòn chưa ngủ.

    Từ bên đường qua, giờ này rạp xi nê Casino chật nức người chờ mua vé, định vào cái hẻm nhỏ sâu bên hông rạp kiếm cái gì ăn chiều trước khi về nhà trọ cũ, căn nhà của hai bác công chức già về hưu mà Huấn đã ở suốt mấy năm đại học, ngày mới chân ướt chân ráo nhà quê lên Sài Gòn.

    Còn đứng lại đầu hẻm, nhường đường cho một cặp trái gái trẻ đi trước, bâng quơ nhìn thiên hạ lại qua, từ dưới hướng Lê Thánh Tôn lên, ngạc nhiên và không ngờ, một trong hai người đi lên gần tới là cô Quỳnh Dy, cô giáo sư môn toán trường học tỉnh nhà, chắc hơn năm sáu năm rồi không gặp lại, Huấn trố mắt nhìn, ngạc nhiên và không ngờ, cô Quỳnh Dy cũng như Huấn, ngạc nhiên và không ngờ “Huấn đây sao?”, Huấn cúi gật đầu chào một tiếng “dạ”.

*

    Con nhà nghèo, nhà có được hơn vài mẩu ruộng gò do ông bà nội để lại khi qua đời ở cái ấp nhỏ của một làng quê nghèo, nằm dọc theo bờ nhánh sông dài chảy xuôi về miệt miền Tây. Ba má nhọc nhằn hôm sớm, nắng cháy mưa dầm vừa đủ miếng cơm manh áo. Nhà còn lại một mình Huấn sau ngày người chị qua đời vì bệnh sốt xuất huyết lúc mới lên hai tuổi, khi đó Huấn còn bú mẹ, chưa biết bò.

    Gói ghém chút ăn chút để, Huấn cũng tới trường làng, ngôi trường gạch tươm tất trên chợ xã, cách nhà không mấy xa, tính theo con đường lộ ra bến đò đi chợ quận. Rồi trời còn thương, con nhà nghèo nhưng học giỏi, Huấn đậu vào đệ thất trường tỉnh. Thằng nhỏ nhà quê còn mùi bùn được ông xã trưởng thương tình, giúp ba má, vì ba má có quen biết ai đâu, gởi lên ở trọ tại cái chùa cổ kính, nằm khuất sau hàng cây Sao cao rậm lá, xế cuối con đường, cách trường hơn cây số và cũng tứ ngày đó nó xa nhà, nhớ nhà rồi khóc, và cũng từ ngày đó nó quen tiếng mõ hồi chuông, tiếng đại thần chung ngân vang lên những chiều tỉnh mịch, ông sư già ít nói, cười nhiều, thương nó như con, ngày qua ngày lại, trong hậu liêu, ngoài sân chùa, ông dạy nó nhiều thứ từ chữ nghĩa tới lễ giáo, khách thập phương tới cúng chùa cứ gọi nó là “chú tiểu con”.

    Riết rồi quen, mỗi lần Huấn về thăm nhà vài hôm là ông sư già cứ đi ra đi vô, nhìn trời xa xa, buồn mà nhớ. Ba má ít học, ít nói dù nhớ con nhiều nhưng chỉ lên tỉnh ba bốn lần, cám ơn tạ ơn ông sư già, công ơn cho Huấn tá túc học hành, với chút bầu chút cà, chút dưa, mớ rau trồng ở khoảnh đất trủng sau nhà, vậy thôi. Còn Huấn thì, năm đầu chưa biết ất giáp gì, mỗi sáng sớm thứ bảy thì ông sư già dắt Huấn ra đường, đón chuyến xe đò lỡ, gởi anh lơ lo cho về tới quận, đã có lần được má lên dẫn về nên Huấn cũng còn nhớ đường nhớ xá, từ bến xe quận xuống bến đò về làng nhà.

*

   Huấn học toán với cô Quỳnh Dy, tuổi chừng dưới ba mươi, chắc hai mươi mấy, đẹp lắm, cả hai năm đệ lục đệ ngủ, học giỏi, hiền hậu, bạn cùng lớp ai cũng mến, với cô, hiểu cảnh nghèo ham học của Huấn nên cô thương, giúp Huấn nhiều thứ, cô cũng hay đi lễ chùa, thỉnh thoảng xin phép ông sư già cho Huấn về nhà cô chơi, căn phố nhỏ gọn gàng, xế cổng trường một khoảng đường không xa lắm, mà cô mướn từ những năm đầu mới đổi lên trường tỉnh từ Thủ Dầu Một. Lên đệ tứ dù không còn học với cô nhưng tình cô trò vẫn thắm thiết như những năm qua.

  Cuối năm đệ tứ, hết hè, ông sư già mất, có nhà sư khác từ dưới miệt miền Tây lên trụ trì, Huấn về ở trọ tại nhà của bà bác, lo coi sóc chùa từ nhiều năm qua, ăn chay trường, tu tại gia, không con cháu, nằm mé rìa phố chính, hơi xa chùa, xa trường chút xíu, cũng cùng con đường ngang qua nhà cô Quỳnh Dy. Dao này, Huấn không thường về nhà lắm vì chiến tranh dường như ngày càng lan rộng thêm, ấp làng xem ra không yên bình như trước, đêm có tiếng chó sủa nhiều, và đâu đó có bóng dáng người lạ.

    Qua Tết năm đệ tam, đêm lửa trại liên trường tư công, trường Huấn gần hết thầy cô đều tham dự, Huấn quen Ngọc Hân, cùng một lớp đệ tam nhưng bên lớp con gái, qua cô Quỳnh Dy, vì cô quen biết gia đình cô nàng này khá thân. Mới gặp, Huấn ngại nên nghe nhiều ít nói còn Ngọc Hân thì rất tự nhiên, nhanh nhẹn nói cười luôn miệng, hỏi Huấn chuyện này chuyện nọ, tưởng chừng như quen lâu lắm rồi, để ý chút xíu Huấn thấy cô Quỳnh Dy thỉnh thoảng nhìn cô ta rồi nhìn Huấn mĩm cười xem ra hài lòng cái gì đó. Xong hôm trại ai về nhà nấy, Huấn cũng chào từ giã Ngọc Hân như đám học trò khác, không hỏi thêm hỏi bớt.

*

    Hạ tàn, hè xong, trời vào thu, hai ba tuần gì đó đầu năm đệ nhị, sáng thứ bảy, tới nhà như đã hẹn cùng cô Quỳnh Dy tới nhà của người nào đó, mà cô giới thiệu dạy kèm cho cậu con trai lớp đệ lục môn toán, cái môn mà Huân giỏi có tiếng trong trường, thầy cô và số đông học trò đều biết.

    Huấn theo sau, cô Quỳnh Dy đẩy cánh cổng rào sắt khá cao của cái biệt thự kiểu Tây, sân trước đầy những gốc Sứ rộn ràng một màu hoa vàng trắng, cô cười mà không nói nhà của ai thong thả đi vào. Huấn đứng khựng, giựt thót mình khi Ngọc Hân mở cửa trước bước ra. Cô Quỳnh Dy nhìn bộ dạng ngượng ngùng của Huấn rồi nhìn qua Ngọc Hân, cả hai cùng cười nhưng Huấn chết lặng. Cô trò ở lại ăn cơm trưa với gia đình Ngọc Hân, nhà chỉ có me Hân và Hậu, đứa em trai mà Huấn sẽ dạy kèm, ba Hân đi lo chuyện bán buôn ở Sài Gòn chưa về, bữa cơm mà Huấn ăn không dám ăn, uống không dám uống mặc dù cả nhà ai cũng vui vẻ, thiệt tình nhất là bác gái, mẹ Hân cứ một con hai con với Huấn từ đầu tới lúc ra về.

    Đêm ngồi học bài, nhìn quanh mình bổng thấy buồn buồn len lén trong hồn, anh dạy em trai Ngọc Hân cũng được hơn năm sáu chiều thứ bảy, vẫn còn e ngại giữ kẻ trước sự niềm nở của gia đình cô nàng, riêng Ngọc Hân thì ôi thôi líu lo, lăng xăng hỏi han han hỏi, gia đình Ngọc Hân giàu quá, đủ thứ cơ sở làm ăn, nhỏ lớn ở tỉnh cũng như Sài Gòn, cô nàng đi về Sài gòn như cơm bữa. Nhìn lại mình, không dám trách trời cao đất rộng, nhưng hình ảnh ba má gầy gò, dầm mưa dãi nắng, nhà tranh mái lá so với họ, sao thấy  lòng quặn đau, đỏ cay mắt, có những đêm nghĩ tới mà đau nhói, cái ý nghĩ bạc phận đó cứ lãng vãng trong đầu, anh chợt dưng thấy hối hận, phải chi đừng nhận lời dạy kèm thì Huấn đã an phận vui sống như những năm tháng qua.

     Nhưng trớ trêu thay, thời gian chưa dài lắm nhưng gần gũi, nhìn nhau ngày qua ngày lại trong gần nửa năm đi lại, muốn hay không, cố không nghĩ tới nhưng Huấn không dối lòng mình được dù bao lần cố dối, anh đã thương Ngọc Hân mất rồi, cái thương chỉ có riêng mình anh hiểu, thương trộm thương đơn phương, thương để mà thương chớ chưa biết để làm gì, hình bóng Ngọc Hân cứ quẩn quanh trên từng trang sách.

*

    Bữa tiệc mừng thi đậu Tú tài Một của Ngọc Hân và mấy cô bạn gái thân cùng lớp đệ nhị A, Huấn không đến, mà về thăm nhà, cô Quỳnh Dy cũng đã về Thủ Dầu Một từ lâu, trường đang nghỉ hè, mà thật tình, Huấn sợ mình phải lạc lõng ở đó, vì họ đều là con nhà giàu, giàu ít hay giàu nhiều. Đứa em trai của Ngọc Hân, cuối năm lên đệ ngủ với học bạ học sinh giỏi, được bảng danh dự, giỏi hơn mấy năm trước, không biết vì có Huấn kèm hay nó cố gắng, chắc là cả hai. Ở nhà, ba mẹ Ngọc Hân muốn Huấn tiếp tục việc đó nhưng Huấn xin thôi với lý do mà ai cũng cho là hợp lý, năm này là năm quyết định ngã rẽ cuộc đời con trai, không may nếu rớt, quân trường đang mở rộng cửa chờ, chiến tranh lớn dần theo ngày tháng.

    Nhưng có một lý do thầm kín, chỉ riêng mình anh hiểu, anh lo sợ nếu cứ gần gũi như một năm qua, và sự săn đón của Ngọc Hân, anh sợ mình sẽ lún sâu, sẽ vướng vào vòng khổ lụy vì yêu và phận đời nghèo của mình. Dù vậy, không nói ra, có một người biết được và thương cho nổi lòng không biết tỏ cùng ai của Huấn, cô Quỳnh Dy. Suốt năm đệ nhất, dù cố quên nhưng cứ lại ray rứt nhớ thêm, nhớ mà lặng thinh, câm nín, gặp Ngọc Hân nhiều lần, cô nàng vẫn vậy, vẫn tóc thề xỏa ngang vai, nụ cười tươi khó tả, vẫn một anh một em như năm ngoái.

   Bữa tiệc sinh nhật cô Quỳnh Dy, vài hôm trước ngày trường nghĩ hè, mùa thi năm cuối trung học, có Huấn, có Ngọc Hân và mấy cô bạn cùng lớp tại nhà cô, Huấn cũng chưa dám nói ra tình mình nhưng lời cô Quỳnh Dy nói đùa đôi lúc, Huấn thì biết ý cô và dường như Ngọc Hân cũng hiểu rồi, những cái trộm nhìn nhau, đủ cho cô cười. Và từ hôm đó, sau cái chia tay vui ít buồn nhiều của mình, Huấn không còn gặp lại cô và Ngọc Hân, và cũng chưa có lần trở lại trường cũ.

*

    Hai cô trò ngồi nhìn ra đường, sáng chủ nhật, chợ Thủ Đức nhóm từ sớm, người buôn người bán, xe tới xe lui, đông nghẹt không thua gì mấy cái chợ dưới Sài Gòn, An Đông Bà Chiểu. Cô Quỳnh Dy đổi về dạy ở trường kiểu mẫu Thủ Đức ba năm nay, cô lập gia đình sau hôm chia tay cuối năm đệ nhất không lâu, chồng cô là một sĩ quan bộ binh nhưng không may, ông tử trận ở chiến trường miền tây sông nước hơn hai năm rồi, Huấn cũng cho cô biết, ba anh đã mất vì bị hư thận năm anh vừa vào đại học, giờ còn mẹ, bà không còn ở quê cũ mà về quê ngoại, nơi gia đình đem ba về chôn ở đó. Hai ly cà phê chưa ai đụng tới, cô trò nhắc không biết bao nhiêu là chuyện xưa chuyện cũ, buồn mà vui, Huấn không hỏi gì về Ngọc Hân và cô cũng không nhắc tới, chỉ cười vậy thôi, vì mai phải trở xuống nhiệm sở sớm, Huấn cũng cho cô biết hiện mình đang làm gì và ở đâu, anh hẹn sẽ trở lại ăn bữa cơm chiều theo lời cô mời, vì cần phải mua một ít đồ cho anh em đồng chỗ làm, Huấn ra về sớm, ra tới đường, chờ xe lam về Sài Gòn, cô Quỳnh Dy, cũng cái cười lúc nãy, nói vừa đủ nghe “chắc Huấn còn nhớ Ngọc Hân?”, anh cười trừ mà không trả lời.

*

    Cũng vậy, như cô Quỳnh Dy, hơn năm sáu năm rồi mới gặp lại Ngọc Hân, khác xưa nhiều nhưng vẫn còn nét duyên dáng ngày cũ, ít nói hơn nhưng cũng nói. Sợ là không còn dịp gặp lại nhau nên cô Quỳnh Dy đã gọi Ngọc Hân đến mà không cho Huấn biết, cô nàng ra trường, về dạy cùng trường với cô Quỳnh Dy, một năm mấy rồi.

     Bữa cơm chiều, ai vui ai buồn khó nói, cũng vui ít buồn nhiều như cái chia tay sau bữa tiệc sinh nhật cô Quỳnh Dy ngày nào. Không ai hỏi ai đang làm gì, nhưng thật ra, đã biết nhau rồi. Huấn ngồi nghe hơn nói, giấc mơ tình đầu xưa thoáng hiện trong đầu, tự hỏi lòng có nên nói ra không, nhưng nó chợt vụt tan đi như sương như khói khi Ngọc Hân cho biết cô sắp làm lễ đính hôn, sau lời báo tin Ngọc Hân nhìn qua cô Quỳnh Dy rồi qua Huấn, trầm giọng xuống, nghèn nghẹn, thở dài hai tiếng “tại sao”. Gượng cười mà lòng đau Huấn nhói “chúc mừng Ngọc Hân”.

*

    Chiều nhá nhem xuống thấp, từng vạt nắng héo hắt muộn hắt qua sân, Huấn ra ngoài, cô Quỳnh Dy và Ngọc Hân theo sau, chào từ giã Huấn không hẹn ngày gặp lại, cô Quỳnh Dy đứng đó lặng thinh, buồn, Ngọc Hân buột miệng “chừng nào anh về lại được?”, cả hai cùng chờ trả lời, Huấn cười, một cái cười có nước mắt “khi nào được tin Ngọc Hân làm lễ đính hôn”, Huấn đi khỏi nhà xa rồi, hai người vẫn còn nhìn theo. Chợ bên kia vừa thưa người.

*

    Đọc thư cô Quỳnh Dy, cho biết Ngọc Hân định hủy bỏ lễ đính hôn, hỏi địa chỉ Huấn, nhưng theo lời Huấn dặn, đừng cho biết lúc này, cô không nói. Ngồi trong văn phòng nhìn ra, ngoài kia, có con đò muộn đưa ai đó qua sông chiều, Huấn nói thầm “muộn rồi”.

 Thuyên Huy

Đầu Thu Timboon 2024 


 Mời Xem :

 Tìm Đâu Tà Áo Trắng Năm Xưa - Thuyên Huy

  

   

   

   

   

 

   

 

SÀI GÒN - CHỢ LỚN, TÌM LẠI CHÚT HỒN XƯA

Hầu như nơi nào trên thế giới có người Hoa là nơi đó có Chinatown. với người Hoa ở Sài gòn, cộng đồng của họ chiếm đến gần 1/3 diện tích thành phố với các quận 5, 6, 11 và một phần quận 8. những người sống ở Sài gòn giữa thế kỷ 20 thường gọi “Sài gòn-Chợ lớn” như hai thành phố riêng biệt, vì thời đó nằm giữa Sài gòn và Chợ lớn là con kênh Bến nghé, khiến chợ lớn trở nên tách biệt với Sài gòn. sau này con kênh được san lấp một phần để làm đường bộ nối Sài gòn và Chợ lớn nhưng dường như cách nghĩ Chợ lớn là một “thành phố” trong tâm trí của người Sài gòn xưa vẫn không thay đổi.

Múa lân sư rồng của người Hoa Chợ Lớn (Ảnh: Hội quán Nghĩa An)

Từ thế kỷ thứ 17, Chợ Lớn là vùng đất của “Ngũ đại bang phái”: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (Hẹ). Đó là những người Minh Hương, thần tử trung thành của nhà Minh không chịu khuất phục nhà Thanh, đã di cư xuống miền Nam Việt Nam và được chúa Nguyễn cho phép khai khẩn đất hoang để lập ấp và phát triển thành vùng đất mà theo tiếng Quảng Đông gọi là “Thầy Ngòn” (Đề Ngạn-vùng đất kế bờ sông).

Tôi có 2/3 máu Hoa trong người: Bên nội là người Quảng Đông, còn bà ngoại lai Phúc Kiến. Hồi nhỏ, tôi sống chỉ vài năm ở nhà nội trên đường Trần Hoàng Quân (sau 1975 đổi thành Nguyễn Chí Thanh), quận 11, nhưng ký ức và kỷ niệm của tôi về Chợ Lớn thì sâu đậm. Nhà nội tôi là một ngôi nhà cũ kỹ với mùi ẩm mốc của vô số đồ vật được lưu giữ từ năm này qua tháng nọ, như một thói quen cố hữu của người Hoa. Ngày nhỏ tôi rất sợ về nhà nội vì sự âm u lạnh lẽo của nó, nhất là những tối cúp điện. Có lẽ hiểu điều đó nên mỗi lần chở tôi về nhà nội, ba thường đưa đi một vòng những con đường chính trong Chợ Lớn để ngắm cảnh phố phường và ăn uống này nọ rồi mới về nhà.

Lộ trình quen thuộc đó là: Từ bùng binh ngã 6 An Dương Vương, ba tôi quẹo qua đường Nguyễn Tri Phương, ghé mấy quán đối diện bệnh viện Nguyễn Tri Phương ăn hủ tíu mì xào hay cơm chiên Dương Châu, rồi tạt ngang “Tài xây cai” (tức casino Đại Thế Giới xưa) cho tôi chơi một chút rồi sau đó tà tà trên đường Trần Hưng Đạo B để hóng gió.

Trong ký ức tôi, Trần Hưng Đạo B là con đường sang nhất, đẹp nhất và “đúng điệu Chợ Lớn” nhất với những “chẩu lầu” (tửu lâu – nhà hàng) nổi tiếng như Bát Đạt, Thiên Hồng (Arc-En-Ciel) và Ngọc Lan Đình luôn rực rỡ bảng hiệu neon vàng và đỏ “à la Hong Kong bên hông Chợ Lớn”, và những cửa hàng lúc nào cũng đông vui náo nhiệt. Đoạn tôi thích nhất trên con đường này là đoạn cắt với đường Triệu Quang Phục, vì nơi đây có dãy cửa hàng bán đầu lân, trống lân cùng những loại mũ mão trang phục mà người Hoa mua để cúng chùa Ông, chùa Bà. Hồi nhỏ tôi rất mê múa lân. Mỗi lần đi qua những cửa hàng bán đầu lân, tôi luôn mơ ước sau này mình đi làm có tiền sẽ mua một cái to nhất, đẹp nhất để múa cho thỏa thích.

Hội quán Nhị Phủ, còn được gọi là Miếu Nhị Phủ hay Chùa Ông Bổn (Wiki)

Cũng có lúc ba chở tôi ăn cháo thập cẩm chỗ bùng binh Soái Kình Lâm rồi ghé quán chè “nhà đèn” nổi tiếng gần đó ăn “cấy tản chà” (hột gà nấu với trà), “tành tản” (trứng chưng) hoặc “hằng dành tàu phù” (đậu hũ hạnh nhân). Quán chè có tên Châu Giang nhưng dân Sài Gòn-Chợ Lớn gốc thì gọi là “quán chè cột điện” hoặc “chè nhà đèn”, vì căn nhà cũ kỹ nhỏ xíu nơi quán chè đóng đô hơn 80 năm qua nghe nói từng là một trạm phát điện thời Pháp thuộc (mà người miền Nam xưa gọi là “nhà đèn”). Đến nay quán chè “nhà đèn” vẫn còn và hầu như không thay đổi. Mỗi lần ghé lại quán chè cũ, tôi có cảm giác mình du hành ngược thời gian về lại Sài Gòn của một thời xa lắm.

Những lúc oi bức, ba tôi hay ghé tiệm thuốc bắc Phùng Hưng để mua vài thang thuốc bổ về tiềm gà, đôi khi mua vài lạng kim ngân thảo hoặc hạ cô thảo về nấu với mứt bí. Đường Phùng Hưng từ Soái Kình Lâm qua đường Nguyễn Trãi tuy ngắn nhưng có hơn hai chục tiệm thuốc bắc buôn bán nhộn nhịp không thua gì con đường thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông cách đó không xa.

Tôi nhỏ lớn không bao giờ thích các loại dầu xức nhưng đặc biệt thích mùi “Pạc phá dầu” (dầu bạch hoa) và “Woòng lạp coóng” (dầu Huỳnh Lập Quang) của Hong Kong được bán ở các tiệm thuốc bắc đường Phùng Hưng. Dầu bạch hoa cực nóng chuyên trị nhức đầu sổ mũi, dùng cạo gió rất tốt; còn dầu Huỳnh Lập Quang chủ yếu xức vết thương ngoài da và xoa bóp sưng trật rất công hiệu.

Song song với Trần Hưng Đạo là đường Nguyễn Trãi một chiều, dẫn về Nguyễn Tri Phương. So với đường Trần Hưng Đạo thì Nguyễn Trãi có vẻ lặng lẽ hơn nhưng mang nét cổ kính và trầm mặc hơn, với những chung cư cổ và hội quán được xây từ rất lâu như hội quán Hà Chương của người Phúc Kiến, hội quán Tuệ Thành của người Quảng Đông và hội quán Nghĩa An của người Triều Châu và người Hẹ mà người Việt thường hay gọi là chùa Bà và chùa Ông.

Hội quán người Hoa có kiến trúc mái đao cong vút với những phù điêu bằng sứ và mảnh gốm đắp nổi hình sóng biển, cá và rồng, như nhắc nhở con cháu nhớ về quá khứ vượt biển của cha ông khi đến vùng đất này. Đó là những nơi không chỉ thờ các vị thần trong tín ngưỡng Đạo giáo người Hoa như Thiên Hậu Nương Nương, Ngọc Hoàng Đại Đế hay Quan Thánh Đế Quân mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, tương trợ lẫn nhau của những người đồng hương, và cũng là nơi lưu giữ nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống như dạy võ, thư pháp, vẽ tranh thủy mặc và hát tuồng cổ. Tôi nhớ mỗi lần vía Ông, hội quán Nghĩa An luôn tổ chức hát Việt kịch, một thể loại hát tuồng giống như hát bội của người Quảng Đông, rất hoành tráng xôm tụ. Từ bên ngoài, nghe tiếng trống chiêng vang lừng đã khiến người ta náo nức muốn vào xem.

Hội quán Nghĩa An (Wiki)

Nói đến Chợ Lớn cũng phải nhắc đến những con hẻm đậm đặc không khí văn hóa gốc Hoa truyền thống. Nếu bạn không phải là người Hoa, bạn có thể ít khi để ý những con hẻm nhỏ nằm lặng lẽ trên các trục đường chính, với cổng bằng đá có khắc những tên tiếng Hoa như Dịch An Lý, Thịnh An Lý, Phương Tế Các Hạng hay Hào Sĩ Phường…

Không như hẻm của người Việt ở Sài Gòn thường dài, ngoằn ngoèo và thông nhau, hầu hết hẻm của người Hoa Chợ Lớn là quần thể kiến trúc khép kín với hai dãy nhà hai tầng, mỗi tầng khoảng 10-15 hộ được xây cùng kiểu, song song với nhau và cách nhau một lối đi nhỏ ở giữa. Cuối hẻm là một ngôi nhà nhìn ra đường cái. Vì thế, nhìn tổng quan, hẻm của người Hoa giống như cư xá hoặc chung cư kiểu cũ hơn là con hẻm.

Dù gọi chung là hẻm nhưng “lý” khác với “phường” hoặc “hạng”, vì “lý” thường dùng để chỉ khu dân cư có cùng quê ở một làng hoặc một huyện nào đó từ Trung Quốc, trong khi “phường” là nơi những người làm một ngành nghề họp lại sống chung; còn “hạng” thường là lưu dân tứ xứ tập hợp lại thành khu dân cư, không nhất thiết cùng quê quán hoặc nghề nghiệp.

Đó những là nơi mà nét văn hóa truyền thống cổ truyền của người Hoa còn được lưu giữ khá nguyên vẹn, trong đó có những nghề cổ truyền đang dần mai một, như nghề may áo cưới long phụng, nghề thêu tay, thắt nút dây hoặc làm các loại bánh dân gian mà nay gần như thất truyền, thậm chí ít người từng nghe tên hoặc nếm thử. Ngay cả ở Hong Kong cũng không còn những con hẻm giống như hẻm người Hoa Chợ Lớn-Sài Gòn nên Đài truyền hình TVB đã không ít lần sang Chợ Lớn để quay phim tài liệu hay mượn những con hẻm này làm bối cảnh cho phim của họ.
Hẻm Hào Sĩ Phường. (Hình: Lý Thành Cơ)

Những ngày giáp Tết, ba thường chở tôi đến các tiệm gần Đại Thế Giới để mua phim cho máy chụp hình, sẵn tiện ghé mua những tờ giấy đỏ viết các câu chúc bằng nhũ vàng óng ánh về dán trước cửa nhà theo tục lệ truyền thống. Không như những “ông đồ” người Việt sau này viết chữ Quốc ngữ theo lối chữ thảo bay bướm, những người viết câu chúc Tết trong Chợ Lớn đều viết theo lối chữ khải thư, tức lối chân phương, rõ ràng, vuông vức, nét nào ra nét đó. Tôi ngày nhỏ khi học viết chữ Hoa đã tập viết những câu như “Hợp gia bình an” (cả nhà bình an), “Nhất phàm phong thuận” (thuận buồm xuôi gió) hay “Sinh ý hưng long” (mua may bán đắt).

Điều tôi mong nhất mỗi dịp Tết là được ba chở đi xem múa lân sư rồng ở chùa bà Nam Hải, nơi tất cả đoàn lân ngày 30 Tết đều quy tụ về để múa cúng bà và được “khai quang điểm nhãn” rồi mới có thể đi múa kiếm tiền. Hồi nhỏ tôi cực kỳ mê xem múa lân vì các đoàn lân Chợ Lớn không chỉ múa lân mà còn biểu diễn võ thuật, từ múa quyền cho tới biểu diễn các món binh khí đao, thương, kiếm, kích… rất hấp dẫn. Mỗi lần nghe tiếng trống lân hoặc thấy bóng dáng một chiếc xe múa lân chạy trên đường dịp Tết là tôi lại muốn chạy theo để xem cho bằng được.

Như nhiều nơi ở Sài Gòn, Chợ Lớn ngày nay cũng thay đổi nhiều nhưng tại một số nơi, những nét cũ một thời hầu như vẫn nguyên vẹn. Giờ đây mỗi khi nhớ Chợ Lớn, tôi lại thong thả chạy theo lộ trình trước đây mà ba từng chở tôi trên chiếc Mobylette cọc cạch màu xanh, nhìn những nẻo đường đầy kỷ niệm, ngắm những ngôi nhà cổ có kiến trúc nửa Pháp nửa Hoa với màu vôi vàng đặc trưng, những hội quán mái đao cong vút; rồi tạt vào một quán xưa ăn những món Hoa quen thuộc để tìm lại “hồn Chợ Lớn.”

Huỳnh Chí Viễn / Theo:saigonnhonews

Xem Thêm :Tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho, và sự thật về tấm hình “phà chở xe lửa qua sông” 

 Nguồn :chuyenxua.net.    Ảnh từ chuyenxua,net


 

30 thg 3, 2024

Amanda Nguyễn trên đường vào vũ trụ với sự hỗ trợ của Space for Humanity

DENVER, Colorado (NV) – Đề án hàng không vũ trụ Space for Humanity vừa loan báo sẽ tài trợ cho Amanda Nguyễn để du hành lên không gian, tổ chức này công bố hôm Thứ Hai, 25 Tháng Ba.

“Tôi rất mừng vì được hợp tác với Space for Humanity, không chỉ vì họ giúp đỡ tôi mà còn vì tầm nhìn và giá trị mà họ đem lại. Cùng nhau, chúng tôi cam kết thay đổi cách tất cả chúng ta suy nghĩ về vũ trụ, về mỗi người chúng ta và về tương lai của nhân loại. Tôi rất mong chờ hành trình khám phá vũ trụ cũng như hành trình mà chúng ta tiếp tục hướng tới một tương lai rạng rỡ và tốt đẹp hơn,” Amanda Nguyễn nói.

Amanda Nguyễn trên đường vào vũ trụ với sự hỗ trợ của Space for Humanity (Hình: Amanda Nguyễn cung cấp)

Amanda Nguyễn là chuẩn mực của tinh thần và tham vọng của Đề Án Phi Hành Gia Công Dân của Space for Humanity, tổ chức này cho biết. Cô là một nhà hoạt động dân quyền kiêm nhà sáng lập Rise, được biết đến với công việc về Đạo Luật Quyền Của Nạn Nhân Bị Tấn Công Tình Dục và vận động cho quyền của Người Mỹ Gốc Á. Cô từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình và Người Phụ Nữ Của Năm 2022 do Tạp Chí TIME bình chọn.

Amanda Nguyễn sẽ du hành vào vũ trụ trên phi thuyền Blue Origin New Shepard và trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ.

Giám Đốc Điều Hành Space for Humanity, Antonio Peronace nói: “Space for Humanity rất tự hào khi được hợp tác và hỗ trợ chuyến du hành vũ trụ của Amanda Nguyễn. Chuyến đi kỳ thú của cô sẽ là một tấm gương sáng ngời cho rất nhiều người khác.”

Peronace nói tiếp: “Là một tổ chức cam kết dân chủ hóa không gian và giúp mọi công dân trên thế giới có thể biết tới chúng tôi, Space for Humanity tự hào rằng Amanda Nguyễn và hành trình của bà đại diện cho sức mạnh, say mê và sự xuất chúng mà chúng tôi muốn tiếp tục đưa lên tầm cỡ mới.”

Space for Humanity là tổ chức bất vụ lợi vận hành Đề Án Phi Hành Gia Công Dân nhằm gửi những người được tuyển mộ kỹ lưỡng, chịu tác động của mọi tầng lớp xã hội, du hành vào không gian để tìm hiểu “hiệu ứng tổng quát,” một sự thay đổi về nhận thức có được nhờ quan sát Trái Đất nhìn từ ​​không gian.

Space for Humanity đưa ra chương trình huấn luyện chuyên môn cho các Phi Hành Gia Công Dân để khi trở về Trái Đất, họ có thể đóng vai trò là nhà lãnh đạo và đại sứ toàn cầu, cam kết truyền cảm hứng cho một ngày mai sáng sủa hơn, xán lạn hơn cho nhân loại. (TTHN)


 

Nhớ Mái Nhà Xưa & Nhớ Về Cha - Nguyễn Thị Châu

1./  NHỚ MÁI NHÀ XƯA

Gia đình sum hợp thật vui

Trên hoà dưới thuận một đời an yên

Gặp nhau vì bởi cái duyên

Cùng nhau chung sống như thuyền gặp sông

Thương nhau vì bởi tấm lòng

Cho nhau lưu luyến kết dòng sông xanh

Con sông nước chảy hiền lành

Sóng trên, sóng dưới, không đành xa nhau

Một nhà, trên trước, dưới sau

Thờ cha, kính mẹ một câu để đời

Quê cha có một mà thôi

Về đây, để nhớ, để vơi nỗi buồn

Nhìn quanh nhìn quẫn lệ tuôn

Hàng cau ngày ấy cũng buồn ra đi…

Vườn chuối xanh mát còn gì?

Còn trong kỷ niệm, một khi nhớ về…!!!

Nguyễn Thi Châu

20-3-2024

2./ NHỚ VỀ CHA

 Về đây tôi lại nhớ đến cha

Sum hợp gia đình vui một nhà

Chị em tôn trọng luôn hiếu thuận

Con cháu ôn hoà vui thiết tha

 

Đã lâu cha hiền luôn vắng bóng

Lòng con khắc khoải nhớ cha già

Nhớ thời lặn lội nuôi con trẻ

Không ngại gian lao hay đường xa

 

Nghìn thu vĩnh biệt cha già ơi!

Tìm đâu hình bóng ở trên đời

Người cha hiền hậu đầy nhân ái

Khuyên dạy cháu con không cạn lời

 

Ngồi đây nhớ lại cảnh sum vầy

Xuân về tề tựu ở nơi đây

Lời cha còn mãi trong tiềm thức

Dư âm còn đó, mãi không phai…!!!

                    20-3-2024

Nguyễn thị Châu

Ảnh Gành Đá Đỉa GiaLai



Mời Xem :

MẸ VIỆT NAM , THĂM LẠI NGƯỜI XƯA - Thơ Nguyễn Thị Châu

VƯỜN XUÂN, TIẾNG MƯA ĐÊM - Thơ Con Gà Què Azalea

VƯỜN XUÂN
 
Mùa xuân đang nhẹ đến
Hương hoa nồng trong đêm
Từng chồi non trổ lá
Gió nhè nhẹ ru êm
Bước lạc vào vườn hoa
Trong nắng sớm chan hòa
Cùng hoa ta nhảy múa
Muôn sắc thắm vỡ òa
Kìa hoa lan vương giả
Tan tác cánh mai già
E ấp hoa hàm tiếu
Bên nụ hồng kiêu sa
Kia những hoa cúc vàng
Đỏ tươi nhánh hải đường
Đóa phù dung trắng xóa
Trà hoa nữ bẽ bàng
Đây chậu hoa đỗ quyên
Nép bên khóm trúc đen
Hoa đào tươi xác pháo
Tơi tả rụng bên thềm
Đó nàng huệ vươn tràn
Quanh chàng quân-tử-lan
Tím thẫm giàn hoa giấy
Thơm ngát cội ngọc lan…
Ta quay cuồng bên hoa
Say hương sắc chói lòa
Thời gian như lắng đọng
Tưởng mùa xuân đi qua!…
Con Gà Què Azalea
 
2./ TIẾNG MƯA ĐÊM
 
Mưa bỗng chợt đổ ào như thác lũ
Rồi tí tách rơi như những lời ru
Gió thét gào ngân dài bao tiếng hú
Lạnh tê người đêm hiu hắt tàn thu
Hình như đông đang chực chờ bước tới
Hay chỉ là buốt giá giữa hồn tôi
Đêm âm u phủ trùm trong tăm tối
Mưa vẫn tỉ tê từng giọt nhẹ rơi
Mưa mãi mưa hoài đêm sâu vắng lặng
Ngỡ như trời ứa lệ khóc thương trăng
Tiếng mưa đêm hòa tiếng gió vọng vang
Cùng tấu khúc tiễn đưa mùa thu tàn
Lời giã biệt suốt đêm dài buốt giá
Lưu luyến chi mà chẳng chịu lìa xa !
Đã tàn rồi, thu ơi hãy lướt trôi
Hãy hòa tan theo cùng mưa lạnh rơi
Hãy để đông về đóng băng hồn tôi…
Ôi tiếng mưa đêm, lời than khóc của trời !
Con Gà Què Azalea
 

MẬU THÂN 1968 ĐỢT 1 - Tùy Bút -Trần Ngoc Hiếu


Chiều mồng 3 tết một miếng miễng bom khoảng 500gr ,tua tủa lưỡi răng cưa sáng quắc, còn nóng hổi ,bay từ bên phía Cầu Bà Tàng , Đình Bình Đông Q7. Rơi một cái cản trước sân nhà tôi . Tính theo đường chim bay thì miếng miễng bom bay hơn 1km . May mà nó không trúng người , nếu trúng chắc đi theo ông bà luôn , chứ sống gì nỗi ! Ông Nội tôi bắt đầu lo âu sợ giặc giả đến , ban đầu chỉ nghỉ là chiến tranh cục bộ một nơi nào thôi , chứ chưa bao giờ nghỉ là ngày tư ngày Tết lại có chiến tranh , mà lại là tại khắp Đô Thành Saigon , chứ chưa nói đến xảy ra trên khắp cả miền Nam .
Sáng sớm mồng 5 Tết , Nội tôi đi vệ sinh sớm (thời đó xóm tôi và các nhà cặp mé sông thường đi cầu trên kinh rạch , chớ hiếm có nhà làm toilet như bây giờ , loại WC như bây giờ hồi đó gọi là CẦU TIÊU MÁY ) . Nội tôi lẵng lặng thì thào nói nhỏ , kêu cả nhà chuẩn bị đồ đạt để tản cư , tôi thức dậy nghe bập bỏm sơ qua câu chuyện mắt còn đổ ghèn , miệng còn dính ke , hé cửa nhìn ra ngoài lộ thì đường vắng vẻ im lìm , rải rác trước cửa nhà tôi và các nhà lân cận ,cờ vàng bị xé nát bỏ nằm đầy dưới lộ . Bà Nội , Má và anh em tụi tôi ,bắt đầu lo gom góp đồ đạc và mang theo một ít gạo để chuẩn bị lên đường lưu diễn tản cư . Còn Ông Nội tôi thì sang các nhà kế bên , cũng toàn là bà con cùng quê , cùng xứ Cần Đước cho hay để liệu bề lo tính .
Ban đầu định đi bằng đường bộ ,trên chiếc xe lam ba bánh của gia đình , nhưng xe vừa đến ngã ba Phú Định thì mấy ổng đã lấy bàn ghế đồ đạc ra cản bít đường , cắm một tấm bảng ghi chữ nguy hiểm ,vẽ một cái sọ người có hai khúc xương gác chéo , giống như đắp mô ở dưới quê trên những đường tỉnh lộ , mà tôi thường thấy mỗi lần theo má về nhà ngoại . Cả xóm đành quay về nhà , tìm cách khác . Thế là kế hoạch mới tản cư bằng ghe hình thành .
Lục đục khuân đồ xuống ghe xong xuôi , máy nổ chuẩn bị rời bến thì mấy ổng xuất hiện , bắn lên trời cái đoành kêu ghe quay vô , may mà trong nhóm chỉ huy có một người ở dưới cùng xứ Cần Đước . Nội tôi quen ,nên khi nghe trình bày cho xuống ghe để về quê ,thì ông ta bùi tai cho ghe đi , khi ghe chạy qua khỏi bến đò Hoà Lục Phú Định khoảng 100m ,thì một xe jeep cảnh sát Q7 đậu trên bến Bình Đông ngoắc lại, và bảo là giới nghiêm ,nên ghe không thể đi được .
Thế là ghe đành tấp vô ,đậu cặp theo một số ghe chài Nam Vang thường ngày chở lúa chở gạo ,đang đậu tại chóp nhọn đường Lê Quang Liêm , địa điểm là ngay tại Cây da ,đầu cầu Lò Gốm P7Q6 ngày nay .
Ghe đậu xong ,cứ hàng ngày anh Ba tôi , lại bơi xuồng về nhà cũ ,lấy thêm đồ đạt quần áo ,gạo muối để ăn , các kho chứa hàng hoá tại đường Lê Quang Liêm bắt đầu bị cháy , kho gạo , đường , sữa hộp , ghê nhất là kho chứa thùng khí đá ,cứ vài ba phút nó nổ cái đùng như bom mìn nổ , ban đêm mỗi lần nó nổ sáng rực cả bầu trời , kho khí đá nó nổ hơn một ngày đêm , cứ mỗi sáng sớm đám nhóc tụi tôi năm ba đứa ,chuyền theo các ghe leo lên bờ đi dọc theo các cửa kho gạo , gạo cháy sương sương ,nó giống như gạo rang thành cơm cháy ấm ấm thơm phức , xong đến kho sữa bò , lấy cây khều ra hộp nào còn nguyên cởi áo ra bỏ vào , xách xuống ghe , còn mấy lon bị cháy xém chưa bị khét đen ,nó sền sệt màu nâu , màu sắc mùi vị giống Sô cô la trét lên gạo cháy ăn ngon vô cùng , giống như cơm cháy dòn rụm ăn với so cô la bay mùi thơm ngào ngạt . Một buổi chiều , ông chủ hãng pha lê bình thủy ,vô mở cửa hãng ôm bình thủy ra thả trôi lềnh bềnh trắng sông kênh Tàu hủ .Tụi tui xin, ổng bảo muốn lấy bao nhiêu cứ lấy , chớ nếu hãng mà bị cháy thì sau này dọn dẹp còn cực hơn, thà thả trôi sông cho bà con lượm được thì mang về xài chớ nó cháy thì quá uổng . Nhờ vậy mà cuối cùng không hiểu ông trời cảm động hay sau ,đám cháy không lan tới hãng pha lê bình thủy !
Còn dưới sông thì xác chết nổi lềnh khênh thú vật , trâu , bò , heo , chó gà vịt đều có đủ , còn xác người cũng không ít , ghê nhất là xác mấy người Mỹ đen phình tròn vo, mặt mài nhăn nhó , tay chân huynh hoang hàm răng trắng xác thời đó dân Saigon có nhà gần sông gọi là thằng chỏng chết trôi , ban đêm mắc tè nín luôn , chớ không dám đi , rủi tè lên mình thằng chổng chắc xỉu luôn .
Một cái điềm hay sau , mà năm 68 nhà nào cũng chưng trái bôm (táo) Mỹ quá trời , nhất là trái bôm da xanh ăn ngọt mà dòn , ngon hơn những trái màu đỏ . Thông thường đám nhỏ tụi tui mỗi khi được cho ăn bôm là mừng hết lớn , mà mỗi đứa được một miếng khoảng 1/4 trái mà thôi , bao giờ được một trái . Đêm đêm nằm dưới đáy ghe bên trên lợp một tấm vải bố che mưa nắng , Nội đưa bom bảo ăn đi , mà không hiểu sao ăn không nổi , khi đêm đêm nghe tiếng nổ đều trời vang vọng đến , không hiểu đó là tiếng pháo mừng Xuân , hay tiếng đạn nổ bom rơi trên quê hương trong mùa ly loạn . Năm đó tôi mới 11 tuổi Tây 12 tuổi ta , vậy mà cũng biết sợ giặc giả , nhứt là sợ chết .
Một buổi chiều không nhớ là ngày mười mấy tết . Một chiếc xe nhà binh GMC kéo theo một khẩu đại bác đậu gần phông tên nước , cách đài chiến sĩ trên bến Bình Đông khoảng vài trăm mét , bắn về phía Q6 đợt đầu 100 quả , xong quay xe về lấy thêm ,đến chổ cũ bắn tới trái thứ 99 thì bị mấy ổng núp bên Phú Định hay Lò Gốm gì đó , bắn sang một quả B40 trúng ngay trốc chiếc xe nhà binh . Nguyên một đám đông người dân chạy giặc ngồi trên mui các ghe coi thụt mọt chê gần cả buổi chiều hoảng hồn chui hết vô mui , nên không biết xe lính có người nào tử thương hay không , sáng hôm sau lên hứng nước phông tên thì thấy có nhiều vệt máu còn dính trên lộ .
Cũng trong buổi sáng hôm đó cảnh sát Q7 phối hợp cùng tàu Hải Quân vô hành quân khám xét bắt người tình nghi , nhà tôi dượng Tư và anh Ba tôi bị bắt , dù lúc đó anh Ba tôi khai sanh mới 15 tuổi . Mang về nhốt tại ty CSQG Q7 gần nửa tháng trời thả ra ốm như con chó đói ,
Chiếc tàu Hải Quân đậu sát mé sông ngay cái miễu có cây da cổ thụ (dưới chân cầu Lò Gốm đại lộ Võ Văn Kiệt bây giờ) bắn vô xóm Phú định Q6 từ 9 giờ sáng đến nhá nhem tối thì nghỉ rồi chạy đi ,xóm nhà sàn cặp mé sông Lò gốm và Rạch Ruột Ngựa cháy rụi cả , trong đó có một chiếc xà lan xáng thổi , đậu trên kinh Lò Gốm để thổi nạo vét đất cát dưới sông lên lấp chổ đất trống phía sau trường Phú Định dọc theo hảng Bitis và cư xá Phú Lâm D ngày nay . Sáng hôm sau mấy người lớn leo lên bến Bình Đông đi đến cầu Vĩnh Mậu nhìn sang ngôi nhà của gia đình , má tôi thấy cái mặt dựng (Ô quăng) nhà tui còn nguyên thì mừng lắm nghỉ là nhà chưa bị cháy !!!
Mấy ngày sau má tôi và bà con bơi xuồng định về nhà lấy đồ , từ dưới sông nhìn lên thì hởi ơi , ngôi nhà thân yêu đã cháy sạch , chỉ còn lại cái mặt dựng bằng bê tông là còn như hồi đứng bên Bình Đông nhìn thấy . Của cải nhà của cháy sạch , bàn ghế tủ giường đều cẩn ốc xà cừ , nhất là bộ ván đôi bằng gõ đỏ dầy cả gang tay bóng như gương cháy không còn một cục than dù chỉ bằng ngón tay út .
Nhà cửa cháy sạch , không còn gì quyến luyến , cả nhà đành bước lên bờ , lội bộ sang ở nhờ nhà mấy dì , em của má tôi ở bến Nguyễn Duy Q8 gần cầu Hiệp Ân khoảng 2- 3 tháng , mới quay về cất lại nhà trên nền nhà cũ , vài tháng sau lại tiếp tục thêm màn chạy giặt đợt 2 .
Sau chiến cuộc Mậu Thân năm 1968 , chính quyền Saigon cấm luôn đốt pháo , vì sợ sẽ xảy ra Mậu Thân thêm một lần nữa , vì tiếng nổ giữa pháo mừng xuân và tiếng súng công đồn người ta khó mà phân biệt được giả chân trong những đêm hưu chiến đón Xuân về .
Nhớ lại hãy còn rùng mình một mùa xuân của tuổi thơ thời chinh chiến .
 
Ảnh trên mạng xh .

 

29 thg 3, 2024

NGÀY MAI, MƠ - Thơ Trần Phong Vũ


 1./ NGÀY MAI
 
Ngày mai là cúng tiễn Ông bà
Tôi cũng lên đường về với quê xa
Lạy trời cho rét đừng rét nữa
Ủ ấm hồn tôi một kẻ xa nhà
Hai mươi năm tôi tập lãng quên
Phố cũ đường xưa mất dấu tuổi tên
Chẳng phải giận hờn hay thương ghét
Phúc phận đời tôi cứ phải lênh đênh
Trong trí nhớ tôi em với Hồ Gươm
Mong manh như khói nhẹ như sương
Tây hồ lãng bạc chuông chùa vẳng
Mùi tóc ai thơm đêm ngọc lan dậy hương
Khi tôi về đào chắc đã phai
Cây Lộc vừng chưa thay lá đỏ thắm lòng ai
Tôi sẽ cố tìm về vườn hoa công viên cũ
Nếu vô tình gặp lại chắc.. rất may
Vì yêu quê, nhớ em
nên tưởng tượng thế thôi
Nếu có còn nhau hai đứa cũng...già rồi
Cảnh cũ người xưa một thời son trẻ
Chút dư hương đâu đủ thắm bờ môi
Ngày mai là cúng tiễn ông bà
Tôi đi tìm lại miễng xuân xa
Áo ấm khăn len tôi sẽ gói
Một mảnh tình chân... sắp nhạt nhòa
Bắt chước Khái Hưng anh í cũng gào lên "Lạy giời... cho rét tan mau..."
TRẦN PHONG VŨ

 
Ảnh Oanh Huỳnh
2./  MƠ

Tôi nghe có tiếng chuông chùa vọng
Mà ngỡ trần ai rất yên bình
Trong mơ áo trắng chiều gió lộng
Mái tóc huyền xưa xõa rất xinh....
Tôi quên hết cội nguồn khổ tận
Quên sáo ngày xưa đã sang ngang
Mười mấy hai mươi năm lận đận
Cầm bằng giọt lệ rớt sông Ngân
Tôi đi đi giữa đồng chiều vắng
Thấy cánh diều bay rong dưới mây
Ngửi mùi rơm cháy thơm hương nắng
Ngỡ tóc người xưa vương vấn bay
Nằm nghe kĩu kịt lời ru mẹ
Buồn tiếng hạc kêu mấy dặm trường
Và nghe lêu lổng lời chú dế
Hát tình ca ru cánh cỏ ngậm sương
Mới hay đầu bạc mà thơ dại
Nhặt bóng hoa rơi cũng ngại ngần
Mới hay hồn vẫn đầy luyến ái
Đến nỗi cơn mơ cũng góp phần
Cảm ơn em đã vì tôi nhắc
Đừng vội lãng quên một chút gì
Dù mỏng duyên may mà tình thật
Còn hơn tỉnh mộng khổ phân ly
TRẦN PHONG VŨ

Mời Xem :

VỀ CHƯA CON,HỌA CHÂN DUNG - Thơ Trần Phong Vũ  

Lỡ (Vhp.Hải Vân) & BIẾT ĐÃ LỠ ( VKPĐạmPhương)


 Lỡ         

Lỡ buộc dây tơ, tơ lỡ đứt,

Lỡ thương lỡ nhớ lỡ chờ mong,

Lỡ để sóng tình đong đầy mắt,

Lỡ đêm đối bóng ngọn đèn chong.

Lỡ khiến cây đa sầu héo hắt,

Nhỏ lệ thuyền mơ lỡ bến bờ.

           Vhp.Hải Vân

          (July,  22 -2010)

                    *****

 

               BIẾT ĐÃ LỠ 

    (Phản hồi từ đoạn thơ LỠ của Vhp.Hải Vân)

                             ***

Biết Đã Lỡ… nhưng lòng không chế ngự

Để sóng tình dâng mắt biếc… xoáy con tim

Cứ đêm về hồn mộng mãi kiếm tìm

Một nửa kia… cho lòng vơi cô quạnh…

*

Biết Đã Lỡ… nhưng vẫn mong buộc chặc

Bằng tơ mong manh… trói mộng hải hồ

Giữa muôn trùng khơi… biển động sóng xô

Dây tơ đứt… nhưng lòng ta… không dứt!!!

*

Biết Đã Lỡ… nhưng yêu là vẫn đợi

Dù phủ phàng như chinh phụ chờ chồng

Để đêm về đối bóng ngọn đèn chong

Hiu hắt… võ vàng… tàn phai nhan sắc!!!

*

Dù biết có ngày thuyền neo bến khác

Cây đa bến cũ vẫn héo hắt chờ mong

Trăm cay nghìn đắng nuốt trọn vào lòng

Biết Đã Lỡ… nhưng không hề hối tiếc!!!

                   VKPĐạmPhương



 

Vườn Thơ Mới kỳ 143_ Bài Xướng : Du sơn_Minh Tâm

Xướng:

 Du sơn

Một sớm du sơn ngắm cảnh chùa.
Thâm trầm huyền ảo, khói hương đưa.
Long lanh ngọn cỏ hơi sương đượm,
Róc rách bên đường tiếng suối khua.
Quyện gót, mong manh mây trải lụa,
Thấm vai, lành lạnh gió giao mùa.
Hồi chuông vang vọng tan niềm tục,
Tự hỏi lòng trần tĩnh lặng chưa?

Minh Tâm 

Họa 1:

Hành hương cổ tự 


Hành hương Phật tử viếng thăm chùa,
Cổ tự lưng đồi khách đón đưa.
Lối đá cheo veo hoa dại nở,
Hàng thông chót vót gió ngàn khua.
Không gian ấm lạnh theo thời tiết,
Cảnh sắc buồn vui lúc chuyển mùa.
Một buổi nhang đèn xa thế tục,
Đường về thanh thản tịnh lòng chưa?

Mỹ Ngọc.
Mar. 01, 2024

Họa 2:

Viếng cảnh chùa

Tôi đứng lặng im trước cổng chùa
Điện Bà hùng vĩ gió đong đưa
Nắng vàng bảng lảng chiều dần xuống
Mây trắng chập chùng tiếng gió khua
Tín nữ cầu duyên mau đỗ bến
Nông gia khấn Phật sớm sang mùa
Một hồi chuông đổ tan phiền não
Bến giác quay về mộng tỉnh chưa?

Nguyễn Cang
Mar. 14, 2024

Họa 3:

Nhang khói

Ăn không trả phí gọi ăn chùa
Đứng dậy đi liền tiền khỏi đưa
Nắng Hạ rừng hoang cơn gió thổi
Trăng Thu thôn dã tiếng chày khua
Quới nhân bố thí Cô Hồn Miếu
Thiện giả thọ trai đủ bốn mùa
Hữu thực bất hành vi tại hạ
Tại gia cư sĩ mãn sung chưa !

THT

Chú thích:

Quới nhân 貴人 còn gọi là quí nhân

thọ trai 受齋 : thọ: nhận lãnh; trai: ăn chay.

Thọ trai là dùng cơm chay

Hữu thực bất hành vi tại hạ : tôi có ăn mà không làm

Họa 4:

Chùa và tự

Chữ Nho gọi tự nghĩa là chùa
Đường nét thẳng thừng chẳng võng đưa
Thổ ở phía trên là ý đất
Mười phân nằm dưới thốn không khua
Đêm ngày lễ bái người lui tới
Nhật nguyệt vãng lai cả bốn mùa
Có chổ dùng từ chùa với tự
Chỉ cần chọn một rõ ràng chưa

PTL

Chữ tự 寺 gồm chữ thổ 土 nghĩa là đất và chữ thốn 寸 nghĩa là 1 tấc (mười phân)
Thí dụ: có nơi không rành chữ Hán nên ghi Chùa Phước Lâm Tự. Đúng nghĩa là Chùa Phước Lâm hay Phước Lâm Tự.

Họa 5:

Bến Giác

Không gian thanh tịnh trước sân chùa
Tiếng kệ cầu kinh văng vẳng đưa
Du khách thập phương về viếng tự
Dư âm sâu lắng tiếng chuông khua
Mơ hồ nhân quả từ muôn kiếp
Khe khẽ âm thanh gió cuối mùa
Sám hối quay đầu về bến giác
Tham sân phiền não phủi rồi chưa
 
Hương Lệ Oanh VA
Mar, 20. 2024


Gành đá đĩa ở Gia lai

Mời Xem :

Vườn Thơ Mới kỳ 142-Bài Xướng :HƯƠNG XƯA : Nguyễn Cang