31 thg 12, 2022

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2023


 Kính Chúc :

- Quí Thầy Cô

-  Quí Đồng Môn,Đồng Nghiêp

- Quí Bạn Đoc

Một Năm Mới Luôn Gặp Nhiều Điều May Mắn,Tốt Đep và Gia Đình Tràn Đầy Hanh Phúc

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN - Đỗ Chiêu Đức


                                      元旦節 Tết Nguyên Đán

       TẾT là do chữ TIẾT 節 đọc trại ra mà thành. Theo "Chữ Nho... Dễ Học" TIẾT thuộc dạng chữ Hài thanh theo diễn tiến của chữ viết như sau :
                 Kim văn                     Đại Triện                           Tiểu Triện                         Lệ Thư

Ta thấy :
          Chữ TIẾT 節 phần dưới là chữ TỨC 即 chÂm, phần trên là bộ TRÚC 竹 chỉ Ý, nên TIẾT có nghĩa gốc là các Mắt (đốt, lóng) của cây Tre; Nghĩa rộng là các đốt, các lóng, các mắt của thực vật; nghĩa rộng hơn nữa là "Các phần nhỏ của sự vật hay sự việc" nào đó. Như "Mỗi năm chia làm 12 tháng, mỗi tháng có 2 TIẾT, vị chi một năm có 24 TIẾT như sau :

       - Tháng Giêng có 2 TIẾT      : Lập xuân 立春,       Vũ thủy 雨水.
       - Tháng Hai có 2 TIẾT          : Kinh trập 驚蟄,       Xuân phân 春分.
       - Tháng Ba có 2 TIẾT           : Thanh minh 清明,   Cốc Vũ 穀雨.
       - Tháng Tư có 2 TIẾT           : Lập hạ 立夏,           Tiểu mãn 小滿.
       - Tháng Năm có 2 TIẾT        : Mang chủng 芒種,   Hạ chí 夏至.
       - Tháng Sáu có 2 TIẾT         : Tiểu thử 小暑,         Đại thử 大暑.
       - Tháng Bảy có 2 TIẾT         : Lập thu 立秋,          Xử thử 處暑.
       - Tháng Tám có 2 TIẾT        : Bạch lộ 白露,           Thu phân 秋分.
       - Tháng Chín có 2 TIẾT        : Hàn lộ 寒露,            Sương giáng 霜降.
       - Tháng Mười có 2 TIẾT       : Lập đông 立冬,         Tiểu tuyết 小雪.
       - Tháng Mười Một có 2 TIẾT : Đại tuyết 大雪,         Đông chí 冬至.
       - Tháng Mười Hai có 2 TIẾT  : Tiểu hàn 小寒,          Đại hàn 大寒.

       24 TIẾT nêu trên được gọi KHÍ TIẾT 氣節, có nghĩa là Khí hậu và thời tiết căn cứ theo mùa màng của Âm lịch để trồng trọt canh tác, trong đó có TIẾT THANH MINH 清明節 vừa là Khí hậu thời tiết lại vừa là một trong những ngày LỄ TIẾT 禮節 trong năm. LỄ TIẾT là những cột móc, là những ngày LỄ theo truyền thống và phong tục tập quán của từng địa phương hay dân tộc, được gọi trại thành những ngày LỄ TẾT trong năm. Ngoài TẾT "THANH MINH trong Tiết tháng Ba" ra, ta còn có TẾT ĐOAN NGỌ 端午節 (Mùng 5 tháng 5), TẾT TRUNG THU 中秋節 (ngày Rằm tháng Tám), TẾT TRÙNG CỬU (hay TRÙNG DƯƠNG) 重陽節 (Mùng 9 tháng 9), TẾT NGUYÊN TIÊU 元宵節 (ngày Rằm tháng Giêng) và quan trọng nhất là TẾT NGUYÊN ĐÁN 元旦節 ngày Mồng một tháng Giêng. Tóm lại, TIẾT  khi được gọi là :
          - KHÍ TIẾT 氣節 thì có nghĩa là Khí hậu và thời tiết của mùa màng trong một năm. 
             (Trong chữ Nho của ta KHÍ TIẾT còn có nghĩa là "Nghĩa khí và Tiết Tháo" của kẻ sĩ).
    Còn khi được gọi là :
          - LỄ TIẾT 禮節 thì có nghĩa là những ngày LỄ TẾT ở trong năm .

        Trở lại với từ  TẾT NGUYÊN ĐÁN .

        * NGUYÊN 元 là Bắt đầu, là Đứng đầu, là Thứ nhất... Nên ngày xưa người đứng đầu các Tiến Sĩ được gọi là TRẠNG NGUYÊN 狀元. Ngoài ra còn có các từ mà ta thường gặp như :

           - NGUYÊN SOÁI 元帥 Người đứng đầu của Tam quân ngày xưa .
           - NGUYÊN TH元首 Người đứng đầu một nước, như Tổng thống, Thủ Tướng...
           - NGUYÊN KHÍ 元氣 Cái khí chất tinh lực vốn có của con người và của trời đất.
           - NGUYÊN NIÊN 元年 là Cái năm đầu tiên của một triều đại hay chế độ nào đó.
           - NGUYÊN ĐÁN 元旦 là Ngày đầu tiên trong tháng hoặc trong năm. ĐÁN 旦 được ghép bởi chữ NH日 đứng trên chữ NHẤT 一, với hàm ý là Mặt trời đã mọc lên khỏi mặt đất, nên nghĩa gốc của chữ ĐÁN là BUỔI SÁNG, bắt đầu cho một ngày, nên cũng có nghĩa là NGÀY. ĐÁN 旦 cũng là Ngày đầu của một tháng Âm lịch tức ngày Mng Một, đối với ngày Rằm (15) trong tháng gọi là ngày VỌNG 望. Nên ...
           TẾT NGUYÊN ĐÁN 元旦節 là ngày Lễ Tết lớn nhất trong năm, vì nó vừa bắt đu cho một Ngày Mới, một Tháng mới và cả một Năm Mới nữa ! Vì vậy mà ta thấy trong ngày Tết đầu năm,  ông bà xưa hay viết câu chữ mà cũng là câu đối sau đây dán ở trước cổng chính :

                             一元復始,     Nhất nguyên phục thủy,
                             萬象更新。     Vạn tượng canh tân .
Có nghĩa :
           - Một vòng nguyên khí của đất trời lại PHỤC THỦY là vận hành bắt đầu trở lại, và...
           - Muôn ngàn hiện tượng trong trời đất lại bắt đầu CANH TÂN là đổi mới trở lại.

 Trời đất cây cỏ núi sông đổi mới sau những tháng đông hàn lạnh lẽo, thì con người cũng nên có cuộc sống mới, nếp sống mới, suy nghĩ mới, làm ăn mới... cho phù hợp và thích ứng với những ngày tháng mới; một sự đổi mới thuận lợi của đầu năm thì đã là dấu hiệu của thành công một nửa rồi ! Vì nó sẽ mở ra một vận hội mới như câu...

                       TAM DƯƠNG KHAI THÁI      三陽開泰

       Theo sách Chu Dịch 周易. Sau tiết Đông Chí 冬至 thì khí âm hàn bắt đầu tiêu thoái, và khí dương thì bắt đầu sanh trưởng, ta thường nghe các Thầy Bói gọi là Âm Tiêu Dương Trưởng 陰消陽長, đêm sẽ ngắn dần, ngày sẽ dài thêm ra, cho nên Tháng Mười Một là tháng Tý, thuộc quẻ Phục 復 là Nhất Dương Sanh, Tháng Mười Hai là Tháng Sửu, thuộc quẻ Lâm 臨 là Nhị Dương Sanh, và Tháng Giêng là Tháng Dần, thuộc quẻ Thái 泰 là Tam Dương Sanh. Vì thế nên Tết Nguyên Đán là ngày đầu của tháng Giêng mới dùng câu TAM DƯƠNG KHAI THÁI 三陽開泰 mà chúc mừng cho năm mới mở ra vận hội mới, lấy Ý chữ Thái là Lớn, là Thông, như trong tiếng Việt ta thường nói "Hết vận Bỉ rồi thời lại Thái", hoặc "Bỉ cực thì Thái lai" và "Hết cơn Bỉ Cực, đến hồi Thái lai". Có nghĩa: Hết lúc Bế tắt, nghèo khó thì đến lúc Hanh thông, khá giả !
                            
          Vì 2 chữ Dương 陽 là Âm Dương và 羊 Dương là Con Dê đồng âm với nhau, nên ta thường gặp những bức tranh vẽ hình 3 con dê thay thế cho khí dương của trời đất mà chúc nhau bằng câu Tam Dương Khai Thái như ta thường  trông thấy!    
 Đối với TAM DƯƠNG KHAI THÁI là một câu nói lên mơ ước trong ngày Tết, đó là :

                           NGŨ PHÚC LÂM MÔN      五福臨門
Có nghĩa :
           - Năm điều Phưc sẽ LÂM MÔN là đến trước cửa nhà. Vậy 5 điều phước đó là gì ?

     Theo truyền thống xã hội ngày xưa : Năm cái PHƯỚC đó là: Thọ, Phú, Khang ninh, Du hảo đức và Khảo chung mệnh. 五福是:寿,富,康寜,攸好德,考终命。Có nghĩa : Sống lâu, giàu có, mạnh khỏe, có Đức tốt và chết an lành là Thiện chung đó. Nói cho gọn là : Thọ 壽, Phú 富, Khang 康, Đức 德 và Thiện 善. Đó là 5 cái phước mà mọi người thời xưa đều mong mỏi. Còn bây giờ thì sao ? Xã hội ngày một thay đổi và tiến hóa, nên mơ ước mong mỏi của con người cũng có khác. Theo sưu tầm tìm thấy trên mạng thì NGŨ PHÚC của hiện nay là : Hòa hài 和諧,Hưng vượng 興旺,Phú qúy 富貴,Bình an 平安,Kiện khang 健康。Có nghĩa : Gia đình hòa thuận, Làm ăn phát đạt, Trở nên giàu sang, Gia đình bình an và Mọi người đều khỏe mạnh. Rất thực tế và rất phù hợp với cuộc sống của xã hội trước mắt.

    Trong ngày xuân ngày Tết, khi TAM DƯƠNG đã KHAI THÁI rồi, thì mọi người lại mong được NGŨ PHÚC LÂM MÔN. Đó là lẽ thường tình của con người, nên người ta lại tìm những hoa cỏ có  đặc trưng cho những  mong ước đó. Vì thế , ta lại thường thấy 2 câu : 

                           梅開五福,    Mai khai ngũ phúc,
                           竹報三多。    Phúc báo tam đa.
Có nghĩa :
            - Hoa Mai nở ra 5 cánh tượng trưng cho NGŨ PHÚC là 5 thứ phước; còn...
            - Lá Tre mọc từng phần 3 lá một, tượng trưng cho TAM ĐA là 3 thứ nhiều. Nên...   
       
      TRÚC BÁO TAM ĐA 竹報三多 là chỉ : Một chi nhỏ của nhánh trúc thường có 3 lá, như điềm báo mang đến 3 cái nhiều (Tam Đa) mà người ta thường mong mỏi. Đó là : Đa Phúc, Đa Thọ, Đa Nam Tử  三多是:多福,多寿,多男子。Nhiều phước, nhiều thọ, nhiều con trai. Ngày xưa PHƯỚC THỌ là trên hết, nhiều con trai lại càng qúy hơn với cái xã hội nông nghiệp. Có nhiều con trai sẽ có nhiều sức lao động, mặc sức mà khai hoang lập ấp, canh tác để làm giàu; nên trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu :

                  有兒貧不久,   Hữu nhi bần bất cửu,
                  無子富不長。   Vô tử phú bất trường. 
Có nghĩa :
           - Có con thì nghèo không lâu, vì con lớn lên sẽ giúp làm ra thêm tài sản. Còn...
           - Không có con thì giàu không bền, vì không có ai giúp làm ra thêm của cải vật chất c.
  Cuối cùng là câu chúc mà ta cũng rất thường thấy trong ngày TẾT, đó là câu :

                   花開富貴,  Hoa khai phú qúy,
                   竹報平安。  Trúc báo bình an.
Có nghĩa :
        - Mùa xuân hoa nở đẹp rực rỡ, tượng trưng cho sự Phú Qúy, và...
        - Cây trúc luôn luôn xanh tươi trong mùa đông giá rét, tượng trưng cho sự bình an khoẻ mạnh.
      Hoa Mẫu đơn, hoa Thược dược, hoa Tường vi đều tượng trưng cho sự Phú Qúy, còn tre trúc là một trong Tuế Hàn Tam Hữu 歲寒三友 là TÙNG TRÚC MAI 松竹梅 tượng trưng cho sự mạnh khoẻ bình an, vì vẫn luôn xanh tươi trong mùa đông tháng giá.


     Xin được triển khai đôi câu nói nầy thành đôi liễn chúc Tết như sau :

                花開富貴今年貴,   Hoa khai phú qúy kim niên qúy,
                竹報平安此歲安。   Trúc báo bình an thử tuế an !
Có nghĩa :
          - Hoa nở tượng trưng cho sự phú qúy, năm nay sẽ được phú qúy;
          - Tre trúc báo hiệu cho sự bình an, năm nay sẽ được bình an !

      Cầu mong cho tất cả mọi người đều được BÌNH AN, PHÚ QÚY trong năm QÚY MÃO nầy ! Mong lắm thay !

      Hẹn bài viết tới !

                                                                                杜紹德
                                                                            Đỗ Chiêu Đức



Mời Xem :
 








          

 

5 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất thế giới năm 2022 (Dân Việt )

Trong năm 2022, người dân thế giới hứng chịu một số thảm họa thiên nhiên kinh hoàng khiến nhiều người thương vong. Không những vậy, những thảm kịch này còn gây thiệt hại lớn về kinh tế.  

 Một đám cháy rừng do sét đánh đã diễn ra suốt từ ngày 15/6/2022 tại tỉnh Zamora, Tây Bắc Madrid, Tây Ban Nha. Đây là một trong những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất thế giới năm 2022

Vụ cháy đã thiêu rụi hơn 30.000 ha đất rừng và người dân sống tại thành phố tại tỉnh Navarre phải sơ tán. Giới chức trách Tây Ban Nha nhận định đây là vụ cháy rừng tồi tệ nhất tại quốc gia này kể từ năm 2012. Do tình hình thời tiết cực đoan, nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C cộng thêm gó giật tới mức 70 km/h khiến các nỗ lực dập lửa gặp nhiều khó khăn.

5 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất thế giới năm 2022 - Ảnh 3.

Sáng ngày 22/6/2022, trận động đất mạnh 5,9 độ Richter xảy ra ở miền Đông Afghanistan đã khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và làm bị thương khoảng 1.500 người khác.

5 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất thế giới năm 2022 - Ảnh 4.

Trận động đất mạnh được cảm nhận trên khắp một vùng rộng lớn của Afghanistan, bao gồm thủ đô Kabul. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), tâm chấn của trận động đất ở cách thành phố Khost khoảng 48 km về phía Tây Nam. Do tâm chấn ở độ sâu tương đối nông (chỉ 10 km) nên tác động của trận động đất càng nghiêm trọng hơn.

Trận động đất mạnh 6,8 độ Richter xảy ra ở huyện Lô Định, tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc trưa ngày 5/9/2022 đã khiến hơn ít nhất 65 người thiệt mạng, 248 người bị thương và 12 người mất tích. Theo đó, Cơ quan quản lý động đất Tứ Xuyên đã nâng mức phản ứng khẩn cấp động đất của tỉnh lên cấp I vào đêm hôm ấy - mức cao nhất trong hệ thống ứng phó khẩn cấp động đất 4 cấp của Trung Quốc.

5 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất thế giới năm 2022 - Ảnh 6.

Cơ quan quản lý động đất của chính phủ Trung Quốc cũng kích hoạt phản ứng khẩn cấp cấp độ II. Đến sáng ngày 6/9, 10 trận dư chấn có cường độ từ 3 độ trở lên đã được ghi nhận, trong đó dư chấn lớn nhất là 4,2 độ. Hơn 50.000 người đã phải di dời tới nơi an toàn.

5 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất thế giới năm 2022 - Ảnh 7.

Vào đêm ngày 8/10/2022 (theo giờ địa phương), mưa lớn xảy ra đã cuốn những thân cây lớn và mảnh vỡ từ những ngọn núi xung quanh vào cộng đồng Tejerias, cách thủ đô Caracas của Venezuela khoảng 67km về phía Tây Nam. Sang đến ngày hôm sau, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez thông báo ít nhất 22 người đã thiệt mạng và 52 người mất tích sau khi 5 con sông nhỏ ở miền Trung Venezuela bị tràn bờ, gây lũ lụt nghiêm trọng do mưa lớn.

5 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất thế giới năm 2022 - Ảnh 8.

Trận mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng trên không chỉ ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của người dân mà còn gây thiệt hại lớn cho các cơ sở kinh doanh và đất nông nghiệp. Giới chức trách đã điều động 1.000 nhân viên cứu hộ nhằm tìm kiếm các nạn nhân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

5 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất thế giới năm 2022 - Ảnh 9.

Vào ngày 21/11/2022, một trận động đất mạnh 5,6 độ Richter đã khiến hơn 260 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trên khu vực đảo Java của Indonesia.

5 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất thế giới năm 2022 - Ảnh 10.

Cianjur thuộc tỉnh Tây Java là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất trên. Dù động đất mạnh 5,6 độ Richter thường chỉ gây thiệt hại nhẹ cho các tòa nhà và các công trình nhưng các chuyên gia cho rằng việc khu vực này quá gần với các đường đứt gãy địa chất, cộng với độ nông của tâm chấn và cơ sở hạ tầng không có khả năng chịu động đất đã khiến thảm họa thiên nhiên này trở nên nghiêm trọng hơn.


Mời Xem Lại :Top thảm họa thiên nhiên khiến con người luôn bàng hoàng
 

Kết Vương Miện Tình - Nguyễn Đạm Luân

 


Mời Xem   :Về Đỉnh Gió Sầu - Nguyễn Đạm Luân

Bệnh tự ảo tưởng về kiến thức của bản thân

Tác giả : David Robson

Nguồn: BBC Worklife

Ngày đăng: 2022-12-26


Nếu bạn cho mình là thông minh và có học thức vừa phải, bạn có thể mặc định rằng mình nắm bắt vừa đủ về cách thức hoạt động cốt lõi của thế giới – kiến thức về những phát minh và các hiện tượng tự nhiên quen thuộc quanh mình.

Bây giờ, hãy nghĩ về những câu hỏi sau đây: cầu vồng được hình thành như thế nào? Tại sao ngày nắng có thể lạnh hơn ngày âm u? Làm sao trực thăng bay được? Bồn cầu xả nước như thế nào?

Tiếp theo, hãy tự hỏi bản thân: bạn có thể có câu trả lời chi tiết cho bất kỳ hay toàn bộ những câu hỏi trên không? Hay bạn chỉ nắm bắt mơ hồ những điều cốt lõi trong mỗi trường hợp?

Nếu bạn cũng giống như nhiều người tham gia nghiên cứu tâm lý, ban đầu bạn có thể cho rằng mình sẽ làm tốt. Tuy nhiên, khi được yêu cầu đưa ra câu trả lời đi sâu hơn cho mỗi câu hỏi, hầu hết mọi người đều hoàn toàn bối rối – cũng như bạn vậy.

Sự thiên lệch này được gọi là ‘ảo tưởng kiến thức’. Bạn có thể cho rằng những ví dụ cụ thể này là nhỏ nhặt – suy cho cùng, chúng là kiểu câu hỏi mà đứa trẻ tò mò có thể hỏi bạn, mà hậu quả tồi tệ nhất có thể là đỏ mặt trước mặt người thân.

Nhưng ảo tưởng kiến thức có thể gây hại cho phán đoán chúng ta trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, ở nơi làm việc, nó có thể khiến chúng ta đánh giá quá cao kiến thức của mình trong một cuộc phỏng vấn, bỏ qua đóng góp của đồng nghiệp và nhận những việc mà chúng ta hoàn toàn không thể làm được.

Nhiều người chúng ta trong cuộc sống hoàn toàn không biết gì về sự kiêu ngạo trí tuệ này và hậu quả của nó. Tin tốt là một số nhà tâm lý cho rằng có thể có một số cách đơn giản không ngờ để tránh cái bẫy tư duy phổ biến này.

Ẩn số chưa biết

Ảo tưởng kiến thức – còn được gọi là ‘ảo ảnh về chiều sâu giải thích’ – lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào năm 2002.

Trong một loạt các nghiên cứu, Leonid Rozenblit và Frank Keil tại Đại học Yale trước hết đưa cho người tham gia những giải thích ví dụ về các hiện tượng khoa học và cơ chế hoạt động công nghệ, được chấm theo thang điểm từ 1 (rất sơ sài) đến 7 (rất thấu đáo). Điều này đảm bảo mọi người đều thống nhất khi đánh giá thế nào là hiểu biết ‘sơ sài’ hay ‘thấu đáo’ về một chủ đề.

Kế đó là bài trắc nghiệm. Khi được hỏi thêm các câu hỏi về khoa học và công nghệ, người tham gia phải đánh giá mức độ họ nghĩ mình có thể trả lời từng câu hỏi đến đâu, sử dụng cùng thang đo, trước khi viết ra câu trả lời càng chi tiết càng tốt.

Rozenblit và Keil nhận thấy đánh giá ban đầu của mọi người về hiểu biết của họ thường lạc quan quá mức. Họ cho rằng mình có thể viết cả bài dài về chủ đề này, nhưng thường chỉ kể ra được ý chính cơ bản nhất – và sau đó, nhiều người ngạc nhiên về mức độ họ biết ít thế nào.

Các nhà nghiên cứu ngờ rằng sự tự tin thái quá nảy sinh từ khả năng hình dung các khái niệm được nói đến; chẳng hạn, không khó hình dung trực thăng bay thế nào, và sự xuất hiện dễ dàng của hình ảnh đó trong tâm trí khiến mọi người thấy tự tin hơn để giải thích cơ chế chuyển động của nó.

Kể từ nghiên cứu bản lề này, các nhà tâm lý đã cho thấy ảo tưởng kiến thức trong nhiều bối cảnh khác nhau. Ví dụ, Matthew Fisher, phó giáo sư tiếp thị tại Đại học Southern Methodist, Texas, phát hiện rằng nhiều sinh viên ra trường đánh giá quá cao khả năng nắm bắt chuyên ngành đại học của họ, khi họ đã học xong.

Giống bài trắc nghiệm đầu tiên, người tham gia được yêu cầu đánh giá hiểu biết của họ về các khái niệm khác nhau trước khi giải thích chi tiết. Tuy nhiên, lần này, các câu hỏi thuộc chủ đề họ đã học nhiều năm trước. (Ví dụ, sinh viên vật lý cố giải thích định luật nhiệt động lực học).

Nhờ sự tiêu hao trí nhớ tự nhiên, các sinh viên dường như đã quên nhiều chi tiết quan trọng, nhưng họ không thấy mình đã mất bao nhiêu kiến thức – khiến họ quá tự tin vào dự đoán ban đầu của mình. Khi đánh giá hiểu biết của mình, họ cho rằng họ vẫn biết nhiều như lúc họ hoàn toàn chìm đắm trong việc học.

Nghiên cứu sâu hơn chỉ ra rằng việc có sẵn tài nguyên trực tuyến có thể nuôi dưỡng sự tự tin thái quá của chúng ta, vì chúng ta nhầm lẫn kho tàng kiến thức trên mạng với trí nhớ của mình.

Fisher đã yêu cầu một nhóm trả lời các câu hỏi – chẳng hạn ‘dây kéo phéc-mơ-tuya hoạt động thế nào?’ – với sự hỗ trợ của công cụ tìm kiếm, trong khi nhóm khác chỉ được yêu cầu đánh giá hiểu biết của họ về chủ đề này mà không dựa thêm vào bất cứ nguồn nào. Sau đó, cả hai nhóm đã trải qua bài trắc nghiệm ban đầu về ảo ảnh kiến thức với bốn câu hỏi bổ sung – chẳng hạn ‘lốc xoáy hình thành thế nào?’ và ‘tại sao những đêm nhiều mây ấm hơn?’. Ông nhận thấy những ai dùng Internet trong câu hỏi ban đầu của họ thể hiện sự tự tin thái quá trong nhiệm vụ ngay sau đó.

 

Ảo tưởng về tiếp thu kỹ năng

Có lẽ nghiêm trọng nhất, nhiều người trong chúng ta đánh giá quá cao mức độ chúng ta học được bằng cách quan sát người khác – dẫn đến ‘ảo tưởng về khả năng tiếp thu kỹ năng’.

Michael Kardas, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ về quản lý và tiếp thị tại Đại học Northwestern, Hoa Kỳ, đã yêu cầu người tham gia xem các video lặp đi lặp lại về các kỹ năng khác nhau, chẳng hạn ném phi tiêu hoặc nhảy điệu moonwalk, đến 20 lần. Sau đó, họ phải ước tính khả năng của mình, trước khi tự mình làm việc đó. Hầu hết mọi người cho rằng chỉ cần quan sát các đoạn video họ sẽ làm được. Và càng xem nhiều, sự tự tin ban đầu của họ càng lớn.

Tuy nhiên, thực tế rõ ràng đáng thất vọng. “Mọi người nghĩ họ sẽ ghi điểm cao hơn nếu họ xem video 20 lần so với xem một lần,” Kardas nói. “Nhưng màn thể hiện của họ không cho thấy bằng chứng nào là họ đã học được.”

Khá kinh ngạc, quan sát thụ động còn có thể làm tăng sự tự tin của mọi người vào khả năng họ làm được các công việc phức tạp mang tính sống còn, chẳng hạn hạ cánh máy bay.

Kayla Jordan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Waikato, New Zealand, người đứng đầu nghiên cứu này, đã được thôi thúc trực tiếp từ nghiên cứu của Kardas. “Chúng tôi muốn kiểm tra giới hạn của hiện tượng này - liệu nó có áp dụng cho các kỹ năng chuyên môn không.” Bà chỉ ra rằng phi công cần hàng trăm giờ huấn luyện và hiểu biết sâu sắc về vật lý, khí tượng và kỹ thuật, mà không thể tiếp thu được thông qua đoạn video ngắn.

Trước hết người tham gia được yêu cầu "tưởng tượng mình đang ở trên máy bay nhỏ. Do trường hợp khẩn cấp, phi công trở nên bất lực, và bạn là người duy nhất còn lại để hạ cánh". Sau đó, một nửa được cho xem đoạn băng dài bốn phút cảnh phi công hạ cánh, trong khi nửa còn lại không xem.

Quan trọng là đoạn băng thậm chí còn không cho thấy bàn tay phi công làm gì trong quá trình – nó không có giá trị hướng dẫn nào. Tuy nhiên, nhiều người xem đoạn clip trở nên lạc quan hơn nhiều về khả năng tự hạ cánh an toàn. “Họ tự tin hơn khoảng 30%, so với những người không xem,” Jordan nói.

Thế lưỡng nan ngoài đời thực

Ảo tưởng về kiến thức có thể có những hậu quả quan trọng. Quá tự tin vào kiến thức có thể có nghĩa là bạn chuẩn bị ít hơn chẳng hạn cho phỏng vấn hay thuyết trình, khiến bạn xấu hổ khi bị ép phải thể hiện chuyên môn.

Tự tin thái quá có thể là vấn đề khi bạn muốn thăng chức. Khi quan sát mọi người từ xa, bạn có thể mặc định mình biết công việc đó làm thế nào và bạn đã tiếp thu các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, một khi bắt tay vào việc, bạn có thể nhận ra rằng công việc này có nhiều thứ mà chỉ nhìn thôi thì không biết được.

Nó cũng có thể khiến chúng ta đánh giá thấp đồng nghiệp. Giống như cách chúng ta nhầm lẫn kiến thức trên Google với kiến thức chính mình, chúng ta có thể không nhận ra mình dựa vào kỹ năng và khả năng của người xung quanh đến mức nào. “Khi thấy kỹ năng và nền tảng kiến thức của người khác – đôi khi mọi người có thể nhầm lẫn đó phần mở rộng của những gì họ bản thân biết,” Jordan nói.

Nếu chúng ta bắt đầu cho rằng kiến thức của đồng nghiệp là của mình, chúng ta ít có khả năng nhớ và thể hiện lòng biết ơn đối với đóng góp của họ - hình thức kiêu ngạo vốn là lỗi phổ biến nơi công sở. Đánh giá quá cao kiến thức bản thân và quên đi sự hỗ trợ mà bản thân nhận được từ người khác cũng có thể gây vấn đề nghiêm trọng khi chúng ta cố gắng một mình một chợ với dự án solo.

 

Có thể làm gì để tránh những cái bẫy này?

Một giải pháp rất đơn giản: kiểm tra bản thân. Ví dụ: nếu bạn đánh giá năng lực bản thân trong việc thực hiện một công việc không quen, đừng chỉ dựa vào ý tưởng mơ hồ, chung chung về nó sẽ là như thế nào.

Thay vào đó, hãy bỏ thêm chút thời gian suy nghĩ cẩn thận về các bước phải làm để đạt mục tiêu. Bạn có thể thấy có những lỗ hổng lớn trong kiến thức của bạn mà bạn cần phải lấp đầy trước khi tung mình ra.

Tốt hơn nữa, bạn có thể tìm đến chuyên gia và hỏi họ làm gì – cuộc trò chuyện có thể dằn lại bất kỳ những gì mà bạn có thể kiêu ngạo rằng mình biết.

Do công nghệ có khả năng thổi phồng niềm tin vào kiến thức của bạn, bạn cũng có thể tiết chế thói quen lên mạng của mình.

Fisher cho rằng nên dừng lại một chút và cố gắng hết sức để nhớ trước khi tìm kiếm trên mạng. Bằng cách ý thức những khiếm khuyết kiến thức của mình, bạn có thể bắt đầu có đánh giá thực tế hơn về trí nhớ của mình và giới hạn của nó.

“Bạn cần chấp nhận tình trạng mình thấy bối rối,” ông nói. “Bạn phải cảm nhận được sự thiếu hụt kiến thức của mình, là điều vốn mấy không dễ chịu.”

Mục tiêu của tất cả những việc này, là để trở nên khiêm tốn thêm một chút - một trong các ‘đức tính trí tuệ’ cổ điển được các triết gia tôn vinh.

Bằng cách nhận ra ảo tưởng kiến thức của chúng ta về và thừa nhận giới hạn trong hiểu biết của mình, tất cả chúng ta có thể gạt qua các bẫy tư duy đáng tiếc để có được suy nghĩ và quyết định khôn ngoan hơn.