1 thg 6, 2022

Lời tự thú của một người tạo ‘mim’ công lý xã hội

C ♦ Chuyển ngữ: ♦ 

Bài của Christina Buttons, “Confessions of a Social-Justice Meme Maker” đăng trên báo mạng Quillette ngày 17-05-2022)

Lời người dịch: Bài này dùng từ “tự thú” (confessions) trong cái tựa như để tiết lộ tâm trạng của tác giả sau một cuộc “hối cải.” Nhưng đây không phải là điều khiến tôi chọn dịch và đưa câu chuyện của Christina Buttons, một nữ họa sĩ ngụ tại thành phố Nashville, tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ, đến với người đọc Việt.

Tôi tìm thấy lại trong câu chuyện đơn giản này những gì chính mình đã chứng kiến ít nhiều hoặc chỉ mơ hồ cảm thấy từ vị trí của một người quan sát bên lề vào một trong những thời kỳ đầy xáo trộn của nước Mỹ. Ấy là sự can dự của rất nhiều người bên ngoài nước Mỹ vào đời sống chính trị Mỹ. Ấy là thái độ sẵn sàng gây hiềm khích của những người có sẵn uy tín và khả năng sử dụng ngôn luận để ảnh hưởng dư luận. Ấy là một số nhỏ trong tiềm tàng hàng loạt ngộ nhận về những giá trị mà một nền văn minh Tây phương như Mỹ đang cống hiến cho nhân loại, điển hình là một số quan điểm của ý thức hệ cấp tiến đương thời. Ấy là những rạn nứt và đổ vỡ về quan hệ xã hội và cá nhân ở nhiều cấp độ và kéo dài đến nay. Ấy là thái độ trịch thượng của việc tự xem mình cao đạo và trọn tin mình đang đứng về phía đúng của lịch sử. Ấy là quyền năng của mạng xã hội biến đổi hành vi của những người tham gia nó.

Về nguyên nhân của những hiện tượng trên, bài tự thuật này rõ ràng không có khả năng chạm đến. Người đọc có thể tìm đến những tác giả hàn lâm hơn, như Jonathan Haidt với bài nhận định và phân tích công phu mới đây trên tạp chí The Atlantic, được ông đặt tựa cho bản đi kèm với tờ báo in là “Sau Babel” nhưng cho bản trực tuyến là “Tại sao 10 năm qua trong đời sống Mỹ là đặc biệt ngu xuẩn.”

Nhưng tự tạo một dịp để nhìn lại chính mình, một cách đơn giản và thành thật, như Christina Buttons đã làm trong bài này, vẫn là cần thiết và hữu ích. –LĐNL

* Tôi tạo ra những bức hình đẹp mắt giúp giữ cho mọi người tiếp tục phẫn nộ và tham gia. Rồi tôi tự hỏi: ‘Tại sao tôi làm điều này?’

Khi đại dịch nổ ra hồi tháng 3-2020, tôi đang làm việc tại nhà từ một căn chúng cư ở Los Angeles bên cạnh hai con mèo của mình. Nghề của tôi là minh họa sách thiếu nhi. Phần lớn cuộc sống tôi diễn ra trên mạng, nơi tôi cẩn thận đếm con số “thích” mà những gì tôi đăng trên truyền thông xã hội thu nhận được. Tôi tưởng tượng đây là một chỉ số đáng tin cậy về giá trị của những ý tưởng của mình. Là một họa sĩ, số người theo dõi tôi ngày càng nhiều trên truyền thông xã hội cũng giúp tôi tìm được thêm những cơ hội nghề nghiệp mới, cũng như khách hàng cho những sản phẩm tôi bán trên Etsy.

Trong thời kỳ phong tỏa, tôi càng dựa vào truyền thông xã hội nhiều hơn, và Instagram là diễn đàn chính của tôi. Tôi bắt đầu tự xem mình là một “người ảnh hưởng.” Danh hiệu ấy giờ đây có những ẩn ý tiêu cực (hay ít ra cả xấu lẫn tốt). Nhưng đối với những người hướng nội hoặc thần kinh không bình thường, và gặp khó khăn trong giao tiếp ngoài đời, thì viễn cảnh tạo ảnh hưởng qua những phương pháp điện tử trong tầm tay là rất hấp dẫn. (Tôi bị hội chứng Asperger, một đề tài mà tôi đã viết công khai trong quá khứ.)

Dần dà tôi nghiêng sang cộng đồng nghệ thuật công lý xã hội. Vào thời điểm cả thế giới trải qua một nỗi sợ tập thể về COVID-19, tôi vui khi tưởng tượng rằng nghệ thuật của mình tạo ra niềm vui và sự thoải mái cho mọi người. Và dĩ nhiên, khi có những người cảm động và chia sẻ tranh của tôi với người khác, điều đó cũng phù hợp một cách vừa vặn với mục tiêu của tôi là thu hút thêm người theo dõi. Nhưng tôi đã tự nhắc mình rằng đây không phải là mục đích chính.

Đến lúc các cuộc biểu tình và bạo loạn Black Lives Matter khởi phát vào giữa năm 2020, tôi hoàn toàn chìm sâu trong mảng văn hóa này. Và những bức hình mang chủ đề công lý xã hội dễ thương, không đe dọa mà tôi vẫn sản xuất ra nhường chỗ cho một thông điệp đấu tranh cứng rắn hơn. Lúc đó, những đồ họa thông tin giảng giải cho mọi người về chống kỳ thị chủng tộc đang tràn ngập Instagram, giản lược những vấn đề xã hội phức tạp xuống thành những luận điểm thiên về ý thức hệ nhưng dễ hiểu. Những trang đồ hình chủ yếu bằng chữ đặt trên nền pastel đặc biệt ăn khách. Chúng thường đọc giống như cẩm nang hướng dẫn, mớm cho tín đồ đúng những câu chữ cần thiết để bác bỏ những phản luận cứ và “giáo dục” những kẻ “dốt” trong gia đình họ.

Nhận ra ngay cơn điên của đám đông, giới kinh doanh Mỹ du nhập loại mim [tiếng Anh “meme,” tức bức đồ họa nhỏ dùng để chuyển tải một thông điệp hoặc bày tỏ một thái độ] công lý xã hội dễ dãi này vào các chiến dịch tiếp thị toàn quốc. Lên án kỳ thị trở thành bắt buộc đối với một thương hiệu, và những người ảnh hưởng cũng như các doanh nghiệp đều đứng trước nguy cơ thiệt hại uy tín nếu họ không kịp nhảy lên đoàn tàu này một cách sớm sủa và quả quyết. Kèm theo những đồ họa thông tin, có sự bùng nổ trên thị trường của việc minh họa bằng các kiểu chữ bắt mắt cho những khẩu hiệu đơn giản như khẩu hiệu của Angela Davis, “Không kỳ thị chưa đủ. Bạn phải chống kỳ thị.” Im lặng là bạo lực. Vân vân.

Những bức hình mang chủ đề công lý xã hội được tác giả đăng trên Instagram trong năm 2020

Tôi chấp nhận cái ý thức hệ chống kỳ thị chủng tộc làm nền này mà không thắc mắc. Các báo như New York Times và Washington Post bảo đảm với tôi là mình ở về phía đúng của lịch sử. Cộng đồng mạng mà tôi thuộc về thì là một phòng đồng vọng đúng nghĩa, trong đó những sự kiện và số thống kê không phù hợp với ý thức hệ có thể được hóa giải với sự trợ giúp của những bức hình đẹp mắt ấy. Nếu chừng ấy con người thành thật thuộc mọi chủng tộc quả quyết rằng nước Mỹ đang trải qua một “đại dịch” kỳ thị chủng tộc, thì tôi, một người đàn bà da trắng 31 tuổi, làm sao mà nói khác đi được?

Theo thời trang chuẩn của California, tôi là một cử tri ghi danh theo đảng Dân Chủ từ khi lên 18 tuổi, và đã bỏ phiếu theo đó trong mỗi cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng sự can dự (và quan tâm) của tôi vào chính trị dòng chính đến đó là hết. Tôi tự xem mình là giữ thái độ trung dung, khi đã tránh né những thái quá của các phong trào cánh tả như #MeToo. Thậm chí ba năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump cũng không dấy lên trong tôi một mức độ căm phẫn mà tôi nhận thấy nơi những người khác theo đảng Dân Chủ.

Nhưng khi COVID nổ ra, tôi ngấu nghiến tin tức—chủ yếu CNN và MSNBC, là những cơ quan truyền thông đổ phần lớn tội lỗi về đại dịch, chưa kể những bất công về chủng tộc của nước Mỹ, lên Trump. Trong tâm trí tôi phát triển ý thức rằng chúng ta đang sống qua một cuộc khủng hoảng đòi hỏi mỗi người phải thực hiện một chọn lựa sống còn. Ở một bên là những người muốn biến thế giới thành một nơi chốn tốt hơn. Ở bên kia là những kẻ cố chấp và chống chích ngừa. Tiện lợi thay, đó cũng là lằn ranh chia đất nước tôi ra hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa.

                Một số nội dung cổ động bầu cử trên Instagram

Sản phẩm truyền thông xã hội của tôi thu hút sự chú ý của một trương mục Instagram cấp tiến được nhiều người theo dõi khi ấy tên là @WeFuckingHateDonaldTrump. Trương mục này bắt đầu đều đặn “ghim” những lời bình hóm hỉnh của tôi vào những gì họ đăng lên. Trương mục đó thu hút hơn 700.000 người theo dõi chỉ trong bốn năm, với nội dung phần lớn bao gồm những mim đả kích Trump và người theo Trump, cùng với những nội dung câu khách cấp tiến gây phân cực khác.

Tôi làm bạn với những người chủ trương mục, một cặp từ Úc, và sau cùng gia nhập đội ngũ của họ trong vai trò một người tạo ra và tuyển chọn nội dung. Thay vì được trả lương, tôi được phép dùng trương mục của họ để hướng những người theo dõi đến trang Instagram của chính mình. Trong thế giới trực tuyến, việc tiếp cận một thính chúng lớn như thế là một tài sản quý giá, và do đó tôi đồng ý với sự giàn xếp này. (Sau này tôi được biết những người chủ của tôi hy vọng đạt đến mốc một triệu người theo dõi để có thể thoải mái nghỉ công việc ban ngày của họ. Họ cũng muốn tạo ra một thương hiệu quần áo thời trang có liên quan ít nhiều mà giờ đây đang được quảng bá trên trang của họ.)

Do cách biệt về thời gian là đáng kể, các người chủ Úc muốn tôi giúp đăng nội dung khi nhóm người xem chính của họ—những người cấp tiến Mỹ giận dữ—vào mạng. Tôi dùng chung khoảng thời gian buổi sáng với Frederick Joseph, một nhà văn và người chống kỳ thị trung kiên ở New York sau này trở nên nổi tiếng (hoặc tai tiếng, tùy theo quan điểm của bạn) vì những lý do mô tả dưới đây. Đến lúc chúng tôi cộng tác, ông ấy đã phát triển được một nhóm người theo dõi đáng kể hầu hết nhờ những tin nhắn Twitter về “phụ nữ da trắng,” “tính trắng,” “nước mắt trắng,” và “thượng tôn da trắng.”

Do được chỉ thị phải tăng số người theo dõi, tôi cẩn thận nghiên cứu tính năng “Insights” của Instagram (mà các trương mục người tạo nội dung truy cập được), để ghi nhận những nội dung nào gặt hái được sự tiếp xúc cao nhất. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng bí quyết để đến với hàng ngàn người xem là đăng những nội dung nào gợi lên được những phản ứng cảm tính mạnh mẽ. Trong một thị trường bão hòa, quan điểm cực đoan thu hút hơn là những quan điểm chứa đựng sắc thái.

Tự sự mà chúng tôi kể với quần chúng vào cuối năm 2020 là “chủ nghĩa thượng tôn da trắng” là mối đe dọa lớn nhất mà nước Mỹ đang phải đối diện, và phe Cộng Hòa là “đảng của chủ nghĩa thượng tôn da trắng.” Lúc bấy giờ, tôi toàn tâm tin ở điều này. Khi một người anh em họ thân yêu của tôi chết vì COVID, tôi càng trở nên to tiếng hơn nữa và biến Trump thành mục tiêu đổ lỗi cho nỗi đau của mình. Và đó là tôi khi ấy, nằm trong tầm kiểm soát của một cỗ máy tuyên truyền trên Instagram vươn đến hàng trăm ngàn người bất mãn tương tự.

Khi chúng tôi đã khai thác được một tự sự tạo ra niềm thỏa mãn cảm tính về vấn đề mà nước Mỹ đang đối diện, thì dễ để ác quỷ hóa những kẻ cản đường tiến bộ. Nhưng luận điệu này kèm theo một gánh nặng bất tiện: Ít nhất là từ bên ngoài nhìn vào, tôi có thể bị cho là một phần của vấn đề mà chúng tôi liên tục chửi rủa—vì tôi là một người phụ nữ da trắng có giới tính chuẩn “đóng vai chính” trong cuộc đấu tranh cho công lý xã hội mà (như tất cả chúng ta đều nghe nói) phải được dẫn dắt bởi những người ở bên lề xã hội.

Mọi chuyện trở nên phức tạp vào tháng 1-2021, khi Joe Biden tuyên thệ làm tổng thống. Làm thế nào bạn duy trì một trương mục tên là @WeFuckingHateDonaldTrump khi Trump không còn ở trong Tòa Bạch Ốc? Việc của tôi là giữ cho mọi người phẫn nộ và tham gia để cho chúng tôi, Phe Xanh, có thể tạo ra sự thay đổi xã hội bằng cách loại bỏ kẻ xấu. Và chúng tôi đã thắng trận chiến ấy.

Tuy nhiên, các người chủ dường như không có một kế hoạch kinh doanh mới nào mà không bao gồm việc sản xuất thêm loại dâm thư kích động sự phẫn nộ. Và cũng vào khoảng thời gian này tôi tự hỏi tại sao mình lại gắng sức nhiều đến thế để dấy lên mối hiềm khích. Tôi cũng bắt đầu tự hỏi tác phẩm của mình có ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống của người xem. Tôi thôi giản lược con người xuống thành con số trên một trang “Insights,” và bắt đầu cố gắng nghĩ về họ như là những cá nhân.

Không còn Trump để mạt sát, người cấp tiến dần dần xoay sang công kích lẫn nhau. Các nhà hoạt động cánh tả dành ngày càng nhiều thời gian để thanh tẩy cộng đồng công lý xã hội trực tuyến, trong khi tìm kiếm những cơ hội để bị xúc phạm. Những màn kịch giật gân diễn ra sau đó thu hút rất nhiều sự chú ý, cho phép những chiến binh (thắng trận) được lên mặt và lên số người theo dõi.

Đến lượt tôi bị công kích khi một người ảnh hưởng kiêm nhà hoạt động tên là Keiajah “KJ” Brooks nêu tên tôi trong phần bình luận của một bài đăng, sau khi tôi chỉ trích nhà bình luận cánh hữu gây tranh cãi Candace Owens, tình cờ là một người da đen. Theo KJ, làn da trắng khiến tôi không đủ điều kiện để đưa ra lời bình phẩm như thế. Fred Joseph, đồng nghiệp mà tôi nhắc tới ở trên, cũng tham gia vùi dập tôi.


     Cuộc tranh cãi giữa tác giả với Keiajah “KJ” Brooks và Fred Joseph

Ngày hôm sau, Joseph tấn công tiếp, khi đăng lên một video giải thích tại sao khi người da trắng chỉ trích người da đen vì bất cứ lý do nào thì đó là kỳ thị. Khi tôi nêu vấn đề này với những người chủ của chúng tôi, họ nói rằng nên để cho một người da đen quyết định thế nào là kỳ thị chủng tộc. Đối với tôi, việc một người từ bỏ khả năng phê phán của mình nhân danh sự thuần khiết giáo điều là kỳ khôi. Nhưng đến lúc đó tôi đã vỡ lẽ ra mình là một kẻ đạo đức giả, và đây chính là điều mà tôi đang làm.

Tôi chưa bao giờ thật sự lắng nghe một câu nào của Owens hay bất cứ một người Cộng Hòa nào bị tôi bôi bẩn—ít nhất, đã không lắng nghe với thiện chí. Tôi chỉ tìm kiếm một lỗ hổng để chế diễu họ. Tôi hăm hở tạo dáng để hỗ trợ cho những luận cứ và vấn đề mà hầu như mình chẳng hiểu gì. Tôi không dành cho bất cứ ai một chút nghi ngờ nào rằng họ có thể đúng nếu họ bất đồng với tôi. Tôi nhận ra mình cần phải lùi một bước và đánh giá lại những gì mình đang làm với cuộc đời mình, và thế là tôi ngưng cộng tác với @WeFuckingHateDonaldTrump (trang này hiện này mang tên The Progressivists) vào tháng 2-2021.

Từ đó, chủ cũ của tôi chuyển hướng sang thúc đẩy một nghị trình chống chủ nghĩa tư bản, bất chấp sự thể rằng các người chủ có vẻ cũng chia sẻ một động cơ nghề nghiệp với hầu hết những người mà trang mạng của họ chỉ trích—nghĩa là, làm ra tiền. Joseph, trong khi đó, được biết đến nhiều nhất như là cái gã đã khiến cho một người phụ nữ bị mất việc tại một diễn đàn nhu liệu về sự kiện cộng đồng sau khi bà ấy đưa ra những lời lẽ kích động với ông tại một công viên chó—mà sau đó, chính Joseph cũng bị chỉ trích vì lời chỉ trích của mình bởi không ai khác hơn là người tạo ra Dự Án 1619 Nikole Hannah-Jones, một nhân vật đầu đàn trong giới công lý xã hội.

Sau vụ này, tôi còn lại 32.000 người theo dõi trên Instagram. Không phải là một con số tồi, nhưng hầu hết những người này là người cánh tả gây hấn. Tôi không còn chia sẻ những niềm tin của họ. Và đơn giản là không có cách nào tôi có thể làm cho những người theo dõi mình hài lòng nếu muốn trung thực với những niềm tin của mình. (Mắc hội chứng Asperger khiến cho khó mà không thật lòng.) Vì thế tôi chứng kiến thính chúng mà tôi cố công tạo dựng hao hụt hàng trăm người mỗi lần tôi đăng lên những tuyên bố gây tranh cãi như “Chúng ta không nên hủy bỏ lẫn nhau,” “Người Cộng Hòa không phải ai cũng kỳ thị chủng tộc,” và “Chỉ có hai giới tính mà thôi.” Kết quả là, giờ đây tôi nhận được những thông điệp gọi tôi là một kẻ thượng tôn da trắng và một tên Quốc Xã, kèm theo những lời đe dọa bạo lực. Tất cả những điều này giúp xác nhận những mối nghi hoặc của tôi về thói đạo đức giả nằm sâu trong tim của văn hóa công lý xã hội.

Bây giờ tôi nhìn thế giới quanh mình, đặc biệt nước Mỹ, theo một cách mới. Hoa Kỳ của năm 2022 là một nơi mà nạn kỳ thị chủng tộc và bất dung đã bớt nhiều so với một thời kỳ trước. Ấy vậy mà những lời lên án nước này mà ta nghe được từ những người cấp tiến đã không ngừng trở nên ngày càng giống như lời tiên tri tận thế. Những nhà hoạt động cần một cuộc đấu tranh để vượt thắng, một con rồng để chém, thậm chí nếu họ phải chế tạo ra nó. Và khi không có con rồng nào để đánh, họ đánh lẫn nhau. Đây không phải là công thức cho sự cải tiến xã hội, đừng nói là cho hạnh phúc cá nhân.

Tôi đã làm lại từ đầu, với một trương mục tên là Politically Homeless Shelter (Nhà Trọ Vô Gia Cư Chính Trị) (@PHShelter), cho những ai không cảm thấy thuộc về phe phái chính trị nào; và mở một cửa hàng Etsy mới để phục vụ người giữ những quan điểm “có vấn đề” (đương nhiên, cửa hàng này đã bị tạm đóng cửa hai lần vì cổ xúy cho “ngôn luận do thù ghét”). Trên Instagram, tôi trải qua kinh nghiệm bị cấm ngầm, có những nội dung bị xóa vì những lý do võ đoán, và trương mục của tôi từng bị tạm đóng. Tình hình đáng nản, nhưng tôi tiếp tục khuếch đại thông tin mà tôi xem là quan trọng, trong cách thế nhỏ nhoi của mình. Và đúng thế, tôi vẫn theo đuổi mục tiêu quảng bá thương hiệu của mình—như tôi đang làm một cách không ngượng ngùng ở đây. Nhưng mà này, một người đàn bà cũng cần kiếm ăn.

                    Một số thông điệp chỉ trích tác giả nhận được

Chứng kiến cảnh các chính trị gia Dân Chủ hối hả cấy những tư tưởng giáo điều của công lý xã hội vào cương lĩnh của mình, tôi cảm thấy lương tri không còn cho phép tôi đứng về phía đảng của họ. Nhưng tôi cũng không đứng về phía những người Cộng Hòa, mà, tại nhiều tiểu bang, nay đang thu hồi quyền phá thai (dẫu cho ngay trên vấn đề này, tôi không còn chút hơi hướm giáo điều nào như đã từng). Bây giờ tôi ghi danh là một Người Không Đảng Phái, và xem lá phiếu của mình là chưa quyết định.

Đây là lời khuyên của tôi cho người khác: Hãy cảnh giác trước những lời giải thích đơn giản, lối suy nghĩ trắng đen, và bất cứ ý thức hệ nào trình bày thế giới như là bị mắc kẹt trong một trận chiến giữa thiện và ác. Hãy nghe lời một kẻ đã từng đổ dồn lối suy nghĩ đơn giản này vào những mim ăn khách để kiếm sống: Mọi điều đáng biết thì phức tạp hơn nhiều so với bất cứ khẩu hiệu nào có thể diễn tả.

TC.Da Màu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét