25 thg 6, 2022

BỨC TRANH CHUỘT KHIẾN GIA ĐÌNH NGÔ ĐÌNH DIỆM NỔI CƠN TRUY SÁT NGƯỜI VẼ VÀ SỐ PHẬN KỲ LẠ CỦA MỘT DANH HOẠ

BỨC TRANH 5 CON CHUỘT
 
Năm 1960, trên bìa số xuân Canh Tý của báo Tự Do, có một bức tranh vẽ 5 con chuột đục khoét một quả dưa hấu. Đó là một bức tranh vui, mang màu sắc biếm hoạ. Thế nhưng, thiên hạ râm ran rằng bức tranh đó cố tình ám chỉ “gia đình trị” nhà Ngô Đình Diệm với 5 gương mặt khét tiếng thời ấy: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Thục và Ngô Đình Luyện (có người cho rằng nhân vật thứ 5 là bà Trần Lệ Xuân, vì ông Luyện lúc này làm đại sứ ở nước ngoài).
Tờ báo phát hành 20 ngày, ngày 5 Tết, xe cảnh sát kéo đến trụ sở báo Tự Do đọc lệnh thu hồi toàn bộ báo Xuân, và một chặng đường không êm ả của báo Tự Do bắt đầu.
Sự giận giữ điên cuồng ấy khiến công chúng hết sức tò mò dù bức tranh đơn thuần chỉ là bức tranh và mọi nguồn cơn bắt đầu từ suy luận. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, người ta sẽ lo lắng cho số phận ông hoạ sĩ.
Thời điểm ấy, hai người hay vẽ tranh cho báo Tự Do là danh hoạ Nguyễn Gia Trí và hoạ sĩ Phạm Tăng. Bút pháp thể hiện trên bức tranh thì hoàn toàn ít trùng khớp với Nguyễn Gia Trí. Còn Phạm Tăng là một thành viên chủ chốt của Ban biên tập của Tự Do và thường vẽ bìa các số Xuân.
Nhiều nguồn tin trên báo chí cho rằng bức biếm hoạ đó của cụ Nguyễn Gia Trí nhưng các hoạ sĩ thời ấy khẳng định rằng, bức tranh đó chính là của hoạ sĩ Phạm Tăng.
Thực sự thì trước đó, câu chuyện bức tranh con chuột đã ầm ĩ ở Sài Gòn và người ta thấy một ngày cuối năm, sau khi số báo ra ít hôm, hoạ sĩ Phạm Tăng đã lặng lẽ rời miền Nam ra nước ngoài du học một cách bất ngờ.
Nhiều người cho rằng, ông chạy trốn để tìm sự an toàn cho mình.
Báo Đồng Nai có viết một bài cho rằng bức tranh đó là của cụ Nguyễn Gia Trí nhưng một hoạ sĩ tên tuổi ngày đó nói rằng, ông đã gặp ông Phạm Tăng ở Pháp và ông Tăng khẳng định người vẽ bức tranh là chính ông. Và cuộc ra đi ấy cũng chính là lựa chọn để an thân thời điểm ấy.
HOẠ SĨ CÓ SỐ PHẬN KỲ LẠ
Hoạ sĩ Phạm Tăng tốt nghiệp Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, kém Nguyễn Gia Trí 16 tuổi. Ông sinh năm 1924 tại Yên Mạc, Yên mô, Ninh Bình, là hậu duệ đời thứ năm của thượng thư, hiệp biện đại học sĩ, cơ mật viện đại thần Phạm Thận Duật (1825–1885).
Ông sang Ý du học, bắt đầu một con đường hội hoạ khác biệt, rời nghệ thuật hữu hình mà ông học từ trước, để tiến vào hội họa trừu tượng, cùng với thiên hướng khám phá và tôi luyện chất liệu (bên cạnh ông, một người làm rất giỏi việc khám phá và tôi luyện chất liệu chính là hoạ sĩ Nguyên Khai)
Phạm Tăng vẽ những bức tranh lớn, nhưng lại đơn độc ở xứ người. Người Tây thì ít ngợi ca tranh ông còn người Việt thì vẫn đắm chìm trong Chim hoa lá gái nên hội hoạ Phạm Tăng xa vời với thói quen sưu tập của họ.
Mặc dù, năm 1967, ông nhận được giải Nhất về hội họa của tổ chức UNESCO trao tặng với bức tranh “Vũ trụ” ngay tại kinh đô nghệ thuật châu Âu.
Sau bức Vũ trụ, ông vẽ bức Thời gian rất tuyệt mỹ. Đây được xem là hai kiệt tác để đời của ông. Những bức tranh với nhịp nhanh, mạnh, với cấu trúc không gian rất tài tình như một kiến trúc sư thiết kế vũ trụ. Nhiều bảo tang đặt vấn đề mua nhưng ông không bán.
Nét độc đáo của hai bức tranh chính là vẽ sơn dầu mà sử dụng kỹ thuật vẽ sơn mài, có cẩn trứng, càng làm cho bức tranh thêm độc đáo.
Ông vẽ vũ trụ mà cũng vẽ chính mình, một phần của vũ trụ, thanh bình, thanh thản, đầy sắc màu. Bức tranh vẽ kỹ đến độ bạn có thể xem bằng kính lúp để ngỡ ngàng trước sự tỉ mỉ trong sáng tạo của ông.
Rất nhiều lời ngợi ca từ báo chí đến giới phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp dành cho Phạm Tăng, nhưng cuộc sống của ông vẫn trôi chậm, trôi đều trong vòng quay giản đơn và lặng lẽ.
Năm 1975, vì một lý do riêng tư, Phạm Tăng chuyển từ Ý qua Pháp sống, gần như đoạn tuyệt với hội hoạ. Ông chán ngán thị trường mỹ thuật lộn xộn mà ông không muốn thuộc về, cũng như không thể huỷ hoại sự sáng tạo của mình để chiều theo những chim hoa lá gái từ đám đông.
Ông sống với đất Pháp trong tâm thế một thi sĩ lãng mạn, làm thơ và cũng đạt nhiều thành tự trên thi đàn.
Ông mất năm 2017, tại Pháp. Gia tài hội hoạ ông để lại không nhiều. Các bức tranh hầu hết cỡ rất lớn và hiện nay được treo long trọng ở những tư gia, ngân hàng hoặc trong các BST cá nhân nổi tiếng trên thế giới.
Dù cuộc đời ông với những lối rẽ bất ngờ nhưng với hội hoạ, ông là một danh hoạ đặc biệt dù trong các dòng viết của lịch sử hội hoạ, tên ông chưa được viết nhiều. Nhưng với thời gian, cái gì là vàng thật thì sẽ mãi mãi còn lại.
ST

                                   Phạm Tăng và Nguyễn Gia Trí
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét