25 thg 4, 2020

VÒNG TAY CỦA BIỂN - Nguyễn văn Thọ (Từ TC,Hội Nhà Văn VN )

Hơn bốn mươi năm, hắn mới quay lại Phú Yên. Khi máy bay hạ cánh, hành khách đều rảo chân xuống thang, ùa vào nhà ga trốn nắng. Hắn, một mình đứng lại giữa đường băng chói chang nắng tháng Năm, bàng hoàng nhận ra, vẫn cái tháp nước cũ kĩ năm xưa nổi lên trên triền cát trắng.

Trừ cái nhà ga cao to lộng lẫy, lối ra vào chu chỉnh vừa đủ cho sân bay nội địa một tỉnh, còn đường băng và tháp nước không thay đổi.  Hắn bất giác di chân trên đường băng cứng, muốn tìm lại cảm giác của lần thứ nhất đến nơi đây, khi hắn cùng đồng đội truy kích địch từ Cheo Reo xuống Tuy Hoà. Hơi nóng tháng Năm dầm hập. Những hạt cát cứng và trắng kêu lạo sạo dưới gót dày làm hắn trào lên xúc động. Cô tiếp viên trẻ trung người Phú Yên trên máy bay chẳng đã nói với hắn rằng: “Con lộ Bẩy bây giờ đổi tên  thành đường Hai Nhăm rồi, nhưng chú vẫn có thể nhận ra vì nó không thay đổi nhiều.”
Còn cái xóm nghèo ven biển hắn và bạn hắn từng nghỉ lại trong chuyến đi phép sau giải phóng liệu có tìm thấy không? Vâng, cái xóm nghèo tên Lương, hơn dăm chục nóc nhà ấy trên doi cát nằm kề biển. Hắn quay ra cửa ra sân bay. Quanh sân bay cơ man hoa giấy. Trong ánh sáng chói chang, những trảng hoa lớn rực rỡ một mầu hồng phấn khích. Hồng là Hường. Ừ, tên cô gái ấy là Hường. Bất giác hắn nhớ tới khuôn mặt đẹp và mớ tóc đen như mun của cô.

***

Tháng Chín năm 1975.
Mưa bão miền Nam Trung bộ về dữ hơn mọi năm. Đoàn  xe đò đưa những người lính đi phép đầu tiên sau cuộc chiến dằng dặc vừa qua đèo, vào sát Tuy Hoà thì không thể chạy được nữa. Nước từ đâu dội về cuộn sôi lên, tứ bề như biển. Binh trạm buộc phải sơ tán bộ đội rời xe đò vào trú quanh vài xóm nhỏ. Năm sỹ quan Hà Nội được phiên chế thành một tổ, về cái xóm nhỏ. “Các đồng chí Dương, Long, Quân... về nhà ông Ba Sự.”- Cán bộ binh trạm gọi tên.

Nhà cho năm người lính ở nhờ có ba gian cũ kĩ, chia ra bằng mấy hàng cột gỗ lớn, mầu nâu xẫm. Bốn phía xây tường gạch một. Gian giữa rộng thênh thang đặt ban thờ tự gia tiên, bằng gỗ sơn son thếp vàng cũ kĩ. Kế hai bên có hai cái phản gỗ lên màu đen thẫm. Giữa nhà có cái bàn uống nước, bụi mờ trên mặt bàn, chừng lâu chẳng có ai ngồi.
Chủ nhà ra đón cửa là người đàn ông già. Anh lính giao liên nói, ông tên là Ba Sự.
Ba Sự hơn sáu chục, tóc bạc lởm chởm, người gầy sắt sạm đen như khúc cây bần táp qua lửa, lại chỉ có một mắt. Mắt bên kia bị một vết chém kéo xuống từ trán, để lại một hố số đen ngòm. Chủ nhà chân cà nhắc ra ngõ đón năm anh bộ đội giải phóng, chỉ cho họ hai cái phản để cánh bộ đội nghỉ, rồi lại im lặng ngồi vào góc phòng, trên cái ghế ngựa dài

Mới giải phóng, bom đạn triền miên khắp nơi nên cả thị xã vẫn không có điện. Cái đèn dầu lạp leo lét cháy trên ban thờ không đủ toả sáng, nên Ba Sự ngồi hoà vào bóng tối. Bóng đen không nói một lời, chả thèm quan sát năm anh lính quét nhà, lau bàn ghế, dọn phản, quét mảnh vườn có ba cái lu nước nằm bên gốc cau và một cây likima cạnh hàng dừa đang trĩu chịt trái đu đưa trong gió biển thổi vào. Con mắt còn lại của người đàn ông, ai đi ngang qua thấy nó vô hồn, như đang tìm gì ở cõi vô định!
Nắng xói vào nhà, vọng từ sân tiếng quét ràn rạt. Chủ nhà xuất hiện ngay ở hàng dại trước cửa nói vóng ra:
- Để mặc đó. Các chú không biết quét đâu. Vườn cát không quét như sân gạch. Để em về nó dọn- Nói rồi ông già lại chìm thỏm trong ngôi nhà trống chếnh.
Đúng khi ấy một cô gái dáng rất thon thả, ngực đầy đặn căng tràn sức trẻ, xuất hiện ở cửa ngõ đi nhanh vào nhà. Đôi quang gánh với hai thúng sơn tòng teng trên vai. Mớ tóc đen như mun buộc tó, nổi rõ trên nền da bờ da trắng ngà, cài cái lược ngà ánh lên trong nắng. Khuôn mặt hồng hào như trăng vẽ, lộ đôi mắt  đen huyền lấp lánh tự tin, hơi ngạc nhiên nhìn người lạ ở đâu nhiều thế đến ở nhà mình. Đôi môi trái tim hồng chúm chím cất tiếng:
- Chào các ông giải phóng!- Cô gái chào, bưng cái rổ rau theo, chắc là thức ăn mua chợ về rồi nhanh nhẹn cất quang gánh ra hàng hiên, khuất xuống gian bếp bên nhà. Lát sau vọng ra tiếng hai cha con chủ nhà nói chuyện. Tiếng địa phương nặng chịch lại quá nhỏ nên đám lính không hề biết họ nói gì.
Long, hắn, dân Hà Nội, phố Huế, nhanh nhẹn, bấm tay người lính tên Dương đẹp trai nhất tốp, mắt sáng lên:
- Ẻm! Trời, mày thấy không. Tiên nữ miệt vườn!
Dương bạn gắn, 27 tuổi, người ngõ phố Hai Bà Trưng, mũi cao, bao năm lính chiến khuôn mặt vẫn nom như học sinh, có cái miệng với đôi môi rất nét, nhìn đứa bạn cùng trạc lứa, nói bâng quơ:
- Mắt cú vọ nhỉ. Mỡ đấy, húp đi!...
-Trời đất. Mày nhìn xem cánh tay ẻm đẹp chưa? Như ngọc ngà thế kia mà được choàng ôm lấy mình nhỉ?

Người sĩ quan thứ ba tên Quân, cứng tuổi nhất bọn, bước vào nhà nói với cô gái:
- Năm anh em chúng tôi nghỉ lại nhà tránh lụt, nhờ gia đình v
ài hôm. Tôi tên là Quân.- Nói đến đấy, người lính chìa tay ra định bắt tay cô gái như một thói quen bấy nay. Cô gái không  đưa tay ra bắt: “Dạ, tên em là Hường.” Cô không nhìn Quân, rồi đi ngay xuống bếp.
***
Một ngày, hai ngày trôi đi mà nước vẫn không rút, nước từ đâu  vẫn đổ về ngầu bọt như muốn ngập phăng cả thành phố Tuy Hoà nhỏ bé.
Xóm nằm gẫn bãi cát ven biển, khoảng cách sấp sỉ bảy tám chục mét. Nằm trong nhà nghe rõ tiếng ì oằm biển thở. Tiếng thở êm êm rì rào ì oằm đều đều như nhịp hát, nhưng có lúc về đêm, tiếng sóng vỗ vào bờ khá lớn, nghe nặng nhọc như tiếng nghẹn thở của kẻ đang đau đớn, dội lên từng đợt, âm âm khào khào, khan đục, dữ dội vang vào cái xóm nhỏ năm bẩy chục nóc nhà ngư dân và nông dân. Bao nhiêu năm chiến đấu trong rừng, nay vừa được về phép thăm nhà, lại nằm ứ ở nơi đây, đêm đêm nghe song biển thật não nề, lòng thêm như lửa đốt.
Mọi sự trên cái xóm nhỏ ấy vẫn diễn ra như không có trận lụt xảy ra. Ông chủ nhà và cô gái trẻ ngày ngày  dậy từ 3 h. Hình như mặt trời ở đây mọc sớm hơn. Cô gái rời nhà khi ông bố  từ chái phải nhà ra ngồi thu lu trong  cái ghế đẩu ở góc nhà, người vẫn như hoà vào bóng tối.  Đôi mắt duy nhất của ông thi thoảng loé sáng để người ta nhận biết nơi đó có một sinh linh. Và rồi những người lính ở tạm cũng biết cô gái không phải là con gái ông chủ nhà. Cô Hường là con dâu. Sớm sớm cô đi đón cá trên bến rồi đem bán lẻ trên một cái chợ sép ngay đầu lộ Một.
Mấy người lính đã sốt ruột, lại gặp khi lũ lụt nên bữa ăn thức uống chẳng ra gì. Ngày ngày trạm giao liên nấu cho họ ba bữa cơm, quanh đi quẩn lại là nồi canh tanh ngòm và mấy con cá vụn, mắm ruốc chưng lơ phơ sợi thịt hộp, ăn uống như thời chống Mỹ. Hoàn toàn không có rau dưa. Tuy nhiên mỗi khi lĩnh cơm về, Quân, anh lính già nhất bọn đều đon đả mời chủ nhà Ba Sự ra xơi cơm đúng theo phong tục ngoài Bắc. Ba Sự rỏng tai nghe, thoáng nhìn, vẫn ngồi như trời chồng ở góc nhà, nói nhẩn nha:
- Các chú mời cơm đi! Mà hậu cần gì lo cơm nước kì  nhỉ? Giải phóng rồi mà ăn uống cực đã khác chi ở rừng?- Cô Hường nghe bố nói từ chái nhà đi ra, thóang nhìn vào mâm cơm của lính. Im lặng.
Đám lính cũng không nói, lặng lẽ ăn.

 Sau chiều ấy, bữa ăn nào cô Hường cũng mang ra thêm vài món ăn, cho mâm cơm  năm người lính không còn nhạt thếch. Hôm thì cá kho, bữa cá rán, lại có hôm cả vài khúc cá thu om quả chua và thịt mỡ rất đậm đà. Có hôm cô còn đặt lên mâm cơm thêm cả cút rượu nhỏ.
Ba Sự  thì vẫn chẳng nói một lời, vẫn thu lu như cái gốc bần già cháy đen trong  góc tối.
Sớm nữa, cô Hường về sớm hơn mọi ngày. Ngoài bếp nghe tiếng gà quang quác, rồi thấy từ đấy tiếng xèo xèo hành tỏi phi, tỏa mùi thơm điếc mũi. Khoảng chín mười giờ thấy Ba Sự và cô con dâu bưng một mâm cơm đặt lên bàn thờ vài món nấu thơm ngào ngạt.
- Chắc nhà có giỗ ai!- Hắn, người lính tên Long nghĩ thầm.
- Hôm nay giỗ vợ ông Ba Sự- Dương thì thầm vào tai hắn.
Ba sự cùng con dâu đứng trước bàn thờ rì rầm khấn. Tiếng khấn rất nhỏ, đủ để thần linh và người thân nghe, người trần có kề bên không thể nghe thấy.

Vừa khi ấy thấy hai người đàn ông trạc tuổi như Ba Sự lục tục tới. Một người mặc quân phục đeo khẩu súng rulo nòng dài trễ hông.
Nghe thấy tiếng họ thì thào trong góc phòng với Ba Sự:

-Anh có mời các ảnh?
Im lặng một lát rồi có tiếng Ba Sự:
- Tôi sợ con Hường nhà tui nó đau!
- Ừ, cũng phải. Tội! Chồng nó  thiệt mạng, vừa giỗ trăm ngày! Thôi. Anh gọi nó vô đây, chứ giỗ chị ấy không  mời mấy ảnh giải phóng nghe kì quá. Tụi nó xa nhà bao năm. Thêm bát đũa mà.
Thấy tiếng ba Sự gọi con dâu. Tiếng Hường dưới bếp vọng  lên:
-Con lên ngay.
Lại rì rầm. Chỉ nghe thấy tiếng “dạ, dạ” rất nhỏ của cô Hường. Im lặng một lát. Thấy cô Hường trải cái chiếu nilon ra giữa nhà, sắp ra chồng bát xứ cao ngất, cả chục đôi đũa. Bấy giờ Ba Sự mới nói với Quân, người sĩ quan già nhất bọn:
- Bữa nay giỗ má  con Hường. Có chén rượu nhạt mời các anh vô nhậu chơi.
Người đeo súng Rulo sáu phát cũng  bước ra tươi cười tự giới thiệu:” Tôi là Tư Quang, bộ đội miền, 202 đặc công Phú Yên. Chỗ Ba Sự đây là bà con đã có lời mời các đồng chí cùng ăn bữa cơm giỗ bà ấy.”
Sao mà từ chối được! Khách chủ ngồi chung một chiếu. Rượu vào thì lời ra.
Hóa ra cả hai vợ chồng Ba Sự vốn cùng từng là cán bộ địa phương không tập kết, ở lại Phú Yên sau hiệp định Gioneve 1954. Người đeo súng ngắn vốn xưa là đồng chí cũ, bạn nằm vùng  của Ba Sự. “Năm Diệm tố cộng, chúng bắt cả hai vợ chồng ảnh. Nhưng tụi tui vẫn không bị lộ. Nhà Ba Sự không  khai. Hai năm trời, chúng giam vợ chồng ảnh. Hơn năm, cô Ba Sự chết trong tù. Địch thả Ba Sự ra khi chân trái bị tra tấn đến gãy, lại đánh đến mù con mắt. Trước giải phóng  ba tháng địch càn, bắt đứa con duy nhất của Ba Sự vào lính địa phương quân gác trên đèo Cả và tháng  Tư năm 1975, bộ đội đánh Tuy Hòa, thằng  chồng con Hường trúng đạn chết. Nhưng tui nói rồi, cái tội  này của thằng  Mỹ và thằng Thiệu, không ai muốn chồng con Hường chết oan uổng như thế. Ai lại anh em con cháu trong  nhà lại giết nhau! Cái xóm này nhiều nhà, ta địch lộn xòng cả, đau thương lắm” Người cán bộ địa phương thản nhiên kể.
Câu chuyện oái oăm làm bữa ăn chùng xuống. Trong tốp bộ đội ngồi đây có  ba người thuộc F320 đã tham chiến ở Tuy Hòa. Đơn vị hắn và cả Dương đều đánh qua đèo Cả nơi chồng Hường chấn ngự. Chiến tranh đạn bom có kiêng ai?
Nhưng cái khuôn mặt xinh đẹp mà buồn như ma ám thì ai có thể thờ ơ? “Tội quá, người ta son trẻ thế. Chắc khóc hết nước mắt. Mà tiếng khóc của những người cha, người mẹ, người vợ thì dù phía nào đâu có khác nhau mà phân biệt!” Dương nghĩ, thì thào nói với hắn đêm ấy lại rủ: “Này sớm mai hai thằng mình ra bãi biển xem cô ấy buôn bán ra sao đi!”
Sớm sau canh giờ lúc Hường dậy, hai người lính cũng dậy theo, họ âm thầm bám sau cô chủ nhà xinh đẹp ra bãi cá.

Đêm về sáng. Biển lấp lánh trăm ngàn ánh lân tinh. Hai ba chục cái thuyền từ khơi về cập vào bến đổ cá xuống. Đôi thúng cô Hường một lát đã đầy ăm ắp đám cá tươi. Dương và hắn không  nói không rằng, cứ lăn vào giúp cô chủ nhà, lại bảo, có tụi tôi đây đỡ cho một tay, cô cứ mua thêm mà bán cho thêm lời. Có người đỡ rõ ràng cô Hường thuận lợi hơn. Mua đủ hàng xong hai người lính còn hăng hái giúp cô chuyển đỡ hàng ra tận khu chợ tấp nập mở ngay nơi đường lớn giáp đường Một
Hắn thấy đôi khi cô Hường nhíu lông mày rồi tươi hơn một chút. Những khi ấy hắn càng thấy cô chủ nhà đẹp lạ thường. Cái bóng cô với những đường  nét tuyệt vời căng đầy thanh xuân hằn rõ trên nền tím bình minh đang lên của trời biển. Những bước chân thoăn thoắt làm hắn vui hơn khi được giúp đỡ một cô gái trẻ.
Chơi với nhau cùng cánh lính Hà Nội hắn biết rõ Dương lắm. Hai đứa đều là học sinh tình nguyện vào bộ đội biền biệt hơn chục năm ở chiến trường. Dương rất đẹp trai ở Củ Chi khối cô mê nó mà nó chả yêu ai.Xem ra đến đây cu cậu có vẻ mến cô Hường! Nhưng chồng cô ta là ngụy lại vừa chết trận?
- Mày có  thích Hường không?- Chiều ấy hắn hỏi bạn.
Dương, bạn hắn nhìn lên trời, im lặng một lát, nhẩn nha nói:
-Người ta vừa mất chồng.
Ở cái mảnh đất eo miền Trung  này bao nhiêu gia đinh như Ba Hớn? Suốt bao nhiêu năm chia cắt, chiến tranh và loạn lạc.  Không biết Dương có suy nghĩ như hắn không  mà bất giác cùng thở dài bên cái bờ biển vẫn  đang rì rào rì rào vỗ vào bờ.
- Thì mày tán cô ấy được đấy. Cô ta đẹp, mày lại chưa từng yêu ai!- Hắn nói.
Dương vẫn không nói gì. Khuôn mặt điển trai của bạn hắn đăm chiêu. Nhưng rõ ràng  là Thằng  bạn hắn thích cô Hường. Bởi một đêm, Dương đưa cho hắn chiến đồng hồ nữ Longin gắn mấy hạt xoàn nói: “Khi nào ta đi,  tao tặng cô ấy cái này. Mày xem có được không?” “Được quá chứ. Cũng là lời cám ơn bấy nay cô ấy chăm sóc cơm nước cho tụi mình” Hắn nói.

Rõ ràng chiến tranh là cái địa ngục khổng lồ chả tránh ai. Trong hơn 10 năm binh lửa của hắn và Dương, đã bao người bạn họ hy sinh bên họ. Từ Cheo Reo xuống đây truy kích lính quân đoàn II của địch, đánh vào sân bay, khi vượt qua cái tháp nước khỉ gió, có khẩu 12,8 li địch cắm ở chân tháp, thằng Đón bạn thân của Dương và hắn đã mãi mãi nằm xuống. Hắn còn nhớ cái tia máu Đón phụt đổ chảy ra nhuốm đỏ cả một khoảng cát trắng. Để tiến lên hắn đã dùng B41 tiêu diệt toàn bộ tốp lính rằn ri.
 

***
Suốt hơn tuần tham quan trên Phú Yên, đi khắp mọi nơi hắn vẫn không sao xác định nổi cái xóm mà hắn đã trú quân. Ở đây có bao nhiêu xóm chài như thế? Cô phóng viên xinh đẹp của đài truyền hình Tuy Hòa đưa hắn lên hải đăng Mũi Điện, nơi mặt trời mọc sớm nhất đất nước để ngắm bình minh. Cô đi trước, nhón chân leo lên những bậc thang đá, thân hình mới óng ả tuyệt mỹ làm sao, cũng mớ tóc đen như mun, đôi mắt  đắm say lanh láy hạt nhãn càng làm cho hắn nhớ tới cô gái biển tên Hường nhiều hơn. Bây giờ cô Hường sống ra sao? Biển bao la trước mắt ôm cái doi cát trắng phau bên trái ngọn hải đăng.
- Anh có nhớ thêm một đặc tính nào của cái xóm ấy không?
Cái doi cát trắng phau như thân trần của người con gái cởi nửa xiêm y làm hắn nhớ lại cái sáng còn tờ mờ mà hắn Dương và cô gái ngồi chờ thuyền cá về.
- Cái xóm chài ấy tên có từ “Lương”. Cạnh xóm có một cái nghĩa địa và một ngôi chùa nhỏ.
- Ở đây có một  xóm chài tên Ma  Liên chứ không phải chữ Lương như anh nói! – Cô phóng viên mở to đôi mắt đẹp nói với hắn, phát âm hai ba lần từ “Liên” cho hắn rõ.
Hơn 40 năm, trí nhớ nhạt nhòa của hắn bỗng bừng lên để hiểu rõ một từ xa lắc! Mà có thể xóm ấy là  Liên, vì người xứ Phú Yên phát âm từ Liên và Lương, hắn có phân biệt được đâu, nghe giống nhau lắm. Nghĩ thế, hắn nói:
- Cô Hường đã dẫn chúng tôi tới một nghĩa địa sát làng, nơi có một ngôi chùa rất nhỏ kề cận. Cô ấy bảo rằng, vụng biển xóm chài của cô là nơi biển thường cuốn tất cả mọi thứ trôi nổi trên biển cả xô vào bờ. “ Bãi nghĩa địa, dân làng đã vớt cả lên làm phúc  chôn cất tất cả những linh hồn xấu số trôi dạt vào nơi đây. Người ta phải được nằm trong đất chứ không để linh hồn lênh đênh mãi trên biển. Nghĩa địa này cũng chấp nhận tất cả binh sĩ hai bên, không phân biệt. Cả lính VNCH và lính Việt Cộng các anh!” Hường đã nói vậy. Cô còn kể rằng, nghĩa địa như thế nên rất nhiều ma. Người làng không  ai tới đó vào nửa đêm về sáng cả. Những linh hồn oan khuất hiện lên to như cái nia, sáng bừng, bay la đà từng tốp trên bãi hoang. Có lúc tụ đứng  cả trên ngọn cây bồ đề ven chùa. Người làng còn nghe thấy cả tiếng kêu khóc, tiếng rên rỉ như than khóc vào những đêm mưa lớn. Những đêm như thế, biển cũng vỗ vào bờ khác lạ. Lời kể của cô ấy làm tôi nhớ lại những đêm nằm trong nhà nghe biển vỗ vào bờ chả con êm dịu.

Nặng nhọc như tiếng nghẹn thở của kẻ đang đau đớn, dội lên từng đợt, âm âm khào khào, khan đục, dữ dội” – Hắn nghĩ.
- Ngày mai em dẫn anh đến xóm Ma Liên ấy.  Ở đấy có một ngôi chùa thiêng lắm- Cô phóng viên nói- Biết đâu đấy là cái xóm anh đã ở. Chuyện là, cách đây dăm năm, từ đâu trôi quẩn về vụng biển Ma Liên một tượng Phật. Tượng chỉ nặng chừng hơn 70 cân, song không sao kéo được lên thuyền. Dân làng cử một đạo tràng cao tuổi nhất xóm ra cầu kinh niệm Phật. Và, kì lạ thay, cũng ngần ấy người mà lại đưa được tượng lên, rước về chùa nhỏ của làng. Người ta xác định rằng, pho tượng có tuổi nửa thế kỉ, nom tựa vóc dáng Quan Thế Âm. Dăm năm nay từ ngày có tượng cổ ấy, khách thập phương đua nhau tới cung tiến phát tâm để xây thành một ngôi chùa rất lớn, không còn là chùa nhỏ thuộc về làng Ma Liên ấy nữa. Nếu đúng là cái xóm anh ở thì nghĩa địa ấy cũng không còn ma nữa. Tất cả những linh hồn chết lênh đênh đều được Phật độ. Dân làng kể rằng, từ ngày có Phật Bà về, không  ai còn trông thấy những bóng ma lập lòe bay lượn trên những  nấm mồ hay trên ngọn cây bồ đề quanh đó nữa.

***
Đêm đó hắn ngủ chập chờn. Nằm trong khu nghỉ dưỡng Sao Mai yên tĩnh như thế mà hắn cứ lơ mơ nghe tiếng biển thì thào thở, vỗ vào bờ. Bật dậy rồi lại nằm xuống thiếp đi cho  hắn lại mơ thấy Dương về.
- Mày đã tìm thấy Hường chưa?  -Rõ ràng Dương hỏi hắn! Mà sao có thể là Dương được, bạn hắn đã hy sinh bên Campuchia rồi cơ mà! Hắn lại nhìn rõ một bãi biển rì rào và Dương và Hường chạy trên đó. Biển dập dờn bên họ và bóng Dương cứ đuổi mãi chả kịp bước chân Hường. Tỉnh  dậy, hắn không thể ngủ được nữa. Trong đêm dĩ vãng lại ùa về.
Hai cha con ngồi bên cái bàn nước, cái bộ bàn nước trước khi họ đến phủ đầy bụi. Hai cha con không hề biết những người lính đi chơi quanh xóm đã trở về. Hắn nghe rõ giọng  Ba Hớn:
- Nó thích con. Thằng nớ nó mến con. Tụi lính Hà Nội này, đứa nào cũng hiền khôm thfwng Dương mê mày cũng được lắm. Con đồng ý rồi theo nó ra ngoài nớ đi! Ở đây con sẽ buồn chết thôi. Cha mong  con không khổ nữa ở đây với cha làm gì!
Im lặng một lúc rồi thấy rõ tiếng thút thít, lát sau nghe rõ giọng cô Hường, tiếng lẫn trontgg tiếng khóc:
- Không! Chồng con vừa mất. Vả lại con không  muốn làm góa phụ lần nữa. Thời buổi này biết sao mà tính. Các ảnh ấy thật tốt, nhưng họ  vẫn lại là lính. Con không đi theo ai nữa!
- Thôi tùy con đấy- Giọng Ba Hớn trầm đục!
Hắn choàng tỉnh, nhớ nhớ in cái bụi cây thấp nơi cha con Ba Hớn  sớm đó tiễn năm người lính ra binh trạm lên xe đi phép. Cảnh Dương đứng lại bên cô Hường nắm lấy tay cô gái lần cuối cùng, hẹn ngày trở lại. Đúng, Dương đã trở lại một lần nữa nơi xóm ấy rồi đi Campuchia để mãi không trở về và không bao giờ bạn hắn được đôi cánh tay ngà ngọc ấy choàng lên như mơ ước!
***

Sáng hôm sau hắn bàng hoàng nhận ra xóm chài năm nào Ma Liên bên bờ biển. Hắn nhận ra khu nhà lớn Binh trạm cũ đóng giờ đây đã trở thành tiểu học.
Hơn bốn mươi năm những từ con đường nhựa hắn vẫn nhận ra các lối rẽ vào từng xóm, những cái ngõ nhỏ rẽ vào cái xóm chài bao ngôi nhà sát rêu cũ, lợp hyproximang bây giờ là xóm  chi chít nhà hai ba tầng  ngói đỏ bên những hàng dừa cao vút. Người ta nói với hắn, ở đây có hai cô Hường trạc tuổi mà hắn kể. Một cô là giáo viên một cô là chủ doanh nghiệp người tổ chức một Công ty nông  ngư nghiệp có công biến hàng ngàn công cát trồng giống dưa Nhật xuất đi các nơi thì hôm nay bận công chuyện đi Sai Gòn chưa về. “Ông Ba Hớn già như thế giờ chắc mất rồi!”. Một cán bộ xã trẻ nói với hắn như vậy.
Hắn và cô phóng viên xinh đẹp thăm ngôi chùa Ma Liên có  bức tượng thiêng giờ thành một ngôi chùa lớn đẹp uy nghi đứng trên nền đất cũ. Hắn cùng cô phóng  viên tìm tới   bờ biển cong cong vòng tay cát cũ. Một vệt cát trắng tinh lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời và biển vẫn xanh trong như xưa êm dịu thì thào vỗ đều đều vào bờ.
Chính khi ấy hắn thấy hiện lên rõ ràng khuôn mặt Dương bạn hắn. Tưởng tượng thấy Dương đã lại từng quay lại nơi đây, dạo chơi thăm lại trên bờ biển này, nghe cát trắng lạo xạo dưới từng bước chân, nghe tiếng vô êm dịu đêm ngày của biển, như một cánh tay ngọc ngà nõn trắng choang ôm lấy cả xóm chài Ma Liên, cả ngôi chùa, cả đôi trai gái Hà Nội và cô gái Phú Yên từng đau khổ và Dương đã ra đi tiếp tục chiến đấu để mãi không trở về.

Tất cả đều đã qua đi, bao thay đổi cả đau đớn lẫn hạnh phúc vui, buồn. Chỉ còn bờ biển trắng ngà đã mãi bình yên, như một vòng tay khổng lồ trọn ôm lấy đất!.,.
  Ngọc Hà tháng 13-08-2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét