14 thg 4, 2020

Radio FM 974 – Melbourne :Pháp Quốc: Số Phận Của Người Tỵ Nạn Vô Thừa Nhận Ở Calais Và Dunkirk Trước Cơn Dịch Wuhan

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 13/04/2020
       Nhóm thiện nguyện lo giúp đở những người tỵ nạn và di dân bất hợp pháp tại vùng phía bắc nước Pháp lên tiếng báo động là cơn dịch Covid 19 đang lan truyền nhanh chóng trên khắp các khu trại lều dã chiến có hơn một ngàn người tạm trú, nơi hiện không có bất cứ một thứ gì cần có như hệ thống cống rãnh vệ sinh y tế, nước dùng hay thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm khác.
Nhóm Care4Calais, một trong số những tổ chức hiện vẫn còn cung cấp các dịch vụ khẩn cấp cho người tỵ nạn tại Calais, cho biết, con số người có triệu chứng nhiễm bệnh Covid 19 đã tăng lên từ hai cho tới chín chỉ trong vòng ba ngày vừa qua. Mặc dù con số này còn thấp nhưng không có phương cách nào khác để ngăn chận nó trong tình trạng thiếu thốn mọi thứ đang xảy ra. Cơn dịch Covid 19 đang có mặt tại đây, họ hối thúc giới có thẩm quyền mau chóng có hành động kịp thời đứng sự lan truyền ghê gớm này, người tỵ nạn ở đây không thể áp dụng các phương cách đang có của người dân ở bên ngoài xã hội, cộng đồng như việc “khoảng cách tránh giao tiếp” chẳng hạn. Không có biện pháp tương tự như vậy, sự truyền nhiễm của bệnh dịch sẽ lan rộng dữ dội và người ta ước đoán khoảng phân nửa số người tỵ nạn và di dân ở Calais sẽ bị nhiễm trong vòng 4 tuần lễ.
Tuần rồi, giới chức địa phương tại Calais và Dunkirk bắt đầu di chuyển số người tại các trại không chinh thức này đến những trung tâm tạm trú nhưng nhóm thiện nguyện cho biết việc này diễn ra quá chậm, khoảng 80 người bằng xe buýt. Các tổ chức “phi chánh phủ” nói rằng, họ tin là các trung tâm tạm trú mới mở này chỉ có sức chứa tổng cộng chừng 400 người trong khi đó đã có hơn 1500 người tỵ nạn đang ăn ngủ tại các trại dã chiến ở vùng phía bắc nước Pháp. Họ cũng nói thêm, thực phẩm đã bắt đầu hết và viên chức địa phương đã cho giới hạn việc cung cấp nước dùng vào các khu trại. Người tỵ nạn hiện sống nhờ vào khẩu phần ăn do chính quyền cấp phát hàng ngày, gồm có một miếng bánh mì và vài miếng phô mai, thi hành lệnh cách ly nghiêm nhặt, không có giấy tờ hợp pháp cho nên người tỵ nạn không thể đến các siêu thị hay cửa hàng mua thực phẩm cho chính mình.
Trước khi có người bị nhiễm Covid 19 đầu tiên, tình trạng sinh sống ở các trại này đang xuống dốc thê thảm, các tổ chức cứu trợ báo cáo, lều chật cứng người, dịch chuột tung hoành, sức khỏe tồi tệ đối với con nít và người lớn khác phải ngủ bên ngoài. Theo lời cô Sarah Story, người sáng lập và cũng là giám đốc nhóm cứu trợ “Refugee Info Bus”, tất cả những người không nhà ở vùng bắc nước Pháp phải được cung cấp đầy đủ nơi trú ngụ và thực phẩm an toàn, không phải chỉ cho họ mà còn cho cả người dân nước Pháp. Trên khoảng 2100 người tỵ nạn ở Calais và Dunkirk đang phải chịu cô lập do lệnh phong tỏa của chính quyền Pháp trong việc chống cơn đại dịch Covid 19, nhiều người trong số này nói họ sẽ tìm cách đến Anh quốc hơn là vào các trại tạm trú nếu những nơi này bị giải tỏa. Xe buýt trong mấy ngày qua, từ hôm thứ ba, đã được đưa đến nơi đó, có sức chứa khoảng 100 người mỗi cái.Chuyện này được chính quyền gọi là tình nguyện nhưng có nhiều người tỵ nạn cho rằng, họ không tin cảnh sát và sợ bị cưỡng bức ra đi, do đó họ vẫn có ý định tìm cách trốn đi, băng qua biển Manche đến Anh quốc cho bằng được.
Phần lớn người tỵ nạn, đến từ A Phú Hản, Eritrea, Ba Tư, Iraq và Sudan, thường tìm cách bỏ trại trốn qua Anh nhiều lần, năm rồi có 1900 người đã tới Anh bằng tàu, số khác trốn trong các xe chở hàng loại lớn, tám mươi khác được tin là đã tới Anh bằng tàu tuần rồi, có tin cho rằng có khoảng 160 vụ như vậy trong một ngày. Theo các tổ chức “phi chánh phủ”, trong vùng này có chừng 1500 người ở Calais, bao gồm 160 đứa trẻ không thân nhân, trẻ nhất trên dưới 11 tuổi, khoảng 600 người ở Dunkirk, gồm luôn độ 35 gia đình, một số bị bệnh nặng như tiểu đường, viêm phổi và số khác bị gãy tay gãy chân và có cả bể xương hàm. Một đứa con trai 16 tuổi từ Sudan nói là, nó toan tính trốn trại và băng qua eo biển để tới được Anh quốc hơn là vào trại của chính quyền Pháp, theo nó, nếu chịu vào đó rồi không biết việc gì sẽ xảy ra cho nó, nhất quyết tìm cách tới Anh bằng chui trốn trên các xe chở hàng lớn, trong trại dã chiến nơi nó đang ở, người tỵ nạn có thể gặp gỡ rộng rãi quanh vùng chứ nếu vào khu của chính quyền thì, sẽ phải sống gần nhau, như vậy xác xuất bị nhiễm dịch Covid 19 nhiều hơn. Đứa bé này nói thêm, chuyện bị nhiễm dịch không phải là chuyện lo trước tiên trong đầu của người tỵ nạn mà là chuyện nghĩ làm cách nào để sống còn quan trọng hơn.
Nhiều tổ chức “phi chánh phủ”, thường cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho những người tỵ nạn tại các khu trại này đã rời khỏi đó vì tình hình cơn dịch Covid 19, cho nên thực phẩm và nước máy để xài đã thiếu hụt trầm trọng, chính quyền địa phương phân phát các chai nước uống vì cho rằng, nếu cho lắp đặt nhiều chỗ có vòi nước quá trong trại sẽ gây trở ngại về “khoảng cách giao tiếp”, chỗ có vòi buồng tắm cũng như xạc pin cho điện thoại di động cũng cắt giảm bớt nhiều. Nhóm thiện nguyện làm việc tại trại ở Calais đồng ý biện pháp phong tỏa rất cần thiết nhưng phải được điều hành rất đàng hoàng và được sự hợp tác của các viên chức chính quyền Pháp.
Clare Moseley, người sáng lập nhóm Care4Calais, nhóm cung cấp đồ vật cứu trợ khẩn cấp và hổ trợ cho người tỵ nạn ở Calais và Dunkirk cũng như ở Brussels, vẫn còn hoạt động tại vùng này, theo cô, họ, người tỵ nạn tập trung vào chuyện sống còn hơn là chuyện con vi trùng Covid 19, cho nên cô không biết sẽ có bao nhiêu ngườii tình nguyện di chuyển vào các trại tạm trú của chính quyền lập ra. Thực phẩm cung cấp cho trại hiện giảm xuống đáng kể, đó là con đường duy nhất mà họ có thể có thức ăn, họ cảm thấy bị bắt buộc phải đi, sự giảm bớt thực phẩm tại các trại tỵ nạn đã là một “trò chơi thay đổi”, nếu cách duy nhất mà họ có thể có ăn mà phải vào các trung tâm của chính quyền ở thì chuyện rời khỏi khu họ đang sống không thể gọi là “tình nguyện”. Cô nói thêm, sau khi được sự cố vấn luật pháp của một số luật sư ở Anh quốc và Pháp, nhóm Care4Calais tiếp tục hoạt động như là những nhân viên cứu trơ tiền phương và theo đúng các hướng dẫn của cơ quan Y Tế thế giới (WHO) về việc kiểm soát truyền nhiễm.
Theo các văn bản mà báo chí có được, một số trẻ em không có thân nhân đã bị cảnh sát Pháp đánh nhiều lần và bọn nó thích ngủ ở các khu lều dã chiến này hơn là chui vào mấy trung tâm do chính quyền lập ra. Hôm đoàn xe buýt tới trại Calais ngày thứ ba, người di dân bất hợp pháp nào đồng ý ra đi sẽ được khám xét sức khỏe trước khi lên xe, một khi họ đến nơi họ sẽ chịu thi hành lệnh cách ly, phong tỏa như người dân Pháp khác trên cả nước, trong đó, họ sẽ không được đi đâu ngoại trừ có lý do cho phép như đi mua thức ăn, đi làm các công việc cần thiết hay khám sức khỏe, vận động thể dục tối đa một giờ mỗi ngày và không quá hơn 1 cây số từ nhà đang ở.
Leah Njeim, một tình nguyện viên của nhóm Utopia 56, nhóm phân phát thực phẩm cho các trại nói với tờ Ouest France, nhiều người tỵ nạn phải đi bộ cả giờ đồng hồ đến chỗ có vòi nước máy, Utopia 56 cũng lo việc chở đưa người tỵ nạn bị bệnh tới trạm y tế địa phương nhưng đã phải ngừng vì cảnh sát chận đường ra khỏi khu rừng hay cũng là trại tỵ nạn. Secours Catholique, một nhóm từ thiện khác, điều hành một trại cho 250 tới 300 ngườ,i nơi họ cung cấp nước uống nấu sôi nóng và xạc pin điện thoại cho biết, họ buộc cho nghỉ việc các tình nguyện viện trên 70 tuổi vì những người này là nhóm dễ bị nhiễm bệnh nhất, trong một lá thư gởi cho chính quyền, 15 tổ chức “phi chánh phủ”, thay mặt cho những người tỵ nạn muốn ở lại vùng Channel nói là nên cho họ vào tạm ở tại các khách sạn, trường học hay cao ốc không người ở, trong thư cũng nói là, nếu buộc người dân phải ở trong nhà thì họ phải có cái nhà mà ở.
Những nguồn tin khá tin cậy trong vài ngày gần đây cho biết, việc bảo vệ y tế sức khỏe và sắp xếp chỗ ở cho những người tỵ nạn đang sống tại các trại lều dã chiến trong rừng đang trên đường tiến hành nay mai.
Thuyên Huy
Thứ Hai 13.04.20  

Xem Thêm :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét