17 thg 3, 2020

Radio FM 974 – Melbourne :Đức Quốc: Salomea Genin – Trọn Đời Bên Trong Bức Màn Sắt Của Một Nữ Điệp Viên Stasi Đông Đức

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 16/03/2020
Salomea Genin, đã làm công việc điềm chỉ viên từ khi mới là một đảng viên Cộng sản ở Mebourne, Úc Đại Lợi trước khi trở thành điệp viên chính thức của cơ quan mật vụ Stasi, một thứ cảnh sát chìm, khét tiếng bí mật kinh sợ của Đông Đức. Bà còn nhắc “với bà, trên thế giới này chỉ có một thứ là chủ thuyết cộng sản và những hoạt động xã hội chủ nghĩa” hôm gặp báo chí phương Tây trong một ngày đông lạnh cóng ở Bá Linh vừa qua và bà cũng thú nhận “thật sự phải nói bà là một người cuồng tín”.
Salomea sinh ra tại Bá Linh năm 1932, bảy năm sau, gia đình Do Thái gốc Ba Lan phải trốn chạy vì sự nổi dậy của Đức quốc xã ở Đức. Họ đi tàu di dân đến Úc Đại Lợi và định cư tại thành phố Melbourne. Năm 1944, lúc Salomea lên 12 , cô gia nhập đoàn thiếu niên Cộng sản, nơi cô được họ, đảng cộng sản mở rộng vòng tay đón chào, cô không có cha, mẹ cô không để ý gì tới chuyện này, cô luôn luôn giữ kín miệng, từ đó đảng cộng sản được xem là cái gia đình thứ hai của mình. Trong khi Salomea hăng hái lao mình vào đảng thì thế giới đang trên đà thay đổi lớn, thế chiến thứ hai chấm dứt, và không lâu sao đó, cuộc “chiến tranh lạnh” bắt đầu, chia thế giới làm hai thái cực, cộng sản phía đông và tư bản phía tây, đưa đến sự đối đầu quyền lực giữa Liên bang Sô viết, khối đông Âu và Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh, một trong số nước này là Úc Đại Lợi. Ngay cả Đức cũng bị chia đôi làm hai quốc gia riêng biệt, cộng sản Đông Đức và tư bản Tây Đức, thành phố Bá Linh cũng phân ra làm hai, một thành phố chia cắt, một đất nước chia cắt và một thế giới chia cắt. Úc Đại Lợi xem Đông Đức là kẻ thù và quốc gia bù nhìn của Liên bang Sô viết, nhưng với nhiều người Úc, tin rằng Đông Đức là một quốc gia chính đáng.
Năm 1951, Salomea đến đông Bá Linh tham dự đại hội “thế giới người trẻ và sinh viên lần thứ ba”, một lễ hội ủng hộ Liên bang Sô viết nhưng cô và những người trong phái đoàn người Úc không biết là có một nhân viên tình báo ASIO của Úc trong số họ. Bà Salomea vẫn còn giữ mớ hồ sơ của ASIO về bà trong phòng khách, có cả bản báo cáo của cơ quan này từ ăm 1951. Sau kỳ lễ hội tại Đông Bá Linh, Salomea mơ ước sẽ là người đến sống đời thường trú ở Đông Đức, lúc này có tên là GDR nhưng Đông Đức liên tiếp bác đơn của cô ta, cho nên năm 1954, cô tìm cách khác là đi đến Tây Bá Linh và thường băng qua thành phố cộng sản Đông Bá Linh nhiều lần nếu có thể được. Salomea không phải là người Úc duy nhất làm chuyện này, đọc qua hồ sơ của cơ quan tình báo Úc ASIO, cô tìm thấy một danh sách dài tên của những người Úc sống ở Đông Đức, một trong số đó có người tên Fred Rose.
Chuyện của gia đình Fred Rose đưa ra một hình ảnh tiêu biểu của thời buổi sợ hãi chiến tranh lạnh tại cả Úc và Đông Đức. Fred được xem là một chuyên gia về Úc tại GDR, Fred sinh ra ở Luân Đôn, học nhân chủng học ở trường đại học Cambridge trong những năm 1930, sau khi tốt nghiệp Fred đi du lịch đến Úc, làm công việc khảo sát với người thổ dân Anindilyakwa ở Groot Eylandt, dọc rheo bờ biển vùng lãnh thổ phía bắc Úc, chứng kiến sự thiệt thòi và bị áp bức của họ, ý niệm hoạt động chính trị nảy mầm trong đầu, đó là một phần của lý do tại sao Fred theo đảng cộng sản Úc Đại Lợi. Vài năm sau khi Fred gia nhập đảng Cộng sản năm 1942, gia đình Fred di chuyển đến Canberra, nơi ông ta là một công chức làm việc cho chánh phủ Úc. Rồi năm 1954 Fred dính líu tới vụ Petrov, vụ này đang là đầu đề trên trang báo khắp nước Úc, Vladimir Petrov, một nhân viên ngoại giao của Liên Sô tại Canberra, đào ngủ khỏi nước này, khai báo cho chính phủ Úc các bằng chứng của những hoạt động tình báo Liên sô ở Úc. Một ủy ban đặc biệt thành lập và Fred Rose gọi ra làm nhân chứng.
Có cáo buộc là, Fred Rose, một công chức của Úc, đã chuyển giao tài liệu mật cho tòa đại sứ Liên sô, nhưng Fred Rose phủ nhận, ủy ban không đưa ra được chứng cớ chống lại anh ta nhưng bức màn nghi ngờ vẫn bao quanh Fred. Biết là không còn an toàn cho mình, không chóng thì chày, Fred Rose quyết định đi đến Đông Đức sống, người vợ Đức, Edith và mấy người con gái của họ cũng tới Bá Linh năm 1953. Cho tới ngày 31 tháng 8 năm 1961, khi bức tường Bá Linh dựng lên, vợ chồng Fred ,vì có sổ thông hành Anh Quốc cho nên họ là những người hiếm hoi sống ở bên phía đông nhưng có thể đi qua bên phía tây, tây Bá Linh, điều này làm cho họ dần dần có cảm tình với cơ quan mật vụ tình báo Stasi của Đông Đức. Cả hai, Fred và Edtih tự nguyện hợp tác với Stasi, với tư cách của người cộng sản họ xem đó là một phần bổn phận của họ.
Salomea được cơ quan mật vụ GDR tiếp xúc cũng cùng năm đó, năm 1961 bà vẫn còn sống bên tây Bá Linh, mọng muốn qua đông Bá Linh từng ngày và điều bà ước mơ là làm việc cho Stasi. Bà sẳn sàng, không do dự báo cáo cho họ, cơ quan Stasi tất cả mọi chuyện, mọi điều, mọi người mà bà đã quen đã từng làm việc chung với nhau trong quảng đời qua. Sau khi làm việc với Stasi hơn một năm, cuối cùng bà được phép đến Đông Đức. Họ cấp cho bà một căn nhà, bà tìm được việc làm và bắt đầu cuộc đời mới. Bà có hai người con trai. Những ngày sau đó bà vẫn tiếp tục báo cáo cho cơ quan Stasi nhưng bà để ý dến việc thiếu hụt thực phẩm và đồ dùng cần thiết tại các siêu thị nhưng cứ nghĩ, đây chỉ là nhưng trở ngại tạm thời của thời kỳ của xã hội chủ nghĩa và nó sẽ cải thiện dần trong tương lai gần thôi, đồng thời bà cũng nghe những chuyện dân chúng bị nhân viên Stasi áp bức, đối xử tàn tệ nhưng bà luôn luôn tìm cách giải thích sự việc theo cái nhìn của người cộng sản như bà có. Bà thật sự không muốn biết, chỉ vì quá tin vào chủ thuyết này và các ý tưởng vĩ đại của xã hội chủ nghĩa, đó là lẻ sống của bà, đó cũng là căn bản của mọi thứ mà bà sống chết vì nó.
Nhưng qua vài năm, sự nghi ngờ về sự thật của những gì đã xảy ra lớn dần trong suy nghĩ của bà và vào một buổi tối năm 1982, sự thật của chế độ cộng sản cuối cùng đã hiện ra trong đầu mình, trên truyền hình, người đọc tin loan báo một phóng sự đặc biệt ca ngợi chủ nghĩa Đức quốc xã Nazism, kỷ niệm lần thứ 50 ngày Hitler lên nắm quyền. Salomea nhớ lại, xét lại sự việc, bà cảm nhận, không có gì khác biệt giữa những gì bọn người Nazism đã làm với người Do Thái và nhà cầm quyền Đông Đức. Bà nhận ra rằng mình đang sống trong một quốc gia cảnh sát trị, chế độ mà bà đã ra sức tiếp tay vì đã hợp tác với cơ quan Stasi. Bà biết ra rằng 38 năm làm người cộng sản của bà là một việc phi lý, dù không thể sửa lại quá khứ nhưng bà có thể giúp con trai bà, Andy, sắp lên 18 và sẽ bị lệnh động viên vào lính Đông Đức, điều mà từ đó đến giờ anh ta không hề muốn.
Từ đó và sau đó bà quyết định đưa hai đứa con trai trở lại Melbourne, họ gọi là kỳ đi nghỉ hè ở đây, và trên đường quay lại Đông Đức, Andy ở lại bên Tây Bá Linh. Mặc dù bà có thể trốn đến phía tây nhưng lại quyết định về Đông Đức với đứa em của Andy. Bà lúc đó 50, không có tiền bạc Tây Đức, không muốn phải làm lại cuộc đời từ đầu lần nữa nhưng cũng nhất quyết không làm điềm chỉ viên cho cơ quan Stasi. Hiện tại bà Salomea vẫn sống tại căn nhà cũ nơi bà đã ở đó từ năm bức tường Bá Linh sụp đổ 1989, trong ba mươi năm qua, kể từ đó bà đã chứng kiến Bá Linh và Đức quốc thay đổi nhanh chóng mọi thứ, cái sân nơi bà thường đậu chiếc xe Trabant, một thứ xe hơi Đông Đức đã trở thành một khu vườn hoa nho nhỏ, và chỗ cái sân nối liền với cao ốc là nhà máy sản xuất than đá chạy điện giờ là một dãy tiệm thực phẩm và quán cà phê đông người ra vào. Không giống như các cựu điềm chỉ viên Stasi, Salomea rất cởi mở, công khai nói ra vai trò của mình trong việc ủng hộ quốc gia Đông Đức cũng như trong hồi ký.


Mỗi tháng, tại nhà hát Gorki ở Bá Linh, bà chia sẻ chuyện đời mình trên sân khấu trong vở kịch tên “Atlas of Communism”, bà vẫn còn cảm thấy hối hận vì đã là điềm chỉ viên cho cơ quan mật vụ Stasi, bà bùi ngùi “đây là cái tội, một cái tội mà bà sẽ không bao giờ quên được trong đời nhưng bà phải cố vượt qua không để nó làm bà đau khổ, đau đớn lắm nhưng là một bài học quý giá”.
Thuyên Huy
Thứ Hai 16.03.20  
(Theo ABC News)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét