Zaria Gorvett BBC Worklife
Nếu bạn nói rằng bạn đang bị 'kiệt sức' vào đầu những năm 1970, có thể bạn sẽ khiến một số người nhướn mày.
Ai cũng có thể bị kiệt sức
Vào thời điểm đó, thuật ngữ này được sử dụng không chính thức để mô tả các tác dụng phụ mà những người sử dụng ma túy nặng gặp phải: ví dụ như suy giảm năng lực trí óc, như trường hợp của nhiều người tiệc tùng thâu đêm suốt sáng.
Tuy nhiên, khi nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức Herbert Freudenberger lần đầu tiên nhìn nhận vấn đề kiệt sức ở thành phố New York năm 1974 tại một phòng khám dành cho người nghiện và người vô gia cư, Freudenberger không hề nghĩ đến những người sử dụng ma túy.
Các tình nguyện viên của phòng khám thực sự cũng chới với: công việc của họ rất căng thẳng; nhiều người bắt đầu cảm thấy mất đi động lực và cạn kiệt cảm xúc.
Mặc dù họ đã từng thấy công việc của họ rất có ích, nhưng họ trở nên bi quan và trầm cảm; họ không dành cho bệnh nhân sự quan tâm mà họ đáng có.
Freudenberger định nghĩa tình trạng mới đáng báo động này là tình trạng kiệt sức do làm việc quá sức kéo lâu - và mượn thuật ngữ 'kiệt sức' để mô tả nó.
Sự phổ biến của nó đang bùng nổ. Ngày nay, kiệt sức là một hiện tượng toàn cầu.
Mặc dù số liệu thống kê về sự lan rộng của kiệt sức khó có được, chỉ riêng ở Anh đã có 595.000 người mắc chứng căng thẳng trong công việc vào năm 2018.
Người chơi thể thao bị kiệt sức. Các ngôi sao YouTube cũng bị. Doanh nhân cũng bị. Bản thân Freudenberger cuối cùng dính.
Hồi cuối tháng 5/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo rằng căn bệnh trào lưu này sẽ được ghi nhận trong ấn bản mới nhất Cẩm nang Phân loại Bệnh Quốc tế, trong đó nó được mô tả là hội chứng 'do căng thẳng kinh niên tại nơi làm việc mà không được kiểm soát thành công'.
Theo WHO, kiệt sức có ba yếu tố: cảm giác kiệt sức, tinh thần không tập trung được vào công việc và hiệu suất kém hơn trong công việc.
Nhưng đợi cho đến khi kiệt sức hoàn toàn rồi mới làm điều gì đó thì chẳng có ích gì cả, và cũng như đối với bất kỳ căn bệnh nào khác, bạn sẽ không chờ đợi cho đến khi quá muộn mới tính cách chạy chữa.
Cảm thấy kiệt sức
Vậy làm thế nào bạn có thể biết được là mình gần như - nhưng không thật sự - kiệt sức?
"Nhiều dấu hiệu và triệu chứng của tiền kiệt sức rất giống với bệnh trầm cảm," Siobhán Murray, nhà trị liệu tâm lý có trụ sở tại County Dublin, Ireland, và là tác giả của một cuốn sách về sự kiệt sức, 'The Burnout Solution', nói.
Murray đề nghị theo dõi dấu hiệu của những thói quen xấu, chẳng hạn như uống rượu nhiều hơn và phải dựa vào đường để qua ngày.
Cũng cần cảnh giác coi có cảm giác mệt mỏi vốn sẽ không hết đi hay không.
"Ngay cả khi bạn đã có giấc ngủ ngon nhưng vừa mới 10 giờ sáng, bạn đã đếm ngược mong cho đến giờ đi ngủ. Hoặc không có năng lượng để tập thể dục hoặc đi bộ."
Ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy như vậy, Murray khuyên bạn nên đi khám bác sĩ.
"Trầm cảm và tiền kiệt sức rất giống nhau. Tuy nhiên, mặc dù gần đây người ta hăng hái nhìn nhận rằng kiệt sức giờ đây đã trở thành một vấn đề sức khỏe, nhưng nó vẫn chưa được xem như vậy - trầm cảm vẫn được phân loại là một hiện tượng nghề nghiệp."
Điều quan trọng là cần phải có sự giúp đỡ từ người có chuyên môn y tế để phân biệt giữa hai tình trạng này, bởi vì mặc dù có nhiều lựa chọn để điều trị cho bệnh trầm cảm, nhưng cách tốt nhất để cải thiện tình trạng kiệt sức vẫn là thay đổi lối sống.
Vậy làm thế nào để biết rằng bạn thực sự đang kiệt sức hết mức, hay chỉ là đang trải qua một tháng đầy thử thách, khó khăn?
"Điều quan trọng là tâm trạng căng thẳng, và sự lo lắng sẽ thúc đẩy chúng ta làm việc tốt," Murry giải thích. "Khi chúng ta liên tục phải đối mặt với căng thẳng, lo lắng và chúng ta không buông tay, thì khi đó là lúc ta bắt đầu rơi vào tình trạng kiệt sức."
Bản quyền hình ảnh Alamy
Hãy xem xét tới một dự án lớn mà bạn đang thực hiện. Thật bình thường khi cảm thấy adrenaline dồn lên, và có lẽ nó khiến bạn thức khuya.
Nhưng, Murray nói, nếu bạn vẫn cảm thấy bồn chồn một khi dự án đã kết thúc thì cần phải xem bạn có nguy cơ bị kiệt sức không.
"Đó là khi bạn để dự án cuốn theo mình trong suốt cả ngày, và để cho nó cứ tiếp tục ám ảnh bạn," bà giải thích.
Một dấu hiệu kinh điển khác của việc nhích gần hơn đến kiệt sức là sự bi quan: cảm giác như công việc của bạn có ít giá trị, tránh các cam kết xã hội và trở nên dễ thất vọng hơn.
"Một người nào đó trên bờ vực có lẽ sẽ bắt đầu cảm thấy mụ mị về tình cảm và tâm thần để đâu đâu," Jacky Francis Walker, nhà trị liệu tâm lý ở London chuyên về kiệt sức, nói. "Giống như họ không có khả năng tham gia nhiều vào những điều bình thường trong cuộc sống."
Bà cũng khuyên bạn nên tìm kiếm dấu hiệu kiệt sức cuối cùng, đó là cảm giác không thể lay chuyển rằng chất lượng công việc của bạn đang bắt đầu trượt dốc.
"Mọi người nói 'Nhưng đây không phải là tôi!', 'Tôi không phải như vậy', 'Tôi thường có thể làm được x, y và z'. Nhưng rõ ràng nếu họ ở trong tình trạng suy nhược về thể chất, thì họ không còn trong phạm vi năng lực bình thường của họ," Walker nói.
Nếu điều này nghe có vẻ ít khoa học, hãy xem xét Maslach Burnout Inventory (MBI), một thử nghiệm được thiết kế để đo lường kiệt sức.
Được sử dụng rộng rãi nhất là Khảo sát Chung MBI, dùng để đo lường những thứ như kiệt sức, bi quan và bạn nghĩ bạn đang làm việc tốt như thế nào.
Được công bố lần đầu năm 1981, kể từ đó nó đã được trích dẫn hàng trăm lần trong các nghiên cứu. Mặc dù nó thường được sử dụng để đo lường sự kiệt sức một khi nó phát tác tối đa, không có lý do gì bạn không thể áp dụng nó để xem bạn có đang gần đến kiệt sức hay không.
Bạn đang bị tiền kiệt sức: Tiếp theo là gì?
Cách duy nhất để chấm dứt kiệt sức - và đẩy nó đi mãi mãi - là nhổ tận gốc vấn đề gây ra nó.
"Bạn đang có điều gì xảy ra trong đời mà bạn có thể tạm thời hoặc loại bỏ vĩnh viễn? [Ngủ thật nhiều] có thể giúp bạn phục hồi khỏi tình trạng trông như kiệt sức," Murray nói.
Walker có một chương trình gồm ba bước, bao gồm tìm hiểu tại sao có sự không ăn khớp giữa những gì một người có thể làm được và những gì họ cảm thấy người ta đòi hỏi họ phải làm.
"Đôi khi là vì họ cảm thấy cần phải hoàn hảo quá mức, hoặc họ có thể mắc hội chứng kẻ mạo danh khi họ phải làm việc rất chăm chỉ để che đậy rằng họ không hoàn toàn có năng lực như mọi người nghĩ."
Tuy nhiên, đôi khi môi trường làm việc là vấn đề.
Theo một nghiên cứu của Viện Gallup năm 2018 với 7.500 nhân viên Mỹ, kiệt sức bắt nguồn từ sự đối xử không công bằng trong công việc, khối lượng công việc không xử lý nổi và sự thiếu rõ ràng về vai trò của một người trong công việc là như thế nào.
Nhân viên cũng bị áp lực do thiếu sự hỗ trợ từ người quản lý và áp lực thời gian không hợp lý.
"Một vấn đề khác có thể là các giá trị của công ty đối chọi nhau nghiêm trọng với các giá trị của cá nhân, điều này tạo ra cảm giác căng thẳng và tréo ngoe, bởi vì họ đang làm những điều mà họ không tin," Walker giải thích.
Trong một số trường hợp, khách hàng của bà có thể giải quyết vấn đề bằng cách làm thêm một vài việc gì đó khiến họ cảm thấy hài lòng, là các việc nằm bên ngoài công việc, nhưng rất hiếm khi họ quyết định có thay đổi triệt để hơn, chẳng hạn như thay đổi công ty hoặc thậm chí chuyển sang một ngành nghề mới.
Cho dù nguyên nhân của sự kiệt sức của bạn là gì đi nữa, lời khuyên hàng đầu của Murray là hãy tử tế với chính mình.
Theo kinh nghiệm của Murray, một lực đẩy chính của tình trạng kiệt sức lan tràn là văn hóa muốn tất cả ở ngày nay.
Thường thì không thể nào cùng một lúc có được hết nào là cuộc sống xã hội lành mạnh, nào là làm được một dự án lớn, và đạt được tất cả các mục tiêu thể dục cá nhân.
Bà nói rằng điều hết sức quan trọng là phải có ưu tiên và không kỳ vọng quá nhiều vào bản thân; trong khi những người khác dường như là cùng một lúc vừa là cha mẹ hoàn hảo, thần tượng thể hình và là bạn bè dễ chịu, có lẽ họ đã làm chúng ta hiểu sai - hoặc ít nhất là họ đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ.
Nếu bạn cảm thấy rằng bạn có thể sắp bị kiệt sức, hãy lùi lại một bước, tìm hiểu xem có điều gì sai không - và hãy để bản thân thoát khỏi tình trạng đó.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét