Một báo cáo dài 87 trang do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố vào thứ Sáu (9/8) cho biết hệ thống giáo dục trung học ở quốc gia châu phi Eritrea là một cỗ máy bắt buộc, trong đó học sinh buộc phải lao động, bị lạm dụng thể chất trong các nghĩa vụ vô thời hạn đối với chính phủ.
Mô tả một cách ngắn gọn và dễ hiểu, Eritrea được so sánh như Triều Tiên của châu Phi, theo bài phân tích ngày 14/4/2018 của The Economist.
Theo Al Jazeera, báo cáo của HRW cho biết, đối với nhiều người Eritrea, bỏ trốn là cách duy nhất để thoát khỏi cỗ máy lạm dụng của nhà nước.
Mặc dù có một thỏa thuận hòa bình với Ethiopia vào tháng 7 năm 2018, mang lại hy vọng cho sự cải cách theo hướng tốt lên, tuy nhiên chính phủ – đứng đầu là Tổng thống Isaias Afwerki từ năm 1993 – đã không ban hành những thay đổi có ý nghĩa trong hệ thống, báo cáo cho biết.
Là quốc gia nằm ở vùng Sừng châu Phi, nơi sinh có gần 4,5 triệu người, chính phủ Eritrea từng bị Liên Hợp Quốc lên án vì các hành vi lạm dụng dân quyền, như giết người phi pháp, tra tấn và đối xử với công dân như nô lệ.
Chỉ số nô lệ toàn cầu ước tính cứ 1.000 công dân ở Eritrea thì có 93 người sống trong cảnh nô lệ.
Nghiên cứu của HRW cho biết nhiều người Eritrea đã dành cả đời thực thi các nghĩa vụ quân sự hoặc dân sự cho chính phủ. Báo cáo kết luận: “Loại hình nghĩa vụ quốc gia vô thời hạn này đã có tác động rõ ràng và lâu dài đối với quyền, tự do và cuộc sống của người dân Eritrea”.
Nhiều người bắt đầu “nghĩa vụ” của mình từ khi còn là trẻ em, theo báo cáo của HRW.
Tổ chức này cho biết kể từ năm 2003, học sinh năm cuối của các trường trung học phải đi đào tạo tại trại quân sự Sawa, khu vực bị cô lập gần biên giới Sudan.
Tại đây, các học sinh bị đối xử tồi tệ, bị kỷ luật kiểu quân đội, phải gánh chịu những hình phạt thể xác và lao động cưỡng bức. Báo cáo cũng ghi nhận những trường hợp phụ nữ và trẻ em gái bị lạm dụng tình dục.
HRW đưa ra báo cáo này sau khi phỏng vấn 73 học sinh và giáo viên trung học từng ở Eritrea trong giai đoạn 2014-2018 và hiện sống lưu vong ở Sudan, Ethiopia, Ý và Thụy Sĩ.
Một học sinh từng bị đưa đi đào tạo quân sự vào năm 2015 nói với các nhà điều tra của HRW: “Khi bạn đến Sawa, bạn làm theo cái đầu của họ chứ không phải của chính mình”. Học sinh này nói thêm: “Tôi không thấy tương lai ở đó. Tôi đã mất hết hy vọng”.
Một học sinh khác nói: “Họ biến chúng tôi thành nô lệ, chứ không phải là đào tạo chúng tôi”.

ttps://video3.dkn.tv/tong-thong-trump-cam-ket-bao-ve-quyen-tu-do-tin-nguong-video_18bdf6f73.html