20 thg 8, 2019

Radio FM 974 – Melbourne: Ấn Độ: Hổn Loạn Kashmir – Kẻ Vui Người Buồn

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 19/08/2019
Utpal Kaul, một người Ấn Độ giáo, từng mơ ước có một ngày được trở về căn nhà bên hồ và vườn cây mận của mình ở Kashmir, sau khi phải bỏ cái thung lủng đa số là người Hồi giáo ba thập niên trước đi lánh nạn. Tưởng chừng như không thể nào xảy ra, cho tới tuần qua, khi chính phủ Ấn Độ đột nhiên tuyên bố hủy bỏ quy chế tự trị đặc biệt cho vùng Jammu và Kashmir, phần đất của Ấn Độ kiểm soát, Kaul thấy rằng đường trở lại quê nhà, cuối cùng đã tới.
Kaul mừng vui trong nước mắt khi nói với phóng viên hảng tin AFP, tại nhà ông ở thủ đô Tân Đề Li của Ấn, ông không bao giờ nghĩ là mình sẽ thấy cái ngày này trong đời, từ lâu thân xác mình ở đây nhưng hồn ở tận Kashmir. Ông cũng còn nhớ rõ, câu chuyện của hơn 200 ngàn người Ấn Độ giáo phải chạy khỏi thung lủng Kashmir năm 1989 khi loạn quân Hồi giáo nổi lên chống lại chính quyền Ấn, số dân chạy loạn này đươc biết với tên gọi là “Kashmir Pandits”, được tái định cư ở vùng phía nam của tỉnh Jammu và những nơi khác thuộc Ấn, ai cũng nghĩ rằng sẽ không bao giờ có thể trở về chốn cũ. Việc hủy bỏ điều luật 370, vốn được áp dụng hơn 70 năm qua, có nghĩa là, người Ấn trên khắp đất nước có thể mua nhà cửa vườn tược trong vùng Hy Mã Lạp Sơn, đối với những người “Kashmiri Pandits” như Kaul, cho phép ông ta dịp may trở lại nơi ông có không biết bao nhiêu kỷ niệm trong đời. Căn nhà 5 tầng lầu của ông Kaul đã bị cướp phá và thiêu rụi trong những năm 1990 khi có vụ nổi loạn của một nhóm võ trang nhắm vào người thiểu số Ấn Độ giáo sống tại nơi này cả hàng mấy thế kỷ qua. Kaul sinh ra và cùng với gia đình sống ở đó qua nhiều thế hệ nhưng ông vẫn còn bị phải chứng minh mình là người Kashmiri, gia đình ông buộc phải gom góp những gì có được, trốn bỏ đi, quyết định của chính quyền Ấn Độ như là một ánh bình minh mới cho quê nhà yêu dấu của Kaul và bây giờ tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau ở Kashmir.

Có chung đường biên giới bao quanh với Trung cộng, Ấn Độ, Tây Hồi và Tây Tạng, Kashmir là một vùng trời cảnh vật hùng vĩ tươi mát với những ngọn đồi phủ tuyết trắng, những cánh đồng xanh bất tận và các thung lũng dài sâu, Kashmir bị chia cắt làm hai phần giữa khối đa số người Hồi giáo Tây Hồi và người Ấn Độ giáo sau khi hai nước Ấn Và Tây Hồi độc lập, những điều khoản căn bản trong điều luật 370 của Ấn Độ dành cho người Hồi giáo sống trong vùng Kashmir, nhiều quyền lợi trong suốt những năm qua, và điều luật 370 này vừa bị chính quyền Ấn hủy bỏ tuần rồi. Vitek Raina, một người trong nhóm “Kashmir Pandits” khác đang sống ở Tân Đề Li vẫn còn ám ảnh vụ nổi loạn bạo động năm đó, Raina năm nay 37 tuổi, nói rằng ông chú của anh không chịu đi , ở lại Kashmir, đã bị bắn chết trên đường vì không chịu tuân lệnh phong tỏa của quân nổi loạn, Raina nhớ lúc còn là đứa con nít, đã bị ông thợ hớt tóc tát vào mặt vì muốn hớt tóc theo kiểu của một người Ấn chơi môn thể thao “đánh côn gồng trổng” thay vì kiểu người Tây Hồi. Giờ thì đã đến lúc, Raina khẳng định, đang háo hức trở lại quê xưa, với khả năng của một người kỹ sư điện toán, anh sẽ góp phần xây dựng lại Kashmir bằng cách nào đó, chuyện này chắc chắn sẽ xãy ra.


Chính quyền vùng Kashmir thuộc Ấn đã đặt một phần lớn của nơi này trong tình trạng phong tỏa hôm thứ hai và quân lính Ấn được điều động tới, và đã có chạm súng giữa quân Tây hồi và Ấn tại đường ranh giới chia đôi Kashmir. Tình hình rối loạn vừa đây bắt đầu trong mười ngày qua sau khi Ấn cho đổ hơn 10 ngàn quân tới Kashmir, đây là cuộc điều quân chưa từng có với mức độ như vậy. Lệnh của chính quyền Kashmir thuộc Ấn đưa ra, cấm mọi sự di chuyển và tất cả trường học đóng cửa tại thủ phủ Srinagar và các vùng phụ cận. Không được tụ tập đông đảo tại các nơi công cộng hay biểu tình trong suốt thời gian có lệnh này, nhiều phường quận khác nơi có đa số người Hồi giáo cũng bị giới hạn các sinh hoạt hàng ngày, đi dứng, buôn bán. Chỉ có hệ thống đường dây điện thoại của chính quyền còn hoạt động. Trước khi mọi dịch vụ điện thoại bị cắt, một số cựu và hiện là lãnh tụ chính trị người Kashmiri viết trên trang mạng là họ đã bị quản thúc tại gia như trường hợp của ông Omar Abdullah, cựu đệ nhất bộ trưởng của vùng Jammu & Kashmir. Tại thủ phủ Srinagar, một người dân ở đây nói với ký giả ngoại quốc AFP, quân đội của chính quyền Ấn đã cho ném loại bom chứa ớt cay trên các đường phố vắng người, loại bom này khi nổ sẽ gây cho người ta nghẹt thở. Lần chính quyền Kashmir thuộc Ấn cho thi hành lệnh giới hạn sau cùng nhất giống như lần này xãy ra năm 2016 khi có một lãnh tụ loạn quân nổi tiếng bị giết chết, đã gây ra các cuộc biểu tình bạo động kéo dài cả mấy tháng trời, làm cho gần 100 người chết.
Đồng thời trong mấy ngày qua, bên phía Tây Hồi hôm Chủ nhật đã kêu gọi dân chúng sống tại các làng ấp dọc theo đường ranh giới quân sự của hai bên vùng Kashmir thuộc Tây hồi nên cảnh giác, đề phòng chiến tranh. Lời khuyến cáo này đưa ra sau khi quân Tây Hồi di tản hơn 50 người Trung cộng làm việc tại một đập nước dọc theo sông Neelum và Jhelum hôm thứ ba, sau khi quân Ấn nổ súng bắn chết bốn người dân thường, trong đó có một em bé bốn tuổi và làm bị thương 11 người khác. Badr Munir, một viên chức cao cấp của Tây Hồi, hôm thứ ba đã dẫn một nhóm phóng viên báo chí tới quan sát khu Noseri, nằm bên đường ranh giới, cho họ biết về diễn tiến sự gia tăng bạo động ở đó trong mấy ngày qua, theo ông này, bốn người chết là bốn người “tử vì đạo” và 11 người khác bị thương do “bom chùm” của quân Ấn Độ. Theo phóng viên tường thuật lại, khu làng Noseri có vẻ hoang vắng vì cửa hàng tiệm quán đóng cửa kín mít và ít xe cộ qua lại như thường ngày trên đường.


Nhưng hình ảnh một Kashmir yên bình xem ra còn quá sớm, người Hồi giáo đã kéo ra đường biểu tình phản đối việc hủy bỏ luật 370 tại Srinagar, thủ phủ của vùng Kashmir thuộc Ấn, đang nằm giữa những dãy hàng rào kẽm gai dầy đặc, chốt kiểm soát an ninh và quân lính, chính phủ Ấn cũng ra lệnh tạm cắt các loại liên lạc qua điện thoại di động, điện thoại nhà và mạng điện tử để ngăn ngừa bất cứ việc biểu tình có tổ chức diễn ra. Giới quan sát thời cuộc cảnh báo rằng, một cuộc chống đối, phản kháng đẩm máu và lâu dài có thể xãy ra bởi số dân hồi giáo địa phương vì họ tin rằng, việc Tân Đề Li hủy bỏ luật 370 là nhằm mục đích, tạo cách cho phép người Ấn Độ giáo tràn đến định cư tại những vùng hiện có đa số người Hồi giáo sinh sống. Năm 2015, chính phủ Ấn tuyên bố sẽ thiết lập những khu cư trú cho người Ấn trở lại quê nhà Kashmir, dựng lên trường học, bệnh viện và khu chợ búa tại các thị trấn trong vùng dù lúc đó chưa có nói năng gì tới luật 370.

Đối với những người Ấn bỏ chạy lánh nạn trước đây thì, sau nhiều năm dài mơ ước trở lại nhà, có chờ thêm chút xíu họ cũng sẳn sàng chờ nhưng chắc chắn một điều là họ sẽ trở về và làm nên một Kashmir của họ một lần nữa.

Thuyên Huy
Mon 19.08.19 
Xem CCTG  12/8/2019 : Kenya: Kibera – Nơi Cảnh Sát Giết Dân Không Cần Án Lệnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét