6 thg 8, 2019

Radio FM 974 – Melbourne:Trung Cộng: Đường Tới Xinjiang – Công An Giả Dạng Thường Dân Chận Người Đi Tìm Sự Thật

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 05/08/2019
Trời lưng lửng trưa, trên đường tới Xinjiang, ba người công an giả dạng khách du lịch đang bận rộn dàn dựng một vụ tai nạn đụng xe nhưng họ quên không để ý tới những người mà họ muốn chận lại, đó là những người ký giả ngoại quốc đang trên đường đi đến một trong các trại tập trung ghê rợn nhất của Trung cộng.
Từ phía xa một chiếc xe vận tải cở nhỏ, cũ lừ đừ chạy thật chậm đến, ngang qua chỗ có cái xe bị đụng móp méo, ngừng lại vài phút, chỉ cách một khoảng cách ngắn, rồi lẳng lặng chạy đi, trong khi ba người công an mãi mê, bàn tính, đẩy tới đẩy lui mà không ngờ rằng, trên xe đó có vài người ký giả ngoại quốc. Không lâu, sau khi có vụ đụng xe giả này, dân chúng ùn ùn kéo tới vây quanh dòm dòm ngó ngó, trong khi đó, một hàng xe hàng xe vận tải nối đuôi nhau suốt con đường dài, bấy giờ công an thật mới xuất hiện, chận mọi ngả đường đến trại tập trung. Qua hành động này, vụ dàn dựng đụng xe là hình ảnh thông thường cho thấy ý định của nhà cầm quyền Bắc kinh nhằm ngăn cản ký giả ngoại quốc ở Trung cộng viết những bài tường thuật về cái gọi là “vấn đề nhạy cảm” tại Xinjiang, vùng tây bắc nơi có một con số lớn người sắc tộc thiểu số Hồi giáo bị cưỡng bức đưa vào các trung tâm “cải tạo”.

Các trại tù tập trung cải tạo này đặt dưới quyền quản trị của nhà cầm quyền cộng hòa nhân dân Trung cộng vùng tự trị Xinjiang Uyghur từ những năm 2014, và tình trạng đối xử người tù khắc nghiệt hơn khi người bí thư đảng của vùng, Chen Quanguo về nắm quyền cai quản tháng 8 năm 2016. Những trại tù cải tạo này được xem là đã hoạt động bên ngoài hệ thống pháp luật Trung cộng, nhiều người sắc tôc Uyghurs bị giam không cần xét xử hay buộc tội gì cả, chỉ với lý do đơn giản là chống lại bọn khủng bố và quá khích. Người ta ước lượng cho tới năm 2018, Bắc kinh đã bắt giam cả hàng trăm ngàn, không nói là hàng triệu người sắc tộc thiểu số Uyghurs, Kazakhs, Hui cũng như sắc tộc Turkic Hồi giáo và Tin lành. Rất nhiều người Uyghurs, trong giới tranh đấu dân chủ cho rằng, trong mỗi một gia đình sắc tộc này có ít nhất là một người bị giam trong trại tù, theo tờ China Digital Times tường thuật hôm tháng Giêng 2018, riêng tại vùng thị trấn Kashgar hiện có khoảng 120 ngàn người Uyghurs đang bị giam trong các trại cải tạo chính trị .

Ngày 13 tháng 7 năm 2018, Sayragul Sauytbay, một người Hoa gốc Kazakh, cựu nhân viên của nhà cầm quyền Bắc Kinh, bi đưa ra tòa án ở Zhakent, thuộc nước Kazakhstan vì tội vượt biên giới hai nước một cách trái phép, trong phiên tòa cô kể lại chuyện bị cưỡng bức lao động trong một trại cải tạo có 2500 người tù Kazakhs, cô đã nộp đơn xin tỵ nạn ở Kazakhstan vì nếu trả về Trung cộng chắc chắn cô sẽ bị án tử hình. Viết trên tờ Journal of Politcal Risk vào tháng 7 năm 2019, người khảo sát độc lập Adrian Zenz ước tính con số tù cải tạo ở Xinjiang lên trên mức 1 triệu 500 ngàn người.

Đến nơi, trước mắt mấy người ký giả ngoại quốc, một trong các dãy cao ốc, tường cửa kín mít, bao quanh bởi những hàng rào kẻm gai chằng chịt, cao ngất nhìn thấy cách cánh đồng ruộng không bao xa, cái khác có thể được nhìn thấy rõ ràng gần các khu nhà người dân, thêm một cái nữa nằm ngay ở góc của khu vườn đầy nước ngập. Mới thoạt đầu khi báo chí ngoại quốc lên tiếng về các trại tù này, Bắc kinh cưc lực bác bỏ nhưng sau đó họ đành phải nhìn nhận sự hiện diện của nó và họ gọi các trại này không phải là trại tù cải tạo chính trị mà là những trung tâm huấn nghệ cho người dân sắc tộc thiểu số và chống chế đó cũng là chính sách cần thiết cho trận chiến chống bọn tôn giáo quá khích. Kể từ tháng 10 năm rồi, nhà cầm quyền Xinjiang cũng cho tổ chức các chuyến đi quan sát các trại tù loại này cho giới ngoại giao và báo chí nhưng với những ký giả ngoại quốc độc lập khác, đến được vùng Xinjiang săn tin về trại tù là một sự thách thức lớn, họ luôn luôn bị công an chìm bám sát, cản trở, ngăn chận không cho gặp gở thường dân và bị hăm dọa thường xuyên.
Các chốt chận đường cũng như công trình xây cất, đào xới, thình lình có đâu đó tại các ngả đường hay gần những trại tù là chuyện nhức đầu không ít đối với ký giả ngoại quốc. Thi hành các biện pháp xiết chặt an ninh tại Xinjiang nơi nhà cầm quyền cho áp dụng môt cách triệt để không đoán được, theo dỏi mọi sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng đã làm cho ký giả khó mà đi lại một cách tự do trong vùng như ý muốn. Trạm kiểm soát của công an tại ranh giới giữa các tỉnh, các vùng ngăn chận ký giả di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác khác, ngoài nơi họ ở và cũng để báo động với cán bộ tuyên truyền địa phương kịp thời ứng phó, nhiều khi cả thành phố bị cô lập “nội bất xuất ngoại bất nhập”.
Trong khi trên đường lái xe tới Artux, nơi có một nhà thờ hồi giáo đã bị phá sập, nhóm ký giả đã bị công an tại một trạm kiểm soát bắt phải quày xe trở lui, như họ cho biết đường đã chận vì nhà nước đang dùng để tập lái xe suốt ngày và cho tới năm ngày nữa, viên sĩ quan công an lạnh lùng nói với nhóm ký giả nên hiểu giùm công việc của họ, cũng tại chỗ này có hai cô gái xưng mình là khách du lịch nhưng nhìn áo quần họ mặc và cách ăn nói xem ra giống công an trá hình hơn là du khách. Vài tiếng dồng hồ sau, toán công an theo sát tìm đám ký giả trong một chiếc xe thùng thường màu tím sậm vì đám ký giả lặn mất không thấy tăm hơi, ngay cả khi đám ký giả đi qua khỏi chỗ dụng xe giả để chụp hình trại tù từ một ngôi làng gần đó, họ cũng thấy chiếc xe chở khách du lịch đậu kế bên. Một người đàn ông nói là nhân viên an ninh của làng sau đó dẫn đám ký giả đi ra khỏi chỗ cấm rồi bỏ đi mất, để mặc họ đứng xớ rớ không biết làm gì.
Bên cạnh đó, chuyện đi vào các nơi tôn giáo thờ phượng có vẻ bị kiểm soát gắt gao hơn. Một buổi sáng hôm lễ Eid al –Fitr, khi người hồi giáo trên khắp thế giới cử hành chấm dứt mùa chay Ramadan thì cả một khoảng sân rộng lớn bên ngoài nhà thờ chính tại Kashgar bị công an giăng dây bao quanh, không cho ai vào. Ở một nơi khác, ký giả báo chí bị buộc đi vào “vùng báo chí phỏng vấn” do cán bộ tuyên vận nhà nước sắp xếp bên bìa phía ngoài quảng trường rộng trong khi tín đồ lần lượt vào chật cứng bên trong nhà thờ Idkah, quảng trường này là chỗ mà những năm trước đây, tín đồ ngồi đông nghẹt chen chúc trải thảm ra cầu nguyện. Tại chỗ phỏng vấn, một tu sĩ chủ trì của nhà thờ hồi giáo này nói rằng, qua người thông dịch viên, không có thay đổi gì cả trong việc cầu nguyện hôm nay so với năm sáu năm trước, ông ta “hồ hởi” nói thêm, giờ các ông đến Xinjiang, các ông có thể thấy hàng triệu người Uyghurs, ai cũng có một cuộc sống thật sự tốt đẹp.

Trong một bản tường trình vào tháng Giêng năm nay, Câu lạc bộ phóng viên ngoại quốc của Trung Hoa (FCCC) nói rằng, ký giả từ nhiều hảng tin ngoại quốc cho biết họ bị công an đi theo sau, ngăn cản, chận đường trong vùng họ tới và ngay cả từ chối không cho họ mướn phòng ngủ ở khách sạn. Nathan Vanderklippe, một tường thuật viên của tờ Canadian Globe and Mail, cũng nói thêm, anh đã bị hăm dọa sẽ bị bắt và xe công an võ trang đã tiến tới chận xe anh với dùi cui và tấm khiêng chắn, đám công an này đã giựt lấy máy chụp hình và xóa hết những tấm hình anh chụp mà không cần anh đồng ý hay không. Trong một bài viết khác đăng vào đầu tháng này, Sophia Yan, một thông tín viên của tờ Daily Telegraph Luân Đôn kể lại chuyện cô và người bạn đồng nghiệp phải lội bộ gần 80 cây số để về khách sạn vì chiếc xe ta-xi quay đầu trở lại không được chở họ khi có tiếng ai đó ra lệnh trong máy liên lạc của xe.

Tại Kashgar, một thành phố của “con đường tơ lụa, Silk Road” xưa, nơi có đa số là người dân sắc tộc Uyghurs sinh sống, vài người nào đó đã đột nhập vào phòng ở khách sạn của một ký giả ngoại quốc sau khi anh này vừa ra khỏi không đầy vài phút, khi trở lại, anh tìm thấy cửa phòng mở toang và một trong mấy túi xách của anh đã bị dời chỗ, lục lạo, không có gì bị lấy đi nhưng cái thông điệp để lại đó cho anh rất rõ là “chúng tôi đang theo dõi anh”.
Thuyên Huy
Mon 05.08.19 

Xem CCTG Thứ Hai 29/07/2019 

 Melbourne :Hong Kong: Côn Đồ Đánh Người – Cảnh Sát Đứng Nhìn – Bắc Kinh Hả Dạ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét