21 thg 3, 2019

MÀU - Trần Công Trí (TC.Da Màu )

 - Trần Công Trí
hình ảnh: Bilbao 2014 (ảnh đặng thơ thơ)


CẬU BÉ

Cậu bé thường khóc trong giấc ngủ. Nhất là những lúc cậu bị sốt. Mẹ cho cậu uống mấy giọt thuốc nước màu hồng rất dễ thương nhưng đắng không thể tả. Vừa cho cậu uống thuốc, mẹ vừa cằn nhằn:
– Lúc nào con cũng cãi mẹ. Đi học cứ quên đội nón nên cảm nắng là phải.
Cậu mệt mỏi nhắm nghiền hai mắt, lưỡi tê cóng lên vì vị đắng của thuốc. Rồi cậu chìm vào giấc ngủ. Mỗi lần bệnh, cậu hay có nhiều ảo giác lúc ngủ, mộng không ra mộng, thực không ra thực. Ban đầu, cậu thấy mình đứng trên một mặt phẳng mênh mông, rồi cậu rơi nhanh vào một không gian thăm thẳm. Sau đó là những cảm giác của da thịt cậu cọ xát vào những vật gì không rõ hình hài, lúc thật to, lúc thật nhỏ, lúc mềm nhũn, lúc cứng ngắc. Rồi cậu có cảm giác chới với như hụt chân rớt mãi vào một vực sâu không đáy. Lúc đó, cậu bật khóc nức nở. Và lúc nào tiếng gọi ngọt ngào của mẹ cũng êm ái kéo cậu ra khỏi vùng ác mộng:
– Miên, nín đi con! Nằm mơ thấy cái gì mà khóc dữ vậy không biết!
Ban ngày, đang ngồi chơi, thỉnh thoảng cậu nói với mẹ:
– Con không thích ngủ, mẹ ạ.
Mẹ nhẹ nhàng hỏi:
– Sao vậy con? Tối phải ngủ rồi sáng dậy mới đi học được chứ.
Cậu phụng phịu đáp:
– Ngủ nằm mơ buồn lắm. Con thích ban ngày hơn.
Mẹ phì cười:
– Còn nhỏ mà đã biết buồn rồi hở con? Con nằm mơ thấy những gì mà lại buồn?
Cậu không đáp, tiếp tục chơi. Cậu không biết phải nói với mẹ làm sao. Nhiều đêm cậu khóc trong giấc ngủ, dù không bị bệnh và thấy ác mộng. Cậu không khóc thành tiếng như những lúc bị bệnh, nhưng lắm lúc tỉnh giấc giữa đêm, cậu thấy hai má mình đẫm nước mắt. Những giấc mơ của cậu thường đem lại cho cậu cảm giác lạc lõng, thiếu thốn. Một điều gì đó lạ lẫm, bất toàn, lúc nào cũng bàng bạc trong chiêm bao của cậu.
Có lần cậu kể với bố lúc cả nhà đang ăn bữa sáng:
– Đêm hôm qua con khóc vì con nằm mơ thấy mình giành cái phao tắm biển với anh Duy, bố ạ.
Trong khi Duy trố mắt nhìn em, cậu điềm nhiên nói tiếp:
– Con thấy anh Duy và con đang tắm biển. Rồi sóng cuốn đi mất một cái phao. Còn lại một cái. Anh Duy bảo là của anh, nhưng con không chịu vì nó cũng giống y hệt cái phao của con.
Bố thắc mắc:
– Bố mua cho con cái phao màu xanh, còn của anh con màu đỏ. Mất cái nào thì con phải biết chứ sao lại giành nhau?
Cậu làm thinh tiếp tục ăn vì không biết trả lời bố làm sao.

ANH

Cậu bé đó chính là anh. Lớn lên một chút nữa, anh vẫn còn những giấc mơ khá lạ lùng và buồn bã. Mới đêm qua thôi, anh thấy mình với Thuỳ Nhung đi trong một hội chợ nào đó, đông nghịt những người. Hai người phải khó nhọc len lỏi qua đám đông ồn ào. Đi được một lúc, anh nhìn lại thì người đi bên cạnh anh không phải là Thuỳ Nhung nữa mà là Chung Thuỷ, cô bạn học ngày xưa hiện giờ đang ở Ý. Anh nhác thấy chồng của Chung Thuỷ đứng gần đó nhưng anh ta không nhìn thấy anh. Một lúc sau, anh cảm thấy Chung Thuỷ đang nắm lấy tay mình. Chung Thuỷ và anh đi rẽ vào một khu chung cư ba, bốn tầng gì đó. Lúc này, anh lại thấy Thuỳ Nhung đi chung với hai người. Anh bảo Thuỳ Nhung ngồi đợi ở dưới. Chung Thuỷ và anh đi lên khu chung cư. Đây là một khu nhà ở tồi tàn, ọp ẹp. Anh đi qua những bậc cầu thang cũ kỹ, dơ bẩn. Trên nền nhà thỉnh thoảng có một xác chim chết khô hay những đống phân chó. Có những cánh cửa vừa đụng vào là xiêu vẹo. Anh đi qua một vài căn phòng mở cửa, nhìn vào thấy những cảnh tượng lôi thôi, nhếch nhác với những người bên trong nheo nhóc, nói cười buồn bã. Lên đến tầng thứ ba, Chung Thuỷ từ giã anh, bước vào phòng của cô, bên trong nhìn cũng lôi thôi không kém. Anh đi tiếp lên tầng thứ tư, vì anh nhớ có một người bạn ở đó hẹn gặp. Lên đến nơi, anh thấy một người đàn ông đứng ngoài hành lang đang la lối điều gì bằng tiếng Anh với giọng Bồ Đào Nha. Nhìn dáo dác một hồi, anh mới thấy phòng của người bạn. Bên trong có bốn năm người vừa đứng vừa ngồi. Anh cất tiếng gọi tên người bạn và hắn bước ra. Anh cười chào nhưng hắn nhìn lại anh bằng cặp mắt không quen.
Tới đó thì anh tỉnh giấc. Liếc qua đồng hồ, anh thấy con số 5:45. Đây cũng là khoảng thời gian anh thường thức giấc mỗi sáng. Anh nằm một lúc mới hoàn hồn và nhớ lõm bõm lại giấc mơ vừa qua. Giấc mơ cũng kỳ cục, nhưng nó hoàn toàn giống với những giấc mơ từ nhỏ đến lớn của anh. Nó là một giấc mơ trắng đen, không có màu gì khác. Phải đến 8, 9 tuổi gì đó, qua những cuộc chuyện trò tình cờ có liên quan tới chiêm bao với người khác, anh mới biết ra rằng chỉ có mình anh mới nằm chiêm bao trắng đen. Đây là một khám phá làm cho anh vô cùng hụt hẫng. Càng ngày, anh càng sợ giấc ngủ hơn bao giờ. Anh cất công hỏi quanh tất cả những người trong nhà, bạn bè hay cả những người mới gặp để xem có ai cũng có những giấc mơ chỉ có hai màu như anh không. Cho đến bây giờ, anh vẫn chưa gặp được người nào như thế cả.
Lúc vào trung học, ông thầy dạy vẽ của anh giúp anh khám phá ra thêm nhiều điều về màu sắc nữa. Thầy bảo hình ảnh hay phim trắng đen thực sự không phải là hai màu mà chỉ có một màu. Thầy dẫn chứng rằng, trong tiếng Anh chẳng hạn, ngoài tên gọi gốc Germanic “black and white”, người ta còn dùng chữ gốc Hy Lạp là “monochrome”, nghĩa là “một màu”. Trong lớp, tất nhiên anh là thằng bé chú ý đến những chi tiết này nhất vì chúng liên quan đến những giấc mơ của anh. Thầy bảo màu trắng là một màu khá thú vị, vì thật ra nó “không là màu gì cả”. Thầy lại dẫn chứng trong tiếng Pháp (‘blanc’), tiếng Tây Ban Nha (‘blanco’) hay tiếng Ý (‘bianco’), tất cả những tính từ có nghĩa là màu trắng này cũng có nghĩa là “trống không”. Như vậy, trong tiếng Việt, hai hình dung từ “trắng” và “trống” chắc cũng có dây mơ rễ má gì với nhau chăng. Thầy còn bảo, màu trắng không là màu gì cả, nhưng đồng thời cũng là tất cả các màu gộp lại. Thầy cho học trò thực hành để hiểu khái niệm này bằng cách cắt một miếng bìa cứng trắng thành hình tròn, chia đều ra sáu phần và tô lên sáu màu cơ bản. Khi gắn miếng màu hình tròn này lên một cái trục và xoay tít nó lên, chỉ còn thấy một màu trắng xoá.
Thầy còn nói điều này nữa, làm anh càng thấy chới với trong không gian màu vốn đã hạn hẹp của mình. Thầy bảo, theo định nghĩa, màu đen cũng không phải là màu, vì nó chỉ là một thể hiện quang học khi ánh sáng hoàn toàn không có mặt. Thầy nói hình dung từ chính xác của màu đen, trong tiếng Anh cũng như một số tiếng tây phương khác, là “achromatic”, nghĩa là “không có màu”. Nếu vậy thì màu trắng và màu đen, nghĩ cho cùng, đâu có khác gì nhau, bởi cả hai đều “không màu” cả. Thầy giải thích, chính ánh sáng đã giúp phân biệt được trắng và đen. Anh nghĩ, nếu trên đời này không còn ánh sáng, trắng và đen sẽ không còn đối nghịch nhau nữa.
Học xong mấy lớp vẽ của thầy, cậu học trò trung học mới lớn là anh lại càng buồn bã và sợ hãi hơn nữa. Thế giới chiêm bao của anh dường như càng thu nhỏ thêm và huyễn hoặc hơn, chỉ còn một màu với những sắc thái xám xịt lập lờ ở khoảng giữa. Như để tìm chút thăng bằng trong cuộc sống, ban ngày, anh tìm đến hai màu trắng đen nhiều hơn, qua những bức hình xưa trong những tập album mẹ thường cho anh xem về ông bà nội ngoại, ông bà cố. Anh tỏ ra thích thú với những cuốn phim trắng đen chiếu ở rạp, đặc biệt là những phim câm của Charlie Chaplin hoặc của hai anh hề Laurel và Hardy. Anh thấy có một mối liên quan mơ hồ, nhưng khắng khít, giữa sự im lặng và hai màu trắng đen. Càng tiếp xúc với hai màu này nhiều hơn vào ban ngày, anh càng thấy dễ chịu hơn với những giấc mơ của mình ban đêm.
Khi truyền hình trắng đen bắt đầu nhường chỗ cho truyền hình màu, anh thấy tiếc quá đỗi. Tuy vậy, đối với truyền hình màu, anh lại có một cảm xúc lẫn lộn, vừa yêu vừa ghét. Ghét vì nó làm thế giới trắng đen ban ngày của anh nhỏ đi một chút nữa, mà cũng yêu vì nó là cả một vùng trời rực rỡ, chói loà, điều mà những giấc mơ của anh không thể nào có được. Màu sắc trong giấc mơ, đối với anh, là một ân sủng kỳ diệu mà chung quanh anh ai cũng được hân hưởng, hân hưởng một cách an nhiên, một cách hững hờ, một cách đáng ghét. Ngày trước, anh vốn đã vừa sợ, vừa không thích những giấc mơ chỉ có hai màu của mình. Khi thầy dạy vẽ chỉ ra cho anh thấy rằng hai màu đó thực ra chỉ là một, thậm chỉ còn không là màu gì nữa, anh càng thấy u uất hơn mỗi lần đêm đến, hay mỗi lần mở choàng mắt ra sau một giấc mơ nhạt màu.

THUỲ NHUNG


Thuỳ Nhung là vợ của anh. Cô cũng là người bạn cùng xóm, người bạn nhỏ thuở ấu thời của anh. Hồi đó, anh gọi cô là Nhã chị, vì gia đình của cô có tục đặt cho mỗi người con hai cái tên, một tên đi học và một tên ở nhà. Thuỳ Nhung là Nhã chị, tất nhiên là phải có Nhã em. Trong gia đình đông con của cô còn cơ man nào là Thanh chị, Thanh em, Lịch chị, Lịch em, vân vân và vân vân. Đáng lẽ ra, người bạn của anh trong gia đình này phải là Tuấn anh (đi học tên là Thuỵ) vì hắn cùng tuổi với anh. Chẳng hiểu sao tuy học cùng lớp với Tuấn anh, anh lại thích làm bạn với Nhã chị, vốn là chị của hắn. Lúc cả bọn cùng cắp cặp đi học với nhau, thế nào rồi anh cũng đi sát vào Nhã chị để nói chuyện chứ ít khi cặp kè với Tuấn anh. Đến trường thì mỗi người vào mỗi lớp vì con trai với con gái học riêng. Về đến nhà, tình bạn vong niên lại tiếp nối. Anh thường tham dự những trò chơi nào có Nhã chị hơn là khi có Tuấn anh. Những đêm hè trời mát, Nhã chị và anh, lúc đó mới học đến lớp bốn, lớp năm, thường nằm bên nhau trên một chiếc ghế bố nhà binh, ngó lên bầu trời đầy sao, nói đủ chuyện trên trời dưới đất.
Duy, hơn anh hai tuổi, lúc ấy mà sao đã ranh quá. Không hiểu hắn tưởng tượng, vẽ vời ra sao trong đầu của hắn, hay rình rập hai đứa trên ghế bố hồi nào, mà có hôm hắn chạy về nhà méc mẹ:
– Mẹ ơi, con thấy thằng Miên hun con Nhã chị!
Mẹ hết hồn, vội hỏi anh sao lại có cơ sự như thế. Khổ thân anh, lúc ấy anh có thích Nhã chị thật, nhưng đã dậy thì dậy thuở gì đâu mà biết hun với hít. Anh chỉ biết lắc đầu quầy quậy mà không nói được lời nào để chống chế. Trong thâm tâm, quả thật, anh thấy Nhã chị thật dễ thương, nhưng chỉ muốn lúc nào cũng quấn quýt bên cô mỗi khi có dịp. Vậy thôi. Anh gọi cô là “Nhã chị” và xưng “tui”. Còn Nhã chị, vốn là người Huế và lớn hơn anh một tuổi, gọi anh là “mi” và xưng “tau”. Mỗi lần hai đứa gặp nhau, xưng hô nghe cứ loạn xạ cả lên, tui, mi, tau; tau, tui, mi; mi, tui, tau…
Lớn lên một chút nữa, anh bắt đầu làm thơ, viết văn. Anh có một ít bài được đăng trên mấy tuần báo hay nguyện san dành cho thiếu nhi hay tuổi mới lớn. Có bài thơ anh làm đăng trên Thiếu Nhi với lời đề tặng Nhã chị. Trong một truyện ngắn anh được đăng trên tờ Tuổi Ngọc, anh miêu tả hình ảnh một người con gái bơi dưới biển vào một đêm có trăng. Cô bơi theo ánh trăng nhấp nhô trên sóng. Nhân vật nữ trong truyện đó được anh đặt tên là Thuỳ Nhung. Nhà anh và nhà của Nhã chị đều mua Tuổi Ngọc hằng tuần. Buổi chiều có tờ Tuổi Ngọc có đăng bài của anh, anh đang ngồi ngây ngất trong cảm giác truyện của mình đang được độc giả khắp miền Nam Việt Nam thưởng thức thì Nhã chị hộc tốc chạy đến, tay cầm tờ báo còn thơm mùi mực mới:
– Ê Miên, răng mi dám lấy tên tau đăng lên báo?
Anh nhìn Nhã chị cười trừ, không nói không rằng.
Rồi Nhã chị lớn lên thành hẳn là Thuỳ Nhung, không chịu cho ai gọi mình bằng cái tên ở nhà hồi còn nhỏ nữa. Thuỳ Nhung và anh càng ngày càng khăng khít, dần dần thành đôi tình nhân, rồi trở thành vợ chồng như một chuyện đã đành. Gia đình hai bên hể hả làm sui gia với nhau. Một năm sau, con bé Bích Diệp ra đời, như trái ngọt kết quả trên cây lành. Cuộc sống êm ả trôi. Rồi biến cố tháng Tư đến. Gia đình hai bên nhà Thuỳ Nhung và anh may mắn di tản được qua Mỹ. Cuộc sống của gia đình nhỏ của anh ở xứ người, ban đầu còn chật vật, rồi lại đâu vào đó, êm xuôi trôi dần qua. Trong khi đó, mỗi đêm anh vẫn mơ những giấc mơ trắng đen đã trở thành quá thân quen tự lúc nào.
Không lâu sau khi cưới nhau, anh có kể với Thuỳ Nhung về những giấc mơ của mình, điều mà anh chưa bao giờ tiết lộ với cô lúc còn nhỏ. Thuỳ Nhung nghe anh nói xong, thản nhiên bảo, nửa đùa nửa thật:
– Rứa càng hay. Anh có mơ thấy cô mô thì cũng một màu như nhau, không ai cạnh tranh được với em cả.
Thuỳ Nhung có một nếp sống thật giản dị. Triết lý sống của cô, nếu có, chỉ là sống sao cho trọn vẹn với chồng con. Cô không có tham vọng gì, từ nhỏ chỉ mơ lớn lên làm thư ký. Và giấc mơ không cao vời gì của cô cố nhiên là đã thành sự thật. Nếp sống trầm lặng của cô, dù trong thế giới muôn màu này, không khỏi làm anh liên tưởng đến những giấc mơ trắng đen của mình. Hoá ra màu sắc, nếu quá nhàm chán, cũng chẳng khác gì trắng với đen là mấy. Sống bên Thuỳ Nhung, anh có cảm tưởng như những giấc mơ trắng đen của anh đã tràn ra thực tế, thâm nhập cả ban ngày ban mặt.

CHIÊU LOAN


Anh gặp Chiêu Loan lần đầu ở conference tại một trường đại học ở Seattle. Ngoài anh ra, cô là người Việt duy nhất tham dự cuộc hội thảo hôm ấy. Cái tên tiếng Việt của cô trong danh sách những người dự hội thảo làm anh bắt mắt, không những chỉ vì nó là tên Việt Nam, mà còn vì nó là một cái tên khá lạ. Tuy vậy, việc anh tìm ra cô trong đám đông không phải là dễ, vì cô không có nét thuần tuý của một người đàn bà Việt Nam. Cô nhìn lai lai, nửa Á, nửa Âu. Cuối cùng khi nhận ra cô, anh thấy ngay cô có một sắc đẹp dữ dội, cuốn hút. Trên khuôn mặt trắng trẻo với cái cằm chữ điền của cô, nổi bật lên đôi mắt cô đen nhánh, hơi xênh xếch, với hàng mi rậm, dài và cong vút. Mũi cô thon, cao và đôi môi cô hơi dày, đủ để gợi lên những nụ hôn nóng bỏng mà anh không thể nào không nghĩ đến khi nhìn vào đó. Nói chuyện với Chiêu Loan chỉ vài câu, anh thấy là cô cũng để ý đến anh một cách đặc biệt. Hai người nói chuyện rôm rả như đã quen nhau từ lâu và chỉ luyến tiếc rời nhau ra khi các phòng hội thảo với nhiều đề tài khác nhau bắt đầu.
Đến lúc nghỉ ăn trưa, không hẹn mà cả hai người cùng tìm đến nhau một cách hối hả, không cần che giấu. Khi anh đề nghị Chiêu Loan cùng ra ngoài kiếm cái gì ăn thay vì vào phòng ăn trưa ở trường như mọi người khác, cô vui vẻ đồng ý ngay. Cả hai thả bộ dọc theo hè phố mùa đông Washington. Trời lạnh ngắt và phố thưa người. Tìm được một cái quán nhỏ ấm cúng, Chiêu Loan và anh mỗi người gọi một tô xúp nhỏ ăn cho ấm bụng và một cái sandwich tiếp theo. Những gì Chiêu Loan và anh trao đổi với nhau suốt bữa ăn hầu như hoàn toàn vô nghĩa, nhưng câu nói này cứ tiếp nối câu kia. Cả hai đều như trong một cơn lên đồng váng vất. Buổi xế trưa vàng vọt ánh nắng yếu ớt, nhuộm một màu hổ phách lên con phố với dãy cửa tiệm đìu hiu. Anh chợt thấy cảnh vật không khác gì mấy với những giấc mơ trắng đen của mình. Không ai bảo ai, tự lúc nào, tay anh và tay Chiêu Loan đã tìm nhau, nắm quấn quít không rời lúc hai người trở về khuôn viên đại học. Anh nghe như có một luồng điện mạnh mẽ chạy dài theo xương sống, rồi lan đến từng ngõ ngách trong cơ thể mình.
Các cuộc hội thảo xuất buổi chiều uể oải trôi qua. Anh không còn tâm trí nào cho những gì đang diễn ra chung quanh mình. Hình ảnh Chiêu Loan với đôi môi mời gọi cứ lởn vởn trong đầu anh. Cả người anh như sốt nặng. Hai tai anh nóng bừng. Da thịt anh nổi gai ốc một cách vô cớ. Chỉ đợi cho những người trong panel nói lời cám ơn và chào cử toạ xong, anh đã hấp tấp đi như bay ra khỏi phòng. Anh chạy dọc theo các phòng học, nhớn nhác tìm Chiêu Loan. Đến phòng gần chót của dãy lớp học, anh thấy cô vội vã đi ra, dường như cũng để tìm anh. Anh chạy vội đến, nắm tay cô và gần như lôi cô ra ngoài hiên sau, nơi nhìn ra một bãi có xanh mướt và ẩm ướt trong mùa đông. Không nói gì cả, anh hối hả đặt lên môi cô những nụ hôn tới tấp, vụng về như lần đầu biết hôn. Chiêu Loan không chống cự gì. Cô cũng đáp trả những nụ hôn không dứt của anh một cách cuồng nhiệt. Hai người như không cần biết những gì đang xảy ra quanh mình nữa.
Anh dìu Chiêu Loan băng qua bãi cỏ, đi về toà nhà có dãy phòng dành cho những người tham dự hội thảo ở lại qua đêm. Bây giờ thì hai người đã nằm bên nhau trong phòng của anh. Dĩ nhiên đây không phải là lần đầu tiên anh nằm bên một người đàn bà. Nhưng không hiểu cả người anh cứ run lên bần bật và anh không tài nào kiềm hãm nổi. Chiêu Loan chủ động cởi áo quần của anh ra rồi mới thong thả cởi quần áo của mình. Anh đắm chìm ngút ngàn trong cơn hoan lạc bất ngờ của thân xác, với những cảm giác mới mẻ và mãnh liệt, tưởng như là những cảm giác đầu đời. Những cảm giác ấy làm rung lên từng tế bào li ti, làm căng tất cả những mạch máu trong người của anh. Chưa bao giờ anh thấy được những cảm giác mạnh mẽ dường ấy với Thuỳ Nhung. Anh hoá thành một khối trong suốt và tê mê. Còn Chiêu Loan tan chảy thành một vùng cảm giác mênh mông bao bọc lấy anh, vừa quyến rũ, vừa làm anh sờ sợ. Có lúc anh chập chờn thấy cảm giác của mình không khác gì giấc mơ lúc mình bị bệnh hồi còn bé.
Đêm hôm ấy, bên cạnh Chiêu Loan ngủ say, lần đầu tiên anh nằm mơ thật lạ. Giấc mơ của anh đầy đủ màu sắc như những gì anh thấy ban ngày.

ANH – THUỲ NHUNG – CHIÊU LOAN


Trong suốt chuyến bay trở về, hình ảnh của Chiêu Loan và những cảm giác của cô đem lại tràn ngập tâm trí anh. Những cảm giác đó có lúc như sống lại, chảy tràn ra chung quanh anh, lai láng trong thân máy bay. Anh ngập ngụa trong dư vị ngọt ngào của những cơn hoan lạc liên tiếp đêm qua. Đến khi máy bay đáp xuống phi đạo, anh mới từ từ hồi tỉnh. Lái xe trên xa lộ quen thuộc trên đường về nhà, anh thấy càng lúc càng gần với thực tế.
Bỗng dưng anh thấy hoàn toàn xa lạ với chính mình. Người đàn ông bốc đồng, gục ngã trước đam mê nhất thời một cách dễ dàng và chóng vánh ở Seattle là ai? Còn người đàn ông chừng mực, điềm đạm, từ trước tới giờ chỉ biết thương vợ, thương con, từ Việt Nam qua đến Mỹ là ai? Hay là mỗi người đàn ông đó là câu trả lời cho câu hỏi chưa bao giờ cần phải đặt ra của hai người đàn bà khác nhau? Với Thuỳ Nhung, anh đáp ứng những nhu cầu tinh thần sâu lắng nhất. Thuỳ Nhung là người bạn lớn của anh, người mà anh có thể chia xẻ hết những suy nghĩ, tâm tình sâu kín nhất của mình. Người đàn bà của Thuỳ Nhung ẩn sau một thân xác có phần lạnh lùng của cô. Còn với Chiêu Loan, người anh mới gặp, anh đã đáp trả bằng tất cả những háo hức của xác thịt hãy còn hừng hực của tuổi trung niên. Người đàn bà của Chiêu Loan lồ lộ ra hết bên ngoài, nóng bỏng, đối nghịch lại tất cả những gì Thuỳ Nhung không bày tỏ. Nếu Thuỳ Nhung là người bạn lòng của anh, một chỗ nương tựa tinh thần êm ái cho anh, thì Chiêu Loan là hiện thân của sắc đẹp, của một công trình sắc sảo mà Thượng Đế có thể đem lại cho nhân gian.
Ngày trước, anh từng làm thơ tặng Thuỳ Nhung, vì anh nghĩ không ai có thể thưởng thức những gì mình viết ra một cách trọn vẹn bằng cô. Bây giờ, trước vẻ đẹp kiêu sa của Chiêu Loan, anh lại cảm thấy thôi thúc muốn viết ra những vần thơ, không phải để dâng hiến, mà để đè nén sự khắc khoải của nhiều cảm xúc mà chính anh không chế ngự được. Giữa hai người đàn bà, Thuỳ Nhung chưa bao giờ “đến” với anh, vì cô đã hiện diện bên anh từ đời thuở nào anh không còn nhớ nữa. Nhưng Chiêu Loan thì thật sự đã đến với anh, vừa tình cờ mà cũng như vừa có ai sắp đặt. Trong khi hầu như ai cũng chỉ cần một nửa kia trong cuộc sống là đã có thể mãn nguyện, dường như anh chỉ có thể tìm được một phần tư ở mỗi người đàn bà trong đời anh bây giờ. Nếu con người của anh dành cho Thuỳ Nhung tạm gọi là mẫu mực, thì con người của anh dành cho Chiêu Loan có phải là con người xấu xa hay không? Anh có còn xứng đáng làm chồng, làm bố nữa hay không? Anh rầu rĩ thở dài với ý nghĩ này.

ANH – CHIÊU LOAN


Trở về Orange County, anh vẫn tiếp tục là người đàn ông ở Seattle. Chiêu Loan ở cách chỗ anh hai tiếng đồng hồ lái xe. Ngoài giờ làm việc ra, tất cả những giờ phút còn lại anh dành hết cho việc lái xe đến gặp gỡ Chiêu Loan. Có những hôm anh đi biền biệt hai ba ngày mới về nhà. Anh bỏ hết ngoài tai những lời chất vấn của Thuỳ Nhung, hay những thắc mắc của Bích Diệp, con bé lúc này đã vào trung học. Anh không còn là người đàn ông ở Orange County nữa. Anh không cần tự hỏi mình đang làm điều đúng hay sai. Anh không cần tính toán phải quyết định như thế nào. Anh chỉ biết được ở bên cạnh Chiêu Loan là tất cả những gì anh muốn trong lúc này. Mỗi ngày của anh bây giờ là một giấc mơ hoang dại, cuồng nhiệt. Giấc mơ có đủ màu, dù ban ngày hay ban đêm.
Chiêu Loan đón nhận anh một cách vừa nồng nàn, vừa bình thản. Cô không thắc mắc đến gia cảnh của anh. Cô chỉ biết có anh. Cô cũng không cần phân tích bản chất của mối quan hệ giữa hai người là như thế nào. Cô yêu và thèm muốn anh. Cô chỉ biết có vậy. Còn anh, anh vừa yêu vừa thấy hụt hẫng. Anh thấy Chiêu Loan không chỉ là một thế giới, mà là cả một vũ trụ mênh mông, riêng biệt. Vũ trụ ấy, anh không thể nào thật sự bước vào. Nếu người đàn bà trong cô bước ra hẳn bên ngoài để chào đón anh, thì tâm hồn của cô như đóng kín trong thân xác nồng nàn đó. Với từng ngày trôi qua, những ham muốn xác thịt bồng bột của anh đối với cô đã dần dần dịu xuống, nhường chỗ cho niềm ao ước được khám phá tâm hồn của cô. Nhưng không, anh thấy đây là một điều tuyệt vọng. Anh có thể đem hết những cảm xúc của mình phủ trùm lên thân thể cô. Thị giác. Thính giác. Xúc giác. Khứu giác. Vị giác. Nhưng tất cả những giác quan đó đều phải dừng lại trước ngưỡng cửa của thân thể cô. Những gần gũi của thân xác, cho dù có mãnh liệt đến chừng nào đi nữa, cũng đều thúc thủ trước những giới hạn sinh vật lý khả dĩ. Chiếm hữu thể xác đã hữu hạn, chiếm hữu tâm hồn càng thêm hãn hữu.
Bây giờ, sau mỗi lần gặp gỡ và gần gũi với Chiêu Loan, anh càng cảm thấy bất lực, hoang mang thêm một chút. Và những giấc mơ màu ban đêm của anh gần đây dường như cũng kém tươi hơn trước.

ANH – THUỲ NHUNG – BÍCH DIỆP

Một buổi chiều đi làm về, thay vì háo hức lái xe thẳng về phía thành phố của Chiêu Loan, không dưng anh lại muốn về nhà một hôm. Khi rẽ xe vào khu xóm quen thuộc, anh chợt thấy trước mặt mình là chiếc xe màu trắng của Thuỳ Nhung. Anh đi chậm lại để làm khoảng cách giữa hai chiếc xe mỗi lúc một xa hơn. Trên xe có cả Bích Diệp. Hai mẹ con mới đi đâu với nhau về. Từ phía sau, anh thấy xe của Thuỳ Nhung rẽ vào driveway của nhà anh. Hai mẹ con mở cửa xe bước xuống, đi ra phía sau thùng xe, lấy ra những gói giấy, chắc là mới mua ở chợ về. Hai người vừa xách đồ vào trong, vừa nói cười vui vẻ. Không hiểu sao, anh chợt bỏ ý định về nhà, đạp ga phóng tới, lướt ngang qua nhà mình. Anh chưa biết đi đâu. Anh cũng không cảm thấy hứng thú đến nhà Chiêu Loan trong lúc này nữa. Tự dưng anh thoáng thấy ức ức thế nào, rằng tại sao hai mẹ con chẳng tỏ vẻ gì là thiếu vắng anh cả. Lại còn cười cười nói nói ra cái điều chẳng ai cần ai. Anh bỗng thấy mình như cậu bé ngày xưa, làm một điều gì có lỗi với bố mẹ, bị la xong thui thủi ra ngồi ngoài vườn. Bây giờ anh không còn khu vườn thời thơ ấu đó để ngồi nghe tủi thân nữa, mà phóng lan man trong một chiếc xe giữa dòng lưu thông đông đúc, không biết đi về hướng nào.
Tối hôm ấy anh check in ở một cái motel gần nhà để ngủ qua đêm. Trên chiếc giường cũ kỹ và trong mùi chăn nệm ngai ngái, anh thiếp đi khi đêm đã thật khuya. Giấc mơ đêm ấy của anh không còn đủ màu sắc nữa. Nó nhuốm toàn một màu nâu đỏ kỳ dị.

ANH VÀ NHỮNG GIẤC MƠ


Trưa nay anh lấy giờ lunch để hẹn gặp Evan nói chuyện. Evan là anh bạn da trắng anh quen hồi anh đi học lại đại học lúc mới qua Mỹ. Hắn học về điện ảnh và hiện đang làm cho một đài truyền hình địa phương. Hai người quen nhau vì lúc đó lấy chung mấy lớp văn chương Anh. Anh thường lân la hỏi Evan về màu sắc trong phim ảnh, rất “đúng đài” của Evan. Anh kể cho hắn nghe về những giấc mơ đen trắng của mình. Về phần Evan, hắn rất thích thú với những giấc mơ trắng đen của anh, từ quan điểm của một người đam mê phim ảnh. Hắn giới thiệu cho anh một số phim trắng đen kinh điển như Casablanca, Psycho, To Kill a Mocking Bird, Sunset Boulevard, v.v. Hắn phân tích rất tỉ mỉ về những góc cạnh hay ánh sáng đẹp trong những cuốn phim trắng đen đó. Hắn bảo ước gì kỹ thuật tân tiến có thể cho phép gắn một cái chip vào đầu con người để quay lại những giấc chiêm bao. Được như vậy, những cuốn phim chiêm bao trắng đen của anh hẳn sẽ đem lại nhiều điều thú vị lắm, Evan bảo thế.
Hai người bạn học cũ ngồi đối diện nhau trong một tiệm ăn Ý gần bãi biển. Quán để nhạc rap hơi ồn ào nhưng anh vẫn thích không khí Âu tây của nó. Anh nói với Evan:
– Công việc ở đài truyền hình của ông ra sao? Khi nào thì trở lại truyền hình trắng đen đây?
Evan nheo mắt:
– Câu hỏi của ông không phi lý lắm đâu. Càng ngày càng có nhiều nhiếp ảnh gia chỉ chụp hình trắng đen, và nhiều phim mới và hay sau này cũng quay bằng phim trắng đen đấy thôi. Còn ông thì sao, vẫn mơ bằng hai màu đó chứ?
– Một màu chứ không phải là hai màu, anh chỉnh Evan, ngụ ý những gì anh đã kể cho hắn nghe về người thầy dạy vẽ của mình. Ông biết không, tôi hẹn ông hôm nay, trước hết là để mình catch up với nhau, sau nữa là để update với ông về những giấc mơ của tôi.
Evan tỏ vẻ chăm chú:
– Update à? Ông không không còn mơ trắng đen nữa hay sao?
Anh cắn một miếng sandwich, nhồm nhoàm trả lời:
– Cũng khá rắc rối. Từ lúc chúng ta nói chuyện lần cuối tới bây giờ, các giấc mơ của tôi đã chuyển qua nhiều tông rồi.
– Nghĩa là sao?
– Nghĩa là từ trắng đen, qua màu, rồi qua màu nâu đỏ.
– Màu sepia! Evan thốt lên. Thú vị quá nhỉ!
Anh hơi ngẩn người một chút:
– Ông nói chữ gì? Sepia hả? Tại sao lại gọi màu nâu đỏ là sepia?
– Từ ngữ nghề nghiệp mà, Evan cũng vừa ăn vừa đáp lại. Chữ này lấy từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “con mực”.
– Mực thì phun nước màu đen ngòm chứ đâu có màu nâu đỏ, phải không?
– Nhìn cho kỹ thì nó màu nâu đỏ đậm đấy ông ạ. Trong nhiếp ảnh và điện ảnh, người ta dùng chữ sepia để chỉ những gam màu này.
Anh ngẫm nghĩ:
– Ông nói tôi mới nhớ ra là hồi khoảng lớp 9, lớp 10 gì đó ở Việt Nam, tôi có xem một phim Pháp có màu này, nhưng không nhớ tên phim là gì. Nhưng người ta làm phim bằng màu sepia với mục đích gì?
Evan nhún vai:
– Cũng tuỳ. Có khi người ta làm phim trực tiếp với màu này, có khi người ta lấy phim trắng đen nhuộm lại. Hình ảnh hay phim trắng đen có màu sepia, một là nhìn có vẻ cũ kỹ hay cổ kính, hai là nhìn cũng đỡ chán hơn là trắng đen. Hồi đó thì người ta cho là vậy. Còn bây giờ, trắng đen lại là thời thượng đấy.
Anh cười gượng gạo:
– Vậy là tôi không còn được thời thượng nữa rồi. Tôi không còn nằm mơ trắng đen nữa.
Evan thắc mắc:
– Ông bảo giấc mơ của ông chuyển từ trắng đen qua màu, rồi qua sepia. Có gì thay đổi trong cuộc sống của ông có thể làm ảnh hưởng đến hiện tượng này không?
Anh nhìn Evan thán phục:
– Ông hỏi như là một nhà tâm lý chứ không phải là một nhà làm phim. Ông đoán đúng. Tôi mới bị một cú love at first sight, ông ạ. Thoạt đầu, những niềm vui mới lạ đã làm tôi nằm chiêm bao có màu, rồi từ từ mọi việc sink in, buồn nhiều hơn vui. Bây giờ tôi chỉ nằm mơ thấy màu sepia thôi.
Evan nói đùa:
– Nhưng lúc nào ông cũng mơ bằng high definition đấy chứ? Hay là 3D cũng nên?
Chợt nhận thấy mình thiếu tế nhị, hắn vội vàng nói tiếp:
– Xin lỗi ông, tôi insensitive quá! Tôi hy vọng mọi việc trong gia đình ông được ổn thoả.
Anh không chú ý đến câu nói đùa hay câu xin lỗi của Evan cho lắm, mà chỉ bận tâm về một điều. Anh tư lự hỏi:
– Trong con mắt điện ảnh chuyên môn của ông, màu sepia diễn tả điều gì ?
Evan nhắm hai mắt lại, cố tập trung để tìm câu trả lời cho anh:
– Nếu tôi chọn màu sepia để quay một cuốn phim của tôi, cuốn phim đó phải có nội dung diễn tả nhiều tình huống mâu thuẫn với nhau và tâm lý phức tạp của các nhân vật. Ông nghĩ coi, màu sepia như là một gam vừa dung hoà, vừa lập lờ giữa trắng đen và đủ màu. Một cuốn phim trắng đen có vẻ dứt khoát quá. Cũng như người Mỹ có thành ngữ “as clear as black and white” vậy. Còn một cuốn phim màu thì chẳng có một tâm điểm nào cả. Nhiều màu quá thì khó diễn tả được một điều gì rõ ràng. Tôi nghĩ chắc những giấc mơ sepia của ông đang phản ảnh hoàn cảnh phức tạp và tâm trạng bối rối của ông trong lúc này.
Evan còn nói thêm một hai câu gì đó nhưng anh không để ý nữa. Nhạc vẫn ồn ào chung quanh anh. Tiếng người nói cười xen lẫn vào tiếng chén đĩa lách cách. Tất cả tạo thành một mớ âm thanh hỗn độn bao phủ lấy anh. Thốt nhiên, anh đâm ra sợ cái thế giới quá thực này. Và anh cũng sợ cả thế giới mộng mị của mình ban đêm. Anh không thể, hay chưa thể, tìm ra một thế giới nào ngoài hai thế giới đó. Anh bị kẹt cứng giữa hai thái cực lạnh lùng, dửng dưng đó. Anh sợ cái màu ủ dột, thê lương của sepia quá đỗi. Lần đầu tiên trong đời, anh ao ước được trở lại với những giấc mơ trắng đen như cũ.

Trần C. Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét