5 thg 7, 2018

Huyền thoại về hang đá nơi đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt

Theo truyền thuyết, hang Tham Luang được bảo vệ bởi linh hồn một công chúa, nên mọi người phải cúng lễ trước khi vào để tránh bất trắc.

Quân nhân Thái Lan lắp đặt đường dây điện vào trong hang Tham Luang. Ảnh: AFP.
Quân nhân Thái Lan lắp đặt đường dây điện vào trong hang Tham Luang. Ảnh: AFP.
12 cầu thủ thiếu niên cùng huấn luyện viên Thái Lan vẫn sống sót kỳ diệu sau 9 ngày mắc kẹt trong hang Tham Luang tại tỉnh Chiang Rai. Chiến dịch giải cứu lớn chưa từng có đã được triển khai với sự tham gia của hơn 1.000 người, bao gồm quân nhân, nhà địa chất, bác sĩ, chuyên gia thủy lợi Nhật Bản, chuyên gia cứu hộ Trung Quốc, các thợ lặn Anh, Mỹ và Australia.
Hệ thống hang Tham Luang nơi 13 người mắc kẹt trải dài tới 10 km, phần lớn là các lối đi hẹp dẫn tới khoang ngầm rộng, rồi lại đi vào rãnh hẹp, độ cao thay đổi theo từng đoạn, thường xuyên ngập nước vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11. Trong bối cảnh đội cứu hộ đang khẩn trương hoạt động để đưa đội bóng ra ngoài, những truyền thuyết về hang Tham Luang được nhắc lại.
Truyền thuyết về nàng công chúa xấu số
Theo quan niệm Phật giáo Thái Lan, hang động được cho là chứa sức mạnh đặc biệt được tích tụ từ năng lượng của những người đàn ông chân chính dám bước vào đây, bao gồm các tăng sĩ và ẩn sĩ. Bằng cách ngồi thiền trong hang, họ đã chế ngự khía cạnh hoang dã của sức mạnh này, chuyển hóa chúng thành dạng phù hợp hơn với xã hội. Những đền thờ và lễ vật đặt trong các hang động khắp Thái Lan nhằm xoa dịu linh hồn những người đã chế ngự sức mạnh thiên nhiên để đổi lấy sự bảo vệ cho con người, theo New Mandala.
Một nhà sư và thân nhân các cậu bé mắc kẹt cầu nguyện gần khu vực hang Tham Luang. Ảnh: Reuters.
Một nhà sư và thân nhân các cậu bé mắc kẹt cầu nguyện gần khu vực hang Tham Luang. Ảnh: Reuters.
Tên đầy đủ của hệ thống hang nơi đội bóng nhí mắc kẹt là Tham Luang Nang Non, có nghĩa là "hang động lớn của cô gái đang ngả lưng". Theo truyền thuyết, hang này là nơi chứa đựng linh hồn của một công chúa thuộc vương quốc cổ Chiang Rung, chính là tỉnh Chiang Rai hiện nay. Cô đã có thai với một thường dân nên phải vào trú trong hang động trong lúc chạy trốn vua cha, người phản đối tình yêu của cô.
Công chúa định nghỉ ngơi tại hang động đến khi người tình mang thức ăn về. Tuy nhiên, anh đã bị lính của nhà vua giết chết và không bao giờ quay lại, khiến công chúa dùng dao tự sát. Máu của cô chảy thành dòng suối Mae Nam Mae Sai, còn xác công chúa đang nằm trở thành dãy núi Doi Nang Non.
Nhiều người dân Thái Lan tin rằng công chúa là linh hồn bảo vệ hang Tham Luang. Du khách được khuyên nên thờ cúng cô trước khi vào thám hiểm bên trong, nếu không sẽ có nguy cơ thiệt mạng do nước lũ.
Chính quyền Thái Lan phủ nhận hoàn toàn sự tồn lại của công chúa, cho rằng huyền thoại trên là "mê tín dị đoan". Tuy nhiên, chiến dịch giải cứu đội bóng vẫn diễn ra trong tiếng niệm Phật của các nhà sư. Đội cứu hộ ca ngợi sự vị tha của họ, còn cộng đồng mạng Thái Lan chia sẻ những bức tranh vẽ các nhà sư với vầng hào quang trên đầu.
Ngoài việc mời các nhà sư đến niệm Phật trong hang lúc chiến dịch giải cứu diễn ra, chính quyền cũng tổ chức một buổi cầu nguyện lớn tại quảng trường Royal Plaza ở Bangkok. Thủ tướng Prayuth cũng đề nghị sự ban phước từ Đức thượng phụ tối cao của Tăng đoàn. Cuối cùng, "phép lạ" mà toàn thể người dân Thái Lan mong đợi cũng đã đến, khi toàn bộ 13 thành viên đội bóng mắc kẹt đã sống sót và được tìm thấy.
Ánh Ngọc

Xem thêm : Hành trình tới nơi đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt trong hang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét