27 thg 8, 2017

CÓ 1 NGÀY NHƯ THẾ....TÔI ĐI - Trần Phong Vũ


Mỗi khi nghe lại câu hát này, lòng tôi như thể lịm đi.... Tôi đi đâu về đâu...??
Có một ngày như thế ở tuổi thiếu niên, tôi phải quỳ trong văn phòng và xơi đủ 10 cây thước to bản của thầy tổng giám thị vì tội làm thơ tỏ tình cho em mà dám đăng lên báo. Dù là thơ con cóc và báo lá cải. Bài thơ bắt đầu bằng một câu rất sếnh " Tôi yêu con mắt lá dăm..." May mà tôi không bị đuổi học. Nhưng tôi hận lắm vì kẻ phản phúc tố cáo tôi là ...anh họ của em và là bạn học chung lớp với tôi. Tôi nhục vì tôi hiểu là tôi không đủ tầm để với tới một người vừa đẹp vừa cao sang như em..
Hôm đó tan học tôi không về nhà. Tôi lang thang trong Lăng Ông Bà Chiểu và chiều tới tôi ghé vào một quán cóc trước cổng trường nơi người ta bày bán mấy con khô mực, vài cái hột vịt lộn và rượu đế. Tôi nhâm nhi một ly xây chừng, nghĩ về em, về tôi và cuộc đời linh tinh. Cuối cùng tôi quyết định ĐI GIANG HỒ .
Đêm đó, tôi mò vào một ổ bụi đời trong chợ Bà Chiểu. Bạn tôi là một đai ca giang hồ cầm đầu đám trẻ con lang thang và giựt dọc trong chợ. Tuy chỉ là một giang hồ tép riu nhưng vẫn là một đại ca. Cả nhóm lấy làm hứng thú vì lần đầu tiên một gã thư sinh có ăn học chịu gia nhập băng đảng. Đêm đó cả bọn mở đại yến ăn mừng. Đặc sản chính là khoai, bắp luộc... uống rượu đế pha Cô ca và nước dừa. Tất cả đều là đồ chôm chĩa.
Rượu say, tôi ngà ngà leo lên một góc sạp chợ để ngủ. Thằng bạn lên sau nhưng nó không ngủ mà ngồi xếp bằng miệng đọc lầm rầm cả tràng. Tôi tò mò vểnh tai nghe, mới đầu không hiểu, sau tôi lờ mờ đoán ra là nó đang đọc kinh. Chờ nó đọc xong tôi đánh tiếng : Mày đọc kinh gì vậy ? Thằng nhóc trả lời gọn bân : Kinh mừng Mẹ Maria. Thật bất ngờ, tôi bật cười khan. Và tôi càng bất ngờ khi thằng tướng cướp ấy lại lên tiếng trả lời với một giọng nói thểu não. Tôi biết anh cười vì anh nghĩ một thằng ăn cắp như tôi mà đọc kinh cầu nguyện chứ gì ??. Tôi chống chế : Không có đâu vì nhìn tướng mày ngồi nghiêm trang nên buồn cười. Thế thôi. Thằng ma kia chưa phục, nó lại nói tiếp. Anh không hiểu đâu, anh có cha mẹ, có gia đình, được cha me nuôi ăn học. Anh tưởng tụi tôi thích sống thế này hả . Không có đâu. Tôi không có ba, còn má tôi nuôi thân bả còn chưa xong nuôi tôi sao nổi nên học hết lớp năm tôi phải lăn ra đường kiếm sống. Không biết làm gì tôi phải đi ăn cắp, ăn trộm thành lưu manh... Nhưng mà tôi vẫn thích sống đàng hoàng, tôi vẫn mơ... mơ được như anh... nên tôi .. tôi cầu nguyện.
Nghe mà buồn quá, tôi an ủi : Thôi ngủ đi, tôi không có nghĩ thế đâu.
Tôi nằm suốt đêm, nghĩ về những điều bạn nói, về cha mẹ....
Sáng hôm sau tôi quyết định từ giã giang hồ... trở về nhà. Bạn tôi không giận. Khi chia tay nó còn dặn dò : mày về đi học, khi nào chán học tìm..tới tao làm ..quân sư. Ở đây đàn em tao đều biết. Nếu có đứa nào ăn hiếp mày... Kêu tụi tao tới xử đẹp... Ặc

Giang hồ ngày xưa thật là nghĩa khí
Tôi trở về nhà, nghiến răng chịu đòn roi và những lời mắng chửi của Ba tôi. Không dám cãi một lời nào vì tôi biết dù sao tôi vẫn còn có Ba mẹ và biết chắc chắn là Ba mẹ tôi vẫn thương tôi dù...tôi có thế nào.
Từ đó tôi hận em và chấm dứt sự nghiệp... làm thơ đăng báo.
Có một ngày khác tôi cũng đi trong hoang mang cùng cực. Tôi say và tôi cắm đầu vào ghi đông xe. Trán tôi vỡ toang. Bệnh viện cứu sống tôi ... giữa ranh giới của sự sống và cái chết tôi lại thấy.... bóng hình em.
Có một ngày khác, tôi lại đi trong vô thức, lòng hỗn loạn chỉ nghĩ đến bi thương. Tôi quyết định tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Tôi mua nguyên lọ Aspirin và tìm tới một nhà nghỉ định quyên sinh. Phước ông bà ông vãi tôi lớn nên người quản lý nhất định không cho tôi thuê phòng. Chắc ông ta nhìn thấy dấu hiệu tử khí lởn vỡn trên gương mặt thất thần của tôi.
Kết cục, tôi vẫn sống dù chịu nhiều tổn thất về thể xác và linh hồn.
Tôi vẫn chán đời, vẫn yêu đời và... yêu em. Hết
P/S Chuyện kể cho vui ko phải chuyện thực nên đừng ném đá hay... bắt chước nhé
Trần Phong Vũ
23/8/14

***
Hư hay thực chỉ riêng mình ta biết
Ảo hay không cũng ta biết để rồi
Từ câu thơ nỗi đau đời rên xiết
Ta ngậm ngùi... đời cũng chóng qua thôi!

Phong cầm
 (Ảnh 1: Lăng Ông xưa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét