31 thg 5, 2017

Cannes: Phim chống tham nhũng Iran đoạt giải “Nhãn quan độc đáo” (Từ Văn Việt)


Đạo diễn Iran Mohammad Rasoulof, Cannes, 19/05/2017.REUTERS/Regis Duvignau

Tối  27/05/2017, giải Nhãn quan độc đáo “Un Certain Regard”, một trong những giải thưởng lớn của Liên hoan điện ảnh Cannes, đã được trao tặng cho bộ phim “Lerd” (tạm dịch là Một người chính trực) của đạo diễn Iran Mohammad Rasoulof. Ông là một cái gai đối với chính quyền Iran. Mohammad Rasoulof bị quản thúc tại gia trong nhiều năm và hiện một án phạt khiến ông có thể bị vào tù vào bất cứ lúc nào.
Bộ phim truyện dài hai giờ, mang tên “Một người chính trực”, thuật lại cuộc chiến chống tham nhũng của một người dân Iran bình thường, một người nuôi cá, đã quyết định chống lại đến cùng mưu toan cướp đất của một doanh nghiệp tư nhân lớn, với sự đồng lõa của chính quyền địa phương.
“Một người chính trực” phơi bày nạn tham nhũng phổ biến tại Iran, nơi những ai dám đứng lên chống lại sẽ phải đối mặt với hết khổ nạn này đến khổ nạn khác. Nhân vật Reza, người nuôi cá trong phim, phải nghi ngờ chính người thân đồng lõa với những kẻ cướp đất.
Trong một cuộc trả lời tạp chí điện ảnh Pháp Telerama, tác giả nói nạn tham nhũng tại Iran bắt rễ sâu xa trong xã hội, bởi đã hòa vào một thứ “văn hóa chung”. Dân chúng không có con đường nào khác, họ phải khuất phục, chấp nhận trả tiền để được yên thân. Rất khó để thay đổi thực trạng văn hóa này, bởi cái gốc là giáo dục. Mà giáo dục, đài báo, phim ảnh đều nằm trong tay chính quyền.
“Ánh sáng” trở lại khi nào cũng do người làm phim
Theo trang mạng đài ici.Radio-Canada, đạo diễn Mohammad Rasoulof được phép quay bộ phim này trong nước, nhưng buộc phải ký một cam kết, hứa hẹn không cho ra phim “bôi đen”. Rất ít hy vọng là khán giả tại Iran được xem “Một người chính trực”. Trước đó, năm phim truyện của đạo diễn Mohammad Rasoulof đã không được cấp phép.
Đạo diễn Mohammad Rasoulof có một quan điểm rất rõ ràng về vấn đề kiểm duyệt. Vẫn trong cuộc trò chuyện với tạp chí Pháp Telerama, ông mô tả tình trạng kiểm duyệt tại Iran giống như “một căn phòng lớn lờ mờ, trần rất cao, rất tối, ở đó người ta cho phát ra một thứ âm nhạc kinh dị…. Thứ âm nhạc đó khiến chính những người quen biết cũng trở nên sợ hãi lẫn nhau… Họ không biết lúc nào ánh sáng sẽ trở lại, bởi rất có thể toàn bộ nỗi sợ hãi đang ngự trị trong chúng ta là do chúng ta tạo ra. Người trong cuộc sợ tiến lên trong bóng tối và không dám làm gì để thay đổi”.
Theo đạo diễn Iran, “Không phải là những kẻ kiểm duyệt chịu trách nhiệm về tình hình này. Chúng ta (tức những người làm phim) phải chịu trách nhiệm nhiều hơn họ”.
Đạo diễn Iran được vinh danh tại Cannes năm 2011, với một giải thưởng cũng nằm trong hạng mục “Nhãn quan độc đáo” (cho phim “Tạm biệt”), nhưng không đến được Pháp để nhận giải. Lần này ông đã tới được Cannes.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/phap/20170528-cannes-phim-chong-tham-nhung-iran-doat-gia.

Trọng Thành

KÝ ỨC VỀ MẸ - Trần Phong Vũ (SPSG) và Lê Sơn Phương Ngọc


Mẹ tôi mất đã lâu lắm rồi, nỗi nhớ mẹ trong tôi cũng nguôi dần theo năm tháng. Trước khi mất, mẹ tôi phát điên mất 10 năm, điên đến mức không nhìn ra được chồng con. Sau đó mẹ tôi ngã xuống và nằm một chỗ sống đời sống thưc vật suốt 9 năm truớc khi ra đi vào cõi vĩnh hằng. Cho dù lúc đó các anh chị em tôi đều đã trưởng thành, có sự nghiêp vẫn không thể nào báo đáp thâm ân của mẹ một cách toàn vẹn nhất. Ký ức của tôi về mẹ giờ lõm bõm như lội bùn...
Tôi nhớ sau 75 hai vợ chồng tôi đi dạy học ở tỉnh xa, điều kiện cuộc sống, nơi ở khó khăn nên đành phải gửi 2 đứa con nhỏ cho bà nội ở TP chăm sóc. Một lần tôi về thăm nhà thấy mẹ bắt hai con chuột nhắt, cột đuôi chúng vào nhau bằng một sợi chỉ cho hai đứa cháu nghịch chơi. Tôi hãi quá kêu trời "Sao mẹ lại làm thế ? " Mẹ tôi cười bảo : "Để tập cho chúng nó dạn dĩ lên ấy mà.." Tôi giận mẹ nên bắt hai đứa nhỏ về tỉnh. Mẹ tôi đi theo để bế cháu vài hôm cho đỡ nhớ. Thế rồi, ngày đó chứng kiến đứa con trai nhỏ của tôi lăn lông lốc từ trên lầu xuống đất theo đường cầu thang. (Khi đó cháu mơi biết bò và rất nghịch ngơm....) Mẹ tôi đã phản ứng quyết liệt đòi đem hai đứa nhỏ về lại tp. Tôi hết cửa nuôi con.
Một lần khác, cũng lại thằng nhóc ấy đi học lớp mẫu giáo. Nó... đẹp gái, xinh xắn ai cũng mê. Sáng nào bà đưa cháu đến trường gửi cho các cô rồi trở về nhà. Đến trưa bà đem suất cơm lên cho cháu mới tá hỏa là cháu không có ở trường. Báo hại toàn trường phải huy động toàn bộ lực lượng đi truy tìm. Mãi lâu sau mới biết cháu theo một bạn nhà ở gần trường chơi. Gia đình bạn thấy cháu dễ thương quá nên giữ lại định chiều mới đem trả trường học. Người ta kể dạo ấy có một bà già lang thang khắp vùng Bà Chiểu găp ai cũng hỏi "Có thấy cháu tôi không... ? Có lẽ mầm mống bệnh điên mẹ tôi đã khởi nguồn từ những sự cố đáng tiếc như vậy chăng ? Dấu hỏi đó cũng từng ám ảnh trong tâm hồn tôi nhiều năm sau..
Trước khi lập gia đình và đi dạy xa nhà, tôi có xin một con chó cỏ về cho mẹ tôi nuôi vì biết bà thích nuôi chó mèo. Con chó ấy rất trung thành và sống lâu. Tôi đi xa lâu lâu mới về mà nó vẫn nhớ, vẫn mừng. Lần đó tôi về. Nhà thiếu gạo ăn. Có bà đi mua chó hay đi rông ngang xóm vẫn gạ mẹ tôi bán con chó ấy. Mà lũ chó cũng khôn cứ nghe tiếng rao của bà đó là cả lũ chui hết vào gậm giường kêu mấy cũng không ra. Thế mà khi tôi về nó mừng chạy ra quấn quyt. Bà mua chó túm nó cho vào bao. Nó không chống cự nhưng nhìn mắt nó và mẹ tôi... Tôi thấy cả hai người đều khóc. Tôi an ủi mẹ : " Thôi phần số nó thế, nhà mình nghèo quá mà... " Mẹ tôi chỉ lẩm bẫm " Mẹ sợ ... con chó ấy là ông nội con đầu thai vào nhà" .... Mẹ tôi đã bắt đầu ...hoang tưởng.
Khi nhớ về mẹ, tôi thường nhớ đến những món ăn dân dã bà nấu. Mẹ tôi 9 tuổi đầu đã rời khỏi cái làng quê khốn khổ ở Thái Bình ra đi vào Nam. Bước chân của bà lăn lội khắp các tỉnh miền tây nên các món ăn của cả ba miền bà đều nấu rất khéo. Sau này khi tuổi đã lớn tôi vẫn thỉnh thoảng chạy về nhà vòi các chị nấu cho tôi ăn món giả cầy, khi thì xin ít quả cà, dưa muối cho đã thèm.
Giờ đây các chị tôi đã già yếu, người thì ăn chay trường, người mang trọng bệnh không ai còn sức nấu nướng và để dỗ dành tôi, các chị đành phải đưa ba mớ kẹo bánh, sâm hay rượu thuốc và tôi vẫn thích thú nhấm nháp hệt như một lão lai vờ té ngã cho vui lòng bậc sinh thành vậy.
Mấy ngày nay người ta thông báo sẽ giải tỏa nghĩa trang nơi ông bà cha mẹ và con tôi chôn cất ở đó. Có lẽ chị tôi gửi cho tôi bài viết về mẹ này để tôi không quên được ngươi mẹ khốn khổ của tôi chăng ???
TRÂN PHONG VŨ
30/5/2017


Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối. Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thấy mình còn biết bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà… giá mà….
“…Nào khi đội gạo canh rau
Muốn còn như trước dễ hầu được ru…”
(Nhị thập tứ hiếu – Lý Văn Phức)

Hơn hai mươi năm trước, ông tổng giám đốc một công ty mất mẹ. Lúc đương quyền, ông đem mẹ vào Sài Gòn ở với ông. Khi ông về hưu, bà đòi về quê ở vùng ngoại ô Hà Nội và mất ở đó. Tôi đến thăm khi ông trở lại Sài Gòn được vài tháng.
– Tuổi già được về quê sống những năm tháng cuối đời, rồi mất nhẹ nhàng như thế thì còn gì bằng, tôi an ủi.
– Mất mẹ, tớ cảm thấy như thiêu thiếu thế nào ấy…
– Thiếu cái gì?
– Tớ muốn trồng dàn bầu hay dàn mướp ở sau nhà cho mát, trồng cây nào khác hay hơn vì tớ sợ kiến… Tớ vẫn hay hỏi bà những chuyện lặt vặt như thế. Tớ sinh ra ở quê, nhưng có sống ở quê đâu. Bây giờ bà mất, tớ chẳng biết hỏi ai…
Hồi đó tôi mới vừa quá 40, còn mẹ, thấy cái thiêu thiếu của ông đúng là lẩm cẩm. Mấy chuyện vặt đó hỏi đâu chẳng được. Bây giờ thì tôi mới cảm nhận được cái thiêu thiếu của ông là thế nào.

Tôi có thằng bạn hồi trung học. Tay này quậy phá thầy cô dàn trời. Trường đuổi học, mời phụ huynh đến thông báo. Mẹ nó đến, đứng khoanh tay như người phạm tội, nhẫn nhục nghe thầy tổng giám thị trút cơn thịnh nộ, hài tội thằng con gần nửa tiếng đồng hồ..
Mẹ nó chảy nước mắt: “Nhà cháu nghèo, chạy cơm từng bữa cho anh em nhà nó có cái ăn. Nhà cháu lại không biết chữ, biết thế nào mà dạy nó. Nhờ thầy cô thương đến mà dạy dỗ. Đuổi học, thì nó lang thang hư đời. Trăm sự nhờ thầy thương cháu, roi vọt cho cháu nên người. Để rồi tối về, nhà cháu răn đe nó…”
Cơn thịnh nộ trôi qua, dường như thương cảm với người đàn bà quê mùa trước mặt, thầy tổng giám thị rồi cũng bỏ qua. Tôi và thằng ông mãnh đó lấp ló ngoài văn phòng theo dõi. Nó cười hi hí khi biết mình… tai qua nạn khỏi. Chưa hết, hôm sau nó hớn hở: “May quá, bà già tao giấu biệt chuyện này với ông già, nếu không thì… hì…hì…”.

Nó tiếp tục quậy phá, nhưng kín đáo hơn, quậy phá cho đến khi lớn, nên bị nhiều búa đều đều. Lần này thì chẳng ai nhẫn nhục thay cho nó. Hôm rồi, thằng ông mãnh về nhà sau ca làm đêm, ngồi uống rượu một mình, lướt “net”, đọc được bài “Cá bống kho tiêu” nào đó trên mạng, gọi phone cho tôi nói rằng, tự nhiên nhớ mẹ, rồi khóc hu…hu… qua điện thoại: “Cả đời tao làm khổ bà già. Bà già bệnh, tao bận việc, cứ hẹn lần, không về chăm sóc được. Bà già mất, tao về, không kịp nhìn mặt… Tiền bạc bây giờ có ích gì…”. Mẹ nó mất cũng hơn 10 năm rồi… Càng quậy phá, càng mềm nhũn. Nguôi ngoai gì nổi!
Mẹ tôi mất hồi đầu năm 2011. Thấy tôi buồn, thằng bạn học rủ về quê nó ở Châu Đốc chơi cho khuây khỏa. Chén thù chén tạc, say túy lúy, cả bọn chuệnh choạng kéo nhau đi hát… karaoke. Thằng bạn cầm micro: “ Xin giới thiệu với các anh em Châu Đốc, thằng bạn tôi đây ở Sài Gòn vừa mất mẹ. Tôi xin hát tặng nó bài… “Bông hồng cài áo”… Rồi nó say sưa hát, động tác biểu diễn như một ca sĩ chuyên nghiệp. Bỗng nhiên giọng hát run run… Nó khóc nấc lên… Cách đó hai năm, tôi về Châu Đốc dự đám tang mẹ nó. Nó hát cho tôi hay hát cho nó?
Chuyện khác, lần này không phải thằng già, mà là… bà già. Tôi có cô bạn người Ý trạc tuổi, mỗi lần về Milan , ra nghĩa trang thăm mẹ, mang theo thỏi chocolate, ngày xưa bà thích ăn (mà cô ta cũng thích nữa), bẻ chocolate, cùng ăn với cái… bóng mẹ. Chocolate Tây thay cho nhang đèn Ta, cũng chỉ là tấm lòng. Mẹ cô ta mất cũng hơn 10 năm rồi.
Lại có thằng, có thức ăn hay trái cây nào hay hay, lại mang để trên bàn thờ mẹ, và đặc biệt chỉ thích món ăn lấy từ bàn thờ mẹ. Khách đến chơi, thân thiết lắm, mới mang đồ cúng mẹ xuống đãi. Hỏi vì sao ? Ừ, thì cũng như hồi xưa bà cho mình ăn vậy, có đồ gì ngon cũng để dành cho mình…

Mà có thằng con nào, dù có làm tới cái ông gì vĩ đại đến đâu lại trưởng thành dưới con mắt của mẹ mình đâu nhỉ? Có thằng 60 tuổi rồi, xách xe ra khỏi nhà, vẫn bị gọi lại “Quên mang nón (bảo hiểm)”. Mùa mưa, trời chưa mưa, ngồi một chỗ, nhưng vẫn gọi vói thằng con “mang theo áo mưa”.
Tôi có thằng bạn trẻ người Đức chừng… 50, ra ngoài đường cũng bị bà già “vịn” theo kiểu đó “Alex, quên mang dù !”. Thằng này lúc nào cũng tự hào vì còn mẹ. Nó khoe: “Từ hồi tôi qua Việt Nam , mẹ tôi lấy làm lạ vì tôi quan tâm tới bả khác xưa nhiều lắm. Bả vui!”. Alex làm ăn ở Việt Nam hơn 12 năm rồi.

Bông hồng đỏ hay bông hồng trắng cho Ngày-của-Mẹ, đối với tôi chỉ là biểu tượng, chẳng ép phê gì. Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối. Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thấy mình còn biết bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà… giá mà….
Hồi nhỏ học “Nhị thập tứ hiếu”, có chuyện lão Lai, già khú đế ra rồi, mà còn làm trò hề, giả vờ té ngã như con nít để mẹ cười. Tôi thấy ông này diễu dở. Bây giờ tôi muốn diễu dở như ông cũng không được. Nụ cười của người già, dù là móm mém, dù là mù lòa, nghễnh ngãng,… nhớ lại, sao thấy hiền quá. Nhớ đến tận đáy lòng. Ray rứt và ân hận là thế! Làm sao thời gian có thể lùi lại để ngồi giã trầu, đấm lưng và chiêm ngưỡng nụ cười móm mém?

Nụ cười của mẹ già không phải là nụ cười vì tiền vì bạc, vì chén cơm manh áo, vì quyền bính thế gian. Đó là là nụ cười mãn nguyện khi con cháu ở bên mình, vẫn chưa quên mình…
Thời gian chẳng quay lại, và cũng chẳng làm nguôi ngoai nỗi nhớ đâu! Những giọt lệ già mà nhớ mẹ, như nuốt ngược vào tim, mặn biết chừng nào!

Albert Einstein:"If you can't explain it simply, you don't understand it well enough"
Nhân ngày Mẹ năm 2017
LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC

Thủy Điện Và Các Dự Án Chuyển Nước Đe Dọa An Ninh Nguồn Nước ĐBSCL

Thủy điện và các dự án chuyển nước đe dọa an ninh nguồn nước ĐBSCL. Trong ảnh là một dòng sông bị cạn vì thiếu nước. Ảnh: Trung Chánh



(TBKTSG Online) – Xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mêkông cộng với việc Thái Lan, Lào và Campuchia đã và đang thực hiện những dự án chuyển nước, có nguy cơ khiến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào cảnh mất an ninh nguồn nước. Điều này, được dự báo sẽ làm phá vỡ đa dạng sinh học và sản xuất nông nghiệp, dẫn đến những bất ổn xã hội...


An ninh nguồn nước bị đe dọa
Tại hội thảo quốc tế “Thách thức an ninh nguồn nước sông Mêkông và câu chuyện ở ĐBSCL-Việt Nam” được tổ chức tại Cần Thơ hôm nay, 29-5, ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (DRAGON) thuộc Đại học Cần Thơ, cho rằng có nhiều nguyên nhân tạo nên mối đe dọa ĐBSCL trong vấn đề an ninh nguồn nước và phù sa. “Nhưng, tôi tập trung hai vấn đề chính đối với ĐBSCL, bên cạnh biến đổi khí hậu”, ông cho biết.
Cụ thể, hai vấn đề đáng lo ngại nhất của ĐBSCL hiện nay, đó là việc phát triển thủy điện ở dòng chính, dòng nhánh sông Mêkông và xây dựng các dự án chuyển nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các quốc gia phía trên như Thái Lan, Lào và Campuchia.
Theo ông Tuấn, việc xây dựng một loạt các đập thủy điện từ Trung Quốc đến Lào chẳng những buộc phải di dời nhà cửa của hàng ngàn người dân, làm thay đổi chế độ dòng chảy ở hạ lưu, mà còn làm mất đi hàng chục triệu tấn phù sa về ĐBSCL.
Dẫn chứng cho điều này, theo ông Tuấn, với sáu đập thủy điện ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), lượng phù sa về ĐBSCL đã giảm từ 160 triệu tấn/năm, xuống còn khoảng 85 triệu tấn/năm, tức có gần 50% lượng phù sa đã bị giữ lại ở các đập thủy điện. “Điều này sẽ dẫn đến chuyện nước “đói” phù sa, gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL”, ông Tuấn nói.
Một điểm đáng lưu ý khác, theo ông, đó là vào mùa khô, dòng chảy sông Mêkông đến hạ lưu đạt trung bình khoảng 2.500m3/giây và có thể thấp hơn trong những năm khô hạn (mức thấp nhất từng được ghi nhận là 1.200m3/giây).
Trong bối cảnh như vậy, ở Thái Lan lại đang hình thành dự án chuyển nước Khong-Loei-Chi-Mun và dự án này sẽ lấy nước sông Mêkông vào mùa khô khoảng 1.200m3/giây; Lào có dự án chuyển nước tưới cho 20.000 héc ta đất canh tác, chủ yếu là lúa ở phía Bắc Vientiane, sẽ lấy khoảng 240m3/giây; Campuchia có dự án Vaico phục vụ tưới cho 100.000 héc ta với lưu lượng nước lấy từ sông Mêkông khoảng 500 m3/giây. “Như vậy, cộng tất cả lượng nước bị lấy trong mùa khô của Thái Lan, Lào và Campuchia, thì lượng nước đến ĐBSCL (Việt Nam) không còn bao nhiêu nữa”, ông cho biết.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia quản lý lưu vực sông, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mêkông Việt Nam (VNMC), cho biết hiện nay Thái Lan có rất nhiều kế hoạch xây dựng mới và cải tạo hệ thống tưới tiêu, chuyển nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, Campuchia và Lào cũng có những dự án chuyển nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, quy mô hàng trăm nghìn héc ta.
Theo ông Quảng, những dự án chuyển nước của Thái Lan, Lào và Campuchia có thể là lý do dẫn đến việc dù ở thượng nguồn sông Mêkông có xả nước (như sự kiện Việt Nam yêu cầu Trung Quốc xả đập Cảnh Hồng hồi năm ngoái), nhưng nước vẫn không tăng ở hạ nguồn. “Đây là cái đáng quan ngại. Ngoài tác động đã, đang và sẽ xảy ra của các đập thủy điện trên sông Mêkông, thì còn rất nhiều tác động do việc lấy nước tưới ở các dòng nhánh và các hồ chứa hai bên sông ở cả phía Thái Lan và Campuchia”, ông Quảng cho biết.
Nguy cơ bất ổn an ninh xã hội
Ông Lê Anh Tuấn cho biết hàng năm ĐBSCL nhận khoảng 85% tổng lượng nước từ dòng chính sông Mêkông, trước khi đổ ra biển Đông, vịnh Thái Lan và tất cả mọi sinh hoạt, sản xuất (nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản) của người dân nơi đây đều phụ thuộc vào nguồn nước này.
Trong khi đó, ĐBSCL là vùng giữ vị trí vô cùng quan trọng không chỉ trong nước, mà còn của thế giới, bởi nơi đây cung cấp hơn 53% lượng gạo, 85% cá, 75% trái cây của cả nước, góp một phần rất lớn cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. “Hiện nay, ĐBSCL xuất khẩu gần 25 triệu tấn gạo, chiếm 20% của thế giới, đóng góp lớn trong vấn đề an ninh lương thực của thế giới”, ông Tuấn dẫn chứng.
Một điểm đáng lưu ý khác, theo ông Tuấn, Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia là những quốc gia tiêu thụ cá ở mức cao so với trung bình của thế giới. Chẳng hạn, người dân Campuchia tiêu thụ 20-22 kg cá/người/năm; Lào là 15-20 kg cá/người/năm; Thái Lan và Việt Nam khoảng 10 kg cá/người/năm.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc xây dựng các đập thủy điện chẳng những ngăn chặn giao thông thủy, mà còn đe dọa nguồn cá, bởi cá không thể vượt qua được các đập thủy điện để lên thượng nguồn sinh sản theo mùa như tự nhiên vốn có, dẫn đến không còn cá về ĐBSCL. “Vì vậy, tính da dạng sinh học bị de dọa nghiêm trọng, nhiều loài cá có khả năng bị mất đi”, ông dự báo.
Cũng theo ông Tuấn, vấn đề an ninh nguồn nước đối với ĐBSCL là vấn đề cấp bách và cực kỳ quan trọng, bởi như đã nói ở trên, tất cả hoạt động sản xuất ở ĐBSCL đều phụ thuộc vào nguồn nước sông Mêkông. “Như vậy, một khi an ninh nguồn nước mất đi, thì an ninh lương thực cũng bị đe dọa và khi an ninh lương thực bị đe dọa, thì an ninh xã hội cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”, ông Tuấn cho biết.
Sáu thách thức của ĐBSCL
Ông Lê Anh Tuấn cho biết ĐBSCL đang đối mặt với sáu thách thức, bao gồm: biến đổi khí hậu; gia tăng dân số và di dân; khai thác tài nguyên quá mức; suy giảm môi trường; thay đổi sử dụng đất; sự đe dọa của các đập thủy điện ở thượng nguồn và các dự án chuyển nước (ở Thái Lan, Lào và Campuchia).
Theo ông Tuấn, trong sáu thách thức nêu trên, biến đổi khí hậu có thể thích ứng được; gia tăng dân số và di dân có thể ngăn chặn được; khai thác tài nguyên quá mức có thể kiềm soát được; thay đổi sử dụng đất có thể điều chỉnh được... “Tuy nhiên, riêng việc hình thành các đập thủy điện ở thượng nguồn và các dự án chuyển nước gần như chúng ta không thể kiểm soát và không thể thích ứng được trong điều kiện hiện nay”, ông khẳng định.

Nguồn: Theo Thời Báo Saigon

30 thg 5, 2017

Các nhà khoa học Úc Châu phát hiện sự sống trái đất 3,48 tỉ năm trước




Các nhà khoa học tại Đại học New South Wales (UNSW) khám phá bằng chứng về sự sống sớm nhất trên Trái Đất trong những tảng đá 3,48 tỷ năm tuổi, hình thành từ lớp trầm tích suối nước nóng cổ xưa ở Pilbara, phía tây Australia, theo International Business Times. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 9/5.
Mẫu hóa thạch được xác định là các cấu trúc đá stromatolite xếp thành lớp do vi khuẩn tạo nên. Phát hiện này không những cho thấy sự sống vi khuẩn tồn tại trong suối nước nóng từ rất sớm, mà còn phá vỡ kỷ lục trước đây về dấu hiệu sự sống lâu đời nhất thế giới của vi khuẩn được lưu giữ trong các trầm tích 2,7 – 2,9 tỷ năm tuổi ở Nam Phi.
“Phát hiện thú vị của chúng tôi đã kéo dài kỷ lục xuất hiện sự sống trong các dòng suối nước nóng lên tới hơn 3 tỷ năm. Sự sống hình thành trên đất liền sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây khoảng 580 triệu năm”, Tara Djokic, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Kết quả nghiên cứu củng cố lý thuyết của Charles Darwin cho rằng, sự sống trên Trái Đất bắt nguồn từ một số nơi chứa nước ấm áp trên đất liền, chứ không bắt nguồn trong lòng đại dương như nhiều giả thuyết trước đây.
“Nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp ích nhiều cho việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa, bởi vì hành tinh đỏ có những dòng suối nước nóng cổ đại có độ tuổi tương tự như ở Pilbara”, Djokic nói.
Theo XALUAN/TDc

Ở Đó Dòng Sông Nơi Này Mưa Muộn - Thơ Thuyên Huy






Ở đó dòng sông dòng sông buồn

Nơi này mưa muộn mưa muộn tuôn

Em áo bùn đen đời lam lũ

Tôi quần chấp vá kiếp tha phương



Tiếng vạc ăn đêm tiếng vạc sầu

Ễnh ương lẻ bạn ễnh ương đau

Đôi bờ một chuyến đò ngang chợ

Chờ nhau mình hỏi chuyện bể dâu



Hiu quạnh đồng xa xóm cứ nghèo

Vách thưa mái dột gió lùa theo

Ngu ngơ tóc vội cài sim tím

Em nhặt chút duyên giữa nắng chiều



Nở muộn bờ mương cánh điệp gầy

Hoàng hôn đi bỏ nhớ lại đây

Em đã biết buồn từ dạo đó

Từ dạo sông thôi hứng trăng đầy



Rồi cũng đành theo một kiếp người

Kiếp người chưa có được ngày vui

Tôi rời xóm vắng chiều mưa muộn

Em đường lủi thủi tiếng mưa rơi



Em bỏ dòng sông bỏ con đò

Căn chòi lá rách đứng trơ vơ

Từ đó  không ai về chốn cũ

Chờ nhau biết chờ đến bao giờ



Thuyên Huy












































Mẹ và con trai ăn sáng quên trả tiền, ông chủ không đuổi theo đòi, nhờ vậy mà cứu sống con gái mình

Trong cuộc sống, nếu như một người luôn biết nghĩ cho người khác trước, vì người khác mà suy xét thì thứ mà người ấy nhận được sẽ nhiều hơn những gì mà họ tưởng tượng!
Sáng hôm đó, tại một quán bán tào phớ có một người mẹ khuyết tật dẫn theo cậu con trai bước vào với dáng vẻ rất vội vàng nói: “Chủ quán, làm nhanh giúp tôi một bát tào phớ và một chiếc bánh bao.”
Anh Trương chủ quán vội mang đồ ăn lên phục vụ hai mẹ con, tào phớ và bánh bao vừa đặt xuống bàn thì người mẹ liền nói: “Sắp muộn học rồi, con ăn nhanh lên.”
Cậu bé nghe lời mẹ nên ăn rất nhanh. Vừa ăn xong, người mẹ vội dắt con bước ra khỏi quán. Vợ anh Trương thấy vậy liền đuổi theo gọi: “Ồ, cô ơi, cô chưa…”
Anh Trương vôi chạy tới và lấy tay che miệng vợ mình. Khi hai mẹ con người phụ nữ khuyết tật đi được đoạn đường xa, anh Trương mới buông tay che miệng vợ xuống. Người vợ nhìn anh Trương với vẻ mặt giận dữ nói: “Anh quen biết người phụ nữ này sao?” Anh Trương trả lời: “Không biết.”
Vợ anh Trương lại nói lớn: “Đã không quen biết, tại sao lại không đòi tiền?” Anh Trương nói: “Hai mẹ con họ đang rất vội nên mới quên trả tiền như thế. Hơn nữa, làm ăn buôn bán cũng nên nghĩ thoáng một chút.” Một vị khách đang ăn tào phớ trong quán cũng phải lên tiếng: “Thấy hai mẹ con đang quá vội, chắc là họ quên thôi.”
Một người phụ nữ khác vừa ăn xong liền đứng lên thanh toán tiền, cô tỏ ra hào phóng nói: “Tính luôn cả phần tiền của hai mẹ con người phụ nữ ban nãy nhé, tôi thanh toán cho.” Anh Trương nghe xong vội lắc đầu nói: “Không, không!”
Lúc này người vợ vừa khóc thút thít vừa nói: “Hẳn mọi người sẽ nghĩ tôi là người hẹp hòi keo kiệt, chỉ có một bát tào phớ và một cái bánh bao mà cũng phải tính toán chi li. Kỳ thực, cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn. Chúng tôi có một đứa con gái bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Bác sĩ nói rằng, nếu không được làm phẫu thuật sớm thì tính mạng cháu sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi làm ăn vất vả cũng chỉ mong tiết kiệm được đủ tiền chữa bệnh cho con gái thôi.”
Lúc này, một vị khách quen tuổi trung niên lấy ra đồng 100 ngàn nói: “Không cần trả lại, đây là chút tấm lòng của tôi.” Nhưng anh Trương lại vội vàng lấy tiền thừa trả lại cho khách và không khỏi thốt lên: “Quý khách đừng làm vậy, tôi thay mặt đứa con gái mình cảm ơn tấm lòng yêu mến của ông.”
Đúng lúc này người phụ nữ khuyết tật quay trở lại. Cô hỏi: “Vừa rồi cậu con trai có hỏi tôi, tại sao ăn xong lại không trả tiền hả mẹ? Trí nhớ của tôi không tốt lắm, không biết tôi đã trả tiền cho ông chưa?” Anh Trương mỉm cười nói: “Kỳ thực là cô chưa thanh toán.” Người phụ nữ khuyết tật làm bộ khó hiểu hỏi: “Vậy sao lúc đó anh không gọi tôi?”
Anh Trương chia sẻ: “Cô là một người mẹ tàn tật, trong suy nghĩ của mọi người, cuộc sống của cô là không dễ dàng chút nào. Nếu gọi cô lại, sợ rằng con trai cô sẽ nảy sinh tâm lý tự ti. Sáng sớm, tôi thấy cô đang có việc gấp nên mới quên thanh toán, nếu tôi đuổi theo đòi tiền, cô sẽ không thấy thoải mái. Có lẽ cô không có loại cảm giác này nhưng con trai cô sẽ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương.”
an-tao-pho1
Thực khách đang ăn tại quán nghe vậy liền buông thìa xuống rồi vỗ tay khen thưởng ông chủ Trương. Khóe mắt của người đàn bà khuyết tật không khỏi đỏ hoe, cô ngại ngùng nói: “Ngài quả thật là một ông chủ tốt, tôi và con trai xin cảm ơn ông.”
Sáng hôm sau, khi mở cửa hàng, anh Trương vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy quá nhiều người trước cửa quán. Anh không biết chuyện gì đã xảy ra nên không khỏi lo lắng hỏi: “Mọi người đứng ở đây làm gì vậy ạ?” Tất cả mọi người đồng thanh nói: “Chúng tôi đang ở đây để chờ ăn tào phớ của anh đây.”

Bất giác anh Trương sững người lại, cửa hàng anh mở đã hai năm nhưng chưa lần nào thấy có nhiều người đến ăn tào phớ như vậy. Điều anh Trương không ngờ tới nữa chính là, khách hàng đến quán ngày một đông, trong quán đã chật cứng không còn chỗ, họ còn đứng ở bên ngoài chờ đợi.
Hôm sau nữa, anh Trương cũng sốc khi nhìn thấy quá nhiều người ở trước cửa quán. Số người hôm nay còn đông hơn so với hôm qua. Anh không hiểu tại sao lại có hiện tượng này.
Lúc này, một người khách tầm tuổi trung niên đến bên cạnh, vỗ vào vai anh Trương rồi nói: “Anh đang băn khoăn về sự kỳ lạ này phải không? Để tôi nói cho anh biết, người phụ nữ khuyết tật hôm trước ăn tào phớ ở quán anh, cô ấy là một phóng viên. Cô đã viết lại câu chuyện của anh và đưa lên mạng, rất nhiều người nghĩ anh là một ông chủ rất tốt, cho nên, họ đều đến đây để ăn đó.”
Nghe xong, khóe mắt anh Trương cay cay, còn người vợ không cầm được nước mắt vì xúc động nói: “Thật không biết phải cảm ơn người phóng viên đó như thế nào. Bởi nhờ vậy mà chúng ta đã có đủ tiền chữa bệnh cho con gái. Gia đình ta sẽ không bao giờ quên ơn người mẹ tàn tật này.”
Lúc này, từ trong đám đông, người phụ nữ khuyết tật bước ra tỏ vẻ vui mừng nói: “Đừng cảm ơn tôi, hãy cảm ơn tấm lòng yêu mến của các thực khách ở đây. Đây là món quà báo đáp tấm lòng yêu mến của ông chủ Trương đó.”
Kỳ thực, nếu biết cảm thông và thấu hiểu, suy nghĩ cho người khác trước thì thứ mà bản thân nhận được sẽ lớn hơn rất nhiều. Nếu biết cho đi tình yêu thương, bạn sẽ nhận về tình yêu thương nhiều hơn nữa. Bởi vì, tình yêu thương là một thứ năng lượng tích cực, nó không chỉ nhân lên mà còn bay xa. Nếu chỉ suy nghĩ biện pháp để bảo vệ lợi ích của bản thân mình mà không suy nghĩ cho người khác thì chúng ta sẽ không được gì cả, thậm chí còn mất đi nhiều hơn.



29 thg 5, 2017

Lá thư nhiếp ảnh: 2017 Memorial Day

Lá thư nhiếp ảnh: 2017 Memorial Day



Khoảng 284,000 lá cờ đã được cắm trên các ngôi mộ tại Arligton National Cemetary hôm  25-5-2017.


Mỗi ngôi mộ có một lá cờ.

Tưởng nhớ đến người đã tử trận trên chiến trường.

Một góa phụ ngồi bên ngôi mộ của chồng.

Đại Tướng Mark A. Milley, Tham Mưu Trưởng Bộ Binh Hoa Kỳ và vợ đích thân đến
cắm cờ tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington.

Quyền Bộ Trưởng Bộ Binh Hoa Kỳ Robert Speer và vợ cắm cờ tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington.

Bộ Trưởng Speer và Đại Tướng Milley chụp hình lưu niệm với cựu tù binh Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế Chiến và vợ.

Cựu tù nhân Thế Chiến Thứ II.

Mất mát là đau thương.
(TL.Phát chuyển)
-

Đừng bán đất của tôi cho Trung Quốc!

Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng và phát triển ở Sri Lanka, nhưng nhiều người dân địa phương cảm thấy đất nước này đang bị bán cho người Trung Quốc.

Cảnh sát Sri Lankan dùng vòi rộng để giải tán người biểu tình ở cảng Hambantota hôm 7/1/2017
Hàng trăm nhà hoạt động và các nhà sư Phật giáo phản đối các đầu tư của Trung Quốc tại Hambantota hồi đầu năm nay

Thông thường các con đường dẫn đến các cảng châu Á luôn sôi động. Xe tải chở đầy hàng. Các cửa hàng nhỏ là nơi tài xế xe tải và công nhân dừng chân nghỉ ngơi.
Cảng Hambantota ở miền nam Sri Lanka lại khác hẳn.
Mặc dù mở cửa đã bảy năm, con đường dẫn vào cảng dường như hầu không một vết chân.
Cảng Hambantota
Cảng Hambantota được xây dựng bằng tiền vay của Trung Quốc
Và khi chúng tôi tìm thấy cảng này (biển báo không phải là điểm mạnh của cảng ày, và người dân địa phương dường như không biết nó ở đâu) thì xe của chúng tôi là chiếc duy nhất tới đây.
Ngoài một vài nhân viên an ninh đi cùng chúng tôi thì chẳng có ai ở đó. Một chiếc xe dùng để chở xe hơi từ từ rời khỏi cảng, sau khi đã thả hàng xuống cảng từ công ty xe hơi khổng lồ của châu Á. Nhưng tàu nhận hàng phải hai ngày nữa mới tới.
Với một cảng có chi phí hơn 1 tỷ đô la thì kinh doanh như vậy là không đủ.

‘Không đủ tiền chi trả’

Hambantota được một công ty Trung Quốc xây dựng từ tiền tài trợ từ các khoản tiền vay của Trung Quốc.
Nhưng nay Sri Lanka đang vật lộn để hoàn trả khoản nợ đó, và vì thế đã ký một thỏa thuận để cho một công ty Trung Quốc cổ phần ở cảng này như một hình thức trả một phần món nợ đó.
Ravi Karunanayake
Ravi Karunanayake từng là Bộ trưởng Tài chính nhưng khi lên nắm chức vụ Ngoại trưởng tuần này, ông nói Sri Lanka cần “quảng bá chính mình”
Các điều khoản của thỏa thuận vẫn đang được tranh luận tại quốc hội Sri Lanka, nhưng cổ phần cho công ty này có thể lên đến 80%.
Cách nhìn nhận về cảng Hambantota là nó sẽ đem lại nhiều tàu bè hơn đến Sri Lanka và giảm áp lực lên cảng Colombo, một trong những bến cảng chở container quan trọng nhất ở châu Á.
Sri Lanka nằm trên tuyến đường biển mà các tàu chở dầu đi từ Trung Đông sử dụng mà an ninh năng lượng là lý do chính khiến Trung Quốc muốn đầu tư.
Tại cảng Hambatota
Cảng Hambantota đang vật lộn để kiếm ra tiền
Đồng thời nó lại thích hợp với sáng kiến gây tranh cãi Một vành đai, một con đường của Trung Quốc xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt và đường biển để thúc đẩy thương mại với các nước trên thế giới.

Người dân địa phương nổi giận

Hambantota không kiếm ra tiền một phần vì nó khá cô lập. Không có trung tâm công nghiệp nào gần đó, không có các khách hàng tự nhiên ngay ngưỡng cửa.
Nhưng nay Trung Quốc sẽ kiểm soát cảng này và đó là vấn đề mà họ muốn thay đổi. Họ đang nói chuyện với chính phủ về kế hoạch tạo ra một khu kinh tế lớn – mua 15.000 mẫu đất để xây dựng nhà máy và văn phòng.
Map
Nhưng nhiều người sống trong khu vực không muốn rời bỏ nhà cửa và trang trại của mình.
Tại một ngôi làng nhỏ gần bến cảng, người dân địa phương đã rất tức giận trước kế hoạch này. Hồi tháng Giêng, nhiều người trong số họ tham gia một cuộc biểu tình lớn phản đối xây dựng trung tâm đầu tư.
Cảnh sát đã dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán người phản đối. Một số người biểu tình đã bị tống giam nhiều tuần lễ, và điều đó càng làm người dân thêm tức giận.
Nhưng những thỏa thuận này dường như là cách tốt nhất để Sri Lanka trả được một phần trong số 8 tỷ đô la vay của Trung Quốc.

Lãng phí tiền bạc

Tổng nợ của hòn đảo này là 64 tỷ đô la. Khoảng 95% tổng thu ngân sách của chính phủ là để trả nợ.
Và khi một phần tiền vay mượn dường như đã bị lãng phí vào cơ sở hạ tầng không có một dấu hiệu nào cho thấy đem lại lợi nhuận, thì điều đó còn tai hại hơn.
Tại sân bay quốc tế, cách Hambantota chừng 30km, chỉ có 5 chuyến bay mỗi tuần phục vụ vài trăm hành khách.

Bản thông báo chuyến bay tại sân bay Mattala Rajapaksa
Sân bay Mattala Rajapaksa chỉ có vài chuyến bay một tuần
Rồi một trung tâm hội nghị hiện đại mà hầu như không được sử dụng, và một sân chơi criket nay chỉ thỉnh thoảng được cho thuê làm đám cưới.

Tạo công ăn việc làm

Tuy nhiên, không phải tất cả những phát triển của TQ ở Sri Lanka đều đã thất bại.
Đường xá và đường cao tốc đang được đặt làm trên khắp đất nước, và một số đã thực sự rút ngắn thời gian đi lại giữa các thị trấn và thành phố. Điều này đã góp phần thúc đẩy du lịch, nguồn thu nhập ngoại tệ lớn nhất của nước này.
Nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ đã được lên kế hoạch và xây dựng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, và được đưa về đơn vị bầu cử của ông.

Không thể từ chối

Một chính phủ mới lên nắm quyền năm 2015 đã hứa hẹn sẽ giảm bớt phụ thuộc của Sri Lanka vào Trung Quốc, nhưng những áp lực tài chính đang buộc họ đi theo đường mòn đó.
Ban đầu họ đã ngưng một dự án lớn của Trung Quốc đầu tư – một thành phố hoàn toàn mới được dự định xây dựng ở bờ biển Colombo trên vùng đất khai hoang.
Nhưng con số 1,4 tỷ đô la mà dự án mang lại là quá lớn để có thể từ chối, và việc xây dựng này đã được tái tục vào năm ngoái.

Hình ảnh máy tính về một thành phố cảnh mới
Các nhà xây dựng nói một thành phố mới sẽ trở thành trung tâm tài chính ở Nam Á
Người ta hy vọng là nó sẽ trở thành một thành phố hiện đại vào năm 2040, với những tòa nhà sầm uất của các công ty, những căn hộ lấp lánh, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bãi biển, trung tâm thương mại và cả bến du thuyền. Phần đầu của dự án sẽ hoàn tất và đưa vào sử dụng trong hai năm tới.

‘Bảo vệ, không bán’

Một lần nữa, chính phủ đã phải đối mặt với sự phản đối. Các nhóm ngư dân và người dân địa phương tổ chức biểu tình phản đối.
Một số người lo ngại về tác động môi trường của dự án. Họ không được thuyết phục trước các nghiên cứu của các cơ quan chính phủ, những người đã cho phép thực hiện dự án.
Ngư dân Aruna Roshantha
Một ngư dân, ông Aruna Roshantha, nói người dân Sri Lankans không muốn đất đai của họ bị giao cho nước ngoài
Nhưng nhiều người cũng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở đất nước này.
“Chúng tôi không thích đất đai của mình bị giao cho Trung Quốc”, Aruna Roshantha, một ngư dân nói.
“Không chỉ Trung Quốc mà nếu bất cứ đất nước nào đến và lấy đất của Sri Lanka, chúng tôi cũng không thích. Chính phủ nên bảo vệ đất đai của chúng tôi chứ không bán nó”.
Hiện tại, chính phủ Sri Lanka không có nhiều cơ hội để đàm phán.
Và Bộ trưởng Ngoại giao Ravi Karunanayake nói họ cần phải mở rộng vòng tay đón chào tất cả.
“Chúng tôi muốn người Ấn Độ đến đây, chúng tôi muốn người Trung Quốc đến đây, chúng tôi muốn người Nhật Bản đến đây. Người Hàn Quốc hoặc người châu Âu, chúng tôi đều không có vấn đề gì hết.
“Về cơ bản, chúng ta cần quảng bá về mình và quảng bá trên cơ sở nhất quán, và dùng ngoại giao kinh tế là công cụ quảng bá cho Sri Lanka.”
Theo BBC