3 thg 6, 2015

Virus Mers_cov có thể vượt tầm kiểm soát (Vn.Express)


Lo ngại virus Mers đã biến thể để thích ứng với môi trường, chuyên gia y tế Hàn Quốc hối thúc nhà chức trách có hành động kịp thời để nhanh chóng kìm đà lây lan của đợt dịch hiện nay.

Hội chứng hô hấp Trung Đông do Mers-Cov virus gây ra được cho là có quan hệ chặt chẽ tới bệnh SARS đã cướp đi mạng sống của hàng trăm người trên thế giới. Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Saudi Arabia cho thấy, virus Mers gây tỷ lệ tử vong cao nhưng ít có khả năng lây lan nhanh thành dịch dễ dàng như SARS. Tuy nhiên, xét tới tốc độ lây lan nhanh bất thường trong đợt dịch hiện nay tại Hàn Quốc, Giám đốc Viện Pasteur Hàn Quốc, ông Hakim Djaballah lo ngại virus này nhiều khả năng đã biến thể và dễ phát tán hơn.
“Tôi cho rằng virus có thể đã thích ứng với môi trường tại đây. Mức độ lây lan trong đợt bùng phát tại Hàn Quốc rất bất thường với tỷ lệ lây nhiễm cao”, ông Hakim cảnh báo trên tờ Korea TimesDù vậy, chuyên gia này vẫn chưa đưa ra khẳng định chắc chắn vì thông tin trình tự bộ gene của virus từ bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh, một người đàn ông trở về từ Arab Saudi, vẫn chưa được kết luận.
Chuyên gia y tế lo ngại virus có thể biến thể để thích ứng với môi trường. Ảnh: BBC
Chuyên gia y tế lo ngại virus có thể biến thể để thích ứng với môi trường. Ảnh: BBC
Ông Hakim hối thúc Bộ Sức khỏe và Phúc Lợi Hàn Quốc thúc đẩy quá trình kiểm tra trình tự gene virus để tìm ra biện pháp kìm hãm tốc độ lây lan của bệnh và phát triển một loại thuốc điều trị hữu hiệu. “Kiểm tra trình tự bộ gene virus giúp xác định virus gây bệnh Hàn Quốc và Arab Saudi liệu có cùng một chủng hay virus đã biến thể ở đây. Thông tin về bệnh nhân đầu tiên cũng là cơ sở để tìm hiểu cách thức bệnh lây truyền”, ông nhận định.
Hội chứng hô hấp Trung Đông do Mers-Cov virus gây ra vẫn còn là một bí ẩn y học. Bệnh thường được phát hiện ở lạc đà một bướu, loài vật được cho là ổ virus và có khả năng truyền bệnh cho người. Tuy nhiên, hầu hết nạn nhân của virus Mers đều không có tiếp xúc với lạc đà trước khi nhiễm bệnh. Nguồn gốc của virus và cách thức lạc đà nhiễm phải virus Mers vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Hiện không có loại thuốc đặc trị cho Hội chứng hô hấp Trung Đông mà virus giống Sars gây ra. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào năm 2012 nên các nghiên cứu về căn bệnh chưa nhiều.
Chuyên gia Hakim cảnh báo thời gian đang ngày càng gấp rút trong tình hình dịch bệnh có dấu hiệu tiến triển xấu. Hiện tại, các bác sĩ chỉ can thiệp bằng cách cho bệnh nhân thở máy và bảo vệ những nội tạng quan trọng. Tuy nhiên, các biện pháp này không đủ để chống chọi đợt dịch hiện nay. Chuyên gia này cũng cho biết sẽ nhanh chóng bàn bạc với giới chức y tế để phát triển virus trong phòng thí nghiệm và kiểm tra tác dụng chống virus của các loại thuốc đang được chấp nhận lưu hành.
“Viện Pasteur có thể phát triển virus trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 và theo dõi hiệu quả chống virus của các loại thuốc. Với các loại thuốc đã được chấp thuận, chúng ta sẽ biết được độ an toàn và liều lượng, từ đó sử dụng chúng để tạm thời làm chậm sự phát triển và giảm số lượng virus trong cơ thể bệnh nhân”, ông nói.
Tới nay, Hàn Quốc có tổng số ca nhiễm virus Mers cao nhất trong các nước bên ngoài Trung Đông. 25 trường hợp đã được xác nhận nhiễm bệnh, trong đó hai người tử vong. Hơn 750 người có nguy cơ lây bệnh được cách ly tại nhà hay bệnh viện để theo dõi sức khỏe và tránh tiếp xúc với người khác. 
Các chuyên gia y tế đã lên tiếng chỉ trích Bộ Sức khỏe và Phúc lợi Hàn Quốc có sự đối phó chậm chạp và lúng túng trước dịch bệnh. Cơ quan này cũng tỏ ra lưỡng lự trong công bố các thông tin với cộng đồng.
Khánh Hà (Theo Korea Times)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét