17 thg 11, 2022

NẠN ĐÓI: VẤN ĐỀ LỚN NHẤT CỦA THẾ GIỚI NHƯNG CÓ THỂ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC (Diển Đàn Khai Phóng )

Tác giả: Ladislaus Ludescher, Frankfurter Rundschau, 9.11.2022
Người dịch: Nguyễn Phú Lộc


Khoảng 828 triệu người đang chết đói. Tuy nhiên, công chúng chỉ chú ý đến nó như một cước chú bên lề. Một bình luận của Ladislaus Ludescher.

Một chủ đề mang tính thời sự hơn bao giờ hết: Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc, số người đói do hạn hán, chiến tranh và nghèo khổ hiện đã lên tới 828 triệu người trên toàn thế giới. Tổng thư ký LHQ António Guterres cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đói toàn cầu chưa từng có. Một thảm họa lớn đang rình rập, người ta có thể nghĩ như thế.

Nhưng thật là sai lầm, bởi vì thảm họa lớn đã hiện hữu rồi. Tuy nhiên, sự thiếu quan tâm của cộng đồng đã ngăn cản việc đưa ra một giải pháp hiệu quả cho vấn đề.

Khoảng 1/10 người trên thế giới rơi vào nạn đói. Hơn hai tỷ người bị suy dinh dưỡng. Cứ mười ba giây lại có một trẻ em dưới 5 tuổi chết vì đói, tức là gần 2,5 triệu trẻ em trong một năm. Chương trình Lương thực Thế giới đã làm rõ rằng mỗi năm có nhiều người chết vì ảnh hưởng của nạn đói hơn là do AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại.

Những thành công trong những thập kỷ qua cho thấy rằng có một cách giải quyết khác. Từ năm 2003 đến năm 2015, số người đói giảm đều đặn từ gần 950 triệu người xuống còn khoảng 780 triệu người. Chương trình Lương thực Thế giới đã gọi nạn đói là “vấn đề lớn nhất của thế giới nhưng có thể giải quyết được”. Tuy nhiên, điều cần phải đảm bảo là dòng tài chính ổn định.

Tiền đề 1: Có đủ tiềm lực tài chính. Theo Viện Phát triển Bền vững Quốc tế Canada (IISD), chỉ có mười hai tỷ đô la được chi cho việc chống đói trên toàn thế giới mỗi năm. Có thêm 14 tỷ đô la mỗi năm có thể giúp khoảng 500 triệu người thoát khỏi nạn đói và suy dinh dưỡng vào năm 2030. Cựu Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Müller, người đã mô tả nạn đói là tội giết người vì cả kiến ​​thức và công nghệ đều có sẵn để nuôi sống tất cả mọi người trên thế giới. Ông đưa ra tổng số tiền cần thiết để chấm dứt nạn đói vào năm 2030 là 40 tỷ euro mỗi năm. Số tiền này có vẻ cao, nhưng nó chẳng thấm vào đâu so với chi tiêu quân sự toàn cầu vào năm 2020, mà Viện nghiên cứu hòa bình Thụy Điển SIPRI ước tính là 1984 tỷ USD.

Tiền đề 2: Ý chí của chính trị gia và quần chúng muốn giải quyết vấn đề. Để thực hiện được yêu cầu đầu tiên, cần phải thực hiện được yêu cầu 2. Chừng nào các báo cáo thảm khốc như hơn 6.600 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày được coi là điều bình thường và mất vị thế là tin tức đáng quan tâm, vấn đề cơ bản này sẽ bị coi là chuyện bên lề về mặt chính trị và sẽ không tồn tại trong nhận thức hàng ngày của mọi người. Chừng nào điều này không thay đổi, chúng ta khó có thể hy vọng rằng một tiềm năng hành động chính trị đủ lớn sẽ phát triển để chống lại nạn đói toàn cầu một cách cương quyết. Ví dụ về biến đổi khí hậu đã chỉ ra rằng các nhà hoạch định chính trị đôi khi chỉ nhận thấy các biện pháp quan trọng là cần thiết sau khi chủ đề này đã nhiều lần được đưa ra trong các cuộc thảo luận công khai trên các phương tiện truyền thông. Các chính trị gia lúc đó không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối phó với vấn đề và tìm ra các giải pháp khả thi, đặc biệt là do áp lực của công chúng.

Điều tương tự bây giờ cũng phải được thực hiện cho nạn đói toàn cầu. Chủ đề này cũng cần trở thành nhận thức chung trong đời sống xã hội hàng ngày, điều mà đáng tiếc thay, cho đến nay vẫn còn thiếu hoàn toàn. Trong nửa đầu năm 2022, chỉ có khoảng 0,5% thời lượng truyền tải thông tin trên kênh “Tagesschau” [1] được dành cho chủ đề nạn đói. Để so sánh, tin tức quan trọng nhất bằng tiếng Đức vào thời điểm đó để đề cập đến cuộc chiến Ukraine và hậu quả của nó là 1030 phút, đại dịch Corona là khoảng 287 phút, trong lúc về nạn đói toàn cầu chỉ trong khoảng 13 phút.

Việc bỏ quên chủ đề nạn đói là chuyện thường ngày: Chúng ta nhớ lại, thảm họa lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, cuộc khủng hoảng nợ quốc gia Hy Lạp và cái gọi là Mùa xuân Ả Rập hẳn vẫn còn trong ký ức của người Đức. Những vấn đề này đã thống trị hệ thống thông tin nước ngoài vào năm 2011. Tuy nhiên, ít người biết rằng trong cùng những năm đó, gần 260.000 người chết đói ở Somalia thuộc vùng trung Phi, một nửa trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi. Sự kiện mà Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn vào thời điểm đó, António Guterres, mô tả là “thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới” là một trong những thảm họa bị lãng quên, và dường như không tồn tại trong ký ức tập thể của “phương Tây”, bởi vì vấn đề này không được đưa lên truyền thông đại chúng một cách đầy đủ.

Một nghiên cứu dài hạn mang tên “Thế giới bị lãng quên và những điểm mù” [2] đã xem xét hơn 5.500 chương trình phát sóng của “Tagesschau” cũng như các báo cáo từ nhiều phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Kết quả thật là ngao ngán: Phần lớn các nước „Nam Bán Cầu“ [3] hầu như không đóng vai trò gì trong báo cáo. Thực tế là tường trình về thể thao trên “Tagesschau” vào nửa đầu năm 2022 đã dành nhiều thời gian gấp 13 lần (!) so với chủ đề nạn đói. Đó là điều cần suy nghĩ. Các báo cáo về thể thao này thậm chí có phần nhiều hơn so với tất cả các tin tức liên quan đến các quốc gia „Nam Bán Cầu“ cộng lại. Mặc dù 85% dân số thế giới sống ở các quốc gia này, nhưng tin tức về họ chỉ chiếm khoảng 6% tổng thời gian phát sóng.

Trong nửa đầu năm nay, tức là trước khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, “Tagesschau” thậm chí còn báo cáo nhiều hơn về “Hoàng gia” của Anh hơn là về nạn đói toàn cầu. Điều này có vẻ đáng lo ngại khi biết rằng ít nhất mười triệu trẻ em có nguy cơ chết đói do hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi (theo Unicef ​​ngày 25 tháng 4 năm 2022) không những không lọt vào danh sách các tin tức quan trọng trong ngày, nó thậm chí không xuất hiện trong chương trình phát sóng.

Chính trị có thể cưỡng lại việc giải quyết “vấn đề lớn nhất có thể giải quyết được” trong bao lâu, nếu các phương tiện truyền thông hàng đầu coi nạn đói toàn cầu trở thành ưu tiên? Vì vậy, câu hỏi quyết định không chỉ là đối với chúng ta, một thế giới không có nạn đói đáng giá bao nhiêu tiền, mà còn là bao nhiêu thời gian và sự chú ý của giới truyền thông.

Nghiên cứu “Những thế giới bị lãng quên và những điểm mù” (với bản tóm tắt video và thông tin về một bản kiến ​​nghị có chữ ký và một cuộc triển lãm liên quan) có thể được tìm thấy tại www.ivr-heidelberg.de

./.

Nguồn: Hunger: Das größte lösebare Problem der Welt – Frankfurter Rundschau

Tác giả: Ladislaus Ludescher là một cộng sự nghiên cứu tại Viện Văn học Đức và Sư phạm của Đại học Goethe ở Frankfurt và là giảng viên tại Viện Lịch sử của Đại học Mannheim. Nghiên cứu của ông tập trung vào các mối quan hệ văn học và văn hóa Đức-Mỹ cũng như phân tích các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.

Ghi chú:

[1] Tagesschau là chương trình tin tức của đài truyền hình lớn nhất Đức ARD, được chiếu vào giờ cao điểm sau bữa ăn buổi tối, có lượng khán giả thuộc loại nhất nhì ở Đức. 

[2] Vergessene Welten und blinde Flecken

[3] Nam Bán Cầu là thuật ngữ để chỉ các nước nghèo trên thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét