22 thg 11, 2018

Một bài học để đời - đào anh dũng


Sau hai tháng vui chơi với con cháu ở tận Canada, ông bà Diệp trở về tiểu bang nhà Minnesota. Ngay hôm sau, ông lái xe đưa bà đến nhà thờ giáo xứ “Chúa Chiên Lành” để phụ giúp nấu ăn cho buổi cơm từ thiện đãi khách thập phương. Sau đó, ông đi thẳng đến viện dưỡng lão Santa Teresita tiếp tục công việc thiện nguyện, phụ các cô cậu y tá đưa quý ông bà ngồi xe lăn đến phòng ăn hay phòng sinh hoạt, trò chuyện giúp họ khuây khoả, đặc biệt là quý ông bà đồng hương người Việt.
Hôm ấy trời Minneapolis trong xanh, mùa thu đã đến nhưng khí hậu vẫn còn ấm áp. Ông Diệp lái xe, lòng hân hoan, nôn nóng gặp lại ông Lộc, một người bạn già đang được chăm sóc và phục hồi sức khoẻ tại viện dưỡng lão. Ông quen thân với vị đồng hương này khoảng bốn tháng trước.
Sau khi ghi danh và lấy bản tên ở khu tiếp khách của viện dưỡng lão, ông Diệp đi ngay đến tầng hai để nhận việc. Cô y tá Nancy niềm nở chào đón, hỏi thăm ông và cô lấy trong hộc tủ ra một bao thư, trao cho ông. Nhìn nét chữ nguệch ngoạc đề tên ông là người nhận và trên góc trái của bao thư có ba chữ: "From Loc Nguyen", ông Diệp cảm thấy yên tâm. Từ Canada, ông không thể gọi điện thoại thăm hỏi ông Lộc vì rất tốn kém, trong khi đó tay phải của ông Lộc bị tê liệt, chưa hoàn toàn phục hồi nên ông không thể dùng máy vi tính hay điện thoại di động để gởi điện thư hay nhắn tin; vì thế, ông Diệp không có cho bạn mình số điện thoại hay địa chỉ điện thư. Tuy nhiên, ông Diệp vẫn hỏi cô Nancy trước khi ông mở bao thư:
"Cám ơn cô. Ông bạn Lộc của tôi bình thường chứ?"
"Rất khả quan. Tuy vẫn còn chút khó khăn nhưng ông Lộc đã đi lại không cần người giúp với cái walker và cử động được tay phải. Ông Lộc rời đây khoảng một tuần rồi đó ông."
Ông Diệp mỉm cười, cám ơn cô y tá nhưng trong tâm trí ông nghĩ đến người bạn già của mình...
                                       o O o
Thơ văn là thú tiêu khiển của ông Diệp từ khi ông bước vào tuổi chớm già. Thiệt tình mà nói, nếu truyện ngắn, bài thơ nào ông gởi đăng trên tạp chí, nguyệt san và trang mạng được bạn bè, độc giả đón nhận, phê bình, khen hay chê ông cũng cảm thấy vui trong lòng. Ông vui, trước tiên là vì tiếng Việt vẫn còn sống ở hải ngoại, kế đến là thơ văn của mình dù sao cũng được một số ít đồng hương chiếu cố. Thế thôi!
Bằng chứng là hôm ấy, lần đầu tiên ông Diệp nghe một đồng hương mới quen đề cập đến một truyện ngắn của ông được chọn đăng trên một tạp chí, ông cảm thấy lâng lâng niềm sung sướng, hãnh diện và ông suýt quên luôn bổn tánh khiêm nhượng, kín đáo cố hữu của mình.
Vị đồng hương mới quen của ông Diệp là chính là ông Lộc. Hôm ấy thứ ba, ông Diệp đến phòng ông Lộc để giúp đưa ông đi ăn trưa trong lúc ông ta đang ngồi trên giường, tay trái cầm một quyển sách, chăm chú đọc. Ông Lộc bảo rằng, cuối tuần ông Johnson nằm cùng phòng với ông có thân nhân đến thăm, hơi ồn ào nên ông nhờ người đưa ông vào thư viện của viện dưỡng lão tìm sách đọc cho qua thời giờ. Không ngờ thư viện có sách báo Việt ngữ nên ông mượn vài quyển nguyệt san, tạp chí đọc cho đỡ buồn. Tối hôm qua ông đã đọc xong một truyện ngắn viết về tháp Orloj với chiếc đồng hồ thiên văn học khổng lồ ở Prague, Tiệp Khắc, nơi ông làm việc vài năm sau khi xứ này trở về với thế giới tự do. Giọng nói của ông Lộc đơ đớ, đứt đoạn, hơi khó nghe, ông Diệp phải chú tâm lắm mới hiểu được. Ông Lộc nói tiếp:
"Truyện ngắn ấy làm cho tôi khó ngủ trong đêm qua. Tác giả ở Prague có ba ngày nhưng ông ta biết nhiều chuyện về thành phố đó hơn tôi. Vì sao, ông biết không? Vì mỗi lần sang đó, làm việc xong về khách sạn tôi chỉ biết ăn chơi, tận hưởng lạc thú với mấy em mà thôi chứ không đi thăm viếng nơi nào cả!"
Nghe ông Lộc nói vậy, ông Diệp nghĩ ngay đến truyện ngắn ông viết về một chuyến du lịch của vợ chồng ông ở Đông Âu, ghé viếng thành phố Prague cùng với vài người bạn. Khi đi dạo phố cổ Praha, ông bà đến tháp Orloj và mục kích cảnh chuông đổ vào mỗi đầu giờ, có hình tượng các vị thánh tông đồ của Chúa Giêsu đi ngang qua hai cửa sổ ở phía trên đồng hồ thiên văn học, và phía dưới có bốn bức tượng. Bên tay trái là tượng một ông đang soi gương, tượng trưng cho sự kiêu căng, tự cao tự đại. Kế bên là tượng ông tham lam, trong tay có một túi vàng. Bên tay phải của tháp có tượng một bộ xương người, tay này đang kéo dây chuông, tay kia cầm chiếc đồng hồ cát, đó là Thần Chết. Đứng bên Thần Chết là tượng một ông cầm cây đờn, ám chỉ lòng đam mê, ham muốn. Và, trong khi Thần Chết giựt chuông báo tử, ba ông 'kiêu căng', 'tham lam' và 'đam mê' cứ lắc đầu, ý nói chưa đến giờ họ phải ra đi. Không lẽ ông Lộc nói đến truyện ngắn của mình?
Ông Diệp chưa kịp nói gì thì ông Lộc đưa tay trái chỉ chồng sách báo trên bàn và nói, giọng có vẻ bi quan, chán chường:
"Quyển tạp chí bìa màu xanh có truyện ngắn ấy, nếu ông tò mò muốn biết về cái tháp đồng hồ Orloj thì tôi mời ông lấy về nhà đọc chơi. Truyện khá hay. Cuối truyện, tác giả kể rằng nếu Thần Chết gọi ông sẽ lắc đầu, từ chối ra đi vì vợ chồng ông ta còn nợ nhau. Riêng tôi thì, nói thiệt với ông, nếu được gọi, tôi sẽ ra đi ngay cho rảnh nợ đời!"
Nhìn quyển tạp chí, ông Diệp nhận ra ngay đó là truyện ngắn của mình và ông cảm thấy thật vui trong lòng, định khoe với bạn mình là tác giả. Tuy nhiên, ông dừng lại được khi nhìn gương mặt có vẻ phờ phạc, mệt mỏi của ông Lộc. Đúng là tối hôm qua ông bạn mình mất ngủ! Ông nở một nụ cười, đáp lời bạn:
"Cám ơn bạn già. Nhưng ông ơi, từ ngày tôi gặp ông, thấy ông siêng năng tập luyện, tôi mừng cho ông, không sớm thì chầy ông sẽ đi lại được thôi. Còn bệnh tình thì, lứa tuổi của tụi mình ai cũng già hết rồi, sống nhờ thuốc men và vận động, có gì đâu mà phải bi quan, hả bạn?!"
Ông Lộc nhếch miệng cười, trả lời:
"Ừ, cứ cho là ông đúng đi! Thôi, nhờ ông làm ơn đỡ tôi ngồi vào chiếc xe lăn, đưa tôi ra phòng ăn vì hơi trễ giờ rồi. Cô y tá Nancy vừa đi ngang qua cửa, nhìn vào, nhắc khéo đó!"
Ông Diệp đưa bạn đến phòng ăn, giúp bạn ngồi vào bàn, rồi ông đi giúp một vài ông bà khác. Sau đó, ông trở lại bàn của ông Lộc. Ngồi cùng với ông Lộc có vài cụ ông người Mỹ; mặc dầu họ đã kém mắt, lãng tai nhưng hai ông ngại, không trò chuyện gì thêm bằng tiếng Việt, chỉ trao đổi vài ba câu bằng tiếng Anh mà thôi. Sau khi đưa ông Lộc về phòng, ông Diệp mới thố lộ rằng ông chính là tác giả của truyện ngắn về chiếc tháp Orloj. Ông Lộc trố mắt, ngạc nhiên nói:
"Theo như ông nói với tôi, ông là dân kỹ thuật mà sao ông viết lách được hả ông?"
"Vì chén cơm manh áo, qua đây tôi phải học ngành kỹ thuật mới có việc làm chứ ngày xưa tôi học Văn Khoa, rồi chuyển sang Báo Chí. Từ lúc chớm già, tôi lấy thơ văn làm thú tiêu khiển, chia sẻ bài vở trên vài tạp chí, nguyệt san hay trang mạng cho vui vậy thôi."
"Hay lắm đó, bạn già! Ông viết trong truyện rằng ba ông 'kiêu căng', 'tham lam' và 'đam mê' ở cái tháp Orloj làm ông nghĩ đến pho giáo lý nhà Phật với bộ tam độc: tham, sân, si. Ông có tin nhân quả, nghiệp báo không vậy? Tôi thì... nhìn lại cuộc đời mình và những gì đã xảy ra, tôi tin có quả báo nhãn tiền."
"Tôi có tìm hiểu, đọc vài quyển sách Phật Giáo chứ thật ra tôi theo đạo Công Giáo. Tôi tin rằng mọi chuyện xảy ra trên đời này đều do thánh ý của Chúa, của Thượng Đế."
"Nói thiệt với ông, gia đình tôi đạo thờ Ông Bà nhưng vì hồi nhỏ tôi phá phách quá nên ba má tôi cho tôi đi học trường bà sơ, thầy dòng để quý sơ, quý sư huynh trị tôi trong mấy năm tiểu học, trung học. Vì thế, tôi có học giáo lý, biết đọc kinh, có đi nhà thờ nhưng sau khi xong trung học tôi quên luôn, không đi nhà thờ, cũng không đến chùa nữa. Con gái tôi có chồng đạo Thiên Chúa, nó theo đạo của chồng. Đám cưới của nó, tôi có đi dự lễ ở nhà thờ. Vậy thôi! Tuy nhiên, truyện ngắn của ông làm cho tôi suy nghĩ cả đêm vì cuộc đời của tôi tràn đầy những tham, sân, si và chính vì vậy mà hiện nay tôi đang trả quả đó ông."
Ông Lộc nói đến đó rồi hỏi ông Diệp có bận việc gì không, nếu tiện thì xin đưa ông ra ngoài, đánh một vòng hồ Nokomis rồi ghé một quán Starbucks nào đó ngồi uống cà phê, nói chuyện chơi cho khuây khoả. Ông Diệp cười, trả lời rằng hưu trí rồi, ngoài công việc ở đây, có rảnh là tôi viết lách, thỉnh thoảng ghé nhà thằng con, dẫn mấy đứa cháu nội đi chơi, chứ có bận rộn gì đâu; hôm nay bà xã tôi làm việc cho nhà thờ, chiều tôi mới đến đón. Thế là ông Diệp đưa ông Lộc đến hồ Nokomis nổi tiếng đẹp nhất thành phố, chạy xe chầm chậm một vòng hồ, sau đó hai ông đến một quán Starbucks gần bờ hồ, ông gọi cà phê cho hai người còn ông thì thêm một miếng bánh mì kẹp thịt gà vì ông chưa có ăn trưa. Hôm ấy, bên tách cà phê ông Lộc kể cho bạn nghe cuộc đời của mình. Như đã nói, vì bệnh tật nên giọng nói của ông Lộc hơi khó nghe, có lúc ông Diệp phải xin ông ta lập lại. Câu chuyện của ông Lộc kể như sau:
"Nói cho ông nghe như là để thú tội chứ không phải để khoe khoang gì. Già rồi, còn gì nữa đâu! Cuộc đời tình ái của tôi ba lăng nhăng lắm, ông à. Năm tôi 18 tuổi, cô bồ của tôi mang bầu nên tôi phải cưới nàng làm vợ. Đậu tú tài, tôi đăng lính, học ở trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường, tiểu đoàn đóng ở đâu tôi có bồ ở đó, hên là tôi không có con rơi, con rớt, hay là có mà tôi không hề biết. Sau vài năm, tôi được về tiểu khu Sóc Trăng, làm việc tham mưu, không phải đi hành quân nữa nên vợ con tôi ở Sài Gòn dọn xuống, mướn phố ở chung. Vậy mà tôi vẫn không chừa cái tật mê gái, mấy đứa ở phụ giữ con, nấu cơm cho vợ tôi đứa nào tôi cũng quơ ráo trọi. 1975, vì ở gần biển nên tôi có thể đưa cả gia đình vượt biên. Định cư ở xứ này, tôi cũng chứng nào tật nấy, bồ bịch lung tung. Vợ tôi chịu đựng hết nổi và chán tôi quá nên đợi cho đến lúc mấy đứa con của chúng tôi học ra trường, có việc làm rồi bà mới đòi chia hai gia tài và ly dị tôi để sống một mình cho yên thân. Tôi mừng húm, về Việt Nam gặp một nàng thiệt đẹp, nhỏ hơn tôi cả 20 tuổi, có hai đứa con, bị chồng bỏ. Tôi mê nàng như điếu đổ, cưới nàng, bảo lãnh nàng và hai con sang Mỹ. Ông biết không, tôi mê nàng nhưng không quá ngu đần, đòi nàng phải ký giấy cam kết prenuptial, bên đó gọi là tiền hôn phối, không tranh chấp, không có quyền lợi nào, không xen vào gia tài của tôi hiện có. Vậy mà nàng cũng chấp nhận. Qua đây, tôi nuôi mẹ con nàng đi học rồi giúp nàng làm chủ một tiệm nail. Tôi còn nhờ luật sư làm giấy tờ, cùng nàng ký tên bảo lãnh cha mẹ nàng qua đây nữa. Nhưng, sau khi vô dân Mỹ, nàng thú nhận với tôi rằng nàng lấy tôi vì muốn qua Mỹ chứ chồng nàng vẫn còn đó, vẫn luôn liên lạc và yêu nàng, và nàng xin tôi thông cảm, đồng ý ly dị nàng để nàng bảo lãnh chồng sang sống chung. Tôi tức lắm, thấy mình ngu quá là ngu, vừa thất tình vừa hận, không làm gì được nàng nên tôi sanh ra ăn nhậu, rượu chè be bét. Cho đến một ngày tôi bị đứt mạch máu não, nằm một chỗ, cô đơn, trơ trụi một mình như ông thấy vì mấy đứa con của tôi thương mẹ của chúng, từ lâu rồi chúng không nhìn mặt tôi nữa. Sống một mình, nằm một chỗ mấy tháng trời tôi cảm thấy thật hối hận, nhưng đã muộn rồi. Nhiều lúc tôi muốn chết cho rảnh nợ đời nhưng đâu có phải muốn là được, tôi cứ lê lết sống khổ sở như thế này. Đó, ông thấy chưa, đúng là quả báo nhãn tiền!"
Nghe ông Lộc tâm sự như vậy, ông Diệp chỉ biết khuyên lơn bạn nên cố gắng luyện tập thân thể để đi đứng, cử động lại được, giữ vững tinh thần và liên lạc với mấy đứa con dù sao đi nữa chúng nó cũng là con. Rồi ông đề nghị ông Lộc dựa vào tín ngưỡng, tuỳ theo đức tin của mình, cầu nguyện xin Ơn Trên ban ơn phước cho tai qua nạn khỏi... Ông Diệp chưa nói hết lời thì ông Lộc cười chua chát nói:
"Từ lúc xong trung học, tôi có đi nhà thờ nữa đâu, chùa chiền, đình miếu tôi cũng không hề đến viếng, chỉ biết ăn chơi và phạm tội. Tôi còn mặt mũi nào mà cầu nguyện, mà xin xỏ các Đấng Thiêng Liêng hả ông!?"
Nói xong, ông Lộc nhìn ra ngoài cửa sổ quán cà phê Starbucks. Hôm ấy, trời mùa hè quang đãng, lá cây xanh tươi, thiên hạ dập dìu qua lại mà ánh mắt của ông Lộc nhìn xa xôi đâu đó, miệng thì thầm điều gì ông Diệp nghe không được rõ. Rồi, ngạc nhiên thay, ông Lộc nở một nụ cười thật thân thiện, nhìn bạn, nói reo lên:
"Tôi nhớ rồi, tôi nhớ ra rồi ông ơi! Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng..."
Ông Lộc đọc tiếp, hết kinh Lạy Cha, rồi ông đọc sang kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh, có vài nơi vấp váp ông phải nhờ ông Diệp nhắc dùm.
"Trải qua biết bao nhiêu năm, già đến tuổi này tôi tưởng đã quên hết rồi nhưng, lạ thật, tôi vẫn còn nhớ những bài kinh quý sơ dạy tôi đọc trước và sau mỗi buổi học. Cám ơn bạn già đã nhắc nhở."
Sau buổi cà phê ấy, ông Diệp trở lại viện dưỡng lão giúp việc như thường lệ. Một hôm, bước vào phòng ông Lộc, ông Diệp thấy bạn mình đang chăm chú đọc một quyển sách khá dày, ông hỏi thì bạn trả lời rằng bạn đã gặp cha tuyên uý người Mỹ hàng tuần đến viếng viện dưỡng lão và cha mang đến tặng cho bạn một quyển Phúc Âm và một quyển Giáo Lý Công Giáo. Từ đó, mỗi khi gặp nhau hai ông thường hay bàn luận về tôn giáo thật là tương đắc. Trước khi đi Canada thăm con cháu, ông Diệp đến giã từ và tặng bạn một xâu chuỗi Mân Côi.
                             o O o
"Ông Diệp, hôm nay ông đến hơi sớm, xin mời ông ra phòng sinh hoạt, uống trà hay cà phê. Khoảng chừng nửa giờ sau ông trở lại phụ giúp chúng tôi đưa quý cụ đến phòng ăn, ông nhé."
Tiếng nói của cô y tá làm ông Diệp giật mình, trở về với hiện tại. Ông mỉm cười, cám ơn cô y tá, đi đến phòng sinh hoạt. Ông không pha một tách cà phê như thường lệ mà ngồi xuống một chiếc ghế phô tơi, mở ngay bao thư của bạn ra đọc. Ông Lộc viết cho ông như sau:
Chào ông bạn già,
Cám ơn ông bạn già đã giúp đỡ, an ủi tôi hết mấy tháng. Ông bà lên đường đi Canada thăm con cháu làm tôi cảm thấy cô đơn quá đỗi. Tôi cũng có con, có cháu nhưng không đứa nào đến thăm. Cũng đúng thôi, vì tôi đã làm phiền mẹ chúng đến cở nào và tôi mang mặc cảm nên đâu có cho chúng nó hay tin tôi bị bệnh. Nghe lời bạn già mỗi ngày tôi lần chuỗi, đọc kinh và lạ thay tôi cảm thấy tâm trí mình an lành hơn và ngày qua ngày, từ từ tôi có niềm tin rằng nếu tôi thành thật hối cải, Chúa sẽ rộng lượng tha thứ cho tôi. Bằng chứng là ông thánh Phê rô đó, ổng chối Chúa đến ba lần mà Chúa vẫn tha tội cho ổng. Tôi nghĩ mấy đứa con của tôi và mẹ chúng nó cũng vậy, cũng sẽ tha thứ cho tôi nếu tôi thật lòng ăn năn và xin lỗi mọi người.
Tôi đã nhờ cô y tá Nancy giúp tôi gọi điện thoại cho mấy đứa con của tôi, từng đứa một và xin lỗi chúng. Bà xã cũ của tôi đang ở chung nhà với con gái, bà vẫn còn hờn tôi ông à. Sau khi nghe lời xin lỗi của tôi, bà hỏi thăm và chúc tôi mau bình phục nhưng giọng nói của bà trên điện thoại nghe sao xa vắng, không còn đượm chút tình nghĩa vợ chồng nào hết. Nhưng, nói thiệt, tôi chỉ có buồn thôi chứ không có phiền lòng hay trách móc bà.
Mấy hôm sau đó, cả ba đứa con của tôi bay về đây, đến viện dưỡng lão viếng thăm tôi suốt một tuần, lo lắng, an ủi, giúp tôi giải quyết xong nhiều việc khiến cho tôi rất xúc động và nhận ra đây đúng là một ân huệ Chúa và Đức Mẹ ban cho mình.
Ngày mai, con gái của tôi sẽ đến đón, đưa tôi về Florida. Cháu mướn một căn apartment gần nhà cho tôi ở để tiện việc cơm nước và chăm sóc tôi. Thời tiết ấm áp, gần bên con cháu, tôi hy vọng sẽ bình phục nhanh chóng hơn.
Hai đứa con trai của tôi hứa rằng tháng tới, vào dịp lễ Tạ Ơn chúng sẽ đưa gia đình đến Florida thăm tôi và mẹ chúng nó. Như vậy là sau hơn năm năm, đây sẽ là lần đầu tiên gia đình chúng tôi họp mặt đông đủ. Tạ ơn Chúa!
Tôi nguyện cùng Chúa và Đức Mẹ rằng tôi sẽ cố gắng luyện tập thân thể và tâm hồn cho lành mạnh và tôi sẽ làm mọi việc để đền bù phần nào tội lỗi của mình trong những ngày còn lại của đời mình.
Chuyện đời của tôi, nếu bạn già có cảm hứng thì xin viết thành truyện, chia sẻ cùng độc giả, tôi không ngại ngùng chi cả. Đó là một bài học để đời, phải không bạn?
Số điện thoại của tôi là.... Nếu tiện, xin bạn già gọi cho tôi. Hiện giờ tôi nói năng đã khá hơn trước, tay phải tôi cử động được rồi. Tuy nhiên, tôi vẫn còn cần cây gậy để đi lại.
Thân chúc bạn già cùng bà xã và gia đình các cháu vui, mạnh.
Lộc
Đọc xong lá thư của bạn, ông Diệp cảm thấy lòng mình lâng lâng một niềm vui khó tả. Ông thì thầm tạ ơn Chúa và Đức Mẹ rồi ông nhìn đồng hồ. Thấy vẫn còn thời giờ nên ông lấy trong túi chiếc điện thoại di động và, ông thì thầm trong đầu, trâu già gặm cỏ non là một đề tài nóng bỏng trong cộng đồng người Việt hơn một chục năm nay, được bạn cho phép tất nhiên là tôi sẽ viết chuyện đời của bạn thành một truyện ngắn, còn bây giờ thì tôi phải gọi cho bạn ngay mới được. Và, ông mỉm cười, gõ ngón tay vào màn ảnh máy điện thoại.

đào anh dũng ( Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Số 387, tháng 11/2018 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét