22 thg 11, 2017

NHỮNG MẢNH VỤN -


♦ Chuyển ngữ:
♦ Tạp Chí Da Màu


Gần ngôi nhà gỗ trên núi của chúng tôi, ở Jahorina, xưa kia có một khách sạn tên là Sator, chỉ mở cửa vào mùa đông cho người đi trượt tuyết. Đứng ở bên ngoài khách sạn dưới một bầu trời đầy sao, lạnh cóng, bạn có thể ngửi thấy mùi dầu mỡ trong nhà ăn, lửa củi, và khói thuốc lá, và nghe thấy tiếng xập xình từ câu lạc bộ disco ở tầng hầm. Khoảng thời gian còn lại trong năm, khách sạn bỏ trống. Một mùa hè năm tôi 11 tuổi, tôi nạy cửa sổ vào quán rượu của khách sạn- mất tới cả tiếng- và đánh cắp một chai nước việt quất. Một gã làm trưởng quầy rượu ở đó vào mùa đông, nhưng nhàn rỗi trong mùa hè, bắt gặp và tống tiền tôi. Hắn đòi tôi đưa tiền nếu không sẽ mách bố mẹ tôi. Tôi bảo gã tôi đéo ngán. Gã mách bố mẹ tôi. Họ phạt tôi, nhưng chai nước việt quất đó đúng là thứ đồ uống ngon ngọt nhất. Nhân viên dọn dẹp khách sạn là một người phụ nữ mà cả thân hình và tuổi tác đều khó xác định, tên Baja. Vào mùa hè chị ngồi suốt ngày ở ban công khách sạn, không nhìn gì cả, luôn mặc áo khoác xanh dương và quấn khăn đen trên đầu, một góc khăn che hàm để giữ ấm. Chị như một con ma, không biết đau là gì. Chị có cái răng đau muôn thuở nhưng nhất định không chữa. Chỗ ung nhọt sưng tấy lên đến mức nó nuốt và tàn phá một con mắt chị. Chưa ai thấy chị lau chùi thứ gì, mặc dù một đứa bạn tôi ngụ tại khách sạn kể rằng Baja có lần đi vào phòng nó mà không gõ cửa, nhìn khắp xung quanh, rồi nói, "Tại sao cậu không dọn cái này đi? Tởm quá." Ngay phía sau khách sạn có một phiến đá cao, nơi tôi và đứa em gái hay leo lên khi không có chuyện gì khác để làm. Từ trên đỉnh, chúng tôi có thể trông thấy xóm nhà chỉ hoạt động cuối tuần phía dưới và nghe tiếng cưa máy xoèn xoẹt, tiếng búa nện, tiếng ồn của khát vọng, bởi vì những kẻ ngụ cư cuối tuần luôn tất bật sửa soạn cho một tương lai nào đó khi cuộc sống năng động sẽ hoàn tất mỹ mãn và sẽ không còn gì khác ngoài sự yên bình, thiên nhiên trinh trắng, và cuộc hưu dưỡng. Cuộc chiến tranh đã chấm dứt tham vọng đó, nhưng hồi bấy giờ, khi chúng tôi còn nhỏ, tương lai luôn luôn trên đường đi tới, những dòng chảy về phía trước của nó len lỏi qua mọi điều chúng tôi đã biết hay muốn biết. Nếu chúng tôi nhìn xa hơn xóm nhà, những lũng thấp và núi cao đầy cây cối, những đồng cỏ và những con đường kéo dài tới Sarajevo và xa hơn nữa, đến tận chân trời, nơi mà vào cuối ngày, mặt trời sẽ lọt như một đồng xu xuống cái khe. Chúng tôi đứng trên mép ghềnh đá, những ngọn thông đâm lên từ khoảng không tươi tốt bên dưới chân chúng tôi, và chúng tôi sẽ nhìn, và nhìn, và nhìn: tầm nhìn của chúng tôi vô hạn, cũng như cuộc sống của chúng tôi không có chỗ kết thúc. Rác từ khách sạn được đổ ngay phía dưới, xuống con dốc ở chân ghềnh đá. Em tôi và tôi không lấy đó làm lạ. Cho đến khi chúng tôi vươn ra khỏi phần vô thức của tuổi thơ mình, thế giới có vẻ đã hoàn thành, mọi thứ dường như đã đâu vào đấy, mọi điểm và mọi vật đều cố định, tất cả tôn ti trật tự và cấu trúc đều tự nhiên và không thể thay đổi. Chúng tôi leo từ đỉnh đá xuống bãi rác để lục lọi những chiếc túi chứa đầy rác rưởi và đồ ăn thừa thối rữa. Một ngày nọ, chúng tôi tìm ra cả đống chén dĩa, ly tách vương vãi khắp bãi rác — khách sạn đã thay toàn bộ chén dĩa mới và quẳng lố chén dĩa cũ đi. Suốt cả ngày chúng tôi chọi đá vào đống chén dĩa đó hoặc nện chúng vào nhau. Chúng tôi không bàn bạc gì, chẳng vẽ vời kế hoạch nào; chúng tôi đã rõ điều gì mình cần phải làm. Đống chén dĩa màu ‘beige’ không có gì nổi bật. Chúng tôi đập chúng thành từng mảnh vụn, nghỉ một lúc để ăn trưa, rồi đập thêm một số nữa vào buổi chiều. Chúng tôi bị trầy xước vài ba chỗ, nhưng không thèm để ý. Chúng là những vết rộp của tính cần cù, những dấu thánh của lòng tận tụy. Chúng tôi khám phá ra thú vui của sự phá hủy không kiềm chế, không hạn định, niềm vui vô tận của việc biến một vật thành không-còn-vật-gì-nữa. Điều này hồi đó là mới mẻ với chúng tôi. Bây giờ thì hết rồi. Bây giờ chúng tôi biết đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất của tuổi thơ mình, có lẽ của cả đời mình. Và khi chúng tôi trở lại bãi rác, một lúc nào đó sau này, và tìm thấy rác mới ở đó, những thế hệ đồ phế thải mới, chúng tôi biết rằng ở bên dưới tất cả những thứ đó là những mảnh vụn của chúng tôi, rằng chúng tôi có thể tiếp tục khuôn nắn ra chúng chừng nào chúng tôi còn sống, rằng chúng tôi sẽ luôn nhớ đến cái ngày, lần đầu tiên, mình đã đập vỡ sự lành lặn có giới hạn.
 
* Theo nguyên tác tiếng Anh “Smithereens” trong tạp chí The New Yorker, 30 tháng 8, 2017.
* Aleksandar Hemon là nhà văn Mỷ gốc Bosnia ,sinh năm 1964..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét