3 thg 11, 2017

CON TIN - Chuyện Ngắn


♦ Chuyển ngữ:
♦ 
author-amelia_gray
Amelia Gray, sinh năm 1982, người Mỹ, là tác giả của năm tiểu thuyết và tập truyện ngắn. “Con Tin” (“The Hostage”) là một trong những truyện nằm trong nhóm truyện chớp (flash-fiction) mà New Yorker chọn đăng mùa hè vừa qua.

Thoạt đầu không ai biết phải làm gì. Những mảnh giấy gửi tiền bay lả tả xuống nền nhà. Một người đàn ông chạm tay vào riềm chiếc mũ dã cầu để biết chắc nó vẫn ở đó. Tên cướp nhà băng cũng có vẻ bàng hoàng không kém. Đông người quá. Hắn nhận ra điều đó, dù có chuẩn bị kỹ mọi thứ, hắn vẫn quên béng chuyện thiên hạ ùa ra giờ tan sở buổi chiều.
“Giơ tay lên,” hắn nói, và mọi người ngần ngừ làm theo. “Bây giờ tất cả quý vị là con tin.”
“Chúng tôi không muốn làm con tin,” người nào đó nói.
“Chuyện này nó phải như thế,” tên cướp nhà băng nói. “Tôi vào đây thì tất cả quý vị thành con tin hết, tôi lấy một ít tiền rồi đi, sau đó quý vị lại được tự do.”
“Chúng tôi sợ,” người nào khác nói.
Tên cướp hiểu – hắn cũng sợ.
Một bà nhân viên quơ cánh tay, lúc này đang còn giơ cao khỏi đầu. “Tôi sẽ là con tin,” bà ta nói.
“Bà đã là một trong những con tin rồi,” tên cướp nói.
“Vậy thì mọi người có thể vào ngồi trong nhà kho cũ,” bà nói. “Ở trong đó không có cách nào kêu cứu được, mà cánh cửa thì lại bằng sắt nặng. Như vậy nghĩa là sẽ ít người để làm hư chuyện. Còn tôi thì có thể điều hành mọi thứ ở ngoài này.”

Kế hoạch hay ho ấy khiến tên cướp cảm thấy nhẹ bớt mặc cảm làm hư chuyện vì đi ăn hàng ngay giờ tan sở. “Bà có chắc là không có nút báo động hay điện thoại khẩn cấp nào trong đó không?”
“Cái kho đó một trăm năm rồi,” bà nói. “Muốn gọi điện thoại từ đó ra cũng chẳng được.”
Đám con tin quay qua để xem tên cướp sẽ nói gì. Hắn chuyền khẩu súng từ tay này sang tay kia.
“Được,” hắn nói.

Cả đám con tin lặng lẽ lũ lượt kéo nhau đi về phía cái vòm nhà kho cũ  kỹ. Có rất nhiều chỗ cho họ đứng ngồi thoải mái. Bà nhân viên vặn cái bánh xe sắt để khóa cửa kho nhốt đám người trong đó. “Được rồi,” bà nói. “Bắt đầu làm việc.”
Bà dùng chìa khóa trong cái chùm gài ở vòng đeo ngang thắt lưng mở tất cả những ngăn thu ngân. Hắn nhìn bà dồn tiền vào cái túi vải len thô, một trong hai cái hắn mang theo cho mục đích ấy. Hắn mang ơn sự hiểu biết và trợ giúp của bà nhân viên, dầu có hơi thấy không ổn vì bà giúp một cách dễ dàng quá.
“Bà có gài bọc thuốc nhuộm trong đó không đấy?” hắn hỏi.
Người đàn bà xoay qua nhìn hắn, và hắn ngạc nhiên khi thấy câu hỏi của hắn dường như làm bà ta tổn thương. “Tôi không bao giờ làm thế,” bà nói. “Điều gì đã khiến anh nói vậy?”
“Xin lỗi.” Hắn cố nghĩ xem điều gì đã khiến hắn nói ra câu ấy; có lần hắn thấy bọc thuốc nhuộm trong một cuốn phim, hắn biết nó sẽ nổ tung và tạo ra một đống bầy nhầy phát khiếp. Còn quá nhiều điều về chuyện cướp ngân hàng mà hắn không biết, và cứ mỗi khoảnh khắc trôi qua là lại một cơ hội bộc lộ sự ngu ngốc của hắn.

Dường như nhận ra sự ngập ngừng của hắn, người đàn bà nhón một cái bút từ một trạm thu ngân, lăn trên mặt quầy về phía hắn. “Tại sao anh không ngồi xuống đó thảo một lá thư chọc quê tụi cảnh sát,” bà nói. Bà chỉ về phía những cái bàn viền quanh hành lang của các viên chức cho vay tiền mua nhà.
Hắn kéo chiếc ghế bọc da phía sau một bàn giấy và ngồi xuống. Hắn cảm thấy khôi hài khi ngồi ở bàn giấy mà lại mặc áo quần lao động đen đúa. Tên cướp không nhớ lần cuối cùng hắn ngồi sau bất cứ một chiếc bàn giấy nào, và hắn biết chắc là chưa bao giờ ngồi bên chiếc bàn nào đẹp như thế này. Hắn nhìn đăm đăm trang giấy trắng. Hồi còn đi học, hắn chả bao giờ để ý đến chuyện viết lách; dù hắn biết hắn cũng có điều gì đó để nói ra, nó khiến hắn cảm thấy khó chịu. Hắn đặt khẩu súng vào cái khay đựng những thư tín gửi đi và xô vào một cái hộp, đổ tung kẹp giấy ra bàn.
Người đàn bà nhận thấy hắn đang gài những cái kẹp giấy vào với nhau. “Anh có thể bắt đầu bằng, ‘Đù má tụi bay, đồ heo nọc, những thằng đéo ngu xuẩn,’” bà nói. “Hoặc là, nếu anh muốn khiêu khích hơn chút nữa, thì anh có thể thử thế này, ‘tao là tướng cướp đù mẹ ác ôn đây và tụi bay phải biết như thế.’ Tùy theo anh muốn dùng giọng điệu nào.”
“Tướng cướp đù mẹ ác ôn,” hắn lẩm bẩm, rồi viết xuống.
“Không có chi.”
“Ừ,” hắn nói, hơi bực mình. “Cảm ơn bà.”
Hắn viết “Tướng Cướp Đù Mẹ Ác Ôn” ở đầu trang giấy, rồi viết đi viết lại, thử nhiều kiểu chữ khác nhau và điền kín trang giấy bằng những hàng chữ đan móc vào với nhau. “Tướng Cướp Đù Mẹ Ác Ôn” – quả là một cụm từ nghe được. Có thể hắn sẽ phải tạo ra một họa kiểu với cụm từ ấy, chúng sẽ làm nổi bật điều hắn muốn nói. Mà hắn tính nói lên điều gì đây nhỉ? Hắn nhận ra là thực sự hắn đâu có nghĩ đến chuyện viết thư trước khi bà nhân viên gợi ý cho hắn.

Một lát sau, bà nhân viên từ quầy đi ra để nhận cái bao thứ nhì của hắn.
Bà nhòm qua vai hắn để nhìn tờ giấy, bây giờ đã có đầy hình ảnh phác họa mà hắn ngoáy ra. “Muốn tôi viết dùm không?” Bà ta hỏi.
Hắn đưa tờ giấy cho bà ta và đứng trơ ra, đầy ngạc nhiên để thấy mình đang bực bội với cái người dường như chỉ muốn giúp hắn. Đi về phía một trong những cửa sổ trên cao, hắn thấy vài xe cảnh sát bắt đầu tụ lại. “Chắc tôi phải đi thôi,” hắn nói.
Bà ta đi ngược về phía quầy với tiếng thở dài đầy ám chỉ và bắt đầu dồn tiền vào cái bao thứ nhì. Hắn nhìn bà tìm tòi gì đó quanh những tủ hồ sơ. Bên ngoài, cảnh sát đang bắt đầu dàn chướng ngại vật.
“Tôi cố gắng làm nhanh hết sức mình,” bà nhân viên nói. Giọng có vẻ giận dữ. Tôi phải viết cái thư ngu ngốc cho anh, dồn đống tiền này vào bao rồi sắp xếp mọi chuyện. Chỉ có mỗi một mình tôi.”
“Tôi có nói gì đâu.”
“Rõ ràng là đâu phải chuyện của tôi,” bà nói. “Tôi thấy cái trò này hàng triệu lần rồi. Các anh vào đây hốt một ít tiền rồi kiếm đường tẩu thoát. Tôi nói đúng không?”
“Bà chính là đồ chó cái đã xung phong.”
“Trời,” bà nói. “Chắc tôi đã lỡ miệng nói gì để bị rủa như thế đấy.”
Giọng điệu của bà giống hệt như của mẹ hắn, cái giọng hắn thấy không lạc đi đâu được.
“Hay là bây giờ bà đi đi thôi, vào trong kho ấy,” hắn nói. “Bà đã giúp tôi xoay sở. Tôi cảm ơn bà. Để tôi lo phần còn lại được rồi.”
“Thật ư,” bà nói. “Anh nghĩ tôi để anh hoàn tất một mình ư? Tôi đã giúp anh nhiều đến mức đâu có thể bỏ rơi anh được nữa. Đã làm thì làm đến nơi đến chốn.” Bà quăng cọc tiền cuối cùng vào cái túi, mạnh đến nỗi nó trượt khỏi mặt quầy, tung tiền giấy ra đầy sàn nhà.
Hắn quay lại cửa sổ. Chỉ cần hắn tránh bà ta, chuyện sẽ qua nhanh thôi.
Miệng lẩm bẩm, bà cúi xuống gom đống tiền. Ít ra, bà nghĩ, hắn cũng phải biết giúp bà một tay khi cái bọc rơi xuống. Nghĩ đến tha nhân rõ ràng không phải là cá tính của hắn. Bà thật chán thái độ của hắn: khả năng không nói ra được điều mình nghĩ, sự thiếu tự tin đầy u ám của hắn, sự thiếu cương quyết khi đương đầu với cả con tin lẫn cảnh sát. Hắn không có quan điểm hay một chiến thuật tẩu thoát, hài lòng khi đang ở giữa chốn u minh. Thực là bi đát.

Khi hắn đi đến quầy, cái nhìn trống rỗng trên mặt hắn làm bà muốn nôn mửa; cái nhìn của một kẻ hoàn toàn không hiểu gì về tương lai chứ đừng nói chuyện đương đầu với nó.
“Cái gì?” hắn hỏi.
Bà chuồi bao tiền qua mặt quầy và dang hai tay, đổ trào xuống hắn toàn bộ cường độ của sự khinh miệt. “Anh bắn mẹ nó cho tôi một phát cho rồi,” bà nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét