17 thg 11, 2024

Chữ nghĩa làng văn Kỳ 15/11/2024 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn 


***


Chữ nghĩa địa danh


Một vị nghiên cứu địa danh miền Nam tới một tên là lạ, thì hỏi người địa phương. Thí dụ như từ Ninh Bình cho tới Quảng Bình có những tên Lòn, Luồn, Ròn...không phải là cái hang phải đi luồn mãi trong đó.  Vì người Thanh Hóa không phát âm là lòn mà phát âm là cái... Yoni, là sinh thực khí của người Chàm.

Vì đất Thanh là đất cũ xưa của Chiêm Thành.


(Tự điển dân gian - Chân Diện Mục)


Tìm lại tam cúc


Ông bạn đã quá cố của tôi, Lê Đình Điểu, bút hiệu Y Dịch, là người thuộc thế hệ của tôi, thế hệ của dân di cư từ Bắc vô Nam. Khi đó chúng tôi khoảng 15 hay 16 tuổi, đứa đã biết yêu, đứa thập thò chuyện gái trai. Y Dịch không biết khi đó đã yêu hay vẫn còn  đỏ mặt trước những vưu vật khác giống, chẳng rõ. Ba năm sau, năm 1957, khi đã ấm chỗ ở Sài Gòn, vẫn còn là một học sinh bậc trung học, anh viết bài thơ “Tốt đen”. Những câu thơ đầu, anh diễn tả rất hồn nhiên hoạt cảnh đánh bài tam cúc của hai cô cậu còn rất…học trò.

-Tốt đỏ mà đè tốt đen

Kết nhất bội nhị là em phải đền

-Ứ ừ, người ta đang đen

Không thèm chơi nữa, giả tiền tôi đây

-Ơ ơ, bêu chửa cô này

Bị đè còn khóc giơ tay đòi tiền

Có gan để kết tốt đen

Tất có gan để chịu đền chứ sao?

-Ừ sao, sao ở trên cao

Người ta thua mất sáu hào, hai xu!

Mưa phùn trông như sương mù

Mắt em như có sương mù đọng mi

Chiếu điều xô chẳng nói gì,

Cỗ bài vung vãi rơi đi đâu rồi?

-Thôi đây, (anh thấy em cười)

Giả em tất cả. Cười tươi lên nào!


(Song Thao)


Chữ nghĩa  lơ mơ lỗ mỗ


Trong Ỷ thiên đồ long kiếm của Kim Dung có câu nói để đời của Minh giáo chủ: Đời chẳng có gì vui, chết chẳng có gì buồn”.


Hoành phi - trướng


Hai chữ, hoặc ba, bốn chữ đề treo ở thư phòng, viết ngang gọi là hoành phi, hay tắt là hoành, viết dọc gọi là trướng .
Hoành hay trướng để mừng hay phúng, ngoài những câu tâng bốc hoặc tiếc thương như hạc giá tiên du, nếu sự chủ có thể làm đề tài cho những người đàm tiếu hoặc bới móc, thì những tay chơi chữ hay dùng điển tích sâu xa, hoặc lối nói lái hiểm hóc.


Chơi chữ

Quần thần là bày tôi, bày tôi là ... bồi tây.

(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)


Chân dung Văn học Nghệ thuật & Văn hóa


Dự định khởi đầu là một bài viết về cố tri, nhưng rồi không tránh được, chữ của Ngô Thế Vinh, “như một flashback, có thêm những khúc phim trắng đen ngắn của hồi tưởng rất chung và cả rất riêng tư, khá rời rạc đổ tràn theo những trang viết.”

Cứ thế đổ tràn, cứ thế tuôn ra ào ạt để ngày hôm nay độc giả chúng ta có cuốn sách cầm trên tay với 18 chân dung gồm 13 nhà văn, nhà thơ, nhà báo (Mặc Đỗ, Võ Phiến, Mai Thảo, Linh Bảo, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Như Phong Lê Văn Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Xuân Hoàng, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn); ba họa sĩ (Nghiêu Đề, Đinh Cường, Nguyên Khai); và hai nhà văn hóa, hai trí thức khoa bảng đáng kính bậc nhất của Việt Nam: Bác sĩ y khoa Phạm Biểu Tâm và giáo sư, nhà sinh học thực vật Phạm Hoàng Hộ.


Sự chọn lựa các chân dung đưa vào sách hiển nhiên là chủ quan bởi danh sách văn nghệ sĩ và nhà văn hóa hàng đầu của dân tộc trong vòng hơn nửa thế kỉ qua dài hơn thế nhiều. Chủ quan bởi yếu tố quan trọng nhất vẫn là mối quan hệ thân thiết giữa tác giả và những nhân vật được chọn. Ngô Thế Vinh bộc bạch điều này cũng với nhà văn Phùng Nguyễn: “… nhưng yếu tố quan trọng nhất là do tôi đã có mối liên hệ quen biết và thân thiết trước đó; và cũng từ đó tôi đã có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tư liệu cá nhân và cả những điều khá riêng tư.”


(Trịnh Y Thư) *


* Trịnh Y Thư tên thật Phạm Ngọc Minh, sinh năm 1952 tại Hà Nội lớn lên ở Sài Gòn. Du học tại Hoa Kỳ thập niên 70 hiện ở California USA
Cựu chủ bút tạp chí Văn Học tại Hoa Kỳ (từ 1990-1994) bài viết trên Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Nhân Văn, Thế Kỷ 21... 
Tác phẩm đã in : Chỉ là đồ chơi – Nguời đàn bà khác - Ðời nhẹ khôn kham (tiểu thuyết dịch của milan kundera)


Đạo 


Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà


Chiêu niệm người đã khuất


Vũ Hòang Chương


Cuối năm 76 anh Vũ Hoàng Chương "về ngôi". Tháng ba 1976 bọn Cộng Sản Hà Nội mở chiến dịch bắt giam văn nghệ sĩ Sài Gòn. Anh Chương ở trong số những người bị bắt ngay đêm đầu tiên (sic). Chừng sáu tháng sau chúng cho anh về. Lúc này anh chị Chương về ở một căn nhà nhỏ vùng Khánh Hội, gần nhà chị Đinh Hùng. Anh Chương về được năm, sáu ngày thì qua đời. Anh em chúng tôi tên nằm trong tù, tên còn ở ngoài thì ngày đêm chờ đợi công an Việt Cộng đến còng tay đưa đi. Gần như chẳng ai biết anh Chương được về. Nhiều người biết tin anh mất rất lâu sau ngày anh mất. Khi ấy tôi chưa bị bắt..

Tôi nhớ một buổi tối chừng ba, bốn tháng sau ngày 30 Tháng Tư, tôi gặp Hoài Bắc Phạm Đình Chương trên đường này, chúng tôi ghếch xe đạp lên vỉa hè đứng nói chuyện với nhau. Hoài Bắc kể:
- Trần Dần nhắn người vào nói với Vũ Hoàng Chương: "Thơ của anh, và thơ của anh Hùng không bao giờ mất được."
Anh Hùng đây là Đinh Hùng. Và đúng như lời Trần Dần, Thơ Vũ Hoàng Chương không bao giờ mất được. Hai mươi năm sau những tập Thơ Mây, Thơ Say, Hồi Ký Ta đã làm cho đời ta của Vũ Hoàng Chương ngang nhiên xuất hiện và chiếm những chỗ quan trọng trên những giá sách Sài Gòn.

(Hòang Hải Thủy)


Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả


“giơ: trục bánh xe bị giơ  → không viết: dơ, rơ”. 

(Nguyễn Văn Khang)


Nếu các bộ phận không ăn khớp với nhau, thì phải viết “rơ” 

Nếu “ăn giơ” nghĩa “ăn bẩn” thì phải viết “dơ” (ăn dơ).

Nếu “ăn giơ” nghĩa “thoả thuận với nhau, thì phải viết “rơ” (ăn rơ; Pháp: jeu = trò chơi). 


Thanh Tịnh, cuộc đời Ngậm ngải tìm trầm 


Tôi đạp xe với bạn dong nhan các phố. Anh nhâm nhi vại bia bên mấy củ lạc. Anh kia nữa thành kính ngồi nghe một bài hát dân ca theo chương trình ca nhạc theo yêu cầu thính giả sáng chủ nhật. Vào những ngày tết, bên cạnh bánh chưng xanh và những hộp mứt ọp ẹp cung cấp theo ô phiếu, thì lại vẫn còn những cành hoa đào Nhật Tân bán trên Hàng Lược. Có lẽ đời sống văn nghệ của chúng tôi mà được phát triển, thì lý do cũng tương tự thế chăng, chỉ biết trông vào những số báo tết, cũng có chút tươi tỉnh lên thật. Trên trang thơ, Xuân Diệu cho đăng những bài thơ tình tha thiết và đôi khi hơi buồn nữa, mà có thể là ông làm đã từ lâu, nhưng chỉ vào các dịp Tết mới tìm thấy lý do công bố. 

Tế Hanh đứng tên sau các bài thơ viết về con. Còn nhà hùng biện Chế Lan Viên thì trưng ra một nét mặt mới: thay cho các bài thơ chính trị, là thơ về hoa, về quả, hoặc thơ về… thơ. 


Chính trên cái nền rộng rãi ấy mà Thanh Tịnh trong những dịp Tết trở lại với cái nghề cũ của mình là nghề làm báo, và đặt bên cạnh bọn ngọng nghịu chúng tôi, thì đấy vẫn là một tay nghề có hạng. Hoàn cảnh những năm chiến tranh đã tập cho chúng tôi một thói quen là không sưu tầm gìn giữ gì hết, gia đình tôi cũng chật hẹp như mọi nhà, nên chả làm sao giữ được những số Văn nghệ Quân đội mà tôi đã góp phần làm trong hơn chục năm từ 1968 đến 1979, nhưng mỗi lần có dịp thấy lại những số báo ấy, nhất là những số Tết dày dặn hơn một chút, màu sắc loè loẹt hơn một chút, thì tôi lại nhớ ngay đến Thanh Tịnh. 


Chút quà mọn là những số báo của chúng tôi, hình như là quá bé bỏng so với cái vóc vạc cao lớn của ông, nhưng ông đã đổ vào đấy tất cả tâm sức, và bên tai tôi lại vẳng lên tiếng nắc nỏm của Nguyễn Minh Châu: - Trông kìa, cụ Tịnh chắc đã viết được hơn chục bài rồi… Ở nhà này, về khoản làm báo, cánh cầm bút lớp sau cứ gọi là xách dép cho cụ Tịnh cũng không đáng!


(Vương Trí Nhàn)


Tiểu sử : Thanh Tịnh (1911-1988), tên thật là Trần Văn Ninh (6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh). Ông sinh ngày 12- 12-1911 tại xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô Huế. Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán đến năm 11 tuổi, và trung học ở Huế.

Ông viết văn, làm thơ và cộng tác với các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh Nghị.

Thanh Tịnh mất ngày 17-7-1988 tại Hà Nội. Hiện phần mộ ông đặt tại núi Thiên Thai phía Tây thành phố Huế.

Tác phẩm : Quê mẹ (truyện ngắn, 1941), Chị và em, Ngậm ngải tìm trầm, Thơ ca, Thanh Tịnh đời và văn.


Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả


“chét: chét cho kín các khe hở. → không viết: trét”. 

(Gs Nguyễn Văn Khang)


Viết “trét” không sai, thậm chí “trét cho kín” mới chuẩn chính tả. 


(Hòang Tuấn Công)


Chữ nghĩa làng văn xóm chữ - 1


Bạn đọc trẻ ngày nay, nhất là người không theo sát thời sự văn nghệ Hà Nội, khó bề tưởng tượng được ảnh hưởng của loạt thơ này trong quần chúng qua nhiều thập niên cuối của thế kỷ trước. 

Song song với thơ Xuân Sách là thơ hài hước Bút Tre thời đó, vừa đùa với ngôn ngữ, vừa phản ánh thời thế. Thơ Bút Tre giàu chất hài hước, thơ Xuân Sách nặng phần thế sự, qua lăng kính văn học. Đặt thơ Xuân Sách vào thời điểm của tác phẩm, nhất là sau vụ án  xét lại, mà hú hồn cho những câu (trong bài 69) :

Nhà càng lộng gió, thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây.


Ám chỉ Tố Hữu, tác giả các tập thơ Gió Lộng (1955-1961) và nhất là Việt Nam, máu và hoa (1972-1977). Ai cũng biết anh Lành không phải là người hiền lành giữa một thời cuộc không hiền lành.


***

Thơ Xuân Sách, có giá trị văn học đặc biệt, trong một xã hội không có bình luận văn học thật sự. Ngành phê bình lý luận thời đó – có lẽ cho đến bây giờ – chăm chăm một việc: bảo vệ, phát huy “tính đảng”, trên những cơ quan truyền thông hoàn toàn do chính quyền quản lý. Thơ Xuân Sách đùa vui, thường thường là nhẹ nhàng, 99 bài thơ ngắn ngủi của Xuân Sách, trong bối cảnh lịch sử, và lịch sử văn học miền Bắc thời 1982-1992 là một chứng từ quan trọng, quý hóa, và tương đối đầy đủ, như một bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.


(Chân Dung Xuân Sách - Đặng Tiến)


Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả


“dặm: hát dặm. → không viết: giặm”. (Nguyễn Văn Khang)


Viết “giặm” không sai. Là lối hát dân gian ở Nghệ Tĩnh.


(Hòang Tuấn Công)


Chữ nghĩa làng văn xóm chữ - 2


Ưu thời mẫn thế, Xuân Sách ghi lại đôi nét phôi pha về Phù Thăng, ông ghi lại nét thời đại nhiều hơn là cá tính đương sự.

Như với Vũ Trọng Phụng :

Đã đi qua một thời giông tố
Qua một thời cơm thầy cơm cô
Còn để lại những thằng Xuân tóc đỏ
Vẫn nghênh ngang cho đến tận bây giờ 

(bài 45)


Dĩ nhiên là có nhiều bài nhắm trực tiếp vào cá nhân đương sự, về tư cách hay văn chương, như câu thơ dành cho Tố Hữu đã trích dẫn. Hay đoạn thơ về Chế Lan Viên sắc cạnh :

Điêu tàn ư ? Đâu chỉ có điêu tàn ?
Ta nghĩ tới vàng sao từ thuở ấy,
Chim báo bão, lựa chiều cơn gió dậy
Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa

(bài 10) 


(Chân Dung Xuân Sách - Đặng Tiến)


Xuân Sách tên thật Ngô Xuân Sách. 

Bút hiệu khác: Lê Hoài Đăng.

Tác phẩm: 

Tác giả 4 tiểu thuyết, 4 tập truyện, 4 tập thơ.

Trong 4 tập thơ có: Nơi đi và đến, Người ơi, người ở lại, Cõi người và Chân dung nhà văn


Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả


“dọi; dọi đèn pha. → không viết: rọi”. (Nguyễn Văn Khang)


Viết “rọi” mới đúng. Vì “rọi” trong “rọi đèn pha” chính là “rọi” trong “soi rọi”.  Rọi đèn pha. Ánh nắng rọi qua khung cửa”.


(Hòang Tuấn Công)


Về Xuân Sách…


Nghĩ đến đây, tôi lại giật mình thấy ông có cái gì giống Khuất Nguyên ngày trước. Cả cuộc đời say, đủ kiểu say, chỉ có mình ông tỉnh. Bậc hiền nhân ấy không tránh khỏi một nỗi lòng tâm thế: Đi từ sáng sớm mưa như trút / Một chút mặt trời báo buổi trưa / Rồi đường lại xoá mờ trong nước / Đi hết ngày mà chưa hết mưa (“Mưa trên lộ bốn”). 


Tôi quay sang hỏi vị nhân giả Nguyễn Hòa, rằng tại sao lại là lộ bốn, mà không là lộ một, lộ hai, hoặc không thì cũng lộ năm, lộ sáu...? Nhân giả ấy vẫn trầm mặc, tịnh không một lời nào. Cái trầm mặc như một dấu ba chấm (...). Câu trả lời nằm trong dấu ba chấm ấy. Con “lộ” đó không tiện nói ra... 


Cả cuộc đời đục, vậy cho nên cái trong trắng, thanh tân chỉ dám loé lên trong khoảnh khắc rồi tắt ngấm. Ông đã viết như thế trong bài “Hoa Quỳnh”: Hoa Quỳnh tên đẹp vậy em / Mà sao chỉ nở giữa đêm một lần / Thưa rằng trinh trắng thanh tân / vậy nên “ngắn ngủi có ngần ấy thôi”. Ngoài cái sự say / tỉnh, đục / trong ấy ra, cuộc đời này thiếu gì kẻ... lỡ tàu. Song với những người như ông, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi, rằng không biết ông là người lỡ tàu, hay chính con tàu kia mới là kẻ đã lỡ mất ông, lỡ mất những người như ông? Muốn đi cho đến vô cùng / Mà con tàu đã dội dừng sân ga (bài “Qua Hải vân”). 


Đến đây, trước khi chìm vào một cơn say, hình nhân tôi lại giật mình một lần nữa khi bỗng nhận ra, rằng ông chính là người mà thời gian đã kịp “nấu” thành... cao, một thứ “cao” giống như cao hổ cốt. Tôi đã đọc ông từ nhỏ. Song phải đợi tới bây giờ, phải tìm đến ngồi bên ông, tôi mới may mắn được thưởng thức món “hổ cốt” văn chương ấy mà cuộc đời rất hiếm khi luyện được, luyện được rồi thì lại đem cất kĩ, chỉ khách quý mới mang ra đãi mà thôi.


(Phạm Lưu Vũ) *


Tiểu sử 

Tên thật: * Phạm Khắc Lưu, bút danh khác: Vũ Phong Lưu - Sinh năm 1957 tại  Nam Định

Tác phẩm

Bữa tiệc nhân sinh - Vai diễn cuối cùng - Chuyện Làng Kinh - Sự tích núi Mồ côi - Gã động kinh - Chính danh - Ngón tay Phật Tổ - Nhà hiền triết


Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua 


Kết luận của giáo sư Nguyễn Văn Trung


“Qua những chứng từ trích dẫn kể trên, ai nấy đều thấy việc nhận định đánh giá văn học, văn hóa miền Nam của những người miền Bắc và phản ứng của những người miền Nam từ 1916 (vụ Phạm Duy Tốn, cụ thể xảy ra những vụ sớm hơn nữa, mà chúng tôi chưa tìm ra) đến 1985 vẫn giống nhau. Điều đó cũng cho thấy những thái độ văn hóa này không tùy thuộc các thế hệ, các ý thức hệ tư tưởng, thể chế chính trị... nhưng bị quy định bởi những yếu tố mà chúng tôi gọi là yếu tố địa lý chính trị.

Vấn đề chúng tôi nêu lên là một mảng văn học bị bỏ quên vì không biết đến (1) và bị bỏ qua vì có biết nhưng do một đánh giá phê phán nên đã không thèm xét đến.


Giả sử miền Nam hồi 1939-1940 có những Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Hoài Chân thực hiện những bộ Văn học sử Việt Nam, Nhà văn hiện đại, Thi nhân Việt Nam, trong đó giới thiệu những nhà văn nhà thơ ở miền Nam ít ra cũng bằng số lượng các nhà văn nhà thơ miền Bắc, dĩ nhiên đây là một giả thuyết không thể có nhưng nêu lên để thử tìm hiểu nguyên nhân tại sao đã không thể có, có lẽ sự kiện bỏ quên bỏ qua vẫn xảy ra, vì thế điều cốt yếu ở đây không phải chỉ là trình bày, chứng minh mảng văn học có đấy, phong phú về số lượng, mà là có chứng minh được vai trò lịch sử của nó về mặt biểu lộ lòng yêu quê hương, gắn bó với đòi hỏi thống nhất đất nước, bảo vệ văn hóa dân tộc, và giá trị nghệ thuật của nó, dựa vào những tiêu chuẩn khác mà thôi. Những người như Phạm Quỳnh đã chỉ chú trọng vào cái phẩm, không phải cái lượng, nghĩa là vào ý nghĩa, giá trị nên không thể chịu thuyết phục nếu bây giờ chúng tôi chỉ làm việc phục hồi mảng văn học này về số lượng...


(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)


(1) Thực ra, ngay mảng văn học ở miền Bắc thời kỳ này, nhiều tác giả cũng bị bỏ quên, như trường hợp tiểu thuyết trinh thám: không phải đến Phạm Cao Củng, Thế Lữ mới có, mà đã có những tác giả đi trước Thế Lữ, Phạm Cao Củng từ 10 năm trước như: Nguyễn Trọng Dương "Chết sống thuyền quyên", truyện trinh thám, Hanoi Imp. Nghiêm Hàn 1923 154 trang. Phải chăng vì người ta đã chỉ căn cứ vào Vũ Ngọc Phan, rồi người nọ cứ nói theo người kia, thế thôi, không chịu đi tìm những nguồn khác?


Chữ Nho, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ


Sao các cụ ta xưa học chữ Tàu, đi sứ sang Tàu nói họ không hiểu phải dùng bút đàm? Xin thưa: 

Chữ Hán là tiếng nói của người Hoa Hạ ở phía Bắc Trung Quốc. Người Quảng Đông, Quảng Tây ở phía Nam lại nói khác nên phát âm chữ Hán bị biến dạng, ta học chữ Hán qua ngươi Quảng Đông giọng ta lại khác hẳn nên phát âm càng bị sai lạc thêm. 

Các sứ thần ta sang Trung Quốc nói người Bắc Kinh họ nghe không hiểu, chỉ còn cách lấy bút ra viết họ phải xem chữ mới hiểu.

Ngay khi ta giao thiệp với sứ thần Cao ly, Nhật Bản ta cũng phải dùng bút đàm họ mới hiểu được. Ngay người Thượng Hải, Quảng Đông giọng khác nói tiếng Bắc Kinh, người Bắc Kinh nghe cũng không hiểu kia mà. 

Sau khi nước cộng sản Tàu ra đời, nhà nước quy định:

Tiếng Bắc Kinh là tiếng phổ thông, đã có bản hướng dẫn phát âm cho học sinh từ tiểu học trở lên. Như vậy ngày nay dù người Tàu các vùng miền khác nhau, cho đến người nước ngoài học tiếng Bắc Kinh đều phát âm chuẩn xác. Con cháu các cụ Việt Nam bây giờ học tiếng Tàu, sang Tàu đến đâu nói gì họ đều hiểu cả không phải dùng bút đàm như các cụ ta đi sứ thưở xưa nữa.


(Vũ Anh Tuấn)


Bánh đúc lạc


Món bánh đúc mà người dẫn xứ Hà thành quen ăn được làm rất đơn giản và không đắt để chuẩn bị nguyên liệu cho một nồi bánh ngon nhưng công sức bỏ ra để làm được một tấm bánh lại không hề ít, nó phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ và đòi hỏi sự khéo léo, nhiều kinh nghiệm của bàn tay người chế biến. 

Có rất nhiều cách làm bánh đúc nhưng cơ bản khi làm bánh đúc phải trải qua ba công đoạn đó là chọn gạo tẻ ngon ngâm với nước vôi trong khoảng một ngày thì vớt ra để ráo nước, sau đó nghiền nhỏ thành bột, hòa thêm một chút nước vôi trong vừa đủ để bánh không bị nồng và cuối cùng là khâu nấu bánh.


(Tuệ Phong)


Hủ tíu 


Ở Phnom Pênh, ngừơi Miên gọi món “phở nước” của người Tàu là “Ku Tíu”. 

Người Tàu mang món “Ku Tíu” này sang nước ta, ta gọi là hủ tíu


Chữ nghĩa làng văn


Chế Lan Viên


Cha tôi ngồi vào bàn, ngày ấy ít ai dám đến gần khi cha đang viết. Trên bàn đầy giấy và sách, lâu lâu bình mực quên không đậy đổ một lần, khi ấy loạn cả nhà. Không ngày nào cha không ngồi viết, cả khi gãy tay, bó bột, ngày trước, ngày sau đã nguệch ngoạc viết bằng tay trái


Đôi lúc tôi thấy, nghề văn như một cái ách, người ta lúc nào cũng áy náy lo âu, sợ mình chưa đọc đủ, chưa viết đủ; chưa viết xong lại thấy bực bội như thể có điều gì oan trái trong lòng chưa nói ra hết được. Và tôi nghĩ, có lẽ cha tôi chọn cho mình một cái ách nặng. 


(Phan thị Vàng Anh)


Tiểu sử: Phan Thị Vàng Anh là con của nhà thơ Chế Lan Viên . 

(Chế Lan Viên tên thật Phan Ngọc Hoan, chánh quán Quảng Trị).


(tranh Ngọc Dũng)


Phan Thị Vàng Anh rồi nổi tiếng về những bài văn xuôi “lơ lơ” và “đẹp”. Lơ lơ lửng lửng...Nhà văn Nguyễn Khải từng khen Phan Thị Vàng Anh một câu ngắn:  “Nguyễn Huy Thiệp mặc váy.”

Tác phẩm: Khi người ta trẻ (tập truyện), Ở nhà (tập truyện vừa)


Chơi chữ


Chơi chữ là dùng phương thức diễn đạt sao cho hai lựơng ngữ nghĩa khác hẳn nhau đựơc biểu đạt bởi cùng một hình thức ngôn ngữ, nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất chữ nghĩa. Càng làm phong phú thêm ngôn ngữ, văn chương Việt Nam . 

Đố chữ với chữ Nho 
Nhất diện lữơng mi 
Nhất sấu nhất phi 
Nhất niên nhất nguyệt 
Nhất nhật tam kỳ . 
(chữ “an”)


Con cu mà đậu nhánh mè 
Chữ thập, chữ tứ, nhất đè chữ tâm . 
(chữ “đức”)


Vài nét cổ truyền nghề gốm Bát Tràng


Những người dân làng nghề Bát Tràng vẫn truyền tụng cho nhau kinh nghiệm làm gốm từ ngàn đời "Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò". Câu nói này có nghĩa là đất làm gốm phải được nén chặt để đảm bảo độ rắn chắc cho sản phẩm; tiếp đó là kỹ thuật tạo lớp men phủ (men trắng, men lam, men nâu, men xanh rêu, men rạn); cuối cùng là kỹ thuật nung lò

Đất để làm gốm phải là đất sét mua từ làng Cổ Điển (Vĩnh Phúc) hoặc mua từ làng Dâu (Bắc Ninh). Hàng gốm Bát Tràng thời kỳ đầu là đồ gốm trắng, mãi về sau mới chuyển sang làm đồ đàn. 

Gốm đàn là loại gốm "xương" đỏ, miệng loe, mỏng và thấp. Nghĩa là người thợ làm "xương" gốm bằng đất đỏ, rồi mới lót một lượt đất trắng mỏng ra ngoài. Quy trình gia công này có công đoạn phải đàn cho "xương" và "da" gốm mỏng ra, do vậy mới gọi là đồ đàn. Đất đỏ làm đồ đàn phải mua từ Hồ Lao, Hồ Lễ (Hải Dương) hoặc mua của Thổ Hà (Bắc Giang).


(Phạm Phương)


Miền đông Nam bộ 


Chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi đến hạ lưu sông Mékong


Năm 1679, hai tướng nhà Minh không chịu hàng nhà Thanh nên đem 3000 quân xin tị nạn ở Đàng trong. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cho họ vào Thủy Chân Lạp, Dương Ngạn Định đồn trú ở Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên định cư ở Cù Lao Phố. (1).

Ở Mỹ Tho, phó tướng của Dương Ngạn Định làm lọan, đánh Chân Lạp, vua Nặc Ông Thu ly khai với nhà chúa. Chúa Nguyễn tiến đánh Nam Vang, giết phó tướng của lọan quân và bắt vua Chân Lạp đem về Sài Gòn. 

Lúc ấy Nặc Ông Nộn đang cai quản vùng Đồng Nai-Mỏ Xòai được chúa Nguyễn đưa về Chân Lạp làm vua.


Đồng Nai-Gia Định đã yên ổn vững vàng, chúa Nguyễn Phúc Chu lập 2 dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Định) và lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Nhà chúa mộ thêm lưu dân từ Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) vào đây sinh sống, và được chia đât lập làng xã.


***

Đồng thời nhóm Mạc Cửu cũng xin dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn. Con cháu của Nặc Ông Nộn lại được chúa Nguyễn lên ngôi vua (1756), nên xin dâng thêm đất Trà Vinh, An Giang. Chúa Nguyễn đặt Rạch Giá thành đạo Kiên Giang, Cà Mau thành đạo Long Xuyên, lập đạo Tân Châu (ở Tiền Giang), và đạo Châu Đốc (ở Hậu Giang). Nhờ vậy đất đai của nhà chúa tỏa rộng từ Tiền Giang, Hậu Giang đến vịnh Xiêm La. Hay nói khác đi, giờ đây đất đai của Thủy Chân Lạp đã thuộc về nhà Nguyễn. 


(Trần Văn Miêng)


(1) Cù Lao Phố là một cù lao lớn nổi lên trên sông Đồng Nai, nằm ở phía đông-nam thành phố Biên Hòa (nay là xã Hiệp Hòa). Dù xa biển, nhưng nơi đây sông sâu nước chảy nên được khai thác thành thương cảng (hay thành phố) rất phát đạt.

Năm 1777, quân Tây Sơn đánh Cù Lao Phố, người Hoa kéo nhau về Chợ Lớn (2) lập thành phố khác. 

(2) Theo Hùynh Tịnh Của: Sài Gòn ngày xưa là từ dùng để chỉ Chợ Lớn hiện nay.


Để nhớ lại một thời


Xích lô một thủa - 1


(Xích lô đầu năm 1940 có hình dáng thấp và đường nét khác xe xích lô sau này -Nguồn: Southeast Asian Indochine)


Ký giả Charles Sidilaire đăng trên tạp chí Đông Dương số tháng 4/1952 về nghề phu xích lô từ xa xưa. Tác giả ghi nhận rằng, dường như người phu xích lô không có một ước mơ lớn trong cuộc đời, chỉ mong kiếm sống hằng ngày với đôi chân gồng cơ bắp trên đường phố Sài Gòn-Chợ Lớn. Ðối với nhiều người trong đó có tôi, xích lô là phương tiện di chuyển quen thuộc. Vào những năm sáu mươi, nhiều tỉnh thành đã xuất hiện loại xe thô sơ này nhưng Sài Gòn vẫn là nơi để lại nhiều ấn tượng. 


Bởi Sài Gòn-Chợ Lớn trở thành nơi đầu tiên du nhập phương tiện xích lô thay cho hình ảnh người phu kéo xe lam lũ trước đó nhiều chục năm bằng một hình thức ít nhọc nhằn hơn. Theo bài báo “A look at the Pedi-Cab – King of Saigon streets”, Charles Sidilaire cho biết, Cyclo hay đơn giản là “Clo” là tiếng gọi phu xe quen thuộc của người Sài Gòn thuở xưa cách nay gần tám mươi năm.

(TN baotreonline)


Lịch sử người Hoa ở Cù Lao Phố 


Vào năm 1747, một nhóm người Phúc Kiến, đã muốn “tạo riêng một góc triều đình Trung Quốc” tại Cù Lao Phố.  Họ ở khu phố sầm uất này buôn bán, bàn luận với nhau, triều đình Huế ở quá xa. Lý Văn Quang họp đánh úp dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa sau này), giết chết Cẩn Thành Hầu là viên quan người Việt cai quản dinh. Sau đó Lý Văn Quang tự xưng vua, lấy tên là Giản Phố Đại Vương. chúa Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh cho Cai Cơ Tống Phước Đại đem quân đi dẹp. Từ Mô Xoài, quân nhà Nguyễn kéo vào Trấn Biên, phá tan và bắt giam Lý Văn Quang.


Cù Lao Phố chịu nhiều thiệt hại vào năm 1778, sau khi bị Tây Sơn phá hủy Cù Lao Phố (Biên Hòa), người Hoa đành chạy về vùng Phiên Trấn (tức Prei Nokor hay Sài Gòn), tức khu đã có làng Minh Hương, để sống gần đồng hương. Trịnh Hoài Đức mô tả : “Nơi đây biến thành gò hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước” 

Những người Minh Hương bồng bế nhau lánh nạn về Bến Nghé, và Phiên Trấn. Họ hợp với nhóm người Hoa Kiều tỵ nạn họa Tây Sơn từ Mỹ Tho, và những vùng khác, thành đợt di dân lớn, vào năm 1788, tới vùng mà sau này gọi là Chợ Lớn 

Chợ Lớn cũ


Họ dựng nhà lập chợ, biến vùng này thành trung tâm thương mại lớn nhất miền Nam sau này, khi Cù Lao Phố tàn tạ, còn Mỹ Tho dần bị Việt hóa.


(Huỳnh Thị Mỹ Nhàn)


Để nhớ lại một thời


Xích lô đạp một thủa - 2


Nhưng hãy từ từ chuyện xích lô máy để tôi tiếp tục chuyện xích lô đạp theo dòng sự kiện, mặc dầu xích lô gắn máy xuất hiện chỉ sau khi xích lô đạp chạy đầy Sài Gòn-Chợ Lớn chừng mười năm, tức là đầu thập niên bốn mươi. Thời gian trước đó, người Hà Thành và Sài Thành vẫn sử dụng xe kéo tay, khiến hai nhà văn Nguyễn Công Hoan viết cuốn “Ngựa người người ngựa” và Tam Lang Vũ Ðình Chí viết thiên phóng sự “Tôi kéo xe” để nói lên sự cùng cực của dân đen kiếm sống dưới thời thuộc địa.

Xích lô đạp thay thế xe kéo, thịnh hành và phát triển mạnh nhất ở Sài Gòn. Ðầu thập niên năm mươi, đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn có chừng 6,500 chiếc xích lô. Một số người phải thuê xe xích lô đạp kiếm sống vì nghề này cực nhọc nhưng mỗi ngày trừ chi phí thuê xe chừng 20 đồng Ðông Dương ra thì có thể kiếm 30 – 40 đồng để nuôi sống được gia đình. Do đó, ở Sài Gòn-Chợ Lớn xuất hiện nhiều nhà giàu đầu tư cho phu thuê xe hai ca sáng chiều.

(Xích lô đạp trên đường phố Sài Gòn 

năm 1961)


(TN baotreonline)



Võ Kỳ Điền với thảo mộc


Cây bo-bo


Đó là một loại cây rất tầm thường ở nước ta, thường mọc hoang và cũng có trồng, không ai thèm để ý tới. Cây bo bo thân thảo giống cây lau cây sậy, cao chừng cỡ cây mía, hột bo bo giống đậu nành, đậu chi chít thành chùm trên ngọn. Hột bo bo có thể thay cơm, thay cháo ăn đỡ đói khi thiếu thực phẩm. Người ta thường dùng để nấu chè ăn cho mát (sâm bổ lượng). 


Tiểu sử :  Võ Kỳ Điền tên thật: Võ Tấn Phước. Sinh ngày 31.10.1941 tại Dương Đông, Phú Quốc. Từ nhỏ đến lớn sống ở Bình Dương. Hiện ngụ cư tại Gia Nã Đại.
Tác phẩm : Kẻ đưa đường, Pulau Bidong, Miền Đất Lạ.


Thành ngữ tục ngữ…sai 


Có những từ Hán-Việt quan trọng trong câu thành ngữ bị GS bỏ qua khi dịch nghĩa làm mất đi cái hay, cái đẹp, hoặc khiến bản chất câu thành ngữ bị thay đổi:

Bóng câu qua cửa sổ 

(Câu là con ngựa) ý nói: Thời gian đi nhanh quá.


Giải thích “Câu là con ngựa” là chưa rõ, chưa chính xác. Nguyên câu thành ngữ gốc Hán là “Bạch câu quá khích” (dịch nghĩa đầy đủ là: Bóng con ngựa sắc trắng đương kỳ sung sức vút qua khe cửa). Trong tiếng Hán cổ, “mã” (馬) là ngựa, “câu” (駒) cũng là ngựa, nhưng tại sao thành ngữ không dùng từ “bạch mã” mà lại dùng “bạch câu” ? Khang Hy tự điển giải thích “Mã nhị tuế viết câu”  (Ngựa hai tuổi gọi là câu) Hán-Việt Tự điển của Thiều Chửu giải thích: “Ngựa hai tuổi gọi là câu. Phàm ngựa còn non còn khỏe đều gọi là câu cả”Hán – Việt Từ điển Đào Duy Anh giải thích “câu” là con ngựa hai tuổi, đương sức mạnh mẽ”.


Chữ “câu”  với nghĩa con ngựa hai tuổi rõ ràng rất quan trọng nên khi dịch nôm, người ta không nói “Bóng ngựa qua cửa sổ” mà vẫn nói Bóng câu qua cửa sổ”. Bởi thế nếu giải nghĩa chữ “câu” cần nói rõ và chính xác hơn: “Câu” là con ngựa non hai tuổi, đương thời kỳ sung sức nhất (nên nó phi rất nhanh, lại sắc trắng khiến chỉ nhìn thấy như bóng chớp loáng qua khe cửa).


(Hoàng Tuấn Công)


Phạm Duy, ông là ai? - 1


Ông Lê Hữu Mục tiếp: - "Một câu khác: ''Người ta cứ bảo tôi chống Cộng nhưng thật thì tôi chống gậy!''"

Nói xong, ông Lê Hữu Mục cười to.


Tôi nhớ nhanh ba chữ "tên dâm tặc" một lần Nguyễn Tất Nhiên đã dùng khi nhắc đến Phạm Duy trước mặt tôi và Trần Nghi Hoàng. 

Tôi cũng nhớ đến câu của Mai Thảo bình về Phạm Duy trước một số đông người tại nhà Như Hảo: ''Phạm Duy già như thế còn làm được cái chuyện ấy thì nó không phải người, mà chính là quỷ!''


[Đầu tháng 9/1995, trong một buổi tiệc tại nhà tôi, có mặt Văn Thanh và vợ chồng Như Hảo, khi nói về cuốn Một Truyện Dài Không Có Tên, Văn Thanh nhận định: "Trong đêm Hai Mươi Năm Văn Học Hải Ngoại do Du Tử Lê tổ chức tại Santa Ana, tôi gặp gần 150 văn nghệ sĩ nhưng nhận xét rằng chẳng ai có được cái Dũng của Bông Giấy trong ngòi viết, kể cả tôi nữa. Này nhé, bây giờ nói cụ thể về buổi họp mặt tại nhà chị Như Hảo, ông Mai Thảo nói cũng hay và ông Phạm Duy nói cũng hay, bao nhiêu người đều nghe rõ. Vậy mà khi tôi tươm lên báo những gì hai ông ấy nói thì ông Phạm Duy nhảy chồm chồm lên, đe là sẽ cho cái tụi đàn em nó đánh tôi. Rồi ông ấy gọi cho chị Như Hảo bảo không được đăng bài viết của tôi trên báo chị. Ông nói thẳng rằng không muốn có tên Mai Thảo đứng chung với tên ông ấy. Phạm Duy là một nghệ sĩ lớn mà tâm địa hẹp hòi quá! Tôi ca ngợi Phạm Duy thì phải để cho cuộc đời ca ngợi Mai Thảo, sao lại đòi đập tôi?"


(Trần Thị Bông Giấy)


Phạm Duy, ông là ai? - 2


Và Văn Thanh kể: - "Hôm đó, tôi định tổ chức ra mắt cuốn Gái Hà Nội Khóc Ai, có mời cánh Mai Thảo & Du Tử Lê và cánh Phạm Duy lên San Jose. Thì cả hai cánh, trừ Du Tử Lê, đều có mặt, luôn cả Khánh Trường các thứ. Cuộc tổ chức không thành, cả bọn kéo nhau đến nhà Như Hảo chơi. Tôi ngồi giữa Mai Thảo và Phạm Duy, nhưng không rõ chút gì chuyện hai người này rất ghét nhau. Mai Thảo biết tôi là dân miền Bắc nên hỏi thăm tôi về các văn nghệ sĩ miền Bắc, lại bảo rằng rất thân với Hữu Loan. Phạm Duy mới kêu tôi ra riêng mà nói: ''Cái thằng Mai Thảo thì biết chó gì. Chỉ có tôi mới là thân với anh em ngoài ấy.''


Xong, Phạm Duy tiếp: ''Này, tôi bảo cho chú nghe, một người nếu không có tài thì đừng nên làm nghệ sĩ để mà phải đi xin. Như tôi đây, cả đời tôi sống bằng tiền tôi làm ra. Cho đến bây giờ tôi vẫn sống bằng nhạc của tôi chứ không đi xin của ai để mà sống hết. Bây giờ về VN bảo Văn Cao, Hoàng Cầm lên sân khấu hát xem có ai thèm đi nghe không? Nhưng tôi về hát, vẫn có nhiều người đến dự. Như vậy chứng tỏ tôi được nhân dân yêu vì tôi có tài.''


Khi ấy tôi đâu hiểu câu nói của Phạm Duy là muốn ám chỉ Mai Thảo, lại cứ tưởng ông ấy mắng mỏ mình. Ừ thì thôi mình là đàn em, các ông ấy đàn anh, có mắng cũng được đi. 


(Trần Thị Bông Giấy)


Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)


Lính Mỹ thường dùng hoả lực tối đa để tiêu huỷ xóm làng tình nghi có Việt Cộng. Nhận thức sai lầm này lại được “bồi dưỡng” thêm bằng vài báo của Peter Arnett về tuyên bố của một sĩ quan Mỹ (không tên tuổi) ở Bến Tre, “Chúng tôi phải tiêu diệt cả thị xã để cứu nó.” Lời tuyên bố này đã được báo chí và phe phản chiến Hoa Kỳ, nặn, vắt, bóp tả tơi, truyền thông thiên vị, gây bất lợi cho phe đồng minh, làm nản lòng dân chúng Mỹ. Thật ra câu tuyên bố của viên Thiếu tá Mỹ không tên tuổi, trong bản tin của Peter Arnett, không chỉ được xào nấu suốt cuộc chiến Việt Nam. 


Đến 32 năm sau biến cố Thảm sát Tết Mậu Thân, sư Nhất Hạnh vẫn chưa chịu thôi không sử dụng bản “tin” trên để (tuyên) truyền đạo như lần nói pháp ở nhà thờ Riverside, New York, sau cuộc khủng bố 911. Sư Nhất Hạnh lại nhắc đến vụ đánh bom huỷ cả thị xã Bến Tre với “300.000 người”. Nói đi như thế nhưng sau đó, khi trả lời Anne A. Simpkinson, sư ông nói lại Mỹ đánh bom huỷ cả Bến Tre với “300.000 nóc gia” . 


(Trần Giao Thủy)


Đám ma Lý Toét  


Lý Toét ốm. Lý Toét ốm đã mấy tháng, nhưng độ mươi hôm nay, bệnh tình xem ra trầm trọng. Lang Băm, một danh y trong xóm, đến thăm bệnh. Bắt mạch xong, Băm gọi bà Lý ra ngoài hiên, thì thầm nói nhỏ. Bà Lý ra chiều thất vọng, mượn người đánh dây thép nhời cho cô Ba Vành ở ngoài mỏ. Được tin bố sắp chết, cô Ba Vành lật đật thu xếp về ngay.


Xã Xệ mấy hôm nay ở luôn bên nhà Lý Toét. Nhà neo người, bà Lý và cô Ba Vành là đàn bà, người con cả Lý Toét đi Tân Thế Giới đã lâu, không thấy tin tức, chưa rõ sống chết ra sao. Còn đứa nhỏ, thằng Toe, thì hãy còn là đứa trẻ ranh thò lò mũi, cả ngày chơi đùa với trẻ con ngoài đường. Thằng Toe mới lên bảy, nhưng đã giống bố về hai con mắt.

Xã Xệ sang trông nom giùm. Ngày thường, hai người vẫn không ưa nhau, hay khích bác, xỏ xiên, hoặc nói cạnh khóe. Nhưng thực ra cả hai cùng tốt. Lúc này Xã Xệ cũng quên những mối hiềm cũ. Vả lại cả hai còn có một nhược điểm chung nó dễ làm gần nhau: chén rượu. Xã Xệ sang, mỗi ngày bà Lý phải mua một chai bố.

Tin Lý Toét sắp chết lan ra khắp xóm, ai ai cũng để ý. Bà Lý ra ngõ thường gặp nhiều người hỏi thăm. Có người lại hỏi thăm qua hàng rào. Với ai, bà cũng trả: “Cảm ơn bà – ông, hoặc bác – ông Lý nhà tôi đã khá”.


(Đỗ Đức Thu)


Tác giả: Đỗ Đức Thu sinh ngày 28-12-1909 tại Thái Bình, nguyên quán quê ông ở làng Mọc, huyện Thanh Trì, Hà Đông. Thuở nhỏ, ông học ở Thái Bình, ở Hà Nội, rồi bỏ học sau lần bãi khóa để tang Phan Châu Trinh. Từ đó, ông viết văn. Ông gia nhập nhóm Tự lực văn đoàn năm 1936, sau lần truyện ngắn của ông được tặng giải khuyến khích của văn đoàn này và viết nhiều truyện ngắn đăng trên báo Ngày Nay.. Sau 1954, ông vào Sài Gòn. Ông mất ngày 5-3-1979 tại Tân Định, Sài Gòn, thọ 70 tuổi.

Tác phẩm: Vỡ lòng (tiểu thuyết) NXB Đời Nay, Hà Nội 1940, Nhà bên kia (tập truyện ngắn) NXB Công Lực, Hà Nội, 1943.


Cây vông


Cây ngô đồng còn có tên là cây vông. 

Chó hoa vông, tự điển Lê Văn Đức/Lê Ngọc Trụ là chó cái đến kỳ động đực, húm đỏ như hoa vông.

Đỏ như vông, đông như tiệc

(tục ngữ)


“Gậy vông phá nhà gạch”, tục ngữ nghĩa là dùng sức nhẹ mà thắng được đối phương. 


(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)

Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn


Thế có nghĩa là anh 75 tuổi, sao mà tâm hồn anh trẻ thế. Những người đi đưa tiễn anh lần cuối cùng hầu hết là những văn nghệ sĩ chế độ cũ. Ngoài những nhà văn nhà báo mà đếm được trên đầu ngón tay, tôi thấy còn có các họa sĩ như Cù Nguyễn, Rừng, Hồ Thành Đức mới ở nước ngoài về thăm quê hương. Đưa đám anh đến tận lò thiêu Bình Hưng Hòa, có một người con trai chống gậy, tôi cứ ngỡ là con trai của anh, nhưng hỏi ra thì biết cậu đó là cháu, con trai người em trai anh. Một bài điếu văn ngắn, cảm động do Hoàng Vũ Đông Sơn đọc trước quan lài, rồi cửa lò thiêu mở, quan tài anh từ từ hạ xuống. Thôi, thế là vĩnh biệt Trần Lê Nguyễn. Tiếng khóc của người thân anh òa lên. Tôi cũng không cầm nổi nước mắt. Tấm hình của anh vẫn toe loét nụ cười

Buổi trưa về nhà anh, trên tường tôi thấy còn nhiều bức tranh nghệ thuật. Căn nhà đó ở bến Chương Dương, trước khi anh tới cư ngụ, tôi biết nhiều họa sĩ đã đến ở đó, có cả Cù Nguyễn. Năm 1963 tôi đến đó nhờ họa sĩ Nguyễn Trung vẽ cho tấm bìa tập truyện ngắn Vác Ngà Voi, tập truyện ngắn đầu lay của tôi thuở đầu đời. Trên đường về, buổi trưa trời ập xuống một cơn mưa. Tôi bị cảm nằm liệt mất mấy ngày. Đêm nay ngồi ghi lại những dòng này trời vẫn còn mưa. Những con muỗi đói sự ướl cánh ùa đầy vào phòng. Vừa đụt mưa vừa kiếm ăn, chúng bu vào đốt tôi tơi lả. Tôi đập tan xác chúng, máu lóe trên bàn lay.

Trong đêm trường này chỉ mình tôi còn thức, trên căn gác bút đam mê cô quạnh.


(Nguyễn Thụy Long)

tựa đề nguyên bản Giữa đêm trường


Tác giả: Nguyễn Thụy Long: bút hiệu đầu tay: Lan Giao. 

Sinh ngày 9.8.1938 tại Hà Nội.

Mất ngày 3.9. 2009 tại Gia Định


Tác phẩm: Loan mắt nhung , Vác ngà Voi, Tay anh chị , Vết thù, Thưở mơ làm văn sĩ, Hồi ký viết trên gác bút 



Hồn Sài Gòn trong từng món đồ cũ


Mỗi ngày tôi đều nghe đâu đó tiếng gọi từ những con đường Sài Gòn như thể tiếng gọi của một cuộc hẹn hò tình tứ, hoặc như thể là tiếng kêu cứu của một tòa kiến trúc cũ, của từng gốc cây cũ đang bị xóa sổ mà cũng không biết rồi ngày mai sẽ đến biểu tượng cho Cái Đẹp Sài Gòn cũ nào sẽ đến phiên phải chịu chung một số phận tiêu vong? Ôi, Cái Đẹp cứu rỗi thế giới nhưng nó đang từng ngày bị hạ sát ở chốn nhỏ nhoi này, thưa Ngài Dostoievski!


Tượng Phật Bà Quan Âm

cầm giỏ dâu.


Lịch-sử-chiến-thắng giết lịch-sử-chiến-bại là như thế, và tất nhiên, nó đang tiếp tục con đường của nó trên đất nước này. Tôi, ở đây, những người Sài Gòn cũ đang ở đây hằng ngày, bị dạy cho bài học đau đớn này mỗi khi đi qua những đống đổ nát hoặc những tòa nhà mới mọc vừa sừng sững thô lỗ vừa cực kỳ ngạo mạn mà đành bụng bảo dạ: “Thôi hết thật rồi!”


Tuy nhiên, liệu người ta có thể thủ tiêu hết tất di sản của Sài Gòn cũ? Di sản Sài Gòn cũ đâu chỉ là những ngôi nhà, những công viên, những quán cà phê, những hiệu sách, những gallery,…? Trở lại cát bụi chỉ là số phận của những di sản vật thể không thể tháo chạy thóat thân khỏi cuộc truy nã trường kỳ của kẻ chiến thắng luôn thấm nhuần tư tưởng “diệt tận gốc,” nhưng những thứ thuộc về “linh hồn Sài Gòn cũ” thì có thể bức hại dễ dàng thế không? Những bản nhạc cũ đang phục sinh; những bức tranh của danh họa Sài Gòn đang được tìm mua; những tác phẩm văn học và tạp chí xuất bản ở Sài Gòn trước 1975, như Sáng Tạo, Hiện Đại, Văn… hầu như vắng bóng tại những hiệu sách cũ vì sự ưa chuộng của nhà sưu tập; những tác phẩm gốm của các lò như Cây Mai-Chợ Lớn, Lái Thiêu-Bình Dương, Biên Hòa sản xuất trước 1975, đang được sưu tầm như báu vật; ngay cả những máy hát đĩa than và máy nghe nhạc hiêu Akai của Nhật cũng không dễ tìm thấy. Điều khá lý thú là những của hiếm ấy nay lại thường được những tay chơi ở Hà Nội, những người đã một thời từng luôn mồm chửi bới miệt thị văn hóa Sài Gòn-VNCH là đồi trụy, là nô dịch, tìm mua, đặt hàng với giá đắt đỏ. Đây mới là câu trả lời chính xác cho sự hiển linh của linh hồn văn hóa Sài Gòn cũ.


(Trịnh Cung)


***


Phụ đính I


40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi 

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn 

Tổng hợp từ nhiều nguồn)

 

Trương Bảo Sơn  

(1916-2010 )


Ông tên thật là Trương Cam Bỉnh. Sinh ngày 2-3-1916 tại Hà Nội . Ông hoạt động cách mạng trong Việt Nam Quốc Dân Đảng dưới danh xưng Trương Bảo Sơn và văn hóa với bút hiệu Bảo Sơn. Ông còn có vài bút hiệu khác như Cẩm Bình, Ngọc San, Trường Sơn. Ông là Hội viên Trung tâm Văn Bút VN trong Hội Văn Bút Quốc Tế (P.E.N International).


Ông cộng tác với nhà văn Nhất Linh thành lập nhà xuất bản Phượng Giang, Đời Nay, xuất bản giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay.

Năm 1959, Chủ nhiệm giai phẩm Tân Phong.

Năm 1965, Giám đốc chính trị tạp chí Đông Phương (Chủ nhiệm Nguyễn thị Vinh)


Năm 1978 ông vượt biển tới Pulau Bidong (Mã Lai) và định cư tại Gia Nã Đại từ 1979. Năm 1988, ông cùng Nguyễn Khắc Ngải và Đỗ Quý Toàn thành lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, trung tâm Quebec Canada. 

Ông mất ngày 23 tháng 05 năm 2010 tại Montréal-Canada


Tác phẩm dịch:

1. Tình Nghĩa Vợ Chồng.
4. Gió Đông, Gió Tây.
5. Ngư Ông Và Biển Cả.
6. Đỉnh Gió Hú.
7. Chiếc Lá Cuối Cùng.
9. Trà Đạo.
10. Cuộc Đời Bác Sĩ Arrowsmith


***


Phụ đính II


Thằng Dũng làng Cổ Nhuế, tên chữ Kẻ Noi cả nòi hốt cứt - 1


Cụ là người đầu tiên bị nhốt vào conex trong đợt tù cải tạo năm 1975 bên K.5. Cụ trốn trại? Cụ làm thơ văn phản động? Thưa không, cụ vào conex vì một câu phát biểu ly kỳ. Bạn đồng tù từng ở chung K.5 với cụ về sau khi kể lại vẫn tỏ ra khoái trá câu chuyện này. Cụ ký bút hiệu Khánh Vân Cư Sĩ, chủ bút tờ Đại Từ Bi, một tờ báo của nha Tuyên Úy Phật Giáo, dịch giả truyện dài Bàn Tay Ngọc Phật, dĩ nhiên trong đợt học tập đầu tiên ban quản giáo trại phải cần xem một tên cầm bút lâu năm sẽ phát biểu thế nào về tội lỗi của hắn. Cụ bị chiếu cố. 

Lên phát biểu, cụ giở giọng ông đồ gàn, con cà con kê mãi rồi mới trở giọng hớn hở kể: "Cách mạng vào thú thật tôi chỉ có mỗi một điều vui. Số là xưa ngoài Bắc, làng nào cũng có truyền thống, có tay nghề của làng đó.


(Lão nho giả - Hà Thúc Sinh)


Tác giả: Hà Thúc Sinh tên thật: Phạm Vĩnh Xuân. Sinh ngày 7-7-1943 tại Thanh Hóa. Hiện định cư tại Hoa Kỳ.


(Hà Thúc Sinh – tranh Tạ Tỵ)


Tác phẩm: Văn: Đại Học Máu (ký, Ông H.O. (tập truyện, 1993), Tống Biệt Hai Mươi (truyện, kịch, thơ, 1999).


Thằng Dũng làng Cổ Nhuế, tên chữ Kẻ Noi cả nòi hốt cứt - 2


Có làng chuyên làm đồ gốm, có làng chuyên đan thúng đan mẹt, có làng toét mắt cả làng, có làng mù chữ cả làng, lại có làng được nức tiếng có lắm ông nghè ông cống. Làng tôi chả gì cũng có tiếng là làng trọng văn học, có trường, có thầy, có học trò nối tiếp nhiều thế hệ làm vẻ vang cho truyền thống làng. 


Gần làng tôi có một làng không có trường. Lắm bậc phụ mẫu muốn cho con theo đòi tí chữ nghĩa phải gửi chúng sang làng tôi học nhờ. Thủa thiếu thời tôi có thằng bạn làng bên sang học nhờ. Cùng lớp cùng trường. Tên nó là Dũng. Còn trẻ con ấy mà, thế nên chúng tôi thường ghẹo nó, gọi nó là “thằng Dũng làng Cổ Nhuế, tên chữ Kẻ Noi cả nòi hốt cứt”.

Cách mạng vào, ngờ đâu tôi tốt phước, có được thằng bạn là thằng bé làng Noi năm ấy, chữ nghĩa thì lem nhem, tay chân ít khi thơm tho sạch sẽ, thế mà trời ngó lại thế nào, nay nó làm tới ông đại tướng quân đội Nhân Dân (Văn Tiến Dũng), trong khi tôi giải ngũ về mang được chút hàm thiếu tá. Thật rõ là ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai." Đánh giậm (xưa )

(Lão nho giả - Hà Thúc Sinh)


( Ảnh:\ Đánh Giậm xưa )


Mời Xem :

Chử Nghĩa Làng Văn Kỳ 1/11/2024 - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét