29 thg 7, 2024

Nguyễn Thanh Sơn: TRUYỆN CỰC NGẮN (T.Vấn Và Bạn Hửu )

                                   Vụn Vỡ của HƯ KHÔNG – Tranh: THANH CHÂU
 

 1./ HỒN CÂY

Cây mai chiếu thủy được đặt ở góc sân, khuất lấp trong không gian xanh của khoảnh vườn, vỏ cây sần sùi, nhăn nheo, trơ với gió sương một màu mốc thếch, nổi u sần nhiều góc cạnh, sức bật của cây căng tràn trong từng thớ thịt. Cái vỏ mốc thếch, nhăn nheo là tuổi dài năm tháng. Độ góc cạnh của thân, vết u sần của thịt là nỗi niềm của người trồng muốn gửi gắm vào đó một chút linh hồn. Người và cây có chung niềm tương cảm, lặng lẽ phảng phất hương.

2./ BÀ GIÀ TRẦU

Thời nay ít ai ăn trầu, làng tôi chỉ còn dăm ba người trong đó có bà tôi tục gọi là bà Hương Trầu. Thói quen ăn trầu tạo nên bà cái tiếng.

Thương bà lụm cụm mua từng lá úa vàng, chú tôi trồng một giàn ven tường, thân đeo bám sum suê, lá to tròn xanh mượt. Giàn trầu là khung trời cổ tích tuổi thơ tôi. Bà mất đi, giàn trầu úa tàn theo thời gian.

Ngày giỗ đầu, trên bàn thờ không đơm lá trầu nào, chạnh niềm nhớ tiếc những ngày xưa, tôi thầm gọi “Bà ơi!”.

3./ ĐÊM HÁT BỘI

Gánh hát bội về diễn ở đình làng tôi, tiếng trống chầu thùng thình lúc nhặt lúc khoan như thôi thúc người xem. Mẹ têm vội vài miếng trầu rồi vội vàng đi để chọn được chỗ ngồi tốt.

Tan buổi diễn, mẹ bảo: “Sân bãi rộng rinh, không như ngày xưa, cứ mỗi lần gánh hát về là làng rộn ràng như hội, người người xem đông như nêm kín cả sân đình!”.

 Gánh hát cố níu lại vài đêm, vẫn diễn lại những tuồng tích cũ.

4./ CÔNG SINH THÀNH

    “Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

   Gã ngồi ở góc bàn, cử chỉ chưa hẳn đã niềm nở hoặc bàng quan với người khách tình cờ ghé thăm. Gã vớ bình nước trắng rót ra ly:

 “Mời các anh”.

 Người mẹ từ nhà dưới lên, xương xẩu, gầy gò, đôi mắt mờ đục quờ quạng lấy chỗ ngồi trên chiếc giường kê góc nhà. Không khí chừng như nặng trịch, trên mặt mẹ còn giọt nước mắt chưa khô.

“Chú người lạ,  khách tình cờ ghé chơi, tui nói để hai chú nghe có đúng không.  Nhà vừa bán con nghé, thân già có chừng ấy mà nó đòi công chăn dắt. Ối trời ơi là trời, con ơi là con.!

Gã bật dậy, sừng sộ:

“Mỗi buổi sáng mở cửa là bà đã có mười ngàn, bà cần tiền này để làm gì?

“Cần gì kệ chó tao, tao đói khát không cần chó mày nuôi!”

Gã buông tiếng cười hềnh hệch,  nhe hàm răng trắng dã, giơ đôi tay khô ráp của gã lực điền chỉ vào khoảng không:

“Tui làm đầu tắt mặt tối chưa đủ nuôi miệng, nuôi gì bà” .

Rồi gã buông một câu độc địa  “Có tiền để dợ nuôi trai!’

Trên bàn thờ có bằng tổ quốc ghi công , có tấm hình được che kín bằng vải đỏ, đàn ông hay đàn bà, chết già hay trẻ. Người mà cứ mỗi buổi sáng bà mở cửa là có mười ngàn, tiền nuôi mẹ liệt sỹ, để nhìn cuộc đời mẹ già còn nhiều lận đận lao đao.

5./ CẬU MƯỜI

Cậu Mười, tôi không rõ tên tộc (tên cúng cơm) là gì, xưa nay người trong làng tôi thường lấy thứ bậc trong gia đình làm tên, chẳng hạn như anh Hai, cô Ba, dì Tư. Lâu ngày tên cúng cơm không còn nhớ nữa. Vả, nếu gọi tên tộc họ cho là hỗn hào, gọi xách mé. Ngay trong gia đình, con cái cháu chắt đôi lúc lẩn thẩn với tên tộc của ông bà mình. Lại nữa, trong gia đình họ thường lấy tên đứa con đầu lòng để làm tên chung, nên người ở đâu xa về cần hỏi thăm một người nào đó mà gọi tên tộc đôi khi người trong làng ít biết.

Cậu Mười ở xa về thăm nhà,  ông hỏi thăm một hồi lâu mới đến được nhà tôi. Ông mang vào nhà mùi đặc trưng của người đàn ông lâu ngày không tắm giặt, mùi bụi bặm đường xa, mùi va chạm nhiều thứ của kiếp người lêu bêu lõng bõng. Ông tuy già nhưng còn tráng kiện, mái tóc chỉ điểm vài sợi bạc, cứng như rễ tre chỏi thẳng lên trời, đôi răng vàng khè, ám khói thuốc. Cậu Mười không hút thuốc bằng tẩu, không nhai xì gà rồi  thả lên trời sợi khóí thơm lừng hoặc những điếu thuốc thông dụng mà bằng điếu thuốc rê. Ông lấy xấp giấy quyến mỏng, hà hơi vào đó để những tờ giấy rời ra, quấn nhúm thuốc rê to bằng hoa loa kèn rồi liếm qua liếm lại như keo kết dính, đốm lửa xòe lên, thả khói mùi khét lẹt.

Điều thuốc ông chỉ kéo vài hơi là tận đót, tàn thuốc không vất đi mà dán khắp vách, đuôi của nó hít chặt vào vách như đàn dơi ngủ trên cành cây lộn đầu xuống đất. Khi rít một hơi thuốc là ông nhổ phẹt bất cứ chỗ nào,  bạ đâu nhổ đó.

Ông kéo rê cuộc đời của những bảy mươi năm, qua những bước ngoặt, những giai đoạn vui buồn đã qua. Ông đã từng làm anh, làm chồng làm cha để đó rồi bây giờ lại đi tìm những kỷ niệm thời xa cũ, những ký ức nào đó không còn có ở trên đời, tìm thằng cu, con cải. “Cải ơi!”,  tiếng kêu khản giọng của con vịt già giữa cánh đồng bất tận. Ông trà trộn vào đám đông, va chạm đủ hạng người, những cơn mưa  mùa đông buồn hiu, ảm đạm hay buổi trưa hè nắng gắt, mồ hôi ướt sũng lưng. Cứ thế, ông nhặt mọi chuyện vui buồn của cuộc đời rồi ghi vào ký ức như thứ của cải riêng.

Câu chuyện ông kể cứ dài mãi khi gặp tôi, câu chuyện đời thường, mộc mạc, chân chất ít pha tạp ngữ nghĩa văn chương. Tôi cố ghi lại những câu chuyện mà ông đã kể. Cậu Mười đến nhà dăm ba bữa rồi đi, lúc đó tôi rủ rê, mời mọc có thể ông ở lại. Ông đi rồi tôi thấy mình cạn cợt, nông nổi và buồn tẻ. Hẳn ông buồn cho tôi lắm, không  hiểu đúng tâm trạng được dồn nén của một đời người chực chờ cơ hội để vỡ ra!  Có thể ông đã chọn lầm người để trao gửi,  thổ lộ, tâm tư nhiều nỗi niềm riêng?

6./ CON VỊT

   Gã đứng trên cầu nhìn xuống, vẩn vơ vơ vẩn, chỉ ngắm dòng nước chảy. Thệ giả như tư phù, bất khả trú dạ. Gã học đòi theo Khổng Tử, trầm tư mặc tưởng, ngước lên bầu trời, nhìn xuống dòng sông. Nước chảy mãi như thế này ư, chảy mãi không ngừng.

Một ả dừng xe máy, nhìn gã, rồi lại nhìn xuống dòng nước chảy. Một con vịt lội giữa dòng sâu. Ả bỗng nhớ câu thơ hồi xửa xưa, thời Nguyễn Bính vừa chân ướt chân ráo vượt vĩ tuyến vào Nam. Ả nhẩm nhỉ thầm thỉ “thấy con vịt lội giữa dòng sâu/ sao hôm như mắt em ngày ấy/ rướm lệ nhìn tôi bước xuống tàu…”. Ả cứ thầm nhớ câu thơ cũ mà không nhớ mình đang đứng giữa cầu.

Một vài người nữa, rồi lại lại vài người nữa nối nhau, rồi cứ thế, dừng lại ở giữa cầu. Đám đông nhìn gã rồi dõi theo ánh mắt của ả, nhìn trời nhìn đất, nhìn xuống dòng nước sâu.

A ha! Có hai con vịt lội dưới cầu.

Ô, không không. Có cả một đàn vịt.

Tin đồn một thành hai, thành một trăm. Tin có đàn vịt lội lan nhanh như thổi, từ làng trên xóm dưới cứ râm ran, rỉ rả từ người này sang người khác.

Có người rất giàu có, họ muốn làm từ thiện, hỗ trợ hộ nghèo, tiêu chuẩn mỗi hộ một đến hai con vịt. Bà con mình đi thử.

Tin vịt không còn ở phạm vi xóm làng. Bây giờ nó loang khắp cả nước, vượt ra ngoài bên kia biên giới.

Từ con vịt được chế biến hóa thành nhiều món ăn khác, rất khoái khẩu cho giới sành điệu, siêu giàu, được một tay đầu bếp sành điệu nhất thế giới “thánh rắc muối” SALT BAE chế biến .

Món vịt dát vàng.

Nguyễn Thanh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét