28 thg 12, 2019

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 47 : GÁC

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 47 : 

                                                GÁC
                                 GÁC KINH viện sách đôi nơi,
                                Trong gang tấc lại gấp mười quan san.

          Đó hai câu thơ tả lúc Hoạn Thư cho Thúy Kiều vào Quan Âm Các để "giữ chùa chép kinh". Nàng Kiều thì ở trong GÁC KINH, còn chàng Thúc thì ngồi trong Viện Sách (thư phòng, nơi chứa sách vở để học hành). Cùng ở chung dưới một mái nhà, nhưng hai nơi khác nhau, tuy cách xa nhau trong gang tấc mà tưởng chừng như cách trở quan san. Thế mới biết cái thâm ý của Hoạn Thư khi đề nghị với Thúy Kiều :
                                      
                                       Sẵn Quan Âm Các vườn ta,
                                  Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh !

         GÁC KINH là cái "Gác chứa kinh sách", chữ Nho gọi là Tàng Kinh Các 藏經閣 mà bất cứ truyện võ hiệp nào hễ nhắc đến chùa Thiếu Lâm thì không thể thiếu "Cái Gác" nầy được. Vì chẳng những chứa kinh sách Phật môn mà nơi đây còn chứa cả những "Bí kíp võ công" thượng thừa của võ học.

         Nhưng trong Văn Học Cổ, cái GÁC nổi tiếng nhất là cái "GÁC ĐẰNG". Trong truyện thơ Nôm khuyết danh TRINH THỬ có câu :

                                      Đưa duyên nhờ gió GÁC ĐẰNG,
                                 Đành hay con tạo nhắc bằng đồng cân.

         "GÁC ĐẰNG" chữ nho gọi là Đằng Vương Các 滕王閣. Nơi mà Vương Bột 王勃, một trong tứ kiệt ở buổi Sơ Đường, đã viết nên một bài Tự bất hủ, sản sinh ra rất nhiều Thành ngữ còn thông dụng đến hiện nay. Theo tích sau đây :               
                           
          Inline image  Inline image 

        Vương Bột 王勃 (650-676), tự là Tử An 子安, người đất Giáng Châu,  Long Môn (tỉnh Sơn Tây ngày nay) cha là Vương Phúc Cơ làm huyện lệnh Châu Hoan Giao Chỉ. Lên sáu tuổi đã nổi tiếng thần đồng, thuộc làu kinh sử. 14 tuổi đoạt khôi nguyên kỳ thi đối sách của triều đình. Năm 16 tuổi trên đường đi thăm cha, hay tin Đô Đốc Diêm Bá Dư trấn nhậm Hồng Châu trùng tu Đằng Vương Các mở cuộc thi thơ văn và khoản đãi tân khách bốn phương. Chủ ý muốn khoe tài con rễ là Ngô Tử Chương, nên đã cho Chương trau chuốt sẵn một bài phú thật hay để ngày hôm đó viết lại. Bột hay tin muộn, thời may có cụ già mách cho Bột rẻ thuyền vào Chương Giang sẽ có gió giúp đưa đến Đằng Vương Các. Bột nghe theo lời, đến đêm quả có gió lớn nổi lên chỉ trong một đêm mà vượt qua 800 dặm đường ( có thể là nhờ gió của đêm Trùng Cửu mùng 9 tháng 9 ). Kịp lúc Đằng Vương Các vừa phát giấy bút chiêu đãi khách làng văn. Thấy Bột chỉ là một thằng bé con, Đô Đốc Diêm Bá Dư không muốn cấp giấy bút, nhưng Bột kiên quyết muốn làm văn. Diêm bèn cho người đứng phía sau lưng Bột, hễ Bột viết được câu nào thì chép lấy dâng đến cho Diêm xem, hễ thấy không xong là tống cổ ra khỏi buổi tiệc ngay. Khi Bột mở đầu bài văn bằng câu : Nam Xương cố quận, Hồng Đô tân phủ 南昌故郡,洪都新府 ( Xưa là quận Nam Xương, nay là phủ Hồng Đô ), thì Diêm cười và bảo : Cũng là sáo ngữ của các thầy Đồ Nho mà thôi. Đến câu : Tinh phân Dực Chẩn, Địa tiếp Hành Lư 星分翼軫,地接衡廬 ( chỉ địa thế của Đằng Vương Các : Phân chia giữa sao Dực và sao Chẩn, còn đất thì nối tiếp giữa Hành Sơn và Lư Sơn ) thì Diêm lặng thinh. Lại đến câu : Vật hoa thiên bảo, long quang xạ Ngưu đẩu chi Khư. Nhân kiệt địa linh, Từ Trĩ hạ Trần Phồn chi tháp 物華天寶,龍光射牛斗之墟;人傑地靈,徐稚下陳蕃之榻 ( Của đẹp báu trời, ánh long quang chiếu sao Ngưu sao Đẩu; Đất linh người giỏi, cao nhân Từ Trĩ hạ giường Trần Phồn ) thì Diêm lại tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Kịp đến câu : Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc 落霞與孤鶩齊飛,秋水共長天一色 ( Ráng chiều cò trắng cùng bay, Long lanh thu thủy nước mây một màu ) thì ông không còn dằn được cảm xúc, vỗ bàn đứng dậy khen là tuyệt cú ! Rồi giấu nhẹm luôn bài phú làm sẵn của con rể không dám trình làng. Vương Bột nổi tiếng luôn từ đấy và bài Tự của Vương Bột cũng được lưu truyền thiên cổ cho đến hiện nay. 

          Vì tích của Vương Bột, nên trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu :

                   Thời lai phong tống Đằng Vương Các    時來風送滕王閣
Có nghĩa :
               Khi thời đã đến rồi thì sẽ có gió đưa đến Đằng Vương Các ngay. 

        Ý của câu trên chỉ khi thời vận tốt đã đến, thì con người sẽ rất dễ dàng mà có cơ hội để phát tích về mặt tiếng tăm hay công danh sự nghiệp. Nhưng khi qua đến Việt Nam ta, thì lại chuyển sang ý chỉ về tình duyên thuận lợi, may mắn, mà gọi là DUYÊN ĐẰNG. Như ... 
        
       Trong Truyện Kiều để tả cuộc tình duyên thuận lợi của Hoạn Thư với Thúc Sinh, cụ Nguyễn Du cũng mượn tích nầy :

                        DUYÊN ĐẰNG thuận nẽo gió đưa,
                     Cùng chàng kết tóc se tơ những ngày.

       Ngay cả trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập với sự chủ xướng của vua Lê Thánh Tông cũng mượn từ GÁC ĐẰNG để chỉ dịp may hiếm có, cơ hội thuận lợi cho tình duyên như :

                         Thương nhĩ, Hồng nhan nguyền khéo lỗi,
                         GÁC ĐẰNG nhờ gió những ai vay !  

   ... và như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, bài thứ 8 tả lại mối tình giữa Công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử cũng có câu :

                          Tiên-Dung gặp buổi đi chơi, 
                   Gió đưa ĐẰNG-CÁC, buồm xuôi Nhị-Hà, 

       Hay như trong Bích Câu Kỳ Ngộ, tả lại mối tình tiên tục giữa Tú Uyên và Giáng Kiều cũng có câu :

                         GÁC ĐẰNG VƯƠNG mấy dặm khơi, 
                      Có duyên đành đã gió trời thổi đưa. 

                   Inline image

       Trong truyện Quan Âm Thị Kính thì đổi từ Gác Đằng thành GÍO ĐẰNG, nhưng cũng cùng một ý dùng để chỉ tình duyên :

                         GÍO ĐẰNG kể khéo đưa duyên,
                   Chàng Lưu dung dủi đến miền Thiên Thai.

       Trong bài Văn Tế Nguyễn Thị Tồn, viết để tế vợ mình, cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa đã diễn cái ý của tích nầy bằng bốn chữ GIÓ THẦN ĐƯA GÁC với ý nghĩa giống như nghĩa gốc lúc ban đầu là :

                      Ở theo thời, làm theo thế, qua khỏi tuần sấm đất tan bia,
                      Bay kịp chúng, nhảy kịp người, mới đặng hưởng GIÓ THẦN ĐƯA GÁC. 

       Ngoài GÁC ĐẰNG ra, ta còn có GÁC ĐƯỜNG, là gác của vua Đường Thái Tông dựng nên để vẽ tượng của 24 công thần, như trong  truyện Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :

                                        Rồng mây một hội nghìn thu,
                                  GÁC ĐƯỜNG vẽ mặt, yến Chu tả lòng.

       Gác của vua Đường Thái Tông dựng nên để vẽ tượng của 24 công thần nói trên là Lăng Yên Các 凌煙閣, Lăng Yên là vượt lên trên từng mây khói, nên còn gọi là GÁC KHÓI, như trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm :
                                           Tài so Tần Hoắc vẹn tuyền,
                                    Tên ghi GÁC KHÓI, tượng truyền Đài Lân.

                                         Inline image

        Đài Lân là Kỳ Lân Đài 麒麟台 nằm trong Kỳ Lân Các 麒麟閣, nên còn gọi là GÁC LÂN nơi mà vua nhà Hán xây dựng nên để ghi công của 28 công thần. Trong bài thơ "Tiễn Nguyễn Biểu đi sứ" của ông vua Trần Trùng Quang Đế (là Trần Qúy Khoáng hay Trần Qúy Khoách) với hai câu kết là :

                                          Việc nước một mai công ngõ vẹn,
                                          GÁC LÂN danh tiếng dõi lâu xa.

         Sau GÁC LÂN, ta còn có GÁC LÊ, tức là GÁC THIÊN LỘC. Theo sách Thiếu Vi Thông Giám 少微通鑑 có ghi về Lưu Hướng 劉向 như sau :
         Theo Thiếu Vi Thông Giám 少微通鑑 : Lưu Hướng 劉向 (77- 6 trước Công Nguyên), là nhà văn học đời Tây Hán, giũ chức Bí Thư Lang ở gác Thiên Lộc. Lưu là người học rộng. Một đêm mơ thấy ông già cầm gậy Thanh Lê ( Gậy như hình nhánh lê màu xanh), đầu gậy có hào quang phát sáng soi về phía Lưu mà bảo rằng : Ta là Thái Ất Kim Tinh đây, nghe nói nhà ngươi rất chăm học cho nên ta mới xuống đây xem thử. 
        Vì thế, nên Gác Thiên Lộc còn được gọi là GÁC LÊ như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm đình Toái :

                                          Bút son vâng lệnh đan đình,
                                        GÁC LÊ lần giở sử xanh muôn đời.

          Cuối cùng ta có GÁC VÀNG, Theo Cựu Hán Nghi nhị quyển 漢舊儀二卷. Chỗ làm việc của Thừa Tướng gọi là KIM CÁC 金閣 : Gác Vàng, để phân biệt với chỗ ngự của vua là CHU CÁC là Gác Son. Trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện chỉ Thừa Tướng Lương Ấn Ba với câu :

                                           Gió thanh hây hẩy GÁC VÀNG,
                                      Thảnh thơi chèo Phó, nhẹ nhàng gánh Y.

                                            Inline image

          Vì Gác Vàng nên Cửa cũng thếp Vàng, thế nên từ để gọi nhà quyền qúy là KIM MÔN 金門. Như khi mới ước hẹn nhau, Thúy Kiều đã đánh gía gia thế của người yêu :

                                           Nàng rằng: Trộm liếc dung quang,
                                     Chẳng sân ngọc bội, cũng phường KIM MÔN. 

         Ngọc Bội là BỘI NGỌC 佩玉 là Đeo Ngọc (Như Ý) khi đi chầu vua. Nên Ngọc Bội hay Kim Môn đều dùng để chỉ gia đình quyền qúy vinh hiển. Thúy Kiều đã đánh giá cao gia thế của Kim Trọng : là con em của gia đình hiển đạt quyền qúy.

         Xin được kết thúc các GÁC nơi đây. Hẹn bài viết tới !

                                                                                                Đỗ Chiêu Đức


Mời Xem :THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 46 : ĐÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét