31 thg 10, 2019

Bài Thơ TỰ THÁN Của Phạm Thái (Thời Tây Sơn )

TỰ THÁN
Thơ Phạm Thái
Dăm bảy năm nay những loạn ly,
Cũng thì duyên phận, cũng thì thì.
Ba mươi tuổi lẻ là bao nả,
Năm sáu đời vua khéo chóng ghê!
Một tập thơ dày ngâm sảng sảng,
Vài nai rượu kếch ních tì tì.
Chết về tiên bụt cho xong kiếp,
Đù oả trần gian sống mãi chi!

Nguồn: Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm
Quyển 2, NXB Bộ Giáo Dục, trang 90.
*
Bản Hán Nôm, Ngân Triều soạn:
自嘆
𠄼𦉱𢆥𠉞仍亂漓,
共時緣分共時時.
𠀧𨑮歲𥛭羅包拏,
𠄼𦒹𠁀𢂜窖𨖼𠺳.
沒集集𠫅吟创磢,
排坭溜劇𡀡裨裨.
𣩁衛仙侼渚衝刧,
𡀤婐塵間𤯨買之!

*
Diễn ý bài thơ:
Dăm bảy năm nay toàn là những loạn ly,
Cũng có duyên phận như thế và cũng có thời như thế.
Hơn ba mươi tuổi sao ta nghe ngần ấy năm như chẳng là mấy chốc,
Trải qua năm sáu đời vua rồi, sao mà thật chóng ghê!
Có tập thơ dày, ta cứ ngâm dõng dạc,
Có nai rượu kết, ta vẫn uống hơi dài không thôi.
Thân nầy, hãy chết về tiên bụt cho xong kiếp đi thôi!
Chém cha đời nầy, đầy cay đắng thì sống mãi làm chi?
              *
Ngân Triều cảm đề:
Năm bảy năm, những loạn ly,
Tơ duyên thì cũng… cũng thì linh đinh.
Ba mươi tuổi lẻ giật mình,
Mấy vua kế vị, triều đình mấy năm!
Thơ dày sang sảng ta ngâm,
Tì tì nai rượu, ta nằm, ta say.
Chết về tiên bụt kiếp này,
Trần ai chết tiệt, sống hoài mãi chi?
16.09.2019
***
Ảnh minh họa
Ta nằm ta say, Google


 Xem Thêm :Thơ Văn Thời Tây Sơn: Phạm Thái Khóc Trương Quỳnh Như (Ngân Triều Diển Giãi )




Nguyễn Bửu Sơn
TỰ THÁN (thời nay)
Năm bảy chục năm những loạn ly,
Cũng là duyên phận cũng thì thì,
Bảy mươi tuổi ấy là bao nả,
Hai triều chủ nghĩa tréo ngoe chưa?
Tập thơ mỏng lét ngâm sớm tối,
Rượu nếp Long An ních tì tì,
Chết về tiên phật cho xong kiếp,
Đú má! Trần gian sống mãi chi...!

SƠN NAM – BÀI HỌC GIỮA HAI ĐỢT CÀ RỠN

Lê Học Lãnh Vân
Bông ô môi trên cố thổ (Văn Việt 23/10/2019
có viết về nhà văn Sơn Nam như sau: “Sơn Nam ưa cà rỡn, chuyện gì cũng cà rỡn được. Nhưng khi ông trầm lắng giữa hai đợt cà rỡn, tôi bắt gặp một thông điệp sâu xa, ấy là lúc ông suy ngẫm về nghề viết hoặc quê hương”.
Bài này viết về những bài học trong nghề Viết tôi thụ hưởng từ ông. Và, ngoài nghề Viết, tôi còn rút được những kinh nghiệm cuộc đời. Trước năm 1975 sự nghiệp của ông, tuy không thuộc hàng đồ sộ hay lộng lẫy nhất, nhưng có nét rất đặc biệt và được sự mến mộ từ đông đảo người đọc.
Tôi nói chuyện nhiều với ông trong những năm 1976-1984. Trước đó, tôi có một số ghi chép từ những nhân vật mà tôi hâm mộ. Ưa học hỏi, mới vào đời, tôi tìm đến các vị ấy với mục đích học. Mở thật rộng tai, mắt và ghi chép.
Đọc một số ghi chép của tôi, ông nói:
- Quí lắm. Để dành. Mấy chục năm sau mầy viết có tài liệu quí.
- Sao em thấy nó quê mùa, non nớt…
- Mầy bao nhiêu tuổi mà đòi già? Tao nói quí là tài liệu. Chừng đủ vốn sống rồi, tài liệu này là vàng đó nghe mậy…
Và ông khuyên:
- Khoan viết. Tiếp tục ghi chép. Hồi đó tao không có tài liệu nhiều như mầy, lại viết hơi sớm. Có những ý non, mà tới chừng biết thì đâu có viết lặp lại được. Đợi tới lúc đủ trễ, viết mới hay. Trong nghề viết, tài liệu quan trọng. Muốn quí cần thời gian. Đợi qua hết, người ta quên hết rồi, người ta muốn nhớ lại, lúc đó mới quí! Mầy còn trẻ lắm, đừng hấp tấp!
Thật là những khẩu quyết vô giá. Không biết tôi áp dụng được bao nhiêu phần! Càng lớn tuổi càng hiểu hơn và có kinh nghiệm áp dụng hơn…
Trong thời gian đó, Sài Gòn có hai nhân vật rất có tiếng tăm trong lãnh vực học thuật. Một vị là nhà sử học đáng kính lớn hơn ông Sơn Nam hơn một con giáp. Một vị là nhà hoạt động xã hội cùng thế hệ với Sơn Nam.
Vị giáo sư sử học cho rằng các tác phẩm của Sơn Nam đọc thì được, nhưng không có giá trị sử học và học thuật nói chung vì không có tài liệu tham khảo tin cậy. Rằng Sơn Nam chỉ viết hời hợt bên ngoài. Nhà hoạt động xã hội thì cho rằng ông Sơn Nam “Làm gì cũng không tới nơi tới chốn. Kháng chiến thì nửa mùa còn kiến thức thì tào lao!”. Tôi nghĩ những người lớn tuổi một chút, có giao thiệp với các nhân vật này hay làm việc trong lãnh vực liên quan có thể có người còn nhớ những nhận xét ấy.
Sơn Nam biết hết các nhận xét đó.
Ông luôn dành sự nể trọng cho nhà sử học đáng kính kia, nhưng ông có lập trường của ông. Ông cho rằng mình là nhà văn đường phố, gặp chuyện xảy ra là viết xuống liền. “Viết sách nghiên cứu cũng hay, nhưng viết nhựt trình cũng bổ ích. Mà viết nhựt trình đâu có thì giờ tra cứu, thấy gì, nghĩ gì là viết xuống liền.”
“Truyện của tao như đấu láo ngoài quán cà phê lề đường, không phải ngồi nghiên cứu tìm tòi trong thư viện.”
Sơn Nam nói rằng thu thập kiến thức có nhiều lối. Có khi ngồi phòng đọc sách. Có khi ra xã hội quan sát. Sách vở nghiên cứu chỉ góc hẹp, cuộc sống rộng vô cùng.
“Mầy tới nói chuyện với vợ chồng con nhỏ chiên cháo quảy. Mầy biết cách làm bánh, rồi biết tụi nó sống làm sao để làm bánh. Đêm ngủ mấy tiếng, thức dậy lúc mấy giờ. Biết ba má ông nội ông ngoại nó sống nghề này ra sao. Biết gia đình nó bên Tàu qua Việt Nam hồi nào, bằng cách gì, can cớ gì… Vừa hiểu nghề, hiểu người, hiểu đời, mà cũng vui nữa!”
Về nhận xét của nhà xã hội học thì thật ra ông Sơn Nam cũng tự nhận mình chỉ biết chuyện tào lao. “Giả nói đúng đó chớ! Nghề của mình là lượm lặt rồi chắp nhặt mấy chuyện tào lao!”
Các bậc lớn tuổi có ý kiến như vậy, tôi chỉ nghe và thấy điều nào có ích cho mình thì dùng. Chỉ biết bây giờ, tới nhiều thư viện, trong hay ngoài nước, cũng thấy không ít đầu sách của Sơn Nam, và có những tiểu luận, luận án dẫn tài liệu là sách của ông viết. Còn về quan niệm sáng tác của Sơn Nam, dù không nhận mình viết sử, quan niệm của ông lại trùng hợp một phương pháp viết sử mới, song song với phương pháp kinh điển. Phương pháp này khuyến khích rời xa hàn lâm, sách vở, người viết sử đi vào đời sống, ghi chép cuộc đời sống động chân thật. Sẽ có người tổng hợp các ghi chép để tiệm cận sự thật.
Có lần Sơn Nam nói với tôi là nhờ ông đứng ngoài tổ chức, ông thấy được nhiều thứ mà “tụi còn bên trong không thấy”. “Tụi đó học cao hơn tao, bén hơn tao, mà sao giờ thấy nhiều mặt tụi nó u mê. Chuyện rõ ràng ràng, dân chúng thấy hết mà tụi nó không thấy!” Tôi nghĩ rằng, một cách không chủ ý, ông đã trả lời nhà hoạt động xã hội kia, cũng là người quen biết ông, khi vị ấy nói rằng Sơn Nam làm gì cũng không tới nơi tới chốn và kháng chiến thì nửa mùa!
Sơn Nam thua anh chị Hai tôi khoảng chục tuổi. Chị tôi kêu ông bằng cậu, cậu em. Ông quen anh chị tôi từ thời chiến tranh chống Pháp. Hòa bình rồi cùng ra Sài Gòn sống, không biết sao không lui tới nhau, sau tháng 4 năm 75 mới gặp lại.
Anh tôi nói anh chịu, thằng này chơi được. Xa cách hai chục năm mà gặp lại tình anh em đi thẳng vào tim. Nó vô nhà mình cầm đũa ăn cơm nói chuyện như hồi đó ăn dưới xuồng! Mấy thằng thiệt tình, không khách sáo dễ chơi!
Còn Sơn Nam thì nói anh Hai mầy hồi đó ngon lắm nghen, tụi tao kêu anh Ba. Đàn anh hết thảy tụi tao. Ổng ở Long Châu Tiền, mà Tiền Hậu gì cũng lẫn lộn nhau. Ổng với anh Chín là anh lớn, chia nhau chánh phó, tụi tao em út tà lọt. Mà tụi tao khoái anh Hai mầy hơn.
- Sau 75 em mới biết chú thím Chín. Ổng bả thương em. Em thích ông bà. Tại sao anh không thích chú Chín? Ổng có gì không tốt hả anh?
Sơn Nam khoác tay:
- Có gì mà không tốt. Hồi đó nhiều người tốt. Anh Chín tốt, đàng hoàng, mà nghiêm quá, ít giỡn. Anh Hai mầy dễ dàng, vui tánh, chìu anh em. Chuyện gì cho qua được là cho qua!
“Mấy thằng thiệt tình, không khách sáo dễ chơi” và “Chuyện gì cho qua được là cho qua”. Tôi lại rút được bài học về cách sống từ nhận xét của anh tôi về Sơn Nam, và từ nhận xét của Sơn Nam về anh tôi. Để bây giờ truyền lại cho các con tôi câu nói này: “Bằng cấp khó lấy nhứt là khi giao thiệp với người ta bên ngoài, được anh em nhận xét thằng này chơi được. Đó cũng là tấm bằng có ích lợi nhứt cho cuộc sống!”
Ngày 31 tháng 10 năm 2017

30 thg 10, 2019

Radio FM 974 – Melbourne Bắc Hàn: Thầy Cô Giáo, Học Trò Và Chuyện Giáo Dục Của Bình Nhưỡng Phủ

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 28/10/2019
    Trong một bài báo mới đăng trên trang mạng điện tử Urimzokuri của nhà nước, đề ngày 20 tháng 10 tại Bình Nhưỡng, được cho là thành quả của nhân viên cơ quan thông tấn xã trung ương Bắc Hàn, cho biết một phiên họp quan trọng mở rộng của nội các nhà cầm quyền cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên,  đã bàn thảo nhiều vấn đề cần đối phó của Bắc Hàn hiện nay nhưng tập trung vào việc thi hành và áp dụng chính sách đề ra bởi “lãnh tụ tối cao” Kim Jong Un, giáo chức hay nói riêng thầy cô giáo nên làm tròn nghĩa vụ của mình như là một cuộc cách mạng nghiệp vụ trong việc áp dụng chính sách của đảng đưa ra, đẩy mạnh bước tiến tiến bộ trong lảnh vực giáo dục.
    Bài viết trên cũng cho biết thêm, phiên họp đã lưu ý tới một hiện trạng đang xảy ra, có lẽ không có định trước trong chương trình nghị sự, là nhắc đến những lời chỉ trích gắt gao, một số viên chức không nêu tên đã phớt lờ, thờ ơ tắc trách trong việc cung cấp các điều kiện cần có cho việc làm và đời sống của giáo chức, nhưng mọi lời qua tiếng lại cuối cùng dừng lại ở đó. May thay, nhờ các chi tiết tìm thấy trong bài tường trình mới đây của NKHR “ủy ban Nhân quyền Bắc Hàn”, một tổ chức NGO (phi chánh phủ) ở Hoa Thịnh Đốn, người ta mới hiểu rõ “bộ mặt thật” điều kiện làm việc và sinh sống của giáo chức Bắc Hàn” mà những ông quan chức của đảng nói tới như thế nào.
    Một điều mà tổ chức NKHR đưa ra là, kể từ nạn nói giữa những năm 1990, thầy cô giáo Bắc Hàn, chính họ cũng quá đói nghèo cho nên họ đã công khai nhận hối lộ, quà cáp từ những phụ huynh khá giả, giàu có, thí dụ, nếu muốn con mình ngồi chỗ gần lò sưỡi trong lớp học để con không bị buốt cóng tay chân thì “trả tiền”, nếu muốn con mình có đủ tập sách thì “trả tiền”. Trong một bài viết đăng trên tờ Asia Times mới đây về vấn đề thiếu hụt thực phẩm của nạn đói Bắc Hàn qua tựa đề “Lost Generation: The Health and Human Rights of North Korean Children 1990 – 2018” cũng có một chương nói về hiện tình giáo dục của nước này. 
    Giáo chức “thầy cô giáo” thường thiên vị, dành nhiều ưu ái cho đám học sinh nhà giàu, cho họ ưu tiên nhận sách giáo khoa mới không phải đóng tiền, vì sự thiếu hụt sách vỡ là chuyện hết sức bình thường, cho nên không thiếu gì học sinh không theo kịp bài học, thua sút bạn bè nếu những em này thuộc con nhà giai cấp nghèo khó, nhóm này không có sách giáo khoa nên phải làm bài tập tại lớp trước khi về và phải học chung nhóm với nhau. Những thứ, vật dụng cần có hợp cách cho lớp học như dầu đốt, bàn ghế và phấn viết cũng không bao giờ có đủ, thầy cô giáo yêu cầu học sinh phải mang theo các thứ như kể trên, thường cho bài làm nhiều điểm cho em nào có thể mang tới trường nhiều hơn, đặc biệt là mùa đông, lạnh thấu xương, chân tay lạnh cóng, cứng ngắt, học sinh thường vắng mặt vì không thể nào chịu nổi thời tiết ngoài trời. Những người được hỏi làm thế nào để học sinh, những ai không thể mang đủ vật liệu tới trường, bị bắt buộc phải đóng tiền, câu trả lời là, em nào không có tiền đóng sẽ không thể nào và không được tham gia vào các sinh hoạt học tập khác ngoài bài vở trong lớp.
    Lò sưỡi đốt bằng than đá hay là cây khô, học trò phải đi lượm cây củi nhưng đám nhỏ tiểu học còn quá nhỏ không làm được nên phải đóng tiền, học trò đốt luôn cả các cây bắp khô, chỗ ngồi trong lớp thì cố định rồi, ai được cho ngồi gần lò sưỡi thì luôn luôn ngồi ở đó, ngồi bên cửa sổ xa thì không em nào muốn, quá lạnh nên cũng bỏ học, ở trung học đệ nhất cấp học trò mang thức ăn và cây củi đến trường bằng mấy cái xe cút kít bằng gỗ trong những ngày mùa đông, nếu ai không làm được chuyện đó thì phải đóng tiền, tất cả  cái gì cũng tính bằng tiền.
    Luật lao động xã hội chủ nghĩa Bắc Hàn ngăn cấm trẻ em dưới 16 tuổi không được đi làm tuy nhiên đám trẻ tuổi này lại là một phần rất lớn của lực lượng công nhân cả nước, bên cạnh đó trẻ em, học trò cũng phải lao động cực nhọc như là phải làm công việc do trường học chỉ định như phụ việc ngoài đồng áng hay xây cất chỗ này chỗ kia, việc này được nhà trường xem là bổ túc thực tiễn cho sự học hành. Học trò bị bắt buộc, chẳng những tại ruộng lúa, trồng bắp mà còn làm phụ những công việc khác bao gồm, hàn sắt thép, nhặt đập đá và thu hoạch mùa màn. 
   Thầy cô giáo thường bảo học trò đi lượm củi khô và rau cỏ gia vị, đồng thời lo cả việc lo nuôi thỏ và các con thú nhỏ khác để kiếm tiền cho chi phí điều hành trường học, sau ngày chiến dịch cấp phát thực phẩm cho dân chúng ngưng tại những vùng nghèo ở vùng đông bắc của Bắc Hàn, bao gồm tỉnh Bắc Hamgyong, học sinh phải đóng góp tài chánh cho thầy cô giáo, những người cũng chịu cùng cảnh ngộ thiếu thốn khó khăn. Có một nông trại nơi học sinh trồng bắp cải và củ cải trắng nhưng các em không nhận được một chút nào, chỉ có thầy cô giáo được chia tỷ lệ thu hoạch của trại này, tất cả đều phải tới nông trại làm, công việc thật sự nặng nhọc, nếu ai làm biếng, tránh né công việc sẽ bị thầy cô giáo la mắng quở phạt, cảnh cáo trừ điểm học tập. Tại những vùng nông thôn nghèo nhất ở Bắc Hàn, nhiều thầy cô giáo không nhận được một đồng tiền lương nào cả. Học sinh làm việc phụ giúp cho nông trại để thầy cô giáo có được nhiều sự trợ giúp từ các nơi này, thầy cô giáo không có tiền lương hàng tháng, thầy cô giáo nhận được một số lượng bắp do công sức của học sinh như đem bắp phơi khô, quét dọn sạch sẽ kho chứa một hay hai lần mỗi tuần lễ trong suốt mùa  trồng và thu hoạch bắp bận rộn. 
    Tại trường học, học sinh học buổi sáng và làm lao động từ 2 giờ trưa đến 6 giờ chiều, trong giờ lao động này,  phải ra phụ giúp nông dân trên những cánh đồng, trồng bắp và gieo mạ với cuốc xẻng, luôn cả việc đắp bờ đê ngăn nước, học sinh đào bùn lên, đội từng cục lên đầu mang đi, học sinh đi học sáu ngày trong tuần, chủ nhật được nghỉ, mùa thi thì được miễn làm các việc này. Một tuần học tiêu biểu là học sinh buộc phải làm lao động trung bình ba ngày. 
    Học sinh con nhà khá giả được sung sướng hơn vì đã hối lộ thầy cô giáo tiền bạc quà tặng, nên miễn chuyện làm lao động, số còn lại nếu muốn khỏi đi thì nộp một số tiền hối lộ cho thầy cô giáo của lớp mình, trong thời gian tổng động viên, đám học sinh mà thầy cô giáo đã nhận tiền hối lộ cũng đi theo bạn cùng lớp ra đồng nhưng không cần phải làm việc, học sinh làm rẩy phát quang trong suốt mùa hè rồi hái bắp và gặt lúa vào mùa đông. Tại một số trường, có lớp học nhạc hay hội họa, đám học sinh giàu học thêm các môn này thay vì bị bắt buộc phải đi lao động, học sinh nghèo thì chịu, vì không có tiền đóng học phí cho nên đành phải ra đồng, nếu không thì bỏ học.  Học sinh phải tự mang theo gạo, thức ăn cho mình trong thời gian đi lao động tuy nhiên, có một số không cần phải làm như vậy, số đó là con nhà giàu, đám này mua những thứ đó cho các học sinh khác, là đám con nhà nghèo để đổi lại được đám này làm thế phần việc họ được giao. 
    Như khi đi làm lao động tại các nông trại trồng bắp, mặc dù tại đây trại cung cấp bữa ăn với bắp nấu hàng ngày nhưng số lượng bắp thường thường không đủ cho học trò.  Có một vài học sinh giàu đã chi tiền mua số bắp đủ ăn cho một tháng cho nên những em này không cần phải đi làm lao động ở nông trại, có giấy phép miễn trừ chính thức từ văn phòng nhà trường và dĩ nhiên, họ được thầy cô giáo, ban cho danh hiệu học sinh xuất sắc tiên tiến. 
    Chắc cũng vì biết rõ như vậy cho nên, cũng trong bản văn của “lãnh tụ tối cao” Kim Jong Un giao cho đảng viên bàn thảo vừa qua, ông ta nói rõ là, hệ thống giáo dục học đường của xứ này đang trên đà đi sau sự tiến bộ của thế giới quá xa.
Thuyên Huy
Thứ Hai 28.10.2019 
Xem : CTGTT ngày 21/10/2019: Bắc Syria: Tiến Thối Lưỡng Nan – Phiến Quân Kurdish Bắt Tay Kẻ Thù Này Chống Kẻ Thù Khác

Chuyên gia nói gì về tác dụng của các loại thuốc trị ung thư mới?

Bệnh nhân ung thư đang trông chờ vào loại thuốc trị ung thư mới để cải thiện sức khỏe (ảnh: theepochtimes).

Các nhà nghiên cứu cho biết, hơn 1 nửa trong số 39 thử nghiệm lâm sàng chứng tỏ thuốc trị ung thư không có tác dụng trong quá trình điều trị.
Những người mắc bệnh ung thư thường là di truyền từ người thân, gia đình. Nếu ung thư đã phát triển đến giai đoạn cuối thì họ có thể phải đối mặt với bản án tử hình. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu đã làm ra nhiều loại thuốc mới để hỗ trợ người mắc căn bệnh hiểm nghèo này.
Một bệnh nhân ung thư đã hỏi bác sĩ của mình: “Thuốc này có thể giúp tôi sống lâu hơn được không?” Bác sĩ trả lời: “Tôi không biết, trong nghiên cứu thì thấy ghi là có tác dụng, nhưng trong thực tế thì không thấy bệnh nhân nào có thể sống lâu hơn”.
Điều này khiến các bệnh nhân ung thư mất hy vọng, nhưng đó là sự thật và là điều các nhà nghiên cứu ở Anh muốn chia sẻ khi nói về các loại thuốc điều trị ung thư mới.
Đánh giá các nghiên cứu
Một nghiên cứu được công bố vào ngày 18 tháng 9 trên Tạp chí Y học Anh đã xem xét 39 thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc trị ung thư mới ở châu Âu từ năm 2014 đến 2016.
Báo cáo cho thấy, hơn một nửa trong số thử nghiệm này đều có sai sót và bị phóng đại tác dụng điều trị. Chỉ một phần nhỏ tỷ lệ còn lại có kết quả kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Trong số 32 loại thuốc ung thư mới, chỉ có 9 loại kiểm tra không có sai sót nghiêm trọng.
Những nhà nghiên cứu đã đánh giá các phương pháp theo 2 cách. Cách thứ nhất, họ đo lường những kết quả sai lệch bằng cách theo dõi bệnh nhân khi sử dụng thuốc, nếu thấy họ bỏ cuộc sớm thì thuốc đó không có tác dụng.
Cách thứ hai, các nhà nghiên cứu xem xét liệu đầu nguồn là Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) có xác định được thuốc của họ không đạt tiêu chuẩn và có nhiều sai sót. Thực tế EMA đã thấy được 10 trong số 32 loại thuốc không đạt yêu cầu khi thử nghiệm. Nhưng những sai sót này hiếm khi được công bố trong các báo cáo thử nghiệm.
Kết quả điều trị tốt hơn khi được thử nghiệm lâm sàng
Các nhà nghiên cứu đang cố gắng làm ra những loại thuốc ung thư mới có hiệu quả (ảnh minh họa).

Trước khi một loại thuốc được đưa ra thị trường, các nhà sản xuất cần phải chứng minh được nó có hiệu quả. Sau đó các cơ quan quản lý như EMA, Cơ quan Quản lý Thực phẩm, Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Quản lý Hàng hóa Trị liệu Úc (TGA) đánh giá xem có nên bán loại thuốc đó cho các bác sĩ hay không.
Các cơ quan quản lý quốc gia chủ yếu kiểm tra các thử nghiệm lâm sàng, vì vậy những phát hiện từ nghiên cứu này có liên quan đến quốc tế, bao gồm cả ở Úc.
Cộng đồng đôi khi có những động thái thúc giục thuốc ung thư được đưa ra thị trường sớm hơn, nhằm chữa trị cho các bệnh nhân bị tình trạng nặng. Tuy nhiên, nếu thuốc ung thư được bán ra sớm sẽ không chắc chắn về hiệu quả điều trị.
Có những trường hợp thuốc được đưa ra thị trường sớm có thể kéo dài cơ hội sống sót cho bệnh nhân. Nhưng trong nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy, chỉ 19 trong số 93 loại thuốc ung thư được phê duyệt hiệu quả từ năm 1992 đến năm 2017.
Làm thế nào để biết được hiệu quả của thuốc ung thư?
Những loại thuốc ung thư đứng được trên thị trường bao lâu dựa vào hiệu quả trị bệnh của nó, ví dụ như nếu sức khỏe bệnh nhân sử dụng được kéo dài hoặc tiến triển tốt, hay làm chậm sự phát triển của khối u. Dựa trên những kết quả đó, những loại thuốc trên sẽ được sử dụng lâu dài. Đối với nhiều bệnh nhân ung thư, những người tiên phong sử dụng sẽ được coi như lấy sức khỏe của bản thân để thử nghiệm hiệu quả của thuốc.
Trung bình, phải mất một năm để theo dõi hiệu quả thực tế của 100 loại thuốc trên các bệnh nhân, và đưa ra kết quả đánh giá sát nhất với loại thuốc đó. Phương pháp này có thể theo dõi được liệu rằng, khối u phát triển thêm hay dừng lại trên cơ thể người sống. Thông thường kết quả nhận được là kém hiệu quả so với mong đợi.
Một năm là khoảng thời gian lâu để chờ đợi kết quả. Bên cạnh đó cũng có những chính sách điều trị thử nghiệm khác cho bệnh nhân, một số thử nghiệm lâm sàng hoặc chương trình thiện nguyện. Nếu kết quả tiến triển tốt cho sức khỏe người bệnh và tìm ra loại thuốc hiệu quả thì rất đáng để chờ đợi.
Thuốc trị ung thư phải đủ tiêu chuẩn, nếu không sẽ phản tác dụng (ảnh minh họa).

Thuốc mà không đủ tiêu chuẩn có thể gây hại
Trong kết luận của nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng sự phóng đại về hiệu quả trị bệnh gây ra tác hại trực tiếp cho bệnh nhân, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người sử dụng.
Ví dụ, thuốc panobinuler, được sử dụng cho bệnh nhân u tủy, đã dẫn đến nhiễm trùng và chảy máu nghiêm trọng.
Thông tin không chính xác sẽ khiến mất niềm tin dần của người tiêu dùng.
Những hiệu quả của thuốc mới được thông báo dựa trên tình hình sức khỏe các bệnh nhân, nhưng niềm tin sẽ bị đánh mất nếu ngay cả bác sĩ và bệnh nhân cũng không chứng minh được chính xác hiệu quả của thuốc ung thư, mà đã đưa ra thị trường.
Ở các quốc gia có bảo hiểm y tế, như Chương trình Phúc lợi Dược phẩm Úc (PBS), bệnh nhân khi dùng thuốc trị ung thư sẽ được thanh toán miễn phí. PBS thường từ chối trả tiền cho các loại thuốc ung thư mới vì chưa được kiểm định chắc chắn. Trừ trường hợp một số loại thuốc có sẵn trên PBS.
Thuốc ung thư mới thường rất đắt. Trung bình ở Hoa Kỳ, một đợt điều trị bằng thuốc trị ung thư mới có giá hơn 100.000 đô la (tương đương với 2,3 tỉ đồng).
Bệnh nhân ung thư cần các phương pháp điều trị giúp họ kéo dài sự sống, hoặc ít nhất là có chất lượng cuộc sống tốt hơn trong thời gian trước khi họ lìa đời. Trong niềm hy vọng mãnh liệt này, chúng ta cần thuốc ung thư mới đạt tiêu chuẩn, chắc chắn có lợi ích cho sức khỏe người bệnh

Hoàng Anh (daikynguyen.com)


-CÒN LẠI XUYẾN CHI BUỒN - Thơ Hà Thu Thủy


Hái bông hoa xuyến chi người bỏ lai
Trong vườn hoang xưa cỏ dại ngập đường
Gió lay lay vòm xuyến chi thơ dại
Bé bỏng thơ ngây nở trắng góc vườn

Người ra đi bỏ vườn hoa cô quạnh
Nhớ mối tình thơ đã phải nhạt nhòa
Sau cơn mưa đêm đỗ về kịp tạnh
Vô vàn bông hoa trinh trắng chan hòa

người còn nhớ hoa xuyến chi không nhỉ ?
Từng cành gầy chụm lại trắng màu mây
Ngày xưa xa,mình chơi trò đám cưới
Hoa kết vòng cài lên tóc hay hay

Ở xa quá chắc gì người sẽ nhớ
Một thời ngô nghê chân đất trốn tìm
Nếu còn nhớ chắc sẽ nhiều trăn trở
Thôi quên đi để  khói khỏi đầy hồn

Xa thật rồi ngày xưa yêu dấu ấy
Cánh cửa chiều đã mở vội chờ ta
Đón hoàng hôn lừng lững về buồn bã
Bàng hoàng nhìn thời tuổi dại đã bay xa

Hà Thu Thủy (SPSGk.9)

Xem Thêm :  * Hoa xuyến chi còn gọi là hoa gì?
                      *Hoa xuyến chi chữa bệnh

29 thg 10, 2019

Truyện cười bốn phương: Ông bố giàu nhất...



ÔNG BỐ GÌAU
Tôi thắc mắc là tại sao ông lại chọn căn phòng rẻ nhất. Trong khi đó con trai của ông đến đây thuê phòng là toàn chọn những phòng đắt nhất, đầy đủ tiện nghi nhất?
* Nhân viên lễ tân hỏi một tỷ phú: - Thưa ông, xin lỗi tôi tò mò một chút chuyện ạ?
- Có chuyện gì không ổn sao?
- À, tôi thắc mắc là tại sao ông lại chọn căn phòng rẻ nhất. Trong khi đó con trai của ông đến đây thuê phòng là toàn chọn những phòng đắt nhất, đầy đủ tiện nghi nhất?
- Ờ thì bố nó giàu, còn bố tôi thì nghèo!
Nhân viên phàn nàn:
- Tôi đã ở đây 11 năm ròng rã, một mình làm việc bằng ba người thế nhưng chỉ được nhận một phần lương ít ỏi. Tôi muốn được tăng lương.
Ông chủ khẽ lắc đầu:
- Thật xin lỗi, tôi không thể nào tăng lương cho anh được. Nhưng nếu...
- Nếu sao ạ? - nhân viên vội ngắt lời.
- Nếu anh nói cho tôi biết tên ba người kia là ai.
Ông chủ gằn giọng: - Tôi nhất định sẽ sa thải bọn họ.
Một người hớt hải chạy đi tìm bạn để vay tiền.
- Gặp cậu tớ mừng quá. Cậu cho tớ vay 100 phrăng nhé?
- Rất tiếc, hôm nay tớ không mang theo một xu dính túi.
- Còn ở nhà thì sao?
- Cảm ơn! Ở nhà ai cũng khỏe cả, khỏe lắm !

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 41 : : CHỮ (Đỗ Chiêu Đức diển giãi )


TỰ là CHỮ, cắt giàng đầu chữ TỬ là Con, Con ai Con ấy ?

           Đó là vế đầu của câu đối mà sứ giả của nhà vua đã ra để thử tài của khai quốc Trạng Nguyên  Nguyễn Hiền. Có nghĩa :
           TỰ 字 có nghĩa là CHỮ,  cắt đi giàng đầu của chữ TỰ 字 là bộ MIÊN 宀,thì chỉ còn lại chữ TỬ 子 bên dưới, có nghĩa là CON, Ý của sứ giả là muốn hỏi : Ngươi là con của ai vậy ?!
    Trng nghe hỏi vô lễ, bèn đáp lại rằng :

                     VU là Chưng, bỏ ngang lưng chữ ĐINH là Đứa, Đứa nào Đứa này ?

          Chữ VU 于 có nghĩa là Chưng ( Vì chưng, bởi chưng), bỏ đi nét ngang lưng của chữ VU , là chữ NHẤT 一, thì chỉ còn lại chữ ĐINH 丁, có nghĩa là Đứa  (Gia Đinh 家丁 là Đứa ở). Ý Trạng muốn hỏi : Nhà ngươi là ĐỨA NÀO, mà dám hỏi ta là CON của ai ?!
       
         Trong văn học cổ CHỮ được nhắc tới nhiều nhất là CHỮ HIẾU, CHỮ TÌNH, CHỮ TÂM... Xin được lần lượt trình bày sau đây.
                  Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ,         天有四時春在首,
               Nhân sinh bách hạnh HIẾU vi tiên.    人生百行孝為先。 
Có nghĩa :
              - Trời có bốn mùa, xuân là mùa đứng đầu.
              - Người có trăm phẩm hạnh, HIẾU là trước tiên.

        Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, trước khi muốn bán mình chuộc tội cho cha, Thúy Kiều cũng đã cân nhắc :
                                Duyên hội ngộ, đức CÙ LAO,
                          Bên tình bên Hiếu bên nào nặng hơn ?!   

        Tự hỏi xong thì Thúy Kiều cũng đã đưa ra câu trả lời :   

                                  Để lời thệ hải minh sơn,
                          Làm con trước phải đền ơn sinh thành.  

        CÙ LAO 劬勞 : là Cực nhọc lao khổ. Theo chương Tiểu Nhã, Lạo Nga của Kinh Thi 詩經·小雅·蓼莪 có bài như sau :

          蓼蓼者莪,匪莪伊蒿。   Lạo lạo giả nga, phi nga y cao.
          哀哀父母,生我劬劳.    Ai ai phụ mẫu, sanh ngã CÙ LAO.
             .........
          父兮我,母兮我。   Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã.
          我,我,   Phủ ngã xúc ngã, trưởng ngã dục ngã,
          我,出入我。   Cố ngã phục ngã, xuất nhập phúc ngã.
          欲报之德,昊天罔极.    Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực.
Có nghĩa :
         Cha mẹ mong ta xanh tốt như rau nga  (giống như rau ngỗ của ta), nhưng ta lại giống như rau cao  (giống như rau đắng của ta. Ý muốn nói là không giống được như cha mẹ mong mõi). Thương thay cha mẹ ta, sanh ra ta thật là vất vả khó nhọc.  
         Cha sanh ra ta, mẹ thì mang nặng ta, vuốt ve ta nâng niu ta, nuôi ta khôn lớn. Chăm sóc chiếu cố ta, ra vào bồng ẵm ta . Muốn báo cái ơn đức đó của cha mẹ. thì như trời cao lồng lộng vô cùng tận. (Ý chỉ không báo nổi ơn của cha mẹ đâu).
         - Diễn Nôm :
                            Inline image
                                 Kìa xem xanh tốt rau nga,
                             Hóa ra chẳng phải đó là rau cao. 
                               Thương thương cha mẹ biết bao,
                             Nuôi ta khôn lớn cù lao nhọc nhằn.
                              .......................
                                 Cha sanh mẹ dưỡng khó khăn,
                            Đẻ đau mang nặng ân cần nâng niu.
                                 Ra vào bồng ẳm cưng chìu,
                           Dưỡng nuôi chăn sóc thương yêu vô ngần.
                                 Làm con muốn báo thâm ân,
                           Trời cao lồng lộng khó mong đáp đền !
                                                                           ( ĐCĐ )

          9 chữ màu đỏ ở trên (, sanhcúc,,Phủxúc, 长, 育,trưởng, dục, ,, Cố, phục,  phúc), 
 gọi là Cửu Tự Cù Lao 九字劬劳, ta nói là : CHÍN CHỮ CÙ LAO, như trong Kiều, khi ở lầu xanh, cô kiều đã :

                                   Nhớ ơn CHÍN CHỮ cao sâu,
                              Một ngày một ngã bóng dâu tà tà ...         
        Còn trong truyện Nôm NHỊ ĐỘ MAI thì gọi là CHỮ HIẾU, CHỮ CÙ :

                                   Có ra chi phận má hồng,
                           Khôn đem CHỮ HIẾU đền công CHỮ CÙ.
    

       Từ xưa đến nay, chữ HIẾU chữ TÌNH thường đưa người ta vào những hoàn cảnh khó xử, như Thúy Kiều vừa mới có người yêu, đang đắm đuối trong tình yêu mới chớm thì đã phải bán mình báo hiếu, đến nỗi phải lạy lục cầu cứu Thúy Vân trả hộ "nợ tình":

                                 Cậy em, em có chịu lời,
                            Ngồi lên chi chị lạy rồi sẽ thưa !

       Tội nghiệp thay ! Nhưng biết phải làm sao, khi :

                         Inline image

                                 Sự đâu sóng gió bất kỳ,
                          HIẾU TÌNH khôn lẽ hai bề vẹn hai!
                                 Ngày xuân em hãy còn dài,
                          Xót tình máu mũ thay lời nước non. 

     ... và như bà Tam Hợp Đạo Cô đã nói với sư Giác Duyên :

                                Thúy Kiều sắc xảo khôn ngoan,
                            Vô doan là phận hồng nhan đã đành.
                                 Lại mang lấy một CHỮ TÌNH,
                           Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.

       Đang lúc yêu nhau thì CHỮ TÌNH nó hành xác con người ta là thế. Nhưng khi đã thành gia thất với nhau rồi, thì chữ TÌNH cũng rất ư là ngọt ngào hạnh phúc như khi Thúc Sinh gặp lại vợ nhà là Hoạn Thư :

                                 Lời tan hợp nỗi hàn huyên,
                      CHỮ TÌNH càng mặn chữ duyên càng nồng.

       Hay như khi Từ Hải "Om thòm trống trận rập rình nhạc quân" rước Thúy Kiều về đoàn tụ cho ...

                                Vinh hoa bỏ lúc phong trần,
                       CHỮ TÌNH ngày lại thêm xuân một ngày.

        CHỮ TÌNH lại cũng thường đi chung với CHỮ ĐỒNG như khi Kim Kiều thề nguyền hẹn ước :

                                 Vầng trăng dằng dặc giữa trời, 
                            Đinh ninh hai mặt một lời song song.
                                   Tóc tơ căn dặn tấc lòng,
                          Trăm năm tạc một CHỮ ĐỒNG đến xương !

                        Inline image



         CHỮ ĐỒNG tức là CHỮ ĐỒNG TÂM. Như khi đưa Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú, Thúy Kiều đã trấn an Kim Trọng lúc chia tay là :


                                  Đã nguyền hai CHỮ ĐỒNG TÂM,
                            Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.
         
      Chữ Đồng, Chữ Đồng Tâm đều do từ gốc là ĐỒNG TÂM ĐỚI 同心帶 hay ĐỒNG TÂM KẾT 同心结 mà ra. Đó là những giải lụa ngũ sắc hay màu đỏ ở giữa thắt một cái gút hình 2 trái tim liền nhau. Có xuất xứ từ bài thơ ngũ ngôn Cổ phong "Di Lăng Quận Nội Tự Biệt" của Dương Hành đời Đường. Trong đó có những câu như :

            留念同心帶,   Lưu niệm ĐỒNG TÂM ĐỚI,
            贈遠芙蓉簪。   Tặng viễn phù dung trâm.
            撫懷極投漆,   Vũ hoài cực đầu tất,
            感物重黄金。   Cảm vật trọng hoàng câm (kim).
Có nghĩa :
                Lưu niệm này DẢI ĐỒNG TÂM,
            Tặng người xa cách Phù Dung trâm cài.
                Keo sơn yêu ấp lòng này,
            Vật hèn mà cũng sánh tày hoàng kim.

            Inline image
                                   Dải Đồng Tâm     同心結

       Trong Truyện Kiều, lúc Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh hãy suy nghĩ kỹ và trân trọng tình nghĩa vợ chồng hơn khi Thúc muốn chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh :

                  Bấy lâu khắng khít DẢI ĐỒNG,
            Thêm người người cũng thêm lòng riêng tây.
                  Xá chi chút nghĩa bèo mây,
                Làm cho bể ái khi đầy khi vơi !...

       Ngày xưa, theo đạo Nho thì "Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu 在家從父,出嫁從夫". Nên ta lại có CHỮ TÒNG cho phận gái, như Thúy Kiều là một kỹ nữ, nên đã rất lấy làm hãnh diện khi được Thúc Sinh chuộc ra khỏi lầu xanh và cưới về làm vợ, như cụ Nguyễn Du đã viết :


                    Phận bồ từ vẹn CHỮ TÒNG,
               Ðổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.

       ... và khi về với Từ Hải rồi, trong lúc "Nửa năm hương lửa đang nồng, Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương". Từ muốn ra đi làm việc lớn, nên Thúy Kiều cũng muốn đi theo :

                  Nàng rằng :"Phận gái CHỮ TÒNG",
                Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.

       Cuối cùng, ta còn có CHỮ TRINH để chỉ sự trinh tiết của phụ nữ ngày xưa. Xã hội phong kiến đã đặt cái gánh nặng "Trinh Tiết 貞節" lên vai phái nữ với câu " Tòng nhất nhi chung 從一而終" là "Chỉ theo một chồng cho tới chết!". Trải qua mấy ngàn năm, phụ nữ chịu đựng thét... rồi quen, mà còn nghiêm chỉnh chấp hành coi như đó là một thiên chức thiêng liêng của phái nữ nữa... cái mới là tội nghiệp ! Ta hãy nghe Thúy Kiều phân bua khi Kim Kiều Tái Hợp :

                  Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,
            Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương.
                  CHỮ TRINH đáng giá nghìn vàng,
             Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa.
                  Thiếp từ ngộ biến đến giờ.
               Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
                   Bấy chầy gió táp mưa sa.
             Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.

 ... và đành lòng cam chịu :

                   Còn chi là cái hồng nhan,
               Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?
                   Nghĩ mình chẳng hổ mình sao,
                 Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!
                   Đã hay chàng nặng vì tình,
               Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!

       Cũng may là Kim Trọng là người cởi mở, có tư tưởng tiến hóa đi trước thời đại lúc bấy giờ, nên đã đáp lời cô Kiều Là :

                   Chàng rằng: Khéo nói nên lời,
                  Mà trong lẽ phải có người có ta!
                    Xưa nay trong đạo đàn bà,
               CHỮ TRINH kia cũng có ba bảy đường,
                    Có khi biến có khi thường,
               Có quyền nào phải một đường chấp kinh.
                    Như nàng lấy HIẾU làm TRINH,
                 Bụi nào cho đục được mình ấy vay?

        Nhưng dù nói thế nào thì Thúy Kiều vẫn "năn nỉ" Kim Trọng đừng "động phòng" trong đêm hôm đó với lý do... có hơi "tự ái" là :

                    CHỮ TRINH còn một chút này,
               Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!
                    Còn nhiều ân ái chan chan,
                Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi?

         Đêm hôm đó chìu lòng Thúy Kiều, Kim Trọng không "động phòng". Nhưng những hôm sau thì sao ?! - Chỉ có cụ Nguyễn Du mới biết được mà thôi !

         Và để kết thúc bài viết hôm nay, xin được mượn những câu trong lời kết của cụ Nguyễn Du cho Truyện Kiều với các CHỮ sau đây :


                   Ngẫm hay muôn sự tại trời,
              Trời kia đã bắt làm người có thân.
                 Bắt phong trần phải phong trần,
             Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
                   Có đâu thiên vị người nào,
                CHỮ TÀI CHỮ MỆNH dồi dào cả hai,
                    Có tài mà cậy chi tài,
               CHỮ TÀI liền với CHỮ TAI một vần.
                  Đã mang lấy nghiệp vào thân,
              Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
                   Thiện căn ở tại lòng ta,
               CHỮ TÂM kia mới bằng ba CHỮ TÀI.
                         
                 Inline image  Inline image
               Xin được kết thúc các CHỮ ở đây. Hẹn bài viết tới !
Đỗ Chiêu Đức