Tài tốt nghiệp thủ khoa Cao học, thông thạo tiếng Anh chẳng kém gì tiếng mẹ đẻ. Một công ty nước ngoài đóng tại Hà Nội mời Tài vào việc với mức lương 1.500 đôla một tháng nhưng nghe theo lời mời chào chiêu hiền đãii sĩ của quê hương, Tài quyết định khăn gói về quê với khát khao phát triển được tài năng và góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tài được nhận biên chế ngay vào Sở Khoa học tỉnh mà không cần qua hợp đồng thử thách; được ở nhà công vụ 60m2, được cấp 20 triệu đồng để mua xe máy. Còn về tiền lương, Tài được đặc cách hưởng chế độ lương theo tiêu chuẩn trọng dụng nhân tài của tỉnh, nghĩa là gấp 4 lần so với mức lương hiện hành của một kỹ sư mới ra trường. Sự kiện này được báo tỉnh đăng tải trên trang nhất, được đài truyền hình tỉnh làm hẳn một phóng sự phát trên chương trình thời sự. Cả làng Tài, từ người già đến trẻ con nhìn thấy Tài trên báo, trên truyền hình thì tự hào lắm. Còn gia đình ông Tần, thân sinh của Tài thì khỏi phải nói, suốt một tuần liền cả nhà tấp nập khách khứa đến hỏi thăm, chức mừng; ra đến đường chưa kịp cất lời chào thì người ta đã:” A, chào bác Tần, thật vinh dự cho làng ta…”.
Tài được bố trí làm việc ở phòng Nghiên cứu khoa học, thật là một công việc thỏa với chí lớn của Tài, Tài sẽ có điều kiện nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học lớn, có ứng dụng thiết thực trong cuộc sống, đem lại hiệu quả kinh tế to lớn. Hôm đầu tiên đi làm việc, đích thân ông giám đốc Sở dẫn Tài đến các phòng để giới thiệu. Buổi trưa, Sở mở tiệc chiêu đãi Tài, buổi chiều phòng Nghiên cứu chiêu đãi, cả ngày hôm ấy Tài mệt lử người vì rượu, bia và những lời chúc tụng.
Ngày hôm sau, đúng 7 giờ 30- giờ qui định của Nhà nước, Tài đến cơ quan, ông bảo vệ ngạc nhiên hỏi Tài sao đến sớm thế? Tài ngạc nhiên hỏi ông sao giờ này mà cơ quan vẫn chưa có người nào? Hay là mọi người đi họp, đi công tác hết? Ông bảo vệ giải thích rằng nội qui thì qui định giờ giấc thế nhưng cơ quan nghiên cứu khoa học, ai lại quản về giờ giấc, vấn đề là công trình nghiên cứu, là hiệu quả công việc. Tài ngồi uống trà với ông bảo vệ đến gần 9 giờ thì mới thấy cửa phòng Nghiên cứu hé mở. Quên cả cảm ơn ông bảo vệ, Tài rảo bước về phía phòng mình. Trong phòng mới chỉ có phó phòng Quảng, Tài chào anh, anh Quảng ờ ờ đáp lại, rót trà, đẩy chồng báo về phía Tài. Tài cầm một tờ lên xem, một lúc sau cả phòng mới đến đông đủ, quây quần bên bàn trà, đọc báo, uống trà, chuyện trò rôm rả:
- Sáng hôm qua ra ngõ gặp con mẹ bán thịt xui quá, chiều quất 50 ngàn con đề 17, tối ra 71!
- Phải đánh lộn chứ, ăn dày quá chết là phải!
- Sáng ngày lộn tiết với con vợ, túi còn hai trăm ngàn, nó lột mất nửa.
- Này, con chó nhà ông đẻ chưa, để cho tôi một con nhé!
Gần 10 giờ, hết hai tuần trà, chuyện vãn, người nào về bàn người nấy. Tài cũng về bàn của mình, một cái bàn mới được kê bên cạnh cửa sổ. Nhìn bàn ghế của mọi người, cái thì bong mặt, cái thì mối xông cụt chân phải kê gạch, Tài hiểu rằng, ngay cả bộ bàn ghế của mình cũng nằm trong tiêu chuẩn của người tài.
Phó phòng Quảng đem đến cho Tài một tập tài liệu cũ bảo Tài xem được cái gì thì xem, còn không có thể ngồi đọc báo, vào mạng internet xem tin tức hoặc xem mấy trang Web tươi mát, gần nửa năm nay Sở chưa nhận được đề tài nghiên cứu nào.
Hôm sau, lại uống trà, đọc báo, đọc tài liệu, thấy Tài ngáp ngắn ngáp dài, anh Quảng đến hỏi Tài có biết chơi cờ Vua không? Tài bảo hồi sinh viên cũng thỉnh thoảng chơi vài ván, anh Quảng kéo Tài sang phòng trưởng phòng Mại, vẻ hồ hởi như vừa được tăng lương:
- Báo cáo anh, cậu Tài không chỉ tài về khoa học mà còn tài về cái món cờ Vua mà anh đam mê.
- Thế hả? Tốt lắm, thử tài người tài một ván xem nào.
Trưởng phòng Mại nói xong, mở tủ lấy ra bộ bàn cờ Vua rất đẹp, bàn làm bằng đá màu đỏ còn quân cờ bằng gỗ. Ông bày cờ, giơ tay mời Tài. Tài miễn cưỡng cầm quân trắng đi trước. Lúc đầu Tài nghĩ cũng chỉ hầu ông một vài ván chơi chơi nhưng khi vào cuộc lại dồn nhiều tâm sức thành ra làm cho ông Mại thua liên tiếp hai ván liền. Anh Quảng lấy chân giẫm lên chân Tài, đau đến nỗi Tài giãy nảy cả người lên, Tài tưởng anh Quảng sơ ý giẫm vào chân mình nên rụt chân lại, tiếp tục chơi cờ. Xong ván thua thứ ba, ông Mại đỏ mặt, vỗ vai Tài:”Khá!Khá lắm! Đúng là người tài!”. Ra khỏi phòng, anh Quảng hỏi:
-Tớ giẫm chân lên chân cậu mà cậu không biết à?
- Sao thế anh?
- Khổ quá, ông Mại rất đam mê đánh cờ nhưng không cao cờ, ngày nào trong giờ hành chính tớ chả hầu ông ấy mấy ván nhưng đánh ba ván thì tớ chỉ thắng hoặc hoà một còn thua hai mặc dù mình có thể thắng tất. Nhìn lối đi của cậu, tớ biết cậu vào loại siêu cờ đấy nhưng đánh với trưởng phòng mà thắng hết là hỏng ăn đấy.
- Sao thế ạ?- Tài có vẻ ngạc nhiên. Phó phòng Quảng lắc đầu nói với Tài rằng ở đời sống khó lắm.
Suốt mấy tuần liền, Tài đến cơ quan chỉ để uống trà, đọc báo, đọc tài liệu, thỉnh thoảng cũng được cơ quan cử đi dự một vài cuộc họp của Sở này, Ban nọ, lấy tài liệu, lĩnh năm mươi ngàn phong bì rồi về. Đang lúc chán nản thì ông giám đốc Sở gọi Tài lên giao nhiệm vụ:
- Sở ta vừa ký được một hợp đồng nghiên cứu với Sở Công nghiệp về đề tài ”Bụi khói công nghiệp”, tôi giao cho cậu làm chủ đề tài.
- Dạ, cháu sẽ hết sức cố gắng- Tài cảm động đáp. Giám đốc Sở động viên Tài:
- Trong lịch sử 40 năm ra đời và phát triển của Sở ta, đây là lần đầu tiên một cán bộ trẻ, mới về công tác được làm chủ một đề tài nghiên cứu khoa học, đó là nhờ có chính sách chiêu hiền, đãi sĩ của tỉnh ta nên cậu phải hết sức cố gắng hoàn thành trong vòng hai tuần cái đề tài này.
- Hai tuần?- Tài trợn tròn mắt.
- Đúng hai tuần, vì đây là đề tài ngẫu hứng, chả là chỉ còn ba tuần nữa, Sở Công nghiệp sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, họ muốn có một công trình khoa học để đưa vào bản báo cáo thành tích vì thế họ mới ký hợp đồng với ta.
Tài lắc đầu từ chối, bảo rằng với một đề tài khoa học như thế này, ít nhất cũng phải năm tháng mới có thể hoàn thành. Ông giám đốc lắc đầu bảo thế có mà ăn cám, rồi ông giao đề tài này cho trưởng phòng Mại. Tài tưởng ông Mại, nếu không dám từ chối thì cũng xin kéo dài thời gian nghiên cứu, nhưng không, ông rất hồ hởi, lại còn hứa sẽ chỉ gói gọn trong mươi ngày là có thể nghiệm thu được!
Còn hơn cả sự ngạc nhiên của Tài, chín ngày sau, đề tài nghiên cứu khoa học”Bụi khói công nghiệp” đã được hoàn thành và nghiệm thu với kết quả xuất sắc. Thì ra để có được thành công đến mức chóng mặt này, trưởng phòng Mại đã truy cập vào internet, lôi ra một đề tài tốt nghiệp ”Bụi khói than tổ ong” của một sinh viên ở Hà Nội rồi đem xào xáo thành đề tài ”Bụi khói công nghiệp”. Sáu tháng sau ngày nghiệm thu, Tài đang loay hoay xu dọn lại căn phòng để chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên trong cuộc đời công chức của mình thì nghe thấy tiếng rao của một chị đồng nát, Tài gọi chị vào để bán ít giấy, báo cũ cho đỡ chật nhà. Nhìn thấy chị đồng nát má hóp, tay nổi đầy gân guốc, Tài thấy thương chị quá, bảo cho không chị đống giấy báo này, chị xúc động lắm, cảm ơn Tài rối rít. Trong lúc chị đang xếp đống giấy, báo của Tài thì chợt mắt Tài nhìn thấy một tờ giấy lòi ra trong mớ giấy báo lộn của chị đồng nát, trên tờ giấy có cái chữ ngoằn ngèo dài ngoẵng rất quen mắt. Tài cúi xuống lôi cả tập giấy ra, mới hay đó là đề tài”Bụi khói công nghiệp”; chữ ký quen quen kia chính là của ông giám đốc Sở Khoa học kiêm chủ tịch Hội đồng khoa học.
Đầu năm mới, một vận hội mới lại đến với Tài, vẫn theo tư tưởng trọng dụng hiền tài, ông giám đốc Sở cho gọi Tài lên bảo:
- Lần trước, thời gian ngắn quá, cậu không nhận, lần này Sở vừa ký được một hợp đồng nghiên cứu với một huyện, thời gian từ lúc triển khai nghiên cứu đến khi nghiệm thu có thể kéo dài đến hết quí hai, nghĩa là vừa tròn sáu tháng. Lần này thì cậu không từ chối chứ?
- Đề tài gì vậy chú?- Tài có vẻ hồi hộp.
- Đề tài cụ thể thì chưa xác định rõ, nhưng đại khái là chiến lược áp dụng khoa học kỹ thuật để tiến lên công nghiệp hóa ở một huyện thuần nông.
Sau khi bàn bạc với ông giám đốc Sở, Tài đồng ý nhận tìm kiếm và làm chủ đề tài cùng với năm cộng sự. Sau mười ngày, Tài trình giám đốc Sở bản đề án về đề tài nghiên cứu:” Áp dụng khoa học kỹ thuật để khôi phục và phát triển lại cây lúa tám thơm Hạ”. Sau gần sáu tháng miệt mài điều tra số liệu, phân tích đánh giá tiềm năng của người, của đất trong huyện, Tài đã hoàn thành xuất sắc đề tài. Nộp đề tài cho giám đốc Sở, Tài tràn ngập niềm tin và hy vọng vào đề tài nghiên cứu đầu tiên trong cuộc đời khoa học mà Tài nguyện cả đời hiến dâng. Quả là lúc đầu nhận đề tài, Tài lo lắng lắm, vì mình chưa có kinh nghiệm, hàng chục con mắt trong Sở lại đều đổ dồn vào Tài; khâm phục có, ngờ vực có, và ghen ghét cũng có. Nhưng thực tiễn, đúng thực tiễn vô giá mà muôn năm đã giúp Tài mở sáng con mắt, mở sáng tầm nhìn và tư duy. Hoá ra khi còn ngồi trên giảng đường, Tài chỉ được học lý thuyết; ngay cả khi học Cao học, Tài cũng chỉ chủ yếu học thông qua lời giảng của thầy, trên sách vở, nghiên cứu trên tài liệu là chính nên nó quá xa rời với thực tế. ấy là Tài học bằng thực lực chứ không như nhiều người, nhất là các quan chức học Cao học, nghiên cứu sinh, họ học chủ yếu bằng phong bao, ngay cả luận án tốt nghiệp cũng thuê thầy viết với giá hàng chục triệu đồng.
Vừa kết hợp nghiên cứu thực tế trên đồng ruộng vừa điều tra, ghi chép tỷ mỷ kinh nghiệm của gần một trăm nông dân đã từng cấy lúa tám thơm ở ba xã Hạ Trung, Hạ Lưu và Hạ Thượng đã cho thấy cách đây hàng chục năm, huyện đã từng có loại gạo tám thơm Hạ, cái tên gạo mang chữ đầu tiên của một loạt tên xã có cấy lúa tám thơm. Gạo tám thơm Hạ đã từng trở thành loại gạo đặc sản nổi tiếng cả nước vì nhiều tính ưu việt của nó; dẻo, bổ dưỡng và nhất là mùi thơm, chỉ cần nhà ai đó thổi cơm gạo tám thơm Hạ thì đi vào đầu ngõ đã ngửi thấy mùi thơm phưng phức. Gạo tám thơm Hạ từng được coi là món quà quí giá để cấp dưới biếu cấp trên trong dịp ngày Tết, lễ hội; đã từng được người nông dân nấu ăn trong ba ngày Tết hoặc trong những ngày giỗ chạp; thế nhưng vào những năm đói kém, người ta đã đồng loạt thay thế giống lúa tám thơm Hạ bằng một giống lúa lai có năng xuất cao mà cơm ăn như củi mục để giải quyết khâu đói. Dần dần, cây lúa tám thơm bị mai một. Bây giờ nếu có vốn đầu tư, biết áp dụng khoa học kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây lúa tám thơm Hạ trở thành thương hiệu, không những bán trong nước mà còn đem xuất khẩu thì chẳng những xoá được cái đói, giảm được cái nghèo mà còn tiến tới làm giàu được, chính vì vậy mà Tài rất tâm huyết, quyết dồn hết sức lực và trí tuệ vào đề tài này. Ngay như cụ Chiên, một lão nông tri điền đã bước vào cái tuổi bảy lăm ở xã Hạ Trung, thấy Tài ngày đêm nghiên cứu về vấn đề mà cụ thấy lợi cho dân làng đã mời Tài về nhà mình ở, cơm nước miễn phí, không những thế cụ còn dành một sào ruộng để Tài làm thí nghiệm.
Đề tài nghiên cứu” áp dụng khoa học kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây lúa tám thơm Hạ” đã thành công bước đầu, chỉ cần thực nghiệm thêm một thời gian nữa là có thể triển khai trên diện rộng. Tài vui sướng và tràn đầy hy vọng đề tài sẽ được thông qua và triển khai nhưng ông giám đốc Sở đã gọi Tài lên phòng, lắc đầu:
- Có hai vấn đề mà đề tài sẽ khó được huyện chấp nhận.
- Vấn đề gì vậy hả chú?- Tài ngỡ ngàng.
- Trước khi bắt tay vào nghiên cứu, tôi đã lưu ý với cậu là phải chọn đề tài gì nó gắn với công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Nhưng sau đó cậu lại thay đổi, lúc đó tôi bận quá nên cũng ừ hữ cho xong, nhưng cái tay Phó chủ tịch huyện nó cằn nhằn lắm.
- Thì nghiên cứu cây lúa tám thơm cũng là theo hướng xuất khẩu, công nghiệp đó thôi!- Tài thanh minh.
- Mình là nhà khoa học, tư duy có thể hiểu được nhưng họ sẽ không ưng cái bụng đâu, ngàn đời nay nói đến cây lúa là nói đến nông nghiệp, đến nông dân, mà huyện người ta đang cần một cái gì gắn với công nghiệp hóa to to một tí để chứng minh là họ đang thoát khỏi nông nghiệp, tiến lên công nghiệp. Nhưng thôi, tôi sẽ chịu khó thuyết trình với tay Phó chủ tịch huyện, chắc là được vì đề tài nghiệm thu xong, họ cũng đem cất vào tủ khoá kỹ ấy mà.
- Giống như cái đề tài...Tài vội vã dùng lời, trong đầu hiện lên cái đề tài”Bụi khói công nghiệp” nằm trong đám giấy lộn của chị đồng nát.
- Nhưng còn cái này thì cậu không thể không sửa- ông giám đốc Sở đưa Tài trở lại hiện thực - Trong phần điều tra năng lực con người, cậu đưa ra con số 40% nghèo, 20% đói ăn là đi ngược lại với bản báo cáo thành tích của huyện là 45% số dân trong huyện đủ ăn, 33,8%% khá giả và giàu có.
- Nhưng đó là con số thật, nếu sai cứ kỷ luật cháu- Tài mím môi khẳng định.
- Tôi biết cậu rất trung thực nhưng trong khoa học còn có cả vấn đề chính trị. Con số của cậu dù đúng nhưng họ không chấp nhận và tất nhiên họ sẽ không rót tiền cho ta. Cậu ơi, thời buổi người khôn, của hiếm, cái tay Phó chủ tịch huyện ấy là bạn thân của tôi mà tôi cũng phải hoa hồng lại 50%; 50% còn lại cũng chỉ dám chi 30% cho nghiên cứu còn 20% chui vào phong bao cho Hội đồng nghiệm thu và bữa liên hoan vỗ tay. Cậu nghe tôi sửa lại số liệu kẻo mất miếng cơm manh áo của anh em trong cơ quan. Mỗi năm, ngân sách tỉnh chỉ nhỏ giọt cho Sở ta số tiền đủ cho trả lương cứng, điện nước, điện thoại, xăng xe, còn trăm thứ bà rằn phải chi, cậu hiểu cho tôi. Sau này nếu làm giám đốc Sở rồi cậu cũng phải lao vào vòng xoáy kiếm tiền để tồn tại chứ chả còn thời gian giành cho khoa học đâu!
Tài nói với ông giám đốc Sở, làm khoa học, trước hết phải trung thực, sau đó mới đến tài năng, nếu khoa học mà gian dối thì khi đem áp dụng trong thực tế nó sẽ gây nên hậu quả khôn lường, có thể biến một huyện, một tỉnh giàu có thành nghèo đói. Tài thà bỏ lên Hà Nội đi rửa bát thuê chứ quyết không làm khoa học giả dối. Ông giám đốc Sở chuyển sang giọng thân mật, ông bảo ông rất quí Tài không những về tài năng mà còn cả về tính trung thực, nhưng thời buổi này có tài mà sống thẳng thắn chỉ thiệt cái thân; Tài được tỉnh đãi ngộ, cũng không nên vin vào đó để sống. Tài nói rằng, người tài cần nhất có đất để dụng võ chứ không hẳn là bổng lộc. Hết tranh luận rồi đến thân mật nhưng chẳng bên nào chịu thua bên nào, cuối cùng cái đề tài nghiên cứu khoa học mà Tài tâm huyết được ông giám đốc Sở cất vào tủ. Tài buồn lắm, làm đơn xin thôi việc, trả lại nhà công vụ, trả lại xe máy, khăn gói ngược lên Hà Nội để tìm kiếm thời cơ phát triển tài năng.
Cuối năm, ông giám đốc Sở Khoa học đi Hà Nội để ôn thi nghiên cứu sinh, tuy ông đã có cửa đi hết ba mươi triệu nhưng môn tiếng Anh vẫn làm ông lo ngay ngáy. Ông nhờ người em họ kiếm cho một gia sư tiếng Anh cấp tốc, với điều kiện phải giỏi và biết cách dạy dễ hiểu, tiền nong không thành vấn đề. Người em bảo yên tâm sẽ giới thiệu cho ông một trí thức thất nghiệp, đang đi dậy tiếng Anh để kiếm sống, đáp ứng được yêu cầu của ông.
Buổi học đầu tiên, để lấy được cảm tình của thầy, ông giám đốc Sở pha hai ly cà phê để thầy trò nhâm nhi, trò chuyện, cà phê vừa pha xong thì có tiếng gõ cửa. Ông vội vã đi ra mở cửa, vừa trông thấy thầy gia sư, ông thốt lên: Cậu Tài
Vũ .Đảm
(vanvn.net)