15 thg 4, 2015

Phù Tang ký sự - Mai Phương

Văn hóa bài tiết

Chiếc xe bus lớn dừng lại ở một trạm nghỉ ven đường – một trung tâm thương mại – cho du khách tha hồ giải tỏa… tâm tư. Đoàn người khoan thai bước xuống, nam nữ thọ thọ bất thân, đủng đỉnh tiến đến mục tiêu. Vừa bước tới cửa vào của khu vực dành cho nữ, đột nhiên, du khách thuộc đủ mọi quốc tịch khựng lại, đứng dồn cục. Tất cả phương tiện truyền thông đồng loạt được giơ cao. IPhone, smart phone, camera ống kính dài ngắn hoặc đơn giản chỉ bé bằng lòng bàn tay, không cần khẩu lệnh mà cùng bảo nhau hoạt động.
Chuyện gì vậy? Một nhóm nữ sinh vừa chửi rủa tục tĩu xối xả, vừa đánh hội đồng điên cuồng một cô bé nữ sinh bạn chăng? Hay là mấy anh chàng đồng tính – qua kỹ nghệ thẩm mỹ hiện đại – đã biến thành những cô gái đồi núi chập chùng nóng bỏng, đang khoả thân diễu hành, biểu diễn thời trang không vải như trong một đám tang ở Việt Nam? À há, trật lất. Họ đang mắt chữ A miệng chữ O trước khung cảnh kỳ diệu: Một khu triển lãm nho nhỏ thật mỹ thuật với những đóa hoa cô dâu bằng lụa được kết và trình bày đẹp mắt, trưng bày trong những tủ kính bao quanh bộ sofa cho khách nghỉ chân sau hàng giờshopping rã rời. Vây quanh là hàng hàng lớp lớp những cánh cửa gỗ- màu gỗ nâu óng vàng đẹp mắt – thỉnh thoảng được hé mở, cho một phụ nữ khẽ khàng bước ra.
restroom1.jpg
shopping center? Photo: mp
hoacuoi.jpg
Những mẫu hoa cưới bằng lụa được trưng bày trong tủ kính. Photo: mp
Khu vực "triển lãm" choáng ngợp đó, thực chất, chỉ là nơi giúp khách vãng lai chờ đợi trong lúc đến lượt đi gặp… Bác.
restroom21.jpg
Rửa tay. photo: mp
img_2150.jpg
Dàn nút phục vụ mọi tiện nghi sau khi bài tiết.
Đến nước Nhật, ấn tượng đầu tiên của du khách là văn hóa bài tiết của người Nhật. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới – kể cả Mỹ – chú trọng và nâng cao công việc giải phóng chất thải; ) tầm thường cùng thô thiển của con người lên mức độ thưởng thức tuyệt đỉnh như dân tộc Nhật. Có ai đó đã viết, muốn biết trình độ văn minh và dân trí của một dân tộc thì cứ nhìn cái nhà vệ sinh của họ. Trên quan điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi biết rất rõ có một quốc gia tự hào là đỉnh cao chói lọi của loài người, lãnh đạo và người dân nước này cả ngày say sưa chạy theo những kỷ lục không nơi nào có (chẳng hạn kỷ lục cái gỏi cuốn dài nhất thế giới, hay tô hủ tíu [đổ đi] lớn nhất nước) – thì tình trạng nhà vệ sinh tại các trường học vẫn là mối ám ảnh kinh hoàng của những mầm non mà họ thường huênh hoang là đang trồng trọt. Thậm chí nhà vệ sinh ở những trung tâm du lịch, thay vì hút khách đến thì chỉ khiến du khách ra đi không hẹn ngày trở lại.
Năm 2009, khi máy bay quá cảnh ở phi trường Tokyo, tôi đã kinh ngạc khi lách vào cái phòng vệ sinh nhỏ tí xíu của sân bay. Dùng chữ “lách” quả không ngoa vì với thân hình đúng tiêu chuẩn trung bình của phụ nữ Á Đông cộng với một hành lý xách tay, tôi đã phải… lắc qua lắc lại mấy lần mới lọt được vào và đóng được cánh cửa của nhà vệ sinh. Thế nhưng cái bồn cầu chỉ được văn kỳ thanh qua tên “bồn cầu thông minh” mới thực là một kỳ quan thế giới. Bệ ngồi ấm áp đê mê (và tê tê). Những nút bấm bắt loạn bên tay phải với đủ loại ký hiệu dễ hiểu đủ khiến người thông minh trung bình thấp như tôi cũng biết cách điều khiển liền một khi. Trên đó là nhạc mọi kiểu, mọi thời đại: Beethoven, Jazz, Rock. Chỉ thiếu mỗi cải lương. Rồi những lựa chọn rửa ráy, hấp tẩy nỉ sẹc bàn tọa thần kỳ. Tại sao dân Nhật phải cầu kỳ thế nhỉ?
Đầu tháng Tư 2015, trở lại xứ phù tang để thưởng thức mùa xuân sang có hoa anh đào, tôi mới nghiệm ra tính “văn hóa cao cấp” của người Nhật. Từ khách sạn cho đến nhà vệ sinh công cộng đều nhan nhản những bồn cầu đem đến sự thư giãn và phục vụ tiện nghi cho con người. Người dân không phải trả tiền cho những dịch vụ này. Cũng không phải sắm nắm trong tay miếng giấy như ở Việt Nam hay Trung Hoa vĩ đại. Ở đây, tiếng nhạc giúp giảm thiểu những âm thanh khó nghe khi người ta bài tiết, đem lại sự thanh tịnh cho người hàng xóm cũng đang làm một chuyện tương tự: ). Khung cảnh của nhà vệ sinh khiến khách vãng lai mang cảm giác lâng lâng như đi ngoạn cảnh chứ không phải sắp sửa làm một chuyện cực kỳ phàm tục của loài người. Nét văn minh xứ người khiến tôi không khỏi nhớ đến những nhà vệ sinh thoải mái ở Việt Nam, nơi có gió vi vút chung quanh và người dân thì vô tư tưới cây hay thả bom. Nhớ cả những nhà vệ sinh lưng lửng trên sông, chỉ có 4 vách lá lãng đãng đủ che phần dưới khi người ta ngồi xuống. Nhớ cả cái con bé ngày nào đi ”thực tế” ở miền sông nước Cần Thơ. Mỗi lần ra sông, con bé phải cắp theo cái nón lá, ngượng nghịu rình rập lúc không có bóng thuyền… viễn xứ mới vội vàng ngồi thụp xuống, nón lá e thẹn che luôn mặt chữ điền. Yêu nhau cách mấy mà thấy nhau trong hoàn cảnh éo le này có lẽ chàng cũng phải chạy mất dép, nói chi đến chuyện có được âm nhạc phụ diễn để khỏi phiền lòng người hàng xóm!
img_2516.jpg
Vườn kính trước lối vào của một nhà vệ sinh công cộng nữ. Photo: mp
img_2520.jpg
Những cái bồn cầu thông minh và khung cảnh tao nhã, sang trọng cùng sạch sẽ của những khu nhà vệ sinh Nhật Bản nơi các tỉnh tôi đi qua khiến tôi thật chạnh lòng khi hình dung ra khuôn mặt Mẹ Việt Nam Anh Hùng trên tượng đài 410 tỷ đồng VN (hay 20 TRIỆU ĐÔLA) vừa được khánh thành ở Quảng Nam tháng trước.
tuongdai.jpg
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng khánh thành vào 24/3, 2015 tại Quảng Nam.
Người Nhật không có tượng đài Mẹ Japan Anh Hùng. Họ xây tượng đài vinh danh Samurai, những chiến binh với tinh thần Võ Sĩ Đạo nhân – trí – dũng.
samuraistatue.jpg
Tượng đài Samurai ở Tokyo. photo: mp
Họ không ăn mày quá khứ mà nhìn thẳng vào tương lai. Họ đầu tư vào những công trình phục vụ tối đa lợi ích người dân, không phải lợi ích nhà quan. Chỉ bằng hệ thống cầu tiêu công cộng thông minh (và khả ái; )), người Nhật đã chinh phục được sự ngưỡng mộ của du khách toàn thế giới.
Văn hóa Nhật không hụt hơi rượt theo kỷ lục nhưng bồn cầu Nhật Bản đã phá kỷ lục văn minh và văn hóa của mọi quốc gia. Hưởng tất cả những vinh dự đó chính là người dân Nhật. Sự lựa chọn thực tế và thông minh của một cường quốc Á Châu thông minh.
img_1917.jpg
“Bồn cầu thông minh” nhan nhản trên nước Nhật. Photo:mp
Việt Nam đang ở đâu trên bậc thang văn hóa thế giới?
restroom3.jpg
Có cả nôi em bé trong phòng vệ sinh. photo: mp
(còn tiếp).....
Lời người post bài: Thú thật minh rất "choáng" với những hình ảnh và bài viết của tác giã

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét