23 thg 4, 2015

Người Việt sợ "quê" - Nguyễn Tiến Huy

Người Việt sợ quê?


Theo quan sát của mình từ các hội nghị khoa học và từ nhóm nghiên cứu online ORC thì mình thấy rằng người Việt sợ quê hơn so với người Nhật.



Trong các hội nghị thì chúng ta rất ít dám phát biểu trong đó có lý do là sợ quê trước đồng nghiệp và sợ quê trước học trò. GS mà bị học trò chất vấn sai cái gì thì rất dễ nỗi nóng. Học trò thì cũng sợ quê nốt, sợ thầy chê mình kém, sợ đàn em không nể phục.

Cái tính sợ quê này không biết có phải do văn hóa từ xưa của ta hay không? hay do hệ giáo dục và truyền thông luôn cho rằng Thầy Cô và bề trên lúc nào cũng đúng. GS thì phải "cái gì cũng biết". Chính cái tính sợ quê này hạn chế sự phát triển của đất nước, cũng là lý do mà nghiên cứu khoa học của ta rất yếu.

Mọi người sợ quê nên không dám thảo luận, không dám làm gì hết. Thà mình ngồi chờ và coi người ta làm rồi rình mò xem chỗ nào người ta làm sai rồi mình cười người ta "à thế mà cũng làm", "sai be bét", "sao mà kém thế" v.v. Do đó chúng ta dễ dàng thấy VN ta người phản biện (nói) thì nhiều, còn người làm thì ít.

Nhìn qua các bác Nhật họ cũng tự cao và tự hào lắm lắm, nhưng họ không sợ quê tí nào. Bạn có thể dễ dàng nghe thấy từ các ông GS câu "tao không biết gì về thống kê, nên các bạn hỏi học trò BB của tao", "tao không rành về pharmacokinetic lắm, mày có thể hỏi Dr. A người chuyên về cái này trong nhóm", "cái này tao rất yếu nên tao chỉ hỏi câu hỏi phổ thông thôi", "tao không biết tí nào về lĩnh vực này, mày có thể giải thích thêm không?", "mày có idea gì để giải quyết giùm tao?". Trong nghiên cứu họ đi chuyên rất sâu vào một lĩnh vực hẹp mà không cần biết rộng rãi "cái gì cũng bác học" như quan niệm của dân chúng Việt Nam ta, do đó họ hoàn toàn nói thật về tình hình như thế. Nghe những câu như thế nhưng Sinh viên ta nhiều người lại tưởng bở rằng các ông Nhật này than họ kém và chê các ông ấy kém. Nhiều bạn cứ nói "Giáo tao không biết gì về cái tao làm, vì ông ấy chuyên về con vi trùng khác".Các bạn này không hiểu rằng mình muốn làm theo đúng chuyên môn của mình thì phải chấp nhận học sở đoản của người ta, tức là chủ yếu học về phương pháp và kinhnghiệm. của người ta. Còn lý do nữa là do các bác Nhật không sợ quê nên họ thu lượm (nói trắng ra là chôm) được idea từ người khác. Các bạn có thể thấy rằng người Nhật họ rất thích đi hội nghị là vì thế.




Đối với các bác Nhật này, họ chú trọng thực hành hơn lý thuyết, nhiều khi họ không cần cơ sở lý thuyết gì mấy mà họ cũng cứ làm, làm tới đâu sửa tới đó. Họ cũng không tự ái khi bạn là học trò mà chỉ ra cái sai của họ, vì tìm ra cái sai sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho họ. Không có ai mà không làm sai cả trừ khi mình không làm gì.

Tóm lại là các bạn làm nghiên cứu cứ mạnh dạn không sợ quê, ai cười thì người đó có giỏi thì làm thử xem? đặc biệt các bạn "giỏi có tiếng" hãy vứt bỏ cái máu sợ quê!


(từ FB;GĐ.Phan Lê)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét