30 thg 6, 2024

Chiều Quê & Đèn Khuya - Nguyễn Thị Châu


1./ CHIỀU QUÊ

Chiều quê êm ả cảnh hoàng hôn

Trời quê bàng bạc nắng chập chờn

Đáy nước soi hình mây lấp lánh

Cánh chim lạc lõng tiếng gọi đàn

 

Bâng khuâng đứng đợi hoàng hôn đến

Ngõ vắng bên nhà nhớ dáng ai?

Đường làng thấp thoáng, ai lẻ bóng?

Một mình đếm bước trên đường dài

 

Xa xa tiếng hát các  Mục đồng

Bầy Trâu nặng nhọc lội qua sông

Đàn Cò lặng hụp trên đồng vắng

Cất cánh bay về nẻo mênh mông

 

Hoàng hôn cảnh sắc ở giang đầu

Nhớ mái nhà tranh, cạnh bờ lau

Khói lam chiều tung bay khắp chốn

Chiều quê đẹp lắm, nay còn đâu…!!

26-6-2024

Nguyễn thị Châu


2./ ĐÈN KHUYA

Hiu hắt đèn khuya ánh chập chờn

Trong căn nhà nhỏ thấy cô đơn

Lác đác ngoài sân đầy lá rụng

Xào xạc cành khô như dỗi hờn

 

Năm tháng buồn vương trên khoé mắt

Chỉ biết ngồi khêu ánh nến tàn

Đêm đến rồi tàn, thêm tâm sự

Thao thức đêm dài giọt sương tan

 

Canh thâu tiếng gió gõ từng giờ

Đánh thức ai về trong giấc mơ?

Tiếng gà gọi sáng như than thở

Trăng còn thao thức, ánh trăng mờ

 

Nỗi buồn đêm vắng ai có biết…

Ôm nỗi cô đơn đau đớn lòng

Hiu hắt đèn khuya theo năm tháng

Mãi mãi cô đơn, sống long đong….!!!

26-6-2024

Nguyễn thị Châu


 Mời Xem :

THUỞ CÒN XANH , ,MƯA - Thơ Nguyễn Thị Châu

HOÀNG HẬU ĐẸP NHẤT ẤN ĐỘ VÀ NỖI ĐAU ĐẾN KHI QUA ĐỜI CŨNG KHÔNG NGUÔI

 Hoàng hậu Gayatri Devi nổi tiếng với vẻ đẹp hoàn hảo và là biểu tượng thời trang của Ấn Độ. Sau cái chết của bà vào năm 2009, công chúng được phen bàn tán xôn xao trước những lùm xùm về vấn đề thừa kế.


Cuộc sống vương giả kiểu mẫu


Gayatri Devi sinh năm 1919 tại thành phố London (Anh Quốc) và lớn lên ở Jaipur, thủ phủ Tiểu vương quốc Rajasthan ở phía Bắc Ấn Độ, trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc.

Cha bà là Hoàng tử Jitendra Narayan xứ Cooch Behar, Tây Bengal, và mẹ bà là Công chúa Indira Raje nổi tiếng xinh đẹp.

Devi thừa hưởng tính cách độc lập, mạnh mẽ từ mẹ và được nuôi dạy theo chủ nghĩa nữ quyền.

Ngay từ nhỏ, Devi là một cầu thủ Polo giỏi và cũng là một tay đua xuất sắc. Bà bắn hạ con báo đầu tiên trong đời khi chỉ mới 12 tuổi. Đó cũng là lúc bà gặp được người chồng tương lai, hoàng tử Sawai Man Singh II.

Sau khi kết hôn với Sawai Man Singh vào năm 1940, Gayatri Devi trở thành hoàng hậu ở Jaipur và giữ cương vị này đến năm 1970.

Đám cưới của bà được tổ chức trong suốt một tuần lễ, trở thành đại hôn lễ xa hoa nhất trong lịch sử Ấn Độ với những món quà mừng cưới trị giá hàng triệu USD như xe Bentley, ô tô thể thao hạng sang hiệu Packard hay cả một dinh thự nghỉ mát…
Hoàng hậu Gayatri Devi vốn nổi tiếng với vẻ đẹp hoàn hảo và là biểu tượng thời trang của Ấn Độ

Một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn

Vốn là người ủng hộ nữ quyền, năm 1943, Devi thành lập một trường học dành cho nữ sinh mang tên mình. Hiện nay, đây là trường học danh giá nhất Ấn Độ.

                                 Gayatri Devi và hoàng tử Sawai Man Singh II.
Năm 1947, Hoàng gia Ấn Độ chính thức mất toàn bộ quyền lực khi chính quyền tư bản giành được độc lập, bà Devi tham gia chính trường và là một nữ chính trị gia kiệt xuất.

Một trong những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời bà là vào năm 1962, lần đầu tiên, bà đã tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ.

Bà Devi đã giành chiến thắng áp đảo với số phiếu đồng thuận cao nhất thế giới, cũng chính là kỷ lục Guinness được thiết lập và giữ vững đến hiện nay.

Gayatri Devi được xem là nữ hoàng sắc đẹp của Ấn Độ thế kỷ trước. Bà có tên trong danh sách 10 người phụ nữ đẹp nhất thế giới do tạp chí Vogue bình chọn.

Cuộc đời bà pha trộn giữa lối sống cung đình hết sức tôn nghiêm ở Jaipur và phong cách hiện đại theo phương Tây với những chiếc máy bay riêng, các bữa tiệc cocktail linh đình và nhiều chuyến đi mua sắm thỏa sức ở trung tâm London (Anh).

Devi mang vẻ đẹp cổ điển song cũng là một biểu tượng thời trang của đất nước Ấn Độ hiện đại.

Trả lời tờ Thời báo Ấn Độ, Devi cho biết, bà tự tạo phong cách thời trang cho riêng bản thân và lấy một phần cảm hứng từ cách ăn mặc của mẫu thân của bà - người đầu tiên mặc áo sari bằng vải chiffons.

Devi tham gia chính trường và là một nữ chính trị gia kiệt xuất.

Cuộc tranh chấp tài sản ly kỳ

Báo chí địa phương cho biết, sau khi Devi mất, cánh cửa thông giữa hai tòa nhà đã được xây gạch bít kín. Đây là bằng chứng cho thấy, đại gia đình hoàng tộc đã bắt đầu nảy sinh những tranh chấp pháp lý phức tạp.

Đài BBC ước tính số tài sản bà Devi để lại có giá trị từ 200-400 triệu USD, trong đó có một số cung điện đã được chuyển thành khách sạn hạng sang.

Theo di chúc, hai người cháu nội của bà Devi sẽ là những người thừa kế số tài sản khổng lồ này, do người con trai duy nhất của bà đã mất từ năm 1997.

Vì thế, cái chết của hoàng hậu Ấn Độ đã châm ngòi cho vụ tranh chấp tài sản quyết liệt giữa 2 người cháu Devraj Singh, Lalitya Kumari với các hậu duệ khác của chồng bà.

Những người con riêng của Quốc vương Man Singh II cho rằng, di chúc được viết lúc người mẹ kế đã già yếu, đầu óc không minh mẫn và họ muốn được hưởng một phần tài sản.
Gayatri Devi được xem là nữ hoàng sắc đẹp của Ấn Độ thế kỷ trước, có tên trong danh sách 10 người phụ nữ đẹp nhất thế giới do tạp chí Vogue bình chọn.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã giữ nguyên phán quyết ủng hộ quyền thừa kế của hai người cháu.

Sau phán quyết, ông Devraj Singh cho biết, trong những năm qua, ông và em gái chỉ muốn đòi lại số tài sản của cha mình và không cần gì hơn.

Sự thật về "hoàng gia kiểu mẫu"

Gayatri Devi thực ra là người vợ thứ ba của Man Singh. Tước vị nhà vua Jaipur được truyền cho Bhawani Singh, con trai của bà vợ cả. Những chi khác trong dòng tộc này vẫn kiểm soát các hoạt động bất động sản ở Jaipur.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí trước đây, Devi tiết lộ rằng, Bhawani Singh đối xử với mình rất lạnh nhạt, đúng kiểu "mẹ ghẻ, con chồng".

Những thông tin này đối nghịch hoàn toàn với hình ảnh mà công chúng biết tới về gia đình hoàng tộc Jaipur.

Ảnh chụp Devi đang tập luyện bộ môn Polo.

Người ta luôn xem đó như một gia đình lý tưởng, không bao giờ tỏ ra trịch thượng hay phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo.

Đối với gia đình này, dường như không có sự phân biệt giữa các tầng lớp trong xã hội, rất khác so với gia đình Hoàng gia Anh hay gia tộc Kennedy đến từ Mỹ.

Thế nhưng trên thực tế, bất đồng và tranh chấp mang tính pháp lý đã liên tục xảy ra trong những năm cuối đời của Devi. Con trai bà từng xung đột với Bhawani Singh về quyền sở hữu một số tài sản và vụ việc phải đưa ra phân xử tại Tòa án tối cao.

Ngoài ra, vào năm 2006, người cháu trai Devraj đâm đơn kiện cho rằng, cổ phần của hai khách sạn lớn tại Jaipur của cha mình đã bị người chú Prithviraj thao túng.

Bất đồng và tranh chấp mang tính pháp lý đã liên tục xảy ra trong những năm cuối đời của Devi.

Cụ thể, cổ phần khách sạn cung điện Jai Mahal đã giảm từ 99% xuống còn 7%, trong khi cổ phần của ông Prithviraj đã tăng đến 93%.

Bản thân bà Devi cũng bất hòa với nàng dâu người Thái và bị cáo buộc là đã tìm cách giành lại số tài sản mà cô này được hưởng.

Tờ Deccan Herald từng có bài mô tả chi tiết cái chết của Jagat Singh và cho biết Devi, dù khi đó bị suy sụp hoàn toàn, đã tìm mọi cách ngăn không để con dâu và cháu nội được hưởng khối tài sản thừa kế.

Cái chết của hoàng hậu Ấn Độ Gayatri Devi đã vạch trần sự thật ít người biết về hoàng cung Ấn Độ, đằng sau sự xa hoa, lộng lẫy đó là một gia tộc đầy xung đột, mâu thuẫn, tính toán và tranh chấp.

PV (Theo Gia Đình

copy từ trang Lưu Khâm Hưng

29 thg 6, 2024

Bập Bềnh Nẻo Nhớ - Thơ Trần Văn Lương

Dạo:

       Xa nhau đã mấy mươi mùa,

Trăng treo nẻo nhớ, gió khua giấc buồn.

  

Cóc cuối tuần:

 

         Bập Bềnh Nẻo Nhớ

 

    Trăng méo mó rụt rè lắp bắp

    Giục tuổi già gấp gáp tìm nhau.

         Gật gù mái tóc trắng phau,

Lúng ba lúng búng nhai câu kinh buồn.

 

    Kỷ niệm bỗng trào tuôn như suối,

    Lòng thẫn thờ hối lỗi vu vơ.

         Vật vờ trôi giữa cơn mơ,

Ngu ngơ chẳng biết đang chờ đợi ai.

 

    Xưa xăm xúi miệt mài lối học,

    Có nào hay tuổi ngọc chóng qua,

         Đến khi chợt tỉnh giấc ngà,

Người em gái nhỏ đã xa ngút ngàn.

 

    Từ dạo đó quan san cách trở,

    Em bây giờ biết ở nơi đâu,

         Có còn thoáng nghĩ đến nhau,

Hay vô tình tựa vó câu cuối trời.

 

    Anh ở lại ôm đời lận đận

    Đã rập rình mấy bận tìm em.

         Nhưng khi phố xá lên đèn,

Vẫn hoài đối diện đêm đen một mình.

 

    Xưa nhút nhát làm thinh không nói,

    Khiến giờ đây tiếc nuối trễ tràng.

         Xa rồi một chuyến đò ngang,

Để ai bến cũ bàng hoàng nhớ thương.

 

    Nhớ áo cánh sân trường tiểu học,

    Nhớ đường về lóc cóc guốc vang,

         Nhớ đôi mắt thỏ dịu dàng

Xót xa nhìn xác lá vàng nằm phơi. 

 

    Nhớ nắng ấm của thời Trung học,

    Nhớ cổng trường mái tóc ai bay,

         Nhớ giờ tan học chia tay,

Nhớ khi hè đến loay hoay bước sầu.

 

    Nhưng định mệnh cơ cầu rẽ lối,

    Học nửa chừng em vội sang ngang.

         Trường xưa cây cỏ úa vàng,

Lối xưa phượng héo thành hàng lệ rơi.

 

    Nửa thế kỷ đường đời heo hút,

    Ngày tháng tày ngựa vút qua song,

         Một mình gối chiếc phòng không,

Phân vân chẳng biết lòng mong ước gì.

  

    Hiện tại đó chắc chi là thật,

    Quá khứ đà đánh mất từ lâu,

         Tương lai mãi tận đâu đâu,

Họa chăng còn có nỗi sầu này thôi.

 

    Câu kinh cũ về khơi nỗi nhớ,

    Khúc ca buồn cắc cớ hùa theo.

         Gió khuya khua nhẹ cánh bèo,

Chừng như thoảng tiếng đò chèo năm nao.     

                  Trần Văn Lương

                     Cali, 6/2024

 

ĐI KHÁM BỆNH _Đỗ Duy Ngọc

Dẫn :

Ngày mới làm quen với môn triết học, hắn chỉ học luận lý và đạo đức học. 
Môn đạo đức học chán lắm,  hắn chỉ nhớ vỏn vẹn một câu "con người là sản phẩm của xã hội".
Đọc bài viết "Đi khám bịnh" của ông Đỗ duy Ngọc; khi ông vào nhà thương một mình khám bịnh thì nghe những lời xì xầm bàn tán là con cái đâu không đưa cha già đi, người ta trách con cái ông vô tình...cái xã hội nước mình như thế, đi khác lại như ông là bị dèm pha.
Còn đời sống Âu Mỹ lại khác, xã hội được tổ chức cũng khác, người hiểu biết là phải biết thông cảm với con cái, không nên tạo khó xử cho con cái và ngay bản thân mình cũng thoải mái hơn. Con cái có sợ ba mẹ già chưa quen với tổ chức mới của bịnh viện đòi đưa đi để hướng dẫn lần đầu thì cũng tốt.
Có lần vợ hắn mắng đứa con thứ hai là không chịu học hành lớn lên cầm đàn đi ăn xin ở cầu La Batte". Đứa con út ôm mẹ nó mếu máo bảo rằng "không muốn chị Ba đi ăn xin ở đó đâu, con sẽ học thật giỏi đi làm, mua nhà cho chụi Ba ở chung, nuôi chị Ba không cho chị Ba ăn xin", mẹ nó mới hỏi "thế con có nuôi ba mẹ không", cháu trả lời rõ ràng "dạ không; hết chỗ rồi, ba mẹ già ba mẹ phải vào maison de repos chứ, mà con hứa sẽ thăm ba mẹ mỗi tuần".
Cháu còn đang học mẫu giáo, đã được giáo dục như thế, ảnh hưởng tổ chức trong học đường và xã hội tây phương như vậy.
Nếu cha mẹ hiểu được "con người là sản phẩm xã hội" thì đâu lấy gì phiền lòng mà đừng đòi hỏi con cái phải báo hiếu kiểu xã hội mà chúng nó chưa hề sống.
Hắn cũng chủ trương là khi không còn khả năng tự lập thì hai vợ chồng dắt nhau vào một viện dưỡng lão sống . Chắc cũng không lâu lắm đâu và lúc đấy Ara hết linh tinh chuyện ngắn chuyện dài với bằng hữu.
Ara

ĐI KHÁM BỆNH
 Đỗ Duy Ngọc  tháng 6 07, 2022

Ở nước ngoài, Mỹ, Pháp hay Nhật chẳng hạn, người già tự đi khám bệnh một mình là chuyện bình thường, rất bình thường. Chẳng ai lưu tâm, hỏi han tọc mạch về chuyện đó cả. Bởi con cái có công ăn việc làm của chúng, có gia đình của chúng phải lo, có con cái còn nhỏ của chúng phải chăm sóc. Khi đi khám bệnh, nếu còn đi được, chưa phải nằm băng ca cấp cứu, người già có thể tự lo cho bản thân mình mà chẳng cần ai phải trợ giúp. Đến bệnh viện, làm thủ tục, bác sĩ khám bệnh rồi ra về, chuyện đơn giản thôi mà.

Người Việt ta thì khác, khi cha mẹ đi khám bệnh, con cái phải đi theo, nhiều khi cả mấy anh chị em và cả cháu. Nếu không làm thế sẽ bị người đời dè bỉu là không chăm sóc cha mẹ. Bởi vậy nên phải xin nghỉ việc, bán hàng thì tạm đóng cửa hoặc giao nhờ người khác, con cái phải gởi cho người quen, hàng xóm trông giúp. Mà thật ra bệnh cũng chưa phải trầm trọng chi lắm, có khi chỉ là bệnh thông thường của người có tuổi khi trái nắng trở trời, nhưng đến bệnh viện phải có người hộ tống. Trong khi người già có thể đi một mình bình thường nếu quãng đường không xa lắm, xe cộ thuận tiện, và làm thủ tục bình thường mà không làm phiền đến con cháu. Nhưng những người chung quanh, kể cả những người xa lạ khi thấy cảnh một người già lụm cụm đi khám bệnh một mình thì cứ xót xa, xuýt xoa thương cảm. Người Việt ta hay thương vay khóc mướn thế đấy!

Tôi thường tự đi bệnh viện một mình lúc có bệnh trong người, thường là những bệnh không nguy hiểm. Khớp đau, đầu gối nhức, trong người hơi mệt, cảm cúm theo mùa ...và hôm nay là đau nhức răng suốt đêm không ngủ được. Tôi bị thoái hoá khớp hành gần tháng nay nên phải chống gậy, mới gọi xe bảo đi bệnh viện, chưa kịp leo lên đã bị anh xe ôm hỏi con cháu đâu mà đi một mình khổ thế? Tôi bảo chúng bận trăm công ngàn việc, đi một mình cũng có sao đâu? Đến cổng bệnh viện vừa tập tễnh bước xuống đi vào thì có một cậu trung niên đến đỡ lại xuýt xoa, bác ơi con cái đâu mà để bác đi một mình thế? Tôi đi lại hơi khó khăn nhưng rất ghét ai dìu mình, chỉ muốn tự mình đi, không muốn ai nâng đỡ cả. Đi đâu mà người nào dìu là tôi phản ứng ngay. Vào làm hồ sơ, cô y tá cũng lại bảo sao chú đi một mình thế, con cháu đâu cả rồi. Đến lúc về cũng thế, leo lên taxi hơi khó, thế là anh tài xế trách móc con cái không theo giúp cha mẹ, anh cho vậy là bất hiếu.

Bực mình ghê chưa. Tôi còn sức đi mà, tôi còn minh mẫn để điền hồ sơ mà. Còn nhớ có một lần tôi bị đau chân, đi rất khó. Hẹn bác sĩ 9:00, tôi đến đúng giờ nhưng từ chỗ gởi xe vào phòng khám mất một đoạn khá xa. Tôi lê từng bước từng bước thầm. Hết người này đến người khác đến muốn dìu tôi đi nhưng tôi từ chối tất. Ai cũng bảo, khổ thân ông cụ, con cháu đâu mà tội nghiệp thế kia. Tôi muốn cãi mà thôi, mỗi người mỗi suy nghĩ, phản ứng làm gì.

Đó cũng là hai thái độ khác nhau giữa người Việt và người phương Tây. Người nước ngoài xem đó là chuyện thường tình, khi ta còn làm được thì tránh phiền cho người khác. Còn người Việt ta cho đó là việc hiếu, con cái phải có trách nhiệm với cha mẹ. Suy cho cùng việc hiếu để nằm trong cách xử sự, trong hành vi, thái độ hàng ngày, trong lời ăn tiếng nói chứ nhiều khi không chỉ là sự chăm sóc đôi lúc không cần thiết. Khổng Tử đã từng nói: Nếu nuôi cha mẹ mà cho ăn lúc đói, đắp mảnh áo lúc rét thì có khác chi nuôi một con vật đâu. Cái chính là cái tâm của con cháu đối với cha mẹ chứ không chỉ là những chăm lo vặt vãnh hàng ngày khi người già còn tự mình làm được. Bởi thế, phương Tây cứ đến tuổi là vào viện dưỡng lão, có người chăm lo bữa ăn, giấc ngủ mà không làm phiền đến cháu con.

Theo tôi, tất cả tuỳ tâm, dung hoà giữa hai quan niệm, nếu con cái thấy có điều kiện để làm thì thuận theo chúng mà làm. Còn không, thì cứ việc ta ta làm, đường ta ta đi cho nó khoẻ, khỏi vướng bận đến ai.

Cấu trúc gia đình ngày xưa khác bây giờ, con cái, cháu chắt ở chung tam đại, tứ đại đồng đường. Làm nông là công việc chính nên việc chăm sóc, hiếu để với cha mẹ khác với thời nay. Bậc làm cha mẹ thời nay phải hiểu cho hoàn cảnh của con cái mà đừng bắt bẻ, yêu cầu chúng những việc không thuận cho sinh hoạt và công việc của chúng. Đó cũng là góp phần cho gia đình bớt xào xáo, phiền hà.

Khi con cái còn nhỏ, chỉ cần chúng húng hắng ho, chỉ cần chúng hơi sốt, hơi đau trong người, cha mẹ sẵn sàng đội nắng, đội mưa kiếm thuốc cho con. Bất chấp đêm hôm, sẵn sàng ôm con đến bác sĩ, đến nhà thương. Nhưng khi chúng lớn lên, trưởng thành, có gia đình sự nghiệp, cha mẹ muốn mở lời nhờ con đưa đi khám bệnh, nhờ mua viên thuốc, ổ bánh mì cũng ái ngại, rụt rè không dám mở lời, không muốn nhờ vả. Cuộc đời thế đấy, nước mắt chảy xuôi. Thôi thì cái gì ta tự làm được thì nên tự làm, sống như thế cho thanh thản, bình an trong tâm, khỏi phải phiền hà, trách móc thêm nặng lòng, tâm lại không vui.

6.6.2022

ĐỖ DUY NGỌC

 

 Xem Thêm : Ara Phát kể chuyện

28 thg 6, 2024

VƯỜN THƠ MỚI Kỳ 149- Bài Xướng : BóNG TÀ HUY ,Nguyễn Cang


Xướng:

Bóng tà huy

Chiều tàn  tóc xõa gió lay
Áo màu trinh nữ mây bay cuối trời
Lệ buồn nhỏ xuống tim côi
Trăng treo nửa mảnh chợt trôi bất thường
Mộng đời còn mãi tơ vương
Bóng người xa thẳm đoạn trường trong tôi
Biệt ly lòng những bồi hồi
Khung trời viễn mộng chia phôi khó về !
Nguyễn Cang  
June 17, 2024
Tà huy 斜暉 : bóng mặt trời ngã về phía tây

Đoạn trường 斷腸: cắt ruột 

Họa 1:

Hoài hương
Hàng cây đón gió lung lay,
Làn mây trắng mỏng nhẹ bay lưng trời.
Lạc đàn một cánh chim côi,
Năm dài ng rộng đời trôi theo thường.
Tơ lòng mấy thuở còn vương
Con đò, bến nước, mái trường làng tôi.
Hè sang ngắm phượng bồi hồi,
Tâm tư nào dễ phai phôi lối về.
Minh Tâm

Họa 2:

Tình quê
Sương mờ gió nhẹ lung lay
Lam chiều khói quyện tung bay khắp trời
Nhà tranh nơi chốn đơn côi
Nắng vàng lơ lửng mây trôi bất thường
Tình quê phong cảnh vấn vương
Lam giang đoản khúc can trường tim tôi
Ra đi nhất quyết tái hồi
Chén thù chén tạc hàn phôi lúc về
PTL
June 17, 2024
Lam giang đoản khúc : 1 bài hát ngắn tên "Đoản khúc lam giang 短曲藍江" trong cổ nhạc do soạn giả Văn Giỏi sáng tác năm 1976. Bài ca diễn tả tâm trạng buồn, ngậm ngùi, nghe đứt ruột.
Can trường 肝腸: ruột gan
Tái hồi 再回: trở về lại
Chén thù: rượu chủ mời khách
Chén tạc: rượu khách mời chủ
Hàn phôi 寒醅: rượu lọc

Họa 3:

Giấc mơ chiều
Đầu hè cơn gió nhẹ lay
Lá khô một chiếc lững bay giữa Trời
Thương cho cái kiếp mồ côi
Trần gian lẽ bóng nổi trôi vô thường
Chiều nay lòng chợt vấn vương 
Nhớ về chốn cũ dặm trường quê tôi
Bên tai tiếng gọi liên hồi
Hồn thiêng sông núi pha phôi trở về
THT

Họa 4:

Mây Vương
Sóng yên gió lặng chẳng lay
Bao con én liệng tung bay giữa trời
Đôi khi cảm thấy đơn côi
Như dòng sông nhỏ nước trôi vô thường
Chiều tàn nhìn áng mây vương
Thương cha nhớ mẹ dặm trường quê tôi
Tâm tư thúc giục liên hồi
Ngăn sông cách núi pha phôi nẻo về
Hương Lệ Oanh VA
June 17, 2024

Họa 5:

Chiều buồn

Gió sông cành liễu nhẹ lay,
Cánh diều giỡn gió lượn bay lưng trời.
Chơi vơi tiếng sáo đơn côi,
Con thuyền buông lái êm trôi bình thường.
Tiếng hò tha thiết vấn vương,
Gợi sầu sâu thẳm tình trường của tôi.
Kêu sương tiếng vạc từng hồi,
Chiều buồn chậm bước phai phôi lối về.
Mỹ Ngọc
June 19, 2024.

Họa 6:

Tiếng chiều vang


Chiều vàng trước gió lắt lay
Em bên hiên ngắm nhạn bay lưng trời
Chạnh lòng nhớ cảnh đơn côi
Bao năm viển xứ nổi trôi vô thường
Nắng nghiêng bóng trải lòng vương
Nao nao dạ khắc miên trường riêng tôi
Vạc kêu sương giục từng hồi
Người ơi xin chớ pha phôi cùng về.
TQ
Jun 20, 2024


Mời Xem :
 
 


 

DÙNG FACE BOOK THÔNG MINH.-Trần Phong Vũ


1. Người yêu : Nhiều bạn cho rằng khoe người yêu lên facebook để bạn bè “chứng nhận” tình cảm là một điều nên làm. Như vậy người yêu sẽ tin tưởng hơn và có bạn bè “làm chứng” thì khó chia tay hơn. Thực tế, bạn chỉ nên chia sẻ chuyện riêng tư cho những ai bạn thật sự tin tưởng. Còn nếu để chế độ “public” trên facebook thì không nên. Vì có thể vài người đang âm thầm muốn tìm cách chia rẽ tình cảm của 2 bạn đấy.
2. Tài sản : Hạn chế đăng các ảnh khoe tiền, nhà, sổ tiết kiệm… Bạn không biết được người khác đang có “mưu đồ” gì, đặc biệt là những người lạ trên facebook. Hơn nữa, hạn chế khoe cũng là cách tránh rắc rối vào mình. Bạn không muốn một ai đó mượn bạn một số tiền lớn, mà bạn thì “không thể không cho” vì đã trót khoe của ?
3. Thành tích: Bạn học giỏi thế nào, ra sao, có kĩ năng gì… Việc đó chỉ nên cho nhà tuyển dụng biết. Nếu bạn giỏi, bạn khoe, nhiều người sẽ soi mói, ganh tị. Bạn không giỏi, bạn khoe, bạn sẽ bị nói xấu mà không biết.
4. Quan điểm về người khác: Trên facebook, chỉ cần bạn đăng 1 câu bóng gió, hàng trăm người sẽ giật mình. Cho dù bạn có bực tức ai đi nữa, tốt nhất nên giữ trong lòng để tránh những bất hòa không đáng có.
5. Chuyện gia đình: Khi bạn nói những chuyện không hay liên quan đến gia đình, bạn cũng gián tiếp làm xấu mặt bản thân đấy.
6. Chuyện công việc, đồng nghiệp: Cho dù bạn có dùng biện pháp bảo mật đến đâu, thì những chuyện về công việc và đồng nghiệp luôn dễ khiến bạn bị mất việc nhanh nhất. Đồng nghiệp của bạn luôn có “tai mắt” khắp mọi nơi cho dù bạn có kết bạn với họ trên facebook hay không. Môi trường làm việc không lớn, nên chỉ cần bạn bóng gió, người trong cuộc vẫn có thể hiểu bạn nói gì. Cách tốt nhất là giữ kín hoặc chia sẻ trong group cá nhân mà thôi.
7. Đang ở đâu, làm gì, với ai: Chỉ nên ghi lên facebook sau khi bạn và người khác đã rời khỏi nơi đó. Không phải lúc nào cũng ghi lên facebook mọi hoạt động của mình. Người khác biết được bạn đang ở đâu, làm gì, cũng khá nguy hiểm.
8. Địa chỉ nhà, số điện thoại: Với những bạn buôn bán online, cách tốt nhất là dùng riêng 1 số điện thoại cho việc buôn bán. Nếu không có mặt bằng cửa hàng, cũng không nên cho địa chỉ nhà. Nếu đã lỡ cho địa chỉ nhà, thì không nên công khai ảnh cá nhân.
9. Không gian trong nhà: Khoe người lạ không gian trong nhà của bạn là một điều cực kì không nên. Biết đâu có kẻ đang đợi bạn vắng nhà để “đột nhập”, khi bạn vô tình tiết lộ không gian trong nhà có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi để tên ấy nảy sinh ý đồ xấu.
10. Cảm xúc tiêu cực: Người khác có thể vui lây với bạn, và cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực của bạn. Không ai thích đọc những dòng status sầu não, u buồn, trong khi nguyên nhân khiến bạn buồn có khi chỉ là những chuyện vặt vãnh.
Facebook hiện nay không còn được bảo mật nhiều như trước. Chỉ cần bạn sơ ý một chút, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là bạn.
 
TRẦN PHONG VŨ

Ảnh : Bằng TS Y Khoa thời VNCH

 

Chừng mực mới là cái ‘dũng’ của người quân tử

“Tửu cực tắc loạn, lạc cực tắc bi” – Chừng mực là cần thiết trong mọi khía cạnh của đời sống, không chỉ ở việc uống rượu.

Thời Tề Uy Vương, nhà vua thích những câu đố, tiếng lóng, ham mê khoái lạc, rượu uống thâu đêm, chẳng còn để ý gì đến chính sự. Có Thuần Vu Khôn nổi tiếng là người nói năng vừa lưu loát, sâu sắc, vừa hợp lý, có duyên, nhiều lần dùng lối nói bóng gió để can vua, giúp Tề Uy Vương quay về chính đạo.

Năm thứ tám đời Tề Uy Vương, Sở cất đại quân xâm phạm đất Tề. Thuần Vu Khôn đi sứ sang Triệu, vua Triệu giúp cho mười vạn quân tinh nhuệ, một ngàn cỗ xe nặng. Quân Sở hay tin, đang đêm rút lui. Tề Uy Vương mừng lắm, đặt tiệc ở hậu cung mời Thuần Vu Khôn đến uống rượu và hỏi:

“Tiên sinh uống độ bao nhiêu thì say?”. 

Khôn thưa: “Thần uống một đấu cũng say, một thạch (mười đấu) cũng say”.

“Tiên sinh uống một đấu mà đã say, thì uống sao nổi một thạch! Có thể nói cho biết như thế nghĩa là thế nào chăng?”. 

“Cho uống trước mặt Đại vương, có quan chấp pháp đứng cạnh, có quan ngự sử đứng sau, thần sợ hãi phủ phục mà uống, thì không quá một đấu là say ngay. Nhược bằng đấng thân có khách là ông lớn, thần xắn tay áo, khom lưng dâng chén mời khách, rượu sót chén, rơi rớt nhiều, chốc chốc lại đứng dậy nâng chén chúc mừng, thì không quá hai đấu là say. Nếu là chỗ bạn bè giao du, lâu ngày không thấy mặt, bỗng được gặp nhau, vui vẻ ôn chuyện cũ, cùng nhau thủ thỉ câu tâm tình, thì uống năm sáu đấu có khi say liền. Đến như trong làng, trong xóm hội họp đánh chén với nhau, trai gái ngồi lẫn lộn, khề khà chén chú chén anh, bất chấp cả giờ giấc, tụm năm tụm ba, ngả ra cờ bạc, đánh “đầu hồ”, nắm tay nhau, không phạt, trừng mắt nhìn, không cấm, phía trước có hoa tai đánh rơi, đằng sau có trâm cài để rớt, ở trong cái cảnh tượng mà Khôn tôi trộm lấy làm thích thú đó, Khôn tôi có thể uống chừng tám đấu mà cũng chỉ mới say hai, ba phần. Trời chiều rượu tàn, dồn những chỗ rượu sót chén lại, túm tụm ngồi với nhau, trai gái chung chiếu, giày guốc lẫn lộn, mâm chén lung tung, trên thềm nến tắt, chủ nhân giữ thần và tiễn khách, áo cánh lụa mỏng rơi ra, hơi hương nồng thoảng ngát, lúc đó, lòng thần rất vui, có thể uống được một thạch. Cho nên nói rằng: “Tửu cựu tắc loạn, lạc cực tắc bi” (nghĩa là rượu uống tận độ thì sinh bậy, vui đến tận độ thì sinh buồn). Vạn sự đều như thế cả”.

Tề vương nói: “Phải”.

Và bãi các tiệc rượu thâu đêm, dùng Khôn làm quan phụ trách việc giao tế, tiếp đãi tân khách chư hầu. Mỗi lần nhà vua thết tiệc, Khôn thường ngồi bên.

“Uống rượu không say bậc anh hào” (Tô Đông Pha).

***

“Tửu cực tắc loạn, lạc cực tắc bi”, từ chuyện uống rượu mà suy rộng ra vạn sự trên đời đều không nên vô độ. Trong Luận ngữ – Hương đảng viết: “Duy tửu vô lượng bất cập loạn” (Uống rượu đủ lượng không để bị loạn tính). Tô Đông Pha cũng viết: “Uống rượu không say bậc anh hào”. Biết giữ chừng mực là biểu hiện của chí khí anh hào, của hàm dưỡng nội tâm, chứ không như quan niệm biến dị cho rằng “không say không về” mới là “quân tử”.

Chừng mực là cần thiết trong mọi khía cạnh của đời sống, không chỉ ở việc uống rượu. Trong quan hệ vợ chồng, quá thân mật sẽ sinh ra khinh mạn suồng sã. Sử học gia Huệ Ban viết: “Một khi sự việc cợt nhả phát sinh, thì lời nói nhất định vượt quá chừng mực. Lời nói quá đi, phóng túng buông thả được dịp phát sinh, cách nghĩ vũ nhục đối với người chồng sẽ nảy sinh, ấy là bởi không biết duyên cớ về có chừng mực vậy”.

Trương Trạm, một vị quan Đại tư đồ thời Đông Hán là người đoan chính, hết mực tôn trọng lễ tiết. Ra ngoài, ông đi đứng nói năng chừng mực, ăn mặc phù hợp, tuân theo lễ nghi. Ở nhà, mọi cử chỉ lời nói ông đều giữ lễ cẩn thận và trang trọng. Có người bảo ông không tự nhiên, đạo đức giả. Trương Trạm nghe thế thì cười, nói rằng: “Ta thật sự là không tự nhiên, người khác không tự nhiên là để làm việc xấu, ta vì hành thiện mà không tự nhiên, chẳng lẽ không được hay sao?”.

Làm thế nào để không bị quá đà thất lễ, giữ gìn vững chắc chừng mực đây? Sử học gia Huệ Ban cho rằng: “Người trường kỳ gìn giữ sự cung kính sẽ biết có chừng mực, khoan dung với người khác, đã thiện lại cung kính”. Cung kính là gốc, chừng mực là ngọn. Chừng mực mà không cung kính thì không giữ được lâu bền; thực lòng cung kính thì không cần cố tỏ vẻ cũng tự nhiên trở nên chừng mực.

Mối quan hệ dựa trên sự khoan dung và tôn trọng chắc chắn sẽ hạnh phúc và lâu bền.

Bậc trí giả nghĩ gì, nói gì, làm gì cũng đều có chừng mực, kỳ thực ấy chính là cái Dũng tự khắc chế bản thân, bồi dưỡng Thiện tính, giữ cho mình luôn ở trong Đạo.

Thanh Ngọc(DNK.News )


27 thg 6, 2024

BẬN BỊU TUỔI GIÀ - Thơ Thanh Hòa và 19 Bài Họa


 BÀI XƯỚNG

BẬN BỊU TUỔI GIÀ

Vừa rạng ban mai, chừ đã tối,

Mà sao tất tả, ngày qua vội.

Nghỉ hưu cứ ngẫm lắm an nhàn,

Về già từng suy nhiều rảnh rỗi

Chi chít ngày giờ... bác sĩ thăm

Chia lia du lịch... nhân viên gọi.

Lo làm hậu sự trước * cho xong,

Tránh cảnh ma chay nhiều rắc rối!

 Thanh Hoà.

 11/06/2024

*préarrangement


Thơ Họa:

  1./ ĐỌC THƯ BẠN 

Thư đọc lúc trời đang sập tối

Ngoài hiên chim hót tiếng rơi vội

Đường trường thăm thẳm vợi vời mong

Mộng mị mơ màng  ngơ ngẩn rỗi

Thì vẫn nhớ câu thân ái chờ

Lại càng thương giọng thiết tha gọi

Hỏi thăm sức khoẻ có bình an

Đã khiến lòng bâng khuâng, bối rối ...

Rancho Palos Verdes  11 - 6 - 2024

CAO MỴ NHÂN

 

2./ MUÔN ĐIỀU XEM NHẸ

Thời gian vùn vụt dù mau tối

Thủng thỉnh mà đi đừng có vội

Cắm lọ hoa hường quá thảnh thơi

Biên dòng mực tím sao nhàn rỗi

Áo dài yểu điệu lắm lần soi

Giọng nói chân thành bao kẻ gọi

Tuổi hạc từ nay chỉ thế thôi

Muôn điều xem nhẹ đâu gì rối!

 Như Thu

06/11/2024

 

3./ GỘI LÒNG TUỔI GIÀ

Ngày chưa mấy việc, ô đà tối

Gân cốt già nua đâu thể vội

Chén rượu mềm môi, giấu nỗi sầu

Ván cờ dở nước, vầy cơn rỗi

Gắng đi hết trọn quãng trần ai

Cố gỡ cho xong nùi nợ rối

Cát bụi mong sao rũ sạch lòng…

Cười vui thanh thản khi Trời gọi…

CAO BỒI GIÀ

  11-6-2024

 

        4./  ẨN SĨ

Hoàng hôn mờ ảo trời dần tối

Thoi thóp nắng chiều đêm xuống vội.

Lửng thửng trên đồi bóng nguyệt lan

Rộn ràng dưới lũng nai bầy gọi.

Mái nhà lặng lẽ gió mưa an

Ẩn sĩ thảnh thơi ngày tháng rỗi.

Tự tại an nhiên đẹp tuổi vàng

Nhẹ nhàng mọi sự tâm không rối.

 Mailoc

06-11-24

 

 5./  ĐÊM Ở XÓM QUÊ

Ánh đèn nhòa nhạt soi vào tối

Trước ngõ lờ mờ ai bước vội

Xóm nhỏ đường khuya bóng đổ dài

Nông nhàn tháng quạnh đêm về rỗi

Nằm nghe sóng biển nhớ trăng gào

Đứng ngó thu phong sầu lá gọi

Chợt thấy mình như khúc gỗ mềm

Buồn vui đẽo gọt thành con rối…

Lý Đức Quỳnh

   12/6/2024


 6./ TRƯỚC LÚC MƯA GIÔNG

Mây đen kéo đến, trời sầm tối

Gió thổi ào ào như réo gọi

Cây cối ngả nghiêng tựa sóng nhồi

Lá cành rũ rượi dường tơ rối

Lấn chen, xe cộ phóng điên cuồng

Hối hả, bộ hành qua nóng vội

Mong kịp về nhà trước lúc mưa

Mọi người tất bật nào ai rỗi.

   Sông Thu

( 12/06/2024 )

 

7./ TUỒI GIÀ VỚI THỜI GIAN

Vừa tờ mờ sáng giờ dần tối

Chạy với thời gian lòng bối rối

Việc nước còn đang lúc bỏ bê

Chuyện nhà hẹn lại khi nhàn rỗi

Ai kêu ,thủng thẳng chẳng đi nhanh

Kẻ hối , nhẹ nhàng không bước vội

Gà lão an tâm đứng xếp hàng

Tới phiên sẽ có người kêu gọi

Songquang

20240612

 

8./ TRẺ LÀM - GIÀ ĐUỐI

Tuổi trẻ bôn ba mày mặt tối

Ham làm bận rộn, cơm và vội

Tiền dành tiết kiệm, sắc xanh xao

Bạc dụm tiêu dùng, già tẻ rỗi

Tính sẵn muôn bề, sức lụi tàn

Lo xong mọi việc, đất chờ gọi

Cho nên, chớ nghĩ đợi về hưu

Chân yếu, mắt mờ, lòng rắm rối.

     LAN

(12/06/2024)

 

9./ GIÀ HƯU QUÁ RẢNH

Chẳng bận thì ngày cũng sáng tối

Vô tư giấc ngủ đêm đi vội

Cuộc đời trống rỗng tuổi về hưu

Có biết làm gì hết cái rỗi

Moi chuyện bá vơ lại bực mình

Nhớ rồi điện thoại lấy ra gọi

Hay ngồi youtube xem phim tình

Không sướng hay sao lại muốn rối!

Hải Rừng

12/6/2024

 

    10./  ĐẾN LÚC 

Nhanh chậm thưa dày, trời cũng tối

Vòng quay vẫn thế nào đâu vội

Nhẹ nhàng nhịp gõ, ngỡ tâm yên

Thì thầm mưa hát, tuồng cứu rỗi

Hời hợt lời khuyên, bệnh viện réo

Thương xuyên đây đó, sông hồ gọi

Vui đi chớ nghĩ ngợi âu sầu

Đến lúc xuôi tay thôi bối rối !

PHƯỢNG HỒNG

 

11./ AN NHÀN TUỔI HẠC

Ngày Đông ngắn ngủi trời mau tối,

Gối mỏi chân run đừng bước vội.

Trống gậy xem hoa lúc thảnh thơi,

Xe lăn kiếm bạn khi nhàn rỗi.

Tuần trà buổi sáng đợi sương tan,

Thiền định canh khuya chờ giấc gọi.

Tiếng nhạc vần thơ thưởng nguyệt đêm,

An hòa tận hưởng đừng ren rối.

 Mỹ Ngọc

June 12/2024

 

  12./  TUỔI HOÀNG HÔN

 Loay hoay chút việc trời nhanh tối

Chiếc bóng thời gian đà quá vội

Lẽ bởi lo chồng chẳng thảnh thơi

Vì do giữ cháu không nhàn rỗi

Luôn thăm bệnh viện thuốc men chờ

Mãi viếng nhà thương y tá gọi

Chậm chạp đi quanh giúp ít nhiều

Thân già lẩm cẩm đầu hay rối

      Minh Thúy Thành Nội

Tháng 6/11/2024

 

13./ GIÀ CŨNG KHÔNG RẢNH

Rảnh đâu xướng họa thơ trời tối…!

Rữa chén, trả Bill đêm xuống vội…!

Cứ tưởng hồi hưu anh sẽ “nhàn”

Chẳng hay nghỉ việc em nào rỗi…!

Văn phòng y sĩ luôn đi thăm…

Chuông điện thoại nhà nghe hẹn gọi

Hậu sự lo toan cho sớm xong

Đám ma cám cảnh thường hay rối

     MAI XUÂN THANH

Silicone Valley June 12, 2024

 

 14./   CHUẨN BỊ TUỔI GIÀ

Vạt nắng vừa phai trời chợt tối

Màn đêm buông xuống sao mà vội

Ông xem sách báo cũng đành vui

Bà luận văn thơ nào muốn rỗi

Cháu vẫn lo toan há cậy nhờ

Con hằng bươn chải đâu kêu gọi

Vô thường chỉ một sát na thôi

Thanh thản an nhiên đừng bối rối

ThanhSong ntkp

CA. June/13/2024



15./ QUẲNG GÁNH LO ÂU

Đã biết cớ sao lòng vẫn vội

Thời gian vun vút ngày rồi tối

Sương hàn lão hạc chẳng công lo

Gió rét thân già luôn việc rỗi

Rượu chát đầy ly bạn quí thăm

Trà thơm lưng bát người yêu gọi

Bình tâm hạnh phúc hưởng sum vầy

Bận nghĩ thêm nhiều càng rắm rối

   Hưng Quốc

Texas 6-13-2024

 

16./ LỜI CỦA MẸ

    (Vận trắc)

Mèo con! Me hiểu trời mau tối

Hãy nán vài giây đừng bước vội

Tuổi lão… chờ con dạ đẫm buồn

Tâm già… ngóng cháu lòng thêm rối

Thì thầm với mụ thủa vào yêu

Thỏ thẻ cùng ta thời biết gọi

Hạnh phúc là đây ánh mắt nồng

Cho nhau ấm áp khi nhàn rỗi!

Thy Lệ Trang

 

    17./ NGÀY DÀI

Hưu hỉ ngày dài chiều-sáng-tối

Làm sao đầy hết? Than chi vội

Văn chương, thơ phú phải nghĩ suy

Mạt chược, tổ tôm đâu lúc rỗi

Phây búc, nhà thương chẳng dám quên

Mở meo, nấu cháo phôn luôn gọi

Trăm năm lo lắng chỉ khổ thân

Tận hưởng sức lành không bối rối!

Lộc Bắc

 Jun24

 

  18./   BẬN BỊU TUỔI GIÀ

Như thoi ngày tháng sáng chiều tối,

Thắm thoát thời gian sao qúa vội.

Những tưởng văn thơ sẽ thảnh thơi,

Nào hay thi tứ không nhàn rỗi.

Gieo vần tìm ý chửa  làm xong,

Phiếm luận Đường thi đà réo gọi.

Giai thoại văn chương lục lọi tìm,

Về hưu lại bận hơn con rối !

Đỗ Chiêu Đức

 06-15-2024

 

      19./  MẶC KỆ

Cắt cỏ chưa xong chiều sụp tối

Tháng ngày nhanh quá! Ôi sao vội

Quay đi ngó lại chữa an nhàn

Bước tới nhìn lui nào được rỗi

Bạn nhắc: ừ sao you hứa lèo?

Con cười: chờ mãi mẹ quên gọi !

Thời gian tuần tự xuân rồi hè

Mặc kệ! Xua đi đừng… bối rối

Kiều Mộng Hà

 june16.2024