28 thg 10, 2018

VỀ THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA - Lê Thanh Hoàng Dân


Thời tuổi trẻ tôi học nhiều trường Trung Học khác nhau ở Sài Gòn, Taberd, Pétrus Ký và Chasseloup Laubat. Tôi học lôi thôi, nên phải đổi trường hoài. Mấy năm trước về thăm lại quê hương, tôi đã thăm lại trường cũ, cảm động nhiều. Bài này nói về trường Trung Học Pétrus Ký.
Thời Pháp thuộc, sau khi Pháp chiếm miền Nam làm thuộc địa, họ đã xây 3 trường Trung Học lớn ở đây: Chasseloup Laubat, Gia Long và Pétrus Ký. Lúc ban đầu, trường Chasseloup Laubat có tên Collège Chasseloup-Laubat, sau nầy đổi tên thành Jean Jacques Rousseau, và hiện là Lê Quí Đôn. Trường Nữ có tên Collège de Jeunes Filles Indigènes, sau đổi tên Gia Long thời Việt Nam Cộng Hòa, và bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai, sau   năm 1975. Bà là tình nhân của Lê Hồng Phong, có người nói là vợ nhưng không có chứng chỉ hôn thú. Trường thứ ba là trường Pétrus Ký, sau năm 1975 đổi tên thành Lê Hồng Phong.
Trường Pétrus Ký được xây dựng từ năm 1925. Kiến trúc sư người Pháp tên Hebrard de Villeneuve được giao nhiệm vụ vẽ đồ họa xây cất cho trường này. Năm 1927 chánh quyền thuộc địa quyết định mở trường này như một chi nhánh của trường Chasseloup Laubat, dành cho người dân bản xứ. Lúc đó trường này lấy tên Collège de Cochinchine. Năm 1928 Thống Đốc Nam Kỳ tên Blanchard de la Brosse, đã chánh thức đặt tên trường này là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký.
Thời độc lập sau năm 1954, miền Nam có nhiều trường Trung Học, nhưng trường Pétrus Ký vẫn giữ địa vị, là một trong những trường lớn và học sinh ưu tú nhất miền Nam. Muốn vô học trường này phải qua một kỳ thi tuyển rất khó, chỉ những thành phần ưu tú nhất mới được chấp nhận. Thời Cộng Sản cũng vậy. Do đó nhiều công dân thuợng đẳng đất nước Việt Nam thường tốt nghiệp trường này.
Tôi trở về thăm lại trường xưa như một kẻ trộm đứng nhìn từ bên ngoài trường, như chàng trai si tình mang tên Điệp đứng nhìn trộm cô Lan, ở cổng chùa. Tuy nhiên một vài giây phút trở lại nơi chốn cũ, ở đó tôi đã có nhiều năm tháng vô tư hạnh phúc, cũng đủ thấy lòng vui vui.
Tôi cầu mong thế hệ Lê Hồng Phong trẻ sau này sẽ nối tiếp truyền thống các đàn anh Pétrus Ký ngày xưa, trở thành những người hữu ích trong xã hội. Các bạn còn nhớ bài Tiếng Gọi Công Dân, quốc ca của miền Nam không? "Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi...?” Tác giả bài ca này là Lưu Hữu Phước, cựu học sinh Pétrus Ký. Lam Phương, một nhạc sĩ lớn của miền Nam cũng là cựu học sinh ở đây.
(Trích "Về thăm lại quê hương Quyển 1: Thành phố Sài Gòn". Bản thảo này sẽ còn sửa chữa nhiều lần trước khi xuất bản. Các bạn đang theo dõi Phần 1 của sách: Đi tìm Sài Gòn xưa.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét